Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính quyền thành phố có lắng nghe nguyện vọng của người dân ? (RFA, 16/10/2018)

Nhà hát, quảng trường Thủ Thiêm

Chiều ngày 16 tháng 10, trong buổi bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm là đúng theo quy định và đúng theo kế hoạch đã đề ra cách đây 25 năm. Vẫn theo ông Nhân, bây giờ mới bắt đầu xây dựng là đã trễ đi so với kế hoạch được đề ra vào năm 1993.

thuthiem1

Người dân trả lời phỏng vấn Đài RFA. RFA

Trước đó, vào ngày 12 tháng 10, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’, với tổng kinh phí lên đến 2.000 tỷ đồng.

Mặc dù dự án xây dựng Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua vào ngày 29/10/2012, nhưng kiến nghị đặt tên thành Quảng trường Hồ Chí Minh được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 12 tháng 10 vừa qua lại khiến dư luận thêm xôn xao.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một người dân bày tỏ bức xúc :

"Bây giờ dân còn đương khó khăn quá trời, đi vay nợ các nơi các nước mà sao còn bỏ tiền ra làm cái đó. Đi vay tiền các nước rồi mắc nợ đầy, mai mốt rồi con cháu trả".

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lại cho rằng những dự án này là hoàn toàn phù hợp với đà phát triển của thành phố, tuy nhiên cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp:

"Tôi nghĩ rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những việc ấy Việt Nam nên có nhưng mà trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp chứ chưa phải là lớp giữa nữa cơ".

Đồng tình với Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc xây dựng Nhà hát giao hưởng và Quảng trường Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề rất phức tạp :

"Vấn đề hiện nay là trong các ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Mà cơ sở hạ tầng chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, những cái đó cấp bách hơn rất nhiều. Còn bây giờ một cái quảng trường như thế trong bản thiết kế thì được, nhưng đưa ra để xây dựng ngay thì cần phải tính toán vì bây giờ còn rất nhiều ưu tiên, mà hơn nữa bây giờ đang là vấn đề về tranh chấp đất đai nữa".

Tuy nhiên, theo lời Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi họp chiều ngày 16 tháng 10, việc xây dựng nhà hát mà mọi người phản đối chỉ tốn kinh phí 1.500 tỷ đồng, tương đương với 4% tiền xây dựng bệnh viện, trường học trong 5 năm qua là 34.000 tỷ đồng. Do đó, xét trên tổng thể thì việc xây nhà hát là điều nên làm vì hiện nay, chỉ duy nhất Nhà hát Thành phố có chức năng một nhà hát đúng nghĩa.

"Thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông"

Trả lời truyền thông trong nước về dự án nhà hát giao hưởng, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Lâm Danh cho biết sở dĩ chọn Thủ Thiêm để xây vì thành phố đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm.

thuthiem2

Phối cảnh Quảng trường Hồ Chí Minh. Courtesy of Báo xây dựng

Giải thích rõ hơn về phát biểu này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nhận định thành phố Hồ Chí Minh phải bước sang sông :

"Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là thành phố một bên sông, thế nhưng các nước phát triển bao giờ nó cũng ở hai bên sông. Sở dĩ chưa sang sông được vì công trình hạ tầng chưa đáp ứng được. Bây giờ Thành phố Hồ Chí Minh đã làm được một số cầu, một số hầm qua sông rồi, thì phát triển bên kia sông, chuẩn bị một khu vực như vậy cũng là cần thiết. Bởi vì theo tôi hiểu qua sông thì tiện hơn là mở rộng lên Củ Chi, Cần Giờ theo tôi không phù hợp. Trong khi đó phía đối diện trung tâm nay lại có một khoảng đất rộng, tại sao không làm ?".

Điều này được nhiều người nhận xét là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, địa điểm Thủ Thiêm và thời điểm công bố dường như chưa hợp lý vì theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Thủ Thiêm đang gặp vấn đề về giải tỏa đền bù, vấn đề về quyền của người dân. Tính đến nay, thành phố vẫn chưa đưa ra những phương án đền bù thích hợp cho những người dân bị giải tỏa tại khu vực này.

Trước đó, vào ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan đến đền bù và quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, khoảng 14.600 hộ gia đình với hơn 60.000 người dân gốc ở Thủ Thiêm đã bị ảnh hưởng vì quy hoạch giải tỏa xây dựng khu đô thị này từ suốt 20 năm qua vẫn chưa nhận được phương án giải quyết thỏa đáng.

Ý kiến người dân có được lắng nghe ?

Trên trang web của Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài thông tin quy hoạch về Quảng trường trung tâm tại Thủ Thiêm vào năm 2012 có đăng tải nội dung: Nhiệm vụ được tổng hợp dựa trên sự góp ý của các Sở - Ngành - Ban - Hội - Viện và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan (khoa học xã hội, môi trường, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch…) dựa trên khảo sát ý kiến của người dân năm 2008.

Nhiều người dân tỏ ra bất bình khi đọc được thông tin này, vì theo bài báo thì ý kiến này đã lấy từ cách đây 10 năm trước, nhiều người còn bày tỏ thắc mắc không biết ý kiến này từ đâu ra như lời một người dân ở Thủ Thiêm :

"Ở đây chính quyền địa phương đâu có báo gì với dân, cái đó là chính quyền tự người ta làm chứ người dân có biết đâu".

Một người dân khác qua việc này cũng bày tỏ thất vọng đối với bộ máy điều hành :

"Không lẽ nói Quốc hội bù nhìn, tự tung tự tác, không hỏi qua nhân dân coi mình thay mặt nhân dân mà mình thông qua, người dân không biết gì hết, để cho người ta phản đối. Rõ ràng là mấy anh tự tung tự tác rồi !".

Những dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là trường hợp đầu tiên người dân lên tiếng phản đối vì không hợp lòng dân. Điển hình như những cuộc biểu tình tại những trạm BOT đặt sai vị trí, những buổi tập trung trước cổng các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được phép hoạt động…

Hầu hết những người dân tham gia phản đối khi được hỏi đều cho biết, nếu chính quyền biết lắng nghe hơn, biết điều chỉnh cho hợp lý hơn, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ một người dân ở Sài Gòn cho rằng lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, quyết định vẫn là từ phía nhà nước, ý kiến người dân vẫn chưa được lắng nghe, hoặc có nghe nhưng chỉ để đó và không áp dụng sửa đổi.

*************************

Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ việc xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm (RFA, 16/10/2018)

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm là đúng theo quy định và đúng theo kế hoạch đã đề ra cách đây 25 năm.

thuthiem3

Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. AFP

Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào chiều 16 tháng 10, trong buổi bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, những luồng ý kiến trái chiều về việc xây dựng nhà hát là do phía chính quyền không cung cấp đầy đủ thông tin.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc xây dựng nhà hát chỉ tốn kinh phí 1.500 tỷ đồng, tương đương với 4% tiền xây dựng bệnh viện, trường học trong 5 năm qua là 34.000 tỷ đồng. Do đó, xét trên tổng thể thì việc xây nhà hát là điều nên làm vì hiện nay, chỉ duy nhất Nhà hát Thành phố có chức năng một nhà hát đúng nghĩa.

Theo truyền thông trong nước, dự án nhà hát giao hưởng được đề ra vào năm 1993 và quyết định xây ở số 23 Lê Duẩn, quận 1. Sau đó, thành phố bán đấu giá khu đất này và đóng vào nguồn ngân sách thành phố để chi cho việc xây dựng nhà hát mới.

Đến tháng 5 năm 2009, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định dời sang công viên 23/9. Nhưng từ năm 2010-2012 thì dự án nhà hát giao hưởng được quyết định chuyển sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trả lời truyền thông trong nước, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Lâm Danh cho biết sở dĩ chọn Thủ Thiêm để xây vì thành phố đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm. Ông cũng cho biết tiền xây nhà hát được lấy từ tiền đấu giá khu đất trên đường Lê Duẩn.

Trước đó, vào ngày 21/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí đã họp báo thừa nhận trách nhiệm và những sai phạm liên quan đến đền bù và quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa đưa ra những phương án đền bù thích hợp cho những người dân bị giải tỏa.

Đã có khoảng 14.600 hộ gia đình với hơn 60.000 người dân gốc ở Thủ Thiêm đã bị ảnh hưởng vì quy hoạch giải tỏa xây dựng khu đô thị này từ suốt 20 năm qua.

********************

Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng (RFA, 16/10/2018)

Lãnh đạo đảng của thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng.

thuthiem4

Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ cán bộ lãnh đạo trên không gian mạng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị (ảnh : Bảo Nghi)

Đề nghị này được đưa ra bàn tại Hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh khóa 10 diễn ra vào sáng ngày 15/10.

Báo Thanh Niên trích thông tin từ cuộc họp cho biết Đảng ủy Quân sự thành phố và Đảng ủy Công an thành phố căn cứ luật và quy định của Chính phủ, của ngành phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng, đặc biệt là bảo vệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của thành phố và cán bộ diện Trung ương quản lý.

Quốc hội Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua đã thông qua Luật An ninh mạng sẽ đi vào hiệu lực vào đầu năm tới. Luật mới quy định những hành vi vi phạm bao gồm tuyên truyền chống nhà nước, đưa thông tin có nội dung làm nhục, vu khống, đưa thông tin sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam cũng có những điều luật quy định về tội tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.

Nhiều bloggers của Việt Nam thời gian qua đã bị bắt giam và xử án tù vì có những bài viết chỉ trích đảng, chính phủ và lãnh đạo. Họ thường bị kết án tù với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.

**********************

Quanh vụ Thành phố Hồ Chí Minh 'bảo vệ cán bộ trên không gian mạng' (BBC, 16/10/2018)

Nhà quan sát bình luận với BBC rằng việc Thành phố Hồ Chí Minh "bảo vệ cán bộ trên không gian mạng" là "biểu hiện đặc trưng của một chế độ phi dân chủ, nơi những lãnh đạo không phải do dân bầu lên".

thuthiem5

Nhiều người dùng Internet ở Việt Nam đang quan ngại trước luật An ninh mạng được thực thi từ đầu năm 2019

Theo báo Dân Trí hôm 16/10, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giao các cơ quan liên quan "xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng, nhất là bảo vệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của thành phố".

Tuy vậy, các báo ở Việt Nam không cho biết chi tiết về kế hoạch nêu trên sẽ được triển khai như thế nào.

Có suy đoán rằng kế hoạch bảo vệ cán bộ sẽ được tiến hành chủ yếu trên mạng xã hội, nơi nhiều blogger thường xuyên bày tỏ ý kiến về phát ngôn của giới lãnh đạo.

'Khước từ tiếng nói bất đồng'

Hôm 16/10, trả lời BBC, nhà bất đồng chính kiến Phạm Lê Vương Các nói : "Đây rõ ràng là một chính sách nhằm gia tăng việc kiểm soát quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng".

"Hoạt động này nhắm đến việc ngăn chặn và trừng phạt đối với những ai bày tỏ quan điểm phê phán hay chỉ trích lãnh đạo trên không gian mạng".

"Đây là biểu hiện đặc trưng của một chế độ phi dân chủ, nơi những lãnh đạo không phải do dân bầu lên thì hệ quả của nó là lãnh đạo sẽ khước từ tiếng nói bất đồng từ phía người dân".

"Có thể hiểu nó là một chính sách để thi hành luật an ninh mạng trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy chính quyền ở đây là nơi đi đầu của cả nước đang tích cực thi hành triệt để luật An ninh mạng dù luật này chưa có hiệu lực".

"Có thể họ đưa ra quyết định này là vì báo chí chính thống đang ngày càng gây mất niềm tin đối với quần chúng khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho lãnh đạo".

thuthiem6

Giới blogger quan ngại luật An ninh mạng sẽ đe dọa quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của người dân

"Theo tôi, một xã hội sẽ không thể phát triển bền vững nếu dập tắt những tiếng nói phê phán, chỉ trích đối với lãnh đạo".

"Luật nhân quyền quốc tế đã khuyến nghị các quốc gia cần phải dỡ bỏ các rào cản pháp lý, tạo ra một môi trường an toàn để người dân có thể bày tỏ quan điểm của mình về các chính sách quốc gia hay phê bình lãnh đạo trên không gian mạng".

"Chính sách này của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy họ đang đi ngược lại với các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế".

Tác chiến mạng đến An ninh mạng

Dự kiện nhà nước Việt Nam chuẩbn bị Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đang gây lo ngại cho một số giới.

thuthiem7

Các ý kiến nói với BBC họ quan ngại Luật An ninh mạng sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.

Gần đây, viết trên Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Duy Hậu viết về văn bản này:

"Nó khiến cho ta chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận: hoặc chính quyền đã thực sự tuyên chiến chống một kẻ thù nào đó trên mạng internet, hoặc con người trên internet của ta không bằng con người ngoài đời thật của ta...".

"Nó sẽ mở đường cho sự lạm quyền, theo dõi quần chúng, giám sát tư tưởng, hay tệ hơn là sự kiểm soát cá nhân mang tính thù ghét".

Hồi tháng 1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng dự lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Truyền thông Việt Nam nói việc này xuất phát từ một quyết định ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Việt Nam, tuy không cho biết rõ nội dung cụ thể của quyết định này.

Như tên gọi, lực lượng mới này của quân đội sẽ tập trung hoạt động trên mạng internet để "bảo vệ Tổ quốc".

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sẽ "phối hợp chặt chẽ" với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông dặn dò biên chế lực lượng "phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất", theo trang web chính phủ.

Đây sẽ là lực lượng "trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả".

Thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh "tuyệt đối không để các thế lực thù địch móc nối, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội".

Hồi tháng 12/2017, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - tiết lộ về "lực lượng 47", có có hơn 10.000 người.

Ông mô tả lực lượng 47 là "hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng", "vừa hồng vừa chuyên".

Published in Việt Nam