Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xử sơ thẩm nhà hoạt động Lê Đình Lượng vào ngày 16/8 (RFA, 13/08/2018)

Nhà hoạt động xã hội và môi trường Lê Đình Lượng vào sáng thứ năm, ngày 16/08/2018, theo dự kiến sẽ bị Tòa án Nhân dân Tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo điều 79 Bộ luật Hình sự cũ.

bdck1

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng - Photo : RFA

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những người tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, cho biết như vừa nêu. Phiên xử sơ thẩm ông Lê Đình Lượng lẽ ra diễn ra vào ngày 30 tháng 7 nhưng bị hoãn do lúc đó luật sư Đặng Đình Mạnh bị bận việc không thể dự tòa.

Vào chiều ngày 13 tháng 8, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Hôm thứ năm tuần rồi tôi có đến làm việc và họ thông báo sẽ đưa ra xử vào ngày thứ năm tuần này. Đây là lần thứ hai nếu tôi không có mặt thì họ vẫn xử".

Theo trình bày của Luật sư Đặng Đình Mạnh thì ông Lê Đình Lượng từng là một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến biên giới chống quân Trung Quốc tấn công Việt Nam vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong những năm gần đây, Ông Lê Đình Lượng được nhiều người biết đến trong vai trò một người hoạt động tranh đấu về môi trường trong vụ Nhà máy Thép Formosa xả hóa chất độc hại ra biển miền trung gây thảm họa hải sản chết hằng loạt cũng như tình trạng tham nhũng, cửa quyền tại địa phương … Một số hoạt động của ông đã bị cơ quan an ninh cho rằng gây nguy hại đối với chế độ nên đã bắt và khởi tố ông.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái.

******************

Hoãn phiên xử phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ (RFA, 13/08/2018)

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Trung Trực - Phát ngôn nhân miền Trung của Hội Anh em Dân chủ dự kiến diễn ra vào ngày 17 tháng 8 năm 2018 tới đây tại Quảng Bình sẽ bị hoãn.

bdck2

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực - RFA

Thông tin này được luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Trực cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều ngày 13 tháng 8.

Hồi sáng nay, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trần Hữu Sỹ gọi điện thoại cho tôi nói là phiên tòa 17/8/2018 xử anh Nguyễn Trung Trực đã được hoãn lại vì lý do bất khả năng. Tôi hỏi lý do thế nào thì ông ta không nói. Ông ta nói là đã gửi thông báo cho tôi bằng đường bưu điện nên sợ tôi không kịp nhận hồ sơ và ra ngoài đó, thì ông ta thông báo trước cho tôi như vậy. Tôi hỏi ngày nào sẽ xử lại thì ông ta nói là dự kiến khoảng một tháng sau, tức là khoảng 10 đến 17/9/2018 thì phiên tòa sẽ xử lại.

Cũng theo vị luật sư này, phiên tòa sẽ bắt đầu trở lại sau khoảng 1 tháng nữa và thông báo bằng văn bản hoãn phiên tòa bắt đầu được gửi qua bưu điện nhưng chưa đến tay luật sư. Tuy nhiên ông cũng có động thái ngay :

"Tôi đã báo cho thân nhân ở Quảng Bình biết vì có 4 người được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi liên quan, mà ở ngay Quảng Bình. Nếu như sáng nay phát ra thông báo thì có thể họ đã nhận được hoặc là ngày mai. Tôi đã liên lạc với thân nhân của họ rằng nếu có thì báo ngay cho tôi biết, tại vì sẽ có văn bản chính thức cho mọi người biết. Còn tôi thì chắc là khoảng tầm thứ Tư hoặc thứ Năm thì thông báo mới đến".

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Trung Trực sống tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị bắt vào ngày 4 tháng 8 năm 2017 với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự cũ năm 1999.

Ông Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng của Hội Anh em Dân chủ còn bị giam giữ trong tù và bị đem ra xét xử.

Trước đó, hàng loạt các thành viên và cựu thành viên của hội này như Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, Cô Lê Thu Hà, các ông Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân là thành viên hay cựu thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị đưa ra tòa với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ và bị tuyên các mức án nặng nề từ 7 năm đến 15 năm tù giam.

Một thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ, thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, bị kết án 1 năm tù giam vì cáo buộc "cố ý gây thương tích".

Ông Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà sau đó bị đưa từ nhà tù sang Đức tị nạn chính trị.

****************

Bộ trưởng Tô Lâm lặp lại cáo buộc người biểu tình nhận tiền (RFA, 13/08/2018)

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Lâm, trả lời tại phiên chất vấn của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào chiều ngày 13 tháng 8 rằng có những người đã được trả từ 200 đến 400 ngàn đồng để đi biểu tình bạo loạn trong những vụ biểu tình gần đây.

bdck3

Dân chúng đốt trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đêm 10/6/2018. AFP

Ông cũng nói rằng trong quá trình điều tra thì thấy có những người nghiện ngập ma túy hay bị bệnh sida đã nhận tiền như vậy.

Số tiền được cho là dùng để mua chuộc những người biểu tình như thế, theo ông Tô Lâm, là do các thế lực thù địch, các thế lực lưu vong chi ra để chống đối nhà nước Việt Nam.

Các cụm từ ‘thế lực thù địch, thế lực lưu vong’ thường được các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam dùng để chỉ những chỉ trích, chống đối, dù bằng biện pháp hòa bình, đối với nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo.

Trong khi đó Ông Tô Lâm cũng thừa nhận còn có những nguyên nhân khác gây ra những cuộc biểu tình bạo động, nguyên văn của ông là "Tâm lý bột phát của người dân khi một số kiến nghị chưa được giải quyết".

Bộ trưởng Công ân Tô Lâm cũng nói rằng sắp tới sẽ có nhiều giải pháp ngăn chận biểu tình trái pháp luật tại các thành phố lớn cũng như các khu công nghiệp.

Ông và các đại biểu quốc hội tham gia phiên chất vấn không nói gì đến sự việc Luật Biểu tình do Bộ Công an đứng ra soạn thảo vẫn chưa thể ra đời.

Vào ngày 10/6 vừa qua hàng chục ngàn người dân Việt Nam tại Sài Gòn, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật đặc khu cho thuê đất 99 năm và luật an ninh mạng được cho là để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Cuộc biểu tình tại Phan Thiết đã biến thành bạo động khi dân chúng đốt trụ sở Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Sở Kế hoạch- Đầu tư. Cuộc biểu tình tại Bình Thuận lan sang ngày 11/6 với cuộc bạo động đốt cháy Trụ sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại thị trấn Phan Rí Cửa.

Cho đến nay đã có hàng chục người bị bắt và đem ra tòa xét xử. Có nhiều cáo buộc là công an đã đánh đập tàn nhẫn những người bị bắt. Có tình trạng người biểu tình bị đe dọa nhốt chung với tù nhiễm HIV nếu kháng cáo.

Published in Việt Nam

Việt kiều Mỹ bị bắt cùng 4 nhà bất đồng chính kiến (BBC, 02/08/2018)

Trong khi gia đình ông Michael Nguyễn đang liên lạc với các dân biểu và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để tìm ra tung tích của ông, có tin cho biết rất có thể ông đã bị bắt giữ cùng một nhóm bất đồng chính kiến.

batdong1

Ông Michael Phương Minh sinh sống cùng gia đình ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ

Quen nhóm bất đồng chính kiến ?

Các ông Michael Phương Minh, Huỳnh Đức Thanh Bình, Thomas Quốc Bảo và Trần Long Phi rất có thể đã bị bắt giữ hôm 7/7 khi đang trên đi xe khách từ Đà Nẵng về Thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh cho BBC biết hôm 2/8.

Bà Hạnh cho biết nhóm bốn người nói trên đến gặp bà hôm 5/7 tại Huế, nhưng đến trưa 6/7, khi bốn người lên xe khách Phương Trang đi về phía Nam thì ông Michael có nhắn với bà rằng "hình như vẫn có người bám theo".

Đến ngày 7/7 thì bà không liên lạc với họ được nữa.

Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của ông Bình nói con trai bà nói hôm 4/7 sẽ đi du lịch cùng một số người bạn, trong đó có một người Việt kiều Mỹ và sẽ về đến Thành phố Hồ Chí Minh sáng 7/7, nhưng gia đình đã không liên hệ được.

Đồng thời hôm 8/7, bà Huệ nói theo lời kể của người thân hàng xóm, chồng cũ của bà, ông Huỳnh Đức Thịnh, cư trú tại Lâm Đồng cũng đã bị công an khám xét nhà và bị bắt giữ vì đã "chứa chấp người như ông Phương Minh".

Chỉ đến hôm 14/7, khi công an đến nhà đọc lệnh khám xét và lệnh bắt khẩn cấp Huỳnh Đức Thanh Bình, bà mới biết con trai mình bị giam giữ ở "số 4 Phan Đăng Lưu" tức Công an Quận Bình Thạnh, bà Huệ kể.

Một thiếu tá an ninh cho bà Huệ biết rằng con trai bà bị bắt vì "có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 109, Bộ Luật hình sự.

Kể từ đó đến nay, bà đã gửi đồ cho con trai và ông Thịnh, tuy nhiên bà Huệ nói bà không hay biết gì về ông Michael Phương Minh và những người bị bắt cùng con bà.

Bắt người không thông báo ?

Chiều hôm 2/́8, ông Trần Văn Long đoan chắc với BBC Tiếng Việt là Trần Long Phi, con trai ông, 19 tuổi, cùng bị bắt với các ông Michael Phương Minh, Huỳnh Đức Thanh Bình, và Thomas Quốc Bảo trong lúc họ đang trên đường về Sài Gòn.

"Bà Huệ mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình cho tôi biết khi bà đi thăm Bình thì thấy có tên con tôi với tên ông Việt kiều Michael Phương Minh ở số 4 Phan Đăng Lưu".

Được hỏi lý do tại sao con ông bị bắt, ông Trần Văn Long trả lời :

"Tôi biết con tôi sinh hoạt với nhóm trẻ nhân quyền. Các em trẻ quan tâm đất nước muốn biểu tình để phản đối luật đặc khu. Biểu tình thì đâu có tội gì đâu mà bị bắt. Điều này chỉ cho thấy Việt Nam là một nước hoàn toàn không có nhân quyền".

"Họ bắt xong rồi thì cũng im lặng không báo tin cho ai hết, nói chung luật lệ Việt Nam không rõ ràng, họ muốn làm gì thì làm, bắt ai thì bắt thôi". Ông Long nói thêm.

batdong2

Từ trái : Ông Michael Phương Minh Nguyễn, Trần Long Phi, Huỳnh Đức Thanh Bình và Thomas Quốc Bảo. Hình do nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh chụp tại Huế hôm 5/7.

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh cũng cho BBC Tiếng Việt biết bà đã biết ông Michael Phương Minh hơn một năm qua qua mạng xã hội.

"Anh ấy sống ở Mỹ mà. Quan tâm đến hiện tình đất nước thôi chứ không có tham gia hoạt động. Còn các hoạt động của anh ấy ở bên hải ngoại thế nào thì mình không biết", bà Hạnh cho biết.

Theo thông cáo báo chí của gia đình, ông Michael Phương Minh, hiện đang sinh sống ở Quận Cam, bang California, ông đã về Việt Nam hôm 27/6 và dự định sẽ quay trở lại Hoa Kỳ vào 26/7.

Tuy nhiên, lần cuối cùng gia đình liên lạc được với ông là hôm 6/7.

Cũng giống như ông Đức Thịnh, Thomas Quốc Bảo và Thanh Bình, ông Michael thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.

Ông là một doanh nhân 54 tuổi, có vợ và bốn con gái nhỏ. Ông cũng hay về Việt Nam để thăm viếng người thân bạn bè.

Đại sứ quán Hoa Kỳ đã 'biết tin'

Theo bản thông cáo báo chí, gia đình ông Michael Phương Minh cho rằng ông đã bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Tuy nhiên chính quyền Việt Nam "từ chối xác nhận việc giam giữ, hay chia sẻ bất cứ tin tức gì về tình trạng của ông".

Phía gia đình cũng cho biết đã liên lạc với Dân biểu liên bang California Mimi Walters về vấn đề của ông Michael, đồng thời đã liên lạc với Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm 2/8, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ Pope Throwers cho BBC biết "đã nắm được thông tin từ truyền thông về một công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ ở Việt Nam. Sự an toàn và an ninh của công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, "vì lý do quy tắc bảo mật riêng tư, chúng tôi không thể bình luận gì thêm".

BBC đã tìm cách liên hệ với công an Thành phố Hồ Chí Minh để xác minh về thông tin của ông Michael Phương Minh nhưng không được.

**********************

Trần Huỳnh Duy Thức và thư viết từ nhà tù (BBC, 01/08/2018)

Mạng xã hội mấy hôm nay bàn tán về bức thư dài phân tích cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và cơ hội cho dân chủ ở Việt Nam, do tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức viết từ nhà tù.

batdong3

Thư số 115 của ông Trần Huỳnh Duy Thức gửi gia đình

Lá thư từ nhà tù

Đây là lá thư số 115 ông Trần Huỳnh Duy Thức viết gửi cho gia đình kể từ khi bị tù 16 năm với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ».

Lá thư từ trại giam số 6, Bộ Công an ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, dài khoảng 3,500 chữ, viết ngày 26/6/2018 của ông Thức được gia đình công bố hôm 30/7 và được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức dường như đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích về vận mệnh đất nước thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

batdong4

Ông Trần Huỳnh Duy Thức chịu án tù 16 năm với tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'

Thư có đoạn viết : "Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Quốc thực tế đến đâu, để Mỹ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình.."..

"Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc chính phủ Trung Quốc mà Mỹ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi".

"Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của Trung Quốc, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do".

"Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại... Mỹ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội này để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của Trung Quốc, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới..".

"Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang nổ ra. Trung Quốc có rất ít cơ hội để thắng. Khi Mỹ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm với thế giới thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi".

"Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng Trung Quốc cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng.

"Trong thời kỳ Mỹ rung lắc Trung Quốc, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ".

"Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo dòng chảy của thời đại".

'Nói về dân chủ ở Việt Nam'

"Đây là lá thư chi tiết nhất từ trước tới nay của anh Thức về tình hình cá nhân của anh ấy", ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, nói với BBC ngày 1/8.

batdong5

Phiên tòa xử ông Trần Huỳnh Duy Thức và các nhà hoạt động khác năm 2010

Theo ông Tân, ông Thức đã viết lá thư trên và đưa ra các phân tích về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung dựa trên lượng thông tin rất hạn chế do gia đình cung cấp.

"Gia đình chỉ được gửi báo chí, sách tiếng Việt xuất bản trong nước và bị trại giam kiểm soát rất gắt gao. Chủ yếu chỉ được gửi báo Nhân Dân, Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Hoặc xem tin từ tivi của trại giam. Ngay cả tài liệu của luật sư Ngô Ngọc Trai gửi vừa qua cũng không được trại giam chấp nhận",

"Qua bài phân tích này, anh Thức về cốt lõi muốn nói về tình hình dân chủ ở Việt Nam. Trung Quốc không có tự do tư tưởng, nên không phải là một nước mạnh thực sự. Trong khi những nước khác như Mỹ, Nhật, Đức, sau thế chiến thứ hai, phát triển được cũng nhờ dựa trên dân chủ, nhân quyền".

"Tình hình tương tự như vậy ở Việt Nam. Vấn đề là phải tôn trọng quy luật của tạo hóa. Con người phải được tự do, pháp luật phải được thượng tôn thì xã hội mới có thể phát triển thực sự. Đó là điều mà anh Thức ấp ủ trong lá thư này", ông Tân nói với BBC.

Lá thư được công bố sau khi có thông tin về việc ông Thức cùng gia đình và luật sư gửi đơn tới các cơ quan chức năng để nghị thả tự do cho ông, căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

"Đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức nào từ giới chức. Nhưng gia đình tin là anh Thức sẽ sớm được ân xá vì anh ấy không làm gì sai. Và với kiến thức của mình, nếu được tư do, anh Thức có thể đóng góp được nhiều cho sự phát triển của đất nước", em trai ông Thức nói từ Sài Gòn.

Ở lại để đấu tranh

batdong6

Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một phiên tòa

Trong lá thư nói trên, ông Thức đề cập đến việc một phái đoàn của Liên Hiệp Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam vào tù thăm ông cuối tháng Sáu.

Ông cũng viết : "Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay".

Ông Trần Huỳnh Duy Tân khẳng định thông tin ông Thức từ chối đi tỵ nạn nước ngoài.

"Anh Thức cho gia đình biết là trong lần vào thăm mới đây, phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam có hỏi nguyện vọng của anh là gì. Anh Thức cho biết muốn ở lại Việt Nam, tiếp tục đấu tranh cho dân chủ".

Cũng theo ông Tân, gia đình hoàn toàn ủng hộ quyết định này và tin đó là lựa chọn 'đúng đắn' dù 'không nguôi lo lắng'.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức vốn là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ông bị kết án năm 2009 tội hành động nhằm lật đổ chính quyền, mức tù 16 năm.

Những nhà hoạt động khác bị xét xử cùng thời điểm, như luật sư Lê Công Định, đều đã được tự do.

'Suốt chín năm qua, gia đình tôi luôn có nỗi buồn lớn nhất là tự do của anh Thức. Nhưng chúng tôi tin đấu tranh cho dân chủ là sứ mệnh mà anh ấy đã lựa chọn. Ở lại sẽ tốt hơn đi tỵ nạn, vì sẽ làm được nhiều hơn cho Việt Nam. Nhất là tạo được niềm tin cho những người cũng đang đấu tranh dân chủ trong nước", ông Tân cho hay.

Bình luận về quyết định 'ở lại', cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu viết trên Facebook cá nhân rằng khi còn trong trại giam Xuyên Mộc, ông Thức đã nhiều lần nói về mong mỏi này nhưng đây là lần đầu ông 'tiết lộ'.

"Mong mọi người thay vì thuyết phục anh Thức ra đi, xin ủng hộ quyết định ở lại của anh ấy và hơn thế nữa, hành động cho anh ấy sớm ra tù tại Việt Nam. Bởi mỗi người có một mục tiêu cho công cuộc đấu tranh và mục đích cho đời mình", ông Diệu viết.

Gia đình ông Thức cũng bày tỏ mong mỏi 'trong và ngoài nước' ủng hộ quyết định của ông.

Những ý kiến khác, như cây bút Huỳnh Thục Vi, lại cho rằng ông Thức nên đi.

"Nếu mình có thể nhắn với anh Trần Huỳnh Duy Thức lúc này, mình sẽ nói : Anh ơi, đồng ý ra đi đi. Ở tù lúc này không ích gì cả. Những người cần sự bền chí của anh làm nguồn cảm hứng thì đã được truyền cảm hứng rồi. Số còn lại, họ không thấy ở anh nguồn động lực nào cho cuộc sống và ý chí của họ cả. Anh ở bên ngoài vẫn còn làm được nhiều việc hơn. Xin nhắn gởi đến gia đình anh.."..

Published in Việt Nam

Một số liệu do Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau ; 1 học sinh đánh nhau/5.200 học sinh ; 1 em bị buộc thôi học/11.000 học sinh ; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, trường Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, bạo lực có bạo lực lời nói, bạo lực hành vi. Bạo hành hiện diện hầu hết từ các cấp học, từ mẫu giáo lên đến Đại học.

baoluc1

Bạo hành hiện diện hầu hết từ các cấp học, từ mẫu giáo lên đến Đại học.

Trong một chia sẻ gần đây nhất trên mạng xã hội, có đề cập đến một Facebooker trẻ tuổi là Nguyễn Võ Hoàng Khang, người trong một sự kiện về ngày 30/04 đã đặt vấn đề 'tắm máu thành phần chống đối'.

Ý nghĩ của Facebooker trẻ tuổi, đồng thời là đoàn viên này gợi nhớ đến nhiều những đoàn viên trẻ tuổi thời kỳ Ponpol. Cái thời kỳ hàng triệu người bị cưỡng bức ra khỏi các thành phố để về nông thôn làm việc tại công xã ; và trẻ em bị cách ly ra khỏi 'cha mẹ' và biến thành những người lính khát máu với khẩu súng AK47 trên tay.

Câu chuyện đòi tắm máu của cậu đoàn viên trẻ sinh ra trong cái thời điểm mà chuyên chính vô sản đã lùi xa ngót ngét gần nửa thế kỷ là điều đáng suy ngẫm, vì bản chất của sự tàn bạo đó đến từ sự tác động liên tục của những luận điểm khát máu và bất ổn nhất về mặt ý thức khách quan. Nó không khác gì trường hợp một thanh niên trước đấy, cũng đòi đòi nổ bom khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa vì khắc tên 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa.

'Phản động' với các em là những gì trái với Nhà nước, thậm chí lên tiếng đối với các hành vi của nhà nước cũng là 'phản động', và như thế nghiễm nhiên sẽ phải cần 'làm cỏ'.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này, sự khoét sâu ý niệm phi nhân đạo này, sự thiếu bao dung và khả năng tiếp nhận một giá trị nhân từ của con người này ? Đó có thể đi từ chuyện những phần từ cực đoan, những nhóm cực đoan được dung dưỡng bởi những cá nhân hoặc tổ chức thuộc về Nhà nước.

Từ 'Tác chiến điện tử' cho đến 'Thanh niên Việt Nam', từ "Chống phản động' cho đến 'Chiến sĩ chống phản động'... Tất thảy dung dưỡng sự căm thù, máu, và tư tưởng san bằng tất cả những ý niệm bất đồng chính kiến.

Rõ ràng, sự dung dưỡng những nhóm như thế nào chính là tạo cơ sở cho bất ổn trong tương lai như người viết đã nhiều lần đề cập. Nhưng rõ ràng, trong mắt những người dung dưỡng, vì nó có giá trị 'chống phản động' mang tính tuyệt đối, nên nó vẫn được phép tồn tại và được phép trở thành những 'biệt kích' giết người bằng ngôn ngữ lẫn hành vi. Và mở rộng nhóm hội này rộng lẫn thực tế đến mức sẽ đưa ra thành Hội cờ đỏ - tập trung tại các địa bàn trọng điểm như Nghệ - Tĩnh hay Sài Gòn,... Và đâu đó ở hình ảnh chung nhất, là sự rập khuôn về ý thức và tuyệt đối của lòng thù hận.

Tương lai của nhà nước này phụ thuộc nhiều vào cách nhà nước vận hành ra sao trong luồng thông tin đa chiều, chứ không phải là sự áp đặt một chiều. Và nếu như các hành vi hay ngôn ngữ của các hội đoàn, nhóm,... 'đỏ rực lòng thù hận' đó tiếp tục không bị suy xét một cách về tính nguy hại thì sẽ đến một lúc, loạn xã hội sẽ gây ra, bởi những sát nhân hay yếu tố làm suy yếu xã hội xuất phát từ sự thiếu kiềm chế trong các cá nhân, tổ chức cực đoan nêu trên.

'Nhân chi sơ, tính bổn thiện' cuối cùng cũng chỉ là một giá trị ảo khi một thể chế muốn phủ bóng đất nước bằng một ý chí tuyệt đối được răn đe bằng nắm đấm và hành vi bạo lực.

Và do đó, nạn nhân là cả hai phía, người bị sử dụng làm công cụ nắm đấm một cách vô thức, và người bị áp dụng nắm đấm đó.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 13/05/2018

Published in Diễn đàn

Giới bất đồng chính kiến nghĩ về chống tham nhũng và cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng

Giới bất đồng chính kiến, trong đó có nhiều người từng bị bỏ tù vì những hoạt động ôn hòa, nhận định thế nào về chiến dịch chống tham nhũng của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay và cá nhân ông ?

batdong1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. AFP

Có hai nhóm ý kiến khá trái ngược nhau về chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Nhóm thứ nhất không cho rằng chuyện chống tham nhũng là để chống tham nhũng thật sự.

Chống tham nhũng chỉ là mị dân

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một người hoạt động xã hội từng bị cầm tù, hiện sống tại Vũng Tàu, nói về ông Nguyễn Phú Trọng :

"Với cá nhân tôi thì tôi chả đặt niềm tin gì vào cá nhân này, khi mà hiện tình đất nước hiện nay rất tồi tệ, từ văn hóa chính trị cho đến xã hội. Nếu nói vai trò ông Nguyễn Phú Trọng là chống tham nhũng thì họ chỉ mị dân thôi, ve vuốt cái bức xúc của người dân, để người dân tin. Tôi đã từng tin bao nhiêu năm nay rồi, chúng tôi tin và làm theo rất nhiều điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra, từ đường lối, chính sách, tất cả mọi cái, rồi cuối cùng thì mọi người đều phẫn nộ trước sự lừa mị và dối trá".

Một nhà hoạt động bất đồng chính kiến hiện sống ở Sài Gòn là ông Huỳnh Công Thuận, từng bị đánh đập vì những hoạt động của mình, thì nói chuyện chống tham nhũng chỉ là cái cớ để Đảng Cộng sản làm chuyện khác :

"Nói về tham nhũng thì các ông cán bộ cộng sản Việt Nam này, kể cả những người làm cho nhà nước mà không có trong đảng, thì không người nào mà không tham nhũng. Càng cao thì tham nhũng càng nhiều, thành ra ông ấy chọn việc chống tham nhũng là chỉ trên danh nghĩa thôi, rồi ông ấy lựa người, người nào ông ấy thích. Cánh ông Trọng hay cánh nào mạnh sẽ lợi dụng việc này để đánh thôi, chứ thật sự không có hiệu quả gì về chống tham nhũng".

Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân bị mất đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, từng hai lần bị kêu án tù, nói rằng tham nhũng là những gì rất cụ thể trước mắt mà Đảng Cộng sản không hề đụng tới :

"Tôi là nông dân, về am hiểu tình hình chính trị thì tôi không biết nhiều đâu, nhưng tôi thấy thế này, nếu như họ thật sự chống tham nhũng, thực sự nghĩ đến người dân, thì chắc họ cũng không ra tay đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến trong năm 2017 vừa qua. Nếu họ chống tham nhũng thật thì họ phải xem xét đến quyền lợi của người dân. Đấy, cái bọn cướp đất trả bọn tôi chỉ 250 nghìn, 260 nghìn một mét vuông, mà bán ít nhất 31 triệu 500 nghìn một mét vuông. Cái đấy là tham nhũng, cái đấy là cướp đất của nhân dân. Họ cũng chưa có động thái gì cả, còn chống tham nhũng chổ nào thì chúng tôi chẳng biết".

Khi được hỏi rằng những phiên xử án liên quan đến những vụ tham nhũng đang diễn ra tại Việt Nam có liên quan gì đến uy tín của Đảng Cộng sản trong dân chúng hay không, Linh mục Phan Văn Lợi, một người bất đồng chính kiến sống tại Huế nói với RFA :

"Những người không thấy, không theo dõi thì họ nghĩ rằng bây giờ có những quan chức to như Đinh La Thăng, một thành viên Bộ chính trị mà bị như vậy, thì họ cho rằng Đảng Cộng sản cũng có thiện chí gì đó, bắt tù những ai phạm pháp, gây tổn hại nền kinh tế. Nhưng những người theo dõi thời cuộc và việc làm của Đảng Cộng sản độc tài này thì người ta cũng không có hy vọng gì cả".

Chống tham nhũng có tạo nên sự tích cực

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng việc chống tham nhũng hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng có tạo nên những ảnh hưởng tích cực, nhưng cho rằng việc này cũng không động đến gốc rễ của vấn đề tham nhũng của xã hội Việt Nam.

Blogger Nguyễn Vũ Bình, một nhân vật bất đồng chính kiến hiện sống ở Hà Nội, từng bị bỏ tù vì những phát biểu đòi cải cách thể chế chính trị Việt Nam sang hệ thống đa nguyên, nói với RFA về uy tín của Đảng Cộng sản hiện nay :

"Tất nhiên là có ít nhiều tăng lên. Mình là người bất đồng chính kiến mà mình cũng phải công nhận là nó có tiến bộ vì nó động đến những nhân vật và nhóm nhân vật quyền lực nhất. Đối với những người trong Đảng và nhân dân còn ít nhiều tin Đảng thì nó ít nhiều tăng lên. Nhưng vấn đề tham nhũng ở Việt Nam không phải là nhân vật, thậm chí cũng không phải là nhóm lợi ích, mà là cơ chế. Cũng không có nhiều người hiểu được cái này, bởi vì tham nhũng tràn lan ở tất cả các cấp. Tham nhũng là phương thức tự tồn tại của mỗi cá nhân trong hệ thống".

Nhà văn Nguyễn Viện hiện sống tại Sài gòn cũng có cái nhìn khá tương đồng với ông Nguyễn Vũ Bình :

"Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ là đang đi vào cao trào, càng ngày người ta càng thấy sự quyết liệt của ông Trọng rõ rệt hơn. Xét về mặt nhà nước đây cũng là một cố gằng mà ông Trọng muốn làm, trước hết là làm trong sạch bộ máy nhà nước, sau là bộ máy đảng của ông ấy. Dù thế nào thì nó cũng có mặt tích cực là làm lành mạnh hóa bộ máy nhà nước, cho dù cũng không ít dư luận cho rằng đây cũng là góc độ của việc thanh trừng nội bộ".

Ông Nguyễn Viện là một nhân viên chế độ Việt Nam Cộng Hòa, được nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng lại sau năm 1975. Ông là một trong những người khởi xướng việc đấu tranh ôn hòa, bất bạo động, và vì thế đã bị tù cải tạo từ trong những năm cuối thập niên 1970.

Ông Nguyễn Viện giải thích rõ hơn những gì ông chia sẻ với ông Nguyễn Vũ Bình :

"Cái cơ sở để tạo ra tham nhũng thì có lẽ ông Trọng không sờ tới, chưa dám đụng tới. Cái cơ chế của chế độ thiếu sự kiểm soát, vì đảng ông là một đảng độc tài, thành ra là thiếu sự kiểm soát của công luận, thiếu sự minh bạch đối với công luận, không được nhân dân kiểm soát một cách thực tế. Tức là quyền phát biểu chính kiến, tự do ngôn luận để ngăn ngừa, giảm tác hại của sự khiếm khuyết trong hệ thống cai trị".

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi về sự cảm nhận của những người bất đồng chính kiến về cá nhân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng không như mọi người nghĩ, ông Trọng là người có thể làm những chuyện mà ông gọi là kinh thiên động địa, ví dụ như ông đã cho phép mật vụ Việt Nam sang Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một bị can tham nhũng mang về nước.

Chuyện này đã gây nên khó khăn cho quan hệ Việt Đức cho đến nay.

Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên uy tín trong đảng của ông để có thể ngồi lại ở chức vị Tổng Bí thư cho đến hết nhiệm kỳ.

Nhà văn Nguyễn Viện cũng công nhận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là một con người nhiều mưu lược :

"Xưa nay ông ấy hay bị người ta gọi xách mé, nhưng cho tới nay ai cũng thấy ông ấy là quá thâm trầm, quá mưu lược, để ông ấy đi từng bước, chậm nhưng chắc, trong vấn đề củng cố quyền lực và để thực hiện những ước vọng của ông ấy. Có lần ông ấy cũng không giấu khi ông ấy làm một bài thơ tặng khách sạn Mường Thanh rằng ông ấy cũng muốn lưu truyền sử xanh. Dù thế nào thì đấy cũng là một ý hướng tốt. Người ta chỉ lưu truyền sử xanh khi người ta làm điều gì ích quốc lợi dân".

Ông Nguyễn Viện kết thúc rằng ông cũng mong rằng ông Trọng sẽ làm điều gì đó ích quốc lợi dân".

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 04/04/2018

Published in Diễn đàn

Qua vụ việc cựu tù nhân lương tâm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cùng người cộng sự bị bắt giữ hơn hai năm mới được đưa ra xét xử sơ thẩm, một lần nữa dư luận trong và ngoài nước lên tiếng quan ngại tình trạng Chính quyền Việt Nam mạnh tay bắt bớ cũng như gia tăng thời hạn giam giữ đối với các nhà bất đồng chính kiến.

giahan1

Luật sư Nguyễn Văn Đài (bìa phải) và cô Lê Thu Hà (bìa trái) được xét xử sơ thẩm, vào ngày 05/04/18 sau hơn 2 năm bị bắt giữ. Courtesy : ishr.ch

Bắt giữ và giam giữ tùy tiện

Các tổ chức nhân quyền thế giới nhiều lần lên tiếng kêu gọi Chính quyền Việt Nam trả tự do cho cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài cùng người cộng sự là cô Lê Thu Hà, sau khi họ bị bắt giữ hồi ngày 16 tháng 12 năm 2015, với cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Chính phủ Hà Nội không hề đáp lại những kêu gọi của thế giới như thế, mà ngược lại sang tháng 7 cho đến tháng 10 năm 2017, 7 thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập, cũng bị bắt giữ. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, vào hạ tuần tháng 8 năm 2017, ra quyết định khởi tố vụ án đối với nhóm của Luật sư Nguyễn Văn Đài theo Điều 79 "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Vào ngày 20 tháng 3 năm 2018, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ra thông báo sẽ tiến hành xét xử vụ án hình sự đối với 6 bị can nhóm Luật sư Nguyễn Văn Đài trong ngày 5 tháng 4 tới đây. Sáu người được đưa ra xét xử bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà và bốn cựu tù nhân lương tâm Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển và Ký giả Trương Minh Đức.

Đài RFA liên lạc được với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của Ký giả Trương Minh Đức và được nghe bà Thanh thuật lại lời căn dặn của chồng liên quan phiên tòa sắp tới, trong lần thăm gặp vào ngày 9 tháng 3 :

"Bây giờ chỉ yêu cầu luật sư bằng mọi giá giúp anh ấy bào chữa cho anh là một người vô tội. Anh ấy chỉ giúp những người lao động bị chủ ép bất công, hoặc đòi quyền con người, giúp cho các ngư dân về vấn đề Formosa. Những công việc anh ấy làm phù hợp với Hiến pháp, chứ không hề sai trái gì. Anh ấy cũng là những người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Anh ấy cũng chỉ mong được tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước Việt Nam thôi".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận còn 3 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt trong cùng vụ án, nhưng chưa được đưa ra xét xử gồm có hai cựu tù nhân nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc và cô Trần Thị Xuân. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm nói với RFA vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến 3 người vừa nêu vì sao họ không được đưa ra xét xử. Ông Phạm Bá Hải còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam trong vài năm trở lại đây gia tăng bắt bớ và giam cầm một cách tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam :

"Nhà nước Việt Nam không cho không gian những nhà hoạt động và họ bắt rất nhiều. Riêng năm 2017 có ít nhất 43 nhà hoạt động đã bị bắt. Và điều đáng lưu ý, 43 người này đều là các cựu tù nhân lương tâm. Cho nên phải nói rằng là phong trào đấu tranh nhân quyền-dân chủ tại Việt Nam bị thiệt hại rất lớn trong năm 2017. Bên cạnh đó, người ta còn thấy rằng thỉnh thoảng truyền thông báo chí nhà nước loan tin những vụ việc đưa ra xét xử và trường hợp của các nhóm hay những nhà hoạt động thầm lặng, mà anh em đấu tranh dân chủ không hề biết, thành ra phải nói rằng có nhiều trường hợp đã bị bắt và giam giữ lâu, có thể là 1, 2 năm nhưng không hề được biết. Chỉ đến khi nào họ đưa ra tòa thì chúng tôi trong nước mới biết được. Thành ra không thể khẳng định số lượng đó là ai, như thế nào và bao nhiêu".

Ông Phạm Bá Hải đề cập đến trường hợp của hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, bị bắt hồi đầu tháng 6 năm 2016 về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79 và tuy là gia đình được thông báo hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm Sát chuyển qua cho tòa án, nhưng vẫn không có tin tức gì khi nào sẽ xét xử.

Cơ quan Điều tra Việt Nam vi phạm luật

Trao đổi với RFA, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định cho biết theo Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam, thì Cơ quan Điều tra đã vi phạm luật đối với các trường hợp gia hạn tạm giam dài hạn mà không tiến hành xét xử. Luật sư Lê Công Định phân tích theo luật định :

"Thường một cái lệnh tạm giam có thể là 2 tháng, 3 tháng, tối đa là 4 tháng. Chỉ có thể gia hạn một lệnh tạm giam tối đa 3 lần. Giả sử trong trường hợp của anh Đài, theo tôi hiểu lệnh tạm giam đầu tiên của anh Đài là 4 tháng và nó đã được gia hạn 3 lần, có nghĩa mỗi lần 4 tháng nữa, thì tổng cộng 16 tháng tối đa theo luật định. Như vậy, quá 16 tháng mà không xét xử thì buộc phải giải quyết trả tự do tạm thời, có thể anh Đài được tại ngoại hầu tra".

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng các trường hợp bị gia hạn thời gian giam giữ lâu, vượt quá thời hạn tối đa theo luật định mà không được xét xử thì đương sự có thể khiếu nại hay không ? Luật sư Lê Công Định trình bày :

"Xét về phương diện pháp lý thì mọi công dân đều có quyền khiếu nại và thậm chí kiện những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, chúng ta biết liên quan đến các vụ án chính trị, dù cho mình có khiếu nại hay kiện đi nữa thì cơ quan thụ lý cũng sẽ không giải quyết. Bởi vì nói thật là tất cả đều trong phạm vi kiểm soát của Cơ quan An ninh hết. Do đó, không có một tòa án độc lập nào để xét xử các yêu cầu hoặc khiếu nại nào của mình cả. Việt Nam có tình trạng như vậy".

Áp lực của quốc tế

giahan2

Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ sẽ ra tòa sơ thẩm trong ngày 05/04/18. Photo RFA

Chúng tôi nêu vấn đề với Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams để tìm hiểu vì sao Chính quyền Hà Nội lại để cho Cơ quan Điều tra vi phạm Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, theo như phân tích của Luật sư Lê Công Định và được ông lý giải :

"Tôi nghĩ các trường hợp không được đưa ra xét xử vì không có chứng cứ để buộc tội họ. Chúng ta ghi nhận ngày càng có nhiều người bị bắt giam trong thời gian dài bởi vì Chính phủ Việt Nam không biết kết án những người này trước công luận như thế nào mà không bị chỉ trích, và do đó hiện tại có nhiều người bị gia hạn thêm thời gian giam giữ đến 1, 2 năm và điều này không theo quy chuẩn của thế giới".

Ông Brad Adams cũng nêu lên trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài được đưa ra xét xử có thể ít nhiều liên quan đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam trong xu hướng muốn mở rộng hợp tác về kinh tế và thương mại với thế giới, thì cần phải cân đối với việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để đổi lấy những ích lợi trong các mối quan hệ, hợp tác đó vì chính phủ của các nước sẽ luôn ràng buộc yếu tố nhân quyền trong những thỏa thuận ký kết. Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhấn mạnh rằng Human Rights Watch sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ của các quốc gia trên thế giới để gây áp lực đối với Hà Nội cần chấm dứt tình trạng bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói đối lập.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam từ trong nước nói rằng tình tạng những nhà bất đồng chính kiến bị bắt luôn xảy ra hàng năm. Mặc dù không ai tiên liệu được việc bắt bớ như thế ở Việt Nam sẽ tăng hay giảm trong tương lai, nhưng hầu như các nhà quan sát tình hình Việt nam, mà RFA tiếp xúc, đều đồng ý với cựu tù nhân lương tâm-Lê Công Định"Tôi tin rằng với tình hình rối ren của xã hội, chắc là tiếp tục theo xu hướng tăng chứ không thể giảm được".

Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/03/2018

Published in Diễn đàn

Thêm người trẻ ra tòa vì quan điểm đối lập (RFA, 19/03/2018)

Tòa án Việt Nam gần đây tuyên những bản án tù nặng nề cho những tiếng nói đối lập. Theo lịch thì vào ngày 28 tháng 3, thanh niên Nguyễn Viết Dũng, người được biết đến với một số hoạt động liên quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây sẽ ra tòa. Vì sao nhiều người trẻ tại Việt Nam hiện nay không sợ tù tội khi bày tỏ chính kiến khác biệt của họ như anh Nguyễn Viết Dũng ?

tnlt1

Nguyễn Viết Dũng tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015. Photo : facebook

Tin cho biết anh Nguyễn Viết Dũng từng đoạt giải nhất một kỳ thi tháng của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2004. Trong kỳ thi đại học cùng năm, Dũng đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29/30, đứng đầu tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, người thanh niên này sẽ ra tòa vào ngày 28 tháng 3 sắp tới đây với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ mà Công An tỉnh Nghệ An đưa ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2017 trong thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.

Ngay sau khi Dũng bị bắt, Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam ra thông báo trong đó có đoạn viết : "Khoảng 10 tay an ninh đã lôi Dũng lên xe và đưa đi đâu không rõ. Họ không đọc lệnh bắt hay có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc bắt. Lúc bắt Dũng, họ không có bất cứ ai mặc sắc phục hay giấy tờ gì chứng minh họ là công an. Họ còn đánh đập xô xát với mấy em đi cùng".

Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Viết Dũng bị bắt và đưa ra tòa. Trước đây anh từng bị bắt khi tham gia cuộc tuần hành chống chặt cây xanh tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 4 năm 2015. Khi đó Nguyễn Viết Dũng mặc chiếc áo thun đen có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và dòng chữ tiếng Anh có nghĩa ‘dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân’. Lần đó anh bị án tù 12 tháng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong hai luật sư nhận bào chữa vụ này cho chúng tôi biết ông mới gửi thủ tục bào chữa vào Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, ông sẽ sắp xếp vào sao chụp hồ sơ vụ án làm cơ sở bào chữa cho thân chủ của mình.

Trả lời câu hỏi vì sao ông lại nhận bào chữa cho một vụ án chính trị như vậy, ông trả lời :

"Luật sư ở Việt Nam không thiếu, nhưng những người có đủ trí tuệ, dũng khí và bản lĩnh để bảo vệ những người bất đồng chính kiến thì không nhiều, chỉ trên dưới 10 người, và họ thường bị cô lập trong các hoạt động hàng ngày, cho nên tôi muốn tham gia để thắp lên ngọn lửa dũng khí cho chính những đồng nghiệp của mình, và hơn hết là góp phần bảo vệ cho những người có tư tưởng tiến bộ nhưng theo tư tưởng, theo chế độ hiện tại thì họ bị xem là không phù hợp nên họ bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh trên chính quê hương của mình".

Theo ông, các bản án đối với những người bất đồng chính kiến chủ yếu xét xử dựa vào thái độ nhiều hơn là phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi. Ông nhận định Nguyễn Viết Dũng không phạm tội. Ông nói thêm :

"Thực tế các phiên xử những người bất đồng chính kiến mà tôi tham gia khoảng trên một chục vụ thì thái độ của người bị xét xử trước phiên tòa quan trọng hơn nội dung những lời biện hộ của luật sư trước tòa. Trường hợp của Nguyễn Viết Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Theo nhận định của tôi thì thái độ của Dũng trước phiên tòa sẽ quyết định nhiều đến mức án của Dũng hơn là những gì mà tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành bào chữa cho Dũng".

Nhận thức, đấu tranh…

Một nhà hoạt động tại Việt Nam hiện nay, anh Dương Đại Triều Lâm. Lý giải lý do vì sao Nguyễn Viết Dũng lại chọn con đường công khai chính kiến để rồi lâm cảnh tù tội :

"Nhờ sự tác động của internet, sự mở mang tiếp cận mọi ngóc ngách của cuộc sống nên Dũng tìm thấy nền giáo dục cũ Việt Nam Cộng Hòa có những giá trị về nhân văn, về tự do dân chủ rất tốt đẹp, trái ngược hẳn với những gì Dũng được nhồi sọ trên ghế nhà trường. Từ đó Dũng bắt tay vào hành động để mang lại những giá trị tốt đẹp của nền Việt Nam Công Hòa cũ trở lại với người dân Việt Nam hiện tại. Đó là những điều Dũng làm".

Trả lời câu hỏi liệu khi tham gia những hoạt động như vậy thì các bạn trẻ có lo sợ rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ bị bắt, cũng sẽ bị tù tội hay không, anh Dương Đại Triều Lâm thừa nhận :

"Bản thân mình cũng lo ngại khi tham gia các sự kiện về chính trị hay ủng hộ các tù nhân lương tâm, mình cũng bị đánh đập, bị bắt, bị nhốt. Không thể nói là không lo sợ, nhưng mình phải làm sao để đồng hành với nỗi lo sợ đó. Khi mình đồng hành được thì mình mới hoạt động được. Còn việc bị bắt thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những người hoạt động trong nước. Quan trọng là mình hoạt động như thế nào để mang lại giá trị cao nhất mà mình muốn đóng góp cho xã hội này".

…tù tội

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại về những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho những người bất đồng chính kiến, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng đây là một chủ trương trong thế cùng bởi chính quyền đang muốn dập tắt phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bằng những bản án nặng nề. Nhưng theo ông thì đây là suy nghĩ sai lầm, bởi những người thực sự tâm huyết với đất nước thì dù có tử hình người ta cũng đấu tranh chứ không chỉ án tù mười mấy năm.

Xin được nhắc lại, trong thời gian qua, chính phủ Hà Nội tuyên những bản án nặng nề cho các bạn trẻ tham gia đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, như Trần Hoàng Phúc, thành viên trẻ của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á-YSEAL ; sinh viên Phan Kim Khánh, nhà hoạt động sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam. Tất cả đều với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nhận định về việc này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng :

"Năm ngoái đến năm nay thì mọi người quan sát đều thấy rằng thay vì khép vào tội 258 thì bây giờ họ khép vào tội 88 hay 79. Chỉ là bày tỏ bất đồng chính kiến thôi nhưng lùa vào những tội có khung án rất nặng. Cho nên không chỉ dành cho người trẻ mà dành cho bất kỳ ai".

Diễm Thi

********************

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai bị chuyển đến trại giam xa nhà (RFA, 19/03/2018)

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai đã bị chuyển trại giam đến Đội 3, phân trại số 4, trại giam Gia Trung, Huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

tnlt2

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai - Courtesy citizen

Chị Linh Châu, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai vào tối ngày 19 tháng 3 nói với RFA :

Hiện tại anh Oai đang ở trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Anh Oai đang bị giam cùng các tù nhân chính trị khác và anh ấy phải cải tạo, làm việc mệt nhọc lắm.

Cũng theo lời chị Châu, gia đình anh Oai không hề nhận được thông báo nào từ phía chính quyền về việc anh bị chuyển trại.

Tháng giêng vừa qua, anh Nguyễn Văn Oai bị Tòa Phúc Thẩm y án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế với các cáo buộc vi phạm lệnh quản chế và chống người thi hành công vụ. Anh bị giam giữ tại trại giam Công An tỉnh Nghệ An.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai là một người trong nhóm 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt vào năm 2011 và bị đưa ra tòa xét xử vào năm 2013 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Bản thân anh Nguyễn Văn Oai bị tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Tuy nhiên anh cho rằng không hề phạm tội mà chỉ lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho người dân theo đúng qui định của Hiến Pháp và Pháp Luật Việt Nam.

Anh bị một nhóm người thường phục bắt vào ngày 19 tháng giêng năm ngoái khi đang di chuyển trên đường thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Đến hôm sau, Công an Xã Quỳnh Vinh mới thông báo cho gia đình anh Nguyễn Văn Oai về việc bắt giữ này.

Nhiều tổ chức về quyền con người như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Tổ chức Phóng viên Không biên Giới,… đều lên tiếng cho rằng bản án dành cho anh là oan sai, chỉ nhằm mục đích trả thù và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho anh ngay lập tức và vô điều kiện. Vào dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, hai tù nhân chính trị nữ là Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga cũng bị chuyển đến trại giam xa nhà. Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Khánh Hòa chuyển ra Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa. Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị chuyển từ Hà Nam đến nhà tù ở Dak Trung, tỉnh Dak Lak.

Published in Việt Nam

Bắt giữ thân nhân người bất đồng : Công an Việt Nam ‘học tập’ Trung Quốc ? (CaliToday, 02/03/2018)

Sau hàng loạt "chuyến làm việc và trao đổi giữa hai bên" của Bộ Công an Việt Nam với Bộ Công an Trung Quốc ở Bắc Kinh trong những năm qua, giới công an trị Việt Nam không chỉ thi hành nhiều trận đàn áp khốc liệt đối với những người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến, mà còn đang lao vào hành vi mới mới và vô pháp chưa từng có : bắt giữ thân nhân người bất đồng không theo bất cứ một thủ tục tố tụng hình sự nào.

bat1

Ông Đoàn Huy Chương (bìa trái) là một nhà hoạt động công đoàn độc lập cùng với hai nhà hoạt động khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh.

Báo Cali Today ngày 28/2/2018 dẫn nguồn từ tờ Washington Post của Mỹ cho biết một hiện tượng đàn áp đáng chú ý ở Trung Quốc : Trung Quốc bắt giữ thân nhân của các ký giả đài Á Châu Tự Do.

Theo đó, Bắc Kinh đã tiến hành bắt giam nhiều thân nhân của 4 ký giả làm việc cho một cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ là đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), trong một chiến dịch có vẻ để trừng phạt về cách đưa tin của họ về vùng tự trị Tân Cương, nơi có nhiều cư dân Hồi giáo sinh sống.

Các ký giả có thân nhân bị bắt giam là Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma và Kurban Niyaz. Ký giả Hoshur cho hay các ‘anh em của tôi cứ bị bắt rồi được thả và lại bị bắt trở lại, có nguồn tin cho tôi hay khoảng 3,000 người Uighurs bị bắt giam tại thành phố Horgos’…

Không hiểu vô tình hay hữu ý, những vụ việc công an Trung Quốc bắt thân nhân ký giả RFA lại khá trùng hợp với thời gian xảy ra vụ Công an Đồng Nai ở Việt Nam bắt giữ ông Đoàn Văn Diên – một cựu tù nhân lương tâm và là cha của một nhà hoạt động nhân quyền và công đoàn độc lập là Đoàn Huy Chương.

Theo cáo buộc của ông Đoàn Huy Chương và xác nhận của gia đình ông trên mạng xã hội, nhà cầm quyền Đồng Nai bắt ông Đoàn Văn Diên vào cuối năm 2017, giam hàng tháng trời mà không trưng ra bất kỳ lệnh khởi tố, lệnh bắt, giấy tạm giữ hay tạm giam nào. Công an Đồng Nai còn nói thẳng với người nhà là bắt ông Diên để buộc người con là Đoàn Huy Chương – đang có những hoạt động phản kháng bất công xã hội, bị công an truy đuổi và do đó buộc phải trốn tránh – phải ra trình diện.

Cũng "sao y bản chính" của công an Trung Quốc, Công an Đồng Nai đã thả Đoàn Văn Diên sau một thời gian giam hãm, nhưng rồi bắt lại.

Thủ đoạn "dùng cha ép con" và "bắt – thả – bắt lại" như trên khá thường tồn tại vào thời phong kiến và và những thời kỳ chiến tranh khốc liệt, biểu hiện một trạng thái đối phó cực đoan và dã man. Giờ đây, công an Việt Nam, mà cụ thể là Công an Đồng Nai, đang tái hiện những hình ảnh ti tiện và dã man ấy.

Thế nhưng bất chấp tính chất vô pháp và dã man như tế, hành vi bắt giam người trái phép của Công an Đồng Nai vẫn không bị bất kỳ một cấp hành chính nào trong chính quyền Việt Nam xử lý. Vụ việc này được dự đoán sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ xấu xa, khiến thúc đẩy nhanh hơn phong trào công an tự tung tự tác và sử dụng "luật rừng" ở nhiều địa phương khác, không chỉ đối với người bất đồng chính kiến mà chắc chắn sẽ áp dụng với nhiều người dân lành.

Trong nhiều năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, tình trạng người dân "tự chết" trong đồn công an ở Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân. Tổng kết sơ bộ của vài năm qua đã cho thấy con số người dân "tự chết", trong đó có không ít trường hợp có bằng chứng rõ ràng về công an đánh người dân đến chết, lên đến hàng trăm hoặc hơn.

Thậm chí, tình trạng người dân "tự chết" trong đồn công an ở Việt Nam còn vượt hơn cả thực trạng xã hội Trung Quốc.

Hẳn là "các đồng chí Việt nam" đã không chỉ "trao đổi học tập kinh nghiệm" mà còn đang làm rập khuôn và "đạt thành tích cao hơn" những gì mà "các đồng chí Trung Quốc" đã làm.

Song trùng với chiến dịch đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc mà có đến hàng trăm luật sư nhân quyền đã bị bắt, từ giữa năm 2016 đến tháng 10/2017 đã xảy ra một chiến dịch đàn áp và bắt bớ khốc liệt của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền. Có đến khoảng 50 người bất đồng bị bắt giam trong giai đoạn này.

Dấu hỏi còn lại là đến khi nào thì nhiều vụ công an đánh chết người và công an bắt giam người trái phép ở Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế chính thức đưa vào khung chế tài.

Vào tháng Hai năm 2018, Hoa Kỳ đã chính thức cắt hoàn toàn viện trợ đối với chính quyền Campuchia do "thành tích" của chính quyền này đàn áp phe đối lập và đàn áp quyền con người ở Campuchia. Không chỉ thế, ngay cả thủ tướng Hun Sen và nhiều quan chức cấp cao đã bị Mỹ cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Thiền Lâm

*****************

Trung Quốc bắt giữ thân nhân của các ký giả đài Á Châu Tự Do (CaliToday, 28/02/2018)

Bắc Kinh đã tiến hành bắt giam nhiều thân nhân của 4 ký giả làm việc cho một cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ là đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), trong một chiến dịch có vẻ để trừng phạt về cách đưa tin của họ về vùng tự trị Tân Cương, nơi có nhiều cư dân Hồi giáo sinh sống.

Trong nhiều tháng qua, có hàng chục ngàn người Hồi giáo thuộc sắc tộc Uighurs đang bị giam cầm trong các ‘trung tâm cải huấn chính trị ‘ở Tân Cương, theo tin từ Human Rights Watch cho biết.

Vụ đàn áp được chính phủ Trung Quốc ngụy trang là ‘chiến dịch tảo thanh nhắm vào thành phần khủng bố trong vùng’, nhưng Human Rights Watch cho hay thực chất là đàn áp khốc liệt những cư dân nào dám bày tỏ thái độ về văn hóa hay tôn giáo riêng của họ.

bat2

Một cảnh sát Trung Quốc đang kiểm tra một chiếc xe đi qua khu vực an ninh. Photo Credit : WP

Rohit Mahajan, Giám Đốc đài Á Châu Tự Do về công chúng, có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho hay : "Tôi rất lo lắng về sự an toàn của thân nhân các ký giả làm việc cho chúng tôi, đặc biệt là những người đau yếu cần phải có thuốc thang".

Ông Mahajan cũng bày tỏ lo ngại về "chiến thuật bắt giam như thế của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm trấn áp và đe dọa ngành truyền thông độc lập và cấm đoán những cơ quan này làm việc hầu loan tải tin tức trong các xã hội khép kín như Trung Quốc".

Các ký giả có thân nhân bị bắt giam là Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma và Kurban Niyaz. Ba người đầu là các công dân Hoa Kỳ còn Niyaz đang có thẻ xanh.

Ký giả Hoshur cho hay các ‘anh em của tôi cứ bị bắt rồi được thả và lại bị bắt trở lại, có nguồn tin cho tôi hay khoảng 3.000 người Uighurs bị bắt giam tại thành phố Horgos’.

Đào Nguyên

Published in Việt Nam

Ngày 25/10 xử sơ thẩm Phan Kim Khánh (RFA, 13/10/2017)

Ông Phan Văn Dung, bố của Phan Kim Khánh vừa cho tôi biết qua điện thoại, sáng nay, 12/10, tòa án Thái Nguyên gọi điện cho ông. Họ thông báo ngày 25/10 tới đây sẽ xử sơ thẩm và hẹn chiều nay sẽ đến nhà đưa giấy.

danap1

Phan Kim Khánh - facebook Phan Kim Khánh

Phan Kim Khánh sinh năm 1993, bị bắt ngày 21/3/2017, khi chỉ còn mấy tháng nữa là xong chương trình 5 năm đại học. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Anh bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Hiện Phan Kim Khánh bị giam ở trại giam Cẩm Sơn 1 Thái Nguyên. Theo báo chí nhà nước, từ cuối năm 2015 đến nay, Phan Kim Khánh lập và quản trị 2 blog lấy tên là "Báo Tham nhũng" và "Tuần Việt Nam" ; 3 trang trên mạng xã hội facebook lấy tên là "Báo Tham Nhũng", "Tuần Báo Việt Nam" và "Dân chủ TV" ; 2 kênh trên mạng xã hội YouTube lấy tên là "Việt Báo TV" và "Việt Nam online".

Bị bắt cùng đợt với Khánh có Bùi Hiếu Võ. Bùi Hiếu Võ bị bắt ngày 17/3/2017, trước Phan Kim Khánh 4 ngày.

Phan Kim Khánh thường trú ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ Khánh sinh được hai con là Khánh và em gái Khánh là Phan Thị Trang. Trang lấy chồng gần nhà, đã có hai con. Luật sư Hà Huy Sơn là người bào chữa cho Khánh cho biết, "gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt 1 mảng đồi, đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi" và nhận xét "Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh".

Còn Luât sư Lê Văn Luân dành cho Khánh những lời rất thiện cảm : "Sinh viên trẻ Phan Kim Khánh dù bị bắt nhưng sau này lịch sử sẽ ghi danh em lại như một người trẻ có nhiệt huyết và trí tâm dành cho công cuộc xây dựng đất nước.

Chỉ khi em bị bắt tôi mới biết em là ai và quả thực, tôi lại có thêm niềm tin vào giới trẻ bản lĩnh và là lực lượng thay đổi cũng như xây dựng quốc gia sau này".

Nguyễn Tường Thụy

************************

Dân biểu Canada gốc Việt : ‘Dự luật Magnitsky giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam’ (VOA, 13/10/2017)

Nữ dân biu liên bang Canada gc Vit Anne Minh–Thu Quach nói rng D lut Magnitsky s giúp ci thin tình trng vi phm nhân quyn ti Vit Nam.

danap2

Dân biểu Canada Anne Minh Thư Quach (bìa phi) tham d mt s kin nhân quyn cho Vit Nam (nh Twitter Anne Minh Thu Quach)

Trả li phng vn VOA Vit ng, n dân biu gc Vit 35 tui nói rng quc hi Canada va thông qua D lut S-226, Công lý cho Nạn nhân ca các Viên chc tham nhũng Ngoi quc, nếu được chính ph Canada ký thành lut s tr thành mt công c hu hiu cho phong trào tranh đu cho nhân quyn và chng tham nhũng trên toàn thế gii, trong đó Vit Nam.

Dân biểu Anne Minh–Thu Quach, người thường được cng đng người Vit ti Canada gi vi tên tiếng Vit là Quách Minh Thư, nói :

"Dự lut S-226 s giúp Canada đóng băng tài sn ca bt c viên chc nào vi phm nhân quyn Vit Nam và nghiêm cm nhng viên chc này nhp cảnh vào Canada. Khi ký thành luật, D lut này s gây áp lc lên chính ph Vit Nam và đưa ra mt thông đip rõ ràng rng chúng tôi s áp đt chế tài đi vi nhng viên chc không tôn trng nhân quyn Vit Nam".

Bà Minh Thư cho biết H vin Canada va thông qua dự lut Magnitsky vào ngày 4/10 vi tt c 277 phiếu thun. Trước đó d lut đã được Thượng vin thông qua vào ngày 11/4.

Các dân biểu thuc c ba đng gm Đng T do, Đng Bo th đương quyn và Đng Tân Dân ch (NDP) mà bà Minh Thư là thành viên, đều ng h d lut này.

Cũng tương t như Lut Magnistsky ca Hoa Kỳ do cu Tng thng Obama ký ban hành tháng 12/2016, d lut S-226 ca Canada cho phép chính ph Canada tch thu hoc đóng băng tài sn ca nhng người ngoi quc vi phm nhân quyn.

Bà Minh Thư nói cng đng người Vit ti Canada rt ng h d lut quan trng này.

Các cộng đng gc Vit xem đây là mt thng li ln cho phong trào tranh đu cho nhân quyn ti Vit Nam và khp nơi trên thế gii.

Ngoài ra, bà Minh Thư nói rng bà rt ng hc giới tranh đu vì dân ch và nhân quyn ti Vit Nam :

"Tôi tiếp xúc vi nhiu nhóm tranh đu cho nhân quyn cho Vit Nam ti Canada. Như va ri tôi gp g nhóm thanh niên thành ph Montreal có tên là ‘Viet Nam to Fight,’ nhóm này đã tổ chức mt cuc biểu tình vào tháng 8 lên tiếng v các v vi phm nhân quyn Vit Nam trong các v biu tình chng nhà máy Formosa và các v bt b sau đó. Chúng tôi cũng lên tiếng cho các nhà tranh đu hin đang b giam cm ti Vit Nam".

Vào đầu năm nay, trong thư ng gi ban t chc mt cuc biu tình trước Vin lp pháp tnh Ontario, Dân biu liên bang Quách Minh Thư viết : "Phúc trình ca T chc Theo dõi Nhân quyn cho biết có 112 bloggers, các nhà tranh đu dân ch b giam gi trong các nhà tù vì đã thc hin các quyền căn bn ca công dân. Đ ngh chính ph Canada không nên làm ngơ trước nhng vi phm nhân quyn liên tc tái din Vit Nam".

Dân biểu Quách Minh Thư cũng nhc li bà đã nhiu ln viết thư cho Tòa đi s Vit Nam và Bộ ngoại giao Canada yêu cu tr tự do cho các tù nhân lương tâm như Nguyn Ngc Như Quỳnh, Trn Huỳnh Duy Thc, Cn Th Thêu, Nguyn Văn Đài, Nguyn Văn Oai, Trn Th Nga, và Trn Th Thúy.

danap3

Blogger Mẹ Nm, tc Nguyn Ngc Như Quỳnh b tòa x 10 năm tù.

"Hàng trăm người Vit đây đã có cuc gp vi các thành viên H vin lên tiếng yêu cu Bộ ngoại giao Canada gây áp lc chính ph Vit Nam phi tôn trng và ci thin tình trng nhân quyn Vit Nam".

Là thành viên đảng Tân Dân Ch (NDP), bà Minh Thư, đi din dân c vùng Beauharnois-Salaberry phía Nam thành ph Montreal và đc c vào quc hi Canada vào tháng Năm 2011.

Trước đó bà giáo viên dy tiếng Pháp và có chân trong ban qun tr trường hc ở gần thành ph Montreal.

Sinh năm 1982, bà là cư dân tnh Québec. Song thân ca bà là người t nn Vit Nam, đnh cư ti Canada sau biến c năm 1975.

**********************

Kêu gọi trả tự do cho nữ tù chính trị Blogger Mẹ Nấm (RFA, 12/10/2017)

Chính quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ; cũng như chấm dứt tình trạng bắt bớ mở rộng ra nữa đối với những blogger và nhà báo theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

danap4

Phiên xét xử blogger Mẹ nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại Nha Trang, ngày 29 tháng 6 năm 2017. AFP

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Civil Rights Defender, trụ sở tại Thụy Điển, ra thông cáo với kêu gọi như vừa nêu nhân tròn 1 năm blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt và rồi đưa ra tòa tuyên án 10 năm tù giam với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88.

Nhà hoạt động nữ, Trịnh Kim Tiến, người hiểu rõ những công việc mà blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thực hiện suốt thời gian trước khi bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2016, cho biết ý kiến về thông tin liên quan :

"Em nghĩ bây giờ bất cứ tiếng nói nào lên tiếng cũng đều là ủng hộ tinh thần cho gia đình rất nhiều, và việc quốc tế lên tiếng mạnh mẽ cho Mẹ Nấm đó là điều rất tốt, mặc dù không nhiều đi chăng nữa thì cũng có phần sức ép lên việc họ bắt giam một người phụ nữ đơn thân, việc lên tiếng đó thể hiện họ vẫn luôn quan tâm đến Việt Nam và luôn quan tâm về Mẹ Nấm".

Cô này cũng cho biết những người quan tâm đang chờ phiên xử phúc thẩm đối với blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

"Đến hôm nay gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin về phiên xử kế tiếp. Hằng tháng mẹ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn cho con của chị ấy đi thăm nuôi, mỗi lần thăm nuôi chị được gặp tầm 15 phút, tình trạng sức khỏe Quỳnh rất yếu, tay chân co rút, đến đợt gần đây nhất họ cho chị Quỳnh nhận thuốc từ gia đình gởi vào nhưng tình trạng vẫn hết sức là yếu.

Kể từ năm 2006, hoạt động qua công cụ mạng xã hội của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được cho biết nhằm mục đích chống lại tình trạng tham nhũng tràn lan của các cấp chính quyền Việt Nam, cũng như nạn vi phạm quyền con người, và chính sách đối ngoại của Hà Nội với Bắc Kinh trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông.

Civil Rights Defender cho rằng biện pháp bắt bỏ tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của chính quyền Việt Nam là vì động cơ chính trị.

Published in Việt Nam
Trang 3 đến 3