Vụ đánh bạc do tướng công an bảo kê : Dùng 4 xe chở vàng, tiền tang vật (Người Việt, 17/03/2018)
Không chỉ dùng đến bốn xe chở vàng, tiền tang vật, công an còn mất gần một ngày làm việc để đếm tiền khi khám xét một địa điểm chứa tiền.
Ông Phan Sào Nam và ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt do cầm đầu đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Ảnh : VnExpress
Theo báo Tiền Phong, liên quan đến đường dây đánh bạc triệu đô xuyên quốc gia do tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), bảo kê bị công an Phú Thọ triệt phá, đến nay, Cơ quan An nnh điều tra đã khởi tố 83 bị can, tạm giam 38 người.
Trong đường dây này còn có ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC), và ông Phan Sào Nam, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến – VTC Online, là chủ mưu.
Tin cho biết, lượng tiền trong đường dây cờ bạc này được "chuyển hóa" qua mua, bán hóa đơn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng (hơn 175,7 triệu USD), trong đó hầu hết thể hiện qua việc mua bán thẻ cào điện thoại, với nhiều hóa đơn có giá trị hơn 100 tỷ đồng (hơn 4,3 triệu USD), hầu hết ở Hà Nội. Đây được cho là một trong những căn cứ để cơ quan điều tra tiến tới việc khởi tố thêm về tội danh rửa tiền.
Trong đường dây này, cơ quan điều tra cũng thu trên 1.000 tỷ đồng (hơn 43,9 triệu USD) ; thu giữ, kê biên 13 xe hơi, 20 căn nhà và hơn 380 tỷ đồng (hơn 16,6 triệu USD) tiền trong các tài khoản ngân hàng và nhiều sổ tiết kiệm.
Trong lần khám xét một địa điểm ở tỉnh Quảng Ninh, cơ quan điều tra phát hiện nhiều tỷ đồng trong hai thùng gỗ lớn cất trong garage xe hơi. Hai thùng gỗ chỉ được che đậy sơ sài, chèn vài thanh sắt và vỏ xe cũ lên trên.
Chiếc xe hơi bảy chỗ của công an không thể chở hết số tiền mà phải thuê thêm xe vận tải. Số tiền này được ông Phan Sào Nam khai có được từ cờ bạc game online. Ông Nam "để tạm" ở đó và sẽ dùng vào việc đầu tư xây dựng một công trình tại tỉnh Quảng Ninh.
Một lần khác tại Sài Gòn, cơ quan điều tra cũng đã phải mất nhiều công sức trong đêm để vận chuyển số vàng và đô la còn nguyên seri thu lời bất chính từ cờ bạc trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng mà ông Nam "có ý định chuyển hóa vào bất động sản". Nhân lực cơ quan điều tra đã phải đếm số vàng và đô la này từ 10 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.
Để đưa số tiền, vàng tang vật lên máy bay chở ra Hà Nội, cơ quan điều tra phải nhờ sự can thiệp của công an ở Sài Gòn để giảm bỏ các thủ tục đưa hàng đặc biệt qua đường hàng không. Ra đến Nội Bài, cơ quan điều tra phải dùng đến bốn xe chuyển hàng đến nơi quản lý tang vật. (Tr.N)
***********************
Việt Nam yêu cầu xử lý đánh bạc trên mạng (RFA, 16/03/2018)
Phó Thủ tướng Việt Nam ông Vương Đình Huệ ngày 16 tháng 3 đã ra văn bản giao cho cơ quan chức năng phải đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc thanh toán trên Internet liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật.
Một trò chơi cá cược qua mạng. AFP
Theo nội dung văn bản, ông Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, cùng với bộ Thông tin, Bộ Tư pháp và các ban ngành liên quan phải rà soát và trình báo cáo lên ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 tới đây.
Bản báo cáo này đồng thời cũng phải nêu ra các biện pháp quản lý, xử lý các hình thức thanh toán trên Internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật như trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền.
Thời gian gần đây ở Việt Nam bùng phát tình trạng sử dụng tiền ảo trên mạng để thực hiện các hành vi phạm tội. Một vụ việc gây chú ý dư luận nhất là chuyện ông Nguyễn Thanh Hóa, một vị tướng ngành công an, phụ trách lĩnh vực tội phạm công nghệ cao đã bị bắt để điều tra hành vi đánh bạc qua mạng trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Một số nguồn tin cho biết có khoảng 8 triệu người Việt Nam tham gia vào đường dây đánh bạc này.
***************
Ngày 15 tháng Ba, Facebooker Trương Duy Nhất cho hay, tại chùa Thiên Hưng ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, đang có một quả chuông đồng "khủng" do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) – Bộ công an, cúng tiến, như một cách "chăm lo công đức".
Chuông do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cúng dường. (Hình : Facebook Trương Duy Nhất)
Trên chuông này có dòng chữ màu đỏ khắc ghi : "Chuông đúc tại Ý Yên, tỉnh Nam Định vào ngày rằm tháng Tám năm Ất Mùi (2015). Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và gia đình phụng cúng".
"Thiên Hưng là một ngôi chùa mới xây dựng, nhưng ‘nổi tiếng’ và được dư luận, dân tình biết đến nhiều, sau chuyến viếng thăm trong hành trình tập làm ‘người tử tế’ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai năm trước. Một ngôi chùa được biết là có nhiều gắn bó, tình thân khá đặc biệt với hai nhân vật đặc biệt : Nguyễn Tấn Dũng, Trần Bắc Hà", Facebooker này viết.
Dù Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương "vô thần" nhưng việc các tướng công an đúc chuông đồng cúng tiến, cúng dường, trồng "cây công đức" cho nhà chùa tại các địa phương, tổ chức dâng sao giải hạn không còn xa lạ.
Có lẽ người đi đầu trong "phong trào" này là Đại tướng công an, Chủ tịch Trần Đại Quang. Hồi tháng Chín, 2017, mạng xã hội rộ tin tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn có trưng bày một cặp đèn trị giá 19 tỷ đồng (hơn $835,205) do "gia đình Đại tướng Trần Đại Quang cúng tiến".
Chuông do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cúng dường. (Hình : Facebook Trương Duy Nhất)
Bình luận về vụ tướng Nguyễn Thanh Hóa bảo kê đường dây đánh bạc triệu đô, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, viết trên trang Facebook cá nhân : "Đánh bạc công nghệ cao mà được các quan chức công an cao cấp phòng chống tội phạm công nghệ cao cỡ như thế này bảo kê thì còn gì là quốc gia dân tộc ? Nhưng bắt được là dấu hiệu tốt rồi. Còn vụ Vũ ‘Nhôm’ nữa. Một loạt cán bộ cao cấp bảo kê cho đường dây này lũng đoạn đến cả cơ quan đảng và chính quyền thành phố Đà Nẵng (và có thể còn cao hơn) vẫn chưa thấy bắt. Nếu không bắt thì cũng còn gì là quốc gia dân tộc ! Có lẽ đang bắt lần lượt. Cứ tạm tin vậy đi !"
Vụ án đường dây "đánh bạc" triệu đô đang được Cơ quan cảnh sát điều tra-công an tỉnh Phú Thọ mở rộng điều tra, thì mới đây báo Tiền Phong tiết lộ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã nhận hơn 17 tỷ đồng (hơn 747.289 USD) từ ông Nguyễn Văn Dương, con rể ông Phạm Quang Nghị, cựu bí thư thành ủy Hà Nội.
Theo báo Tiền Phong, "khoản tiền này đang được làm rõ mục đích, để từ đó cơ quan tố tụng xem xét khởi tố bổ sung tội danh", và "tiền được chuyển khoản qua nhiều tài khoản lòng vòng dưới dạng hợp đồng kinh tế và cuối cùng được rút ra bằng tiền mặt".
Ông Hóa hiện đã bị khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng để điều tra tội "Tổ chức đánh bạc".
Ông Dương được cơ quan điều tra xác định là một trong hai người "cầm đầu" đường dây đánh bạc ngàn tỷ xuyên quốc gia, cùng với ông Phan Sào Nam, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến – VTC Online.
Trùng khớp với những tin lan truyền trên mạng xã hội trước khi vụ này vỡ lở, báo Tiền Phong viết : "Sự việc ông Hóa vào nằm Viện 198 Bộ công an tại Hà Nội sau khi bị đình chỉ công tác, được cho là cái cớ thể hiện sức khỏe kém, còn thực tế ông không bệnh tật gì. Cơ quan điều tra đã có những căn cứ xác định tình trạng sức khỏe của ông Hóa mà chưa cần thực hiện giám định y khoa để phục vụ quá trình điều tra. Ngay sau khi bị bắt tại Viện 198, ông Hóa được di lý về Trại tạm giam công an tỉnh Phú Thọ, nhốt tại khu vực biệt giam. Tình trạng sức khỏe và tinh thần của ông Hóa được đánh giá là phù hợp để cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai". (T.K.)
********************
Ông Vũ Hùng Sơn khi là giám đốc Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp và Thương Mại thuộc Bộ công thương. (Hình : VnEconomy)
Theo báo Lao Động, ông Sơn xuất thân trong một gia đình và dòng họ kinh doanh vàng bạc nổi tiếng ở Hà Nội, là con ông Vũ Mạnh Hải, có cửa hàng kinh doanh vàng bạc có tiếng là Bảo Tín Mạnh Hải, và là cháu của ông Vũ Minh Châu, chủ Tập đoàn vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Ông Sơn còn là chủ Sơn Tùng Auto, công ty chuyên nhập cảng xe sang nổi tiếng ở Hà Nội.
Theo báo Tuổi Trẻ, việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Hùng Sơn làm phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đang được dư luận quan tâm suốt mấy ngày nay.
Trước đó, ông được biết đến là cán bộ được bổ nhiệm thần tốc khi chỉ trong tám tháng liên tục thay đổi vị trí công tác trong Bộ công thương.
Cụ thể, từ đầu tháng Hai, 2015, ông Sơn trúng tuyển vào vị trí giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ công thương.
Sáu tháng sau, ông Sơn tiếp tục được bổ nhiệm làm thư ký của cựu Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng. Và đến tháng Mười, 2015, ông được giao phụ trách Văn phòng Bộ công thương khi khuyết vị trí chánh văn phòng.
Theo báo VnEconomy, đầu năm 2016, thời điểm ông Hoàng bị thất thế, ông Sơn bị hủy bỏ quyết định bổ nhiệm làm chánh văn phòng Bộ công thương, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Ông Vũ Hùng Sơn (trái) nhận quyết định bổ nhiệm. (Hình : VietnamNet)
Nhưng đến đầu năm 2018, người ta lại thấy ông Sơn đã có hàm phó vụ trưởng, được bổ nhiệm làm phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ công thương, rồi bây giờ thành "cán bộ được biệt phái" về Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Ông được hưởng phụ cấp tương đương phó tổng cục trưởng.
Tuy gia thế không phải "là con đồng chí nào" nhưng đường quan lộ của ông Sơn được cho là "có vàng là có chức".
Báo VietnamNet dẫn lời ông Đàm Thanh Thế, chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia : "Theo quy định của chính phủ và quyết định của Trưởng Chỉ Đạo 389 Quốc Gia, có năm bộ, ngành phải cử cán bộ lãnh đạo biệt phái sang làm nhiệm vụ phó chánh văn phòng, trong đó Bộ công thương cử ông Sơn, lãnh đạo cấp cục của Cục quản lý thị trường. Hồi cuối năm 2017, các cán bộ biệt phái sang làm nhiệm vụ tại văn phòng thường trực đã hết nhiệm kỳ ba năm nên theo quy định, các bộ (Bộ Tài Chính, Bộ công thương, Bộ Quốc Phòng và Bộ công an Đảng cộng sản Việt Nam) phải cử cán bộ biệt phái mới".
Cùng thời điểm, báo Nhà Đầu Tư tường thuật : Ông Vũ Hùng Sơn sở hữu cổ phần lớn tại Bảo Tín Mạnh Hải – doanh nghiệp "anh em" với Bảo Tín Minh Châu của doanh nhân Vũ Minh Châu. Gia đình ông Vũ Hùng Sơn còn sở hữu một doanh nghiệp rất lớn khác là Công ty cổ phần Bảo Tín Sơn Tùng, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (hơn 8,7 triệu USD)".
Trước đó, ông Sơn trả lời phỏng vấn của báo Dân Việt : "Thực ra nói đúng là chỉ có mẹ và bác tôi làm kinh doanh vàng, tôi nghĩ cũng phải rõ ràng vấn đề này, bác là bác, cháu là cháu. Một số quan điểm cứ gán tôi với thương hiệu Bảo Tín Minh Châu của bác tôi là chưa chính xác. Thực tế, thương hiệu Bảo tín Mạnh Hải cũng là của mẹ tôi chứ bố tôi không tham gia và cá nhân tôi cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vàng là chính, còn xe hơi thì khi đó tôi cũng chỉ tham gia vào lĩnh vực của gia đình thôi".
"Tôi chỉ nghĩ là mình còn trẻ, tậm tâm tận tụy, còn không biết các lãnh đạo có hài lòng hay không. Tôi cũng không thấy các bác chê trực tiếp, có thể các bác thấy mặt được, mặt chưa được, không thể nào mình nói hoàn toàn là được vì đó là suy nghĩ của cá nhân mình. Tất nhiên, tôi cũng luôn mong muốn cống hiến ở lĩnh vực khác đã được đảng, tổ chức phân công nên trên tinh thần trách nhiệm thì tôi sẽ làm hết sức mình còn làm được tới đâu thì do mọi người xung quanh đánh giá", ông Sơn được trích lời nói. (T.K.)
*****************
Bảo thủ - Lớp son phấn của những tay cơ hội trong nội bộ đảng (RFA, 14/03/2018)
Gần một năm trước đây Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã từng bị đặt nghi vấn nói dối Quốc hội về những gì ông ấy thực sự làm được trong việc hợp tác với Google và Facebook để kiểm soát nội dung trên mạng xã hội [1].
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã từng bị đặt nghi vấn nói dối Quốc hội về việc hợp tác với Google và Facebook để kiểm soát nội dung trên mạng xã hội
Ông Tuấn trong một thời gian dài cũng tỏ ra cứng rắn quá mức cần thiết với báo chí trong nước với hàng loạt án phạt đối với nhà báo, cá biệt còn có một số vụ ông đình bản cả tờ báo.
Hai năm qua từ sau Đại hội Đảng ông Tuấn tự mô tả như một tướng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, trong thì khua đao trấn áp báo chí, ngoài lại múa kiếm kiềm toả mạng xã hội. Thật khó tìm được gương mặt nào sáng giá hơn đi vào Bộ Chính trị với vị trí Trưởng Ban Tuyên giáo và rồi sau đó có thể là Tổng Bí thư.
Nhưng giờ hóa ra ông Tuấn lại dính líu tới vụ AVG - một sai phạm về tiền bạc [2].
Thật đúng như người ta nói, dưới chế độ độc đoán, những tay tỏ ra bảo thủ nhất chính là những kẻ cơ hội nhất.
Những người này, khi tự chọn cho mình quan điểm cứng rắn và bảo thủ, họ luôn ở thế phê phán bất kỳ ai trong nội bộ có dấu hiệu cải cách, trong khi họ hiếm khi bị tấn công vì sự bảo thủ, cứng rắn và giáo điều của họ. Họ luôn trong vùng an toàn.
Và hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như Bộ trưởng Tuấn ở đây, lựa chọn quan điểm bảo thủ đó còn giúp che mờ đi các sai phạm khác liên quan tới tiền bạc.
Vậy thì gợi ý ở đây là, nếu thấy lãnh đạo nào tỏ ra quá cứng rắn và bảo thủ, hãy coi chừng, rất có thể người đó đang cố tình đánh lạc hướng dư luận khỏi những sai phạm khác của mình, và lập trường bảo thủ chỉ là lớp son phấn che đi gương mặt cơ hội phía sau.
Nguyễn Anh Tuấn
[1] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1741664945848391?pnre...
[2] http://www.nhadautu.vn/thanh-tra-chinh-phu-chinh-thuc-cong-bo-ket-luan-v...