Lãnh đạo bị dân ném giày nói cử tri ‘nóng nảy, quá khích’ (VOA, 25/10/2018)
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nói với báo chí bên lề cuộc họp của Quốc hội hôm 24/10 rằng người phụ nữ đã ném giày về phía bà trong buổi tiếp xúc cử tri Q.2 là "quá khích" nên bị mời ra khỏi hội trường để đảm bảo trật tự.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Vị lãnh đạo đang bị người dân chỉ trích nặng nề về các dự án ở Thủ Thiêm nói bản thân bà luôn cố gắng lắng nghe ý kiến của cử tri. "Thậm chí, nếu hết thời gian, bà con nào chưa được phát biểu tôi sẵn sàng gặp riêng để trao đổi", bà Tâm nói với báo chí hôm 24/10.
"Người dân có người này, người kia, đôi lúc họ bức xức, có lời lẽ nóng nảy, quá khích, mình cần bình tĩnh để lắng nghe, chia sẻ", VnExpress dẫn lời bà Tâm nói.
Ngược lại, cô Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ đã thực hiện hành vi ném giày, qua trang Facebook cá nhân, đề nghị bà Nguyễn Thị Quyết Tâm "tắt di động hoặc đưa cho thư ký giữ" trong lúc tiếp xúc với cử tri, vì theo cô, "cứ bấm bấm trong lúc cử tri đau khổ thì ngứa mắt lắm".
Cô Dương cho biết cô đã ném giày về phía hội trường nơi bà Tâm ngồi là vì "không còn tin cô [bà Tâm] nổi" nữa. Cô nói cô "tuyệt vọng nhưng bắt buộc phải hi vọng" vì "nếu không thì không biết phải làm sao".
Cô gái sinh ra và lớn lên tại Q.2 cho biết cô đã chứng kiến những cuộc "cưỡng chế tàn nhẫn trên mảnh đất ký ức đẹp đẽ Thủ Thiêm, những người dân kêu khóc, những đứa trẻ đứng khóc hu hu vô tội, mình mẩy lấm lem giữa trời khi ngôi nhà của chúng bị đập…"
Bản thân cô Dương không ở Thủ Thiêm nhưng ở trong khu vực lân cận cũng bị lấy đất, nên cô đã bỏ công sức chuẩn bị và chờ đợi được nêu ý kiến với lãnh đạo thành phố trong buổi tiếp xúc cử tri. Cô cho biết đã rời nhà từ 5 giờ sáng và là 1 trong 10 người đến sớm nhất, đăng ký lấy số trước nhất nhưng lại bị nhận phiếu số 39.
Cô Nguyễn Thị Thùy Dương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri.
"Cháu đã chờ, đã chuẩn bị tất cả để nói về những phần đất của người dân bị mất do việc đánh tráo khái niệm, có dấu hiệu làm giả giấy tờ để cướp đất của dân mà không hề đền 1 xu nào cả. Cưỡng chế, đánh đập, chĩa súng vào đầu. Và cả câu hỏi bao năm trong lòng cháu dành cho cô", cô Dương cho biết trên trang Facebook. Khi thời gian cô giám sát và cô không chấp nhận chuyện chính quyền làm sai. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng cô thấy mình xứng đáng nhận hình phạt gì ?", cô Dương ngỏ lời với bà Tâm qua trang Facebook.
"Và may mắn sao cháu lại được ‘sắp xếp’ để có cái số 39 thần thánh. Thì thưa cô niềm tin của cháu dành cho cô chú trong giây phút đó còn thua cả chiếc giày".
Mặc dù chiếc giày cô Dương ném đã không rơi trúng ai, nhưng cơ quan công an quận 2 đã phạt cô 750.000 đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội ; phòng cháy và chữa cháy ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 24/10, bà Tâm giải thích vì lý do buổi tiếp xúc cử tri có rất đông người đến đăng ký phát biểu ý kiến nên ban tổ chức phải phát phiếu số thứ tự để đảm bảo trật tự.
Bà nói bà chưa nghe về tin nữ cử tri bị công an xử phạt, nhưng cho biết cá nhân bà sau buổi tiếp xúc đã "trao đổi" với Mặt trận Tổ quốc Q.2 cần gặp gỡ riêng nữ cử tri này để nêu rõ việc tại sao chưa được mời phát biểu.
Tin cho hay trong buổi thảo luận ở Quốc hội, bà Tâm nói rằng lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo để giải quyết những bức xúc, khiếu nại, kiến nghị của người dân, nhưng "có những việc đã qua quá nhiều thời gian, nhiều đời lãnh đạo thành phố" nên gặp khó khăn về cơ sở pháp lý, trong đó có vấn đề bản đồ quy hoạch, hồ sơ đền bù…
Bà Tâm cũng khẳng định quan điểm của lãnh đạo thành phố là "không áp đặt" trong việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm, mà căn cứ vào quy định pháp luật để thảo luận và "tạo sự đồng thuận". Bà cho biết vào đầu tháng 11 sẽ có một cuộc tiếp dân nữa để nghe ý kiến của người dân.
Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt vào cuối năm 2005 với mục tiêu biến bán đảo này thành một trung tâm thương mại, tài chính với các tòa nhà cao tầng, khu mua sắm, hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến, hiện đại.
Tuy nhiên, việc giải tỏa thi công đã vấp phải nhiều chỉ trích và bị cư dân địa phương phản đối dữ dội. Hàng trăm cư dân đã bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất. Cả một "hội dân oan" đã xuất hiện tại đây sau khi nhiều người mất nhà cửa cho dự án, thậm chí có người uất ức tới mức tự sát.
Khánh An
************************
Người dân nói gì về phát biểu của bà Quyết Tâm về vụ ném giày ? RFA, 24/10/2018)
Theo lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm mà báo chí trong nước thuật lại thì trong lúc một số cử tri đang phát biểu, chị Nguyễn Thùy Dương vì chưa đến lượt phát biểu nên đã bức xúc, cử tri nào đứng lên phát biểu thì Dương đều đứng lên gây rối mất trật tự.
Buổi họp Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, 20/10. Courtesy Facebook Tôi yêu Tây Đô
Ngay sau khi vụ việc diễn ra, chúng tôi có liên lạc với chị Nguyễn Thùy Dương để hỏi lý do vì sao thì được chị cho biết qua thư điện tử như sau :
"Lý do là tôi quá bức xúc về việc Ủy ban Nhân dân Tp HCM đã không giải quyết thỏa đáng oan ức của người dân. Việc tiếp xúc cử tri như lấy lệ. Một năm 4 lần, lần tiếp xúc này chỉ có 2h đồng hồ. Hàng trăm dân oan mà 2h thì làm sao người dân bày tỏ. Việc hứa hẹn mà không đưa đến một kết quả cuối cùng. Nói thật nước chảy đá mòn. Lời hứa làm mòn niềm tin. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, quá tức giận".
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm còn cho rằng tại buổi tiếp xúc có rất đông người dân và cử tri đăng ký phát biểu nên chủ tọa phát số thứ tự nhằm đảm bảo trật tự.
Ông Nguyễn Văn Lung người đại diện cho các hộ dân khiếu kiện tại Thủ Thiêm chia sẻ với chúng tôi rằng, việc phát phiếu thứ tự là có nhưng câu chuyện diễn ra không đúng như bà Tâm vừa nêu :
"Thì bây giờ nói như thế này Cô Dương đi rất là sáng sớm để hy vọng rằng cổ có thể đăng ký để được phát biểu. Cô tới và đăng ký ở thứ tự thứ 5. Khi vào hội trường họ lại lấy danh sach Mặt trận Tổ quốc ra họ đọc tên tuần tự thì như vậy cô này cổ chờ hoài bởi vì cổ bức xúc cổ tới sớm và đặng ký rất là sớm nhưng đến 20 -25 mà vẫn không có tên của cổ nên cổ phản đối là không công bằng vì tại sao không cho cổ phát biểu. Đến người thứ 30 chủ tọa kêu hết giờ kết thúc để ông Nhân lên phát biểu, kể như thời gian không còn và chấm dứt không thể phát biểu những bức xúc nên cổ phản ứng".
Xác nhận về sự việc trên Mục sư Nguyễn Hồng Quang người trực tiếp có mặt trong buổi tiếp xúc và người đứng sau chị Nguyễn Thùy Dương lúc đó chia sẻ với chúng tôi :
"Trong cái hình họ đưa lên tôi là người mặt áo caro màu tím đứng phía sau và cô Dương mặt áo bông. Tôi quan sát em này rất là kỹ bởi vì em tới rất sớm nhưng lại cho những người tới sau nói trước và có nguy cơ là không được nói, em đứng dậy bốn lần trước mặt tui xin được phát biểu, rồi bà Huyền với ông Sự nói là để lần lượt nhưng mà cái âm mưu của bà Huyền là tàn dư của những người cũ cướp đất còn sót lại cho nên là họ không bao giờ cho những người đó phát biểu và tôi có nói bà Huyền là bà hỗn với dân. Phóng viên ghi âm rất là rõ, thì bà Tâm nói như thế không đúng vì phải lần lượt".
Ngoài ra mục sư Quang còn cho biết thêm tại buổi tiếp xúc cử tri, trong hội trường ngoài 100 hộ dân còn lại là toàn bộ cán bộ công nhân viên chức nhà nước đã về hưu :
"Không phải dân không góp ý mà đã nhiều lần góp ý và luôn tôn trọng chính quyền nên đừng mang công an đông đặc như vậy không giống ai hết không đúng như ý nghĩa mà họ nói đâu, họ cản trở chứ họ có nhiệt tình gì đâu. Nếu thật sự muốn lắng nghe dân thì không tổ chức địa điểm chật hẹp và không phát biểu 2h hay 4h bởi vì cả hàng chục ngàn dân muốn phát biểu mà dòm vô hội trường có mấy trăm người mà trong mấy trăm người đó thì 2/3 là cán bộ công nhân viên đã về hưu cũng gọi đến để cho nó đầy".
Cũng tại buổi trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, truyền thông trong nước trích nguyên văn lời khẳng định của bà Tâm rằng "Người dân có người này người kia, đôi lúc họ bức xúc, có lời lẽ nóng nảy, quá khích, mình cần bình tĩnh để lắng nghe, chia sẻ. Với cá nhân tôi, trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri đều cố gắng lắng nghe hết ý kiến của bà con, thậm chí nếu hết thời gian, bà con nào chưa được phát biểu tôi sẵn sàng gặp riêng để trao đổi". do đó bà cần gặp riêng chị Dương để nêu rõ việc tại sao chưa được mời phát biểu.
Chị Hương một người dân khiếu kiện tại khu vực Thủ Thiêm tỏ thái bức xúc khi chia sẻ với chúng tôi rằng :
"Chị nói em nghe bã nói láo đến độ dân bức xúc quá họ ném dép lên chứ không phải như lời bã nói, bã nói như vậy là để chống chế của người gọi là mặt dày đó. Không như lời bã phát biểu đâu, bã phát biểu không đúng đâu".
Ông Nguyễn Văn Lung cũng có ý kiến cho rằng, từ hàng chục năm nay người dân cũng đã khiếu nại ý kiến nhiều lắm rồi, ngay cả chính quyền khi trước về đảm nhiệm đơn vị bầu cử ở quận 2 cũng khẳng định chính quyền thành phố luôn đúng và bà con người dân Thủ Thiêm hoàn toàn sai. Do đó, chuyện bà chủ tịch hội đồng có gặp riêng chị Dương đi nữa thì chắc chắn là chị Dương cũng sai luôn.
Ông Lung tâm sự : "Tôi nè, đại diện cho bà con hơn 20 cái đơn tôi gửi cho đoàn đại biểu quốc hội, chủ tịch hội đồng nhân dân đề nghị tiếp xúc trên văn phòng của đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, thì ngay tại văn phòng hai mươi mấy cái đơn bao nhiêu năm trời sao không chịu tiếp xúc tôi. Còn giờ gặp cô Dương xong rồi lên báo chí nói theo cái này cái kia chứ không nói khiếu nại rồi cô Dương là người sai thế thôi".
Qua trao đổi với một số người dân khiếu kiện tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, tất cả mọi người đều có chung lời khẳng định rằng, họ không còn tin vào chính quyền nữa và họ không cần lời xin lỗi từ phía chính quyền mà điều họ cần là vụ án này phải được khởi tố hình sự rõ ràng và minh bạch.
********************
Bà Quyết Tâm muốn gặp người phụ nữ ném giày (RFA, 24/10/2018)
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 24 tháng 10 lên tiếng bên hành lang Quốc Hội về vụ việc nữ cử tri ném giày lên đoàn lãnh đạo thành phố tại buổi gặp hôm 20 tháng 10 với một số người dân Thủ Thiêm.
Buổi họp Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, 20/10. Courtesy : VnExpress, FB, RFA edit.
Truyền thông trong nước loan tin và dẫn phát biểu của Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là mong muốn gặp bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người đã ném một chiếc giày như vừa nêu hôm 20/10. Động cơ của hành động ném giày được bà Tâm cho là vì có thể do bức xúc nên bà Dương đã to tiếng trong hội trường và còn ném vật lạ lên chủ tịch đoàn. Ý bà Quyết Tâm ám chỉ chiếc giày mà bà Dương đã ném.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng buổi gặp gỡ cử tri hôm 20/10 là để bàn về việc họp Quốc hội, chứ không bàn về chuyện Thủ Thiêm, tuy vậy do người dân vẫn cứ muốn nói chuyện Thủ Thiêm nên các quan chức Thành Phố Hồ Chí Minh tiếp tục lắng nghe chuyện đó.
Bà Nguyễn Thị Thủy Dương trả lời cho đài RFA rằng người dân đã quá mệt mỏi vì những lời hứa của chính quyền trong việc giải quyết những khiếu nại về đất đai ở Thủ Thiêm, và bản thân bà đã quá bức xúc nên đã hành động như vậy.
Sau khi sự việc xảy ra bà Dương bị nhân viên an ninh áp giải về đồn công an Phường, nhưng sau đó được trả tự do. Theo báo chí Việt Nam đưa tin vào ngày 22/10/2018 thì Bà Dương đã bị phạt hành chính 750 ngàn đồng vì hành động ném giày.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói chưa nghe thông tin về việc Công an tiến hành xử phạt đối với Bà Dương.
Đối với vấn đề Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm thì Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ vào sáng ngày 24 tháng 10 rằng có những việc có cơ sở để giải quyết nhưng có những việc đã qua nhiều thời gian, nhiều đời lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh nên rất khó giải quyết.
Trong khi đó thì tại cuộc gặp hôm 20 tháng 10, có cử tri nêu rõ tên của hai cựu lãnh đạo thành phố phải bị xử lý kỷ luật trong vụ sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm là ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư, và ông Tất Thành Cang, đương kim phó bí thư Thành phố Hồ Chí Minh.
****************
Hơn 2/3 số ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm (RFA, 25/10/2018)
Tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính, theo thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học toàn quốc năm 2018 với chủ đề phòng chống các bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội hôm 25/10.
Hình minh họa. Bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hôm 30/5/2017 - AFP
Tại hội nghị, Phó giáo sư Bùi Diệu, nguyên giám đốc bệnh viện K, cho biết số trường hợp mắc mới bệnh ung thư tại Việt Nam liên tục gia tăng qua các năm. Ông cho biết năm 2000 Việt Nam có 68.000 ca mắc mới bệnh ung thư, nhưng đến năm 2010, con số này là 126.000 người và dự báo đến năm 2020 là hơn 190.000 ca. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì mắc bệnh ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói tại hội nghị rằng dù Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng căn bệnh vẫn ở mức báo động. Ông cho biết nguyên nhân là do người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh. Cụ thể, theo ông, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, người thừa cân, béo phì không ngừng tăng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế. WHO dự báo trong 20 năm tới, thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ đô la vì các nguyên nhân từ các bệnh không lây nhiễm.