Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm soát biên giới chung (RFA, 05/02/2018)

Việt Nam và Trung Quốc sắp đạt thỏa thuận được cho mang tính cột mốc về kế hoạch kiểm soát chung ở biên giới giữa hai nước. Kế hoạch được mang tên ‘Hai quốc gia, một trạm kiểm soát’.

biengioi1

Hình chụp hôm 9/5/2014. Khách Trung Quốc bước qua cửa khẩu trên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam ở thành phố Lào Cai  AFP

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin này vào ngày 4 tháng 2 nêu rõ hai bên đang bàn luận chi tiết, và kế hoạch này có thể được thực hiện sớm nhất vào tháng Năm tới đây.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trích lời ông Giản Hưng Siêu, Phó Chủ tịch thành phố Phòng Thành Cảng, Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết điểm khúc mắc lớn nhất là vấn đề thực thi chủ quyền quốc gia ở khu vực mà hai bên làm việc chung với nhau.

Theo dự tính được tờ báo Hồng Kong này tiết lộ thì sẽ có một khu vực mà nhân viên hải quan cũng như cảnh sát cửa khẩu sẽ làm việc chung với nhau. Ông Phó Chủ tịch thành phố Phòng Thành nói rằng khu vực này sẽ có thể không thuộc nước nào cả, mà cũng có thể thuộc cả hai.

Theo phân tích của Bưu điện Hoa Nam thì việc kiểm soát chung như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận thị trường các quốc gia Đông Nam Á, vốn nằm trong dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh mang tên Một vành đai, Một con đường, nối liền Trung Quốc với Châu Âu và Châu Phi.

Chưa thấy báo chí Việt Nam loan tin này, nhưng một chuyên gia người Việt làm việc tại Singapore là ông Lê Hồng Hiệp nói với Bưu điện Hoa Nam rằng ông thấy dự án này rất tích cực, và nó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam chống tham nhũng trong mậu dịch qua biên giới.

Việt Nam và Trung Quốc có chung biên giới trên bộ dài đến 1280 cây số.

Theo dự tính thì chốt biên giới đầu tiên sẽ mở ra ở khu vực giữa thành phố Phòng Thành Cảng của Trung Quốc và Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.

Chốt thứ hai sẽ là giữa thành phố Bằng Tường của Trung Quốc và thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam.

Cả hai thành phố của Trung Quốc nêu trên đều thuộc Tỉnh Quảng Tây, nơi được Trung Quốc chọn là một vị trí quan trọng để mở đầu dự án Một vành đai, Một con đường xuống Đông Nam Á.

***********************

Trung Quốc và Việt Nam có thể lập hệ thống kiểm soát cửa khẩu chung (RFI, 04/02/2018)

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 04/02/2018 dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Hà Nội đang thảo luận lập một hệ thống "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát". Dự án dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm nay.

biengioi2

Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc bò sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giớiReuters

Theo giải thích của ông Giản Hưng Siêu, phó thị trưởng thành phố Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, với nhật báo Hồng Kông, hệ thống kiểm soát cửa khẩu này như đề xuất của Bắc Kinh đã được hai nước bàn thảo từ nhiều năm qua.

Ông Giản Hưng Siêu cho biết thêm là hệ thống này vấp phải vấn đề thực thi chủ quyền, do việc "khi bên nào tiến hành kiểm tra [ở cửa khẩu], thì bên đó có hiệu lực thực hiện chủ quyền đối với bên kia. Đó là một vấn đề khó giải quyết vì cả hai bên đều không muốn buông bỏ quyền này".

Vẫn theo ông Giản Hưng Siêu, Việt Nam và Trung Quốc dự định mở thí điểm hai trạm kiểm soát cửa khẩu chung. Điểm đầu tiên là tại Phòng Thành Cảng, vùng biên giới Đông Hưng – Móng Cái. Điểm thứ hai là tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan giữa thành phố Lạng Sơn của Việt Nam và Bằng Tường của Trung Quốc.

South China Morning Post nhận định, với việc phát triển hệ thống "Hai quốc gia, một trạm kiểm soát", Trung Quốc hy vọng thúc đẩy nhanh hơn nữa kết nối thương mại và quan hệ đối ngoại với các quốc gia láng giềng phía Nam.

Đó là các nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á - ASEAN. Khối này không chỉ là đối tác thương mại hàng thứ ba của Trung Quốc mà còn là một trong những nền thị trường năng động, có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Minh Anh

**********************

Chuyên gia Biển Đông bị kỷ luật vì bài trên Facebook (RFA, 05/02/2018)

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng ngày 5/2/2018 quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.

biengioi3

Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Courtesy of Internet

Truyền thông trong nước loan tin ông Trần Đức Anh Sơn bị kỷ luật vì đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội mà nội dung bị cơ quan chức năng cho là sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng và pháp luật nhà nước.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cho rằng vi phạm của ông Sơn là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân các đảng viên.

Ông Trần Đức Anh Sơn được nhiều người biết đến về những công trình nghiên cứu Biển Đông của ông.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người có nhiều bài nghiên cứu về Biển Đông và hải đảo Việt Nam, vào chiều tối 5/2 cho RFA biết sự việc còn rất mới mẻ, và trong quyết định kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng không ghi rõ cụ thể bài viết nào của ông Trần Đức Anh Sơn bị cho là có nội dung sai phạm.

"Bây giờ không ai biết nội dung cụ thể là chuyện gì, nhưng so với công trạng của Sơn trong vấn đề đấu tranh bảo vệ biển đảo, tất cả công sức của Sơn ở trong cũng như ngoài nước trong 10 năm nay, cho dù có bị 1 khuyết điểm đi nữa thì nói nhỏ nhẹ với nhau chứ tại sao lại đem ra kỷ luật. Đóng góp rất lớn như thế mà đi kỷ luật, cảnh cáo Đảng thì ai đóng góp cho đất nước này nữa đây ? Mà có những trường hợp khác động trời hơn mà lại phá lệ ?

Cái vụ này nó không có nghiêm trọng gì. Nó chỉ là quan điểm học thuật thôi chứ không phải là bôi xấu hay nói xấu gì hết".

Cũng trong ngày 5/2, Ủy ban Kiểm tra thành ủy Đà Nẵng cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 4 vị cán bộ lãnh đạo quản lý còn lại bị là bà Trần Thị Kim Oanh, phó trưởng Ban nội chính thành ủy ; ông Trần Huy Đức, bí thư đảng ủy, Chánh thanh tra thành phố ; bà Lê Thị Thu Hạnh, bí thư đảng ủy, phó giám đốc Sở ngoại vụ thành phố ; và ông Trần Văn Chung, bí thư chi bộ, trưởng phòng an ninh kinh tế, công an thành phố Đà Nẵng.

Những người này bị cho là vi phạm những điều đảng viên không được làm ; sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị không đúng với quy định.

Published in Việt Nam