Nhiều nữ công nhân may của Việt Nam bị lạm dụng tình dục và chịu bạo lực
Một nghiên cứu mới công bố của tổ chức Fair Wear Foundation và Care International mới đây cho biết nhiều nữ công nhân ngành may của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng và bạo lực, thậm chí bị hãm hiếp.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 20/10/2015 : các nữ công nhân may ở nhà máy may 10, ngoại thành Hà Nội AFP
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phỏng vấn của 763 phụ nữ ở các nhà máy tại 3 tỉnh của Việt Nam. Trong đó có đến hơn 43% phụ nữ được hỏi cho biết họ thường phải đối mặt với tình trạng bạo lực và lạm dụng.
Những hình thức lạm dụng cụ thể được nghiên cứu đưa ra bao gồm : sàm sỡ, tát, hãm hiếp, doạ cắt hợp đồng. Bà Jane Pillinger, chuyên gia về bạo lực giới và tác giả của nghiên cứu được The Guardian trích lời cho biết kết quả này đã cho thấy điều kiện làm việc mà những nữ công nhân ngành may của Việt Nam đang phải đối mặt tại các nhà máy nơi có khoảng 20.000 công nhân làm việc.
Bà Annabel Meurs, phụ trách khu vực Việt Nam của Fair Wear Foundation cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục ở các nhà máy may ở Việt Nam, bao gồm cả việc làm thêm giờ quá mức, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và khoán sản phẩm quá mức do các nhãn hàng lớn áp đặt.
The Guardian trích lời bà Pillinger cho biết, tên của các nhà máy, nhãn hàng mà các nhà máy này nhận may gia công được giữ bí mật để khuyến khích các nữ công nhân mạnh dạn tham gia nghiên cứu, nhưng có khả năng lớn các nhà máy này có liên quan đến các nhãn hàng lớn của Mỹ và EU.
Hiện có khoảng 2 triệu người làm việc trong khu vực may mặc của Việt Nam, với 80% trong số này là phụ nữ. Nghiên cứu mới cho biết có đến gần 90% số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải nghe những lời nói có tính sỉ nhục trong năm qua, bao gồm những nhận xét không hay về cơ thể họ hay người nào đó, các lời nói đùa về tình dục hoặc cả các hành động sách nhiễu. Hơn 49% người được hỏi cho biết họ gặp tình trạng bạo lực, sách nhiễu khi đi làm hoặc từ chỗ làm về. Khoảng 34% cho biết họ bị các hành động lạm dụng như hôn hít, sờ mó, đánh đập, đấm.
Những người được hỏi cũng cho biết họ phải làm việc quá thời gian thường xuyên. Có đến hơn một nửa số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải làm việc quá 60 tiếng trong tháng qua, nhiều người cho biết họ không được trả tiền cho thời gian làm quá giờ.
Những người phụ nữ cũng được phỏng vấn cũng cho biết họ chịu sức ép môi trường làm việc rất lớn, không dám đi vệ sinh.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam. Năm 2018, ngành nay đạt doanh thu xuất khẩu là 36 tỷ đô la. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam với 40% kim ngạch xuất khẩu ngành này là vào thị trường Mỹ, theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế năm 2018. Phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam là hàng gia công cho các nhãn hiệu nước ngoài.