RFA, 25/06/2019
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dành thời gian tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, chủ yếu liên quan đất đai ; đồng thời tập trung thực hiện dứt điểm các kết luận của thanh tra, kiến nghị của cơ quan ban ngành trung ương có liên quan.
Cư dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất. Courtesy : Facebook Vườn Rau Lộc Hưng
Truyền thông trong nước, vào ngày 25 tháng 6 cho biết Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa có buổi làm việc với Chính quyền thành phố Đà Nẵng và đã truyền đạt kết luận bằng văn bản của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, giữ vai trò Tổ trưởng rằng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng được yêu cầu cần tập trung thực hiện tốt trong việc phát triển kinh tế xã hội, phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân và ổn định cho người dân có được cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ khi triển khai các dự án có thu hồi đất.
Văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải dành thời gian để tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và xử lý triệt để những tồn tại sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công.
Thành phố Đà Nẵng, trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất ở khu vực miền Trung, Việt Nam được Chính phủ Hà Nội đặt mục tiêu quy hoạch trở thành một thành phố xanh, hiện đại, mang tính toàn cầu và là nơi ngụ cư lý tưởng cho khoảng 2,5 triệu người đến năm 2030. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, không ít cư dân Đà Nẵng trở thành "dân oan" khiếu kiện vì không nhận được bồi thường tái định cư thỏa đáng trong các dự án quy hoạch phát triển thành phố.
Ông Chiến là một trong số những người dân ở Đà Nẵng phải ngược xuôi ra vào Hà Nội để khiếu nại, khiếu kiện liên quan mảnh đất của mình, thuộc diện quy hoạch của một dự án ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Vào tối ngày 25 tháng 6, ông Chiến bày tỏ niềm vui mừng khi nghe được thông tin Chính quyền Đà Nẵng sẽ giải quyết dứt điểm khiếu nại, khiếu kiện của cư dân địa phương :
"Lâu lâu họ (chính quyền địa phương) cũng giải quyết cho mình, nhưng lâu quá. Hơn 10 năm rồi. Cũng gần gần dứt điểm, nói cho đúng thì cũng gần thỏa đáng rồi. Bây giờ nghe tin này thì mừng lắm. Mừng cho dân và mừng cho Nhà nước nữa".
Mặc dù vậy, Đài RFA cũng được nghe nhiều chia sẻ của người dân Đà Nẵng đi khiếu kiện dai dẳng trong nhiều năm rằng họ không lấy làm lạc quan trước thông tin vừa nêu.
Bà Đỗ Phan, một phụ nữ luống tuổi đã phải nhiều lần khăn gói đi đến các cơ quan Trung ương ở Hà Nội để khiếu nại, khiếu kiện suốt 24 năm trường, nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Năm 2018, tôi đi ra Hà Nội lại và Bộ Tài nguyên-Môi trường có ra công văn chỉ đạo về địa phương, nhưng họ cũng không giải quyết. Tôi kiện thành phố Đà Nẵng đã không thực hiện theo những văn bản của Trung ương, mà còn ra thông báo chấm dứt khiếu nại của tôi. Thành ra tôi kiện Chủ tịch thành phố Đà Nẵng không ra quyết định giải quyết khiếu nại của công dân như luật định. Họ đã mời tôi đến Tòa án thành phố Đà Nẵng để hòa giải một lần rồi, nhưng UBND thành phố Đà Nẵng đã không đến hòa giải".
Bà Đỗ Phan nhấn mạnh rằng bà rất lo lắng vì ngày một già, sức tàn lực yếu nhưng không biết đến bao giờ trường hợp đất đai khuất tất của gia đình được Chính quyền thành phố Đà Nẵng giải quyết dứt điểm.
Nhà báo độc lập Lê Hải, từ Đà Nẵng lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì các vụ kiện thưa như thế, có thể nguyên đơn sẽ là người thua kiện. Nhà báo thuật lại kết quả 4 phiên tòa phúc thẩm được Trung ương mở ra xét xử tại Đà Nẵng trong cùng một ngày, hồi trung tuần tháng 6 mà ông đã đến tham dự :
"Trong 4 phiên tòa đó thì đều dân kiện chủ tịch quận, kiện chủ tịch thành phố, kiện chủ tịch tỉnh nhưng cuối cùng tất cả 4 phiên tòa được tuyên đều y án như kết luận của tòa sơ thẩm, tức là các quan chức luôn luôn thắng nhân dân. Và trong cả 4 phiên tòa không có một đại diện nào của các cán bộ bị kiện có mặt, tuy nhiên vẫn thắng kiện".
Bộ Tài nguyên-Môi trường ghi nhận số liệu khiếu kiện về đất đai của dân chúng chiếm hơn 90% trong tổng số các các vụ khiếu kiện, khiếu nại tại Việt Nam tính đến hết tháng 6 năm 2012. Và theo báo cáo của Quốc Hội, công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2018 cho thấy số đơn khiếu nại, tố cáo của người dân trong năm 2018 cao hơn năm trước đó, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức nhà nước. Còn Ban Tiếp công dân cho biết trong năm 2018 đã phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tiếp gần 20 ngàn lượt người, hơn 500 đoàn khiếu kiện tập thể, tiếp nhận và xử lý hơn 13 ngàn đơn thư.
Vào đầu tháng 2 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
RFA nêu vấn đề với Mục sư Dương Kim Khải rằng qua các yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, có phải thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết rốt ráo các khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của người dân nhất là liên quan đất đai hay không, và được Mục sư Dương Kim Khải, một tù nhân lương tâm đã từng tham gia khiếu kiện đất đai tập thể hàng chục năm khẳng định rằng ông không có niềm tin là sẽ giải quyết được.
"Khó tin ở chỗ Cộng sản là phe nhóm cho nên Trung ương nói thế nhưng không biết địa phương có nghe hay không. Tất cả mọi công văn của Hà Nội đưa vào thành phố Hồ Chí Minh thì hoàn toàn họ không chịu giải quyết. Bây giờ, vụ Thủ Thiêm và Lộc Hưng cũng thế".
Vào giữa năm 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết có đến 75% khiếu nại ở thành phố này liên quan nhà đất. Và theo ghi nhận của RFA, trường hợp cư dân Thủ Thiêm khiếu kiện tập thể suốt hai thập niên qua là một ví dụ điển hình. Các dân oan Thủ Thiêm ta thán rằng họ giống như một trái bóng căng phồng, chứa đầy nỗi uất ức tan nhà nát cửa mà các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cứ đá qua, đá lại vì đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không chịu giải quyết. Hay vụ cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra hồi đầu tháng 1 vừa qua, mà dư luận cho là một vụ cưỡng chế kinh hoàng, nhưng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn "bình chân như vại" không thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương là phải tiếp xúc và đối thoại với cư dân vườn rau Lộc Hưng, sau khi nhóm đại diện dân oan Lộc Hưng trong vòng 6 tháng qua ra tận Hà Nội để khiếu nại, khiếu kiện.
Còn những trường hợp hiếm hoi được chính quyền địa phương giải quyết theo quyết định của các cơ quan Trung ương thì kết quả được khả quan hay không ? Bà Lê Thị Tưởng cho biết cuộc khiếu nại, khiếu kiện của bà và hàng trăm hộ dân ở Trị An từ năm 1997 kéo dài hơn 20 năm với kết quả :
"Đi thưa cá nhân cũng có, tập thể cũng có nhưng bị bác đơn, không xử cho ai hết. Ra Văn phòng Chính phủ lấy 5 giấy của Văn phòng Chính phủ chuyển vô cho tỉnh thì cũng không giải quyết. Khi đi lấy tài liệu hay đi xin tài liệu thế nào cũng bị xe theo cán. Nói thật phim xã hội đen sao thì còn hơn thế nữa. Ba lần như vậy. Cuối cùng 8 ông đi tù nhưng cũng không được trả gì hết".
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật trong Nhóm Luật sư hỗ trợ pháp lý cho cư dân vườn rau Lộc Hưng cho rằng dù Chính phủ, Thanh tra nỗ lực bao nhiêu chăng nữa và dù Cơ quan Tiếp dân mở rộng đến cấp nào đi nữa thì càng thể hiện sự bế tắc trong chính sách đất đai, bởi quy định "đất đai sở hữu toàn dân". Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc quả quyết chỉ có công nhận quyền sở hữu tư nhân đất đai thì đất nước Việt Nam mới có thể chấm dứt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đất đai kéo dài đằng đẵng và nhiều phức tạp.
"Tôi nghĩ đến lúc Nhà nước phải cần xem xét lại chính sách đất đai. Quốc Hội cần phải minh thị bằng đạo luật, bằng sửa đổi. Theo đó, phải công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai và bình đẳng, cũng như chính sách về thu hồi đất cần phải có sự giám sát, sự hạn chế quyền của người thu hồi đất hiện nay. Và rõ ràng chính những vấn nạn trong đất đai là môi trường màu mỡ cho tham nhũng. Thật ra, tham nhũng đất đai là tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam. Chính sách đất đai hiện hành gây ra tham nhũng, tạo ra lợi ích nhóm và nó gieo rắc bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân, biến đất nước Việt Nam hiện nay thành cường quốc của dân oan".
Nguồn : RFA, 25/06/2019
*********************
Hà Nội muốn gỡ bỏ ‘thẻ vàng’ đánh bắt cá trái phép
RFA, 25/06/2019
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 10/2019 một đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình việc thực hiện biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam hay gọi tắt là chống khai thác IUU nhằm tìm cách tháo gỡ "thẻ vàng" cảnh cáo mà EC đã áp dụng cho Việt Nam từ 23/10/2017.
Ảnh minh họa. AFP
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp diễn ra hôm 21/6 phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp cùng các bộ ngành và lãnh đạo 28 tỉnh thành phố ven biển triển khai biện pháp hoạt động nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" nếu phát hiện vi phạm Bộ Công an tiến hành điều tra xử lý và thậm chí khởi tố hình sự để răn đe.
Cũng tại cuộc họp ông Nguyễn Ngọc Oai Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Việt Nam cho rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để tháo gỡ "thẻ vàng" hoặc có thể dẫn đến "thẻ đỏ" trong đợt kiểm tra sắp tới là kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, cần triển khai hệ thống theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển có chiều dài 15m trở lên là nội dung quan trọng để tháo gỡ thẻ.
Học giả Đinh Kim Phúc một nhà nghiên cứu Biển Đông trao đổi với chúng tôi rằng, để quản lý được đội tàu 15m trở lên đánh bắt xa bờ là điều rất khó khăn.
"Một điều khó khăn của ngư dân là vùng biển Việt Nam hiện nay bị Trung Quốc khống chế rồi đe dọa ngư trường truyền thống gần khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt thì buộc ngư dân họ phải đi tìm những nơi khác duy trì cuộc sống của họ nên vi phạm lãnh hải của nước ngoài, rồi bắt bớt, đánh chìm, bỏ tù …. Để giải quyết thẻ vàng tránh thẻ đỏ của EU thì một mình Việt Nam làm rất là khó khăn nhưng nay đã có sự thống nhất trong nội bộ các nước thành viên Asian để tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất".
Ngoài ra, vị học giả còn cho hay mặc dù chính phủ Việt Nam cũng đã rất tích cực đề ra các biện pháp quản lý, giáo dục ngư dân nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, điều này cho thấy nó vượt tầm kiềm soát của nhà nước.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông, nhận định chính phủ Việt Nam rất rất muốn tháo gỡ "thẻ vàng" trong đợt kiểm tra sắp tới nhưng đạt được hay không là điều không dám chắc.
"Bởi vì Việt Nam cũng ý thức được xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU quan trọng như thế nào, trong suốt một thời gian hải sản Việt Nam cũng có vấn đề, chất lượng của nó cũng còn nhiều việc phải bàn chính vì vậy Việt Nam muốn tăng trưởng đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm này thì Việt Nam cần thay đổi và làm tốt hơn nữa, mà trong thời gian qua bộc lộ việc quản lý của Việt Nam không được tốt về vấn đề này nên Việt Nam rất là muốn gỡ nhưng chắc chắn nó sẽ không được nhanh đâu nhưng EU đã có những bước đi tiến bộ hơn thì đó thành công của Việt Nam rồi chứ không phải trong đợt này là xóa bỏ ngay thẻ vàng đâu".
Theo truyền thông trong nước, năm 2018 số vụ tàu vi phạm của Việt Nam tiếp tục tăng với 85 vụ, tăng 28 vụ so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019 có 41 vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu vi phạm gồm Kiên Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận…
Thông cáo báo chí của Uỷ Ban Châu Âu về 'thẻ vàng' đối với hải sản Việt Nam. Ảnh chụp từ trang undercurrentnews.com
Ông Đặng Huy Hậu phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại cuộc họp cho rằng để giải quyết được tận gốc vấn đề tàu cá khai thác thủy sản trái phép cần xác định ranh giới đánh bắt, chủ tàu có thiết bị giám sát, việc chế tài phải mạnh tay như cắt bỏ cơ chế hỗ trợ xăng dầu và thậm chí tịch thu tàu nếu vi phạm lần thứ ba về đánh bắt hủy diệt.
Một ngư dân tại Bà Rịa- Vũng Tàu không muốn nêu tên cho biết trong các loại đánh bắt mà chính phủ đang muốn nghiên cấm là ngành dã cào vì họ cào từ nhỏ đến lớn khiến tất cả hải sản đều bị hủy diệt. Do vậy để có thể đi đánh bắt xa qua đến vùng biển nước khác thì chỉ có tàu dã cào mới làm được. Anh giải thích thêm.
"Còn tui em là dùng đá sọt để sán xuống vị trí mà lâu nay cha mẹ đã từng làm, nhiều điểm có rạn rồi tối dụ cá ra khỏi rạn đó và nhất quyết không đánh lưới ngay rạn, kéo đàn cá ra khỏi rạn rồi vây lưới lại bắt thì nhóm cá đó là cá lớn nên chính vì vậy thủ tướng ra quy định đó để chống lại những người ngành dã cào chuyên qua vùng nước bạn để đánh bắt. Còn với nhóm lưới vây, lưới câu hay lưới mực thì họ hoàn toàn không sợ việc đó".
Ngoài ra, ngư dân còn cho hay hiện nay nhiều tàu cá đã có thiết bị định vị giám sát hành trình và được chính quyền chấp thuận do đó đi đâu là cơ quan chức năng biết được chính xác vị trí cụ thể.
"Khi mình mở điện thoại lên thì biết được vùng biển ngư dân Việt Nam được quyền đánh bắt. Bộ Nông nghiệp Việt Nam phân luồng dựa theo hiệp định đã ký với Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Dựa theo 6 điểm mà móc thẳng thôi. Nếu trong vùng biển Việt Nam thì nó sẽ hiện lên màu xanh dương và để là vùng biển ngư dân tự do đánh bắt còn phía đường ranh bên kia là màu vàng. Khi tàu có giám sát hành trình mà tàu của mình qua khỏi làn ranh đó là nó kêu như báo động vậy đó thì mình biết là đang xâm phạm lãnh hải của nước khác".
Anh ngư dân còn cho biết thêm, khoảng 2 năm trở lại đây nhiều tàu dã cào hay các loại tàu lưới khác không dám mon men tới khu vực ranh giới nhưng tình trạng tàu hải giám của các nước khác như phía Indonesia vào vùng biển Việt Nam xua đuổi và lôi tàu cá mình ra ngoài rồi bắt lại.
Theo học giả Đinh Kim Phúc, ngư dân không dại gì đi xâm phạm lãnh hải nước khác để bị bắt, đốt tàu thậm chí tù đày và dù có bị khởi tố hình sự đi nữa mà chính phủ không giải quyết được công ăn việc làm, ngư trường thuận lợi cho ngư dân có nguồn sinh sống thì tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra. Đồng thời, vị học giả này khẳng định việc EC tháo gỡ "thẻ vàng" của Thái Lan có thể là bài học kinh nghiệm để Việt Nam học tập.