Tuy số tiền bồi thường này để đền bù cho người dân từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2016, nhưng đến giữa năm nay, nhiều người dân nói họ vẫn chưa nhận đủ hoặc chưa nhận được một đồng bồi thường nào.
Theo một số người dân, Hà Tĩnh, tính tới trước ngày 30/4, đã nhận được một đợt tiền bồi thường, nhưng hầu hết chỉ là một phần bồi thường cho mặt hàng hải sản tươi.
Còn đối với các loại mặt hàng khô như cá khô, mực khô, tôm khô... được quy định là sẽ bồi thường 100% thì số tiền vẫn chưa đến tay người dân.
Ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở đông lạnh Huy Lộc cho biết các loại mặt hàng khô vẫn chưa nhận được một đồng nào.
Ông Huy nói các chủ cơ sở đã bốn lần lên Hà Nội vào tháng 11/2016, tháng 1/2017, tháng 2/2017 và gần đây nhất là 18/5 để nộp đơn yêu cầu các Bộ hỗ trợ giải quyết.
Ông cho biết đã gửi đơn đến năm bộ và thanh tra chính phủ, nhưng chỉ nhận được một phản hồi của thanh tra chính phủ là "đã gửi đơn về tỉnh, yêu cầu tỉnh xem xét giải quyết".
Hiện trong khu vực huyện Lộc Hà, có tới hàng trăm tấn sứa lưu trữ trong thùng hơn một năm qua "đã bốc mùi hôi thối không thể chịu nổi nhưng ngay cả việc đơn giản như chỉ đạo, hướng dẫn nơi chôn hay đổ sứa, tỉnh cũng chưa có hướng giải quyết cho người dân", ông Huy phàn nàn.
Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở Cường Loan, cho biết BBC biết, về các mặt hàng tươi, bà đã nhận được một phần của khoản bồi thường hôm 29/4, nhưng khoản còn lại nhà nước xin khất lúc đó đến giờ vẫn chưa trả.
Còn mặt hàng khô, cũng như các chủ cơ sở khác, bà nói bà chưa nhận được một đồng nào.
"Họ cứ nói là 30/6 sẽ giải quyết mà giờ 3/7 rồi mà vẫn chưa có gì hết cả", bà Loan nói.
BBC đã tìm cách liên hệ chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch và chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhưng không ai nhấc máy.
Hôm 3/7, nhiều người dân đã kéo đến trụ sở uỷ ban xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, để yêu cầu chủ tịch tỉnh giải trình về vấn đề bồi thường cho người dân.
Anh Chu Thiện Lượng, người giúp đỡ người dân kê khai hồ sơ đòi bồi thường hơn một năm qua cho biết, cả xã mấy trăm hộ bị ảnh hưởng, cũng yêu cầu bồi thường thì chỉ mới có bốn hộ nhận được bồi thường.
"Việc làm của các cấp các ngành chưa đúng... Chúng tôi đề nghị cấp trên trả biển trả sông. Con người sống không có sông có biển không thể tồn tại được", một người phụ nữ phát biểu tại buổi giải trình tại UBND xã Quảng Minh được quay trực tiếp từ Facebook Thanh Niên Công Giáo.
Trao đổi với BBC, chủ tịch xã Quảng Minh Nguyễn Văn Bình xác nhận "chưa giải quyết xong chuyện bồi thường, mới giải quyết được cho bốn hộ" và "sẽ trả lời khi có thêm thông tin".
***********************
Nạn nhân Formosa ở Cồn Nâm đòi bồi thường (RFA, 03/07/2017)
Khoảng 1 ngàn người dân thuộc giáo xứ Cồn Nâm, thuộc địa bàn xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào ngày 3 tháng 7 cùng nhau lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã yêu cầu bồi thường vì bị tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên.
Người dân thuộc giáo xứ Cồn Nâm kéo đến trụ sở UBND xã yêu cầu bồi thường vì thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Courtesy Xuân Diện Blog
Linh mục Trương Văn Thực, quản xứ Cồn Nâm, vào chiều ngày 3 tháng 7 cho biết lại lý do những giáo dân sống ở 5 thôn tại xã Quảng Minh phải đi đòi hỏi quyền lợi :
"Theo quyết định 1880 của chính phủ với 7 hạng mục được đền bù thì tại địa phương này có nhóm ‘mò cua, bắt ốc’ (được bồi thường). Chúng tôi cũng nằm trong vùng chịu tác động trực tiếp bởi thảm họa môi trường Formosa nên người dân ai cũng được bồi thường.
(Theo như tôi biết) ngoài Hà Tĩnh người ta nhận được đền bù 35 triệu 500 ngàn ; một số nơi được 17 triệu 400 ngàn… Ở đây có 4 người được đền bù 8 triệu 230 ngàn hay 270 ngàn gì đó ; tuy nhiên chỉ mới có 4 gia đình được".
Theo vị linh mục này thì 4 gia đình nhận được bồi thường nằm trong số dân ở 5 thôn thuộc địa bàn xã Quảng Minh. Tổng số giáo dân trong giáo xứ chừng 4.000 người.
Kết quả cuộc đi đòi hỏi quyền lợi trong ngày 3 tháng 7 của chừng 1.000 giáo dân xứ Cồn Nâm vẫn không có kết quả gì khi cán bộ chức năng của xã cố tình đùn đẩy trách nhiệm không trả lời những yêu cầu của người dân :
"Bà con ký yêu cầu đòi bồi thường thông qua thôn ; nhưng xã vẫn cứ lấp liếm. Chúng tôi muốn nghe câu trả lời từ họ ; nhưng họ cứ chối bỏ cách này, cách khác. Họ không trả lời thẳng thắn vấn đề đó ; cứ bảo là trên chưa phê duyệt. Chúng tôi muốn có câu trả lời trực tiếp thì họ cứ đi vòng vo".
Quảng Bình là một trong 4 địa phương chịu tác động trực tiếp bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên.
Nhà máy Formosa thừa nhận hoạt động xả thải, công khai xin lỗi trên truyền hình và bồi thường 500 triệu đô la.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, người đứng đầu ban khắc phục hậu quả của thảm họa môi trường Formosa trong cuộc họp vào tháng 6 vừa qua ra chỉ thị đến cuối tháng 6 công tác bồi thường phải hoàn tất.
Liên quan đến môi trường biển miền Trung, trong cuộc họp Chính phủ với các địa phương vào chiều ngày 3 tháng 7, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi biển miền Trung an toàn hay chưa ; thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng qua giám sát tại những vùng liên quan thì hải sản tầng thượng, tầng trung đã an toàn.
Đối với hải sản tầng đáy thì thứ trưởng Trương Quốc Cường nói rằng Bộ Y tế thực hiện giám sát từ tháng 6 năm ngoái cho đến tháng 3 năm nay ; kết quả được ông Trương Quốc Cường báo cáo là các chỉ số hóa chất ô nhiễm liên tục giảm, và không còn độc hại.
Ông Trương Quốc Cường nói rằng Bộ Y Tế đã phối hợp với các chuyên gia quốc tế thống nhất lấy mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung với 3 nơi khác gồm Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, và Khánh Hòa để đối chứng. Kết quả trong tháng 6 vừa qua được nói là các mẫu giống nhau.
Một số nhà khoa học trong nước yêu cầu cơ quan chức năng cần minh bạch tất cả những kết quả giám sát để những ai cần đều có thể tiếp cận.