Tỉnh ủy Nghệ An vừa khẳng định sẽ "răn đe các đối tượng lợi dụng tôn giáo cấu kết với các tổ chức phản động kích động nhân dân để gây bất ổn".
Giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị tê liệt do hàng ngàn người phản đối việc bắt cóc ông Bình. (Hình: Tuổi Trẻ)
Sau khi sử dụng hàng ngàn cảnh sát có vũ trang tấn công những người phản đối việc bắt ông Hoàng Đức Bình hôm 15 tháng 5, ngày 16 tháng 5, Tỉnh ủy Nghệ An công bố một thông báo, theo đó, việc công an tỉnh này bắt ông Hoàng Đức Bình là "đúng quy định pháp luật".
Ông Bình, 34 tuổi, vốn là một trong những người hết sức tích cực đối với việc đòi chính quyền Việt Nam đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn Formosa ở Khu công nghiệp Vũng Áng – Hà Tĩnh, đồng thời phải bồi thường thỏa đáng cho tất cả những người bị thiệt hại vì chất thải có chứa độc chất mà Formosa xả ra hồi tháng 4 năm ngoái, khiến cá chết trắng bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung.
Ngày 15 tháng 5, cảnh sát giao thông đã chặn chiếc xe chở linh mục Nguyễn Đình Thục – quản xứ Song Ngọc (một trong những giáo xứ mà giáo dân thường xuyên xuống đường đòi công lý cho họ trong vụ Formosa) và ông Bình để "kiểm tra". Trong khi xe ngừng, một số kẻ mặc thường phục đã lôi ông Bình ra khỏi xe, chuyển sang một xe khác rồi chở đi giống như bắt cóc.
Đó cũng là lý do hàng ngàn người đổ ra đường phản đối. Giao thông trên quốc lộ 1 – con đường xuyên Việt đã bị tắc khoảng năm tiếng tại đoạn chạy ngang huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Trong thông báo phát hành ngày 16 tháng 5, Tỉnh ủy Nghệ An tuyên bố, công an tỉnh này đã có quyết định khởi tố ông Bình từ ngày 11 tháng 5, với hai cáo buộc: "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước" và "chống người thi hành công vụ".
Theo thông báo, sở dĩ ông Bình bị khởi tố vì "Quan hệ, móc nối với các đối tượng phản động, chống đối trên địa bàn, thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ. Cấu kết với nhiều đối tượng lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung để kích động, tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An và Hà Tĩnh, gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh trật tự".
Tuy việc thực thi lệnh bắt tạm giam giống hệt như bắt cóc song Tỉnh ủy Nghệ An vẫn nhấn mạnh là "đúng qui định pháp luật".
Thông báo cáo buộc linh mục Nguyễn Đình Thục "chỉ đạo" giáo dân phản đối việc bắt ông Bình khiến giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Linh mục Nguyễn Đình Thục còn bị cáo buộc là "kích động giáo dân kéo về trụ sở công an huyện Diễn Châu đòi trả tự do cho Hoàng Đức Bình". Mặt khác, thừa nhận "một số đối tượng đã kích động giáo dân bắt giữ trái phép bốn cán bộ đoàn thể cấp huyện và xã đang tham gia tuyên truyền, vận động bà con không gây rối trật tự trị an và làm ách tắc giao thông".
Cũng theo thông báo thì "trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các cơ quan chức năng, linh mục Nguyễn Đình Thục đã chỉ đạo giáo dân trả tự do cho bốn cán bộ bị bắt giữ trái phép và tự giải tán trở về địa phương".
Chuyện hàng ngàn cảnh sát có vũ trang tấn công những thường dân chỉ có khẩu hiệu mà người ta đã thấy qua nhiều video clip được đưa lên Internet trong ngày 15 tháng 5 được giải thích là "thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, giải tỏa ách tắc giao thông, vận động quần chúng và trấn áp, răn đe các đối tượng quá khích".
Theo tờ Tuổi Trẻ thì "lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An", cho rằng, "cần xử lý nghiêm việc kêu gọi giáo dân, gây ách tắc giao thông và bắt giữ người trái pháp luật. Giới lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An còn tuyên bố "sẽ kiên quyết xử lý các phần tử kích động nhân dân vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Đáng lưu ý là sau một thời gian dài liên tục chỉ trích Giám mục Nguyễn Thái Hợp, các linh mục Giáo phận Vinh "thiếu thiện chí, cố tình gây rối trật tự, trị an" thậm chí "tiếp tay, câu kết với các thế lực thù địch", lần này, sau sự kiện vừa kể, thông báo của Tỉnh ủy Nghệ An đột nhiên ca ngợi "sự phối hợp nhiệt tình của Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, của nhiều linh mục và giáo dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng như một số huyện trong việc vận động, thuyết phục linh mục Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân" trong việc vãn hồi trật tự. (G.Đ)
*********************
Linh mục Đặng Hữu Nam bác bỏ cáo buộc của chính quyền (BBC, 16/05/2017)
Những 'hành vi sai trái' mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong thời gian năm tháng đầu năm 2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh phản đối Formosa, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt.
Linh mục Đặng Hữu Nam hiện cai quản Giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Là một trong hai người bị Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu nêu đích danh là "các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", linh mục Đặng Hữu Nam nói giới chức đã "sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để xuyên tạc và bôi nhọ" ông và linh mục Nguyễn Đình Thục.
"Thời gian qua cho đến ngày hôm nay, trên khắp địa bàn các xã ở tỉnh Nghệ An, vào các thời điểm đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, loa truyền thanh của các địa phương đều phát đi các tin vu cáo, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ, kết án chúng tôi, nhằm ngăn cản việc chúng tôi lên tiếng phản đối Formosa phá hại môi trường biển Việt Nam", linh mục Đặng Hữu Nam nói.
"Chống Formosa là chống Đảng, chống nhà nước" ?
"Họ quy việc chúng tôi chống Formosa thành chống Đảng, chống nhà nước".
"Họ coi chúng tôi là phản động. Không chỉ chúng tôi mà bất cứ ai ở đất nước này nếu nói cho người khác biết sự thật, phản đối sự giả dối, thì đều bị coi là phản động, là kẻ thì của chế độ".
"Nếu họ nói rằng tôi bôi nhọ Đảng và nhà nước thì họ hãy chỉ ra những điều tôi nói sai. Tôi chỉ nói lên hiện tình đất nước, điều mà ai cũng thấy và chính bản thân họ cũng thấy".
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng có sự "câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các 'chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn'.
Người dân tại giáo xứ Phú Yên tham gia đi kiện Formosa hồi tháng 10/2016
Báo Nghệ An cũng dẫn lời tướng Cầu nêu đích danh hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục "liên tục có các hành vi nói xấu chế độ qua việc rao giảng trên nhà thờ ; bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước ; móc nối với các đối tượng xấu tổ chức biểu tình gây bất ổn xã hội".
Trong khi đó, linh mục Đặng Hữu Nam nói giới chức đã bóp méo sự thật. Ông cáo buộc giới chức đã 'cắt xén' lời nói của ông, và so sánh việc này với trường hợp một vị khác của Giáo hội Việt Nam trước kia từng gặp phải.
"Rất giống với việc họ cắt xén lời Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt [nói về cuốn hộ chiếu Việt Nam] trước kia. Người ta cắt xén để diễn dịch thành ý nghĩa khác", ông nói.
Tại cuộc họp, tướng Cầu cho rằng cần áp dụng các biện pháp chiến lược, cụ thể là phải "quyết liệt xử lý các thành phần cực đoan", trong lúc giới truyền thông phải "vào cuộc quyết liệt hơn nữa" nhằm "vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngoài nước và các linh mục cực đoan".
Ông Cầu cũng đề xuất việc "áp dụng các biện pháp mạnh tay" trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật.
Đề xuất được Giám đốc Công an Nghệ An nêu trong cuộc họp truyền hình trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức trung ương với lãnh đạo địa phương ở 63 tỉnh thành vào sáng 15/5/2017.
Cuộc họp diễn ra diễn ra hầu đồng thời với vụ bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Bình, người đang đi cùng xe với linh mục Nguyễn Đình Thục ở Nghệ An, dẫn tới việc nhiều người dân biểu tình phản đối tại Diễn Châu trong ngày hôm qua.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình được báo Nghệ An dẫn lời theo đó yêu cầu phải xử lý nghiêm "các đối tượng lợi dụng tôn giáo câu kết với các tổ chức phản động" và "các đối tượng chống đối Đảng, nhà nước một cách công khai".
Ngành công an phải tăng cường lực lượng trong lúc Bộ Quốc phòng "phối hợp để bổ sung tăng cường lực lượng, phối hợp với Bộ Công an" nhằm "ứng phó với mọi tình huống", báo Nghệ An dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu kết luận trong cuộc họp.
*******************
Việt Nam sẽ chịu thêm sức ép quốc tế vì các vụ bắt giữ ? (BBC, 16/05/2017)
Đã có đến tám vụ bắt giữ các nhà hoạt động xã hội và nhà báo tự do từ đầu năm 2017 đến nay
Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực từ trong và ngoài nước sau một số vụ bắt giữ nửa đầu năm 2017, theo một số bình luận.
Trong 5 tháng đầu của 2017, Việt Nam đã chứng kiến ít nhất tám vụ bắt giữ liên quan đến các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà báo tự do.
Xen kẽ giữa các vụ bắt giữ là các diễn biến lên án các nhà hoạt động, và người dân biểu tình phản đối công ty Đài Loan Formosa vì tai họa môi trường xảy ra năm 2016. Cơ quan truyền thông nhà nước nói nhiều người đã "lợi dụng" việc này để "kích động".
Tuần này xảy ra vụ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đột ngột bị bắt giữ, khiến hàng ngàn người dân biểu tình đòi trả tự do cho ông, nhưng sau đó có cáo buộc họ bị hàng trăm cảnh sát cơ động trấn áp.
Hôm 15/5, cùng ngày nhà hoạt động Hoàng Bình bị bắt giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình an ninh trật tự.
Cuộc họp nhắc đến "nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến vụ việc Formosa đang gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", theo Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An.
Báo cáo với Thủ tướng tại hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu đề cập 2 linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam.
Ông Nguyễn Hữu Cầu nói hai người này đã "lợi dụng sự cố môi trường" để "kêu gọi, kích động một bộ phận giáo dân biểu tình, bao vây trụ sở công an, gây ách tắc quốc lộ".
Hai người còn "rao giảng tại nhà thờ, nói xấu chế độ, xuyên tạc lịch sử dân tộc về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4)", theo Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An.
Nhận định về các vụ việc bắt giữ gần đây, luật sư Lê Công Định nói với BBC hôm 16/5 rằng :
"Rõ ràng các nhà cầm quyền ý thức được tình trạng xã hội bật ổn bởi vì chính sách của họ. Nhưng thay vì thừa nhận thất bại và cải tiến, họ lại bảo vệ lợi ích nhóm và cá nhân và dùng biện pháp bạo lực với người dân".
Luật sư Định cho rằng "họ không muốn có sự tồn tại của các tổ chức đối lập".
Về hình ảnh hàng trăm cảnh sát cơ động tràn ra đường để uy hiếp đoàn biểu tình hôm 15/5 tại Nghệ An, ông Định nói "đó là một hình ảnh rất khủng khiếp, rõ ràng nhà cầm quyền chỉ nghĩ đến giải pháp đàn áp".
"Viễn cảnh trong tương lai gần sẽ có đổ máu nhưng tôi tin không chỉ có sự đổ máu từ phía người dân mà còn có sự đổ máu ngược lại của chính quyền".
"Lúc đầu người dân chưa quen thì sẽ sợ hãi, lâu ngày họ sẽ quen dần và đáp trả. Làm sao nhà cầm quyền có thể kham nổi ? Tôi tin sẽ có loạn lạc xảy ra".
Ông Lê Công Định, sinh 1968, được trả tự do trước thời hạn một năm vào năm 2013.
Ông bị bắt ngày 13/6/2009 để điều tra vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự, Tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.
Cùng đợt với ông có ba người khác, là các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long.
Tội danh của các ông sau bị chuyển sang thành Hoạt động lật đổ, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, là tội nặng hơn.
Ngày 20/01/2010, Tòa sơ thẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án từ 5 năm tới 16 năm tù giam, thêm từ 3 tới 5 năm quản chế tại gia cho các bị cáo trên, trong đó ông Lê Công Định lãnh án 5 năm tù, cộng thêm 3 năm quản chế tại gia.
Quốc tế sẽ lên tiếng ?
Trao đổi với BBC hôm 16/5, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch - HRW), ông Phil Robertson cho rằng chính quyền Việt Nam sẽ sớm phải chịu áp lực từ quốc tế trước tình trạng mà ông nói là "đàn áp nhân quyền" tại Việt Nam.
"Đây rõ ràng là một cuộc truy quét với tất cả những nhà bất đồng chính kiến liên quan đến Formosa. Nhưng trong một bức tranh lớn hơn, cái chính quyền Việt Nam mong muốn là quyền lực tuyệt đối".
"Họ coi tất cả các chiến dịch vận động như việc người dân phản đối chính sách đường lưỡi bò tại biển Đông, phản đối chặt cây ở Hà Nội, hay việc xâm chiếm đất đai trái phép, công nhân đình công…Bất cứ hình thức vận động quy mô lớn với sự quan tâm tham gia của nhiều người dân, họ đều cho đó là một mối đe dọa đến quyền lực của họ".
"Formosa là dấu chỉ gần đây nhất của sự sợ hãi đầy hoang tưởng của chính quyền Việt Nam về bất người dân nào mong muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình".
"Họ muốn họ là kẻ độc tôn quyền lực, đưa ra mọi quyết định về vấn đề trong xã hội mà người dân không được phép thách thức, chất vấn, chỉ trích cách họ làm việc".
Hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động chiều 15/5
Ông nói, cái Việt Nam cần là "trách nhiệm" nhưng những gì người ta thấy là sự "miễn nhiệm".
"Miễn nhiệm cho những công an thường phục đánh đập người dân ngay trong nhà của họ, là lôi họ khỏi xe, tấn công họ trên đường. Miễn nhiệm cho những kẻ chiếm đoạt đất đai trái phép. Miễn nhiệm cho những kẻ uy hiếp các nhà hoạt động trên mạng xã hội", ông Robertson phê phán.
Ông nói Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ sớm đưa ra một báo cáo trong vài tuần tới, gửi đến cộng đồng quốc tế và điều này sẽ khiến các quốc gia làm việc hợp tác với Việt Nam sẽ phải "cân nhắc lại trước tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam".
Chính phủ Việt Nam vẫn thường bác bỏ các phê phán của những tổ chức như Human Rights Watch (HRW).
**********************
Nghệ An khẳng định bắt Hoàng Đức Bình là đúng luật (RFA, 16/05/2017)
Các nhà hoạt động dân chủ và Hoàng Đức Bình. Courtesy of chantroimoimedia.com
Tỉnh Nghệ An nói rằng việc bắt giữ ông Hoàng Đức Bình, một nhà hoạt động xã hội tại Nghệ An, vào ngày hôm qua 15 tháng 5, là đúng luật.
Thông báo này được nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam loan tải trong ngày hôm nay.
Trên trang báo mạng Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao có điểm lại những hoạt động của ông Hoàng Đức Bình trong mấy năm qua mà báo này gọi là phản động và mang màu sắc chính trị như là vận động thành lập Hiệp hội ngư dân miền Trung, tham gia Phong trào Lao động Việt và giữ chức Phó Chủ tịch của phong trào này.
Các tổ chức này đều là những nghiệp đoàn tự do không do nhà nước Việt Nam kiểm soát.
Thông báo của tỉnh Nghệ An còn cho rằng ông Hoàng Đức Bình đã kích động biểu tình vào đầu tháng tư, chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Báo chí Việt Nam cũng nói là sau khi ông Hoàng Đức Bình bị cơ quan an ninh bắt giữ tại khu vực huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhiều người dân, mà các bản tin của nhà nước nói là nghe theo lời xúi giục của các linh mục đã đòi thả ông Hoàng Đức Bình, chận quốc lộ 1A trong 5 giờ đồng hồi, và bắt giữ bốn cán bộ truyên truyền của nhà nước.
Các cơ quan truyền thông của nhà nước cũng nói là vụ biểu tình đã chấm dứt, cũng như các cán bộ được trả tự do, với sự hợp tác của Tòa giám mục Vinh.
Theo tường trình của nhà báo tự do Nguyễn Hưu Vinh từ Nghệ An vào ngày hôm qua thì có đến vài ngàn người tham gia biểu tình đòi thả ông Hoàng Đức Bình, và chỉ có ba người bị người dân bắt giữ. Ba người này, theo nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, là người của các cơ quan nhà nước là đoàn thanh niên huyện Diễn Châu trà trộn vào đoàn người biểu tình để gây rối.
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh thì lực lượng an ninh được huy động rất đông đảo cùng với nhiều trang thiết bị đàn áp biểu tình, và có nhiều người biểu tình đã bị đánh đập.
**********************
Bình luận vụ bắt giữ, truy nã ở Nghệ An, Hà Tĩnh (BBC, 16/05/2017)
Hoàng Đức Bình - Ảnh minh họa
Một luật gia ở Hà Nội bình luận với BBC sau việc công an Việt Nam bắt một nhà hoạt động, truy nã hai người khác vì 'vi phạm pháp luật'..
Hôm 15/5, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ 'phản động' Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội 'Chống người thi hành công vụ ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.
Công an tỉnh Nghệ An cũng đang truy nã ông Thái Văn Dung, còn công an tỉnh Hà Tĩnh đang truy nã ông Bạch Hồng Quyền.
Theo báo Công an Nhân dân, ông Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, "đã cấu kết với nhiều đối tượng lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung để kích động các linh mục cực đoan và quần chúng tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An và Hà Tĩnh".
Cũng báo này nói ông Thái Văn Dung "từng là đối tượng có nhiều hoạt động kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thường xuyên đăng tải, tán phát các hình ảnh, thông tin tuyên truyền, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Trong khi đó, công an tỉnh Hà Tĩnh cáo buộc ông Bạch Hồng Quyền "cầm đầu, kích động" 2.000 người, chủ yếu là giáo dân huyện Lộc Hà, biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà hôm 3/4 để "lợi dụng khiếu nại đòi bồi thường" vụ Formosa.
Hôm 16/5, trả lời BBC, Luật gia Nguyễn Đình Hà nói : "Có thể thấy việc bắt ông Hoàng Đức Bình và truy nã Bạch Hồng Quyền là nhắm vào những người đang hoạt động tích cực chống lại Formosa và đòi quyền lợi cho người dân sau thảm họa cá chết".
"Đi xa hơn, dường như công an Nghệ An đang muốn ngăn những luồng thông tin có thể gây hại cho chính quyền và ảnh hưởng đến việc đầu tư của Formosa".
"Đáng nói là cách chính quyền bắt giữ ông Bình ngày 15/5 là hoàn toàn trái quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự về trình tự và thủ tục".
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết : "Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi."..
"Qua tường trình của những người có mặt tại hiện trường thì hai người mặc thường phục, không rõ là côn đồ hay nhân viên an ninh, đã lôi ông Bình ra khỏi xe, đánh liên tục rồi đưa đi mất - giống như một vụ bắt cóc".
"Vài giờ sau thời điểm ông Bình bị bắt, người ta mới thấy báo Nghệ An đăng bài công bố các lệnh bắt tạm giam đề ngày 11/5, quyết định phê chuẩn lệnh bắt ngày 13/5, biên bản bắt trang 1 mà không có chữ ký của ông Bình".
'Hai bên cùng thắng'
"Động thái này giống như chiêu trò của chính quyền Nghệ An nhắm vào việc tác động đến các giáo dân và linh mục ,những người tham gia biểu tình đòi bồi thường thiệt hại".
"Việc bắt một nhân vật ôn hòa như ông Bình, người chỉ muốn theo con đường bất bạo động là kiện tụng Formosa ra tòa, giống như đổ dầu vào lửa, khiến người dân càng bức xúc thêm".
"Việc hạ nhiệt ở Nghệ An chỉ có thể xảy đến khi chính quyền để người dân khởi kiện và vụ việc được giải quyết bằng con đường tố tụng và không bao che Formosa".
"Đó là cách để cả hai bên cùng thắng".
"Thời nay ai cũng hiểu được thực tế Formosa gây thiệt hại, và họ nếu có đi biểu tình cũng là để đòi quyền lợi của chính họ và thể hiện trách nhiệm với môi trường của đất nước chứ không phải bị ai đó kích động như báo nhà nước tuyên truyền như hiện nay".
Hôm 16/5, Phong trào Lao Động Việt mà ông Hoàng Đức Bình là Phó chủ tịch, phát đi Bản lên tiếng : "Sự thật, là nhà cầm quyền muốn bịt miệng ông Hoàng Bình vì đã cùng với các linh mục giúp hàng ngàn nạn nhân của Formosa và nhà máy thủy điện Hố Hô lên tiếng đòi bồi thường".
Cùng thời điểm, ông Hoàng Đức Hảo, em của ông Hoàng Bình kêu gọi Công an Nghệ An "thả ông Bình ngay lập tức vi đã vi phạm pháp luật, bắt giữ người trái pháp luật,đánh đập tra tấn và ép cung".
"Tôi kêu gọi các tổ chức nhân quyền lên tiếng và giúp đỡ anh tôi, người không chống đối người thi hành công vụ, không tham gia đảng phải nào và luôn kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường", ông Hảo cho hay.
Vụ việc bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và truy nã Bạch Hồng Quyền xảy ra trong bối cảnh Tổng Giám mục Giáo phận Vinh Paulus Nguyễn Thái Hợp đang có chuyến điều trần về nạn nhân Formosa tại Châu Âu cùng Ban Hỗ trợ Nạn nhân thảm họa môi trường của Giáo phận Vinh.
Nghệ An không có tên trong danh sách bốn tỉnh miền Trung được chính phủ công bố nhận bồi thường do thảm họa cá chết.