Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cảnh báo chiến dịch tấn công mạng vào cơ quan Chính phủ Việt Nam

RFA, 08/04/2021

Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Việt Nam (NCSC) hôm 8/4/2021 cảnh báo về chiến dịch xâm nhập vào máy tính của các cơ quan chính phủ ở Việt Nam. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày. 

tintac1

Ảnh minh họa. AFP

Theo NCSC, chiến dịch tấn công kéo dài nhiều tháng do nhóm APT Cycldek thực hiện không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước Trung Á và Thái Lan. NCSC đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) để ngăn chặn, xử lý ngay trong tháng 3/2021. 

NCSC khuyến nghị các cơ quan chính phủ cần chủ động rà soát ngay trong nội tại hệ thống thông tin của mình để phát hiện ngăn chặn và xử lý tận gốc. NCSC, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông là những cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin cho Đại hội 13 của Đảng cộng sảnVN. 

NCSC cho hay, với kế hoạch chủ động bảo vệ nhiều lớp, hàng ngàn cuộc tấn công mạng và lợi dụng mạng internet để phát tán thông tin xấu độc đã được xử lý, ngăn chặn trong thời gian diễn ra Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đó, 100% các hệ thống, thiết bị được lắp đặt phục vụ Đại hội đều được qua vòng kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn thông tin. 

Cũng theo NCSC, chỉ trong một tuần diễn ra Đại hội, hàng trăm ngàn sự kiện, cảnh báo an toàn thông tin đã được ghi nhận và ngăn chặn, xử lý hơn hàng nghìn cuộc tấn công mạng, nguy cơ mất an toàn thông tin, trong đó phải kể đến các tấn công có chủ đích APT và những trường hợp lợi dụng mạng internet để phát tán thông tin nhạy cảm, xấu độc...

Hôm 6/4, Trang tin The Hacker News dẫn thông tin phân tích của hãng Kaspersky, cho biết một nhóm tin tặc Trung Quốc được cho là có liên quan đến một chiến dịch gián điệp mạng nhắm vào các tổ chức của quân đội và Chính phủ Việt Nam.

Theo các nhà phân tích của Kaspersky, các hoạt động của nhóm tin tặc nhắm vào Việt Nam được theo dõi trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021. Nhóm này sử dụng một cách gọi là DLL side-loading, một kỹ thuật tấn công trong đó một file DLL giả mạo có thể được nạp vào bộ nhớ của ứng dụng dẫn đến thực thi mã ngoài ý muốn và tránh được các bảo vệ chống virus thông thường được cài đặt trên máy tính.

Theo The Hacker News, 80% các tổ chức bị tấn công bởi nhóm tin tặc là các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ hoặc quân đội ở Việt Nam hoặc có liên quan đến các lĩnh vực y tế, ngoại giao, giáo dục và chính trị. Ngoài ra, những nạn nhân khác được phát hiện là các tổ chức ở Trung Á và Thái Lan.

*********************

Tòa tiếp tục trả hồ sơ vụ ‘biến’ người Trung Quốc thành công dân Việt Nam

RFA, 08/04/2021

Vụ xử ‘biến’ người Trung Quốc thành công dân Việt Nam tiếp tục bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tạm dừng, trả hồ sơ hôm 8/4.

tintac2

Các bị cáo trong phiên xử ‘biến’ người Trung Quốc thành công dân Việt Nam, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 8/4 - Courtesy Pháp Luật Online

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết lý do trả hồ sơ là vì xuất hiện một số lời khai không trùng khớp với hồ sơ của cơ quan tố tụng. Hội đồng xét xử đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ vấn đề này.

Theo cáo trạng được công bố khi bắt đầu phiên xử sơ thẩm hôm 6/4, trong năm bị cáo bị truy tố có ba cựu công an ở Nha Trang là Trần Quang Huy, Đỗ Đăng Khoa và Lê Thanh Hải ; Võ Ngọc Hòa là công dân tỉnh Khánh Hòa và Song Jiahao (ngụ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).

Từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019, nhóm người này đã làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan chức năng Việt Nam để đăng ký thường trú, cấp hộ khẩu cho chín người tại thành phố Nha Trang. Trong số đó có hai người Trung Quốc được làm giả giấy tờ để thành người Việt Nam là Song Jiahao thành Nguyễn Khang Tinh và Ou Yang Chunbo có giấy tờ giả là Trần Dương Huy.

Song Jiahao đã dùng giấy tờ giả với tên Việt Nam mở 3 tài khoản ngân hàng và đăng ký mua bất động sản tại Nha Trang. Vụ việc bị Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện vào tháng 8/2020. Còn vụ Trần Dương Huy (tức Ou Yang Chunbo) chỉ bị phát hiện khi người này không đến nhận hộ chiếu theo giấy hẹn tại Công an tỉnh Khánh Hoà.

Tại phiên xử hôm 8/4, Song Jia Hao khai không nhờ Khoa, Huy và Hòa làm giấy tờ giả... mà đưa tiền cho một người tên A Hào để mua hộ khẩu, chứng minh thư Việt Nam. Vì vậy, tòa cho rằng cần xác minh lại vai trò của A Hào trong vụ án này và làm rõ những ai đã nhận tiền của Song Jia Hao...

Trước đó, tại phiên xử vào tháng 1 năm 2021, Viện Kiểm sát tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị tuyên phạt Trần Quang Huy bốn đến năm năm tù ; Đỗ Đăng Khoa từ ba đến bốn năm tù, Lê Thanh Hải từ một đến 1,5 năm tù, Võ Ngọc Hòa bốn đến năm năm tù và Song Jiahao từ hai đến ba năm tù. Tuy nhiên khi đó, tòa đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

*********************

Tòa Khánh Hòa xử nhóm "biến" người Trung Quốc thành người Việt Nam sau nhiều lần hoãn

RFA, 07/04/2021

Vụ án "biến người Trung Quốc thành người Việt Nam" xảy ra tại thành phố Nha Trang có liên quan đến ba cựu công an đã được đưa ra xét xử sau nhiều lần tạm hoãn.

tintac3

Nhóm bị cáo tại tòa sáng 6/4 - Courtesy of Báo Côngan

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 6/4 và được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 7 tháng 4.

Năm người bị Viện Kiểm sát tỉnh Khánh Hòa truy tố về cùng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức gồm : Trần Quang Huy, Đỗ Đăng Khoa, cả hai đều là cựu công an phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang ; Lê Thanh Hải, cựu công an xã Vĩnh Phương, Võ Ngọc Hòa ngụ tỉnh Khánh Hòa và Song Jiahao ngụ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019, nhóm người trên đã làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước Việt Nam để đăng ký thường trú, cấp hộ khẩu cho chín người tại Thành phố Nha Trang. Trong số này có bảy người được Công an tỉnh Khánh Hòa cấp chứng minh nhân dân.

Điểm đáng lưu ý là trong số đó có hai người Trung Quốc được làm giả giấy tờ để thành người Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 1/2019, nhóm trên đã giúp một người Trung Quốc tên Song Jiahao thành người Việt Nam có tên Nguyễn Khang Tinh và Ou Yang Chunbo có tên trên giấy tờ giả là Trần Dương Huy.

Sau khi có Chứng minh nhân dân và hộ khẩu với tên Việt Nam, Jiahao đã mở 3 tài khoản tài các ngân hàng và đăng ký mua bất động sản tại Nha Trang. Sự việc giả mạo của Jiahao đã được công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện vào tháng 8/2020. Còn vụ Trần Dương Huy chỉ bị phát hiện khi người này không đến nhận hộ chiếu theo giấy hẹn tại Công an tỉnh Khánh Hoà.

Tại phiên tòa hồi giữa tháng 1/2021, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt Trần Quang Huy bốn đến năm năm tù ; Đỗ Đăng Khoa từ ba đến bốn năm tù, Lê Thanh Hải 1-1,5 năm tù, Võ Ngọc Hòa bốn đến năm năm tù, Song Jiahao từ hai đến ba năm tù. Tuy nhiên, sau đó HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, trong phiên tòa diễn ra ngày 6/4/2021, Cơ quan điều tra lại cho rằng một số cán bộ chiến sĩ đã chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ quy trình tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ. Tuy vậy, do sai sót chưa đến mức xử lý hình sự nên đề nghị Công an Thành phố. Nha Trang kiểm điểm, làm rõ.

Sau hai ngày xét xử, Tòa Khánh Hòa một lần nữa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung sáu nhóm vấn đề trong vụ án ba cựu công an tiếp tay "biến" người Trung Quốc thành người Việt.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam