Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, văn hóa tại 11 quận huyện

RFA, 18/11/2022

Thành phố Hà Nội trong quý 1 và 2 sang năm sẽ tiến hành kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong hai lĩnh vực đất đai và văn hóa tại 11 quận/huyện trên địa bàn.

datdai2

Một góc khu vực Thành phố Hà Nội - Reuters

Quyết định về công tác trên được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành và truyền thông Nhà nước loan đi ngày 17/11.

Mười một quận/huyện thuộc diện bị kiểm tra về đất đai gồm Thanh Trì, Long Biên, Hoàng Mai, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Các nơi sẽ tiến hành kiểm tra về hoạt động văn hóa gồm Hoàn Kiếm,  Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Thời kỳ kiểm tra đối với lĩnh vực đất đai tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2022. Đối với lĩnh vực văn hóa tính từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/9/2022.

Trước thời điểm kiểm tra lần này, vào tháng 12/2019, bí thư huyện ủy Sóc Sơn lúc bấy giờ phải lên tiếng về tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch là chủ đề của nhiều bài báo thời gian gần đây. Một trong những sai phạm mà báo chí lên tiếng là việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương khiến đất rừng bị "xẻ thịt", nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.

Một trong những trường hợp là người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng" có công trình xây dựng trên đất thuộc rừng phòng hộ Sóc Sơn, là gia đình ca sĩ Mỹ Linh và ‘Việt Phủ Thành Chương’ của họa sĩ Thành Chương.

Nguồn : RFA, 18/11/2022

**********************

Đòi Vinpearl trả nhà và sổ hồng, nhiều chủ sở hữu bị hành hung

RFA, 17/11/2022

Nhiều chủ sở hữu căn hộ trong ba khu chung cư cao cấp của Công ty Cổ phần Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup bị hành hung khi họ tụ tập trước trụ sở chính của tập đoàn này để đòi quyền lợi.

datdat1

Một người đàn ông bị những người mặc thường phục đánh chảy máu mũi, trong khi bảo vệ Vingroup xô đẩy xung quanh.

Chị Hoa (tên được thay đổi vì lý do an ninh), một chủ sở hữu căn hộ của dự án Vinpearl Empire Condotel (VEC) ở đường Lê Thánh Tôn, thành phố Nha Trang, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết sự việc xảy ra vào sáng 15/11 tại Hà Nội.

Hàng chục chủ sở hữu căn hộ tập trung tại khu vực gần tòa nhà Vincom Plaza Long Biên nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn Vingroup ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội để tìm gặp những người có trách nhiệm trong việc giải quyết những khúc mắc giữa họ và công ty này.

Vào sáng thứ ba, nhiều bảo vệ trong trang phục rằn ri như quân đội và nhiều thanh niên xăm trổ được điều động đến khu vực. Công ty trước đó cũng cho dựng hàng rào bảo vệ nhằm ngăn cản khách hàng đến kiến nghị, đòi quyền sở hữu chính đáng.

Cũng theo lời chị Hoa, khi đoàn khách hàng đến gần trụ sở thì bị một nhóm thanh niên chặn lại và cướp mất thùng áo thun màu đỏ mà đoàn định mặc vào khi đi đàm phán.

Không như những chủ sở hữu căn hộ ở Đà Nẵng có áo phông với dòng chữ vàng "Yêu cầu VIN trả sổ hồng cho cư dân VRC Đà Nẵng", áo phông của VEC không có thông điệp gì.

Sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở đối với khu vực đô thị, áp dụng với nhà ở, đất ở đô thị.

Một người nước ngoài có vợ là người Việt và sở hữu căn hộ của Vinpearl Nha Trang cướp lại được một chiếc áo thì bị hai bảo vệ mặc áo rằn ri và một người khác mặc đồng phục trắng của bảo vệ xúm vào bẻ tay ông và lấy lại chiếc áo.

Theo một video clip quay tại hiện trường, một người đàn ông bị chảy máu mũi vì bị những người mặc thường phục đánh, trong khi bảo vệ Vingroup xô đẩy xung quanh. Chị Hoa cho biết người này bị dập mũi, phải nhập viện để điều trị vết thương.

Những người này sau đó được vào trong trụ sở chính của Vingroup và gặp Giám đốc chăm sóc khách hàng Hồ Thị Thanh Thủy của Vinpearl. Khi một nữ khách hàng lấy chiếc áo đỏ không có chữ in từ trong túi ra để chất vấn về việc họ bị hành hung ở cổng thì một số nhân viên bảo vệ xông vào cướp chiếc áo của người này.

Chị Hoa thuật lại trong buổi gặp này, bà Hồ Thị Thanh Thủy nói : "Đây là trụ sở và lãnh địa của Vin, các anh tự nhiên nhào vào nhà của người ta thì đương nhiên người ta phải đánh các anh !".

Vinpearl không tuân thủ hợp đồng mua bán căn hộ với nhà đầu tư

Vinpearl có một dự án khu căn hộ cao cấp ở Đà Nẵng mang tên Vinpearl Riverfront Condotel Đà Nẵng (VRC) và hai dự án khác ở Nha Trang mang tên Vinpearl Empire Condotel (VEC) ở đường Lê Thánh Tôn và Vinpearl Beachfront Condotel (VBC) ở Trần Phú, Phú Lộc.

Dự án Vinpearl Empire Condotel có 1.200 căn hộ trên thửa đất loại "Đất ở tại đô thị (không hình thành Đơn vị ở)" theo giấy tờ do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 09/6/2022.

Hai dự án còn lại đều có số căn hộ tương đương, chị Hoa cho biết.

Năm 2016, chị Hoa mua một căn hộ chung cư ở tòa nhà hỗn hợp VEC với giá 2,3 tỷ đồng trong khi giá thị trường khi đó chỉ là một tỷ đồng. Chung cư này có nhiều dạng căn hộ với diện tích khác nhau nhưng được Vinpearl bán với giá chung 65 triệu đồng/mét vuông.

Một nhà đầu tư khác ở VEC tên Hồng (không tiết lộ tên thật vì độ nhạy cảm của vấn đề) cho RFA biết, trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà và Vinpearl thì tên căn hộ chung cư với quyền sở hữu vĩnh viễn, nhưng trong sổ hồng mà nhiều nhà đầu tư khác đã nhận lại ghi là căn hộ du lịch/condotel (được ở nhưng không hình thành đơn vị ở) vốn chưa có khung pháp lý rõ ràng.

Bà Hồng vẫn chưa nhận được sổ đỏ và sổ hồng cho căn hộ của mình ở VEC, trong khi đó Vinpearl đổ lỗi về sự chậm trễ này cho cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà.

"Theo Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được thu 95% căn nhà khi chưa có sổ hồng cho khách hàng. Nhưng Vinpearl đã thu đủ số tiền của tôi từ sáu năm trước mà chưa đưa sổ đỏ-sổ hồng cho tôi là sai luật", bà Hồng nói.

Bà Hồng cho biết một điều nữa mà các nhà đầu tư không hài lòng với Vinpearl là trong hợp đồng mua bán quy định Vinpearl thu 2% giá trị căn hộ để làm quỹ bảo trì và thành lập ban quản trị tòa nhà để quản lý nguồn tiền này để thực hiện việc bảo trì. Tuy nhiên, cho đến nay, Vinpearl vẫn không thành lập ban quản trị, và không báo cáo việc sử dụng quỹ này như thế nào.

Chương trình Quản lý căn hộ cho thuê

Năm 2018, khi vừa được Vinpearl bàn giao căn hộ thì chị Hoa cũng như các nhà đầu tư khác cho luôn công ty này thuê lại theo "Chương trình quản lý cho thuê căn hộ" trong thời hạn 50 năm với lời hứa sẽ trả 10% giá trị căn hộ mỗi năm trong năm năm đầu, và từ năm thứ sáu thì chủ căn hộ sẽ hưởng 85% lợi nhuận từ việc kinh doanh du lịch và 15% còn lại là phí quản lý.

Trong năm năm đầu (2016-2021), Vinpearl thực hiện đúng lời hứa. Sang năm 2022, công ty này không trả tiền thuê cho chủ căn hộ cho thời gian sáu tháng đầu năm, với lý do lỗ vốn do không có khách thuê.

Tuy nhiên, Vinpearl không minh bạch trong việc cung cấp số liệu kinh doanh căn hộ thuê lại trong năm thứ sáu cho các chủ sở hữu.

Bà Hồng được một người sống gần tòa nhà cho biết, khách đến thuê phòng của dự án này khá đông sau khi hết giãn cách do dịch Covid-19 được dỡ bỏ.

"Đêm thì đèn sáng trong căn hộ mà Vinpearl lại nói là chỉ có khách thuê một đêm trong sáu tháng đầu năm nay", bà Hồng nói.

Chủ sở hữu muốn lấy lại căn hộ của mình nhưng Vinpearl không đồng ý

Nhận thấy việc cho Vinpearl thuê lại không hiệu quả nữa nên hàng trăm nhà đầu tư ở ba dự án trên muốn lấy lại căn hộ để họ tự kinh doanh hoặc cho công ty khác thuê lại, nhưng Vinpearl không đồng ý, không đàm phán, dẫn đến việc xô xát vừa qua.

Trong hợp đồng cho thuê lại giữa chủ sở hữu căn hộ du lịch và Vinpearl có điều khoản hủy hợp đồng sau năm năm.

Tuy nhiên, Vinpearl không đồng ý hủy hợp đồng cho dù chủ sở hữu sẵn sàng chịu phạt (8%) như hợp đồng quy định, điều kiện mà Vinpearl đưa ra là phải có từ 90% chủ sở hữu đồng ý hủy hợp đồng.

Theo chị Hoa, có khoảng 550 chủ sở hữu căn hộ du lịch trong ba dự án của Vinpearl đã lập nhóm để tìm cách đối phó với công ty.

Chị Hoa và nhiều người nghi ngờ công ty con của Vingroup không chịu trả lại căn hộ du lịch cho người sở hữu vì muốn mua lại với giá rẻ. Chị cho biết có nhiều nhân viên kinh doanh của công ty mời chào mua lại căn hộ của chị chỉ với giá 1-1,5 tỷ.

Các chủ căn hộ thuê luật sư và có kế hoạch kiện Vinpearl ra tòa dân sự

Bà Hồng cho biết, luật sư riêng của bà căn cứ vào các hợp đồng đã ký giữa hai bên nhận định rằng, bà hoàn toàn có quyền yêu cầu Vinpearl chấm dứt việc cung cấp Dịch vụ Quản lý cho thuê căn hộ tại dự án VEC và yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt toàn bộ các quyền và nghĩa vụ theo Phụ lục 07 đính kèm Hợp đồng Mua bán giữa hai bên.

Chị Hoa nói có tin Vinpearl đang có kế hoạch sang nhượng lại dự án thuê lại chung cư du lịch cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Melia Việt Nam. Các chung cư trên của Vinpearl đã được đổi tên tương ứng là Melia VEC, Melia VRC và Melia VBC.

"Vinpearl tự làm việc với Melia chuyển giao cho nó quản lý cho thuê mà không báo chủ sở hữu, chỉ báo là hợp tác kinh doanh. Vinpearl không công bố nội dung hợp tác, nói không có nghĩa vụ phải công bố", chị Hoa cho biết.

Chị Hoa nói không phải tất cả các chủ sở hữu căn hộ của Vinpearl đều dư dả, nhiều người sử dụng tiền tích cóp được trong nhiều năm hoặc thậm chí vay ngân hàng với lãi suất 13% năm để mua nhằm kiếm lợi nhuận chi trả sinh hoạt hàng ngày. Việc Vinpearl không trả lãi làm cuộc sống của họ trở nên điêu đứng, chị nói.

Phóng viên RFA đã liên hệ với Vingroup và Vinpearl qua email nhưng chỉ có bộ phận chăm sóc khách hàng của Vinpearl gửi tin trả lời tự động với nội dung: "Chuyên viên Chăm sóc khách hàng sẽ liên hệ Quý khách trong thời gian sớm nhất".

Chúng tôi có gọi điện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Melia Việt Nam thì người nghe máy nói nhân viên phụ trách truyền thông đi vắng và hẹn gặp buổi khác.

Truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng trong tranh chấp giữa Vinpearl và chủ sở hữu căn hộ, không đưa tin về bạo lực xảy ra ngày 15/11 trước cổng trụ sở chính của Vingroup ở Hà Nội.

Nguồn : RFA, 17/11/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam