Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào thế cùng, người dân Lộc Hưng buộc gửi yêu cầu đối thoại đến Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (RFA, 16/05/2019)

Vào ngày 13/5 vừa qua, người dân Vườn rau Lộc Hưng vừa làm đơn gửi đến ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ mong muốn được gặp để cùng tìm ra giải pháp cho vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng vào đầu năm nay.

rau1

Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy Thành phố. AFP

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Trần Thị Minh Thi, một trong những người cùng tham gia ký đơn cho biết không phải đến bây giờ người dân Vườn rau Lộc Hưng mới có ý muốn gặp người đứng đầu thành phố hiện nay, mà người dân đã mong muốn gặp ông Nguyễn Thiện Nhân từ rất lâu rồi. Vẫn theo chị, mục đích của yêu cầu gặp gỡ như thế để người dân có thể nói lên được tiếng lòng của họ cũng như đòi quyền lợi chính đáng trên mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng.

"Bốn tháng qua rồi, mà nhà nước vẫn chưa ra văn bản chỉ thị cụ thể nào để người dân vườn rau chúng tôi có buổi gặp mặt để gặp các cấp lãnh đạo nhằm trao đổi và nói lên nguyện vọng của chúng tôi. Mặc cho lệnh từ Chính phủ đưa về thì vẫn không cơ quan nào giải quyết từ phường, quận đến thành phố. Đây là một trong những nỗi bức xúc của bà con chúng tôi".

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, một người trong nhóm luật sư Vườn rau Lộc Hưng cũng tham gia ký tên trong đơn cho rằng việc gửi trực tiếp cho ông Nguyễn Thiện Nhân là cách hiệu quả nhất :

"Thay vì gửi đến cơ quan chức năng thì họ im lặng hoặc đùn đẩy cho cơ quan khác. Thế thì thư này gửi cho Bí thư thành ủy, người với tư cách là Đại biểu Quốc hội vừa với tư cách Bí thư, tức là người đứng đầu quyền lực nhất của Thành phố Hồ Chí Minh".

Tuy nhiên, theo lời ông Cao Hà Chánh, người đại diện cho bà con Vườn rau Lộc Hưng cho biết khi anh đến tận nhà ông Bí thư gửi thì đã bị chặn lại :

"Cán bộ trực tiếp trông coi nhà Nguyễn Thiện Nhân ở cư xá Bắc Hải đã không cho bỏ đơn này vào hộp thơ của nhà lãnh đạo Nguyễn Thiện Nhân. Ngay lập tức tập thể gửi bưu điện đến số nhà ở cư xá Bắc Hải cho lãnh đạo Nguyễn Thiện Nhân, mong rằng ông Nhân tiếp công dân và đối thoại với nhân dân".

Vẫn theo lời ông Chánh, hiện tại phía bưu điện chưa hồi báo là bức thư đã được gửi đến địa chỉ nhà ông Nguyễn Thiện Nhân hay chưa.

Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng nếu ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ thị các nhân viên không nhận thư từ gì của dân dù chưa hiểu nội dung vấn đề, thì ông Nhân không xứng đáng với tư cách đại biểu quốc hội là người đại diện cho dân.

Theo nội dung ghi trong đơn, nguyên nhân người dân khu Vườn rau Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là do nghị quyết mới được đưa ra trong kỳ họp thứ 14 của Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra vào ngày 11/5 vừa qua.

rau2

Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình phá hủy trong tháng 01/19. Courtesy : Netizen photo

Theo đó, nghị quyết có đoạn "Trong quá trình rà soát pháp lý khu đất nói trên, Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình và các sở, ngành nhận thấy đây là khu đất do Nhà nước quản lý, không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân di dời".

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét rằng về phương diện pháp lý, việc đổi tên dự án từ bồi thường thành hỗ trợ là một điểm hết sức khác biệt, gần như thay đổi hoàn toàn bản chất vấn đề, từ chỗ nhà nước có trách nhiệm thành ra nhà nước giúp đỡ. Ông nói rõ :

"Trước đây họ đã từng thông qua một nghị quyết tương tự như vậy rồi, nhưng khi ấy dự án được thông qua gọi là bồi thường, tức là cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho dân trong trường hợp có giải tỏa, thu hồi đất. Đến lần này thật ra vẫn là dự án đấy, không khác gì cả, nhưng họ thay đổi thuật ngữ bồi thường thành ra hỗ trợ, tức họ xác định đây là đất của nhà nước, người dân đang sử dụng đất đó phải trả lại cho nhà nước, do người dân bị thiệt hại nên họ hỗ trợ một phần tiền".

Theo ông Cao Hà Chánh, việc chính phủ cố tình ra nghị quyết này thể hiện sự coi thường người dân, vì đã không tiếp dân, không nghe người dân trình bày và đưa ra bằng chứng mà đã ra nghị quyết tiếp tục quy hoạch khu đất Vườn rau. Ngoài ra, ông Chánh còn cho biết thêm những áp lực mà người dân nơi đây sắp phải gánh chịu :

"Công an và các cơ quan chức năng ở đây đang tuyên bố ít bữa nữa, tất cả sẽ tập trung để rào khu đất này và mạnh tay với bà con vườn rau. Như vậy luật pháp Việt Nam hiện nay, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng luật gì ?"

Nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại liệu việc gặp ông Nguyễn Thiện Nhân có thay đổi được tình hình khu Vườn rau Lộc Hưng vừa bị chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế không, khi mà ở phía bên kia sông của thành phố, người dân Thủ Thiêm cũng đã gặp ông Nhân 3 lần nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy, chưa được giải quyết ổn thỏa ?

Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Minh thi bày tỏ :

"Điều cả Thủ Thiêm và Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi rất mong muốn là được các cấp lãnh đạo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giải quyết cho chúng tôi. Điều đó hiển nhiên ai cũng muốn, chỉ là họ có muốn giải quyết hay không, ông Bí thư thành ủy Nhuyễn Thiện Nhân có muốn giải quyết cho chúng tôi hay không lại là một sự việc khác".

Còn với Luật sư Đặng Đình Mạnh, đây chỉ là một phương án trong một chuỗi các phương án mà Nhóm Luật sư Vườn rau Lộc Hưng đề ra để giúp người dân nơi đây tránh bị các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nhưng thực chất, ông lại không hy vọng gì nhiều vào Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân :

"Có những tiền lệ ông Nhân giải quyết thật ra chẳng đâu vào đâu. Ông (Nhân) hứa tháng 8 sẽ có việc này, tháng 11 sẽ có việc kia, nhưng khi thời điểm đến thì chẳng lời hứa nào được thực hiện và ông vẫn tỉnh bơ như không. Với một người không tôn trọng lời hứa thì tôi cũng không quá hy vọng rằng ông sẽ tạo được bước chuyển biến gì cho người dân Vườn rau Lộc Hưng".

Vẫn theo Luật sư Mạnh, khi thăm dò một số ý kiến riêng thì dường như chính ông Nhân lại là một trong những người có tác động rất mạnh mẽ trong việc giải tỏa khu vực Vườn rau Lộc Hưng.

Theo ông Cao Hà Chánh, những hộ gia đình có nhà, đất trong khu Vườn rau bị cưỡng chế hiện đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đã đóng thuế suốt nhiều năm nay để có thể đối chiếu với chính quyền nếu có cơ hội gặp gỡ. Tuy nhiên, không chỉ 4 tháng nay, mà chính quyền đã tránh gặp dân hơn 20 năm qua. Việc cưỡng chế vừa rồi đã đưa người dân vào đường cùng xã hội :

"Với nỗi khổ mà người dân đang chịu thì ít nhất lãnh đạo thành phố Nguyễn Thiện Nhân phải tiếp tập thể hoặc ban đại diện để giải quyết và trả lời vấn đề theo đúng quy định pháp luật. Nếu lãnh đạo các cấp tin tưởng mình làm đúng thì mình phải xuất hiện để trả lời bằng văn bản hoặc tiếp công dân".

****************

Bị bắt vì ‘chuẩn bị tham gia biểu tình’ (RFA, 15/05/2019)

Ngày 15/05/2019 trên mạng xã hội Facebook lan truyền một thông báo của cơ quan an ninh tỉnh Đồng Nai về việc bắt tạm giam anh Nguyễn Đình Khuê với cáo buộc được nói là ‘tham gia liên lạc, bàn bạc với Đoàn Viết Hoan và các đối tượng khác về kế hoạch tiến hành biểu tình, gây cháy nổ chống chính quyền nhân dân theo chỉ đạo của một người tên "Lisa Nguyễn" hiện đang ở nước ngoài.’

rau3

Anh Nguyễn Đình Khuê và giấy thông báo tạm giam của Công an Đồng Nai. Courtesy FB Nguyễn Văn Miếng

Luật sư Nguyễn Văn Miếng là một trong những người đưa thông báo vừa nêu lên tài khoản Facebook cá nhân của ông. Ông cũng là luật sự được phía gia đình anh Nguyễn Đình Khuê liên lạc trực tiếp để giúp cho anh này. Luật sư cho biết

"Nguyễn Đình Khuê bị bắt vào ngày 25/4, cùng bị bắt với Khuê trong thời điểm đó được gia đình có con em bị bắt cho biết là bị bắt rất đông, tuy không rõ là khoảng bao nhiêu người nhưng theo nhóm người có con bị bắt thì cho biết khoảng hơn 10 người và hiện nay các gia đình đang liên kết lại với nhau để giải quyết vụ việc".

Đồng thời luật sư Nguyễn Văn Miếng còn cho hay khi anh Khuê bị bắt vào ngày 25/4 gia đình hoàn toàn không biết gì. Mãi đến ngày 6/5 tức 9 ngày sau cơ quan an ninh thành phố Biên Hòa mới có giấy thông báo về việc tạm giam anh Nguyễn Đình Khuê và các đồng phạm.

Vì lý do an ninh thân nhân gia đình anh Nguyễn Đình Khuê không muốn nêu tên xác nhận thông tin với chúng tôi rằng, thời điểm anh Khuê bị bắt là sau khi mới đi làm về. Anh vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày, thế rồi lực lượng an ninh ập vào nhà từ 20 đến 30 người kể cả sắc phục lẫn thường phục, họ đọc lệnh khám xét nhà nhưng không có lệnh bắt giam hay tạm giữ nào hết.

"Trước tiên là họ tịch thu điện thoại và ipad mà đứa con của Khuê đang chơi. Tầm khoảng nữa tiếng họ đi tới đi lui rồi họ lục soát toàn bộ từ trên xuống dưới rồi họ mời Khuê về phường Bình Đa và không biết họ lấy cung như thế nào, nhưng vì khuê đi làm về chưa ăn uống gì hết nên vợ của Khuê mua ở bánh mì gửi vô thì họ cản trở không cho gặp cũng như không cho gửi ổ bánh mì đó luôn. Khi họ đưa về phường thì mình cứ chờ bên ngoài để xem động thái của họ như thế nào tưởng chỉ bình thường rồi thả Khuê về thôi nhưng sau sự việc thì đưa thẳng Khuê lên công an Tỉnh rồi qua hôm sau là đưa về trại giam B5, gia đình biết điều này là do công an phường báo về cho gia đình là Khuê đang bị điều tra nên phải tạm giam".

Ngoài ra, theo tìm hiểu của gia đình anh Khuê sau khi vụ việc xảy ra cho biết, cùng bị bắt với Khuê có tới hơn 10 người nhưng phía gia đình chỉ biết có Đoàn Viết Hoan như thông báo của cơ quan an ninh và một số người khác xin giấu tên đã được thả sau 10 ngày giam giữ.

Những người được thả nói với gia đình của anh Khuê về tình hình của anh này trong trại tạm giam và được gia đình cho biết.

"Có một số bạn của Khuê cũng bị bắt cho biết lý do bị bắt là liên quan đến bạn của Khuê. Người này nói là em không có liên quan gì hết chỉ có thằng Hoan thiếu tiền em nên em theo đi rút trả cho em thì có khoảng 5-6 người bu vào đánh đập Hoan và nhờ như vậy nên mình mới biết Khuê đang tạm giam và giam tại đâu cũng như buồng giam có mấy người, tụi nó nói là họ ghê gớm lắm họ giam với những án giết người hay ma túy".

Sau khi biết thông tin anh Nguyễn Đình Khuê hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam B5 tỉnh Đồng Nai, phía gia đình có đến để xin được gặp anh và gửi ít đồ dùng cá nhân nhưng đã bị phía an ninh đuổi về.

rau4

Hai mươi người tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hôm 10/6/2018 bị đem ra xét xử với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Courtesy of vnews.gov.vn

"Bây giờ mình biết chắc là họ không cho gặp và thậm chí mình tới trại giam B5 họ còn đuổi về nữa mà, họ kêu đi về đi trong này muốn cái gì thì có cái đó, nói chung họ nói rất là hay, họ nói muốn gà có gà, có chim có cò hay gì đó và chỉ cần có tiền mà thôi là ở đây quản giáo họ đi chợ hằng ngày sẽ mua cho. Hiện nay thì gia đình không biết làm cách nào để có thể gặp được Khuê để xem tình hình Khuê ra sao có bị đánh đập hay biệt giam gì không".

Gia đình còn cho biết thêm, sau khi Khuê bị bắt cũng đã liên lạc với một điều tra viên để hỏi về trường hợp của Khuê, tuy nhiên phía cơ quan an ninh cho biết Khuê đã khai nhận tội hết rồi và bây giờ cơ quan pháp luật sẽ làm việc và đến nay không liên lạc được nữa.

Chúng tôi có liên lạc với điều tra viên Nguyễn Đình Doanh theo số điện thoại được ghi trên giấy thông báo của cơ quan công an Đồng Nai cung cấp tuy nhiên mọi nổ lực đều bất thành.

Theo giấy thông báo của cơ quan công an Đồng Nai, anh Nguyễn Đình Khuê đã vi phạm vào điều 118 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019 về tội phá rối an ninh, trong đó có quy định những người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng lập luận rằng việc bắt anh Khuê về hành vi chuẩn bị biểu tình là trái pháp luật và việc xác minh tội danh trong thông báo là trái với quy định.

"Thứ nhất khi bị bắt họ thường thường chỉ ghi hành vi mà thôi, ví dụ như hành vi dâm ô hay cái gì đó nhưng còn để ghép vô tội danh nào thì trong trường hợp này họ ép vô tội danh điều 118 và các hành vi họ liệt kê như trên rồi, như họ nói đã chuẩn bị biểu tình rồi dự định gây cháy nổ gì đó và định luôn tội đó. Thật ra nếu bắt lúc nào chỉ là nghi can nghi phạm và bằng chứng là sau khi bắt 9 ngày thì người ta mới ra được thông báo tạm giam nên khi bắt họ cũng chưa chắc chắn là có tội hay không có tội".

Anh Nguyễn Đình Khuê sinh năm 1978 và hiện đang sống tại Biên Hòa, Đồng Nai, anh là công nhân tại một nhà máy thuộc khu công nghiệp Biên Hòa 2 có vợ và hai con nhỏ 4 và 7 tuổi.

Trong đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng nổ ra tại nhiều nơi tại Việt Nam hồi ngày 10 tháng 6 năm ngoái, Biên Hòa là nơi có 20 thanh niên bị bắt và bị kết án với cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng" với mức án từ 8 đến 18 tháng tù giam.

*******************

Việt Nam kết án tử hình 10 người buôn lậu ma túy (RFA, 17/05/2019)

Việt Nam đã kết án tử hình 10 người vì buôn bán và vận chuyển các chất ma túy methamphetamin, Ketamin và các loại thuốc lắc tổng hợp trên khắp cả nước.

rau5

Án tử hình cho 10 người vì buôn bán và vận chuyển các chất ma túy methamphetamin, Ketamin và các loại thuốc lắc tổng hợp trên khắp cả nước - Ảnh minh họa. AFP

AFP loan tin dẫn nguồn truyền thông trong nước vào ngày 17/5 như vừa nêu.

Theo đó, năm người đàn ông và năm người phụ nữ đã bị tòa án Hà Nội trong tuần này kết án tử hình ; có hai người khác bị án chung thân.

Những người này đã vận chuyển khoảng 300 kg ma túy và các chất kích thích từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến 2016 qua đường tàu hỏa. Những người đứng đầu nhóm này được trả từ vài chục ngàn đô la đến hàng trăm ngàn đô sau mỗi chuyến vận chuyển.

Hồi tuần trước Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa thu giữ 500 kg ma túy tổng hợp Ketamin với giá trị lên tới 500 tỷ đồng và bắt giữ 4 người trong đó có 1 người Trung Quốc và 2 người Đài Loan.

Việt Nam là nước có luật chống buôn bán ma túy nghiêm khắc. Theo luật thì những người bị bắt giữ vận chuyển hoặc buôn bán hơn 600 gram heroin hay cocain hoặc 2.5 kg ma tuý đã có thể bị tử hình.

Theo AFP, giới trẻ Việt Nam hiện nay đang dần chuyển sang sử dụng các chất ma túy tổng hợp như Ketamin, thuốc lắc và meth đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như vụ 7 người thanh niên trẻ đã bị đột quỵ tại một lễ hội âm nhạc vào năm 2018.

Cũng tin liên quan, tình trạng mua bán vận chuyển các loại ma túy với số lượng lớn từ khu vực biên giới ba nước Lào, Thái Lan và Myanmar hay còn gọi là "Tam giác vàng" về tới Việt Nam có chiều hướng gia tăng đáng kể.

Truyền thông trong nước vào ngày 17/5 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thủy, trưởng phòng kiểm soát ma túy, Cục điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan như vừa nêu.

Ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, từ năm 2017 đến nay, tình trạng mua bán vận chuyển các loại ma túy đủ loại kèm theo chất kích thích và heroin với số lượng rất lớn từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào được chuyển về Việt Nam và khiến tình hình tại biên giới Việt Lào ngày càng diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Thủy đưa ra, do đường biên giới Việt- Lào khá dài, việc du lịch qua lại, kinh doanh buôn bán, đầu tư diễn ra hằng ngày và do mối quan hệ thương mại hai nước cao nên việc đi lại giữa hai nước dễ dàng.

Ngoài ra, ông này còn nhấn mạnh rằng hiện nay các tội phạm sản xuất ma túy tại Trung Quốc đã di chuyển khu vực hoạt động sang Myanmar và Lào sau đó mới vận chuyển về Việt Nam rồi phân phối về các tỉnh thành.

Hồi tháng 3, Bộ Công an cảnh báo Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm chung chuyển ma túy với 3 vụ bắt giữ rất lớn. Tất cả các trường hợp bị bắt giữ được cho biết từ khu vực "Tam giác vàng".

Published in Việt Nam