Luật sư ở Việt Nam vẫn là 'vật trang trí' ? (BBC, 11/10/2017)
Dù đã có nhiều cải cách tiến bộ để tăng cường vai trò và mở rộng quyền năng của luật sư, nhưng giới luật sư Việt Nam nói họ vẫn gặp muôn trùng "gian nan" và khó khăn khi tác nghiệp.
Ba luật sư, từ trái qua, Trần Thu Nam, Lê Công Định và Võ An Đôn bình luận về Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam
Tranh cãi xoay quanh ngày Truyền thống Luật sư ?
Hôm 10/10, đánh dấu bốn năm kể từ khi chính phủ Việt Nam lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam.
Điều này dựa vào việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 10/10/1945 ký Sắc lệnh số 46/SL về việc quy định tổ chức các đoàn luật sư, được cho là đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc ra đời nghề luật sư của Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, một số luật sư lại có quan điểm khác.
"Đối với tôi, ngày nay không phải là ngày truyền thống luật sư Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám thì cụ Hồ lên cầm quyền lúc đó bộ máy nhà nước chưa được hoàn chỉnh cho nên một trong những điều mà chính phủ quan tâm là tổ chức lại định chế luật sư như thế nào", luật sư Lê Công Định nói với BBC hôm 10/10.
"Sắc lệnh 10/10 hoàn toàn không phải là điều gì mới mẻ. Nghề luật sư đã có từ 1867, theo một nghị định bởi một ông thống đốc Nam kỳ ban hành để du nhập định chế luật sư vào xã hội Việt Nam. Xét theo phương diện truyền thông, luật sư có truyền thống lâu đời hơn ngày 10/10/1945 rồi".
"Tôi nghĩ luật sư là một định chế bổ trợ tư pháp dù dưới chính thể nào. Dù ở chế độ cộng sản hay không cộng sản, luật sư vẫn là một định chế độc lập không dính dáng đến thể chế chính trị", luật sư Định nói.
Luật sư ở Việt Nam 'gian nan muôn trùng'
Cả ba luật sư đang tác nghiệp tại Việt Nam đều nói, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan khi tác nghiệp ở Việt Nam, từ phía xã hội, chính quyền và từ chính đồng nghiệp của mình.
"Người dân vẫn chưa đánh giá cao vai trò của luật sư. Khi gặp vướng mắc thì ưu tiên hàng đầu là chạy chọt, nhờ vả người có chức có quyền, không có ưu tiên con đường tranh tụng với luật sư. Đây là khó khăn về thực tiễn trong xã hội", luật sư Trần Thu Nam nói.
"Còn khi làm một số vụ liên quan đến vấn đề nhạy cảm. Tôi và một luật sư khác từng bị hành hung, đánh đập khi đi tác nghiệp. Con mắt của các luật sư đồng nghiệp khác xa lánh chúng tôi", luật sư Nam nói thêm.
Hình ảnh trong bài đăng trên Facebook của luật sư Võ An Đôn
Còn luật sư Võ An Đôn thì nhận định : "Các cơ quan tiến hành tố tụng không độc lập, bởi vì nó không phải là tam quyền phân lập. Các cơ quan này chịu sự chỉ đạo của đảng, của nhà nước, nên việc tranh luận không dựa trên quy định pháp luật.
"Ở Việt Nam còn nhiều tình trạng án bỏ túi. Luật sư ra tòa chỉ mang tính hình thức thôi. Hội đồng xét xử nhiều khi đã ra quyết định trước rồi. Luật sư tranh luận theo ý mình là không được", luật sư Đôn nói.
Không chỉ các cơ quan tố tụng, mà ngay cả tổ chức đáng lẽ đứng ra bảo vệ luật sư cũng không "độc lập", theo luật sư Định.
"Liên đoàn luật sự thật ra là một phần của Mặt trận Tổ Quốc. Lúc tổ chức đại hội Liên đoàn luật sư lần đầu tiên, tôi đã ở đó. Tôi đã thấy cái áp lực của đảng cầm quyền trong việc lựa chọn những người đứng đầu liên đoàn nó căng thẳng như thế nào. Họ tìm cách loại trừ người nào không phải đảng viên hoặc không thể kiểm soát được.
"Bây giờ, các luật sư tỏ ra bản lĩnh hơn. Họ chỉ tuân thủ luật pháp không chịu sự áp đặt đảng cầm quyền thì ngay lập tức chính quyền sửa Luật Hình sự đưa vào Điều 19 khoản 3, buộc luật sư phải tố giác thân chủ với tội an ninh quốc gia hay tội đặc biệt nghiêm trọng.
"Song song với sư phát triển kinh tế thì vấn đề tự do, dân chủ dân sinh dân quyền ngay càng tăng. Hơn ai hết giới luật sư là người đi tiên phong muốn nhà nước công nhân những cái quyền đó, thì ngược lại phía nhà nước bắt đầu nhìn luật sư bằng cặp mắt nghi ngờ, đề phòng, ngày càng nhiều quyết định hạn chế sự phát triển của giới luật sư, đe dọa sự tôn trọng với nghề luật sư.
"Còn những người luôn chấp hành mọi yêu cầu mà nhà cầm quyền muốn và họ không dám phản kháng trước những bất công của xã hội, họ thấy những sự bất hợp lý trong hệ thống pháp luật mà họ không dám nói vì họ sợ mất cơ hội làm ăn của mình, thì tôi nghĩ họ sống một kiếp nô tài", luật sư Định nói.
Luật sư Lê Công Định từng bị khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, và đã bị rút chứng chỉ hành nghề hồi năm 2009
Luật sư Việt Nam 'cần độc lập, dấn thân'
Tuy vậy các luật sư này thừa nhận trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã có những cải cách nhất định hỗ trợ ngành nghề luật sư.
"Ngày này là một cách công nhận sự đóng góp to lớn của giới luật sư vào việc phát triển xã hội trong hàng nhiều năm qua. Sau sắc lệnh 1945, 1987, 2001 và đến Luật luật sư, các quy định pháp lý mới giúp thay đổi vai trò, mở rộng quyền năng của luật sư", luật sư Trần Thu Nam nói.
"Thực ra so sánh lại buổi đầu mới thành lập các đoàn luật sư từ 1987, sau 30 năm thì nghề luật sư Việt Nam cũng có một sự phát triển vượt bậc
"Nền kinh tế đã được cởi mở, với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khiến cho nhu cầu pháp lý của các luật sư gia tăng so với trước đây. Trước đây chúng ta nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa không cần đến luật pháp nói chi đến luật sư, còn giờ đang vận hành theo khuynh hướng luật pháp, nên giới luật sư phát triển về kĩ năng và tổ chức".
Ngẫm về những thăng trầm nghề nghiệp, luật sư Lê Công Định nói : "Tôi rất yêu nghề luật sư. Ngày nay, con số luật sư dũng cảm dấn thân chống lại đòi hỏi vô lý của cường quyền nó rất là ít. Chúng ta bằng mọi cách phải ủng hộ những luật sư đó.
"Cái tôi thực sự quan tâm là vai trò độc lập của luật sư. Nếu luật sư không độc lập được dưới sức ép của cơ quan nhà nước, không thể mạnh mẽ độc lập bảo vệ cho thân chủ của mình thì đó là điểm yếu mà Việt Nam phải khắc phục".
*****************
Ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu phó ban Tuyên giáo Trung ương được VTC News hôm 9/10 dẫn lời : "Chống tham nhũng mạnh mẽ sẽ góp phần đáng kể làm trong sạch bộ máy, loại bỏ quan tham. Còn việc có sử dụng được người tài đức hay không là một việc nữa, một việc khác".
"Không hẳn giảm quan tham là tự nhiên tăng được nhân tài. Một người lãnh đạo nào đó có đại nghĩa, thật lòng muốn làm việc cùng với các nhân tài, trong đó có những mặt họ nổi trội hơn mình, tôn trọng các nhân tài ấy, thì sử dụng được nhân tài".
Truyền thông đưa phát ngôn của cựu quan chức Tuyên giáo trong bối cảnh ông Nguyễn Xuân Anh, người vừa bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ra khỏi Trung ương Đảng.
Nhân trường hợp của ông Xuân Anh, truyền thông Việt Nam cũng loan báo quy định mới nhất của Bộ Chính trị về công tác cán bộ cho hay "không điều động về trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển".
'Cơ chế giám sát'
Hôm 10/10, trả lời BBC từ Thành phố .Hồ Chí Minh, ông Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói : "Có giám sát và giám sát hữu hiệu thì nhân dân được nhờ".
"Có giám sát thì các cán bộ có ý định trục lợi, tư lợi của công hay chính sách sẽ chùn tay".
"Tôi ví dụ, đề xuất tử hình cán bộ tham nhũng cũng là một cách răn đe hữu hiệu của nhà nước pháp trị. Nhưng theo tôi, phòng vẫn hơn chống tham nhũng và cách tốt nhất là thay đổi thể chế để giám sát sâu, rộng bộ máy Đảng và Nhà nước. Lúc ấy, cơ hội của những người trung ngôn sẽ "có đấy" vì có cơ chế để nghe lời "nghịch nhĩ".
"Về xu hướng gần đây tôi thấy điều đó có cơ sở. Nhưng về lâu dài, sự góp ý của trí thức cần được nhìn nhận ở mức tập hợp thành lý luận trên cơ sở góp ý thực tiễn trên nhiều lĩnh vực. Theo tôi, nhu cầu làm sạch bộ máy chính trị xuất phát từ nhu cầu của nhân dân và nhu cầu tự thân của Đảng cầm quyền".
Ông Ấn cho biết thêm : "Nhân dân được báo cáo "tình hình tham nhũng ổn định" nhưng trên thực tế có qua nhiều vấn đề tham nhũng bị phát hiện. Từ tham nhũng vặt cho đến các đại án, từ những khoản tiền nhỏ đến rất nhiều ngân sách bị "đốt" vô tội vạ. Điều này làm thuế, phí tăng nhanh ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả và sinh hoạt của người dân. Với doanh nghiệp, họ cũng đuối sức với chi phí bôi trơn và các điều kiện kinh doanh rắc rối. Như vậy, nhu cầu chống tham nhũng là nhu cầu lấy lại nội lực đất nước".
"Đảng cầm quyền hay nói rộng ra là chính thể có nhiều khẩu hiệu như "từ dân mà ra, do dân mà phục vụ", "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" nên càng cần phải làm sạch bộ máy. Làm sạch bộ máy chính là "về với dân" một cách chính danh và cũng là cách bảo vệ quyền lực lãnh đạo một cách tích cực nhất. Theo tôi, đây là hai lý do chính để cần thiết và quyết liệt chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực".
Một bài trên tờ The Nation của Thái Lan hôm 3/10 nói chính quyền Việt Nam dùng án tử hình như vũ khí chính trị nhưng có vẻ "không làm run sợ" những quan chức tham nhũng.
"Thực tế, thông thường một chế độ độc đoán lại là nguyên nhân của tham ô và lạm dụng quyền lực. Tham nhũng nảy nở tại những nơi có sự khuất tất. Tham nhũng chỉ có thể được nhổ tận gốc bằng cách đảm bảo rằng việc vận hành của chính phủ là minh bạch với tất cả mọi người, và rằng luật pháp thật sự nghiêm minh".
"Nếu tham nhũng thật sự là mối quan ngại của lãnh đạo của bất kỳ chính phủ nào, họ phải xác định nơi nào trong hệ thống của họ cần cải cách triệt để. Điều đó cũng áp dụng cho các ban ngành và doanh nghiệp nhà nước. Vấn nạn sẽ không thể diệt trừ nếu thiếu vắng sự chân thành, minh bạch và trách nhiệm giải trình", tờ báo viết.
Mới hôm 2/10, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu than phiền nhiều ban bệ 'rườm rà, không nên tồn tại', và kêu gọi 'cách mạng bộ máy'.
Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.
"Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là "cách mạng", tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả", ông Phiêu bình luận.