Bắc Mỹ và Châu Âu trong những tuần qua phải đối mặt với những đợt nóng kỷ lục, đúng vào lúc các khu vực này, cũng như toàn thế giới nói chung, phải vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19. Các hậu quả của nhiệt độ tăng cao với sức khoẻ con người là ghê gớm. Tuy nhiên, cho đến nay, rất hiếm có nghiên cứu nào xem xét tác động của nhiệt độ cao đối với tỷ lệ tử vong trên phạm vi toàn cầu.
Một nghiên cứu khoa học Mỹ vừa công bố hồi tháng 7/2020 dự báo : Nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu, từ nay đến cuối thế kỷ, có thể khiến nhiều người chết hơn là số nạn nhân tử vong hiện nay do tất cả các loại dịch bệnh cộng lại. Trong bối cảnh thế giới rất thiếu các dữ liệu khoa học về chủ đề này, nghiên cứu của National Bureau of Economics Researchs là một trợ giúp quý giá đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chuyên mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu một số nét chính của nghiên cứu này.
***
Nghiên cứu mang tên "Valuing the Global Mortality Consequences of Climate Change Accounting for Adaptation Costs and Benefits " (Đánh giá về hậu quả gây tử vong toàn cầu do biến đổi khí hậu, có tính đến phí tổn và lợi ích của việc thích ứng) do Viện tư vấn tư nhân độc lập phi lợi nhuận National Bureau of Economics Researchs (NBER) chủ trì. Nghiên cứu của NBER đưa ra nhiều kịch bản. Theo kịch bản tồi tệ nhất, có nghĩa là nhân loại làm rất ít để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đối khí hậu có thể khiến tỷ lệ tử vong tăng lên mức 73 người chết trên 100.000 người vào cuối thế kỷ. Có nghĩa là tương đương với số người được coi là tử vong hiện nay do tất cả các căn bệnh lây nhiễm cộng lại, bao gồm lao, HIV, sổt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da (hoành hành chủ yếu ở Nam Mỹ và Châu Phi).
Các nhà nghiên cứu so sánh các dữ liệu tử vong toàn cầu với lịch sử biến đổi nhiệt độ để tìm cách xác định "các nguyên nhân trực tiếp" gây chết người do nóng, khi cơ thể mất khả năng tự điều chỉnh để đối phó với nhiệt độ cao, và "các nguyên nhân gián tiếp" gây chết người do nóng, như các đợt nóng cao điểm làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch chẳng hạn. Tương tự như đối với đại dịch Covid-19 hiện nay, trong nhiều trường hợp, virus không trực tiếp gây chết người, mà khiến bệnh nhân tử vong, do các bệnh nền.
Một điểm đáng chú ý thứ hai của nghiên cứu là chỉ ra việc khí hậu bị hâm nóng làm gia tăng bất bình đẳng vốn có trong lĩnh vực y tế. Dân cư các quốc gia nghèo nhất, thường là các nước ở xứ nóng nhất hành tinh, cũng là nơi có tỷ lệ nạn nhân tăng vọt. Tỉ lệ tử vong tại các nước như Ghana, Bangladesh, Pakistan hay Soudan có thể tăng lên đến 200 người chết trên 100.000 dân.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, việc tỷ lệ tử vong tăng cao nói trên khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3,2% GDP. Biến đổi khí hậu buộc các quốc gia phải có các biện pháp thích nghi để sinh tồn Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có phương tiện kinh tế hay khả năng tổ chức xã hội như nhau để chuẩn bị đối phó tốt. Kinh tế gia chuyên về môi trường Amir Jina, Đại học Chicago, đồng tác giả của nghiên cứu lưu ý : "Các nước giàu có thể đầu tư cho việc thích ứng, trong lúc các nước nghèo nhất cũng chính là các nước ít góp phần nhất vào biến đổi khí hậu, thì lại phải chịu các hậu quả nặng nề nhất".
Viện NBER là một viện nghiên cứu kinh tế có uy tín hàng đầu tại Mỹ, 16 trong số 31 giải Nobel kinh tế người Mỹ là thành viên liên kết của Viện. Nghiên cứu nói trên về tác động của biến đổi khí hậu nhấn mạnh đây là "các đánh giá sơ bộ đầu tiên" về nguy cơ tử vong toàn cầu do nhiệt độ tăng cao dựa trên một khối lượng dữ liệu lớn. Tổng cộng các dữ liệu quốc gia của khoảng 40 nước đã được huy động.
Tuần báo Pháp L’Express đặt câu hỏi với tiến sĩ dịch tễ học, bác sĩ Jean-David Zeitoun, bệnh viện Saint Antoine - Paris. Bác sĩ Pháp thừa nhận ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao với tỷ lệ tử vong. Nhiều quan sát cho thấy trong các đợt nóng cao điểm, có nhiều ca tai biến não, các bệnh nhân về tim mạch phải nhập viện nhiều hơn. Cụ thể là năm ngoái, tại Pháp, tỷ lệ tử vong tăng 9%, do các đợt nóng cao điểm. Tỉ lệ tử vong tăng cao, cho dù chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp thích ứng, sau khi rút ra các bài học từ đợt nóng lịch sử năm 2003, khiến khoảng 20.000 người chết.
Vị bác sĩ Pháp cũng lưu ý là biến đổi khí hậu rõ ràng là một đe dọa đối với y tế quốc gia, nhưng đây là một vấn đề phức tạp, vì không có một căn bệnh gọi là "bệnh khí hậu", mà biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiều yếu tố gây hại cho sức khoẻ. Nhiệt độ tăng cao chỉ là một trong các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Trong các đợt nóng cao điểm, còn có hiện tượng ô nhiễm không khí tăng cao chẳng hạn, khiến tỷ lệ tử vong còn cao hơn nữa. Nhà dịch tễ học người Pháp nhấn mạnh là "ô nhiễm ôzôn có thể nguy hiểm hơn nhiều so với một đợt nóng cao điểm, nếu chỉ xét thuần tuý về khía cạnh nhiệt độ".
Một nghiên cứu hồi năm ngoái, đăng tải trên tạp chí Y học The Lancet ("The 2019 report of The Lancet Countdown on health and climate change : ensuring that the health of a child born today is not defined by a changing climate"), chỉ ra hàng loạt nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ trẻ em, trong đó có các đợt nóng cao điểm, ô nhiễm, nguy cơ hỏa hoạn và kể cả việc nguy cơ khiến các loại dịch bệnh gia tăng. Theo các tác giả, trẻ em ra đời năm 2019 sẽ phải sống trong một thế giới có nhiệt độ gia tăng hơn 4°C kể từ khi chúng sinh ra đến năm 71 tuổi. Một môi trường như vậy để lại các hậu quả đối với tất cả các giai đoạn trong cuộc đời các em.
Đúng như vậy. Có thể phân ra hai loại bất bình đẳng. Bất bình đẳng giữa các nước, giữa nước giàu và nước nghèo, và bất bình đẳng trong nội bộ một quốc gia. Tại các nước giàu nhất, nhiều việc đã được làm để đối phó với việc nhiệt độ gia tăng. Nhưng theo nhà khí hậu học Bob Kopp, Đại học Rutgers, đồng tác giả nghiên cứu trên, ngay tại Mỹ, một ngày nóng cao điểm tại Seattle cũng gây thiệt hại hơn là tại Houston, vì tại Houston, điều hòa nhiệt độ và nhiều biện pháp chống nóng khác phổ biến hơn.
Nhật báo Công giáo La Croix, trong bài "Các đợt nóng cao điểm khiến bất bình đẳng gia tăng", cũng nhấn mạnh đến thực trạng này tại các nước phát triển, trong đó có Pháp. Bài viết dẫn một nghiên cứu, đăng tải trên tập san về dịch tễ học Bulletin épidémiologique của Bộ Y tế Pháp, cho thấy tính chất bất bình đẳng còn thể hiện qua việc các nhóm dân cư khá giả có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ để chống nóng, nhưng điều hòa nhiệt độ lại đưa cái nóng ra bên ngoài gây hậu quả cho những người sức khoẻ yếu, và bản thân họ không có điều kiện sử dụng điều hòa nhiệt độ (chưa kể đến việc sử dụng điều hòa nhiệt độ là một tác nhân chủ yếu khiến Trái đất bị hâm nóng).
Theo nhà dịch tễ học Pháp Mathilde Pascal, một số nghiên cứu ở Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do nóng tăng cao tại một số khu phố nghèo người Mỹ da đen, nơi nhiều người tuy trong nhà có điều hòa nhiệt độ, nhưng không có điều kiện trả tiền điện.
Vẫn theo nhà khí hậu học Mỹ Bob Kopp, đồng tác giả nghiên cứu nói trên của Viện NBER, tình hình chắc chắn là còn tồi tệ hơn ở những nước nghèo. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lo ngại chính khác là, mảng nghiên cứu về tác động của việc khí hậu bị hâm nóng đối với dân cư tại các quốc gia nghèo lại gần như bị bỏ trống. Cụ thể như tại Châu Phi. Theo một nghiên cứu của Viện biến đổi môi trường, Đại học Oxford , Anh quốc, công bố hồi tháng 7/2020, thì tình trạng các đợt nóng cao điểm gia tăng tại Châu Phi là điều dễ hình dung, thế nhưng lại gần như không có mấy thông tin chính xác về vấn đề này.
Theo bài nghiên cứu của Đại học Oxford, cơ sở dữ liệu quốc tế được coi là rộng lớn nhất về các tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu (Emergency Events Database - EM-DAT) nằm tại trung tâm nghiên cứu ở Bỉ, được khởi sự xây dựng từ năm 1988 (Centre for Research on the Epidemiology of Disasters - CRED). Cơ sở dữ liệu EM - DAT này chỉ ghi nhận hai đợt nóng lớn tại phía nam sa mạc Sahara ở Châu Phi từ đầu thế kỷ 20, khiến 71 người chết sớm.
Trong lúc đó, riêng tại Châu Âu cùng thời kỳ, có 83 đợt nóng lớn được ghi nhận, khiến khoảng 140.000 người chết sớm. Các nhà nghiên cứu Đại học Oxford nhấn mạnh là sự mất cân bằng nghiêm trọng về thông tin này là hoàn toàn tương phản với thực tế điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền nam Châu Phi, thường là khắc nghiệt hơn nhiều so với Châu Âu.
Thiếu thông tin về tác động của nhiệt độ tăng cao đến sức khoẻ con người cũng là một vấn đề lớn mà tuần báo Pháp L’Express, trong bài Khí hậu và dịch Covid : Nhất bên trọng, nhất bên khinh , nhấn mạnh. L’Express lưu ý là những thảm họa thường được coi là "nhỏ" ít thu hút sự chú ý của truyền thông và các định chế quốc tế. Gọi là "nhỏ", nhưng thực ra khi tổng hợp lại, thì có thể trở nên rất lớn, như trường hợp của nhiệt độ tăng cao với sức khoẻ. Việc thiếu thông tin khoa học như vậy cũng có những hậu quả rất lớn đối với quá trình giới chính trị các nước, giới lãnh đạo quốc tế đưa ra các chính sách.
Nghiên cứu dự báo của Viện nghiên cứu Mỹ NBER có thể coi là đến rất đúng lúc. Trong lúc nhân loại đang tập trung đối phó với đại dịch Covid, NBER cảnh báo : Đừng quên biến đổi khí hậu. Nhà kinh tế Amir Jina, đồng tác giả nghiên cứu, khẩn thiết kêu gọi : Cũng giống như đại dịch Covid ập đến làm rung chuyển toàn bộ hệ thống y tế toàn cầu, khó mà nói điều gì sẽ đến vào lúc biến đổi khí hậu đặt toàn bộ các hệ thống xã hội dưới áp lực tương tự. Hãy hình dung trước hiểm họa, để kịp thời chuẩn bị, đừng để đến khi mất bò mới lo làm chuồng.
Trọng Thành
Nguồn : 12/08/2020
Một cải cách giáo dục bất nhân ! (CaliToday, 12/09/2018)
Có vẻ sóng gió tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1 tạm thời lắng xuống ngay sau phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng : "Chính phủ chưa có chủ trưởng cải cách tiếng Việt ít nhất trong vòng mấy năm tới". Nhưng đã quá đủ để người dân Việt Nam nhìn lại 40 năm cải cách nền giáo dục nước nhà được những gì ?…
Một bạn trẻ ở Hà Nội cầm biểu ngữ phản đối việc thí nghiệm, thực nghiệm giáo dục (ảnh;Facebook Hoàng Thành)
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau trong cải cách tiếng Việt ? Người đại diện cho Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đã nói vào năm 2017, cũng xảy tranh luận về công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ của Phó Giáo sư Bùi Hiền, ngay lúc đó ông Đam nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Những ngày gần đây, xảy ra vụ tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách Tiếng Việt – công nghệ giáo dục lớp 1 dành cho việc học của lứa tuổi học sinh lớp 1. Ông Đam nói Bộ Giáo dục đã có ý kiến, đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, phát âm cho trẻ lúc mới bắt đầu chứ không phải cải cách tiếng Việt. Liên quan đến quá trình đổi mới trong giáo dục, ông Đam nói Việt Nam tiếp tục đổi mới nhưng việc đổi mới thì phải có thử nghiệm và khẳng định Chính phủ Việt Nam chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vòng mấy năm tới.
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói việc thực nghiệm giáo dục ở Việt Nam mấy chục năm qua, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm nhưng với cách dạy hiện nay không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái quá cao khiến học sinh học rất khổ sở, học sinh dường như không có ba tháng nghỉ hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi.
Phát biểu của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được ghi nhận là diễn ra đúng thời điểm sự quan tâm của người dân Việt Nam về nền giáo dục nước nhà đang ở mức cao trào, phát sinh quá nhiều vấn đề bất cập, quá nhiều tiêu cực tệ hại nghiêm trọng, chứng minh thành quả cải cách 40 năm qua không đem lại hiệu quả mà trái lại cho thấy đầy rẫy những phản ứng ngước, càng làm khổ người dân. Phát biểu của ông Đam và bà Ngân hôm nay có lẽ chỉ góp phần nào vào việc xoa dịu phản ứng của người dân Việt Nam. Và người dân Việt Nam cũng sẽ sớm nguôi đi những bất bình về nền giáo dục bởi giữa bề bộn, ngổn ngang bao tâm sự lo lắng cho hiện tình đất nước Việt Nam, về đạo đức và lối của sống của người dân Việt Nam hôm nay. Một đất nước mà chỉ vì một chút ghen tuông hoặc một chút bất mãn về bản thân là tức khắc đoạt mạng người hàng loạt, một đất nước mà thế hệ trẻ quan tâm đến việc vui chơi, giải trí hơn hẳn việc đất nước đang dần bị Tàu cộng thôn tính toàn diện. Một đất nước có nhiều đàn ông đi trộm cắp, đàn bà đi bán thân, làm nghề mại dâm ở nhiều nước trên thế giới. Một đất nước mà nợ công tăng cao, quốc nạn tham nhũng của quan chức đang ăn tàn phá hại lại không thấy báo đài dám soi "tận cùng ngõ ngách" của căn nguyên như từng làm với những cô người mẫu, diễn viên bán dâm. Và hơn hết một đất nước mà đến hôm nay Thủ tướng đi đến tỉnh thành nào nhìn thực tế rồi cũng chỉ nói là quyết tâm, là phấn đấu thành "đầu tàu", thành "trung tâm" ở tương lai.
Một đất nước Việt Nam của hiện tại như thế căn nguyên do đâu ? Câu trả lời không quá khó trong đó có phần tệ hại của nền giáo dục đem lại, nó đúng như câu nói ; "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên".- (chưa xác định có phải của Cố Tổng thống Nam Phi ông Nelson Mandela hay là không).
Trở lại cuộc tranh luận của dư luận trong mấy ngày qua liên quan đến việc thực nghiệm giảng dạy những nội dung trong Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Công bằng mà nói ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là một người tài giỏi, ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là một người tài giỏi, có tâm huyết với đất nước. Vào năm 1978, Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục được thực nghiệm tại một trường tiểu học ở Gỉang Võ (Hà Nội), thời điểm này Việt Nam rập khuôn theo mô hình xây dựng chế độ của Liên Xô và bản thân của ông Đại cũng được đào tạo từ lò giáo dục của Liên Xô. Nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, công nghệ giáo dục mà ông Đại phát minh đang thực nghiệm ở lứa tuổi học sinh lớp 1 Việt Nam hiện tại là xuất phát từ "học thuyết phát triển phương pháp giáo dục" của V.V.Davydov và D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô vào những năm 1970 và ông Đại đã đem về áp dụng cho Giáo dục Việt Nam cho đến ngày nay là không hợp thời.
Từ năm 1978 đến năm 2006, tức là 30 năm Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục bắt đầu thí điểm ở một số trường tiểu học Lào Cai, dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam hiện tại là ông Phùng Xuân Nhạ hiện Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này vừa được thẩm định 2 vòng và chính thức có gần 50% học sinh lớp 1 ở các trường tiểu học theo học. Vụ thực nghiệm và thí điểm giảng dạy sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này hầu như không được số đông người Việt Nam biết đến mãi cho đến mấy tuần gần đây nhờ mạng xã hội đăng tải Video Clip một giáo viên tiểu học phía Bắc giảng dạy học sinh tiểu học cách đánh vần "lạ", nhìn ô vuông, tròn, tam giác mà đọc thì dư luận mới hay biết về các giảng dạy theo sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này. "Bão dư luận" nổi lên, nhiều phụ huynh có con em học lớp 1 không chấp nhận cách giảng dạy này, không muốn con mình bị đem ra làm thí điểm, thực nghiệm như chuột bạch. Phụ huynh càng không chấp nhận phát biểu của ông Đại rằng : Ở phương pháp cũ ai dạy cũng được nhưng với phương pháp mới của ông thì ngoài cô giáo không ai làm được, bố mẹ không làm được, trẻ con chỉ học ở trường là đủ. Với phát biểu này, ông Đại đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh cho rằng giáo dục đang tách trẻ em ra khỏi sự chăm sóc, dạy dỗ của gia đình là không phù hợp với lứa tuổi đang cần sự hỗ trợ mọi mặt từ nhà trường cho đến gia đình để trưởng thành đầy đủ.
Tiếp nữa, nhiều phụ huynh còn cho rằng sau khi kiểm tra nội dung sách trong Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 thấy có rất nhiều nội dung học mang tính lăng nhăng, bậy bạ, dạy cho con trẻ những trò láu cá, khôn lõi…dễ làm hư hỏng thế hệ trẻ. Ngoài ra, để có một bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 phụ huynh phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với việc mua bộ sách truyền thống.
Thí điểm, thực nghiệm và cải cách để đổi mới nền giáo dục nhằm bỏ những rào cản lỗi thời là điều nên làm. Nhưng việc đổi mới nhằm bóp nặn tiền bạc của người dân, đánh mất tuổi thơ của trẻ em, tách trẻ em ra khỏi việc dạy dỗ của gia đình, đem trẻ em là những mầm non của đất nước với tâm hồn đang còn như tờ giấy trắng và sự hiểu biến non nớt, ngoài sự câm nín khi được người lớn đặt học chổ nào thì phải học chổ ấy để làm thí điểm, thực nghiệm là một việc làm hết sức tàn nhẫn. Một cải cách giáo dục bất nhân !
Quê Hương
*************
Vũ ‘nhôm’ muốn nộp tiền khắc phục hậu quả đại án (RFA, 13/9/2018)
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, xin được gặp gia đình để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả lên đến 203 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters
Báo trong nước cho biết thông tin trên hôm 13/9 trích kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra Bộ Công an đối với vụ án xảy ra tại DongABank. Cơ quan này nói đã cho ông Vũ gặp người thân vào hôm 16/8 nhưng đến nay vẫn chưa thấy nộp tiền.
Ông Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Năm 79) bị đề nghị truy tố tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Kết luận điều tra bổ sung cũng cho biết Vũ ‘nhôm’ đã có 4 lần gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Ông Phan Văn Anh Vũ bị tuyên 9 năm tù giam về tội danh ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.
Cơ quan điều tra Bộ Công an hôm 7/9 cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần hai và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị ra cáo trạng truy tố các bị can gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng tại DongABank.
Hai bị can mới có tên trong kết luận điều tra bổ sung là ông Nguyễn Vinh Sơn (sinh năm 1959) và bà Phan Thị Tố Loan (sinh năm 1970), đều bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố hai tội : cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Kết luận đều tra lần này cũng nêu tên ông Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã thừa nhận hành vi liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank.
*****************
Nghiên cứu : Tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cao ở Việt Nam sẽ tăng (RFA, 13/09/2018)
Các nhà nghiên cứu quôc tế hôm thứ Năm 13/9 cho biết thất bại trong việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu để hạn chế tăng nhiệt độ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người bị tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.
Tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cao ở Việt Nam sẽ tăng - Ảnh minh họa. AFP
Theo một nghiên cứu trước đó được công bố trên tạp chí Climatic Change, mức tăng 3 độ C hoặc 4 độ C có thể làm tăng tỷ lệ tử vong từ 1 đến 9%.
Đồng tác giả trong nghiên cứu mới, ông Antonio Gasparrini cho biết hiện tại thế giới đang trên quỹ đạo nóng lên trên 3 độ C, và nếu xu hướng này tiếp tục thì nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Vẫn theo báo cáo, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam cùng với các nước ở Nam Âu và Nam Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do tỷ lệ tử vong vì nhiệt độ cao.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc giảm nhiệt độ toàn cầu từ 1.5 độ C đến 2 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong ít hơn 1% ở những vùng ấm hơn như Nam Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cảnh báo có thể là đã quá muộn để ngăn chặn "thay đổi khí hậu" trừ khi các nước cùng hành động trước năm 2020 để giảm sự nóng lên toàn cầu.