Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây thông báo họ tăng thuế chống bán phá giá áp vào 5 nhà xuất khẩu cá basa ở Việt Nam, sau giai đoạn rà soát hành chính từ ngày 1/8/2021 đến 31/7/2022. Quyết định của bộ được đăng trên Công báo Liên bang hôm 14/3.
Công nhân chế biến cá fillet ở Công ty Biển Đông, Cần Thơ, Việt Nam (ảnh tư liệu, 2017 ; Reuters/Kham)
Những hãng phải chịu mức thuế cao hơn là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), Tập đoàn Cafatex, Tập đoàn Hùng Vương và các hãng liên kết (HVC), Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Quốc tế (IDI) và Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, theo kết quả rà soát của DOC mà VOA xem được qua Công báo Liên bang.
Văn bản được DOC công bố nói rằng bộ này xác định 5 công ty kể trên bán sản phẩm cá fillet vào Mỹ với các mức giá thấp hơn giá trị bình thường trong giai đoạn bị rà soát, như vậy, họ phải chịu mức thuế riêng là 0,18 đô la/kilogram.
Mức thuế mới cao hơn so với mức trước đây là 0,14 đô la/kg đã được áp dụng đối với 5 công ty nêu trên và các hãng xuất khẩu khác được DOC xếp chung vào danh sách "các pháp nhân trên toàn Việt Nam".
Có một hãng Việt Nam được DOC xác định đã không bán hàng với giá cả dưới giá trị bình thường vào Mỹ và không bị áp thuế chống bán phá giá, đó là Tập đoàn Vĩnh Hoàn.
Trong năm 2023, giá trị thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,56 tỷ đô la, giảm gần 27% so với năm 2022, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam. Mặc dù vậy, con số đó vẫn cao hơn giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và Trung Quốc, lần lượt là 1,51 tỷ đô la và 1,34 tỷ đô la.
Tổng cục Hải quan dự báo rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024 sẽ phục hồi, kể cả ở thị trường Mỹ, song cũng nhận định rằng trong khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng, thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nhà cung cấp khác, ví dụ như tôm Ecuador và Ấn Độ.
Hồi tháng 9/2023, báo chí Việt Nam dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khẳng định rằng Mỹ luôn là đối tác hàng đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Hiệp hội nêu bật rằng vào năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỷ đô la, tăng 80% so với thời điểm 10 năm trước.
Nguồn : VOA, 22/03/2024
Quảng Ninh : Biểu tình vì bị ép nhận tiền lao động bằng "gạch"… ! (CaliToday, 03/04/2018)
Thay vì nhận khoản tiền mặt gọi là tiền lương, tiền chế độ lao động sau khi hoàn thành thời gian lao động thì người công nhân lao động lại nhận được chính sản phẩm do chính công ty sản xuất ra trả. Trả tiền lao động theo kiểu "Cây nhà lá vườn" này xảy ra ở không ít công ty Việt Nam do làm ăn thua lỗ, đặc biệt là những công ty gạch khiến công nhân lao động vừa cảm thấy khôi hài và bất mãn phản đối …
Công nhân tập trung phản ánh việc công ty nợ lương và thoái thác trách nhiệm đối với người lao động (Ảnh T.N.D- báo LĐO)
Vào ngày 2/4/2018, hàng chục công nhân lao động làm việc ở Công ty cổ phần xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Khẩu (gọi tắt là Công ty Hà Khẩu) có trụ sở tại số 406, đường An Tiêm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã căng băng rôn biểu tình trước cổng vì lý do công ty này chậm trả sổ bảo hiểm cũng như nhiều tháng qua đã trả lương và các chế độ thụ hưởng liên quan như ; tiền cơm, tiền ốm đau, trợ cấp thai sản… không đầy đủ. Thậm chí, thay vì công nhân lao động phải nhận khoản lương hằng tháng bằng tiền mặt thì lãnh đạo công ty này đã thúc bách công nhân lao động nhận lương bằng chính sản phẩm do công ty này sản xuất ra là gạch không nung với giá "cắt cổ", đắt gấp đôi giá bán ra thị trường ví dụ ; giá một viên gạch không nung công ty Hà Khẩu bán ra thị trường từ 600-700 đồng lại tính chi trả lương cho công nhân lao động giá khoảng hơn 1000 đồng/viên. Kiểu trả tiền lao động "cây nhà lá vườn" này khiếu nhiều công nhân lao động làm ở công ty Hà Khẩu cảm thấy khôi hài và bất mãn phản đối.
Lắng nghe những chia sẻ của công nhân lao động biểu tình tại công ty Hà Khẩu, Cali Today ghi nhận đa phần công nhân lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp, có trường hợp là người của tỉnh thành khác nên phải thuê nhà để ở nên không có nhu cầu phải nhận gạch để đem về xây dựng nhà cửa, chổ ở, cũng không thể dùng gạch để trang trải cái ăn cái mặc hằng ngày hoặc là đóng tiền học phí cho con cái, đem bán lại thì không ai mua bởi giá cao hơn giá thị trường.
Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, số lượng công nhân lao động xin thôi việc khá nhiều, công ty Hà Khẩu cũng đã một công ty khác mua lại nhưng tình cảnh công nhân lao động vẫn không được khả quan hơn.
Nhiều công nhân lao động cũng cho Cali Today biết bản thân có đến văn phòng công ty Hà Khẩu để gặp lãnh đạo công ty nhưng nhiều lần lãnh đạo công ty vắng mặt. công nhân lao động tiếp tục đi nhờ các ban ngành ở tỉnh Quảng Ninh can thiệp để vào cuộc yêu cầu công ty Hà Khẩu giải quyết quyền lợi nhưng đã một thời gian dài chưa thấy có kết quả.
Trả lời báo chí trong nước, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết công ty Hà Khẩu đang nợ đọng bảo hiểm trên 40 tháng với số tiền lên tới 3,3 tỷ đồng.
Trước thông tin hàng chục công nhân lao động biểu tình trước cổng công ty Hà Khẩu, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thông báo là sẽ giải quyết dứt điểm quyền lợi cho công nhân lao động vào tháng 4 này.
Không riêng gì Công ty Hà Khẩu, việc trả tiền lao động cho công nhân lao động bằng gạch cũng được áp dụng tại xí nghiệp gạch Đồng Văn ở tỉnh Thanh Hóa. Theo một số công nhân lao động ở xí nghiệp gạch Đồng Văn đã cho báo chí biết mặc dù hàng tháng họ vẫn trích tiền lương để nộp bảo hiểm đầy đủ nhưng xí nghiệp Đồng Văn đã chiếm đụng không nộp, nợ lương công nhân lao động nhiều tháng nay. Đáng nói là vào tháng 12/2016, có 5 công nhân lao động đến tuổi nghỉ hưu cho xí nghiệp gạch Đồng Văn vay để chốt sổ Bảo hiểm xã hội với tổng số tiền là hơn 302 triệu đồng nhưng thay vì họ nhận lại được số tiền mặt thì xí nghiệp này đã trả cho họ bằng sản phẩm gạch tương ứng với số tiền quy đổi là hơn 266 triệu đồng.
Kiểu trả tiền lao động cho công nhân lao động bằng sản phẩm thay thế được áp dụng ở không ít công ty, doanh nghiệp Việt Nam nhưng đa phần chỉ diễn ra ở những công ty, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ ví dụ :
- Tháng 6-7/2015, công nhân lao động làm việc ở Công ty cổ phần tổng hợp Việt Phú có trụ sở tại KCN Quảng Phú, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi nhận thông báo là của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Thanh Bình ký có nội dung là tất cả cán bộ công nhân lao động toàn Công ty hết sức chia sẻ với công ty cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để có điều kiện mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình nhằm đảo bảo cuộc sống, Công ty cổ phần tổng hợp Việt Phú thanh toán lương bằng phiếu mua hàng tại Trung tâm thương mại Ông Bố (thuộc Công ty cổ phần tổng hợp Việt Phú) cụ thể như sau : Đối với cán bộ, nhân viên khối gián tiếp nhận 50% lương, còn lại 50% nhận phiếu mua hàng nội bộ. Đối với công nhân lao động trực tiếp nhận 70% lương còn lại 30% nhận phiếu mua hàng nội bộ.
Vào tháng 10/2007, Công ty cổ phần Hợp nhất Việt Nam công bố chính sách trả lương bằng cổ phiếu cho toàn bộ cán bộ công nhân viên có thời gian làm viêc từ một năm trở lên tại công ty. Theo đó, cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Hợp nhất Việt Nam được quyền sử dụng 20% tiền lương hằng tháng để mua cổ phiếu của công ty này. Báo chí cộng sản Việt Nam cho biết vào thời điểm này thì đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chính sách trả lương bằng cổ phiếu định kỳ hàng tháng, dài hạn và được toàn bộ cán bộ-công nhiên viên của công ty chấp nhận.
Điều 59 Bộ luật Lao động Việt Nam hiện hành không cấm người sử dụng lao động trả tiền lao động cho người lao động bằng sản phẩm thay thế nhưng không được gây phiền hà và phải có sự chấp thuận của người lao động.
Quê Hương
***********************
Đà Nẵng : Nước sông bốc mùi hôi, cá chết ven bờ khiến người dân lo lắng (CaliToday, 03/04/2018)
Trên con sông Cu Đê chảy qua địa bàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bỗng nhiên chuyển sang màu đỏ gạch. Cùng với đó là hiện tượng cá chết rải rác ven sông với chiều dài hơn 8km. Theo người dân sống lân cận khu vực sông cho hay, đây là lần thứ hai trong năm 2018 xảy ra hiện tượng này. Theo họ, sở dĩ có việc trên là do các nhà máy ở trong khu kỹ nghệ Hòa Khánh xả ra.
Không chỉ sông, mà ngay cả nước biển ở Đà Nẵng cũng bị ô nhiễm. Ảnh : Zing News
Không chỉ mùi hôi tanh, nước chuyển sang đục ngàu mà nhiều nơi còn xuất hiện vết dầu loang. Mãi đến chiều ngày 3/4, hiện tượng trên vẫn chưa chấm dứt. Người dân sống gần sông Cu Đê cho biết, hiện tượng này đã kéo dài từ 4 ngày nay. Trong khi đó, một số khác cho biết, trong những năm trước đây, sau những ngày trời nắng nóng, chuyển sang đổ mưa sẽ xảy ra hiện tượng cá chết trên sông. Tuy nhiên, trong những ngày qua trời nắng nóng mà vẫn có hiện tượng cá chết dọc theo bờ sông khiến họ vô cùng lo lắng và hoang mang.
Theo người dân, hiện tượng cá chết, nước sông bốc mùi hôi tanh là do các nhà máy ở trong khu kỹ nghệ Hòa Khánh không thông qua các hệ thống trừ khử chất độc, mà thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm, kéo dài liên tục trong nhiều ngày.
Lãnh đạo Đà Nẵng vẫn tự xưng thành phố là nơi đáng sống nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, với việc nước sông Cu Đê ô nhiễm, hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc của Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ vẫn ngang nhiên xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân xung quanh thì nơi này chẳng đáng sống chút nào. Đó là chưa nói, chỉ cách đây vài ngày, hàng trăm người sống ở khu vực biển Nam Ô đã nhất tề xuống đường biểu tình, yêu cầu Tập đoàn Trung Thủy phải thảo dỡ tường rào để người dân có đường xuống biển. Chính quyền thành phố đã bán vùng biển Nam Ô cho bọn tư bản, chủ đầu tư viện cớ xây dựng công trình đã cho chắn tường rào, bịt kín mọi ngã lối xuống biển của người dân.
Trước đó, ngày 25/3/2018, trên bãi biển Nguyễn Tất Thành xuất hiện vệt đen với chiều dài hơn 5km. Người dân cho biết dòng nước đen ngòm, có mùi hôi tanh và nhờn nhợt nhưng chẳng biết từ đâu xuất hiện. Trước những hiện tượng dị thường nói trên không ai dám xuống tắm và ngư dân cũng không dám đánh cá gần bờ.
Quay lại dòng sông Cu Đê, trước đây có khoảng 200 hộ dân sinh sống trên chiều dài 8km. Trong số đó với khoảng 100 hộ dân sinh sống bằng nghề chèo thúng đánh lưới trên sông. Con sông là nguồn cung cấp thực phẩm, nuôi sống cho cả gia đình của hàng trăm người sống trên khu vực này. Vậy nhưng, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây dòng sông liên tục phải nhận một lượng khổng lồ nước thải từ khu kỹ nghệ Hòa Khánh đổ ra khiến cho nghề đánh bắt, chài lưới trên sông gần như mất hẳn. Từ những con số mà chính quyền cung cấp, hiện nay chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình vẫn bám trụ với nghề theo kiểu cha truyền, con nối. Phần nữa là do họ đã quen với nghề chài lưới, chưa thể tìm được công việc gì mới để chuyển đồi ngành nghề.
Trước việc nước sông Cu Đê ô nhiễm, người dân hoang mang và lo lắng, vì không thể đánh bắt cá bị ô nhiễm rồi đem bán ngoài chợ được. Nhưng nếu không đánh bắt thì họ không biết sống bằng gì, lấy tiền đâu để trang trải gia đình.
Không chỉ thành phố Đà Nẵng, mà cả Việt Nam dưới thời cộng sản, mặc dù lãnh đạo luôn miệng nói không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế. Vậy nhưng sự thật lại khác một trời, một vực. Cả Việt Nam không nơi nào là không ô nhiễm. Các nhà máy được cấp phép hoạt động gần các con sông, ven những bãi biển mục đích không nằm ngoài việc xả chất thải ra sông, biển. Như vậy chủ đầu tư không phải tốn một đống tiền cho các hệ thống tiêu khử chất độc. Chính quyền cộng sản Việt Nam dù biết điều đó nhưng vẫn ngậm miệng để nhận tiền.
Người Quan Sát
*****************
Mỹ điều tra chống bán phá giá túi nylon nhập từ Việt Nam (RFA, 03/04/2018)
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC-Department of Commerce) vừa ra thông báo bắt đầu điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm bao nylon đóng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Dân giặt và phơi bao ny lông để bán lại - Ảnh minh họa - AFP
Mạng Vietnam News loan tin vào ngày 3 tháng tư, cụ thể có tổng cộng 11 mã hàng là bao túi đóng hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra.
Các cuộc điều tra dựa trên kiến nghị của Tập đoàn Polytex Fibers và ProAmpac Holdings Inc vào ngày 7 tháng 3 năm 2018. Các công ty này cáo buộc các sản phẩm bao túi nhựa nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng trợ cấp và được bán tại Mỹ với mức giá thấp hơn giá trị thông thường, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ.
Theo kế hoạch, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ ra quyết định sơ bộ về thiệt hại của ngành sản xuất nước này chậm nhất là ngày 23 tháng 4.
Nếu ITC xác định có dấu hiệu cho thấy bao túi nylon nhập khẩu từ Việt Nam gây tổn hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa Mỹ, thì các cuộc điều tra sẽ tiếp tục và DOC sẽ đưa ra quyết định thuế chống trợ cấp bắt đầu vào tháng 6 năm 2018 và quyết định thuế chống bán phá giá bắt đầu vào tháng 8 năm 2018. Tuy nhiên thời hạn này có thể được kéo dài.
Nếu ITC phủ nhận cáo buộc này, thì các cuộc điều tra sẽ được chấm dứt.
Năm 2017, mặt hàng bao túi nhựa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt mức 21,1 triệu USD.