Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hơn 6 ngàn người Việt chết vì tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2017 (RFA, 23/10/2017)

Có 14.346 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2017 tại Việt Nam ; trong đó số người thiệt mạng là 6.113 người và số người bị thương là 11.785 người.

vn1

Ảnh minh họa : Một tai nạn giao thông tại tỉnh Quảng Nam hôm 9/11/2016. Photo : AFP

Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia (NCTS) cho biết số liệu vừa nêu, tính từ thời điểm trung tuần tháng 12 năm 2016 cho đến trung tuần tháng 9 năm 2017, với phần trăm giảm lần lượt là 6,24 ; 5,11 và 13,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên có 15 tỉnh, thành trong cả nước lại gia tăng 10% số vụ tai nạn chết người.

Theo kết quả nghiên cứu do Đại học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Việt-Đức thực hiện, cho thấy số vụ tai nạn gây ra bởi trẻ em cũng như trẻ em là nạn nhân xảy ra nhiều nhất ở hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội và gia tăng trong giai đoạn 2011 đến 2016.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu giới chức địa phương cần có nhiều biện pháp thực tiễn hơn để bảo đảm trật tự và an toàn giao thông cũng như sẽ quy trách nhiệm đối với các lãnh đạo cấp tỉnh, nơi có tỉ lệ giao thông xảy ra cao.

Năm 2016, Cục Cảnh sát Giao thông Việt Nam công bố số liệu tử vong trong hơn 21 ngàn vụ tai nạn giao thông gần 9000 người, số người bị thương được thống kê hơn 19 ngàn người.

****************

Khởi tố vụ án dân chống lại cưỡng chế đất phải nổ súng (RFA, 23/10/2017)

Sáu người dân trong vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương, xảy ra cách đây tròn một năm, tại Đắk Nông sẽ bị đưa ra xét xử trong nay mai.

vn2

Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23 tháng 10. Courtesy chinhphu.vn

Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Đức Thọ cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 23 tháng 10.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có 6 đối tượng trong vụ tranh chấp đất tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, đã dùng súng bắn chết 3 người và làm cho 13 người khác bị thương vào ngày 23/10/2016 sẽ bị truy tố về các tội giết người, hủy hoại tài sản hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản và che giấu tội phạm.

Sáu bị can bao gồm : Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường, Nguyễn Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện và Đoàn Văn Diện.

Đồng thời, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn, là công ty có tranh chấp đất với các hộ dân địa phương bị bắt giam hồi ngày 24/12/2016 để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản và phá rừng.

Xin được nhắc lại, vụ việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với Công ty Long Sơn liên quan đến dự án nông lâm nghiệp trên diện tích khoảng 1079 héc-ta rừng, tại tiểu khu 1535. Mặc dù việc tranh chấp xảy ra trong thời gian rất dài, từ tháng 2 năm 2008 nhưng chính quyền không can thiệp.

Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó giám đốc Công ty Long Sơn vào ngày 23/10/2016 đã điều động hàng chục nhân viên của công ty cùng xe ủi, máy cày, áo giáp, dao, gậy… đến phá hàng trăm cây cà phê của các hộ dân địa phương. Và người dân đã dùng súng để bảo vệ đất của họ.

Vụ việc dân chống cưỡng chế đất phải nổ súng như tại Dắk Nông từng diễn ra ở một số địa phương khác. Tuy nhiên vụ tại Cống Rộc, Tiên Lãng ở Hải Phòng không gây tử vong cho ai trong đoàn cưỡng chế.

*******************

Formosa được yêu cầu nghiên cứu thay phương án xả thải (RFA, 23/10/2017)

Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh nghiên cứu về phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay.

vn3

Nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh tổ chức họp báo nhận trách nhiệm về vụ xả thải ra biển làm ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. AFP

Đề nghị trên do Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra hôm 23 tháng 10, tại buổi báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội từ kỳ họp thứ ba.

Đặc biệt, một đề nghị được Bộ này đề xuất là chú trọng đến việc tổ chức cho người dân giám sát quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết rằng Bộ Tài nguyên và môi trường đã và đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để giám sát nguồn phát thải từ nhà máy Formosa, đảm bảo mọi hoạt động của nhà máy này đều tuân thủ các nguyên tắc về bảo vệ môi trường.

Cũng tại buổi báo cáo, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết các nguồn ô nhiễm từ nhà máy Formosa đã hoàn toàn được khắc phục. Nhà máy này cũng đã hoàn thiện thêm nhiều công trình bảo vệ môi trường nhầm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế đã cam kết.

Xin được nhắc lại, nhà máy gang thép Formosa xả thải hóa chất trực tiếp ra biển gây thảm họa môi trường từ đầu tháng tư năm 2016. Cá và hải sản chết hằng loạt tác động mạnh mẽ đến ngành ngư nghiệp tại các tỉnh dọc ven biển miền Trung. Ngoài ra ô nhiễm biển cũng khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề.

Published in Việt Nam