Việt Nam ‘lộ’ tin một hòa thượng có 50 năm tuổi Đảng (VOA, 16/03/2018)
Hòa thượng Thích Không Tánh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói với VOA rằng có lẽ đây là lần tiên chính quyền Việt Nam chính thức thừa nhận một trong các lãnh đạo của giáo hội được Hà Nội hậu thuẫn là đảng viên của Đảng Cộng sản.
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người vừa qua đời, có 50 năm tuổi Đảng.
"Hồi trước tới giờ, họ âm thầm đào tạo các nhà sư, trong những nhà sư được thăng quan tiến chức, đảm nhận các chức danh lãnh đạo tôn giáo đều có tuổi Đảng cả, nhưng họ không nói rõ ra".
Truyền thông Việt Nam hôm 14/3 loan tin Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ đến viếng Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Sam, qua đời hôm 12/3 tại tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình viếng Hòa thượng Thích Thanh Sam (TTXVN)
Trước đó vào hôm 13/3, báo Nhân dân cho biết bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cũng đã đến viếng đám tang Hoà thượng Thích Thanh Sam.
Theo Báo Bắc Ninh, vào năm 2013, Đảng cộng sản Việt Nam đã trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cho Hoà thượng Thích Thanh Sam.
Cáo phó Hòa thượng Thích Thanh Sam trên Đài Truyền hình VTV (Facebook NKYN)
Trong một cáo phó, báo Giác Ngộ nói Hòa thượng Thích Thanh Sam sinh năm 1929, xuất gia vào năm 1942 và được kết nạp vào đảng năm 1962.
Trang này cho biết vào năm 1966, khi quân đội Mỹ bắn phá miền Bắc Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Sam đã "trực tiếp chỉ đạo một mũi nhọn xung kích dân công xã Cao Đức tham gia chiến dịch thủy lợi đào sông Đồng Khởi tại huyện Gia Lương do Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc phát động".
Hòa thượng Thích Không Tánh nói một khi đã thọ giới thì không nên tham gia chính trị đảng phái nào cả :
"Khi quy y Phật là không còn tham gia vào đảng phái chính trị của thế gian. Nếu tham gia là phạm giới. Nhưng ở Việt Nam thì bị như vậy. Quần chúng hiện nay nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một giáo hội quốc doanh : nhà nước lập lên, làm cánh tay nối dài của Đảng để nắm giữ quần chúng, vì họ biết rằng đa phần người dân có tín ngưỡng là Phật giáo. Họ dùng tôn giáo làm phương tiện để nắm giữ quần chúng".
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình An Viên thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lúc sinh thời Hòa thượng Thích Thanh Sam nói : "Đã là người đi xuất gia thì phải lấy luật Phật làm đầu. Đã tu hành thì phải giữ đúng luật pháp của Phật dạy".
Ông còn nói rằng trong thời chiến tranh ông đã xây hầm làm nơi trú ẩn cho cán bộ "giúp đỡ anh em ẩn nấp, thậm chí đưa cả cán bộ ẩn nấp ngay cả trên ban Tam Bảo, nằm trên Đại tượng".
"Trong chiến tranh chống Pháp, giặc bắt tôi giải ra Phả Lại, bị tra trấn nhưng tôi quyết không khai báo một điều gì vì sợ sẽ làm lộ bí mật của cơ sở Đảng. Tôi vận động Phật tử đóng góp mọi mặt cho tiền tiến, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược".
Hòa thượng Thích Không Tánh nói rằng việc cài cắm Đảng viên Cộng sản vào các tổ chức tôn giáo đã có từ trước năm 1975 và kéo dài cho đến ngày nay, nơi đó họ ẩn mình dưới bóng nhà Phật để hoạt động theo sự chỉ đạo của tổ chức Đảng.
"Từ trước năm 1975 họ đã cho những người Cộng sản vào nằm vùng, hoạt động trong các chùa chiền tôn giáo, làm theo chỉ đạo của Đảng. Điều này là một chứng thực rằng dưới chế độ Cộng sản, Việt Nam không có tự do tôn giáo và tín ngưỡng".
Trước khi qua đời, Hòa thượng Thích Thanh Sam từng đảm nhiệm các chức danh như Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, Chánh thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong 4 nhiệm kỳ, và nhiều chức danh khác.
Nhiều tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thuần túy, Đạo Cao Đài Chân truyền… vẫn chưa được chính quyền Việt Nam công nhận.
Trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo, Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Việt Nam thường xuyên hạn chế sinh hoạt tôn giáo của các nhóm tôn giáo không được công nhận. Việt Nam phản bác rằng phúc trình của Mỹ về tình hình tôn giáo Việt Nam ‘bị sai lệch.’
**********************
Một học viên Pháp Luân Công người Việt gốc Hoa tên Phạm Thị Thu Trang sang Trung Quốc phát tặng tài liệu về Pháp Luân Công đã bị công an Trung Quốc bắt giữ vào ngày 15/12/2017.
Thư cầu cứu của mẹ chị Phạm Thị Thu Trang gửi các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam và Quốc Tế. Ảnh nhân vật cung cấp.
Đến nay đã hơn ba tháng, thông tin mới nhất cho biết chị Phạm Thị Thu Trang vẫn đang bị giam giữ tại thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Gia đình nạn nhân gửi thư đến các cơ quan ngôn luận nhờ lên tiếng và yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thả chị Trang được an toàn về Việt Nam.
Theo thư cầu cứu của các học viên Pháp Luân Công gửi đến chúng tôi, chị Phạm Thị Thu Trang là người Việt gốc Hoa (có tên tiếng Hoa là Tằng Anh Thi) đi sang Trung Quốc thăm người thân tại thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông. Trong thời gian này, chị Trang đi phát tặng tài liệu sự thật về Pháp Luân Công và đã bị công an Trung Quốc bắt giữ cùng với số tài liệu.
Chị Huệ, một đồng tu Pháp Luân Công cùng với chị Phạm Thị Thu Trang, ngụ tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với chúng tôi :
Thực ra bạn Trang ở bên Trung Quốc và tu bên Trung Quốc một thời gian rồi mới về Việt Nam. Ở gần khu vực nhau thì bạn ấy cũng tham gia tu luyện cùng mọi người. Rồi sau một thời gian thì bạn ấy bảo qua đó làm và muốn nói lên sự thật cho những thân ở bên ấy về bộ môn này. Bạn đi vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 2017, bị bắt thì công an đến nhà cô ở bên đó để khám xét đồ đạc của bạn ấy thì cô có báo về cho mẹ bạn ở bên này.
Sau khi biết tin, mẹ của chị Phạm Thị Thu Trang đã viết đơn lên chính quyền xin giải quyết nhưng bị từ chối. Chị Huệ cho biết lý do như sau :
Thực ra khi đi bạn ấy không có hộ chiếu mà đi theo đường ô tô, biên giới. Thế thì mẹ bạn ấy viết đơn lên chính quyền thì chính quyền họ bảo là đi theo đường ấy thì không giải quyết. Riêng trường hợp của bạn ấy thì do là đi chia sẻ môn Pháp Luân Công nên mới bị giam như thế. Chứ bình thường không có hộ chiếu thì người ta sẽ trả về ngay, đuổi về ngay luôn.
'Giấy xác nhận quan hệ' giữa chị Phạm Thị Thu Trang và mẹ được chứng thực bởi Ủy Ban Nhân Dân phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh nhân vật cung cấp.
Chúng tôi liên lạc với anh Hưng, một đồng tu cùng với chị Trang, là người được gia đình chị Trang ủy quyền chịu trách nhiệm sự việc. Anh chia sẻ thêm lý do vì sao chính quyền địa phương từ chối đơn từ của gia đình nạn nhân :
Khi mình làm giấy xác nhận nói là tình trạng bạn tôi, người nhà tôi ở bên đó bị như thế thì chính quyền không xác nhận vì họ không biết là có đúng như vậy không. Cuối cùng gần như là họ không tiếp nhận.
Theo thông tin mới nhất thì chị Thu Trang hiện đang bị giam giữ tại Đại đội Quốc Bảo, Cục Công An, thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc. Gia đình nạn nhân cũng nhận được tin từ một người không tu luyện Pháp Luân Công nhưng bị bắt và giam chung với chị Trang trong thời gian một tháng tại đó. Người này đã về Việt Nam và báo tin cho các đồng tu biết chị Trang nhờ họ chăm nom hộ gia đình và nhắn nhủ rằng chị sẽ cố gắng trụ vững tại trại giam. Anh Hưng cho chúng tôi biết thêm tình hình của chị Trang hiện nay :
Trong khi bị bắt thì bạn ấy có kịp gửi thông tin ra bên ngoài cho mọi người biết. Sau đó điện thoại của bạn bị tịch thu cho nên những thông tin cá nhân bị công an biết nên xét hỏi thêm. Bạn kia về kể thì Trang có lúc tâm trạng không ổn định vì bị xét hỏi nhiều, quá tải.
Đã hơn ba tháng trôi qua kể từ ngày chị Trang bị bắt, người nhà nạn nhân và các đồng tu nóng lòng với vụ việc vì vẫn chưa được giải quyết. Người mẹ của chị Trang suy sụp tinh thần, còn các đồng tu chỉ còn biết cầu nguyện và viết thư cầu cứu gửi các cơ quan ngôn luận nhờ lên tiếng.
Anh Hưng nói anh cảm thấy không đứng ngoài được vì gia đình chị Trang rất khó khăn. Anh Hưng chia sẻ :
Bố Trang mất rồi. Trang có hai đứa con. Chồng thì một nơi, vợ một nơi. Khi xảy ra chuyện thì chồng Trang lại tăng thêm áp lực, nói ra nói vô rồi dẫn một người con về nuôi. Còn một cháu thì đang ở với bà. Bà làm lương rất thấp, một tháng được hai triệu thì phải. Mà nhà phải đi thuê tại vì bà bị phá sản.
Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một bộ môn tu luyện khí công của nhà Phật chiểu theo các đặc tính Chân - Thiện - Nhẫn nhằm rèn luyện tâm tính và nâng cao sức khỏe cho người tu luyện.
Môn Pháp khí công này của Trung Quốc đã có từ lâu đời nhưng bắt đầu được truyền bá rộng rãi vào năm 1992. Đến nay đã có hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới vì những lợi ích về sức khỏe và tâm hồn do môn pháp này mang lại.
Anh Hải, học viên Pháp Luân Công tại Sài Gòn, khẳng định với chúng tôi quan điểm của anh sau một thời gian tập luyện :
Pháp Luân Công rất tuyệt vời. Bản thân mình từ lúc tập luyện Pháp Luân Công nhận được rất nhiều lợi ích từ một bộ môn tu luyện chiểu theo Chân - Thiện - Nhẫn. Sống theo Chân - Thiện - Nhẫn giữa đời thường. Qua đó mình thấy sức khỏe mình rất là tốt. Thứ hai là các mối quan hệ và công việc có rất nhiều tuyệt vời. Mình nghĩ rằng nếu ai may mắn biết được Pháp Luân Công thì nên tìm hiểu và trân quý cơ hội này.
Tại Việt Nam, hiện không có điều luật nào ngăn cấm thực hành Pháp Luân Công, nhưng đã có nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công bị quấy nhiễu trong lúc tập, thậm chí bị đánh đập, bắt bỏ tù.
Năm 2011, chính quyền Hà Nội tuyên án hai học viên Pháp Luân Công ba và hai năm tù vì thực hiện phát thanh chương trình ‘Tiếng nói Hy Vọng’ của Pháp Luân Công với tội danh được nêu ra tại tòa là ‘đưa trái phép thông tin lên mạng viễn thông’.
Năm 2013, một nhóm học viên Pháp Luân Công Việt Nam cũng sang Trung Quốc nhằm nêu rõ sự thật cho người dân tại đó cũng bị cơ quan chức năng Hoa Lục bắt giữ, hành hung nặng nề trước khi cho về nước.
Tại Trung Quốc, từ ngày 20/7/1999, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân lúc bấy giờ đã phát động một cuộc đàn áp được đánh giá là tàn bạo đối với những người tu luyện Pháp Luân Công. Lý do được cho rằng là vì số lượng học viên môn phái này đã lên đến 100 triệu người, vượt hơn số lượng đảng viên Trung Quốc lúc bấy giờ là 60 triệu đảng viên.
Hằng trăm chương trình truyền hình và hàng ngàn bài báo nói xấu Pháp Luân Công đồng loạt được tung ra tuyên truyền khắp lãnh thổ Trung Quốc. Bên cạnh đó nổi bật là các hoạt động bắt bớ, bỏ tù, tra tấn đến chết, và mổ sống lấy nội tạng các học viên Pháp Luân Công, đều được các hãng thông tấn thế giới đưa tin.
Đến tháng 2/2018, theo thống kê không chính xác, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã bị đảng cộng sản Trung Quốc bức hại nhằm mục đích bắt ép từ bỏ tín ngưỡng của họ.
Anh Hải, một người tu luyện Pháp Luân Công tại Sài Gòn nhận định :
Thực sự thì chính quyền Trung Quốc đang bức hại rất nặng những người tu luyện Pháp Luân Công. Mỗi người cần nỗ lực để phản ánh lên chính quyền Trung Quốc để yêu cầu họ chấm dứt cuộc bức hại này. Cuộc bức hại vô nhân tính, vô nhân đạo của Trung Quốc. Mình nghĩ mọi người cần phải minh bạch ra các hành động tàn bạo của đảng cộng sản Trung Quốc.
Đối với trường hợp của chị Trang, anh Hải cũng đồng quan điểm với các đồng tu Pháp Luân Công tại Quảng Ninh :
Bây giờ đối với việc của bạn Thu Trang thì mình nghĩ cần mỗi người trong chúng ta phải phản ánh lên các lãnh sự quán hoặc là chính quyền Trung Quốc để mọi người yêu cầu chính quyền Trung Quốc thả bạn Thu Trang ra.
Còn anh Hưng, người được gia đình nạn nhân ủy thác trách nhiệm vụ việc, nhấn mạnh với chúng tôi rằng những việc chị Trang làm là việc nhân đạo và hoàn toàn không có gì sai. Lập luận của anh Hưng là khi chia sẻ một điều tốt cũng như nói rõ cho mọi người biết làm ác sẽ bị trả giá để không gây ác nữa thì hoàn toàn nhân đạo ; chứ không bài xích ai cả.
Anh Minh
*****************
Chính quyền nói dân bị kích động biểu tình chống dự án thủy sản (RFA, 16/03/2018)
Hằng trăm người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào sáng ngày 16 tháng 3 lại kéo nhau lên chặn đoạn Quốc Lộ I đi qua địa bàn xã này để phản đối một dự án chế biến thủy sản vì họ cho sẽ gây ô nhiễm.
Người dân xã Mỹ An biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường hôm 16/3/2018 - Screen capture
Tuy nhiên, đại diện của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phù Mỹ, thì hoạt động phản đối của người dân là do có yếu tố bên ngoài kích động, lôi kéo.
Mạng báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Văn Dũng là Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Định có kết luận, yêu cầu đơn vi thuê đất dừng thi công và tỉnh này đã giao cho Giám Đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường và các ngành chuyên môn đánh giá lại tác động môi trường của dự án.
Vào chiều tối ngày 16 tháng 3, RFA liên lạc với Chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân và Hội Đồng Nhân Dân Huyện Phù Mỹ để hỏi về thông tin liên quan. Ông này lấy lý do đang đi công tác để từ chối trả lời : "Tôi đang bận đi công tác nên không trao đổi được. Mong thông cảm !"
Giám đốc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan cũng có ý kiến tương tự ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Phù Mỹ là có yếu tố kích động từ bên ngoài lôi kéo người dân biểu tình chống dự án bị cho sẽ gây ô nhiễm của công ty này.
Bà Lục Thị Kim Loan, giám đốc Công Ty trách nhiệm hữu hạn Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan nói với RFA là việc xây dựng chưa tiến hành và mọi chuyện do quyết định của chính quyền : "Nhà nước cho làm thì tôi làm còn không cho làm thì tôi nghỉ".
Tin cho biết vào chiều ngày 26 tháng 2 vừa qua, hàng chục hộ dân tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đến trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân huyện bày tỏ phản đối dự án mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch Vụ & Thủy Sản Thảo Loan sẽ triển khai tại địa phương của họ với lý do sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi phản đối tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Huyện Phù Mỹ, những người phản đối lên Quốc Lộ ngồi hàng ngang để biểu tỏ ý kiến.
Sáng ngày 16 tháng 3, hằng trăm người dân xã Mỹ An lại lên Quốc Lộ 1 để biểu tình phản đối dự án bị cho sẽ gây ô nhiễm.
Chính quyền địa phương đã cấp thủ tục thuê đất trong Cụm Công Nghiệp Làng Nghề Chế Biến Thủy Sản Mỹ An để triển khai dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ & Thủy sản Thảo Loan.