Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính phủ muốn biến con mắt của người dân thành 'những ngọn đèn pha' để tham nhũng không có chỗ ẩn nấp. Liệu điều này có thực sự khả thi khi việc tố cáo tham nhũng từ phía dân chúng và những người liên quan lâu nay không được lắng nghe đến nơi đến chốn ?

matdan1

Cận cảnh tòa lâu đài nghìn tỷ của đại gia Ninh Bình

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng dự kiến diễn ra vào ngày 30 tháng 6 năm 2022. Trước đó vài ngày, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu với truyền thông nhà nước rằng : "Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy chúng ta". 

Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định với RFA về câu nói của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc : 

"Đây là điều mà đảng, chính phủ và nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Đó là công dân có quyền đặt ra và tìm hiểu về hoạt động của những công chức nhà nước, những người mà có thể có các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho cá nhân mình hoặc cho nhóm của mình. Điều đó có ghi hết trong hiến pháp và trong luật của Việt Nam nhưng trong thời gian vừa qua việc thực thi chưa đi vào nề nếp. 

Đôi khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự để ý hay là chưa thực sự lắng nghe ý kiến của quần chúng Nhân dân. Ông Trưởng ban nội chính trung ương nói điều đó có thể coi là một bước chuyển biến của cơ quan thực thi pháp luật trong việc lắng nghe nhiều hơn những ý kiến giám sát của quần chúng nhân dân trong việc phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, hy vọng tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền trong bộ máy công quyền ở Việt Nam sẽ giảm thiểu và dần mất đi". 

Một số người dân mà RFA trò chuyện đều coi lời nói của ông Phan Đình Trạc là mị dân, bởi người dân chẳng có gì trong tay để chống tham nhũng, tiêu cực trong khi nhà nước có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng xuống đến tỉnh, thành. Thực tế còn cho thấy có những trường hợp người dân tố cáo tham nhũng trở thành nạn nhân bị trù dập. 

Cấp cao nhất có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được thành lập vào ngày 1 tháng 2 năm 2013 do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Cấp thấp hơn có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành với các bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Chỉ trong tháng 6 năm 2022, hàng loạt ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành được tỉnh ủy nhiều địa phương thành lập như tỉnh ủy Long An hôm 13/6 ; tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu hôm 16/6 ; tỉnh ủy Sóc Trăng hôm 22/6 ; tỉnh ủy Tây Ninh hôm 24/6 ; tỉnh ủy Lào Cai hôm 26/6… Đến ngày 29/6, thống kê được truyền thông Nhà nước đưa ra cho thấy có 34 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành. 

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố vào đầu tháng 6 năm 2022. 

matdan2

Cận cảnh đời sống người trong nội thành Hà Nội - Ảnh minh họa

Anh Quang, một kỹ sư xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA với tư cách một người dân, về phát biểu của ông Phan Đình Trạc :

"Cả một ban phòng chống tham nhũng tiêu cực của trung ương cũng có rồi. Vừa rồi còn thành lập các ban phòng chống tham nhũng tiêu cực ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầy đủ cả. Lập ra để làm gì mà bây giờ mà bảo Nhân dân ? Họ có công cụ chống tham nhũng gì trong tay đâu. Họ chỉ nhìn thấy bằng hình ảnh trực quan. Ví dụ ông cán bộ nhà nước đó hoặc quan chức nhà nước đó từ trước đến nay nghèo khổ không có gì hết trong khi có chức vụ mà lương thì theo bảng lương của nhà nước không quá mười lăm, mười bảy triệu đồng thì lấy đâu ra mà ổng có những cái tài sản lớn như ô tô hay những biệt phủ hàng trăm triệu đồng ?

Mọi thứ nó sờ sờ ra đó. Mấy ông cứ theo đó mà mấy ông truy ra. Quy định của đảng và nhà nước đối với cấp nào thì phải kê khai tài sản. Bây giờ qua một năm kiểm tra lại thấy tài sản tăng lên là nhờ cái gì ? Đó là những công cụ, những tài liệu để xác định người đó có tham nhũng hay không chứ có gì khó đâu mà bắt Nhân dân soi xét. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính trung ương nói như thế là mị dân !".

Pháp luật Việt Nam quy định rõ : "Người dân được làm những việc pháp luật không cấm. Cán bộ, đảng viên được làm những việc pháp luật cho phép". Người dân và quan chức đều có quyền làm giàu nhưng phải chính đáng, hợp pháp. Nhiều quan chức Việt Nam khi bị bắt, người dân mới vỡ lẽ ra họ có khối tài sản kếch xù. 

Mới hồi tháng trước, cựu chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt giam gây chú ý dư luận vì khối tài sản quá lớn, nhiều hơn là lý do bị bắt. Theo truyền thông nhà nước, tài sản của ông Hà gồm căn biệt thự đang ở được ước đoán có giá gần trăm tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ và 4 chiếc ô tô đắt tiền, gồm : 1 chiếc SUV hiệu Lexus LX570 có giá từ 8 - 10 tỉ đồng tùy phiên bản ; 1 chiếc Lexus ES 250 giá từ 2,6 tỉ đồng ; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá từ 1,2 tỉ đồng ; 1 chiếc Mercedes E 300 giá từ gần 2,9 tỉ đồng.

Những tài sản đó không phải là tài sản được cất giấu trong nhà băng ở nước ngoài, mà là tài sản ai cũng có thể thấy, không cần đến ‘ngọn đèn pha’ từ Nhân dân như lời nói của Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. 

Ông Võ Minh Đức, một sĩ quan chính trị nói với RFA về phát biểu của ông Trạc : 

"Cái biện pháp đó tôi thấy là không khả thi. Thậm chí người mà tố cáo phanh phui tiêu cực trong chính cơ quan (có người tiêu cực –NV) đã lãnh hậu quả chỉ vì đấu tranh, chỉ vì phanh phui tiêu cực nói gì đến dân. Nhân dân mà lên tiếng còn bị khủng bố nữa là khác. 

Ông ấy là quan nên nói theo cái kiểu làm quan. Nói đại, nói bừa, nói cho có nói để tuyên truyền. Họ muốn tỏ cho dân thấy rằng họ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng. Chỉ là mị dân. Người dân cũng chả dại mà làm cái việc đó mặc dù người ta cũng căm ghét việc tham nhũng. 

Tất cả những người cán bộ đảng viên có quyền có chức ở trong bộ máy hành chính nhà nước không có ông nào nghèo hết, trong khi thu nhập lương công khai theo cấp bậc ai cũng biết. Ai cũng khai ba đời xuất thân là thành phần nông nhân và bần cố nông. Thế tiền của ở đâu ra mà xây những căn nhà hơn chục tỷ như thế ?".

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hôm 11 tháng 8 năm 2021, ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài phát biểu khá dài. Ở đoạn gần cuối bài, khi nói về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" ông Trọng nhắc lại một câu làm nhiều người để ý : "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu ; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất !".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 29/06/2022

Published in Diễn đàn

Ông Nguyễn Thành Phong bị kỷ luật vì lý do gì ?

Thường Sơn, VNTB, 23/06/2022

Tính đến hiện tại thì vẫn không rõ sai phạm cụ thể của ông Nguyễn Thành Phong là những gì ? Trong thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, viết vắn tắt và mập mờ thế này :

cui1

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

"Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước ; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố ; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật ; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật :

– Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Xây dựng và Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015/2020.

– Khiển trách đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016/2021 và đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm nêu trên".

Văn bản trích kể trên được phát hành vào chiều ngày 22/6/2022 ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Không rõ những yêu cầu ở trên phải chăng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trước đó vài hôm.

cui2

Hàng loạt cựu quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật đảng

Ngày 1/6/2022, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm, cụ thể :

* Khai trừ ra khỏi đảng đối với các ông : Trần Nam Trang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố, nguyên Tổ trưởng Tổ chuyên viên Ban chỉ đạo 09 ; Huỳnh Kim Phát, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Ông Trần Nam Trang đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 gây hậu quả, thiệt hại tài sản Nhà nước và ký Công văn đề nghị UBND thành phố chấp thuận hoán đổi tài sản là trái với Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.

Ông Trần Nam Trang đã bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Huỳnh Kim Phát đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu đề xuất xử lý nhà, đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 không đúng quy định pháp luật và tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản tại số 57, đường Cao Thắng, quận 3 để lấy tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng, quận 3, tạo điều kiện cho bà Dương Thị Bạch Diệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Huỳnh Kim Phát đã bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn trong thời gian giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác nhận pháp lý tài sản 57 Cao Thắng, quận 3 chỉ dựa trên bản phô-tô công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, không chỉ đạo kiểm tra thông tin về pháp lý nhà 57 Cao Thắng, quận 3 nên không phát hiện được tài sản này đã bị thế chấp vay vốn, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 4 năm 6 tháng tù.

* Khai trừ ra khỏi đảng đối với bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài.

Trong khoảng thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016, bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung được phân công ký duyệt các bộ chứng từ lương do Trung tâm Cung ứng lao động đề nghị chi trả hộ cho các đơn vị khách hàng.

Mặc dù bà Nhung đã phát hiện ra những bất cập trong việc quản lý tài chính của Công ty và có chỉ đạo bộ phận tài chính kế toán sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, do chủ quan tin tưởng cấp dưới nên bà Nhung đã không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu liên quan khi ký trên 41 bộ chứng từ lương do Trung tâm đề xuất, giúp sức cho các đối tượng khác chiếm đoạt của Công ty số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Vi phạm của bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung là rất nghiêm trọng, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo.

* Khai trừ ra khỏi đảng bà Lê Thị Thanh Tuyền, đảng viên Chi bộ Văn phòng, Đảng ủy Sở Tài chính ; chuyên viên Văn phòng Sở Tài chính ; nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Củ Chi ; nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính.

Trong thời gian giữ chức Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Củ Chi, bà Lê Thị Thanh Tuyền đã vi phạm quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản tại 7 trường học trên địa bàn huyện, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 17,7 tỷ đồng.

Khai trừ ra khỏi đảng bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông An Nhơn Tây ; nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi.

Trong thời gian giữ chức Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, bà Nguyễn Thị Loan đã vi phạm quy định về đầu tư, đấu thầu, xây dựng cơ bản tại 07 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 17,7 tỷ đồng.

Vi phạm của bà Lê Thị Thanh Tuyền và bà Nguyễn Thị Loan là rất nghiêm trọng, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 3 năm tù.

* Khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Thanh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan Đảng-Đoàn thể, đảng viên Chi bộ Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11.

Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11, Đội trưởng Đội tiêm tại Trường Mầm non 10, Phường 10, Quận 11, ông Nguyễn Thanh Tuấn đã đưa 32 người ngoài danh sách vào tiêm vắc-xin tại Điểm tiêm Trường Mầm non 10 ; nhận số tiền 32 triệu đồng của Lê Thị Kim Dung và Lý Thái Huyền Trang, đồng thời tạo điều kiện cho Lê Thị Kim Dung trục lợi số tiền lớn.

Vi phạm của ông Nguyễn Thanh Tuấn gây hậu quả rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Ông Tuấn đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356, Bộ Luật Hình sự.

* Thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Nhựt, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn-trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng Công ty nhiệm kỳ 2015/2020.

Ông Nguyễn Thanh Nhựt với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đơn vị có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự ; đồng thời ông Nguyễn Thanh Nhựt nhận thức việc ký Kế hoạch số 633/KH-TCT ngày 01/7/2016 về việc tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để hợp thức hóa hồ sơ là sai, nhưng vẫn chấp hành theo chỉ đạo của ông Lê Tấn Hùng, tạo điều kiện cho ông Lê Tấn Hùng tham ô số tiền 13,34 tỷ đồng.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 23/06/2022

**********************

Đôi lời với ông Tổng Trọng : Cắt cành hay đào gốc ?

Hiếu Chân, SaigonnhoNews, 23/06/2022

Tham nhũng ở Việt Nam có phải chỉ là một vài cành cây sâu mọt như nhận định của ông Nguyễn Phú Trọng ?

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (), vừa nói chuyện với cử tri – những người được chọn lọc, đa số là cán bộ đảng viên già cả đã nghỉ hưu – về những quan tham vừa bị sờ gáy mà ông coi là vài cành cây sâu mọt phải cắt bỏ "để cứu cả cây". Cứu được không ?

dang3

Tham nhũng ở Việt Nam có phải chỉ là một vài cành cây sâu mọt như nhận định của ông Nguyễn Phú Trọng ?

Trong cuộc tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng ở Hà Nội sáng 23 tháng Sáu 2022, ông Trọng "nhấn mạnh và nêu rõ không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải ‘cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây’", theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ trong nước. Ý ông muốn nói tới việc kỷ luật các "đồng chí, đồng đội" như các cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long – những kẻ tán tận lương tâm, trục lợi trên xương máu của đồng bào trong vụ test-kit Việt Á.

Chuyện tham nhũng của Anh, Long và rất nhiều "đồng chí, đồng đội" khác ở các bộ ngành trung ương, ở các tỉnh thành bị lộ trong các vụ Việt Á, vụ các chuyến bay "giải cứu"… đã được báo chí và mạng xã hội bàn tán rất nhiều, xin phép không nhắc lại nữa. Nhưng lũ tham quan ô lại ấy có phải là "một vài cành cây sâu mọt" phải cắt bỏ như Trọng nói không ? Tôi cho rằng không phải và khi đánh giá đó chỉ là "vài cành cây", ông đảng trưởng Đảng cộng sản Việt Nam đã bộc lộ một trình độ nhận thức kém cỏi, sai lầm đến thảm hại.

Những quan tham như Anh, Long và các "đồng chí, đồng đội" khác sở dĩ có thể tác oai tác quái gây bao nhiêu thiệt hại cho đất nước, bao đau thương thống khổ cho người dân trước tiên là do chúng nó có quyền lực – một thứ quyền lực vô đối, không bị kiểm soát.

Để có quyền lực, trước tiên chúng nó phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được "đảng lãnh đạo" tin cậy, sắp xếp vào những chức vụ béo bở trong guồng máy cai trị và chỉ chịu trách nhiệm với đảng của chúng, không phải giải trình gì với dân với nước. Không có tội phạm tham nhũng nào là thường dân hoặc người ngoài đảng bởi vì những thành phần này không có quyền lực, không có điều kiện và cơ hội để tham nhũng. 

Nói như thế không có nghĩa là hễ ai có quyền lực đều trở thành quan tham, thành tội phạm cả, nhưng có một thực tế là những người nắm quyền lực trong các thể chế độc tài đảng trị như ở Việt Nam, Trung Quốc đều dễ biến thành tội phạm tham nhũng hơn là quan chức trong các thể chế dân chủ ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu… thậm chí quan chức ở các nước dân chủ mới nổi như Đài Loan, Nam Hàn cũng trong sạch hơn rất nhiều. 

Điều đó không có gì khó hiểu vì trong thể chế cộng sản, quyền lực tập trung vào một số nhân vật chóp bu trong đảng cầm quyền mà không ai kiểm soát hay chế ngự được. Các quan chức trong guồng máy cai trị chỉ cần được lòng "bác Tổng" thì có thể mặc sức vơ vét ; những kẻ chẳng may "bị lộ" là do bị thất sủng trong các cuộc đấu đá nội bộ hoặc do ăn chia không sòng phẳng. Ngược lại, thể chế dân chủ tam quyền phân lập có các cơ chế kiểm soát lẫn nhau, không cho ai có quyền lực tuyệt đối, không cho tổ chức, cá nhân nào đứng trên pháp luật để tác oai tác quái. Các cựu tổng thống Park Geun Hye của Nam Hàn, Trần Thủy Biển của Đài Loan… đều đã bị tòa án các nước này lôi ra trước vành móng ngựa và xử những bản án nặng nề do hành vi tham nhũng hoặc qua mặt pháp luật của họ.

Ở Việt Nam, ông Trọng và đảng của ông "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối", không bị ai kiểm soát. Ông Trọng có lần nói với đàn em rằng cương lĩnh của đảng ông có giá trị cao hơn hiến pháp. Khi một quan chức, đảng viên vi phạm pháp luật thì "sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt", ông Trọng nói tại cuộc tiếp xúc dẫn trên.

Và, các tội phạm, thay vì bị trừng phạt đích đáng theo luật thì "Chính bản thân họ cũng nhận ra, xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư và hứa hẹn thế này, thế khác", ông Trọng nhấn mạnh. Gần đây người dân có dịp cười giễu trước hiện tượng nhiều quan chức tham nhũng khi ra trước vành móng ngựa đều khóc như cha chết, kêu van ông Trọng bỏ chút thời giờ dòm xuống cái tòa án đang xử rồi năn nỉ ỉ ôi rằng suốt cuộc đời chúng đi theo cách mạng rất trung thành và không hề có ý phản bội lại đảng, trong lúc ông đảng trưởng lại rất "nghẹn ngào" khi quyết định xử các "đồng chí đồng đội" của đảng ! 

Như vậy, cái gốc của vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam là do quyền lực không bị kiểm soát của Đảng cộng sản Việt Nam làm cho cán bộ đảng viên dễ bị tha hóa, rồi sau khi vi phạm pháp luật lại được đảng bao che, giơ cao đánh khẽ theo cái "lý luận về phòng, chống tham nhũng" của đảng, khiến cho mọi ý đồ diệt trừ tham nhũng đều chỉ mua vui cho dân chúng được vài trống canh.

Ông Trọng đã cố tạo dấu ấn cho thời gian cầm quyền của mình bằng việc lập ra cái "lò" đốt tham nhũng, bắt chước công cuộc "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình bên Tàu. Ông đã nhiều lần đòi hỏi các đảng viên của ông phải "tu dưỡng đạo đức", "học tập và làm theo tấm gương…" nhưng lò của ông càng đốt thì củi to củi nhỏ sinh sôi càng nhiều ; càng học tập tu dưỡng thì tham nhũng càng phát triển như nấm sau mưa, quy mô của tham nhũng càng phình ra, lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi vụ.

Gần đây ông lại có "sáng kiến" thành lập các ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh thành, do các ông bí thư đảng ở đó phụ trách – một trò mèo mà ai cũng thấy là vô ích, vô nghĩa. Làm thế nào mà ban phòng chống tham nhũng của tỉnh có thể phát hiện và xử lý tham nhũng khi chính các quan đầu tỉnh, cầm đầu cái ban đó lại là những ông bà trùm tham nhũng ?

Tham nhũng đã là một hệ thống từ trên xuống dưới, không phải là "một vài cành cây sâu mọt" mà là cả thân cây, từ rễ đến ngọn. Muốn diệt trừ nó không khó, nhưng cần phải đào cả gốc, diệt cả rễ chứ không chỉ cắt cành. Khi cái gốc cây vẫn còn thì cắt cành này nó sẽ nảy ra cành khác, có khi còn sâu mọt hơn.

Chừng nào ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mới nhận ra rằng để diệt trừ tham nhũng thì phải "đào tận gốc, trốc tận rễ" cái thể chế đảng trị cực quyền, xây dựng dân chủ để người dân thường có quyền cử ra người đại diện cho họ vào bộ máy cai trị, để các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau, để báo chí tự do thực hiện quyền giám sát của người dân đối với việc quản trị đất nước ? Bị nhồi sọ trong cái hệ tư tưởng Mác-Lênin lạc hậu và phản động, chắc chắn ông ta và đảng của ông sẽ không bao giờ nhận thức được chân lý của thời đại để thay đổi. 

Hiếu Chân

Nguồn : SaigonnhoNews, 23/06/2022

**********************

Đồng Nai… rúng động

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 22/06/2022

Ngày 21/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Quách Văn Đức, nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty Tín Nghĩa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

cui4

Tin ông Quách Văn Đức bị bắt được đánh giá là đang làm rúng động cả bộ máy chính trị ở tỉnh Đồng Nai.

Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh Đồng Nai phê chuẩn. Ngay sau khi công bố các quyết định, cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Quách Văn Đức.

Theo điều tra của Cơ quan Công an, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Đức có liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh. Dự án này có diện tích khoảng 500 ha tại 2 xã Long Tân, Phú Thạnh huyện Nhơn Trạch do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.

Vào năm 2010, một kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết đang có nhiều sai phạm đất đai xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch. Cụ thể, tháng 11/2007, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định giao đất khoảng 500 ha, mặt tiền đường 25B, thuộc huyện Nhơn Trạch cho Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch để triển khai dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh, hiện đã đổi tên thành Đông Sài Gòn New City, mà không thông qua đấu giá.

Mặt khác, khi thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh Đồng Nai không căn cứ vào khảo sát giá thực tế của UBND huyện Nhơn Trạch là từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/m2, mà chỉ áp mức giá theo bảng đơn giá các loại đất năm 2007 do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành là 800.000 đồng m2, sau đó nâng lên 900.000 đồng/m2.

Theo Thanh tra chính phủ, việc Đồng Nai không tiến hành các bước theo trình tự, thủ tục để xác định giá đất là không đảm bảo quy định, làm nhà nước thất thu số tiền gần 160 tỉ đồng tại dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh do Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư.

Một nguồn tin cho biết sau ngần ấy năm trời kể từ cảnh báo của Thanh tra chính phủ, vì mọi chuyện chìm trong quên lãng nên dự án khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh, nay đã được sang nhượng cho một nhà đầu tư nước ngoài.

Có giải thích vì sao ngần ấy năm trời, giờ mới bắt đầu ‘xới lại’, đó là Tổng Công ty Tín Nghĩa – một doanh nghiệp kinh tài của Tỉnh ủy Đồng Nai, là 1 trong 3 tổng công ty lớn ở Đồng Nai với doanh thu hằng năm trên 10.000 tỷ đồng.

Tiền thân của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa là Công ty dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai (Proseco), được thành lập từ năm 1989. Năm 2010, Tỉnh ủy Đồng Nai chuyển đổi công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Đến năm 2016, Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước nắm giữ 50% vốn, 50% vốn còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa có 11 công ty con, 2 đơn vị trực thuộc và 5 công ty liên doanh liên kết ; lĩnh vực kinh doanh chính gồm : Hạ tầng khu công nghiệp ; xăng dầu ; chế biến và xuất, nhập khẩu nông sản ; dịch vụ kho, cảng, logistics ; xây dựng và kinh doanh địa ốc ; dịch vụ thương mại.

Tín Nghĩa được bình chọn Top 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam với hoạt động sản xuất kinh doanh : đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu, nhớt, khí đốt ; kinh doanh dịch vụ kho, cảng.

Ông Quách Văn Đức được nhiều người biết đến vì có thâm niên điều hành và phát triển Tổng công ty Tín Nghĩa hàng chục năm qua.

Tháng 10/1990, ông Quách Văn Đức được Tỉnh ủy Đồng Nai bổ nhiệm làm phó trưởng Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy, kiêm giám đốc Proseco. Ông Đức cũng nhiều năm được Tỉnh ủy Đồng Nai giao giữ chức vụ tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị để phát triển mở rộng Tổng công ty Tín Nghĩa khi được phép cổ phần hóa vào năm 2016.

Năm 2019, ông Đức thôi chức danh chủ tịch hội đồng quản trị. Đến năm 2020, ông Đức thôi chức danh tổng giám đốc, nghỉ hưu và điều trị bệnh cho đến khi bị bắt tạm giam…

Liên quan chuyện hậu trường "cung đình Đồng Nai", một nguồn tin khả tín cho hay là bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cựu Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa 14, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2018, sau khi bị Đảng kỷ luật, bà đã chọn Úc là nơi "vui thú điền viên".

Trong vụ bắt ông Quách Văn Đức, không ít đồn đoán là đã sảy con cá lớn Phan Thị Mỹ Thanh.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 22/06/2022

Published in Diễn đàn

Phát biểu ‘nhân văn, nhân đạo’, mang tính ‘lý luận về chống tham nhũng’ của ông Nguyễn Phú Trọng

BBC tiếng Việt, 23/06/2022

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nói phải xử lý công tác phòng chống tham nhũng "rất kiên trì, nhân văn, có lý có tình".

nhanvan1

Một vài quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng trước khi bị đưa ra tòa xét xử gồm : ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn

Vào sáng 23/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội, tiếp xúc cử tri các quận : Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

BBC ghi lại toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử triHà Nội ngày 23/6, trong phần ông nói về việc kỷ luật, xử lý hình sự hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.

"Xung quanh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, rồi xử lý tiêu cực, thì các bác, các đồng chí biết là vừa rồi như các bác nói đấy, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ y tế. Kỷ luật cả đồng chí Chu Ngọc Anh, đang là Chủ tịch của thành phố chúng ta đây. Trước đây anh này công tác ở bên bộ khoa học, bị kỷ luật là vì lỗi từ trước.

Với tinh thần hôm trước tôi đã nói rồi, là chúng ta phải xử lý công tác phòng chống tham nhũng, rất kiên trì, rất là nhân văn, có lý có tình. Làm rất có bài bản và hết sức thuyết phục.

Vừa rồi, các bác, các đồng chí biết, hai đồng chí này đều là ủy viên trung ương đảng. Không những ủy viên một khóa đâu. Mà vừa rồi khai trừ ra khỏi Đảng. Đã từng là bộ trưởng, rồi về làm chủ tịch UBND Thành phố chúng ta, mà vừa rồi khai trừ ra khỏi đảng, cách chức. Còn anh Long, cũng là ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng bộ y tế. Đang lúc dịch dã thế này, tập trung chống dịch, vậy mà tại sao bị kỷ luật, cũng khai trừ ra khỏi đảng, cách chức bộ trưởng. Và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

Làm một cách rất bài bản, nghiêm túc. Rất nhân văn. Tôi nói, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Chứ không phải ghét bỏ gì cả. Các bác thấy bây giờ quy trình : Lúc đầu là Ủy ban kiểm tra trung ương kiểm tra, xem xét, dự kiến thi hành kỷ luật về đảng. Sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra, dự kiến kỷ luật, và các cơ quan bên hành chính phải làm tiếp, là bước thứ hai. Kỷ luật về hành chính.

Sau hành chính, bước thứ ba mới là thi hành về hình sự. Tôi nói đây là tổng kết gần như mang tính lý luận.

Rất ngắn. Trong có một ngày rưỡi, chiều hôm trước Bộ Chính trị họp, xem xét hai trường hợp này. Cái này không có gì bí mật, tôi xin báo cáo công khai để các bác, các đồng chí biết. Đã thảo luận rất kỹ. Và 100% biểu quyết phiếu kín yêu cầu kỷ luật, phải khai trừ ra khỏi đảng, và cách tất cả các chức.

Hôm sau, triệu tập họp Trung ương bất thường. Ban Chấp hành Trung ương họp, thảo luận, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị. Và Ban Chấp hành Trung ương cũng bỏ phiếu, các đồng chí dự rất biết. Gần như tuyệt đối, hoàn toàn đồng ý là phải khai trừ ra khỏi đảng.

Nhưng đây mới là mức kỷ luật về Đảng.

Ngay sáng ngày hôm sau, họp Quốc hội, đưa ra Quốc hội, bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội.

Đồng thời Chính phủ tối mới phải họp, đề nghị với Quốc hội cho bãi miễn, cách chức luôn cả bộ trưởng bộ y tế, mặc dù tình hình chống dịch đang phức tạp thế này. Nhưng chúng ta vẫn kiên quyết.

Cả hai lúc đầu thì cũng chưa phải nhận thức hết đâu. Nhưng cuối cùng đều nhận thức được, và hứa hẹn sẽ sửa chữa thế này, thế khác.

Bây giờ chúng ta phòng chống tham nhũng là như thế. Sau khi mất hết cả chức trung ương, chức bộ trưởng rồi, ngay chiều hôm ấy, cơ quan công an mới khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Làm rất là bài bản. Và hiện nay còn đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra chứ chưa xử lý hình sự".

Ở đoạn khác trong buổi nói chuyện, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói :

"Cái quan trọng nữa, một bài học chung, để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo những người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy. Cái này nói mãi rồi, chứ không phải thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Thậm chí rất đau xót như nhiều lần tôi nói rồi. Nhưng mà buộc phải làm.

Nói như Bác Hồ là, cắt bỏ một vài cái cành cây nó sâu mọt, để cứu cả cái cây. Chứ nếu không, nó lan ra thì rất là nguy hiểm. Nước nào cũng có chuyện cả"…

Ở một đoạn nữa, ông Nguyễn Phú Trọng nói về công tác chọn cán bộ :

"Chuẩn bị người thay, lại phải chọn người cho đúng, chính xác. Chứ không thể vội vàng, lại đưa một người nào đó lên để kế tục ngay. Mà nếu không chín chắn, không chính xác, nhỡ tiêu cực thì sao. Cho nên hiện nay Hà Nội cũng chưa có chủ tịch chính thức, phải không ạ. Phải chọn người cho đúng. Quan trọng vẫn là công tác cán bộ".

Nguồn : BBC, 23/06/2022

**********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và những lần "đau xót khi kỷ luật đồng chí"

BBC, 23/06/2022

Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngày 23/6, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục nói rằng ông "thấy đau xót" nhưng phải cắt những "cành cây sâu mọt". Ý ông Trọng muốn nhắc đến việc kỷ luật Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long.

nhanvan2

Cả hai ông đều từng là ủy viên trung ương trước khi bị khai trừ Đảng đầu tháng Sáu vì liên quan đại án Việt Á.

"Hai đồng chí này đều là ủy viên trung ương đảng, vừa qua đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức một số chức khác. Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự", VOV trích lời ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo người đứng đầu Đảng cộng sản, quy trình kỷ luật này đã "gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt".

Ngoài ra, với công cuộc "đốt lò" tiếp tục lan rộng, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang thành tập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh.

Cho đến nay, mới chỉ có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực Trung ương cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Ông Trọng nói 'đau xót' nhưng vẫn 'phải cắt cành sâu mọt'

Ông Trọng nói việc kỷ luật nhằm mục đích khiến các đương sự nhận ra sai sót, khuyết điểm đồng thời làm bài học răn đe, cảnh tỉnh người khác đừng đi vào vết xe đổ.

"Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một cành cây sâu mọt để cứu cả cây", ông Trọng nói trước cử tri.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích tự hỏi có bao nhiêu "cành cây sâu mọt" khi chỉ riêng vụ Việt Á đã liên quan tới hàng chục quan chức ngành y tế từ Trung ương đến địa phương, trải dài từ bắc vào nam.

Bê bối Việt Á xảy ra trong giai đoạn 2020-2021, tức là trong thời gian chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra rầm rộ.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam dùng hai từ "đau xót" để nói về việc kỷ luật đồng chí của mình.

Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương tháng 12/2020, ông Nguyễn Phú Trọng lúc ấy vừa là Tổng bí thư Đảng cộng sản vừa là Chủ tịch nước nói : "Không thích thú gì khi phải kỷ luật của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người".

Trước đó, ngày 12/10/2019, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi nói về việc thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu :

"Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác ! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta".

Hay như việc tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng hồi năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó nói tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 rằng : "Tôi nói nhiều lần là chẳng thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý".

Tuy nhiên, nhiều người từ lâu cho rằng việc cắt vài "một cành cây sâu mọt" không cứu được cả cây vì tham nhũng có thể đã ăn sâu vào hệ thống chính quyền.

Trả lời BBC từ năm 2019, ông Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói :

"Bản thân bộ máy này đẻ ra tham nhũng, hay nói là cái lò này là lò đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải là đốt những kẻ tham nhũng, bởi vì không bao giờ đốt hết được cả, hết tên này thì nó sẽ sinh ra tên khác".

Đại án Việt Á diễn ra từ năm 2020-2021 cho thấy những cảnh báo từ chiến dịch "đốt lò" của ông Trọng không thể ngăn một số quan chức Việt Nam "nhúng chàm".

Hôm 21/6, trong một buổi gặp cử tri ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, cử tri Lê Đắc Bình nói :

"Lò thì rất nóng rồi mà không đốt được hết, các vụ việc vẫn cứ phát sinh. Nhận xét cuối năm đồng chí nào cũng hoàn thành xuất sắc mà cháy nhà mới ra mặt chuột. Đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị, khi xem xét công tác cán bộ Trung ương là phải xem xét từ bé đến lớn chứ không dĩ hòa vi quý".

Kỷ luật quan chức

Một trong những quan chức mới nhất bị đề nghị kỷ luật là ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021.

Hôm 22/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và những quan chức liên quan.

Theo họ, Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước ; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn Thành phố ; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật ; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và các sở, ngành,… bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Dưới thời ông Nguyễn Thành Phong làm chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt quan chức và cựu quan chức bị truy tố hình sự như ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND Thành phố), ông Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), hàng loạt lãnh đạo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Trước đó, hai cựu ủy viên trung ương đảng Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội) bị khởi tố bị can và bắt tạm giam vì vi phạm quy định của Đảng và gây thất thoát tài sản nhà nước trong vụ Việt Á.

Nguyên Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cũng bị khởi tố và bắt tạm giam cùng tội danh.

Hàng loạt giám đốc CDC nhiều tỉnh, thành phố từ bắc vào nam cũng vướng lao lý do thông đồng với Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 để hưởng hoa hồng.

Trong vụ án ở Cục lãnh sự liên quan đến việc công dân Việt Nam ở nước ngoài phải mua "vé giải cứu giá cao", thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và nhiều đồng phạm đang bị tạm giam để điều tra.

Đầu năm 2018, trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Phú Trọng nói : "'Lò' nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm 'đốt lò' để đẩy lùi tham nhũng".

Các vụ điều tra, kỷ luật diễn ra từ cuối năm 2021 tới giữa năm nay cho thấy "lò chống tham nhũng" của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang đỏ lửa.

Nguồn : BBC, 23/06/2022

*************************

Vì sao Đảng cộng sản khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử ?

BBC, 23 tháng 6 2022

Nhận xét với BBC News tiếng Việt về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam hiện nay, nhà sử học, cựu Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói phần lớn sai phạm là từ quan chức : "Chỉ có điều ở Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa".

nhanvan3

Sự kiện Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc bị xử lý hôm 7/6 gây rúng động dư luận về quy mô tham nhũng của các quan chức cấp cao. Cả ba ông đều bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam.

"Báo Tuổi trẻ từng giật tít lấy ca từ trong bài hát L'Internationale [Quốc tế ca] - Đấu tranh này là trận cuối cùng - khi viết về phong trào chống tham nhũng. Tôi nghĩ là đúng, nếu không đấu tranh chống tham nhũng, chống nội xâm thì chính Đảng không còn lý do để tồn tại nữa", ông Dương Trung Quốc nói với BBC hôm 17/6.

Còn Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 9/6 : "Tôi nghĩ xét về mức độ nghiêm trọng của sự việc, cần phải có án tử hình. Cho tới nay, hai quan chức đầu não có sai phạm nghiêm trong như vậy, gây thiệt hại tới mạng người nhưng chưa thấy lãnh đạo ở cấp cao hơn đứng ra xin lỗi người dân".

Nạn tham nhũng trong nội bộ Đảng

Bàn về những sai phạm về tham nhũng, ông Dương Trung Quốc nhận định với BBC :

"Cách đây 15 năm khi có luật chống tham nhũng, tôi là người lên tiếng việc chính đặc thù Việt Nam với Đảng lãnh đạo toàn diện, nên tất cả quan chức hoặc người có quyền mà có thể tác động vào tài sản công đều là Đảng viên. Rõ ràng tới bây giờ, càng ngày càng thấy điều đó ứng nghiệm vào đời sống, phần lớn những người sai phạm về tham nhũng đều là quan chức, thuộc nội bộ Đảng cả. Điều đó là sự thật và người ta cũng chứng kiến chính Đảng cũng phải thanh lọc nội bộ mình thì mới giữ được vai trò lãnh đạo".

Hồi đầu năm 2021, tại buổi họp báo sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề tham nhũng trong nội bộ trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

"Người nắm trong tay tiền của rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực và lợi ích nhóm. Tham nhũng mới là một vế, chúng ta phải nói đầy đủ là chống tham nhũng và tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát động từ năm 2013, khi tôi được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng. Từ đó đến nay, liên tục có những vụ việc được xử lý liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD", báo Công an Nhân dân thuật lại lời ông Trọng.

Tiếp đó, ông Trọng nhắc đến một "trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm".

"Đồng chí cán bộ kiểm tra mở vali xem đã thấy toàn tiền USD. Tôi yêu cầu khóa vali lại, niêm phong và lập biên bản", ông Nguyễn Phú Trọng được báo Công an Nhân dân trích lời.

Trước khi bị khai trừ khỏi Đảng và bị bắt tạm giam, cả ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đều là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Trong nghiên cứu có tên "The perpetuation of bribery-prone relationships : A study from Vietnamese public official" đăng trên 'Public Administration and Development, nhóm tác giả nói về quan hệ dễ trao và nhận hối lộ không ngừng của giới chức Việt Nam.

Nhóm tác giả cũng nhận định rằng các quan chức Việt Nam thường trải qua một "sự đánh giá tính toán", trải qua một mức độ khó chịu nhất định về cảm xúc và sau đó sử dụng các chiến lược hợp lý hóa để quyết định xem có tham gia vào một cuộc trao đổi hay một mối quan hệ dễ dẫn đến hối lộ hay không. Quá trình tâm lý này khác biệt ở giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc của một mối quan hệ dễ bị hối lộ.

Ông Trần Quốc Thuận nói với BBC hồi cuối tháng 5/2022 :

"Tham nhũng tại Việt Nam như một con virus nó ăn sâu vào tế bào của Đảng cộng sản, từ trên xuống dưới, nó còn tệ hơn cả đại dịch Covid nữa. Do đó phải giải quyết tận gốc, vận động toàn nguồn lực để đối phó vấn đề này thì đất nước mới có thể vươn lên được. Không giải quyết được thực trạng này thì Việt Nam khó cất cánh được".

Thanh tẩy 'đúng quy trình' ?

Theo các nhà quan sát, trước mỗi cuộc bắt bớ các quan chức cấp cao ở Việt Nam, thường có một bước được gọi là "dọn đường dư luận" - tức làm truyền thông, chuẩn bị tinh thần cho người dân về vụ bắt giữ.

Bước "chuẩn bị dư luận" này được thực hiện đầu tiên qua những tin hành lang, tin đồn về việc sai phạm của "người này, người kia". Sau đó, tin tức được củng cố trên mặt báo chí chính thống trong nước. Ví dụ như vụ việc gần nhất của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ về "phiên họp bất thường của Trung ương Đảng" vào chiều tối ngày 6/6/2022.

Ngay sau đó, Đảng quyết định "khai trừ" hai nhân vật này, theo cách mà ông Dương Trung Quốc mô tả "Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa".

Tiếp đến, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm hai ông Long và Anh ngay ngày hôm sau - 7/6/2022, tước quyền Đại biểu quốc hội, dọn đường cho việc bắt giữ, khám xét vì Đại biểu quốc hội vốn có quyền miễn trừ.

Chỉ khoảng chín tiếng sau khi bị cách chức và bãi nhiệm tư cách Đại biểu quốc hội, hai cựu quan chức nói trên bị truy tố tội danh và bắt tạm giam - tức cùng trong ngày 7/6.

Quy trình khai trừ khỏi đảng, bãi nhiệm tư cách Đại biểu quốc hội, cách chức rồi khởi tố, bắt tạm giam xảy ra y hệt với ông Đinh La Thăng - người từng có chân trong Bộ Chính trị khóa XII và là cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận với BBC :

"Tôi nghĩ nội bộ Đảng đã điều tra hết rồi, việc khai trừ, bãi nhiệm rồi tới bắt giam, khởi tố, xử án chỉ là làm cho đúng quy trình tố tụng mà thôi. Dĩ nhiên về mặt khoa học pháp lý thì nó không ổn nhưng về mặt Đảng lãnh đạo toàn diện thì việc này là phù hợp. Bởi nó cho thấy Đảng 'chủ động' làm trong sạch bộ máy của mình chứ không phải vì chịu sức ép của xã hội mà hành động".

Tham nhũng là 'đặc tính cố hữu' ?

Hôm 16/6, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với báo chí Việt Nam rằng khi trung ương họp hội nghị bất thường để kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "rất nghẹn ngào" khi nói về thành tích ngành y tế và nhấn mạnh nguyên tắc của Đảng là "kỷ luật sắt nên không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ai vi phạm là phải bị xử lý".

Các vụ xử, kỷ luật Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và trước đó là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Bắc Son…, được cho là hiếm có trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.

Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2021 cũng cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020.

nhanvan4

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm, Việt Nam tăng 17 hạng vào năm 2021 so với năm 2020

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng, việc bắt bớ mới nhất này chỉ là thanh trừng trong nội bộ Đảng.

"Tham nhũng là bản chất, là đặc tính cố hữu của hệ thống này - một hệ thống không có cái gọi là nhà nước pháp quyền, luật trị hay thượng tôn pháp luật. Luật pháp là phải nghiêm minh với tất cả mọi người, mọi cơ quan và không ai có thể ngồi xổm lên pháp luật được. Nhưng nếu làm đúng thế và quy vào tội tham nhũng thì trong bộ máy này, không ai mà không bị đi tù. Cho nên, chuyện "đốt lò" hay "đả hổ diệt ruồi" không giải quyết được vấn đề cơ bản của tham nhũng".

Trong nghiên cứu ra mắt năm 2017 của Vũ Anh Đào, làm ở Victoria University of Wellington, New Zealand bằng tiếng Anh có tựa đề "Tiền là tiên là phật : Investigating the Persistnece of Corruption in Vietnam", tác giả nhận định điều tự :

"Bằng chứng chỉ ra cách thức hoạt động của tham nhũng vặt, tham nhũng lớn hoặc tham nhũng chính trị trong hệ thống, đã phần nào giúp giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, vì hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức chính phủ có xu hướng nghĩ rằng, ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống".

Nghiên cứu của Vũ Anh Đào dựa vào tài liệu, dữ liệu mà cô phỏng vấn người dân Việt Nam và giới chuyên gia trong nước ở lĩnh vực chống tham nhũng, bao gồm chính trị gia, quan chức chính phủ cấp cao, nhà báo, học giả, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

Theo kết quả nghiên cứu trên, "thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ".

"Họ nhấn mạnh rằng, bản chất của hệ thống chính trị cộng sản này là nhằm thu lợi nhuận tối đa bằng cách lợi dụng hệ thống khó hiểu. Theo họ, gốc rễ của vấn đề là ở chính chế độ. Nó là chế độ độc tài toàn trị và thể hiện qua sự can thiệp của các nhà lãnh đạo vào bất cứ điều gì duy trì đặc quyền của giới lãnh đạo".

Đồng quan điểm, ông Quang A cho rằng, so với ông Đinh La Thăng thì ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long "không ăn thua".

"Ông Thăng còn là Ủy viên Bộ Chính trị - cơ quan đầu não, gồm những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước - thì có bớt sai phạm về tham nhũng không. Muốn bớt tham nhũng, tôi nói bớt, chứ không phải diệt vì tham nhũng ở đâu cũng có, thì cần quản trị nhà nước tốt, luật pháp nghiêm minh. Còn luật pháp tùy tiện, cơ quan tư pháp cũng là cánh tay của Đảng, Đảng muốn thế nào thì tòa án xử như thế thì sự tùy tiện này đẻ ra tham nhũng ở quy mô tràn lan".

Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận xét : "Những gì mà Đảng đã và đang làm chỉ là cuộc "tiểu phẫu" ở tay, chân thôi chứ muốn làm một cuộc "đại phẫu" cắt đi tế bào ung thư tham nhũng thì Đảng không thể tự làm được. Giống bác sĩ không thể tự mổ não, nội tạng của mình mà phải nhờ đến bác sĩ khác. Muốn xử lý triệt để tham nhũng thì phải sử dụng một lực lượng khác ngoài ĐCS, đó là người dân".

Ông Dương Trung Quốc lý giải với BBC : "Trong việc khống chế dịch Covid, rõ ràng ta thấy nảy sinh rất nhiều sai phạm đánh trực tiếp vào đội ngũ lãnh đạo. Nhưng thật ra tham nhũng chỉ là biểu hiện, nó đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải thay đổi, cụ thể là thay đổi trong Đảng cầm quyền và cho thấy hậu quả là vô trách nhiệm với tính mạng của người dân".

Trong khi đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 27/4 tại Trụ sở Trung ương Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nói công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua "đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng", theo Báo Chính phủ.

Ông Trọng nói các tiêu cực chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

"Các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị", Báo chính phủ trích lời Tổng bí thư.

Nguồn : BBC, 23/06/2022

***********************

Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm án 'do nộp thêm 15 tỷ đồng và nhận trách nhiệm'

BBC, 22/06/2022

Sau khi nộp toàn bộ 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cùng với việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù so với mức án ban đầu.

nhanvan5

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa. (Ảnh: Người Lao Động)

Chiều 22/6, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội tuyên án cựu chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô.

Trong một vụ án khác về chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước đã tuyên trước đó, ông Chung bị xử 5 năm tù.

Như vậy, tổng mức hình phạt dành cho bị cáo Nguyễn Đức Chung là 10 năm tù trong hai vụ án.

Nộp tiền 'để được giảm án'

Trong phiên tòa phúc thẩm, chiều 22/6, bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm án 3 năm tù, xuống còn 5 năm.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo Chung bồi thường 69% thiệt hại của vụ án, tương đương 25 tỷ đồng. Ông Chung kháng cáo và cho rằng bị kết tội oan.

Trong phiên xử phúc thẩm sáng 21/6, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Chung và giữ nguyên mức án.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 21/6, Hội đồng xét xử công bố bị cáo Nguyễn Đức Chung đã bồi thường toàn bộ 25 tỷ đồng trong vụ án.

Tổng số tiền này gồm 10 tỷ do chị gái ông Chung nộp thay ở phiên sơ thẩm, cộng với 15 tỷ do vợ bị cáo nộp thêm sau này, được luật sư bào chữa xuất trình biên lai trong phiên phúc thẩm.

Về số tiền 10 tỷ, trang VnExpress  đưa tin đây là số tiền chị gái "cho ông Chung chứ không đòi lại", dù không nói rõ nguồn gốc số tiền.

Còn số tiền 15 tỷ, bị cáo Chung giải thích vợ ông có được là do gia đình vay mượn bạn bè và người thân.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 9/6, Luật sư Phùng Thanh Sơn - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp cho biết một trong các tình tiết giảm nhẹ đáng lưu ý được quy định tại Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là 'người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả'.

Do đó, với việc nộp thêm 15 tỷ bồi thường, tại phiên phúc thẩm, ông Chung được đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao đề nghị tòa xem xét giảm án.

Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đề nghị hủy kê biên 2 căn hộ chung cư và một ngôi nhà, đất của gia đình cựu chủ tịch Hà Nội.

Cùng tội danh với ông Chung trong vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C, ông Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bồi thường 4 tỷ đồng và ông Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic cũng bồi thường hơn 7 tỷ đồng.

Vì vậy, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội cũng giảm án cho bị cáo Giang từ 4,5 năm tù xuống còn 3 năm, bị cáo Hùng từ 4 năm xuống còn 2,5 năm tù.

Trước đó, trong một vụ án khác, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên quan vụ án buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại Công ty Việt Nam Pharma, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và một số đơn vị liên quan, ông Cường cũng đã nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại do hành vi không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra.

Ngày 19/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án bị cáo Trương Quốc Cường 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", thấp hơn mức án được đề nghị ban đầu là 7-8 năm.

'Bất ngờ nhận tội' cũng có thể được giảm án ?

Cũng theo luật sư Phùng Thanh Sơn, một trong những tình tiết giảm nhẹ đáng lưu ý khác là người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và hai ngày phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung được truyền thông trong nước đưa tin là luôn kêu oan, cho rằng việc mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng quy định, không gây thiệt hại cho ngân sách, đồng thời cũng không biết Công ty Arktic là công ty của gia đình.

Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận ở phiên phúc thẩm, ông Chung lại thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu UBND Thành phố Hà Nội, nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể trong việc mua chế phẩm Redoxy-3C.

Với việc nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua chế phẩm, cùng với việc nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, ông Chung được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giảm một phần hình phạt, truyền thông trong nước đưa tin.

Tương tự, trong vụ án xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, truyền thông Việt Nam đưa tin :

"Theo đại diện Viện Kiểm sát, ban đầu ông Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu với ba trong bốn nội dung cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, quá trình xét xử, ông Cường thay đổi nhận thức bằng việc 'xin nhận nốt trách nhiệm' với cáo buộc còn lại là 'không đình chỉ lưu hành thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo'. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…".

Với việc xét tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo Trương Quốc Cường cũng đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định giảm án từ mức 7-8 năm tù xuống còn 4 năm.

Nguồn : BBC, 22/06/2022

Published in Diễn đàn

113 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong năm năm nhiệm kỳ đại hội 12. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị (một người bị khởi tố hình sự) ; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng ; 30 sĩ quan cấp tướng.

lo2

Một đoàn cán bộ cao cấp thăm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 10 năm 2021. Ảnh minh họa. AFP

Ngoài ra, chỉ trong một năm rưỡi qua, tức từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố ; hai ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị khai trừ đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam gồm nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 đến nay vẫn cháy mà hàng loạt cán bộ cấp cao tiếp tục có những hành vi vi phạm một cách trắng trợn như vậy ?

Nhà báo, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nhận định :

"Cái chính là sự hư hỏng của cán bộ, sự tha hóa quyền lực của hệ thống chính trị. Cái động cơ trục lợi, thủ lợi, vụ lợi của cán bộ nó quá lớn trong thời gian này. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng đang phát động chiến dịch đút lò, trừng trị rất nhiều các quan tham, nhưng khi xảy ra đại dịch Covid- 19 thì cái mồi nhử của công ty Việt Á về vấn đề hối lộ tiền bạc đã làm các quan chức bập vào ngay, không sợ gì cái lò của ông Trọng, không sợ gì những cái án trừng phạt của ông Trọng.

Những vụ tham nhũng xảy ra ngay trong thời gian cái lò đang cháy rực. Vì sao như vậy ? Vì các vị quá tham tiền và hư hỏng về nhân cách. Nói chung, việc ông Nguyễn Phú Trọng ‘đốt lò’ có ý hướng tốt với đảng cộng sản nhằm chấn chỉnh lại cái đội ngũ quá xộc xệch, quá tha hóa, quá hư hỏng. Nhưng cái gốc vấn đề không phải là chỉ giải quyết hậu quả. Vấn đề chính ở đây là phải cải tổ hệ thống chính trị. Từ hệ thống chính trị độc đảng phải chuyển sang hệ thống chính trị đa đảng. Có cạnh tranh chính trị và quần chúng, cộng đồng xã hội, các đảng phái, lực lượng chính trị khác được giám sát đảng cầm quyền, giám sát lẫn nhau thì mới hết được tham nhũng."

Quy trình công tác nhân sự đại hội 13 của đảng cộng sản Việt Nam được cho là chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu và có nhiều điểm mới so với nhiệm kỳ trước nhằm chọn ra những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực. Trước đây, công tác nhân sự thực hiện theo quy trình ba bước thì lần này là quy trình năm bước. Tuy vậy, sao vẫn có một số cán bộ "lọt sổ" ?

Theo giải thích của trung tá quân đội Đinh Đức Long với RFA, quy trình ba bước là hai lần trình Ban Thường vụ, một lần trình Ban Chấp hành. Quy trình năm bước là hai lần trình Ban Thường vụ, hai lần trình Ban Chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.

Trao đổi với báo Thanh Niên mới đây, PGS-TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cho rằng, để phòng ngừa tham nhũng thì phải có giải pháp giám sát quyền lực. Quyền lực đến đâu thì giám sát đến đó. Vì quyền lực mà không giám sát sẽ tha hóa. Giao quyền lực cho cán bộ, công chức mà không có biện pháp, cơ chế giám sát chặt chẽ thì quan chức sẽ dễ lạm dụng, biến công quyền thành tư quyền. Không có ngoại lệ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, "kỷ luật một người để cứu muôn người. Việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tham nhũng, có tác dụng cảnh báo, răn đe rất cao". Với số cán bộ cao cấp bi kỷ luật lên đến hàng trăm trong mấy năm qua, một số người cho rằng, cái "lò" chống tham nhũng của ông Trọng không đủ sức răn đe cán bộ.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, một đảng viên cộng sản nêu quan điểm của ông :

"Theo tôi nó có hai lý do. Lý do thứ nhất là do trước đây Việt Nam cũng chưa chống tham nhũng một cách quyết liệt. Chính vì vậy mà cán bộ nói chung có vi phạm khuyết điểm gì đấy thì cũng coi như là rút kinh nghiệm, không vi phạm nữa và cũng không có chuyện bị truy tố hoặc là vướng vào vòng lao lý. Chính vì vậy mà các cán bộ cứ tiếp tục theo cái con đường tham nhũng với mục tiêu mưu cầu lợi ích riêng.

Lý do thứ hai, công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy lên quá cao trong khoảng bảy, tám năm qua. Những vụ tham nhũng lớn chưa được phát hiện, chưa được kiểm tra, chưa được giám sát, chưa có những cơ chế phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, đến khi Việt Nam đẩy việc phòng chống tham nhũng lên cao thì đã phát hiện được nhiều hơn, phải xử lý nhiều hơn các vụ án tham nhũng.

Quan điểm của tôi, như vậy là cố gắng rất lớn của Việt Nam khi không e ngại điều gì. Đã phát hiện ra rất nhiều rồi nhưng theo tôi vẫn chưa hết, vẫn còn nhiều. Cần phải làm mạnh hơn nữa."

Ông Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng nói : "Nếu công tác kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra".

Đương kim Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói, cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Chính tai mắt Nhân dân đã góp cho tổ chức đảng một cái nhìn khách quan, chân thật để có những giải pháp lãnh đạo hợp lòng dân, đúng ý đảng. Vì thế, phát huy tốt vai trò giám sát của Nhân dân cần phải được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy.

Tuy ông Nguyễn Phú Trọng nói như thế nhưng trong thực tế, biết bao trường hợp người dân quay phim, chụp ảnh những hành xử sai trái của các ‘công bộc’ rồi đưa lên mạng xã hội lại bị quy vào tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ"…

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 13/06/2022

Published in Diễn đàn

Chiến dịch chống tham nhũng dữ dội đến mấy, nó cũng sẽ chỉ giải quyết bề nổi của tảng băng

Vũ Bồi Vân - Trần Quốc Việt dịch 

Tôi kính trọng Vương Kỳ Sơn (1). Tôi kính trọng nhân cách cùng ý thức trách nhiệm của ông với tư cách quan chức chính quyền, và tôi tin ông thật sự đã làm được nhiều việc tốt. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không quan tâm đến chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. Tôi thấy chiến dịch này khó làm cho tôi phấn khởi hay mang đến cho tôi chút vui thú nào, bất luận họ có thể bắt bao nhiêu quan tham đi nữa.

chong1

Tại sao ?

Một vài lý do :

1. Cho dù chiến dịch chống tham nhũng dữ dội đến mấy, nó cũng sẽ chỉ giải quyết bề nổi của núi băng

Hiển nhiên đã từ lâu rằng dưới thể chế hiện nay, hầu như "không có quan nào không tham"! Những ai bị đánh tham nhũng đúng là tham nhũng, và đa số những ai đánh tham nhũng cũng đúng là tham nhũng. Không có sự khác biệt căn bản giữa tham nhũng và không tham nhũng, chỉ khác ở mức độ tham nhũng. Sự kết hợp méo mó giữa chính quyền hoàn toàn chuyên chế với nền kinh tế phần nào theo thị trường đã tạo ra cường quốc tham nhũng số một xưa nay chưa từng có. Ngày nay có hơn mười vạn Hòa Thân (2), và hàng chục triệu Lưu Thanh Sơn và Trương Tử Thiện (3) ! Đối với những kẻ vẫn còn dám nói rằng "đại đa số đảng viên và cán bộ đều tốt và liêm khiết", thì nói một cách nhẹ nhàng, họ không thừa nhận danh ngôn chí lý "quyền lực tuyệt đối đưa đến thối nát tuyệt đối" ; còn nói trắng ra, nói thế thì quả là quá ngu dốt và phi lý.

Ngay khi tưởng đến cảnh họ tổ chức khai hội nơi tuyệt đại đa số những người ngồi trên bục và dưới bục thảy đều là những phần tử tham nhũng, phản ứng duy nhất của tôi trước cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng của họ là cười nhạt, chỉ cười nhạt, và càng cười nhạt.

2. Chín mươi chín phần trăm những quan tham bị lộ chỉ là lũ chuột nhắt

Những đại tham quan và đại gia đình tham nhũng mà cả nước hầu như ai cũng biết thật sự lại không bị chạm đến. Toàn thể gia đình họ đều tham nhũng qua nhiều đời. Trong cùng gia đình đã có người nắm quyền lực thì phải có người vơ vét tiền bạc. Tài sản của họ có thể bằng tài sản của cả nước. Tuy nhiên họ vẫn bình an vô sự. Thậm chí họ vẫn giữ được địa vị cao quý, cho nên họ tiếp tục tham nhũng không kiêng dè gì cả. Chuyện đời ngang ngược kỳ quái đến như vậy khiến nhân dân cả nước vô cùng bất mãn, và đây cũng chính là lý do khiến chế độ hiện nay mất lòng dân nhiều nhất.

3. Con số tham ô chính thức nhỏ hơn rất nhiều con số lưu hành ở trên mạng

Tại sao cố tình che giấu những con số thực? Hay phải chăng sợ công chúng phẫn nộ ? Hay anh cho rằng không công bố số thực thì chẳng ai biết rõ? Thực ra mọi người đều biết mức độ anh tham nhũng như thể họ nhìn thấu tất cả.

chong2

4. Cho dù tham nhũng đến mấy cũng chẳng ai bị tử hình

Nên nhớ trong quá khứ các quan tham từng bị kết án tử hình. Tuy nhiên, trong 30 năm qua chuyện ấy dường như xem ra khó xảy ra lại. Nếu như Trung Quốc xóa bỏ án tử hình thì lại chuyện khác. Nhưng Trung Quốc đã không xóa bỏ án tử hình. Không kết án tử hình các quan tham thì chẳng khác gì cho những kẻ tham nhũng chỗ dựa an toàn cuối cùng, càng khiến họ trở nên táo bạo xông lên không sợ hãi, dồn dập hết lớp này đến lớp khác, sau khi những kẻ khác ngã xuống. Riêng tôi, tôi cho tham nhũng còn nguy hại hơn các tội khác rất nhiều. Giết người thì chỉ giết một người, hay vài người. Buôn lậu ma túy chỉ hại cuộc đời của một vài người. Nhưng tham nhũng hại cả quốc gia và dân tộc - ít ra đối với tất cả dân thường. Tham nhũng làm nhiễm độc đạo đức và lòng người trong xã hội nói chung. Nếu có một tội mà không nên xóa bỏ án tử hình, thì đấy là tội gì? Riêng tôi, tôi cho tội ấy chính là tham nhũng. Cách chính xác là phải tăng cái giá của tham nhũng lên rất cao, và coi tham nhũng là trọng tội số một. Các quan tham nên bị trừng phạt nặng nề, còn tất cả của cải phi nghĩa thâu tóm được nên tịch thu hoàn toàn. Còn nếu như sau khi kẻ tham nhũng đi gặp Diêm Vương, thì mỗi xu của cải của y để lại cho người nhà kế thừa cũng phải bị tịch thu để sung vào ngân khố, để được sử dụng vì lợi ích của toàn thể nhân dân.

5. Nhân dân chẳng thấy một xu tiền bẩn tham nhũng nào

Xin hỏi, tất cả tiền bạc tịch thu được đi đâu? Phải chăng nên giải thích rõ ràng cho nhân dân biết việc sử dụng tiền này ?

6. Chiến dịch chống tham nhũng là bí mật, rất không minh bạch, và nhân dân không có quyền biết rõ ràng

Những quan tham và những lĩnh vực có vấn đề mà nhân dân từ lâu đã phản ánh nhưng không bao giờ được điều tra và xử lý. Hội Hồng Thập tự, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực xổ số, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực bệnh viện và ghép nội tạng, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực tiền phạt kế hoạch hóa gia đình, đã điều tra xử lý chưa? Những quan chức đã bị đồn đãi trong nhiều năm trời trong dân chúng và trên mạng là tham nhũng, đã điều tra xử lý chưa? Hơn nữa những quan tham đã bị điều tra trong một năm, hai năm, hay sau nhiều năm vẫn không bị xét xử. Bọn quan tham này hiện giờ ở đâu? Còn trước kia chỗ ẩn náu của chúng ở đâu? Hay họ có thể đã được thả ra để bí mật đi chữa bệnh? Hay họ đã lợi dụng thân thế để ra khỏi tù và nay đang kín đáo an hưởng hạnh phúc? Một quốc gia hoàn toàn thiếu minh bạch thì dân chúng hoàn toàn không biết gì. Thật rất khác xa với cách truyền thông tường thuật về nhất cử nhất động của Trần Thủy Biển (4) khi ở tù-mọi thứ ông ta ăn, uống, ỉa, đái đều được kể lại rất rõ ràng. Về biện pháp "song quy" (5) mà ủy ban kiểm tra và kỷ luật nội bộ của đảng chính trị sử dụng liệu có phù hợp với thượng tôn pháp luật hay không, tạm thời tôi không bàn đến. Nhưng rõ ràng điều này đáng tranh luận.

7. Những phần tử tham nhũng ở cái gọi là "những nhà tù cấp tỉnh"

Những quan tham cấp cao hưởng thụ cuộc sống và đãi ngộ xa hoa ở trong tù mà đa số dân thường suốt đời không bao giờ có thể hy vọng có được. Nhân quyền của những quan tham được bảo vệ, đặc biệt những người có nhân thân tốt. Đây không phải là chuyện cười siêu đẳng trong lịch sử nhà tù ở trong và ngoài nước - đối với nhân dân đây là chuyện cười mỉa mai đầy cay đắng, thật đáng khinh bỉ.

8. Cho dù chiến dịch chống tham nhũng có làm được gì chăng nữa, kết cục cuối cùng nhất định sẽ luôn luôn là tham nhũng lại càng nhiều hơn trước

Chúng ta không cần phong trào chống tham nhũng. Cái chúng ta cần là thể chế dân chủ. Chúng ta cần nhân dân có quyền bầu ra chính quyền và giám sát chính quyền, buộc chính quyền chỉ nghe lời nhân dân. Đây chính là biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ nhất. Chính quyền chuyên chế mới là môi trường tốt nhất phát sinh ra tham nhũng. Cho dù phong trào chống tham nhũng có hà khắc như Chu Nguyên Chương (6) thì cũng không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. Tham nhũng mang tính thể chế cho nên chung cuộc đòi hỏi phải thay đổi mang tính thể chế để giải quyết triệt để vấn đề. Tôi chắc chắn có thể hiểu được tâm trạng đằng sau cái gọi là "chữa cái ngọn trước để có thời gian chữa cái gốc sau", nhưng tôi hy vọng không phải chờ quá lâu để chữa cái gốc. Chờ quá lâu, tôi e rằng, phải mất rất nhiều năm trời mới sửa lại bao nguy hại và tổn thất do nền chính trị chuyên chế và tham nhũng thuộc về bản chất của nó gây ra.

Tóm lại, tôi không có niềm tin và hy vọng vào chiến dịch chống tham nhũng đang tiến hành dưới thể chế hiện nay ở Trung Quốc. Tôi cũng chẳng quan tâm đến. Nhưng điều này không ảnh hưởng đến mối thiện cảm tôi dành cho Vương Kỳ Sơn. Hai nhà lãnh đạo Đảng (7) tôi rất kính trọng đã qua đời từ lâu. Vẫn còn một số rất ít những người lãnh đạo Đảng còn sống mà tôi hơi thiện cảm, như Chu (8) và Vương. Tôi tin nếu Trung Quốc không tiến đến dân chủ càng nhanh càng tốt thì bao nỗ lực chống tham nhũng của Vương nhất định thất bại. Những phần tử tham nhũng sẽ mãi mãi giống như "cỏ dại lại mọc rậm rạp trên đồng mỗi khi gió ấm áp thổi về"! Giống như Chu năm xưa than thở từ biệt chúng ta, số phận của Vương chắc cũng không khá hơn - trừ phi Trung Quốc thật sự thấy ánh bình minh của dân chủ!

Vũ Bồi Vân (Yu Peiyun) 

Nguyên tác : "I Respect of Wang, but I've lost interest in his work", China Digital, Little Bluegill dịch từ nguyên bản tiếng Hoa, Translation
Posted by Anne Henochowicz, Sep 26, 2016

Trần Quốc Việt dịch

Chú thích :

(1). Vương Kỳ Sơn là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

(2). Hòa Thân là đại tham quan vào đời vua Càn Long, nhà Thanh.

(3). Lưu Thanh Sơn và Trương Tử Thiện là hai tham quan bị Mao Trạch Đông ra lệnh tử hình.

(4). Trần Thủy Biển là tổng thống Đài Loan bị kết tội tham nhũng.

(5). "Song quy" là biện pháp trừng phạt và giam giữ ngoài luật pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc.

(6). Chu Nguyên Chương là hoàng đế sáng lập triều đại nhà Minh.

(7). Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

(8). Chu Dung Cơ.

*********************

Suối nguồn tội ác

Ivan Krylov - Trần Quốc Việt dịch 

Dưới cõi âm phủ mờ mịt, hai tội nhân xuất hiện ngay cùng một lúc trước các pháp quan để chịu cực hình. Một người là tên cướp đường, lúc sinh thời thường chặn người đòi tiền mãi lộ, rồi cuối cùng bước lên giá treo cổ ; kẻ kia là tác giả rất danh vọng, đã truyền nọc độc tinh tế vào những tác phẩm của mình, đã đề cao vô thần, đã rao giảng vô luân, và có giọng điệu du dương như hồ ly và cũng nguy hiểm như hồ ly. Việc xét xử ở địa ngục chóng vánh ; chẳng có trì hoãn vô ích. Hình phạt được tuyên bố ngay lập tức. Hai vạc sắt rất to được treo lơ lửng nhờ hai sợi dây xích lớn ; mỗi tội nhân bị bỏ vào mỗi vạc. Dưới tên cướp là đống củi được chất cao, và rồi đích thân một nữ ác thần nhóm lửa, lửa bắt đầu cháy khủng khiếp đến độ chính mái đá của các đại sảnh địa ngục bắt đầu bị rạn nứt. Còn hình phạt dành cho tác giả có vẻ không khốc liệt bằng. Dưới y, thoạt đầu, là ngọn lửa nhỏ cháy leo lét ; nhưng, lửa càng cháy càng nóng.

chong3

Đến nay hàng bao thế kỷ đã trôi qua, nhưng lửa vẫn không tắt. Dưới vạc tên cướp lửa đã bị dập tắt từ lâu ; dưới vạc tác giả lửa càng nóng khủng khiếp hơn theo từng giờ. Thấy nỗi thống khổ của mình đã không giảm đi, nhà văn cuối cùng trong lúc đau đớn la lớn rằng các thánh thần sao quá bất công ; dù sao y cũng vang danh khắp thế giới và cho dù y đã có viết quá phóng túng đôi chút chăng nữa thì y cũng đã bị trừng phạt quá nhiều rồi ; y không tin y tội nặng hơn tên cướp. Chợt một trong ba nữ ác thần ở địa ngục, trang sức khắp người, rắn trên tóc kêu phì phì, hai tay cầm những con roi dính đầy máu, hiện ra trước mặt y. 

"Đồ khốn nạn !", nữ thần thét lên, "Ngươi dám trách Hóa công ư ? Ngươi dám so sánh mình với tên cướp kia sao ? Tội ác của hắn chẳng là gì so với tội ác của ngươi. Do tính độc ác cùng với sự bất chấp luật pháp của mình hắn còn hại người được chỉ chừng nào hắn còn sống. Nhưng còn ngươi - tuy xương ngươi đã thành cát bụi từ lâu, nhưng mặt trời không bao giờ mọc nếu không đưa ra ánh sáng những tội ác mới do ngươi gây ra. Nọc độc trong các tác phẩm của ngươi không chỉ không suy yếu mà khi lan truyền ra khắp nơi, mỗi năm trôi qua lại càng trở nên độc hại hơn nhiều. "Hãy nhìn kìa !", nữ thần cho y nhìn thấy dương thế trong chốc lát ; "hãy thấy bao nhiêu tội ác và đau khổ do ngươi gây ra. Hãy nhìn những đứa con đã làm cho gia đình xấu hổ và cha mẹ lâm vào tuyệt vọng. Ai đã làm tâm hồn chúng bị băng hoại ? Chính ngươi. Ai đã ra sức xé tan bao giềng mối trong xã hội, chế giễu tất cả những tư tưởng về sự thiêng liêng của hôn nhân và quyền của chính quyền và luật pháp là ngu ngốc trẻ con, và kết án chúng chịu trách nhiệm cho tất cả mọi khổ đau của con người ? Ngươi chính là kẻ ấy ! Há chẳng phải ngươi đã đề cao sự vô đạo bằng cái tên khai sáng ? Há chẳng phải ngươi khiến người ta mê đắm vào trụy lạc và dục vọng ? Còn bây giờ hãy nhìn đây ! Cả nước bị lầm đường lạc lối bởi tà thuyết của ngươi cho nên hiện giờ đầy rẫy cướp bóc, giết người, xung đột, loạn lạc, và đang bị ngươi đưa đến chỗ diệt vong. Người phải chịu trách nhiệm trước từng giọt máu và trước từng giọt nước mắt của nước ấy. Thế mà ngươi bây giờ còn dám mạt sát báng bổ cả thánh thần sao ? Biết bao nhiêu tội ác mà sách của ngươi vẫn còn gây ra cho thế gian này ? Vậy thì hãy tiếp tục chịu đựng ; vì mức độ hình phạt ở đây sẽ xứng đáng với tội ác của ngươi". Nữ ác thần giận dữ nói xong liền đóng mạnh nắp vạc lại. 

Ivan Andreevich Krylov

Nguyên tác : "Krilof and his fables" của W.R.S. Ralston, nhà xuất bản Cassel & Company, Limited, London, 1883. Tựa đề bản tiếng Anh "The Author and the Robber". Tựa đề tiếng Việt của người dịch. 

Trần Quốc Việt dịch

Ivan Andreevich Krylov (1769-1844) là nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất ở Nga. 

Published in Diễn đàn

Phòng chống tham nhũng vẫn theo cách cũ thì hiệu quả không thể bền vững

Phạm Quý Thọ, RFA, 16/05/2022

Trước tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tuy nhiên tư duy và cách làm vẫn không thay đổi, bởi vậy hiệu quả sẽ không thể bền vững.

quandoi3

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác phòng chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc hôm 10/5 cho thấy Đảng tiếp tục nỗ lực tập trung quyền lực cao hơn để chống tham nhũng bằng cách quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).

Ngày 13/5 Hà Nội là tỉnh đầu tiên cụ thể hóa chủ trương nêu trên. Tổ chức mới này là ‘cánh tay nối dài’ quyền lực tập trung của Đảng ở cấp trung gian, bao gồm 15 thành viên với Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban và các Phó ban là Trưởng các Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Giám đốc Công an Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ cụ thể hóa dựa trên, về cơ bản, Quy định số 211-QĐ/trung ương ngày 25/12/2019 đối với cấp Trung ương. Trường hợp Hà Nội sẽ là điển hình để mở rộng cho các tỉnh thành khác trong cả nước.

Quyền lực hệ thống quan chức cấp tỉnh, thành giờ đây, ‘chậm còn hơn không’, đã có cơ quan giám sát nội bộ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Ban phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung mang bản chất của chế độ tập quyền cần được xem xét từ triết lý đến cách đánh giá gắn với cải cách thể chế. 

Triết lý giáo điều

"Tập trung quyền lực để chống tha hóa quyền lực" - triết lý phòng chống tham nhũng của chế độ tập quyền trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường đã trở nên giáo điều, bảo thủ.

Triết lý này có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền : quan chức được giáo dục, tuyển chọn và bổ nhiệm theo năng lực và đạo đức vào bộ máy đặc ân, đề cao sự phục tùng tuyệt đối trong quan hệ "Vua – Tôi" và phục vụ nhà vua suốt đời. Công cụ cai trị chủ yếu bằng bạo lực, gieo rắc nỗi sợ hãi. Cơ quan giám sát quyền lực thời phong kiến có tên gọi Đô sát viện, do nhà vua trực tiếp chỉ đạo và độc lập tương đối với thiết chế khác của chế độ trong việc giữ "kỷ cương phép nước". Hệ thống giám sát này góp phần ‘làm trong sạch’ đội ngũ quan chức để duy trì quan hệ "Vua – Tôi", nhưng không thể giúp chế độ phong kiến thoát khỏi suy vong vì vấn đề "nguỵ vương" - sự tha hóa của nhà vua.

Dưới chế độ tập quyền Đảng Cộng sản toàn trị, phương thức công tác cán bộ, về bản chất, không thay đổi. Công cụ kế hoạch hóa tập trung nền kinh tế song hành với bộ máy đặc quyền đặc lợi và bị kiểm soát bởi các ban chuyên trách của Đảng. Quyền lực Đảng đứng trên và bao trùm cả nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, thiết chế hình tháp quyền lực vẫn phản ánh lãnh tụ tuyệt đối ở chóp đỉnh quyền lực. Cả hệ thống chính trị, quan chức lệ thuộc vào Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Một chế độ tập quyền cao, được tổ chức tinh vi và dựa vào hệ tư tưởng phức tạp nhưng đã lung lay trước thực tế chuyển đổi sang thị trường. Tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy thoái đạo đức quan chức nghiêm trọng, thậm chí chia rẽ và tranh giành quyền lực. Trước tình hình đó cùng với một số ban Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập năm 2013 do Tổng Bí thư Đảng đứng đầu. Xét về bản chất, đó là mô hình Đô sát viện ‘kiểu mới’, một thể chế quyền năng bao trùm lên các cơ cấu quyền lực khác của chế độ.

Nay chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh chứng tỏ Đảng tiếp tục theo đuổi phương châm phòng chống tham nhũng trên. Triết lý này đã trở nên bảo thủ, "ta đánh ta" hay "kỷ luật hết thì lấy ai làm việc", phản ánh sự duy ý chí khi cho rằng hệ thống quan chức vẫn có thể lấy lại ‘sức đề kháng’ trước thực tế thị trường nếu quan chức phục tùng Đảng và lãnh tụ, kiên định với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và tự rèn luyện.

Hiệu quả phòng chống tham nhũng

Triết lý phòng chống tham nhũng như trên đã dẫn dắt thái độ và hành động coi trọng sự trừng phạt và coi mức độ nặng nhẹ là sự răn đe như giải pháp phòng ngừa. Cách làm này phản ánh nỗ lực tập trung vào triệu trứng – ‘bề nổi của tảng băng trôi’, sự cần thiết trước mắt, phản ánh sự nghiêm trọng của tham nhũng, nhưng không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Bởi vậy, hiệu quả phòng chống tham nhũng không chỉ bởi số lượng quan tham, cán bộ tha hóa bị trừng phạt, mà còn xem hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách, trước hết là tạo ra các thể chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực.

Trong các năm 2013-2020 có 14.300 vụ/24.410 bị can đã bị khởi tố, điều tra, trong đó hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong năm năm nhiệm kỳ (2016-2021) Đại hội 12 có hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó 113 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý. Số lượng các quan tham, cán bộ tha hóa bị trừng phạt nhiều và vẫn có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt trong nửa đầu năm nay. Như Đảng đã thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng chuyển biến chưa rõ rệt ; tham nhũng "vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, và vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Cải cách chính trị, gần đây trong Đại hội 13 năm 2021 mới được nhấn mạnh, đã không đáp ứng với cải cách chuyển đổi thị trường và, hậu quả lớn đã diễn ra, trong đó : Bộ máy cai trị phình to và kém hiệu năng (Theo báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, tính đến hết tháng 12/2016, bộ máy hành chính có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4.599 Trưởng phòng và tương đương, 7.021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người, trong đó, riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng…) ; Quan hệ thân hữu giữa đại gia và quan chức ngày càng nghiêm trọng gây ra bất công, bóc lột lao động và bất bình đẳng kiểu mới ; "những trường hợp đặc biệt" đã phá vỡ giới hạn kiểm soát quyền lực, chuyển giao quyền lực Tổng Bí thư khó khăn ; Xuất hiện tâm lý sùng bái lãnh tụ ; Công tác lý luận trở nên giáo điều, nguỵ biện để giải thích mối quan hệ giữa chế độ toàn trị và thị trường, bế tắc đề xuất mô hình phát triển ; Rối loạn quản lý điều hành trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, thị trường tài chính… ; Xung đột lợi ích, dân oan khiếu kiện và bùng phát các hiện tượng xã hội tiêu cực…

Trường hợp phân cấp, phân quyền cho địa phương cấp tỉnh là điển hình. Khi lãnh đạo các tỉnh, thành phố có quyền lớn hơn trong quy hoạch, phê duyệt các dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm công, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng đã thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm, kiểm soát quyền lực phù hợp và hiệu năng. Và, hậu quả là các vi phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên diện rộng, vô số các án kỷ luật, truy tố đối với các cá nhân lãnh đạo và tập thể tỉnh ủy, thành ủy, thị ủy… được thực thi khi đã trở nên quá muộn mằn !

Hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng cần phải được đánh giá gắn liền với cải cách thể chế chính trị, trong đó và trước hết, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực. Rất tiếc, việc thiết kế "Lồng thể chế" để kiểm soát quyền lực, "Kê khai" để minh bạch tài sản quan chức, cụ thể hóa, chỉnh sửa để tăng tính khả thi của Luật phòng chống tham nhũng… là những đề xuất đúng và quan trọng, đã được khởi động trong nhiệm kỳ trước, dù chưa phải là những giải pháp căn cơ như đối trọng chính trị hay tam quyền phân lập vốn đặc trưng cho kinh tế thị trường trong chế độ dân chủ, nhưng đã bị trì hoãn mà không rõ lý do.

Rõ ràng đây là một món nợ xấu trong cải cách thể chế và, cần thiết phải có Hội nghị Trung ương thảo luận và ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 16/05/2022

*************************

Tham nhũng trong mua bán vũ khí của quân đội Việt Nam nghiêm trọng đến mức nào ?

Ngô Xuân Lộc, RFA, 16/05/2022

ơ quan công quyền Việt Nam mới đây đã đưa ra lệnh truy nã với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bà này đã bị khởi tố từ ngày 29/4 với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đóng vai trò là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

quandoi1

Dàn tên lửa C125- 2TM có thể được triển khai chiến đấu độc lập, hoặc hiệp đồng chiến đấu trong thế trận phòng không.

Tưởng rằng chỉ là một vụ tham nhũng đơn thuần, nhưng lại có một tờ báo của Israel tọc mạch cho biết rằng, bà Nhàn giữ một vai trò quan trọng trong việc mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam [1] .

Một báo cáo của SIPRI cho biết, Israel là nguồn cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga [2] . Với thông tin từ tờ Haaretz như vậy, thì bà Nhàn phải là một "siêu điệp viên", vì kể cả trên thế giới, những phi vụ mua bán vũ khí như vậy, không dễ gì một nhân vật bình thường trong thương trường có thể tiếp cận. Điều này cũng lý giải vì sao mà bà Nhàn dường như đã biết trước thông tin sắp bị bắt để trốn chạy ra nước ngoài từ trước đó. Điều này khác hẳn với các điệp viên tình báo của bên công an như Dương Chí Dũng - Tổng giám đốc Vinalines, anh ruột của sĩ quan công an cao cấp Dương Tự Trọng, dù trốn khỏi Việt Nam, nhưng vẫn bị tình báo của Tổng Cục 2 bắt dễ dàng bên Campuchia. Hay kể cả Trung tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), dù đã trốn sang Singapore vẫn bị bắt giữ và áp tải về Việt Nam không khó khăn lắm.

Mới đây, trang tin Sputnik của Nga - vốn luôn có quan điểm thân thiết với chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã phải có bài viết nhằm "thanh minh" trước các "tin đồn" rằng quan hệ Việt Nam - Israel vẫn tốt đẹp [3] . Đương nhiên là chính phủ Israel không dại gì để mất khách hàng quan trọng của mình, nhưng việc cử một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Xuân Thắng sang Israel ngay lập tức [4] , thì điều này cho thấy "tin đồn" của báo Haaretz là có cơ sở.

quandoi2

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gặp ông Michael Mickey Levy, Chủ tịch Quốc hội Israel trong chuyến thăm Israel từ 10 đến 14/5/2022. Thông tin đối ngoại

Cùng với bà Nhàn, Công ty Vạn Xuân của Bộ Quốc phòng cũng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị xem xét trách nhiệm. Công ty Vạn Xuân là một công ty được thành lập năm từ 1991 và thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ chính là nhập khẩu vũ khí, khí tài, quân trang, nguyên liệu, vật tư chuyên dùng cho quốc phòng. Theo thông tin từ phía Mỹ, Công ty Vạn Xuân chính là một công ty chuyên nhập vũ khí từ nước ngoài về Việt Nam [5] . Mặc dù trong thông báo, Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đưa ra những lý do mơ hồ như : "Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ 2015-2020 đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc ; trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ được giao" [6] . Nhưng nhiều người ở Việt Nam cho rằng, Công ty Vạn Xuân đã bị kỷ luật liên quan đến việc nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài.

Ngay từ năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ bên ngoài đã biết những thông tin về các vụ tham nhũng này, điển hình như một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Benoît de Tréglodé - Giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) đã cho biết : "Ngoài ra, cần phải nêu thêm một ý khác do có một vài vấn đề trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Một số nguồn tin đã báo trực tiếp cho Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhiều khoản hoa hồng rất lớn trong những hợp đồng bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam và liên quan đến rất nhiều người trong giới lãnh đạo, kể cả trong Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Một cuộc điều tra đã được mở ra" [7] .

quandoi0

Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở độ cao thấp, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước ở cự ly gần. Ảnh: Nhật Vũ

Chúng ta còn nhớ, gần đây, hàng loạt các tướng lĩnh quân đội Việt Nam đã phải xộ khám, đặc biệt phải kể tới vụ bảy tướng lĩnh trong lực lượng Cảnh sát biển đã bị bắt [8] , tất cả đều liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là mua sắm các vũ khí và phương tiện quốc phòng.

Các nhà nghiên cứu về quốc phòng Việt Nam đều không lạ gì với việc tham nhũng như vậy. Tiến sĩ Stephen Burgess - Một chuyên gia về quốc phòng trong một nghiên cứu của mình đã cho biết : "các nhà buôn vũ khí Nga bị cáo buộc trả tiền cho các quan chức Việt Nam để tiếp tục mua hàng Nga, điều này có thể xảy ra vì các quan chức chỉ kiếm được khoảng 400 USD mỗi tháng và phải sinh sống ở một Hà Nội đắt đỏ" [9] .

Việc có hoa hồng cho các hợp đồng vũ khí là chuyện bình thường theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên, các nguồn tin trong quân đội Việt Nam cho biết, có hai vấn đề đáng lưu tâm ở đây, một là giá cao bất thường cho các hợp đồng chuyển giao vũ khí này ; hai là các tính năng của các loại vũ khí này đã không được đảm bảo đúng yêu cầu của hợp đồng ?

Năm 2014, tâm lý chống Trung Quốc tại Việt Nam dâng lên rất cao sau sự kiện Trung Quốc đặt Giàn khoan 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngư dân, đồng thời tăng cường mua sắm vũ khí. Phía Mỹ ước tính từ 2003 đến năm 2018, ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng 700% [10] . Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tuyệt vời cho các "nhóm lợi ích" ?

Năm 2014, Israel đã chuyển giao dây chuyền sản xuất súng Galil ACE 31 và 32 cho phía Việt Nam [11] . Tuy nhiên, khi sử dụng trên thao trường, nhiều chiến sĩ Việt Nam cho biết các vũ khí này rất bất tiện. Và sau đó, Bộ Quốc phòng đã phải thay thế một hệ thống khác dựa trên việc cải tiến dây chuyền từ Israel.

Tham nhũng một cách hệ thống từ trên cao xuống như vậy cho thấy sự mục ruỗng trong chính quyền Việt Nam ra sao. Nhưng điều quan trọng là khi ngân sách đất nước phải oằn mình để trang bị quốc phòng nhằm gìn giữ và bảo vệ đất nước, rất có thể khi đất nước lâm nguy thì quân đội Việt Nam mới bộc lộ ra sự yếu kém như của quân đội Nga đã thể hiện ở chiến trường Ukraine hiện nay. Các trang thiết bị hay vũ khí hiện đại mua hàng tỉ USD, có khi chỉ là những thứ đồ chơi của trẻ em. Và như vậy thì khả năng mất nước là rất lớn.

Ngô Xuân Lộc

Nguồn : RFA, 16/05/2022

Tham khảo :

[1] https://www.haaretz.com/israel-news/.premium.HIGHLIGHT-israel-vietnam-arms-deals-at-risk-after-arrest-warrant-against-key-middlewoman-1.10772845

[2] https://www.sipri.org/sites/default/files/2019-03/fs_1903_at_2018.pdf

[3] https://vn.sputniknews.com/20220512/xoa-tin-don-xau-ve-mua-ban-vu-khi-giua-viet-nam-va-israel-sau-vu-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-15158957.html

[4] https://www.ttdn.vn/tin-tuc-su-kien/thoi-su-chinh-tri/viet-nam-israel-huong-toi-cung-co-quan-he-huu-nghi-va-hop-tac-toan-dien-61659

[5] https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[6] https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-14-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uo.html ?fbclid=IwAR2gPqIY0Ershx-74-vJpKf91_HdEO2gl_nu_7OZYUTk5cZfsMuwIwlpUWc

[7] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20210329-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-israel ?fbclid=IwAR1IGaSlXvqq-yDOi5digVgpePz1ZnDCYAz6RejzyjvWSGdUPVJQmsEaZ3w

[8] https://vov.vn/phap-luat/vi-sao-7-si-quan-cap-tuong-cuu-lanh-dao-canh-sat-bien-bi-bat-tam-giam-post937922.vov

[9] https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/2870567/the-usvietnam-comprehensive-partnership-and-the-key-role-of-air-force-relations/

[10] https://www.trade.gov/country-commercial-guides/vietnam-defense-and-security-sector

[11] https://www.israeldefense.co.il/en/content/production-galil-rifles-vietnam-has-begun

Published in Diễn đàn

Tham nhũng có "chỉ đạo án"

Hoài Nguyễn, VNTB, 14/05/2022

"Chỉ đạo" ở đây liệu có đồng nghĩa với "chỉ đạo án", nhất là khi án tham nhũng ấy xảy ra ngay chính địa phương đó ?

thamnhung3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Ban nội chính là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo trung ương vì có nhiều đơn vị chuyên môn đủ khả năng tham mưu, còn với ban nội chính tỉnh thành, một số nơi do nhân sự còn ít nên cần liên ngành làm cơ quan thường trực. Từ đề xuất này nên phía quản lý nhà nước cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh không sợ làm tăng bộ máy, biên chế bởi ở đây không hình thành cơ quan mới, mà hình thành tổ chức mà các thành viên tham gia đều là cán bộ, lãnh đạo địa phương kiêm nhiệm, đảm nhận.

Vấn đề chính là ở chỗ "các thành viên tham gia".

Một đơn cử từ lần ngược quá khứ như ở vụ án Cựu phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, 57 tuổi, đề nghị tòa phúc thẩm xem lại mức án 6 năm tù ông phải nhận, do sai phạm khi Sagri bán dự án.

Sáng 11/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Trần Vĩnh Tuyến – bị tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Quá trình xét xử sơ thẩm cuối năm ngoái, ông Tuyến và luật sư xin tòa được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo vụ án thì là người có vai trò chủ mưu, ông Lê Tấn Hùng (59 tuổi, cựu tổng giám đốc Sagri) và ba người khác cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Trần Trọng Tuấn, 53 tuổi, cựu giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – đồng thời cũng từng là luật sư đã kháng cáo kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan.

Trong khi đó, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị, đề nghị tòa cấp cao xác định lại thiệt hại của vụ án là 672 tỷ đồng, tương đương giá trị chuyển nhượng dự án tại thời điểm khởi tố vụ án, chứ không phải là 348 tỷ đồng (thời điểm xảy ra sai phạm) như phán quyết của tòa cấp sơ thẩm.

Tuy nhiên, trong phần thủ tục, hội đồng xét xử thông báo đã nhận được đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Trọng Tuấn do bị hậu Covid-19. Trong đơn, ông Tuấn cho biết mình sức khỏe yếu, bị khó thở, rối loạn tiêu hóa do di chứng hậu Covid-19… nên không đủ sức tham dự phiên tòa.

Sau khi vào hội ý, hội đồng xét xử ra thông báo hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 8-6.

Với tóm tắt danh tánh những bị cáo ở trên cho thấy đều có một điểm chung rằng tất cả đều từng là "lính của anh Hai Nhựt" – tức ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

Ông Hai Nhựt làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28/6/2006 đến ngày 5/2/2016, tức 9 năm, 222 ngày. Trước đó, ông Hai Nhựt là chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18/5/2001 đến 12/7/2006, tức 5 năm, 55 ngày.

Các cộng sự tham gia cùng ông Hai Nhựt trong bộ máy chính quyền như ông Nguyễn Thành Tài, Vũ Hùng Việt, Tất Thành Cang, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn… về sau đều bị vướng vòng lao lý.

Ông Lê Tấn Hùng, bị cáo đầu vụ trong vụ án kể trên, là em trai của ông Hai Nhựt Lê Thanh Hải.

Liệu nếu giờ đây có những phiên bản năm 2022, 2023 của Hai Nhựt, thì liệu những Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp địa phương sẽ mang đến điều gì cho sự độc lập tư pháp, khi ban này có quyền tối tượng là "chỉ đạo", tức rất có thể sẽ can dự vào quyền độc lập của cơ quan tố tụng (?!)

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 14/05/2022

***********************

"Cán bộ chống tham nhũng mà vướng tư túi thì tôi xử trước"

Phùng Đô, baogiaothong, 12/05/2022     

"Lao động là cha, đất là mẹ của vật chất"

Sáng 12/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV tại trụ sở quận Đống Đa.

thamnhung1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri

Thay mặt các đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, trao đổi với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của cử tri.

"Ý kiến phát biểu của cử tri ngắn gọn nhưng lại đầy đủ, sâu sắc, nêu đúng và trúng vấn đề sắp tới Quốc hội sẽ bàn, và Hà Nội vẫn đang làm", Tổng bí thư nói.

Liên quan đến việc cử tri đề nghị sớm thông qua dự án Luật Đất đai, Tổng bí thư cho biết, ý kiến này rất đúng và chứng tỏ cử tri đã theo dõi tình hình thời sự của đất nước.

Trung ương vừa họp bế mạc cách đây 2 ngày và vấn đề số một là bàn về đất đai. Đây là vấn đề hết sức cơ bản, cực kỳ quan trọng nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết mặc dù vừa qua chúng ta có nhiều chính sách để làm sao phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai.

"Tôi đã nhiều lần nói ở Trung ương, Bộ chính trị, các hội nghị khoa học là đất đai là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tư liệu sản xuất cơ bản. Như câu nói của Mác rất sâu sắc là "Lao động là cha, đất là mẹ của của vật chất". Tôi cũng nói, trong thực tế nhiều người giàu lên vì đất, nhưng nhiều người khốn khổ, nghèo đi về đất, mất cả tình cảm cha mẹ, anh em vì đất. Có khi bố mẹ phân cho con cái không công bằng cũng sinh ra chuyện", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Theo Tổng bí thư, một trong 6 nhiệm vụ của Hội nghị Trung ương vừa kết thúc và bàn nhiều thời gian về đất đai. Trung ương quyết định trên cơ sở Nghị quyết mới lần này, thì Quốc hội phải nghiên cứu xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của đất nước.

"Nhưng sửa thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì khó lắm không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận thực tiễn, vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần", Tổng bí thư nói.

"Chống tham nhũng lại tham nhũng thì còn chống ai nữa"

Trao đổi với cử tri về vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là vấn đề đã nói từ lâu và làm từ lâu rồi.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, từ Đại hội XI năm 2011 trở lại đây mới thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2012 và đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Ban Chỉ đạo này do Tổng bí thư trực tiếp làm trưởng ban.

"10 năm qua tình hình thế nào thì các bác biết, mất bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, bao nhiêu người phải ngồi tù rồi, cả công an, quân đội", Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cho biết, Hội nghị Trung ương thống nhất rất cao và hỏi ý kiến địa phương thì 100% đồng ý lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

"Trung ương quyết rồi, sắp tới là triển khai thực hiện, bố trí cán bộ ra làm sao để Ban chỉ đạo này phát huy được như Ban chỉ đạo Trung ương 10 năm qua. Đây là cuộc chiến đấu gian nan lắm. Nhưng không chỉ chống tham nhũng, mà chống cả tiêu cực. Trước thì nói chống tham nhũng, lãng phí, nhưng lãng phí chỉ một khía cạnh thôi", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, suy thoái về lý tưởng, về đạo đức làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân chủ nghĩa, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực.

"Chữ tiêu cực rộng lắm, nhưng tôi nói trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Ăn ở làm sao có nghĩa có tình, trung thành với lý tưởng của Đảng, ý chí nguyện vọng của nhân dân, làm việc phải hết lòng hết sức", Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư cho biết, xử lý người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa gì với đồng chí của mình.

"Các bác yên tâm về công tác phòng chống tham nhũng, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm. Bác Hồ cũng đã dạy rất nhiều về vấn đề này rồi. Sắp tới phải làm tiếp và cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh", Tổng bí thư nói.

Nói về cách thức tổ chức, vận hành của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới phải có hướng dẫn thế nào, quy chế làm việc ra sao.

"Nhất là chọn nhân sự thế nào. Chứ ông vào đây chống tham nhũng, ông lại tư túi, ông lại vướng vào tham nhũng thì ông còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào đây tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế, nếu không không làm được", Tổng bí thư nói.

Phùng Đô

Nguồn : Báo Giao Thông online, 12/25/2022

********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về nạn ‘đồng lõa, ăn cắp của nhà nước’

BBC, 12/0/2022

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đưa ra một số thông điệp về cuộc chiến chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

thamnhung2

Các bị cáo hầu tòa trong một vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh : Hồng Nhung

Truyền thông Việt Nam đưa tin ông Trọng đã có phần "phát biểu giải đáp, làm rõ hơn một số vấn đề" sau khi nghe các ý kiến của các cử tri vào sáng 12/5.

Ông dẫn chiếu tới việc vừa qua Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cả tập thể tỉnh, cả nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch tỉnh và rằng những cán bộ bị xem xét kỷ luật "lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia, nhưng sau đều tâm phục, khẩu phục".

"Tôi đã nói không thể không làm được. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ. Vừa rồi, mấy vụ khi công bố ra nhân dân hoan nghênh", ông Trọng nói khi dẫn chứng các số vụ án bị xử lý trong hơn 4 tháng đầu năm 2022.

Người đứng đầu Trung ương Đảng mô tả chống tham nhũng là "vấn đề rộng nhưng trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống".

"Rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lãng phí cũng là tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, tức anh không trung thành với lý tưởng, anh đi con đường khác, điều đó có đáng chống không ? Suy thoái về lý tưởng, về đạo đức, làm cái gì là cũng nghĩ ngay đến cá nhân, rồi đồng lõa với nhau, ăn cắp của nhà nước, cái đó là tiêu cực".

Tuy nhiên ông Trọng nói rằng việc xử lý cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm được làm "rất nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo".

"Xử lý vi phạm của người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa. Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động".

Ông Trọng cũng nhắc lại việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây đã "thống nhất rất cao" về việc lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Tuy nhiên ông lưu ý về điều ông gọi là "ban hành quy chế làm việc ra sao".

"Điều quan trọng là chọn nhân sự vào Ban Chỉ đạo này thế nào. Người vào Ban Chỉ đạo này là để chống tham nhũng, nhưng lại tư túi, lại vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào đây, tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế", Tổng bí thư Trọng nói thêm.

Chỉ đạo của Đảng

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành mới đây bình luận về chủ trương thành lập ban phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.

Trả lời BBC từ Hội An, ông Thành nói ông muốn làm rõ vai trò của Đảng như thế nào trong các ban này và cơ chế hoạt động ra sao.

"Vấn đề tôi quan tâm là cơ chế hoạt động các "cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" đó là như thế nào và về pháp lý thì ra sao. Tức là họ sẽ dùng tới nhà nước pháp quyền hay là chỉ đạo của Đảng trong hoạt động đó".

"Tức là cơ sở pháp lý để các ông bí thư tại 63 tỉnh thành đó có những quyền gì, thì nếu có các quyền đó thì cũng phải được qui định rất chi tiết và cụ thể dựa trên pháp luật".

"Nếu không thì không loại trừ sẽ dẫn đến một thực trạng mà nói thì hơi đụng chạm tức là "Đảng trị". Tức là Đảng muốn làm gì thì làm thì cái đó có nên hay không".

"Chúng ta cũng thấy là thời gian qua có những người thuộc lãnh đạo Đảng bộ cấp cơ sở và thậm chí thuộc Trung ương quản lý vi phạm, bị kỷ luật thậm chí bị khởi tố ra tòa và lĩnh án tù. Thế thì nếu những người đó ngồi vào trong các ban bệ phòng chống tham nhũng như vậy thì sẽ ra sao", ông Bùi Kiến Thành nói.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Hà Nội cũng chia sẻ về quan ngại với quy chế làm việc của các ban này.

"Vấn đề nay là lập thành ban bệ và thêm chức năng thôi nên tôi nghĩ cần phải cân nhắc vì "biên chế sẽ tăng lên rất nhiều. Quy chế làm việc thế nào là quan trọng bởi nếu chúng ta làm không khéo có khi lại làm đóng băng việc điều hành của ủy ban nhân dân nếu chức năng bị chồng chéo nhau".

"Tôi thì quan tâm nhất là tính độc lập của các ban này. Vì nếu nó không độc lập thì nó không những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí ngược lại vì chẳng hạn cả một tập thể của tỉnh ủy hay thành ủy đó mà có vấn đề rồi thì tôi nghĩ ban như vậy không làm gì được vì dưới quyền của bí thư hoặc thường vụ", ông Thọ nói thêm.

Nguồn : BBC, 12/05/2022

Published in Diễn đàn

Phòng chống tham nhũng "thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao" là nhận định của Đảng cộng sản Việt Nam trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 6/4/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

chong0

Những dân oan phản đối cưỡng chế đất tập trung trước văn phòng của Chính phủ ở Hà Nội năm 2002. Reuters

Trước quốc nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, "phức tạp và tinh vi", công tác phòng chống tham nhũng ngày càng khó khăn thách thức, mục tiêu "Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh" trong Văn kiện Đại hội 13 trở nên xa xôi, là ‘khẩu hiệu’ thay vì thực tế, Đảng đã ban hành Kết luận trên. Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng đã nhấn mạnh "Tham nhũng, lãng phí gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ". Bài viết nhìn nhận "công tác" phòng chống tham nhũng như một chính sách bao trùm hay một hệ thống chính sách, bởi vậy thiếu sự đột phá làm chuyển biến tình hình để thúc đẩy cải cách thể chế.

Trước hết, tình hình tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, "phức tạp và tinh vi". Một số đại án đang diễn ra được nêu sau đây là minh chứng. Vụ án "Việt Á", một doanh nghiệp không có năng lực sản xuất bộ kít xét nghiệm Covid-19, đã được tiếp tay bởi hệ thống quản lý nhà nước và chuyên môn y tế, kể cả Học viện Quân y, nhận hối lộ dưới hình thức "hoa hồng nặng ký", đã được giới phân tích cho rằng tham nhũng có quy mô hệ thống và tính chất "lũng đoạn nhà nước". Vụ án "Cục lãnh sự" Bộ Ngoại giao, theo người phát ngôn Bộ Công An nhận định, các nghi can có các thủ đoạn tinh vi, đường dây nhận hội lộ được che đậy kín đáo, quan hệ phức tạp. Các đại án vẫn đang được điều tra xét xử mở rộng, hàng chục quan chức cấp tỉnh, sỹ quan quân đội đã bị bắt giam, các quan chức cấp cao hơn đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu tên đề nghị kỷ luật và danh sách có thể tiếp tục kéo dài. Hơn thế, "Việt Á" đã được Chủ tịch nước tặng "huân chương lao động" năm 2018. Ông nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người mới bị bắt hôm 12/4 liên quan trong "vụ Cục lãnh sự", đã được đề cử làm Đại sứ ở Nhật Bản vừa trong tháng 1 năm nay Tình hình như vậy khiến ông Thủ tướng, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, khi chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đã phải thốt lên : "Tránh vừa khen thưởng xong lại xét kỷ luật !"

Hai là, Kết luận 12 nêu trên chỉ là sự tiếp nối của chính sách phòng chống tham nhũng đã có từ nhiều năm trước, nội dung chủ yếu phản ánh tư duy chống tham nhũng còn chậm đổi mới. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 khóa 8 năm 1996, Đảng cộng sản đã xác định cần tăng cường "công tác" này. Năm 2011 Đảng có nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí", Nghị quyết Trung ương 3 Khóa 10. Năm 2016 Đảng ban hành Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 3 nêu trên và, nay là Kết luận số 12…

Các nội dung chủ yếu của công tác phòng chống tham nhũng vẫn bao gồm : Tuyên truyền, giáo dục ; Thể chế phòng ngừa ; Biện pháp thực thi ; Quản lý ngân sách và lĩnh vực nhạy cảm như đất đai ; Cơ chế giám sát của các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị ; Tổ chức bộ máy và điều kiện vật chất để thực thi. Trong Kết luận 12 này Đảng vẫn tìm kiếm "cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng" trong khi Đảng vẫn tiếp tục thực hành kiểu "ta đánh ta" một cách khó khăn. Ngoài ra, việc "giám sát", "kiểm toán, thanh kiểm tra, điều tra, xét xử…" nếu thiếu các tổ chức, cơ quan độc lập thì hiệu quả thực thi không thể cao, hơn thế, còn làm phát sinh những đồn đoán về thanh trừng nội bộ, phe phái Xây dựng "văn hoá không tham nhũng", "chống tham nhũng ngoài khu vực công" được tuyên truyền là "điểm mới" nhưng dư luận đang ‘băn khoăn’ về nội hàm, thậm chí nghi ngại liệu những tập đoàn tư nhân quan hệ với Đảng đã ‘hết mặn nồng’ ?

Ba là, phòng chống tham nhũng xác định chỉ là "công tác" của riêng Đảng mà chưa coi như một chính sách bao trùm, cho nên các mối quan hệ tương tác giữa hệ thống chính trị và thị trường đã không được thấu đáo trong xây dựng các giải pháp. Đây là loại chính sách công bao trùm nhiều luật và chính sách khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở…

Xin nêu, một trong những lĩnh vực quan trọng nhưng "nhạy cảm", "dễ phát sinh tham nhũng" là đất đai. Đất đai là một nguồn lực to lớn để tích luỹ phát triển kinh tế thông qua động lực thị trường, nhưng đồng thời cũng là "lời nguyền tài nguyên" đối với cải cách chuyển đổi kinh tế. Hàng chục nghìn tổ chức Đảng, các quan chức bị kỷ luật, bị bỏ tù nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu bị "lờ đi có chủ ý" đó là vấn đề sở hữu. Mâu thuẫn cốt lõi giữa sở hữu tư nhân - cơ sở nguyên tắc của thị trường và sở hữu toàn dân - nền tảng của chế độ không được giải quyết thoả đáng nên việc thể chế hoá đất đai, tài nguyên bị rơi vào bế tắc khi dư địa cải cách kinh tế cạn dần.

Chủ trương khuyến khích kinh doanh đã làm tăng nhu cầu về quyền sử dụng đất đai sai sang quyền sở hữu. Sự thay đổi này song hành cùng với quyền bầu cử trực tiếp và quyền bình đẳng trước pháp luật thúc đẩy quyền tự do dân chủ, nhưng bị chặn bởi sở hữu toàn dân phản ánh đặc quyền của giới lãnh đạo nhưng bị thao túng bởi giới đại gia là rào cản luật hoá. Bởi vậy, nỗ lực sửa đổi Luật Đất đai rơi vào bế tắc. Mới đây, ngày 16/4 Chính phủ lần thứ 4 xin lùi trình Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 để "chờ Trung ương cho ý kiến". Ban chỉ đạo Trung ương, nòng cốt là Ban Kinh tế Trung ương, đang rất "vất vả" tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW khoá XI năm 2012 "về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai…" để trình Hội nghị TƯ 5 tới đây, nhưng kết quả dự đoán trước Luật này sẽ tiếp tục chắp vá và, bởi vậy khó ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực kiểu như "rừng bị phá nát khắp nơi nhưng báo cáo về bảo vệ rừng rất đẹp" (Báo Lao động ngày 16/4/2022).

Bốn là, cách tiếp cận "ta đánh ta"trong chống tham nhũng đã không tạo sức ép đủ lớn để đổi mới chính trị. Đơn cử, việc kiểm soát tài sản quan chức vẫn là ‘món nợ xấu’ của Đảng với dân. Người dân có vai trò to lớn ủng hộ chống tham nhũng nhưng lại đứng ‘ngoài cuộc’ trong thể chế phòng ngừa. Bởi vậy, một số đề án do Ban Tổ chức và Ban Nội chính Trung ương đang soạn thảo như cơ chế khuyến khích người dân tố giác cán bộ tham nhũng hay thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có thể mang tính hình thức vì tính khả thi, thậm chí có thể làm tăng biên chế Đảng. Mục tiêu của chính sách phòng chống tham nhũng cũng phải vì dân mà mọi hành động của chính quyền phải hướng đến thay vì chỉ để bảo vệ chế độ.

Một câu hỏi chủ yếu đặt ra việc xoá bỏ chế độ đặc quyền đặc lợi như thế nào ? Trong giai đoạn những năm 1990 đã có những bước tiến bằng cách tiền tệ hoá các chế độ phân phối nhà ở, các hiện vật, tiêu chuẩn đi xe công Tuy nhiên, việc duy trì bảng lương nhà nước thống nhất quá lâu, biên chế suốt đời, tuyển chọn và sử dụng lao động trong khu vực công khiến thị trường lao động bị chia cắt, bởi vậy thị trường nói chung méo mó.

Ngoài ra, kinh tế thị trường đã tách rời chức năng lãnh đạo và điều hành, Đảng và Chính phủ, cán bộ chính trị chuyên trách và kỹ trị theo hướng bộ phận nào ‘gần tiền’ hơn thì thực quyền to hơn và, có ‘điều kiện’ tham nhũng dễ hơn. Điều này được thực chứng trong thập kỷ "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế". Nhưng đặt vấn đề chống tham nhũng bằng cách tập trung quyền lực Đảng cao hơn, về lâu dài, là bước lùi cải cách. Như đã biết "các trường hợp đặc biệt" đã phá vỡ các quy định của Đảng về giới hạn tuổi và nhiệm kỳ công tác trong hai Đại hội 12 và 13 gần đây. Các chuẩn mực này vốn được Đảng xác định để ngăn ngừa tha hoá quyền lực. Liệu "các trường hợp đặc biệt" này phát huy đến đâu và có là tiền lệ cho các đại hội Đảng tiếp theo ? Hơn thế, vấn đề chuyển giao quyền lực đang là thách thức lớn.

Cuối cùng, thiếu chính sách "đột phá" trong phòng chống tham nhũng khiến cho tính khả thi thấp. Ví dụ khá điển hình sau đây có thể giúp gỡ bỏ tâm lý giữ "ổn định" trong nhận thức lãnh đạo. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" có thể coi là bài học quý giá về "đột phá". Nó loại bỏ cách tiếp cận "Zero – Covid" từng được ca ngợi là thành tích, hơn thế huy động được sức mạnh và tiềm lực "tự cứu mình" của người dân, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế, xã hội vẫn ổn định và góp phần phục hồi kinh tế. Mặc dù không được ‘ca ngợi công lao’ nhưng Đảng và Chính phủ đã ‘rảnh tay’ và có nguồn lực cho những việc cần làm.

Thay cho lời kết, việc vận dụng mô hình Singapore, như một gợi ý, về sử dụng nhân lực công, nhân lực lãnh đạo sẽ là chính sách đột phá mà giới chuyên gia đề xuất từ lâu và mang tính kiến tạo để phòng chống tham nhũng đã ‘chín mùi’ khi thị trường đã thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế Việt Nam như hiện nay.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 18/04/2022

Published in Diễn đàn

Việt Nam vẫn cứ loanh quanh chống tham nhũng ở mấy cái thứ đậm chất nho giáo như : "nêu gương", "phê và tự phê", "xây dựng văn hóa từ chức", "danh dự mới là quan trọng" 

chong1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu - Ảnh minh họa

Tại sao không dùng cách thức khác để phòng chống tham nhũng, hối lộ – những cách thức mà cả thế giới đang dùng và chứng minh là rất hiệu quả như đề cao pháp trị, kiểm soát quyền lực…

Thay vào đó thì người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn cứ loanh quanh ở mấy cái thứ đậm chất nho giáo như : "nêu gương", "phê và tự phê", "xây dựng văn hóa từ chức", "danh dự mới là quan trọng" ? (1).

Sở dĩ Việt Nam không thể chống tham nhũng như các quốc gia khác bằng việc chọn pháp trị, tức là dùng pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ trong xã hội, pháp luật là căn cứ duy nhất để mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức hành xử, giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, vì lẽ rất đơn giản là thể chế chính trị ở Việt Nam không có yếu tố cạnh tranh giữa các đảng phái, nên cũng không mấy đặt nặng ‘phổ thông đầu phiếu’ từ dân chúng.

Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là không vì người thân quen, quyền cao chức trọng mà vị nể, nhẹ tay trừng phạt hay né tránh với hành vi tham nhũng. Nguyên tắc này đã được áp dụng hàng thập kỷ qua tại các nước phương Tây, với họ pháp luật là tất cả, mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức đều tuân thủ pháp luật và chính họ nhờ pháp luật bảo vệ mình và gia đình, tinh thần "thượng tôn pháp luật" và "pháp luật bất vị thân".

Đối với họ, thì việc tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngay cả trong thành phần tưởng chừng không thể tham nhũng là cơ quan, tổ chức phòng chống tham nhũng cũng có thể bị điều tra, kết án nếu có hành vi tham nhũng.

Pháp luật là căn cứ duy nhất, là tinh thần chủ đạo, là ưu tiên số một tại các quốc gia phương Tây.

Vấn được đề đặt ra hiện nay là giải pháp này khó thể phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam vì mối quan hệ giữa tổng bí thư – thủ tướng – bộ trưởng… còn là ‘tình đồng chí’ trong cùng một đảng duy nhất. Do vậy, để dung hòa, giải pháp Đức trị được lựa chọn. Tức là dùng ý thức, dùng đạo đức, dùng tinh thần để chi phối điều chỉnh xã hội mà những người đứng đầu có quyền, có trách nhiệm phải là "tấm gương sáng" để tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân noi theo.

Tuy nhiên cần công tâm nhìn nhận là vấn đề lâu nay ngay trong mấy triệu đảng viên, liệu tỷ lệ những tấm gương sáng như thế chiếm bao nhiêu ?.

Tại hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : "Đợt này quyết định phải chống tham nhũng, tiêu cực ; tiêu cực là tập trung vào chống sự suy thoái về phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, đó là cái quan trọng, là gốc.

Lãng phí chỉ là một khía cạnh, tiêu cực nhiều lắm. Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân. Cái đó rất lớn"…

Trong các hình thái tham nhũng, có tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực là gốc, "đẻ" ra tham nhũng kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, những người tham nhũng kinh tế thường là những người nắm giữ quyền lực ; quyền lực càng lớn mà thiếu đạo đức thì tham nhũng càng lớn.

Thế nhưng như đã nói ở trên, tham nhũng quyền lực trong thể chế chính trị đơn nguyên là rất dễ dàng, vì thiếu hẳn sự giám sát mang yếu tố cạnh tranh về sức ảnh hưởng với dân chúng giữa các đảng phái chính trị.

Nếu ‘nịnh nọt’ Đảng, có lẽ tạm kết ở đây bằng một ý ve vuốt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng ngài rất thâm nho, khi dùng "Đức trị", tức ra sức tuyên truyền, giáo dục tinh thần, ý chí và đạo đức cách mạng là cơ bản để kết hợp thống nhất, hài hòa với "Pháp trị" bằng việc ‘đốt lò’ răn đe, trừng phạt.

Tiếc là ông Tổng bí thư còn độc quyền báo chí nên dân chúng không được đáp ứng về chuyện yêu cầu cả chính phủ lẫn Đảng phải minh bạch mọi vấn đề, thông qua báo chí tự do chẳng hạn…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 29/11/2021

(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-van-hoa-the-nay-thi-nhan-quyen-ra-sao/

Published in Diễn đàn

Tổng Trọng lại mạnh miệng hô hào chống tham nhũng để "đánh bóng" tên tuổi?

RFA, 10/08/2021

Chống tham nhũng "không ngừng nghỉ"

"Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên".

npt1

Vụ tham nhũng buôn lậu liên quan tới Công ty Nhật Cường thu hút sự chú ý của đông đảo công luận. - RFA edited

Đó là tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 5/8 vừa qua.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021, được nêu ra tại phiên họp, cho thấy ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Báo cáo cũng cho biết có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2021. Đồng thời, cũng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tại phiên họp, cho biết các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử năm vụ án trọng điểm khác trong năm 2021.

Trong vai trò chủ trì phiên họp lần thứ 20, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác chống tham nhũng "phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn" và phải "nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục".

Trước đó tại phiên họp đầu tiên kỳ họp 11 của Quốc hội, diễn ra vào ngày 23/3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răng đe, cảnh tỉnh lớn".

Giới quan sát : "Hiệu quả chống tham nhũng là không hiệu quả"

Blogger Đỗ Ngà, một người theo dõi sát sao tình hình chính trị-xã hội Việt Nam, vào tối ngày 10/8, lên tiếng với RFA liên quan phát biểu cùng tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc chống tham nhũng do chính ông Trọng phát động từ năm 2016.

"Hiệu quả là không có hiệu quả. Bởi vì, xảy ra tham nhũng là bản chất của bộ máy công quyền này. Bản chất của một nhà nước nào không minh bạch thì tạo cơ hội cho tham nhũng. Trong khi đó, tất cả những số liệu mà người dân yêu cầu minh bạch thì không bao giờ họ minh bạch. Bộ máy từ thời các tổng bí thư trước đó cho đến bây giờ thì vẫn như vậy, có khác thì khác nhau về tham nhũng thôi".

Blogger Đỗ Ngà dẫn chứng các vụ án tham nhũng được phanh phui và khởi tố ngày càng nhiều chỉ là bề nổi của tảng băng ‘tham nhũng" tại Việt Nam. Bằng chứng là các vụ án tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn và có sự tham gia, dính líu của giới chức lãnh đạo cấp cao như các cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến…

"Thật sự ra, chống tham nhũng không hiệu quả bằng phòng tham nhũng. Giống như chúng ta ở trong một căn nhà thì phòng cháy vẫn tốt hơn chữa cháy. Chữa cháy thế nào thì căn nhà cũng rụi rồi. Cho nên phải nói đến tận gốc rễ, nói rộng hơn là thay đổi thể chế còn hẹp hơn là thay đổi những cơ chế nhỏ trong đó. Cả hai lĩnh vực này thì bộ máy của Đảng cộng sản Việt Nam đều chưa thực hiện được. Cho nên theo tôi nghĩ, chống tham nhũng xong thì bộ máy vẫn như xưa".

npt0

Quang cảnh phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 5/8/2021. Courtesy of vov.vn

Qua một lần trao đổi với RFA liên quan công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, hồi hạ tuần tháng 4/2021 nói rằng để chống tham nhũng được hiệu quả thì Việt Nam phải cần xây dựng bốn thể chế quan trọng, đó là "thượng tôn pháp luật, tư pháp độc lập, báo chí tự do và có các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lành mạnh và sôi động".

Trong cùng thời điểm hạ tuần tháng 4/2021, TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông với RFA rằng chống tham nhũng ở Việt Nam phải kết hợp nhiều hoạt động. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh một trong những hoạt động quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các bên liên quan; trong đó có người dân, hướng họ tới sứ mệnh phụng sự đất nước.

Theo ghi nhận của truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong thực tiễn có không ít những trường hợp tố cáo tham nhũng lại bị trù dập, trả thù.

Đơn cử, trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên được biết đến như là tấm gương chống tiêu cực trong ngành giáo dục, hồi trung tuần tháng 3/2021 đã chia sẻ với RFA :

"Tôi có thể thấy mặc dù chủ trương của chính quyền là bảo vệ khen thưởng người tố cáo, nhưng việc trả thù, trù dập người tố cáo diễn ra thường xuyên và chưa bao giờ chấm dứt. Chưa bao giờ người trả thù, vùi dập người tố cáo ấy mà bị xử lý thích đáng. Họ bao che bưng bít nhau, và tôi cũng thấy hiếm khi nào người đứng đầu quốc gia lên tiếng trừng phạt những người chuyên quyền đã vùi dập người đấu tranh tố cáo. Như trường hợp của tôi bị hiệu trưởng cũ vùi dập bảy năm không nâng lương, thuê xã hội đen đánh mình, làm đủ trò mặc dù mình là người được quan chức cả nước biết đến nhưng ông ấy vẫn thách thức, không hề bị xử lý".

Ông Trọng quyết tâm chống tham nhũng để "đánh bóng" tên tuổi ?

Blogger Đỗ Ngà đưa ra nhận định của ông về quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm mục đích "đánh bóng" tên tuổi :

"Thật ra, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam giống như là một công tác ‘quảng bá’ cho bản thân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Tại vì, khi ông Trọng buộc tội hoặc đưa vào tù những quan chức này thì sẽ ‘lấp’ về những quan chức khác. Thực sự, những quan chức khác đó có tốt hơn những quan chức cũ hay không thì lại là một vấn đề nữa.

Rõ ràng từ trước tới giờ qua các thời tổng bí thư thì ông Trọng chống tham nhũng quyết liệt nhất. Tức là thành tích của ông Trọng, thành tích để tô hồng cho bản thân ông Trọng rất là ấn tượng. Nhưng mà sau khi ông Trọng chống tham nhũng thì bộ máy được sạch hơn hay không. Đó mới là vấn đề quan trọng, trong khi hầu hết người dân không quan tâm đến vấn đề sau chống".

Đài RFA ghi nhận một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nhận định công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, thực chất là các cuộc "thanh trừng" phe nhóm nội bộ lẫn nhau.

Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 2014, nêu lên quan điểm của ông với RFA hồi cuối tháng 12/2020 rằng:

"Một khi cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ thời gian nào cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân".

Một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu năm 2018, đã xếp Việt Nam hạng 117/180. Hạng này tụt 10 bậc so với năm trước đó. Tuy nhiên, chỉ số này năm 2020 của Việt Nam tăng lên 104/180. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) nhận định Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện khá tích cực, cho thấy Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng nhưng cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Nguồn : RFA, 10/08/2021

*********************

Đảng chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng

Phạm Quý Thọ RFA, 09/08/2021

Chống tham nhũng có liên quan với chủ nghĩa tư bản thân hữu đang ngày càng nghiêm trọng. Làm rõ mối liên hệ này là yêu cầu thực tế để cải cách chính trị.

dang1

Một banner cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 25/1/2021 -Reuters

Cựu Chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung, người đã bị phạt tù năm năm về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" vào cuối năm 2020, mới đây vào ngày 26/7/2021 lại bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và đầu tư. Cùng với ông Chung, nhiều bị can khác cũng bị truy tố như cựu Chánh Văn phòng Thành ủy, Giám đốc Sở, cựu Chánh văn phòng ; cựu Phó giám đốc, cựu Trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và đầu tư và hai lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh. Vụ án này được tách ra từ vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan. Đây là vụ án điển hình xảy ra gần đây nhất phản ánh tình hình chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa thân hữu nghiêm trọng.

dang0

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại chuyến thăm một nhà máy ở Pháp hôm 26/10/2019. AFP

Thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (tiếng Anh : crony capitalism) đầu tiên được sử dụng vào những năm 1980, để mô tả nền kinh tế Philippines dưới chế độ độc tài của Ferdinand Marcos. Nó được sử dụng để mô tả các quyết định của chính phủ có lợi cho tay chân của các quan chức chính phủ. Thuật ngữ chủ nghĩa tư bản thân hữu đã tạo ra một tác động đáng kể trong công chúng như một lời giải thích về cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 như ở Thái Lan và Indonesia. Theo khái niệm chung, chủ nghĩa tư bản thân hữu còn gọi là tư bản thân tộc, tư bản lợi ích nhóm, hay đôi khi doanh nghiệp sân sau, là thuật ngữ dùng để miêu tả nền kinh tế dựa trên mối quan hệ khắng khít giữa doanh nghiệp và quan chức chính phủ để chiếm đoạt, tham nhũng hay trục lợi. Trong kinh tế thị trường những hình thức ân huệ, ưu đãi và nhiều kiểu trợ giúp kín đáo, tinh vi khác của quan chức chính quyền được dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp bên ngoài khác không thể tiếp cận được.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu tồn tại dưới các hình thức và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ở mức độ thấp nhất, đó là sự cấu kết giữa các bên tham gia thị trường được chính phủ chính thức chấp nhận hoặc khuyến khích. Mặc dù có thể là cạnh tranh "nhẹ" với nhau, nhưng họ cùng tham gia trong các hiệp hội thương mại hoặc công nghiệp để yêu cầu trợ giúp pháp lý hay trợ cấp trong những tình huống khẩn cấp từ chính phủ. Chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng tồn tại dưới hình thức khi các tập đoàn tư nhân thống trị toàn bộ nền kinh tế hoặc các ngành công nghiệp có giá trị nhất trong một nền kinh tế kiểu như các Cheabol ở Hàn Quốc.

Đối với Liên bang Nga, nền kinh tế dựa vào tài nguyên, một chế độ dân quyền siêu giàu có và trung thành với sự tồn tại của chủ nghĩa độc tài là nét đặc trưng. Nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund trong cuốn "Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Nga : Con đường từ kinh tế thị trường đến chế độ tập quyền" (2019) đã khám phá rằng Tổng thống Nga V. Putin, bằng cách bổ nhiệm các cộng sự thân cận của mình làm người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước và trao quyền kiểm soát cơ quan an ninh và tư pháp cho những người bạn của mình từ KGB, từ quê hương Saint Petersburg để họ làm giàu bằng các giao dịch ưu đãi của chính phủ.

Đối với Trung Quốc, chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã ăn sâu vào đời sống xã hội. Mối liên hệ quyền lực và doanh nghiệp chằng chịt, phức tạp ở các cấp chính quyền đã được mô tả bởi GS Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin) trong tác phẩm "Tư bản thân hữu Trung Quốc", năm 2016 (đã được dịch và phát hành ở Việt Nam năm 2018 bởi Nhà xuất bản Hội nhà văn.) Trước đó 10 năm, GS Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian) nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, người ủng hộ quá trình chuyển đổi sang thị trường tự do, đã chỉ ra kết cục khó tránh khỏi.

Ở Việt Nam chủ trương Đổi mới, tương tự như chính sách "Cải cách và Mở cửa" ở Trung Quốc, đã khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản về thực chất. Quá trình tích luỹ "nguyên thuỷ" và làm giàu ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng. Nhiều người Việt học tập và làm việc ở Đông Âu trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa đang sụp đổ trước và sau năm 1990 có vai trò nhất định trong việc tạo "vốn - tư bản" kết hợp với lao động, đất đai, tài nguyên trong nước nhờ những quan hệ thân hữu để trở thành "các nhà tư sản dân tộc". Họ đã tạo ra một con đường riêng đến chủ nghĩa tư bản thân hữu. Một thời như vậy, "hoang dã" và "hỗn loạn", đã được tác giả Nam Nguyên mô tả khá cụ thể trong "Đông Âu Anh hùng truyện" (2020). Tuy nhiên, một số người trong họ đã thành công và có tên trong tạp chí nổi tiếng Forbes, ghi danh những người giàu nhất trên khắp thế giới.

dang2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet phát biểu tại một hội nghị ở Dubai hôm 10/11/2015. Bà Thảo là một trong những tỷ phú ở Việt Nam từng học ở Đông Âu

Chủ nghĩa tư bản thân hữu nghiêm trọng ở Việt Nam được phơi bày, như một hệ quả nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân của tình hình "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế" trong những năm 2010s. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo, quản lý rủi ro lỏng lẻo, các tổ chức tín dụng này bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, "nhóm lợi ích" giữ chức danh lãnh đạo. Họ đã biến nhiều ngân hàng để phục vụ các công ty sân sau của mình, dẫn đến nợ xấu. Trong lĩnh vực nhà đất, các dự án đầu tư công, kể cả các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ hay tương đương… "cơ chế xin – cho" đối với tài sản công đã khiến "bộ phận không nhỏ" các quan chức "hư hỏng". Hơn thế, thực trạng "lợi ích nhóm" và "nhóm lợi ích" trong giai đoạn này là "đáng báo động" và "có nguy cơ lan rộng", kể cả ở "những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch", như lời "bộc bạch" trên báo mạng Tuoitre.vn năm 2015 của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016.

Tình hình đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp bởi chính thực chất vấn đề. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong báo cáo tổng kết đánh giá bảy năm hoạt động (2013-2020) đã chỉ ra trong số hàng chục nghìn cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật, kể cả các lãnh đạo thuộc diện trung ương quản lý, thì các vụ án về tội danh tham nhũng và lợi dụng chức quyền chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra trung ương tại kỳ họp thứ 5 của ngày 4/8/2021 cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm bị trừng phạt, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập… Cũng tại kỳ họp này có bốn Phó chủ tịch, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội có quyết định bị kỷ luật và hai nguyên Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị Ban Bí thư kỷ luật…

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thuật ngữ không sử dụng thuật ngữ trong các văn bản chính thống do "nhạy cảm" chính trị, nhưng đó là một thực tế đòi hỏi giới lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật và giới nghiên cứu để tâm hơn. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một xu hướng không tránh khỏi và một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, có liên quan đến quyền lực của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thân hữu như hiện nay bằng quyền lực tuyệt đối chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, dù có quyết liệt nhưng chứa đựng nhiều rủi ro. Cải cách thị trường dựa vào các quy luật, nguyên tắc vận hành của nó và kiểm soát quyền lực bằng đối trọng và cơ chế giám sát bởi người dân cần được cho là chính sách căn cơ cần được ưu tiên cho vấn đề.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 09/08/2021

Published in Diễn đàn