Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nghệ An : Hội phụ nữ 'phản đối linh mục Nam' (BBC, 08/05/2017)

dauto1

 Người dân giáo xứ Phú Yên phục vụ nước uống cho những người tham gia biểu tình do chính quyền tổ chức

Cuối tuần qua, 'hàng ngàn' hội viên Hội Nông dân, Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu đã phản đối, đòi truy tố một linh mục dẫn dắt các cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, báo Nghệ An tường thuật.

Hôm 8/5, báo Nghệ An đăng bài 'Hơn 600 nông dân huyện Quỳnh Lưu yêu cầu truy tố Đặng Hữu Nam'.

Linh mục Đặng Hữu Nam cùng linh mục Nguyễn Đình Thục là hai người dẫn dắt các cuộc biểu tình đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra trong thời gian qua.

Báo này dẫn lời ông Trịnh Xuân Tiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Hưng : "Thời gian qua, ông Đặng Hữu Nam đã có những việc làm trái pháp luật, đi lại lợi ích nhân dân, không thành tâm hướng thiện để dìu dắt con chiên sống tốt đời đẹp đạo. Việc làm sai trái đó gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, đề nghị Đảng, Nhà nước phải xử lý nghiêm".

Cùng thời điểm, báo Nghệ An còn đăng các bài 'Hàng ngàn phụ nữ Quỳnh Lưu lên tiếng phản đối linh mục Đặng Hữu Nam', 'Hơn 3.000 người dân vùng bãi ngang phản đối linh mục Đặng Hữu Nam', hay 'Đặng Hữu Nam đã 'cạn bài', Lộ chân tướng ngông cuồng và hoang đường'...

Trong một đoạn clip đăng trên báo Nghệ An, bà Phạm Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quỳnh Lưu phát biểu : "Trước những hành động phản động của linh mục Nam, chúng tôi kêu gọi hội viên phụ nữ Quỳnh Lưu yêu cầu linh mục Nam không có những lời kích động bà con giáo dân, dừng ngay mọi hành động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xin lỗi nhân dân về những phát ngôn xuyên tạc lịch sử…".

Hôm 8/5, BBC gọi cho bà Phạm Thị Hải Yến nhưng bà chỉ nói : "Đó không phải là biểu tình" rồi cúp máy.

dauto2

Bà Phạm Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quỳnh Lưu trong đoạn clip đăng trên báo Nghệ An

'Đấu tố'

Hôm 8/5, từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC với tư cách một nhà giáo và là người Công giáo : "Tôi nghĩ những gì diễn ra ở huyện Quỳnh Lưu cuối tuần qua là một hoạt động rất dễ gây hiểu lầm, vì nó có thể làm cho người bên ngoài nghĩ rằng chính quyền đứng sau lưng vụ này".

"Hơn nữa, nó gây chia rẽ giữa những người theo Công giáo và những người không phải là giáo dân. Dù điều đó có đúng sự thật hay không thì cũng cần tránh tối đa có thể được".

"Qua việc báo địa phương tường thuật sự kiện, tôi cho rằng đây là một cuộc "biểu tình" được cho phép chính thức, nếu không phải là do chính nhà chức trách địa phương đứng ra tổ chức như nhiều cuộc biểu tình khác đã từng xảy ra tại Việt Nam".

"Điều đặc biệt nhạy cảm lần này là đối tượng của cuộc "biểu tình" hoặc "mít-tinh" không phải là kẻ thù xâm lược, mà lại là một chức sắc của một tôn giáo không nhỏ tại Việt Nam, tức là một bộ phận trong khối đại đoàn kết dân tộc như người ta thường nói".

Bà Phương Anh nói thêm : "Không những thế, những ý kiến của người dân trong cuộc "biểu tình" nói trên không chỉ là phản đối, lên án những gì người ta không đồng tình, mà còn là đề nghị Nhà nước trừng trị nghiêm minh đối với những người khác quan điểm với họ, với những hình phạt cụ thể và rất nặng nề như là bỏ tù 20 năm".

"Tất nhiên những đề nghị đó rất buồn cười và vô căn cứ, vì muốn phạt tù ai đó thì phải có án, phải đưa ra tòa xử theo đúng Luật Tố tụng hình sự, phải có chứng cứ phạm tội, phải có tuyên án và có khung hình phạt theo luật pháp quy định, chứ không phải là những phản ứng đầy cảm tính như đã thấy trong các phát biểu tại buổi "biểu tình" nói trên".

"Chính vì những lời buộc tội khá vu vơ cảm tính như trên nên khiến nó bị xem là "đấu tố" vì nó có yếu tố rất giống các "tòa án nhân dân đặc biệt" của thời cải cách ruộng đất, vốn đã được chính quyền chính thức thừa nhận là có những sai lầm nghiêm trọng và không ai muốn lập lại những sai lầm ấy, nhất là sau hơn nửa thế kỷ".

"Tôi hoàn toàn không tán thành việc lôi trẻ em vào việc này. Việc của các trường là dạy cho các em biết đâu là đúng đâu là sai, và từ những giá trị mà các em đã hình thành từ nhà trường (bên cạnh gia đình và xã hội) thì các em sẽ phải tự đưa ra quan điểm của chính các em".

dauto3

Vụ Formosa gây ô nhiễm biển đã làm rúng động dư luận Việt Nam và Đài Loan

"Không nên dùng quyền của nhà trường, thầy cô để lôi kéo các em vào các tranh luận chính trị, ủng hộ quan điểm của nhóm người này và chống lại quan điểm của nhóm người khác - cho dù nhóm người đó là thiểu số hay đa số, hoặc cho dù quan điểm đó là phổ biến hay mới lạ và chưa được nhiều người ủng hộ".

"Tôi nghĩ nếu việc "biểu tình" này là chủ trương của chính quyền địa phương thì đó là một chủ trương sai lầm vì nó không giúp giải quyết được vấn đề gì cả, nếu không phải là làm chia rẽ giáo - lương và làm xấu đi bộ mặt của chính quyền đối với thế giới", bà Phương Anh nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 8/5.

BBC đã liên hệ bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An, người được cho là đã yêu cầu các học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia biểu tình phản đối linh mục Nam nhưng không nhận được phản hồi.

************************

Cá chết dày đặc đã hai tuần chính quyền chưa giải quyết (RFA, 08/05/2017)

Cá chết bốc mùi hôi thối nồng nặc cả 2 cây số dọc khe Đá Mài từ cầu Xuân Nam trở ra sông Thu Bồn ở miền Trung.

dauto4

Cá chết trắng Hồ Tây, Hà Nội hôm 3/10/2016. Ảnh minh họa. AFP photo

Báo trong nước đưa tin ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng thôn Xuân Nam, cho biết tình trạng cá chết dày đặc và trương sình khi tấp vào bờ tiếp tục kéo dài đến hôm nay là nửa tháng ngay khu vực khe Đá Mài thuộc thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quang Nam. Ông nói cá chết hàng loạt khiến dòng nước bị đục ngầu và bốc tanh tưởi khó chịu, trong lúc người dân hoang mang lo sợ không dám sử dụng nước ở nơi này để tưới tiêu.

Đây là nơi người dân địa phương thường ra bắt cá và cào hến để mưu sinh nhưng nay không còn ai hành nghề này nữa. Tin nói Phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Đại Lộc đã báo cáo vụ việc lên Sở Tài Nguyên Môi Trường và đang chờ kết quả.

Published in Việt Nam