Tổ chức Freedom House vừa công bố phúc trình thường niên cho thấy nhà nước Việt Nam nắm quyền kiểm soát toàn bộ báo đài, trấn áp truyền thông mạng và biến đất nước thành một nơi không có tự do báo chí.
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen. RFA photo
Việt Nam đứng thứ 177 trong số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí, là nhận định của Freedom House trong phúc trình thường niên công bố tại Newseum - Viện Bảo tàng Tin tức ở Washington DC hôm thứ 28/4/2017.
Như thông lệ, sơ đồ tự do báo chí thế giới của Freedom House năm nay vẫn sử dụng màu xanh lục cho nhóm những nước có tự do, màu vàng cho những nước phần nào được tự do và màu tím là những quốc gia không có tự do.
Việt Nam thuộc nhóm màu tím, tức nhóm các nước không có tự do báo chí so với thế giới cũng như trong khu vực.
Riêng về tự do báo chí của 40 nước vùng Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hàng thứ 37 tức là chỉ hơn được Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn ; là 3 quốc gia nằm cuối bảng.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, bà Jennifer Dunham, Giám đốc nghiên cứu về tự do báo chí thế giới trong tổ chức Freedom House, khẳng định :
"Việt Nam thuộc nhóm các nước không có tự do báo chí trong phúc trình 2017 của Freedom House, cũng là quốc gia có nền truyền thông tồi tệ nhất trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung.
Những điều mà Freedom House quan tâm nhất là sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm khắc của nhà nước Việt Nam đối với truyền thông. Năm 2016 là năm mà chiến dịch đàn áp báo chí độc lập, báo mạng hay báo online đã diễn ra gay gắt hơn lúc nào hết.
Về phần các bloggers thì Freedom House nhận thấy rất nhiều người bị bắt giữ, nhất là trong thời gian có chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, chính phủ đã tìm mọi cách ngăn chận những tin bài hay những tiếng nói độc lập.
Thực tế không có sự tiến bộ nào trong lãnh vực tự do báo chí ở Việt Nam bao năm qua. Điểm sáng duy nhất và khả quan nhất có thể nhìn thấy được và khiến cho Việt Nam khá hơn Lào một chút là nhờ những bloggers đang cố gắng viết và đưa tin tức đến cho mọi người trong khả năng khách quan và trung thực nhất mà họ có thể".
Truyền thông mạng và báo chí online từ những tổ chức xã hội dân sự, không nằm dưới quyền chỉ đạo của nhà nước Việt Nam, là những sinh hoạt cần thiết trong bối cảnh một đất nước mà báo giới luôn bị kiểm duyệt như ở Việt Nam, là phát biểu của bà Sarah Repucci, giám đốc về thông tin toàn cầu của Freedom House :
"Điều vô cùng quan trọng là các tổ chức đó phải tiếp tục làm công việc đang làm, tiếp tục viết những gì cần phải viết bằng tất cả khả năng và phương tiện của mình để phổ biến rộng rãi cho mọi người, bởi đối với nhiều người khao khát tin tức thì đó là những nguồn thông tin phản ảnh những quan điểm độc lập và không bị bóp méo.
So với những năm trước thì Freedom House vẫn không thấy sự cải thiện đáng kể trong lãnh vực báo chí đang bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam, chí ít là thời gian gần đây cũng không có mấy thay đổi".
Phúc trình 2017 về tự do báo chí thế giới với tình hình tiêu cực về tự do báo chí ở Việt Nam được Freedom House ở Hoa Kỳ công bố chỉ 2 ngày sau khi có báo cáo hàng năm của Reporteurs Sans Frontieres - Ký giả Không biên giới ở Pháp hôm 26/4, đưa Việt Nam vào danh sách các nước bị bôi đen tức hoàn toàn không có tự do báo chí trong năm 2016.
Thanh Trúc, RFA
***********************
Cá chết bốc mùi hôi thối tại Đại Lộc, Quảng Nam (RFA, 01/05/2017)
Cá chết dày tạo thành những mảng lớn dọc khu vực khe Đá Mài thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Cá chết nổi thành từng mảng dọc khu vực khe Đá Mài thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Courtesy Dantri online
Tường thuật tại chỗ của phóng viên báo Dân Trí cho biết, nước tại khe Đá Mài hiện có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều loại cá rô phi, trắm, mè… chết trắng hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Không chỉ có cá nhỏ, nhiều loại cá có trọng lượng gần 1kg cũng bị chết và đang trong quá trình phân hủy, mà chưa rõ nguyên nhân. Hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh hoạt của người dân địa phương và cũng gây lo ngại khi nước khe chảy ra sông Thu Bồn xuống vùng đồng bằng rộng lớn tỉnh Quảng Nam.
Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng thôn Xuân Nam cho biết, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu diễn ra từ ngày 26/4 vừa qua. Chỉ sau một ngày cá bắt đầu chết hàng loạt, nổi trắng khu vực khe Đá Mài với số lượng lớn, kéo dài gần 3km, hiện tượng cá chết vẫn chưa dừng lại.
Theo nhận định của người dân, việc nước Khe Mài đen ngòm dẫn đến cá chết hàng loạt có thể liên quan đến hoạt động xả thải của các nhà máy cách đó hơn 10km, nơi đầu nguồn khe nước.
Được biết, thôn Xuân Nam có 197 gia đình, phần lớn người dân sống dọc theo khe nước Đá Mài. Lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm, bà con đã chuyển sang mua nước bình sử dụng.
Hiện chưa có kết luận từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết tại khu vực này.
********************
Thanh tra : Quan chức Bắc Giang cấp đất cho thân nhân (RFA, 01/05/2017)
Hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đai liên quan đến người thân của quan xã, quan huyện tại Yên Thế, tỉnh Bắc Giang được nêu ra trong bản kết luận thanh tra của UBND huyện Yên Thế.
Chỉ trên địa bàn 1 xã của huyện Yên Thế đã có hàng chục nghìn m2 đất bị cấp sổ đỏ trái luật cho người nhà “quan xã, quan huyện”.
Kết quả do ông Vũ Trí Hải, chủ tịch UBND huyện Yên Thế ban hành và được báo trong nước dẫn tin ngày thứ Bảy 29 tháng 4.
Cụ thể là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa công khai, chưa đúng quy trình, qui định của pháp luật ; đặc biệt, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho anh em ruột, người thân của ông Nguyễn Văn Mão, nguyên chủ tịch UBND xã Đồng Tiến gây nhiều bức xúc cho người dân.
Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Mão xác nhận đã cấp sổ đỏ cho hàng chục ngàn m2 đất trái luật.
Theo kết quả điều tra, ngày 4/12 /2014, 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho 20 hộ gia đình, trong đó có 5 hộ là gia đình của công chức địa chính.
Số diện tích đất này đều có nguồn gốc của công ty, lâm trường trả về năm 2010 nhưng trong sổ đỏ lại ghi nguồn gốc tự khai phá hoặc được nhận, tặng.
*********************
Hải Phòng : Các thế lực phản động sử dụng thiết bị bay để gây rối an ninh (RFA, 01/05/2017)
Các thiết bị flycam thường được sử dụng cho các mục đích vui chơi, thể thao, ghi hình, chụp ảnh từ trên không. (Hình minh họa) - Courtesy of flycam online
Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành chỉ thị, yêu cầu tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Báo trong nước ngày 1/5 loan tin, chính quyền thành phố Hải Phòng cho rằng các thiết bị này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các "thế lực thù địch" lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị như thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép.
Tin cho biết thêm rằng hiện tại các phương tiện bay siêu nhẹ, đặc biệt là flycam được sử dụng rất thường xuyên, tự phát trong các dịp sự kiện hoặc lễ hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu bộ chỉ huy quân sự thành phố, công an thành phố, sở công thương, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, cục hải quan, và cơ quan phòng không quân khu III cùng phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, quản lý các hoạt động có liên quan đến các phương tiện này.
Cụm từ ‘thế lực thù địch’ thường xuyên được các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để chỉ những người có chính kiến khác với đảng và nhà nước Hà Nội.
**********************
Một mục sư bị tuyên án 5 năm về tội tổ chức vượt biên (RFA, 01/05/2017)
Mục sư A Đảo. Courtesy CongLy
Mục sư người dân tộc ở Tây Nguyên tên A Đào, còn gọi là A Ma Dũng, bị tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 5 năm tù vì tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.
Phiên xử diễn ra ngày 28/4/2017, được gọi là công khai và được tờ Công Lý trong nước loan tin, cho thấy hồi tháng 8/2016 mục sư A Đào đã bị bắt quả tang khi đang tìm cách đưa 5 người dân tộc thiểu số trốn khỏi Việt Nam .
Tin nói ông A Đào khai báo là từ năm 2012 đã cấu kết với một người tên A Ga cùng sinh hoạt trong Hội thánh Tin Lành với ông ta. Đến năm 2013 ông A Ga trốn sang Thái Lan và từ đó thường xuyên liên lạc thông đồng với ông A Đào để đưa thêm nhiều người Thượng khác trốn đi Thái Lan.
Từ tháng 3 đến tháng 6/2016, mục sư A Đào đã cùng A Ga bố trí đưa 10 người ra nước ngoài trong 3 đợt.
Những người bỏ trốn khỏi nước được đưa từ Pleiku bằng xe đến cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh, sau đó đi xe ôm đến Phnom Penh, Campuchia rồi có người đón đi sang Thái Lan.
Nguyên nhân khiến người Thượng bỏ trốn cũng như hành động giúp người đi nước ngoài trái phép mà mục sư A Đào chủ mưu chỉ được báo chí trong nước tường thuật lại là do bị kẻ xấu lợi dụng và xúi giục.
Tuy nhiên theo lời khai của những người dân tộc Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nói với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Campuchia hay Thái Lan, thì họ trốn đi vì bị chính quyền địa phương bên Việt Nam đe dọa, buộc bỏ đạo, bắt giữ đánh đập và cấm không cho nhóm họp để cầu nguyện theo đức tin.