Ai từng làm việc với cơ quan nhà nước Việt Nam đều thừa biết việc cấp dưới nhiệt tình đãi đằng cấp trên xuống làm việc như thế nào. Từ lâu, dân gian đã khái quát nó thành bài vè như sau :
Một quán bia ở Hà Nội hôm 29/4/2020 - Reuters
Bộ về thì tỉnh mổ trâu
Tỉnh lên, Bộ hỏi đi đâu thế này ?
Tỉnh về thì huyện giết cầy
Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đấy a ?
Huyện về thì xã thịt gà
Xã lên, huyện hỏi bỏ nhà đi đâu ?
Quy trình làm việc của cấp trên xuống cấp dưới, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nhất là nếu "Trung ương" về, hầu như bất di bất dịch : Sáng làm việc kéo dài đến trưa, chủ nhà mời khách ra nhà hàng ăn cơm trưa. Nếu làm việc cả ngày thì nhất định có tiệc tối, bia rượu phủ phê.
Ăn quỵt vừa lợi vừa vui
Tùy theo lịch công tác, nếu chỉ làm việc một buổi là kết thúc thì bữa ăn trưa chuyển thành là tiệc nhậu, vừa khoản đãi gặp mặt, vừa khoản đãi chia tay. Thành phần dứt khoát phải khách ba, chủ nhà bảy. Ở nông thôn thường thường còn có thêm các cô phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận… trẻ trẻ, xinh xinh, nhiệt tình và chịu chơi để tăng sự rộn rã cho bữa tiệc, dù họ chẳng liên quan gì đến nội dung buổi làm việc. Nhưng, những "bình hoa di động" đó bắt buộc phải có để quan khách cấp trên (hầu hết là đàn ông) tán tỉnh sương sương lấy không khí, đọc vài bài thơ, hát hò, kể vài câu chuyện tiếu lâm quan hệ nam nữ mờ ám, vòng tay qua nhau chúc rượu… Các cô gái ấy như một thứ vũ khí bí mật của phía chủ nhà để thiết lập quan hệ và lấy lòng cấp trên, được ngầm thừa nhận như một nét văn hóa đặc biệt. Các cán bộ lãnh đạo ngành hay chính quyền hay đi công tác luôn có thể kể vanh vách tên các cô gái, chị gái uống mạnh, chịu chơi ở từng địa bàn với sự thích thú không che giấu.
Năm 2016, bị một số giáo viên nữ tố việc buổi tối họ phải đến nhà hàng tiếp khách, uống rượu, hát múa phục vụ quan khách trong dịp Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, ông chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh thản nhiên nói với báo chí : "Đây là nhiệm vụ" và "vinh dự" cho các cô.
Nhậu chùa và nhậu vui như thế thì anh nào mà chả thích nhậu. Đã thế, nó còn là dịp cực tốt để làm thân, móc nối và tạo dựng quan hệ. Mà ở Việt Nam từ lâu đã có câu "Nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ". Quan hệ là yếu tố mấu chốt để thăng tiến hoặc kiếm tiền.
Những anh làm việc trong các ngành hay làm việc với địa phương như xây dựng, bưu điện… thì không phải nói nữa. Họ thường xuyên bị ép uống đến mức đau dạ dày.
Nên cái sự tiếp khách quá tay ở huyện nghèo Yên Định (Thanh Hóa) mới bị khui ra đây, thực sự chẳng có gì mới cả. Sở dĩ nó gây ồn ào là do cú đúp khá độc đáo : cả huyện ủy lẫn ủy ban huyện đều đang nợ tiền ăn quỵt đấy đầm đìa, mỗi bên xêm xêm 25 tỷ ; và đang nợ như thế mà vẫn mặt mo đề xuất xây một cái tượng đài 20 tỷ.
Chứ, nợ tiếp khách, thôi nói gọn lại là nợ nhậu của các cơ quan dân cử và chính quyền khắp nơi, không quá hiếm.
Tháng 8-2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương nợ 310 triệu "do tiếp quá nhiều đoàn khách đến học tập kinh nghiệm trong thời gian ngắn".
Lãnh đạo cơ quan này giải thích là "anh em ăn ở các nhà hàng quen nên nợ được".
Trước đó một năm, thậm chí một chủ quán ở U Minh (Cà Mau) còn vác hẳn hai can xăng tới trụ sở xã Khánh Thuận dọa đốt, vì lãnh đạo xã nợ 50 triệu tiền nhậu của ông suốt 3 năm không trả.
Cũng như Hải Dương, Chủ tịch xã Khánh Thuận phân trần cực hài hước : "Cuối năm rồi xã mất cân đối và không có tiền chi trả. UBND xã không thiếu riêng gì quán ông Phong mà còn thiếu nhiều quán khác".
Ở lậu vừa lợi vừa oai
Chuyện "ăn quỵt" này cũng giống như vụ "ở lậu" của các quan chức mà thôi. Từ vụ cựu chủ tịch TP Hà Nội-ông Hoàng Văn Nghiên ở lậu biệt thự công vụ suốt 8 năm dứt khoát không trả và vẫn cương quyết khẳng định mình là "người đàng hoàng". Cho đến 12 quan chức "ở lậu" mới nhất, gồm ba cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ; 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ; một phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; một nguyên thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ; một nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ; một nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp ; một nguyên tổng biên tập báo điện tử Đảng cộng sản ; một nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và một nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Rất đơn giản, nó chỉ là chuyện tranh ăn khi còn có cơ hội. Bởi những kẻ này đều biết vị trí của mình chẳng bền vững, chẳng phải thuần túy do tài năng mà có được. Họ biết hơn ai hết rằng khi họ vẫn đang còn ngồi trên cái ghế đó thì ở xung quanh đàn sói mặt cười vẫn đang hau háu rình chờ cơ hội để chiếm đoạt và giành giật miếng mồi.
Mà những miếng mồi dán nhãn tập thể xã hội chủ nghĩa, thì về bản chất là vô chủ.
Quần quật chạy hàng chục năm để hái trái một nhiệm kỳ 5 năm, mất hết năm đầu để trải thảm, năm cuối dồn sức chạy đua tiếp, chỉ còn ba năm để lấy lại vốn và kiếm lãi. Mà xung quanh, trên dưới, ai cũng ăn. Ai cũng chịu ăn và đòi ăn. Thì để tiếp tục giữ chắc trong cái guồng đó, họ phải ra sức ăn, phần cho mình, phần cống nạp. Cấp bé thì quỵt nhà hàng quán nhậu, cấp to thì quỵt dầu khí, bất động sản, đầu tư, xây dựng…
Không thế, họ ở với ai ?
Câu chuyện củi lò có thực chất ?
Cho nên chúng ta cũng đừng dành quá nhiều thời gian để ngạc nhiên hay phẫn nộ về những vụ ăn quỵt hay ở lậu.
Kể cả những người cho vay. Trừ các chủ nhà hàng, quán sá tư nhân thì trong vụ Yên Định có rất nhiều cán bộ công chức đang làm việc tại huyện sẵn sàng xuất tiền ra ứng ăn uống, mua sắm cho các lãnh đạo. Mức độ đến tiền tỷ.
Lương của một cán bộ cấp huyện, lại là huyện nghèo ở tỉnh, là bao nhiêu để những cán bộ này sẵn lòng bỏ ra tiền tỷ bao ăn nhiều năm cho lãnh đạo như vậy ?
Tại sao họ không dừng lại khi số tiền còn chưa quá lớn ?
Cách cư xử kỳ lạ này có liên quan đến tình trạng chạy chọt bằng được một cái chân nhà nước mất hàng trăm triệu cho một vị trí quèn hay không ? Hỏi đã là trả lời.
Phần nhiều đó là một cuộc đổi chác, luồn lọt để tiếp tục giữ lấy vị trí thơm ngon của mình trong bộ máy. Chỉ khác ở mức độ.
Và, nếu biết rõ ăn quỵt nhưng vẫn an toàn, vì bản thân chỉ là một mắt xích bé tí trong cả đường dây chằng chịt, và nếu làm căng thì "Trạng chết Chúa cũng băng hà". Thì có ai nỡ từ chối miếng mỡ thơm ?
Và vì thế, câu chuyện "lò" với "củi" sẽ dần dần trở thành câu chuyện hài hước và mỉa mai, khi lò cứ (tưởng là) cháy miệt mài nhưng trước sau vẫn chỉ đốt da diết mấy cành củi mục. Trong khi bộ gốc rễ cắm sâu chôn chặt sản sinh ra hết lớp củi nọ đến lớp củi kia thì vẫn được bón phân tưới nước cho ngày càng bền vững.
Cao Phong
Nguồn : RFA, 08/05/2020
Tham khảo :
https://vnexpress.net/thanh-hoa-chua-xem-xet-xay-tuong-dai-ba-trieu-4096084.html
https://vnexpress.net/thanh-hoa-chua-xem-xet-xay-tuong-dai-ba-trieu-4096084.html
https://tuoitre.vn/huyen-dinh-kien-xa-ra-toa-vi-khoan-tien-3-1-ti-tra-no-dan-20200505175414607.htm
Chủ tịch Bình Định nói không có khai thác Titan và phá rừng (RFA, 25/04/2018)
Ba dự án điện gió mà tỉnh Bình Định đang quy hoạch sẽ không làm mất rừng, mất titan của tỉnh. Đó là lời khẳng định của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, và được báo mạng Vietnamplus loan đi vào ngày 25 tháng 4.
Hình chụp từ video : Công an đàn áp người dân phản đối ở huyện Phù Mỹ, Bình Định hôm 18/4/2018 -Courtesy người dân cung cấp
Ông Dũng đưa ra thông tin này 4 ngày sau khi người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An thuộc huyện Phù Mỹ biểu tình phản đối việc dựng cột quan trắc gió vì nghi ngờ địa phương cho khai thác quặng titan gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Dũng, tỉnh Bình Định dự định sẽ quy hoạch điện gió với công suất 96 megawatt từ đây đến năm 2020 và 141 megawatt từ năm 2020-2030, với nguồn điện ước tính được lấy từ ba dự án sẽ đưa vào quy hoạch là Phương Mai 1, Phương Mai 3, Nhà máy điện Mặt Trời và điện gió Fujiwara Bình Định. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn đề xuất bổ sung thêm Nhà máy điện gió Mỹ An vào kế hoạch phát triển điện gió của tỉnh.
Nhà máy điện Mặt Trời được xây dựng ở Khu Kinh tế Nhơn Hội với diện tích 60 hecta và điện gió Fujiwara Bình Định được xây ở thôn Tân Canh, xã Cát Hải, dự tính từ 200-250 hecta. Hai dự án này do Nhật Bản đầu tư, với tổng công suất 100 megawatt, được Tổng công ty Cổ phần Thương mại và xây dưng Vietracimex khảo sát.
Trước đó, vào ngày ngày 18/4 hàng chục người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ An tập trung phản đối Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng Viettracimex lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ dự án điện gió. Người dân nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường. Người dân còn tràn lên quốc lộ một gây ách tắc giao thông trước khi công an giải tán.
Đến ngày 20/4, người dân địa phương bắt giữ 5 cán bộ địa phương gồm Bí thư, Chủ tịch xã Mỹ Thọ cùng hai cán bộ công an làm con tin trong trụ sở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để đòi thả 14 người dân bị công an được trang bị đã được huy động bắt giữ trước đó vì phản đối dự án điện gió. Đến ngày 21/4, chính quyền đã thả 14 người và người dân thả 5 con tin.
Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ, Mỹ An và Mỹ Thọ cho rằng người dân chưa nắm hết thông tin nên đã phản đối. Ngoài ra, chính quyền huyện Phù Mỹ nói rằng có nhiều khả năng có tổ chức nào đó đứng sau làn sóng phản ứng quy mô và có ‘bài bản’ của người dân hai xã.
****************
Hải sản quanh cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh chết hàng loạt (RFA, 25/04/2018)
Nước biển khu vực cảng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào rạng sáng ngày 24 tháng 4 đã chuyển sang màu xanh lục, cùng lúc hàng tấn hải sản trong bè nuôi của người dân thi nhau chết.
Hải sản nuôi bè của người dân quanh cảng Vũng Áng chết hàng loạt. Courtesy of Baodanhsinh
Truyền thông trong nước cho biết vào khoảng 5 giờ sáng, nước biển khu vực này chuyển màu xanh như nước chè đặc, sau đó các loại hải sản như cá mú, cá hồng, mực nhảy, tôm hùm, cua, ghẹ người dân nuôi chết hàng loạt. Có hộ mất đến vài ngàn con cá, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tin cũng ghi nhận hiện tượng tương tự xảy ra tại khu vực biển cách cảng Vũng Áng hàng trăm mét.
Ông Phạm Văn Hùng, trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Kỳ Anh cho biết đây là khu vực đang thi công nhiều dự án cầu cảng, cho đắp kè xung quanh, nên có thể khiến nước biển không lưu thông được, cộng với nước thải sinh hoạt từ những công trình này khiến nước bị thiếu ô xy. Ông Hùng cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến hải sản chết
Hiện tại cơ quan chức năng thị xã Kỳ Anh đã lấy mẫu nước và hải sản để kiểm nghiệm.
Khu vực Vũng Áng cũng chính là khu vực có nhà máy Formosa Hà Tĩnh mà vào năm 2016 đã xả thải ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh bắc Trung bộ, khiến hàng trăm ngàn hộ dân mất sinh kế, trong đó nhiều người phải bỏ nghề hải sản đi tha hương.
**************
Cá, mực nuôi bè gần Formosa chết vì ‘thiếu oxy’ (Người Việt, 25/04/2018)
Nhiều lồng bè cá, mực nuôi của các hộ dân tại khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, gần khu công nghiệp Formosa chết bất thường khiến người dân lo lắng.
Cá lồng bè bị chết tại cảng Vũng Áng, tuy chưa kiểm nghiệm nhưng được cơ quan chức năng xác nhận "do thiếu oxy cục bộ". (Hình : Báo Dân Việt)
Ngày 25 tháng Tư, nói với báo Dân Việt, các chủ bè nổi kinh doanh hải sản ở khu vực cảng Vũng Áng, tình trạng cá nuôi tại các lồng và mực chết rải rác từ rạng sáng 24 tháng Tư. Ngoài số cá, mực được người dân nuôi trong các lồng bè chết và có dấu hiệu đuối sức thì tại khu vực này không xuất hiện các loại cá tự nhiên chết.
Ông Nguyễn Văn Huy, chủ nhiều bè nuôi cá cho biết, rạng sáng 24 tháng Tư, đàn cá ông nuôi vẫn bình thường, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, một số loại như : cá mú, cá diêu hồng, các loại cá bớp giống, bị chết, một số con khác thì đang có dấu hiệu kiệt sức, nổi lờ đờ trên mặt nước và chết.
Xác nhận tình trạng cá chết bất thường ở khu vực cảng Vũng Áng, ông Phạm Văn Hùng, trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường thị xã Kỳ Anh cho hay, qua kiểm đếm ban đầu, cơ quan chức năng ghi nhận có khoảng 200kg gồm cá hồng, cá mú, cá bớp và 40kg mực bị chết. "Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này".
Theo ông Hùng, cá chết chỉ gói gọn trong khu vực 18 bè nổi người dân kinh doanh hải sản. Ngoài khu vực này thì tại các xã ven biển khác như Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Phương, khu vực cảng Sơn Dương "chưa ghi nhận tình trạng cá tự nhiên chết".
Nhiều hộ kinh doanh trên các bè nổi ở Vũng Áng, cho biết trước đây, khi chưa xây dựng các cầu cảng, khu vực bè nổi nước lưu thông khá dễ dàng. Tuy nhiên, từ khi xây dựng các cầu cảng, nhất là hiện nay nhà thầu đang thi công cầu cảng Hoành Sơn cùng các cầu cảng khác (phải đắp các đường ngăn) nên nước lưu thông rất ít. Ngoài ra, tại đây còn có các loại nước sinh hoạt, rác thải sinh hoạt của các lồng bè thải xuống nên thiếu ô xy cục bộ, làm cho thủy hải sản chết.
Chủ bè nổi Thanh Nhàn, kinh doanh mực nhảy cho biết, mấy ngày nay nước tại khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, nơi kinh doanh bẩn hơn những ngày thường. Đặc biệt, từ khi họ xây dựng cầu cảng số 3, 4 tại cảng Vũng Áng thì diện tích mặt nước bị thu hẹp dần.
"Một số lượng lớn cọc nhồi được đóng xuống đáy, xi măng sắt thép và các vật liệu xây dựng đổ xuống biển có thể là nguyên nhân xảy ra tình trạng cá nuôi trong lồng của chúng tôi bị chết ?", chủ bè nổi Thanh Nhàn nói.
Ông Hùng thừa nhận, khu vực các hộ kinh doanh, nuôi hải sản bị các đơn vị đang thi công cầu cảng cho đắp kè xung quanh, tạo thành một vũng kín nên nước biển không thể lưu thông ra vào được, cộng với nước thải sinh hoạt tại các công trình thải ra khiến nước bị thiếu ô xy. "Đây có thể là nguyên nhân khiến cá, mực nuôi bị chết", ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Phan Lam Sơn, phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh cho biết, Trung Tâm Quan Trắc của Sở Tài Nguyên Môi Trường phối hợp với Viện Công Nghệ và Môi Trường đang lấy mẫu nước biển tại khu vực này để đem đi phân tích để có kết quả chính xác nhất.
Tin cho biết năm ngoái, vụ cá chết ở khu vực cảng Vũng Áng đã tạo nên "cơn địa chấn" ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội ở địa phương. Năm nay, dù hiện tượng cá chết bất thường chỉ mới xảy ra trong môi trường nuôi nhưng cũng đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. (Tr.N)
*****************
Hậu quả của thảm họa Formosa Hà Tĩnh vẫn còn đó (CaliToday, 25/04/2018)
Ngày 24/04/2018 vừa qua, tại cảng Vũng Áng – Hà Tĩnh xuất hiện hiện tượng nước biển chuyển màu khiến hàng tấn hải sản của các hộ kinh doanh trong khu vực thi nhau chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ đến các hộ kinh doanh. Vụ việc khiến dư luận Việt Nam quan tâm đến thảm họa Formosa Hà Tĩnh vào tháng 04/2016, hậu quả cho đến nay một số doanh nghiệp bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù thỏa đáng …
Người dân cho rằng rất có thể việc xây dựng các cầu cảng đã ảnh hưởng đến môi trường nuôi nhốt cá. (Hình : Báo Dân Việt)
Báo chí nhà nước Việt Nam mà cụ thể ở đây là tờ báo Dân Sinh thuộc Cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội vào ngày 24/04/2018 cho biết, sáng cùng ngày các hộ kinh doanh hải sản tại cảng Vũng Áng -Hà Tĩnh phát hiện nước biển xuất hiện hiện tượng đang trong bỗng chuyển sang màu xanh lá cây và sau đó hải sản trong lồng bè như cá, tôm, cua, mực… thi nhau chết hàng loạt.
Mặc dù sau đó, các hộ kinh doanh đã dùng máy sục oxy sục nước để đẩy dòng nước màu xanh, cứu sống được một phần hải sản nhưng thiệt hại không tránh khỏi, ước chừng còn số hải sản chết lên đến hàng tấn, tương đương với số tiền cũng hàng tỷ đồng.
Báo chí Việt Nam ngày 25/04, tức là một ngày sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản thi nhau chết hàng loạt ở cảng Vũ Áng đã thông tin cho dư luận biết nguyên do có thể do thiếu oxy. Cụ thể báo chí Việt Nam đã dẫn lời ông Phạm Văn Hùng-Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Thị xã Kỳ Anh cho rằng sau khi nhận được tin báo về vụ việc thì phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường để kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm và nước gửi viện Khoa học môi trường thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường để phân tích. Theo nhận định ban đầu, do khu vực cảng kín, các cầu cảng số 3, 4 và 5 đang thi công dự án của Công ty cảng Quốc tế Lào- Việt nên gây ứ đọng, giảm khả năng lưu thông nguồn nước, có thể tác động đến môi trường nuôi, làm thiếu ô xy cục bộ nên khiến hải sản chết. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cũng có trích dẫn lời của ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng ban quản lý các hoạt động thi công Bến cảng số 3 kéo dài mấy tháng nay không có dấu hiệu gì cho thấy ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước.
Hiện tượng hải sản thi nhau chết hàng loạt tại cảng Vũng Áng- Hà Tĩnh vào ngày 24/04 vừa qua khiến dư luận như bị nhắc lại thảm họa môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào đầu tháng 04/2016, thảm họa đã gây thiệt hại nặng nề và trực tiếp cho ngư nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hải sản miền Trung.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số : 1880/QĐ-TTg ký vào ngày 29/09/2016 về việc Ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, và sau đó Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số : 309/QĐ-TTg ký vào ngày 09/03/2017 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số : 1880/QĐ-TTg nhưng qua trao đổi với Cali Today, một số doanh nghiệp ở huyện Lộc Hà- Hà Tĩnh cho biết đến nay họ đã nhận được một khoản đền bù thiệt hại nhưng không thỏa đáng, chẳng đáng là bao so với tổng thiệt hại mà Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Chủ một cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn huyện Lộc Hà tên H đã cho Cali Today biết :
"Thảm họa môi trường năm 2016 cơ sở của chúng tôi bị ảnh hưởng quá lớn hàng chục tỷ bạc. Cơ sở chúng tôi có hàng hải sản như ; khô, ruốc, nước mắm, sứa thì họ có đền 100% nhưng còn khô thì họ hỗ trợ 30%, còn ruốc và nước mắm thì chưa có gì cả. Chúng tôi còn thiệt thòi cả chục tỷ bạc".
Chủ cơ sở tên H cho Cali Today biết, tính từ thời điểm xảy ra thảm họa môi trường biển miền Trung 2016 cho đến nay, việc làm ăn của cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Người dân từ việc ngưng ăn hải sản rồi mạnh dạn ăn khoảng mấy chục % và hiện tại thì có vẻ như đang ngưng ăn trở lại. Rồi cơ sở kinh doanh còn chịu áp lực về các khoản nợ ở ngân hàng.
Chủ cơ sở H nói :
"Việc làm ăn giờ cũng khó khăn. Bây giờ môi trường bị thảm họa như vậy, người dân họ chưa dám ăn (hải sản) trở lại, người dân có ăn một chút thời gian nhưng giờ người dân đã ngưng trở lại. Chúng tôi làm ăn, buôn bán giờ thất quá nói chung không ăn thua. Tiếp nữa là bên phía ngân hàng, Thủ tướng đã có công văn cho khoanh nợ khó khăn thanh toán và cho hỗ trợ tiền lãi nhưng bây giờ chúng tôi chưa được một cái gì cả. Bây giờ các cơ sở như chúng tôi chỉ nhờ vào lãi suất ở ngân hàng chứ còn mà vay ở bên ngoài thì mức lãi suất cao quá chúng tôi không thể làm ăn gì được. Chúng tôi giờ vay ngân hàng thì họ đem chúng tôi vào nhóm nợ xấu trong khi khó khăn của chúng tôi do khách quan gây ra chứ đâu phải do ở chúng tôi".
"Chúng tôi bây giờ phải vay vợ bên ngoài để trả nợ ngân hàng mà họ cũng không xóa nhóm nợ xấu cho chúng tôi".
Đi nộp đơn khiếu nại có vẻ như không ăn thua, không riêng gì chủ cơ sở kinh doanh tên H cho biết những khó khăn mà cơ sở kinh doanh của mình đang đối diện, các chủ cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn huyện Lộc Hà cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các chủ cơ sở cho biết giờ chỉ còn trông chờ sự lên tiếng của báo đài, truyền thông đánh động đến Chính phủ và các cấp chính quyền phần nào, khó khăn của họ do Formosa Hà Tĩnh gây ra và không thể bồi thường theo kiểu "bố thí" vài ba đồng bạc, không thấm tháp vào đâu rồi bỏ mặc họ gánh chịu những hậu quả đầy rẫy những khó khăn.
Trong khi đó, tại Nghệ An vào ngày 24/04/2018, Tòa án tỉnh đã tuyên y án phúc thẩm 14 năm tù giam cho nhà hoạt động tích cực vì môi trường, chống Formos Hà Tĩnh là anh Hoàng Đức Bình.
Quê Hương
*****************
Mười cơ quan nhà nước ở Đắk Nông quỵt tiền ăn nhậu (Người Việt, 25/04/2018)
Tại huyện Krông Nô, hơn 10 cơ quan nhà nước ăn nhậu, tiếp khách với tổng số tiền gần 400 triệu đồng mà không trả, trong đó có đơn vị nợ đã hơn 10 năm.
Bà Nguyễn Thị Đông cho biết hơn 10 cơ quan nhà nước nợ tiền nhậu của quán bà nhiều năm không trả. (Hình : Báo Người Lao Động)
Nói với báo Người Lao Động ngày 25 tháng Tư, ông Trần Đăng Ánh, phó chủ tịch huyện Krông Nô, cho biết ủy ban huyện chỉ đạo thanh tra huyện và Phòng Nội Vụ phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc "nhiều cơ quan, đơn vị của huyện nợ tiền tiếp khách của quán nhậu".
Trước đó, bà Đinh Thị Đông, chủ quán nhậu Phương Đông, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, cho biết những năm qua, rất nhiều cán bộ, cơ quan hành chính nhà nước gồm ủy ban các xã, thị trấn và các phòng chuyên môn thuộc ủy ban huyện Krông Nô nợ tiền ăn nhậu tại quán của bà. Tính đến nay, vẫn còn hơn 10 đơn vị, cá nhân nợ tiền từ nhiều năm với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Cá biệt, có đơn vị nợ gần 10 năm định quỵt không chịu trả.
Theo danh sách bà Đông cung cấp, ủy ban xã Đắk Drô nợ 17.6 triệu đồng, ủy ban xã Tân Thành nợ 34 triệu đồng, ủy ban xã Nam Xuân nợ 40 triệu đồng, ủy ban thị trấn Đắk Mâm nợ 73 triệu đồng, Phòng Lao Động Xã Hội nợ gần 15 triệu đồng, Phòng Kinh Tế Hạ Tầng nợ 23 triệu đồng, Huyện Đoàn nợ 28 triệu đồng,…
Hóa đơn bán lẻ mà các cơ quan nhà nước nợ tiền tiếp khách. (Hình : Báo Người Lao Động)
Do khách đều là cán bộ làm trong cơ quan Nhà nước nên bà Đông tin tưởng cho "nhậu nợ". Thế nhưng, nhiều cán bộ cứ tới ăn nhậu hết lần này đến lần khác mà không chịu trả khiến khiến bà rất khó xử do thêm vào vốn kinh doanh. Sau khi số tiền nợ quá nhiều và bị bà Đông đòi, thì những đơn vị này không tiếp tục nhậu ở quán bà, trong khi lượng khách ngày một thưa dần. Trước tình trạng trên, bà Đông phải vay mượn bên ngoài để duy trì hoạt động của quán.
"Tôi kinh doanh thì phải nộp thuế, thuê người phục vụ…Trong khi đó, lượng tiền khách là các ủy ban, phòng ban của huyện nợ quá nhiều nên quán chỉ hoạt động cầm chừng, rơi vào cảnh khốn khó. Những năm qua, đã nhiều lần tôi liên hệ với đại diện những cơ quan nằm trong danh sách nợ để đòi tiền nhưng không được. Một phần số nợ đã tồn tại từ lâu, trong khi đó, bộ máy lãnh đạo tại các cơ quan hầu hết đều thay đổi, chuyển công tác nên họ cứ đổ lỗi cho nhau", bà Đông bất bình nói.
Để tránh dư luận, ông Ánh cho biết "không có chuyện huyện chi ngân sách cho các đơn vị tiếp khách nên sẽ làm việc với các đơn vị xem trách nhiệm của ai để xử lý, nợ của đơn vị nào, của cá nhân nào thì phải trả". (Tr.N)
*****************
Hà Tĩnh : Bắt xe container vận chuyển 5 tấn nầm heo thối (Người Việt, 24/04/2018)
Năm tấn nầm heo (vú heo) đã đổi màu, bốc mùi hôi thối được gói trong 100 thùng xốp đang trên đường vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Cán bộ quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra 100 hộp xốp chứa nầm heo thối trên xe container. (Hình : Báo Thanh Niên)
Năm tấn nầm heo (vú heo) đã đổi màu, bốc mùi hôi thối được gói trong 100 thùng xốp đang trên đường vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Sáng 24 tháng Tư, cơ quan Quản Lý Thị Trường Hà Tĩnh đã khám xét 100 thùng xốp chứa nội tạng lợn hôi thối, không rõ nguồn gốc từ một chiếc xe container đang vận chuyển vào miền Nam.
Trước đó, khoảng 20 giờ 40 ngày 23 tháng Tư, Quản Lý Thị Trường Hà Tĩnh phát hiện xe container do tài xế Nguyễn Ngọc Thắng (44 tuổi), trú Hà Nội, đang chạy trên quốc lộ 1 qua phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, nhà chức trách phát hiện trong 100 thùng xốp bịt kín, có chứa nầm heo với lớp bao bì in chữ nước ngoài. Toàn bộ lô hàng này đều đã bị đổi màu và bốc mùi hôi thối. Các giới chức đã yêu cầu ông Thắng đưa xe về thị xã Hồng Lĩnh để tiếp tục kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Thắng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến lô hàng và cho biết ông nhận chở số hàng từ một người buôn ở Hà Nội vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Lô hàng trên sau đó bị thu giữ và tiêu hủy.
Liên quan đến thực phẩm bẩn, báo Tuổi Trẻ chiều cùng ngày dẫn lời ông Nguyễn Văn Cường, viện trưởng Viện Kiểm Sát tỉnh Đắk Nông, cho biết đã nhận được đề nghị phê chuẩn lệnh "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp" từ cơ quan công an liên quan đến vụ nhuộm tạp chất cà phê với than pin Con Ó để trộn vào hồ tiêu của bà Nguyễn Thị Thanh Loan và chồng là Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi), thuộc xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra đã xác định được việc pha trộn tạp chất cà phê nhuộm than pin Con Ó với hồ tiêu để nhằm tăng trọng lượng hòng kiếm lời bất chính. Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành thu giữ khoảng 3 tấn hỗn hợp hồ tiêu bẩn.
"Việc các sản phẩm hồ tiêu từ cơ sở bà Loan đã bán ra thị trường chưa, bán đi những đâu thì vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ thêm. Đến nay chỉ mới xác định được việc bà Loan trộn phế phẩm nhuộm pin vào tiêu để tăng trọng lượng", ông Cường nói.
"Do vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan đã rời khỏi địa phương về quê ở Đồng Nai nên cơ quan công an phải quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Hiện đơn vị đang nghiên cứu hồ sơ để phê chuẩn quyết định này, còn việc khởi tố bị can thì cần nhiều thời gian nữa", ông Cường cho biết thêm. (Tr.N)
********************
Những ngày vừa qua dư luận cả nước, đặc biệt là giới yêu thích cà phê đã rất bức xúc và hoang mang về câu chuyện 1 cơ sở thu mua nông sản tại xã Đắkwer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông đã dùng phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin do Phòng cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng phát hiện từ ngày 15-17/4/2018.
Hạt cà phê sạch sau khi loại bỏ tất cả tạp chất (trái) và máy xay được mang đi theo để xay tại chỗ khi giao cà phê cho khách (phải). Cơ sở cà phê Nam Phát cung cấp.
Mỗi khi có một sự việc được ‘hé lộ’ ra công luận, không chỉ người tiêu dùng bức xúc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ khác, cho dù chính cơ quan chức năng chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Sự việc do báoTuổi Trẻ đưa ra đầu tiên vào ngày 16/4/2018, cho biết gia đình bà Nguyễn Thị Loan, ngụ tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã mua pin con ó, đập vỡ, lấy bột màu đen trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột.
Cho đến ngày 23/4/2018, cũng báo trong nước cho biết cơ quan chức năng đã đủ chứng cứ để khởi tố vụ án cà phê nhuộm than pin. Thế nhưng, theo Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, thì những tạp chất phát hiện ở cơ sở bà Nguyễn Thị Loan "được đưa vào thực phẩm nhưng không phải cà phê".
Tuy rằng câu chuyện được dư luận gọi là "cà phê nhuộm than pin" được chính những tờ báo khác trong nước cho rằng "còn nhiều nghi vấn và cần sớm làm sáng tỏ" thì bề nổi của sự việc vẫn gây hoang mang cho giới yêu thích cà phê và tạo ra những cơn sóng ngầm cho sự tồn tại của những cơ sở sản xuất cà phê trong nước.
Anh Nguyễn Khắc Hoàng, chủ cơ sở sản xuất cà phê sạch Nam Phát, ở Buôn Mê Thuộc, Đắk Lắk cho biết từ ngày vụ "cà phê nhuộm than pin" được báo chí đưa tin, các cơ sở sản xuất cà phê vừa và nhỏ ở Buôn Mê Thuộc gặp nhiều khó khăn, trong đó, có hoạt động kinh doanh của gia đình anh.
"Tôi là 1 cơ sở nhỏ, mà từ khi có thông tin về cà phê nhuộm pin thì đi đến đâu người ta cũng hỏi cà phê có pin không. Các công ty lớn như Trung Nguyên, Trường Giang thì người ta lớn, có uy tín, ít bị ảnh hưởng. Mình là cơ sở nhỏ, đi tới đâu người ta cũng hỏi".
Tâm lý của người tiêu dùng, trường hợp này là người uống cà phê bị hoang mang, lo sợ. Đó là lẽ tất yếu. Một chủ công ty rang xay cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với báo trong nước rằng : "Giới kinh doanh cà phê hiện nay bị ảnh hưởng rất nặng trước thông tin trên. Người tiêu dùng khi mua cà phê hạt lẫn cà phê bột đều hỏi rất kỹ trong cà phê có gì. Nhiều người thậm chí còn tẩy chay cà phê vì lo lắng !"
Ngay dưới những bài báo đăng tin về vụ cà phê nhuộm pin, rất nhiều phản hồi từ người độc viết rằng : "Giờ đây mỗi lần vào quán là sợ uống phải "cà phê pin".
Khi niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm không còn vì lý do chất lượng, thì theo qui luật kinh doanh, nhà sản xuất ra sản phẩm đó phải chịu hậu quả về thiệt hại kinh tế. Thế nhưng, vấn đề ở đây lại là một ảnh hưởng chồng chéo đến các cơ sở sản xuất đúng qui trình và chất lượng khác.
Theo lời anh Nguyễn Khắc Hoàng, để đối phó với cơn bão lòng tin của khách hàng, cơ sở Nam Phát của anh phải nghĩ ra hình thức giao hàng tốn kém hơn so với trước đây, về kinh phí lẫn thời gian.
"Trước đây là đóng gói thành phẩm sẵn rồi chở đi bán. Khi ảnh hưởng bởi cà phê pin thì mình không thể chở cà phê đóng gói đi được, phải chở tất cả là nguyên hạt, trên xe phải chở luôn máy xa, máy ép, máy đóng gói. Đi đến đâu xay đến đó người ta mới tin. Nó hơi khó khăn cho mình".
Đó là chưa kể đến gần đây, có nhiều đơn hàng đã được gửi đi nhưng do ảnh hưởng của vụ việc cà phê pin, tất cả đều bị gửi trả lại và cơ sở phải thay thế bằng cà phê còn nguyên hạt cho khách.
Một viên chức hiện đang công tác ở Ban Thanh tra, thuộc Sở Công thương, tỉnh Bến Tre cho biết có rất nhiều lý do để dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn. Điều đáng nói là những cơ sở bị nêu danh tính là sản xuất thực phẩm bẩn đa phần đều đáp ứng đúng điều kiện ở "đầu vào".
"Khi họ được việc đó rồi thì cũng có 2 trường hợp xảy ra, là họ không đạt điều kiện mà họ làm chui. Thứ 2 là thời gian đầu họ đảm bảo theo yêu cầu, nhưng trong quá trình kinh doanh vì hám lợi nên họ không đảm bảo điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh, dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện".
Cụ thể đối với vụ việc cà phê pin, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Văn Thị, chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho biết cơ sở của bà Nguyễn Thị Loan đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19/8/2016 về ngành nghề thu mua nông sản và ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện cũng thường xuyên kiểm tra và chưa phát hiện vi phạm của cơ sở của bà.
Vấn đề chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được vị viên chức trên giải thích :
"Nguyên nhân khách quan là lực lượng nó mỏng, không đủ để đi kiểm tra, rà soát đến từng ngõ ngách của các cơ sở. Rồi ngoài ra cũng có trường hợp thói quen của Việt Nam hễ có đơn thư mới làm, tức là phải có 1 cái đơn của cá nhân, tổ chức hay bất kỳ ai gửi tới".
Theo vị này, thời gian sau này, có những vụ việc chỉ cần dư luận bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội thì cơ quan quản lý vẫn đưa ra chỉ thị cho cơ quan chức năng tập trung xử lý.
Bên cạnh đó, một lý do khác nằm ở phía chính người tiêu dùng được vị viên chức này giải thích qua ví dụ của vụ tẩm trắng bún :
"Những nơi bị ‘đánh’ thì ban đầu họ bị phạt rất nặng. Sau đó hàng đúng chuẩn của họ, không có hóa chất thì lại không được thị hiếu của người dân. Họ nói bún đen, bẩn, nên tìm những cái trắng mà mua. Cũng do người tiêu dùng không thông thái. Cho nên gần đây mới có chuyện kêu gọi người tiêu dùng thông thái để bảo vệ mình trước".
Vấn đề này cũng được anh Nguyễn Khắc Hoàng, chủ cơ sở cà phê sạch Nam Phát cho biết chính người mua cà phê cũng có tâm lý cho rằng cà phê phải đen thì mới ngon. Do vậy mà xảy ra vụ việc dùng hóa chất khoác áo màu cho bột cà phê.
"Do người tiêu dùng của mình đó. Nếu cà phê sạch của mình thì khi chế ra không có đen thui, đen ngòm. Hạt cà phê cũng không có màu đen hay mùi là lạ. Do người dân ở đó không biết thế nào mà đòi uống phải đen, phải đậm phải đặc. Chỉ cần cà phê sạch hay không sạch nhìn bằng mắt thường là biết. Hạt cà phê rất bình thường và thơm".
Vụ án "Cà phê pin" chỉ là một sự việc trong rất nhiều những câu chuyện về thực phẩm bẩn được báo chí trong nước phơi bày. Cũng như dùng pin làm 1 công cụ để đẩy nhanh thời gian luộc bắp từng bị nhóm phóng viên trong nước điều tra năm 2013. Hàng loạt những cở sản xuất bún dùng chất huỳnh quang để tẩy trắng. Liên tiếp những thông tin, hình ảnh do người dân phát hiện đưa lên mạng xã hội cho thấy cây trái được tẩm hóa chất hoặc chích thuốc tăng trưởng trực tiếp cho mau chín…
Tất cả những điều đó được gọi chung bằng một câu nói, nặng như một bản án, đó là "người Việt đang giết người Việt".
********************
Bắt giữ 5 người liên quan đến việc dùng pin để nhuộm cà phê (RFA, 24/04/2018)
Công an tỉnh Đắk Nông quyết định khởi tố và bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến việc dùng pin con ó để nhuộm cà phê.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, 1 trong 5 người bị tạm giữ. Courtesy of CAND
Đây là thông tin được báo Dân Trí loan đi vào ngày 23 tháng 4 năm 2018.
Theo báo Dân Trí, năm người bị bắt giữ gồm bà Nguyễn Thị Thanh Loan-chủ cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin, cùng chồng bà là ông Nguyễn Xuân Bảo, và anh Ngô Ngọc Sơn-người trực tiếp làm việc tẩm than pin cho cà phê, cùng 2 người khác.
Trao đổi với truyền thông trong nước, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã đủ chứng cứ để khởi tố những vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ theo điều 317 Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, khi Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đến cơ sở thu mua nông sản của bà Loan từ ngày 15-17/4, đã thấy được hoạt động trộn lẫn dung dịch nước và bột pin con ó để ngâm nhuộm những tạp chất cà phê, bột đá. Đồng thời thu giữ được nhiều tang vật tại đây như thùng đựng vỏ pin, nước pha bột pin, và 21 tấn tạp chất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ra chỉ thị yêu cầu cơ quan công an tỉnh Đắk Nông nhanh chóng điều tra, khởi tố vụ việc đại lý nông sản sử dụng than pin nhuộm các tạp chất cà phê.