Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương : nếu không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể (RFA, 03/04/2020)

Trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, nếu dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản, không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn.

thualo1

Hình minh họa. Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai - Courtesy of daplaocai.com.vn

Báo trong nước loan tin ngày 3/4 trích phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương diễn ra cùng ngày.

Cụ thể, ông Trương Hòa Bình khẳng định Nhà nước không phải tiếp tục gánh nợ treo lơ lửng từ các dự án. Do đó cần đánh giá kỹ dự án nào phát triển được thì đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Còn dự án nào cần liên doanh, bán đứt hoặc cho thuê tài sản thì tìm kiếm, kêu gọi các đối tác hợp tác, vận hành dự án. Đối với những dự án thua lỗ, nếu có thể thì cho giải thể, phá sản, không để kéo dài đeo đẳng.

Danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình ; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc ; Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Dự án nhà máy thép Việt-Trung ; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ ; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi ; Dự án sản xuất Nhiên liệu học sinh Bình Phước ; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu học sinh Phú Thọ ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trong đó, hiện chỉ có 2 dự án có lãi là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt-Trung ; 4 dự án đang khắc phục khó khăn, giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Ngoài ra, trong 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, hiện Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành lại. Hai dự án đủ điều kiện vận hành nhưng do điều kiện thị trường khó khăn nên chưa thể khởi động là nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.

Để cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Được biết, đây đều là các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào cung cầu, ngân sách nhà nước.

*******************

Cáp quang biển đứt vào những dịp đặc biệt, nhạy cảm ! (RFA, 03/04/2020)

Những ngày gần đây, người dùng internet tại Việt Nam nhận thấy đường truyền kết nối mạng internet trong nước bị chậm đi, chủ yếu do tuyến cáp quang biển AAG (Asia-America Gateway) bị đứt.

thualo2

Minh họa : Người dùng internet truy cập trang Facebook về thông tin truyền thông của chính phủ Việt Nam. Reuters

Vai trò quan trọng của internet trong mùa dịch bệnh

Blogger, nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội vào chiều tối ngày 3/4 thừa nhận việc cáp quang bị đứt ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sinh hoạt và đời sống của người dân như ông và đồng thời cũng ảnh hưởng đến chiến dịch chống sự lây lan của coronavirus chủng mới của chính phủ Việt Nam :

"Nhà nước thì bây giờ cũng không phải về vấn đề nhân sinh nữa, mà các quan hệ, làm ăn kinh tế cũng dựa vào cái đường truyền này. Nhà nước cũng tuyên truyền, phổ biến chương trình chống virus cũng phụ thuộc vào mạng internet, thế bây giờ nó lại chậm, thì rõ ràng là nó ảnh hưởng quá đi cả kế hoạch của nhà nước nữa, chứ không phải chỉ cái sinh hoạt của người dân trong đời sống, cũng như trong phòng chống sự lây lan của virus corona".

Trong khi đó theo anh VTL, chuyên viên về cơ sở hạ tầng và bảo mật thông tin mạng, thì về nguyên tắc có rất nhiều đường truyền mạng internet ; ngoài cáp quang ra, con có đường vệ tinh, nên khi có đường truyền nào không được ổn định, các nhà cung cấp mạng sẽ chuyển hướng sang những đường truyền khác :

"Hướng đi đường truyền có nhiều hướng lắm, như qua Singapore, qua đường này, đường kia, v.v, đi qua nhiều nơi. Mà thông tin nó đặt ra ở những nơi khác nhau, thì nó sẽ đi theo hướng khác nhau. Ví dụ như (đường đi của thông tin) hiện tại trong nước thì không bị ảnh hưởng gì, còn đường đi thông qua Singapore hay quốc tế, Châu Âu thì nó vẫn đi bình thường. Còn đường đi chung ở ngoài kia (như Mỹ) nó mới bị chậm".

Cáp quang bị đứt xảy ra thường xuyên tại Việt Nam

Theo quan sát của nhà báo Phạm Thành, việc cáp quang bị đứt gây ra đường truyền internet bị chậm thường xuyên xảy ra tại Việt Nam ; điều này ảnh hưởng đến việc truy cập vào những trang thông tin báo chí như BBC, RFA và cả chính trang blog cá nhân của ông :

"Nó không những là do bị đứt, cắt mà sự can thiệp của cơ quan truyền thông của Việt Nam ngăn khu vực này, ngăn khu vực kia ; rồi ngăn đối tượng này, ngăn đối tượng kia về cách gì đó về mặt kỹ thuật tôi không rõ, nhưng rõ ràng những người bị chặn như tôi cũng đông lắm, không phải chỉ về vấn đề kỹ thuật do sự cố, mà nó còn là sự tắt nghẽn, can thiệp của nhà nước nhằm ngăn cản quyền tự do ngôn luận của công dân, chứ nó không phải là vấn đề sự cố kỹ thuật đâu".

Theo ông Thành, hiện tại vẫn chưa có thông tin hoặc thông báo của cơ quan chức năng về việc sẽ mất bao nhiêu ngày để khắc phục sự cố cáp quang bị đứt này.

Cùng ngày, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho biết hiện tượng đường truyền internet bị chậm lại gần đây đã ảnh hưởng đến thông tin liên lạc về biện pháp phòng chống dịch :

"Những lần trước họ cứ hay giải thích là bị đứt cáp quang, mặc dù chưa biết nguyên nhân nó bị chậm, nhưng mà tôi đánh giá đường truyền internet chậm như thế này nó có ảnh hưởng một phần thông tin liên lạc trong công cuộc phòng chống lại dịch cúm Covid-19".

Anh VTL cho biết, khi đường truyền internet bị chậm đi do đứt cáp quang, phía cơ quan chức năng không trực tiếp giải quyết mà việc này nằm trong hoạt động quản lý của nhà cung cấp dịch vụ mạng ; những nhà cung cấp này sẽ tính toán đường đi của dữ liệu mới có thể lên kế hoạch sắp xếp, xử lý và tìm hướng khác cho đường truyền internet.

Thông tin minh bạch và kịp thời là cần thiết trong mùa dịch bệnh

thualo3

Minh họa : Nhà hoạt động Anh Chí truy cập internet tại quán cà phê Tự Do (Freedom) ở Hà Nội. Reuters

Theo ý kiến của nhà báo Phạm Thành, việc đưa thông tin kịp thời và minh bạch rất quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm có dịch Covid-19 như hiện nay :

"Công khai minh bạch có nghĩa là phải trung thực, phải khách quan. Đấy, tức là sự kiện nó xảy ra như thế nào, thì mình nói đúng như thế. Công khai, minh bạch theo cái tinh thần đó thì nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay chưa làm được".

Cũng theo ông Thành, Việt Nam cần có một cơ quan truyền thông độc lập và tự do báo chí để quan sát, đưa tin đến công chúng thay vì chỉ dựa vào thông tin từ truyền thông có sự kiểm soát của nhà nước và chính quyền :

"Cho nên bây giờ người ta phải tự nghe rồi tự chọn lọc cái gì là đúng, cái gì là sai. Chứ bây giờ họ chẳng tin vào truyền thông của nhà nước đâu, vì truyền thông không có sự đối lập, nền báo chí không có tự do. Đưa tin thường là theo định hướng, ví dụ như con số bao nhiêu người bị dịch, bị bệnh, các cơ quan liên quan đâu được tự do đưa đâu. Nhà nước ra quy định chỉ có Bộ Y tế mới được quyền đưa ra thông báo người này bị nhiễm virus dương tính hay là không, còn những cơ sở, bệnh viện không có quyền đưa ra".

Nhà báo Võ Văn Tạo có đưa ra ví dụ cụ thể về trường hợp của một nhân viên lễ tân tại một khách sạn ở Khánh Hòa, cách nhà ông chỉ khoảng vài trăm mét, bị lây nhiễm coronavirus từ du khách đến từ Vũ Hán vào tháng 1 vừa rồi, nhưng hơn một tuần sau mới có công bố dịch tại tỉnh Khánh Hòa :

"Sau này tôi mới biết là họ có những quy định, nếu muốn công bố những ca nào có bệnh nhân bị dương tính, tiếp theo là bước công bố có dịch phải qua những quy trình rất lằng nhằng ; y tế địa phương phải báo cáo lên lãnh đạo địa phương ; sau đó lãnh đạo địa phương họp để thông báo ra ngoài Bộ.

Về ca của cô nhân viên tiếp tân ở tỉnh Khánh Hòa này, ông Thứ trưởng của Bộ phải đích thân lên bệnh viện đó rồi gặp gỡ lãnh đạo Y tế để họ báo cáo ra ngoài Bộ, rồi từ Bộ họ mới gửi ý kiến đến văn phòng chính phủ. Lúc đấy văn phòng chính phủ mới có chỉ đạo là yêu cầu Bộ Y tế công bố ra là có dương tính, đồng thời công bố luôn là tỉnh Khánh Hòa có dịch".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng khi có dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam muốn quản lý thông tin đó để cân nhắc xem thông tin có thể gây hoang mang cho xã hội như thế nào và có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngoại giao hay không. Tuy vậy, ông Tạo cho biết quan điểm của mình rằng không thể dựa vào những cân nhắc đó để chần chờ trong việc công bố kết quả dịch bệnh, vì có thể dẫn đến hậu quả lây lan nghiêm trọng trong cộng đồng :

"Trước sau tôi vẫn quan niệm rằng là, thông tin nếu tính dưới gốc độ quyền lợi xã hội, càng đầy đủ, càng nhanh chóng, càng chính xác thì càng tốt. Tôi nghĩ vì bất cứ lý do gì việc chậm chạp của internet bị nghẽn đường truyền thông tin nó cũng ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội trong nước, chứ không chỉ riêng về chuyện chống dịch".

Các tiếng nói phản biện, giới đấu tranh, hoạt động cho nhân quyền- tự do-công bằng xã hội tại Việt Nam từng cho biết vào một số dịp đặc biệt đường truyền Internet chậm hay không thể truy cập vào mạng được. Một giải thích từ phía cơ quan chức năng mà họ được nghe là tuyến cáp quang đi qua biển bị cá mập cắn đứt !

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam