Đáng lo khi Công an tùy tiện "bóp cò" (RFA, 01/11/2019)
Một vụ công an bắn dân
Trong những ngày cuối tháng 10, Đài RFA nhận được những chia sẻ của anh Trần Quốc Công, sinh năm 1985, ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An kể về vụ việc anh bị công an xã bắn vào khuya ngày mùng 3 tháng 10.
Anh Trần Quốc Công chỉ vào chỗ bị công an bắn khi kể lại vụ việc xảy ra vào khuya hôm 03/10/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình video citizen
Anh Công cho biết anh cùng một người nữa tên là Toàn đi soi chuột trên một chiếc vỏ lãi vào tầm 12 giờ đêm. Khi đang chạy trên kinh 750 quẹo về hướng kinh 79 thì có một chiếc vỏ lãi khác cũng có các dụng cụ đi soi chuột, chích cá giống như của anh chạy theo.
Trong lúc hoang mang không biết vì sao chiếc vỏ lãi có 2 người đàn ông cứ chạy theo sau trong đêm khuya, thì bất chợt lúc dừng lại tại một nhà dân, anh Công và anh Toàn bị người đàn ông trên chiếc vỏ lãi kia cầm vợt cá đánh vào đầu. Hai người phản xạ bằng cách cầm dầm đưa lên đầu đỡ. Sau đó, người đàn ông mặc áo khoác đã đánh anh Công và anh Toàn bất thình lình rút súng ra. Anh Công hồi tưởng lại :
"Mình là dân thì thấy súng là sợ lắm rồi. Rồi em giơ tay thẳng đứng lên, mình đầu hàng vô điều kiện đó. Thật sự thấy súng là mình sợ rồi. Sau đó thì mũi của vỏ lãi bên kia tới ngay mũi vỏ lãi của tôi và bắn một cái đùng vô mũi vỏ lãi. Tôi thấy sợ quá nên mới ngồi xuống và tôi ôm tay vô bụng. Anh cầm súng lúc đó tiến sát gần vỏ lãi và chĩa súng bắn thẳng vào bụng trổ viên đạn ra sau lưng. Khi đó tôi bị văng xuống sông. Rồi tui lòm còm bò lên và nói rằng ‘Mấy anh bắn trúng tôi rồi. Bây giờ các anh phải đem tôi đi nhà thương, chứ không tôi mất máu tôi chết’. Tôi vừa bò và vừa nói như vậy. Nhưng người cầm cây súng bắn tôi đã xô cái vỏ lãi ra và chạy vỏ lãi bỏ đi".
Anh Trần Văn Công nhấn mạnh rằng khi xảy ra vụ việc, anh Công không biết người bắn mình là công an, cứ tưởng cũng là những người đi soi chuột, chích cá giống mình và gây sự do có hiềm khích.
Mặc dù người bắn anh Công chạy bỏ mặc lời kêu cứu, nhưng anh Công đã được anh Toàn đưa đến bệnh viện ở thị xã Kiến Tường ngay trong đêm khuya. Sau đó, được chuyển đến bệnh viện tỉnh Long An và chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn để mổ và điều trị vết thương.
Truyền thông trong nước, vào ngày 11 tháng 10, dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Tân Thạnh, ông Trần Văn Thước xác nhận người bắn anh Trần Văn Công là ông Đặng Văn Em, Trưởng Công an xã Nhơn Hòa Lạp. Chủ tịch huyện Tân Thạnh cho biết theo báo cáo thì lực lượng tuần tra đã phát hiện hai người dùng vỏ lãi, bình sung điện đánh bắt thủy hải sản nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Do không chấp hành mà bỏ chạy nên trong quá trình truy đuổi, Trưởng Công an xã là ông Đặng Văn Em đã bắn nhiều phát chỉ thiên cảnh cáo và sau đó khi áp sát được vỏ lãi của anh Công thì đã bắn trúng bụng.
Vào tối ngày 31 tháng 10, chúng tôi liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hòa, là luật sư giúp đỡ miễn phí cho anh Trần Quốc Công về pháp lý và được ông cho biết đã gửi đơn tố cáo hành vi bắn người của ông Trần Văn Em, Trưởng Công an xã Nhơn Hòa Lạp.
"Tôi đang thay mặt cho anh Công làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của ông Đặng Văn Em, Trưởng Công an xã Nhơn Hòa Lạp về tội cố gây thương tích và bỏ nạn nhân trong tình trạng đang nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đã đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Long An để trình đơn truy tố vụ án hình sự và truy tố bị can đối với Đặng Văn Em. Công an ở Phòng Cảnh sát Hình sự đã nhận đơn của tôi và hứa sẽ trả lời cho tôi sớm".
Luật sư Nguyễn Văn Hòa cho RFA biết thông tin mới nhất mà ông nhận được là ông Đặng Văn Em vừa bị Công an tỉnh Long An đình chỉ công tác vào ngày 28/10/19.
Công an, cảnh sát cơ động Việt Nam. Ảnh minh họa - AFP
Người dân sợ hãi
Đài RFA cũng ghi nhận vụ việc Phó trưởng Công an xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là ông Phạm Hồng Tuyền đã rút súng dọa bắn người dân và bị ghi hình, lan truyền trên mạng xã hội vào hồi trung tuần tháng 10.
Báo Thanh Niên Online, vào ngày 15 tháng 10, dẫn lời Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh xác nhận đoạn clip lan tuyền liên quan vụ việc vừa nêu là xảy ra trên địa bàn xã Tiên Lãnh và ông Phạm Hồng Tuyền rút súng dọa bắn là do quá bức xúc để tự vệ, "chứ thực chất không có vấn đề gì cả".
Từ cuối tháng 11 năm 2016, quyết định trang bị vũ khí cho công an xã đã được Quốc hội Việt Nam bàn thảo ở nghị trường với nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bởi vì đây không phải là lực lượng chính quy.
Tuy vậy, vào hạ tuần tháng 6 năm 2018, truyền thông quốc nội cho biết ngoài súng bắn đạn cao su, áo giáp, dùi cui điện, công an xã, phường, thị trấn còn được xem xét trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên… còn công an huyện, quận, thị xã, thành phố được trang bị súng ngắn, súng cối, súng tiểu liên, súng trường, súng đại liên, chống tăng, súng máy phòng không, trực thăng vũ trang…
Mới nhất vào ngày 1 tháng 11, báo giới dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết đã ký phê duyệt cảnh sát cơ động đặc nhiệm được trang bị, sử dụng trực thăng cảnh sát để truy bắt tội phạm và xử lý các tình huống đảm bảo an ninh trật tự.
Qua trao đổi với một số người dân ở Việt Nam, trước những thông tin liên quan lực lượng công an, cảnh sát ngày càng được trang bị nhiều vũ khí như vừa nêu, thì đa phần đều tỏ ra lo lắng, bởi vì họ quan ngại tình trạng lạm quyền của ngành công an sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước được như 2 vụ việc xảy ra tại Long An và Quảng Nam mà RFA vừa đề cập trên đây.
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng việc huấn luyện cũng như trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng công an, cảnh sát từ cấp xã trở lên là việc cần thiết theo nhu cầu phát triển của xã hội, thế nhưng :
"Đối với lực lượng công an thì vũ khí trang bị ở mức độ vừa phải. Nhưng vừa rồi họ có những yêu cầu trang bị súng trung liên hay súng liên thanh già đấy… Thậm chí họ định thành lập cả đội không quân riêng của ngành công an nữa. Tôi cho rằng những yêu cầu như thế là thái quá vì không cần thiết cho tình hình an ninh trật tự hiện nay và truyền thống của ngành công an, cảnh sát thì cũng không cần trang bị tới mức độ như vậy. Chủ trương họ định làm, tuy chưa làm là trang bị vũ khí hạng nặng hơn với mức độ sát thương cao hơn là thái quá".
Luật sư Đặng Đình Mạnh còn cho rằng dân chúng sẽ có tâm lý sợ hãi đối với những cuộc trấn áp do công an, cảnh sát thực hiện, có thể xảy ra cho họ với mức độ ngày càng mạnh tay hơn trong tương lai.
*****************
Dự án Cát Linh – Hà Đông, hẹn đến bao giờ... (RFA, 01/11/2019)
Hôm 28/10/2019, tổng thầu EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết 5 ngày sau (2/11), họ sẽ cho tuyến Cát Linh - Hà Đông chạy thử tích hợp và cam kết sẽ hoàn thành 100% hạng mục, đủ điều kiện bàn giao chủ đầu tư trước ngày 31/12/2019 sau nhiều lần khất hẹn.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử nghiệm. AFP
Phải có biện pháp chế tài
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng nói, phía tổng thầu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ thì bộ này mới phê duyệt cho chạy thử tích hợp, tuy nhiên đại diện tổng thầu Trung Quốc cho rằng cho dẫu Bộ Giao thông và vận tải không chấp nhận, việc chạy thử vẫn được tiến hành và tất cả hồ sơ trong quá trình này sẽ được lưu lại để bàn giao cho Bộ (nguồn Vietnamnet).
Trong khi đó vào ngày 1/10 đại diện đơn vị kiểm định độc lập Apave Pháp cho rằng, 50% hồ sơ của dự án cần xem xét lại nên phải thêm 6 tháng nữa, nghĩa là phải đến tháng 4/2020, dự án mới có kết quả đánh giá an toàn kỹ thuật.
Chính quyền Việt Nam sẽ làm gì khi tổng thầu EPC Trung Quốc kiên quyết bác ý kiến của Bộ Giao thông và vận tải, tiến hành chạy thử & bàn giao dự án vào tháng 12 ? Vấn đề an toàn kỹ thuật sẽ được đánh giá ra sao ?
Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện kinh tế tài chính Việt Nam, khi trao đổi với RFA cho biết :
"Về quy trình an toàn chạy tàu thì rất nghiêm trọng, vì không có cái đó thì ai dám chạy. Cho nên phía Việt Nam và Trung Quốc phải có thống nhất với nhau để từ đó có an toàn chạy tàu, để thông tuyến. Vì từ trước đến nay đã chạy thử có tải và không tải rồi, vấn đề cần là quy trình, để đảm bảo nếu thực hiện đúng quy trình đó thì an toàn".
Đây là dự án được kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, hôm 1/11 đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :
"Tôi nghĩ phía chủ đầu tư phải hết sức chủ động. Tôi được biết là qua những lần trước, phía chủ đầu tư đã đòi hỏi công ty Trung Quốc phải bàn giao các hồ sơ, mà cho đến bây giờ chưa thấy bàn giao. Và phía chủ đầu tư cần phải tích cực giám sát kịp thời chất lượng, để nếu phát hiện ra những thiếu sót, thì lúc bấy giờ bắt phía công ty Trung Quốc, hoàn chỉnh bổ sung, và sửa chửa lại. Tức là từ nay cho đến 31/12/2019, theo tôi là cuộc đua đối với thời gian để bảo đảm chất lượng của công trình này".
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13 km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông AFP
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho biết thêm :
"Tôi cứ hy vọng thôi, hy vọng là tổng thầu Trung Quốc sẽ phải chuyển giao, bởi vì dự án đó đã đội vốn quá nhiều, và đã lùi quá nhiều mốc thời gian rồi, cần phải thực hiện được mốc này. Nếu phía tổng thầu Trung Quốc không thực hiện được mốc thời gian đã hứa này, thì tôi đề nghị chủ đầu tư nên có biện pháp chế tài, hoặc hình phạt nhất định nào đấy, đối với công ty Trung Quốc đang thực hiện dự án này".
Tuy nhiên, ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, người rất quan tâm đến dự án này, lại tỏ vẻ nghi ngờ về cam kết của tổng thầu Trung Quốc liên quan dự án Cát Linh – Hà Đông :
"Câu đó cũng chưa thể hiện cái gì một cách chính xác, bàn giao là bàn giao hoàn thiện hay bàn giao thực tế. Nếu bàn giao thực tế là có thế nào giao thế đấy thì là chuyện khác, còn bàn giao hoàn thiện thì anh phải chạy ngon lành, phải bảo hành, giống như tôi bàn giao cho anh cái xe hư hỏng gì thì tôi phải sửa chữa. Phải đảm bảo 99,9%, tức là phải có lòng tin, còn bàn giao thực tế thì dễ lắm, quan trọng là nội dung bàn giao như thế nào ? "
Vay vốn Trung Quốc – bài học nhãn tiền
Theo truyền thông trong nước, hôm 1/11/2019, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Bộ Giao thông và vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. 8 năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD).
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, con số gần 14 ngàn tỷ đồng vay Trung Quốc cho dự án Cát Linh – Hà Đông vừa được công bố, là con số lớn nhất từ trước đến nay mà ông được biết, lớn hơn các con số trước đây từng có công bố. Liệu việc vay Trung Quốc với số tiền quá lớn cho dự án này có gây bất lợi cho tiến trình bàn giao dự án hay không, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :
"Điều này thì tôi không rõ lắm, nó tùy thuộc vào hợp đồng đã ký kết. Nếu hợp đồng đã ký kết có quy định về số giá thành, thì nếu đội giá thành lên thì phải có chế tài. Nhưng vấn đề là hợp đồng cho đến nay chưa được công khai".
Theo phán đoán của ông Trần Bang, rõ ràng hợp đồng này bất lợi cho phía Việt Nam, ông cho biết nguyên nhân :
"Do trình độ của các bộ quản lý dự án của Việt Nam kém, để cho Trung Quốc cài nhiều điều bất lợi. Những điều này mà ra trọng tài quốc tế chẳng hạn thì Việt Nam sẽ bị thua thiệt. Vì vậy Trung Quốc cứ chây ỳ ra, đổ lỗi cho phía Việt Nam, ra tòa quốc tế thì Việt Nam sẽ bị thua. Cái này có nhiều nguyên nhân, vì cứ nghĩ là đồng chí với nhau là tốt. Đi vay mà cứ nghĩ là họ cho, cho gì phải chấp nhận cái đấy, chấp nhận cả điều kiện trong hợp đồng, mà không kiểm soát kỹ".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi ký hợp đồng phải minh bạch, chặt chẽ, và quan trọng người duyệt hợp đồng phải bàn đến nơi đến chốn. Chẳng hạn theo ông, nếu không quy định xử phạt thì tổng thầu Trung Quốc có quyền từ chối, cứ đổ qua đổ lại thì cuối cùng công việc sẽ bị trì trệ.
Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, vì chúng ta vay vốn của Trung Quốc nên họ được quyền chỉ định nhà thầu, chỉ định giám sát và đến bây giờ thì kéo dài. Theo ông, đây là bài học rất đau xót, và Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trong việc vay vốn Trung Quốc, rất mong là sẽ không bao giờ bị lặp lại lần nữa.
*******************
Dự án thua lỗ vì vướng tranh chấp hợp đồng EPC : Lỗi do đâu ? (RFA, 01/11/2019)
Tổng thầu EPC (viết tắt của Engineering, Procurement and Construction) là tổng thầu thực hiện hợp đồng EPC đảm nhiệm tất cả các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư. Thường hợp đồng EPC của mỗi dự án sẽ có những ràng buộc khác nhau tuy nhiên tựu trung là đơn vị tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm đến cuối các dự án đã được giao.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. AFP/ RFA Edited
Tại sao nhà thầu "làm khó" chủ đầu tư ?
Chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho RFA biết nhận định của ông xung quanh vấn đề này, ông nói :
"Hợp đồng EPC là hợp đồng giao khoán về Tổng thầu toàn bộ công trình và bàn giao. Vì vậy hợp đồng này rất là cẩn trọng giữa chủ đầu tư và bên thực hiện đầu tư này nếu như hợp đồng sơ xuất thì bên phía chủ đầu tư sẽ chịu các thiệt thòi do những sơ hở trong hợp đồng đó tạo ra. Thì người được giao đầu tư, giao khoán đầu tư sẽ bàn giao công trình trọn gói để có thể sử dụng được ngay. Nếu công trình đó không đáp ứng được chất lượng thì đó là một vấn đề việc đã rồi sẽ rất khó xử lý".
Ngoài ra, tiến sĩ Lê Đăng Doanh còn cho hay, theo các hợp đồng EPC sẽ có những quy định rất là nghiêm ngặt, rõ ràng và những chất lượng của công trình, thời gian bàn giao, quá trình giám sát cũng như hội đồng nghiệm thu và nếu như các yêu cầu đó không được thực hiện thì bên chủ đầu tư sẽ không chấp nhận hợp đồng này.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – người từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhận định về những vướng mắc của Việt Nam, đặc biệt dự án Cát Linh-Hà Đông và các dự án thua lỗ của Bộ Công thương do vướng tranh chấp trong các hợp đồng EPC là : chắc chắn trong các hợp đồng vay vốn có quá nhiều sơ hở. Bà giải thích thêm :
"Thông thường những dự án này là Việt Nam vay vốn của Trung Quốc mà theo hợp đồng vay vốn thì họ sẽ chỉ định thầu nên thành ra tổng thầu EPC là do họ chỉ định, như trường hợp đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một công ty chưa bao giờ có kinh nghiệm làm cả coi như họ cho luôn công ty của họ lấy Việt Nam làm nơi để thử nghiệm thử xem có làm được không, trình độ kém thì nó kéo dài trong bao lâu, hồ sơ chứng từ cũng không đầy đủ rồi đủ các thứ trò xảy ra, vốn thì lại đội lên mà đội lên thì lại vay thêm của Trung Quốc thành ra cứ bị ở thế phụ thuộc vào họ hoài. Họ (tổng thầu TQ-pv) dùng hết cách này cách kia để mà họ ép them, mà càng kéo dài càng tăng vốn thì họ càng có lợi. Tôi chắc rằng trong hợp đồng ký kết Việt Nam có nhiều sơ hở. Đó là, trong đó không có điều (khoản-pv) mà thường trong các hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau bao giờ cũng là thưởng và phạt, nếu làm tốt, đạt chất lượng vượt thời gian, tiết kiệm thì được thưởng còn nếu kéo dài, chất lượng kém thì bị phạt. Mà Việt Nam không những không phạt được Trung Quốc mà còn tự mình chịu để cho họ phạt bằng cách tăng vốn lên rồi kéo dài thời gian, nên tôi nghĩ hợp đồng đó có rất nhiều thứ sơ hở".
Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan còn cho rằng, những người làm ở Bộ Giao thông và vận tải đã làm rất nhiều dự án, kể cả việc vay vốn ODA với ngân hàng thế giới và nhiều đối tác khác, nhưng vẫn không học được kinh nghiệm để ứng dụng trong hợp đồng với Trung Quốc, là điều thật sự không hiểu nổi.
Luật ràng buộc không chặt
Như vậy quy định pháp luật Việt Nam có các điều kiện ràng buộc pháp lý như thế nào trong các hợp đồng tổng thầu EPC nếu các tổng thầu không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu ? Và, kẻ hở pháp lý nào là lý do khiến tổng thầu EPC có thể "làm luật" với đối tác Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích về vấn đề này :
"Chắn chắn trong các gói thầu và các hợp đồng đấu thầu đó đều có những quy định trong trường hợp nhà thầu không đạt được tiêu chí, không đạt được thời gian hoàn thiện, chất lượng không được bảo đảm… thì thường thường trong những cái hợp đồng thầu thì đều có những cái quy định nhưng vấn đề là khi sự cố xảy ra như đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì một nhà thầu đấu thầu mà họ không giữ được cam kết thực hiện gói thầu đó theo đúng thời hạn hợp đồng, chất lượng… thì thường trong hợp đồng đều có những quy định để xử lý…" Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, hợp đồng là một chuyện nhưng chính phủ có dựa vào đó để xử lý tổng thầu hay không thì không ai biết được...
Nhận định thêm về khía cạnh này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, thông thường trong luật kinh doanh giữa các doanh nghiệp đều dựa trên luật pháp chung của Việt Nam và nếu là đối tác bên ngoài thì dựa theo luật quốc tế hoặc luật nào mà hai bên đã lựa chọn và áp dụng. Bà đưa ra ví dụ :
"VN hợp tác với các nước Châu Âu như Anh thì phải dựa theo luật pháp Anh nên trước khi ký họ phải tìm hiểu xem luật pháp Anh quy định về những công việc, các loại sản phẩm sẽ có những quy định như thế nào để có cơ sở đến khi kiện tụng nhau thì đem ra xử theo luật đã chọn và áp dụng. Bản thân hợp đồng được coi như là một văn bản pháp luật giữa hai bên nếu hợp đồng càng ký chặt chẽ, quy thật rõ trách nhiệm hai bên, nghĩa vụ ràng buộc lẫn nhau thì căn cứ hợp đồng giải quyết được. Nhưng ở đây không biết được giữa Việt Nam và TQ ký luật nào, được áp dụng nếu vấn đề xảy ra thì áp dụng theo luật của nước nào, bản thân hợp đồng không chặt chẽ thì khó có thể kiện nhau được. Việt Nam thua thiệt mà không kiện được. Vi phạm hợp đồng là vi phạm luật rồi nên bất cứ trọng tài nào sẽ căn cứ vào việc hai bên đã ký kết với nhau".
Bà Lan cho biết thêm, bản thân phía Việt Nam khi giao việc cho những người đàm phán ký kết hợp đồng đã không chọn được người có khả năng. Bên cạnh đó, những người giám sát cũng buông lỏng hoặc trình độ kém nên không đủ khả năng dám sát nổi các tổng thầu EPC...
Bài học kinh nghiệm… ?
Dư luận xã hội quan tâm đặt vấn đề cho rằng, từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến 7/12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương đều liên quan đến tổng thầu EPC, liệu rằng qua các bài học đó Chính phủ Việt Nam có rút ra được kinh nghiệm để hoàn thiện nhiều dự án khác trong tương lai hay không ?
Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, về kinh nghiệm ông tin rằng chính phủ đã nhận ra được trong việc xóa đấu thầu đường cao tốc Bắc Nam và đó là biểu hiện của sự rút kinh nghiệm. Nhưng, ông nói tiếp :
"Tôi cho rằng đây không còn là kinh nghiệm nữa mà cần xem rõ trách nhiệm của ai để rơi vào tình trạng như thế này, giả sử nếu nó đặc biệt thì cũng cần xem xét rất cẩn thận khi quyết định một dự án dạng như thế này. Tất nhiên nó cũng là kinh nghiệm để quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, mạch lạc hơn và đảm bảo quyền lợi, lợi ích của Việt Nam trong tương lai nếu còn thực hiện những dự án như thế này".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, chính phủ Việt Nam đã có cái nhìn tích cực hơn trong việc sửa đổi luật đấu thầu "…và tới đây chắc chắn sẽ còn sửa nữa, hay luật PPP (luật đầu tư theo phương thức đối tác công- tư) đang được dự thảo trình quốc hội thì cũng sẽ siết chặt lại các quy định của nhiều dự án hợp tác công tư kể cả bên ngoài lẫn doanh nghiệp trong nước có sự giám sát chặt chẽ để tránh được các tình huống về tham nhũng hối lộ…về nhiều vấn đề khác. Nhưng sửa luật là một chuyện, cái chính là nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người liên quan quyết định các dự án đó. Còn không những câu chuyện này sẽ còn diễn ra hoài".
Ngày 31/10/2019, truyền thông trong nước dẫn tin từ Bộ Công thương cho rằng, trong số 7 dự án thua lỗ yếu kém của ngành đang vướng tranh chấp đối với hợp đồng EPC, một số đã phải cậy nhờ trọng tài quốc tế phân xử.
***********************
Bộ Công an cảnh báo lãi suất vay trực tuyến cao đến 1.600%/năm (RFA, 01/11/2019)
Bộ Công an Việt Nam cảnh báo người dân về tình trạng người Trung Quốc cho vay trực tuyến tại nhiều tỉnh thành trong nước với mức lãi suất lên đến 1.600%/năm.
Ảnh minh họa : Các dịch vụ vay tiền trực tuyến chỉ thực hiện qua internet và điện thoại di động. Screen capture
Cảnh báo vừa nêu được Bộ Công an Việt Nam phát đi vào ngày 1 tháng 11 năm 2019 và được truyền thông quốc nội loan trong cùng ngày.
Tin cho biết Cục Cảnh sát hình sự cùng Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) điều tra vụ án cho vay nặng lãi trực tuyến do người Trung Quốc và đồng phạm thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Đường dây cho vay trực tuyến vừa nêu có mức lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm và tất cả giao dịch vay và cho vay đều thông qua internet và điện thoại di động.
Bộ Công an cũng cho biết Bộ vừa triệt phá một số đường dây cho vay trực tuyến qua các ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online". Các ứng dụng vay trực tuyến này được một số người nước ngoài lập ra và thuê người Việt Nam đứng tên trên giấy phép kinh doanh.
Các khách hàng muốn vay tiền, phải điền đầy đủ thông tin cá nhân và giấy tờ tùy thân ; đồng thời bắt buộc phải đồng ý để công ty cho vay truy cập danh bạ điện thoại di động của khách hàng.
Khi đến thời hạn mà không trả số tiền vay, công ty cho vay sẽ liên lạc với tất cả những người có tên trong danh bạ của khách hàng để chửi bới, đe dọa và thúc giục họ ép khách hàng trả nợ vay.
Bộ Công an cảnh báo người dân đây là một thủ đoạn cho vay "tín dụng đen" mới xuất hiện tại Việt Nam.
Tính từ tháng 4 năm 2019 đến nay, cơ quan công an xác định đã phát hiện và xử lý khoảng 60 ngàn giao dịch vay trực tuyến, với tổng số tiền cho vay lên đến 100 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 1/11, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo về dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ví điện tử PayAsian.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, do đó số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng.
PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo là ứng dụng ví thanh toán điện tử, có thể thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia.