Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tình cảnh người thiểu số Việt Nam ở Thái Lan (RFA, 15/06/2018)

Theo số liệu ghi nhận không chính thức, hiện có khoảng hơn 1000 người sắc tộc thiểu số từ Việt Nam đến Thái Lan tìm quy chế tị nạn. Cuộc sống của họ như thế nào từ sau khi Chính quyền Thái áp dụng Luật Lao động mới ở xứ Chùa Vàng ?

nguoithuong1

Một gia đình người Thượng Việt Nam tìm quy chế tị nạn ở Thái Lan. Courtesy : Thinh Nguyen

Bị đàn áp ở Việt Nam

"Tôi tên là Kpa Kanh. Tôi sinh năm 1980. Tôi là nguời dân tộc Gia Rai, Việt Nam. Tôi sống ở Việt Nam rất khổ vì Chính quyền Đảng cộng sản đàn áp tôi về tôn giáo và đất đai".

"Ở Việt Nam bị phân biệt chủng tộc và không có tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam bây giờ tranh chấp đất đai với người dân. Gia đình tôi bị họ cướp đất. Chúng tôi không sống được nên chạy đến Thái Lan".

"Công an cộng sản đàn áp, đánh đập, làm việc liên tục về tôn giáo".

"Theo đạo Tin Lành thì chính quyền nói tất cả những người theo đạo này ở vùng Tây Nguyên Việt Nam bị ngoài vòng pháp luật, không cho nhóm, gọi chúng tôi là kẻ thù, phản động chống nhà nước".

Trên đây là lời chia sẻ lần lượt của Kpa Kanh, Nay Y Khot, Rcham Y Lel và Y Huec Nie về lý do vì sao họ phải trốn chạy khỏi vùng đất Tây Nguyên Việt Nam. Họ là những người Thượng trong số hơn 1000 người sắc tộc thiểu số Việt Nam đến Thái Lan để tìm quy chế tị nạn.

Hầu hết những người Thượng này tìm đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok, Thái Lan là những nạn nhân bị mất đất đai canh tác, nhà cửa và bị bắt bớ, giam tù vì thực hành tín ngưỡng cũng như bị kiểm soát, ngăn chặn trong việc đi lại. Anh Thul Siu, ở Gia Lai từng bị bắt 3 lần, trong đó có 1 lần anh chống trả công an địa phương hãm hiếp chị gái tại nhà. Anh Thul Siu kể lại :

"Khi họ giam em, cột giữa ủy ban nhân dân xã và chính quyền tuyên bố em là phản động, chống đối chính quyền nhân dân và sẽ chuyển em qua huyện để xét xử bỏ tù em. Vì lo sợ nên em buộc phải chạy trốn cùng chị gái và 2 đứa nhỏ".

Trong số những gia đình người Thượng ở Thái Lan Đài RFA tiếp xúc cho biết cuộc sống của họ ở Việt Nam rất khốn khó, không còn nương rẫy để trồng trọt kiếm miếng ăn qua ngày. Có những gia đình mặc dù được xếp vào diện hộ nghèo và được lãnh một số tiền nhỏ trợ cấp, tuy nhiên họ lại được chính quyền địa phương giao cho sổ hộ nghèo khi đã hết thời hạn.

Bất hợp pháp tại Thái Lan

Vì phải sống trong hoàn cảnh luôn bị áp bức về mọi mặt, những người sắc tộc thiếu số Việt Nam vượt biên giới đến Campuchia và Thái Lan, tìm đến Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc để xin tị nạn với hy vọng được cứu xét định cư ở một nước thứ ba.

nguoithuong2

Người Hmong biểu tình trước cổng văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, Bangkok, Thái Lan ngày 15/06/18. RFA

Tại Thái Lan, dù được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp giấy tờ tìm quy chế tị nạn hay được chấp thuận là người tị nạn thì những người sắc tộc thiểu số Việt Nam này vẫn là những người sinh sống bất hợp pháp ở đất nước Chùa Vàng. Họ không nhận được sự giúp đỡ bất kỳ nào từ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Cuộc sống mới nơi xứ người thật sự rất bấp bênh đối với những người sắc tộc thiểu số vốn dĩ đơn sơ và xa lạ trong môi trường sống năng động và phát triển. Họ tìm kiếm việc làm khắp mọi nơi ở Thái Lan, những công việc từ dọn rác, quét đường cho đến xây dựng để được nhận vài chục đến vài trăm đồng baht Thái. Những người đàn ông trụ cột của gia đình, sau một ngày dài làm việc bên ngoài và về đến nhà mà không gặp bất trắc nào là một điềm lành ngày hôm đó.

"Đi làm không đủ ăn. Không có tiền mua gạo và thuê nhà.

Cuộc sống như thế cứ trôi. Có việc làm thì còn có được chén cơm trắng. Không có việc làm thì chỉ rau dại và dăm ba con cá nhỏ câu được trên sông để lót dạ. Nhưng tai ương luôn chực chờ mỗi khi bước chân ra đường tìm việc làm, có thể bị người thuê lao động quỵt tiền công hay bị cảnh sát bắt vì lao động bất hợp pháp. Hồi đầu tháng 4 năm 2018, Chính phủ Thái Lan ban hành Luật Lao Động mới, quy định người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tới 3.000 USD và chịu năm năm tù giam. Anh Nhiang Sen, cha của 3 đứa con nhỏ chia sẻ nỗi lo sợ của mình cũng như của rất nhiều người đồng cảnh ngộ khác :

"Hiện tại bây giờ thì cuộc sống ở Thái, tôi lo sợ nhất là Chính quyền Thái bắt đưa vào tù hay trục xuất về nước".

Bên cạnh đó, không ít người bày tỏ sự sỡ hãi sẽ bị trục xuất về Việt Nam do Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc thông báo đóng hồ sơ tìm quy chế tị nạn của họ.

Thông tin mới nhất Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được một nhóm khỏang 30 người sắc tộc Hmong biểu tình trước văn phòng của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, ở Bangkok suốt 3 tuần liền để khiếu nại về trường hợp hồ sơ của họ bị hủy bỏ.

Hình ảnh những đứa bé Hmong lăn lóc, vật vạ trước trụ sở Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cùng những lời kêu gọi cứu giúp và những giọt nước mắt lăn dài của các bậc cha mẹ người Thượng phần nào gột tả hoàn cảnh bước đường cùng của thân phận người thiểu số Việt Nam vô tổ quốc nơi xứ người.

Hòa Ái

*****************

Công an Việt Nam trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm ? (CaliToday, 15/06/2018)

Tương tự giải thích ‘người dân tự chết’ mà giới công an trị ở Việt Nam phát ra để xoa dịu công luận sau cái chết của hàng trăm người dân do bị công an đánh đập dẫn đến tử thương, ‘trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm’ đã bổ sung thêm một dẫn chứng nổi cộm khác về tinh thần ngụy tạo trên cả sống sượng.

nguoithuong3

Bằng chứng rõ nhất là lực lượng công an huyện Diễn Châu, Nghệ An đã dùng thiết bị lạ phát ra âm thanh cực lớn để ngăn cản giáo dân tiếp cận trụ sở công an hồi tháng 5 năm 2017. Ảnh : Citizen

‘Trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm’ được phát ngôn mới đây bởi Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội, sau khi Bộ Công an bất ngờ ban hành Thông tư số 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo thông tư trên, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã… được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như : súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân… Còn công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay…

Ngay lập tức, thông tư ‘chạy đua vũ trang’ trên đã vấp phải một câu hỏi của dư luận và ngay trong nội bộ đảng : việc trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho công an từ cấp huyện trở lên là cực kỳ tốn kém. Liệu một nền ngân sách quốc gia – vốn đang lâm vào tình thế cạn kiệt, đang phải vắt cổ dân để dùng đến hơn 70% trong mục chi thường xuyên chi trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đang phải xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và giảm mạnh biên chế của ngành này…, có chịu nổi gánh nặng trang bị vũ khí hạng nặng cho công an ?

Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức lại trả lời báo chí là "quy định trang bị tên lửa, trực thăng cho công an cấp huyện trở lên chỉ được xem xét nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở công tác trấn áp tội phạm, bảo vệ nhân dân’.

Chẳng lẽ tình trạng tội phạm ở Việt Nam đã khủng khiếp đến mức công an phải dùng tên lửa để tiêu diệt tội phạm ?

Để có thể hình dung rõ hơn về lời giải thích của tướng Đức, hãy liên hệ xem có quốc gia nào trên thế giới đã phải sử dụng tên lửa để trấn áp tội phạm ?

Mà nếu lời giải thích của tướng Đức – nằm trong ‘dịch lạm phát’ đến vài ba trăm viên tướng công an – quá thiếu tính thuyết phục mà có thể bị xem là ‘hoang tưởng phân liệt’ như thế, làm thế nào để hàng chục triệu người dân phải è cổ đóng thuế nuôi Bộ Công an – ngành tiêu tốn đến 12% tổng chi ngân sách hàng năm – chấp nhận dùng ngân sách để mua tên lửa và trực thăng ‘trấn áp tội phạm’ ?

Chỉ trong vòng 3-4 năm qua, Bộ Công an đã tích tụ nhiều kiến nghị trái ngược và xúc phạm lòng dân : kiến nghị về "quyền nổ súng" dành cho cảnh sát cơ động để "trấn áp bạo loạn", "báo chí phải tiết lộ nguồn tin" dành cho báo giới và "hình sự hóa xử lý hội đoàn" dành cho xã hội dân sự, Công an phường xã có quyền "tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu"…

Khi Bộ Công an tung ra dự thảo đề xuất Công an phường xã có quyền "tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu", phần đông dư luận người dân lập tức phản ứng gay gắt khi dự thảo trên còn e ấp phía sau tấm rèm buông nơi tĩnh phòng quốc hội : "Nếu công an phường, xã được tham gia điều tra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người bị đánh bầm dập lúc xét hỏi".

Rốt cuộc sau quá nhiều phản ứng của dư luận xã hội, đề xuất trên đã bị Bộ Công an và các cơ quan làm luật nhét vào ngăn kéo.

Giờ đây với thông tư 17 của Bộ Công an, dư luận xã hội đang khởi động một làn sóng phản ứng mới, với một dấu hỏi trầm trọng khác : phải chăng các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng sẽ được công an dùng để đàn áp dân ?

Trong thực tế đàn áp dân từ trước đến nay, đa phần công cụ được ngành công an sử dụng là dùi cui, lực đạn cay hay cùng lắm là đạn cao su. Theo logic phát triển về tầm mức sử dụng vũ khí, nếu tình hình trở nên thách thức lớn hơn, công an có thể dùng súng thật và đạn thật, nhưng vẫn không thể đến mức dùng máy bay trực thăng vũ trang hay súng chống tăng… trong khi dân chỉ toàn tay không.

Nhưng nếu mục đích đàn áp dân thay vì đàn áp tội phạm là có thực, sẽ là quá hoang tưởng và cạn tàu ráo máng đối với ngành công an khi xem nhân dân là thù địch, cho là dân có thể tự chế ra xe tăng và phải dùng đến những loại vũ khí sát thương hạng nặng để chống lại những người đã sinh thành ra mình.

Trong thực tế, đã có bằng chứng về việc công an Việt Nam dùng thiết bị hiện đại và đắt tiền để đàn áp dân chúng.

Từ năm 2014, chính quyền Việt Nam đã trang bị cho một số tàu cảnh sát biển thiết bị âm thanh tầm xa LRAD – là thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, do tập đoàn LRAD của Mỹ sản xuất. LRAD được sử dụng để phát đi cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay đau đớn ở khoảng cách xa hơn các loại loa thông thường. LRAD được sử dụng trong tuần tra trên biển, đuổi tàu vi phạm lãnh hải, chống cướp biển…

Loại máy LRAD trang bị cho các tàu cảnh sát biển Việt Nam là loại LRAD 1000Xi, nặng khoảng 40kg, có thể phát chùm âm thanh định hướng ở khoảng cách lên đến 3.000m tùy vào điều kiện môi trường. LRAD 1000Xi có thể phát ra mức âm hưởng tối đa 150dB với góc 30 độ, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn gây đau đớn cho con người (khoảng 130dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ.

Nhưng mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh sát cơ động dùng một thiết bị để trên xe tải quân sự, phát ra âm thanh rất lớn để giải tán người biểu tình chống dự thảo Luật Đặc Khu và Luật An ninh mạng ngày 10 tháng Sáu năm 2018 tại khu vực Hồ Con Rùa ở Sài Gòn.

Thiền Lâm

********************

Giáo viên mầm non ở Nghệ An quỳ khóc xin được dạy (Người Việt, 14/06/2018)

Khi nhận được tin trường mẫu giáo bị buộc phải đóng cửa do "chưa được cấp phép", hàng chục giáo viên đã quỳ khóc, cầu xin chính quyền thay đổi quyết định.

nguoithuong4

Các cô giáo quỳ khóc xin ông Nguyễn Văn Vinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Thanh Chương, không đóng cơ sở dạy trẻ. (Hình : Người Lao Động)

Chiều 13 tháng Sáu, Ủy Ban Nhân Dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cho hay đoàn công tác của thị trấn Thanh Chương do ông Nguyễn Văn Vinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn, dẫn đầu đã đến làm việc với trường Mầm Non Tuổi Thơ, yêu cầu trường này đóng cửa, tạm dừng mọi hoạt động vì "chưa hoàn tất thủ tục pháp lý".

Khi tổ công tác ra cổng chuẩn bị về, thì một tốp hơn 10 nữ giáo viên xếp hàng quỳ kiến nghị xin chính quyền không đóng cửa trường để họ được tiếp tục dạy, để có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Một số giáo viên vừa quỳ vừa khóc "chúng em dạy học chính đáng, giải quyết nguyện vọng cho phụ huynh…".

Hình ảnh này được một số người quay video clip đăng lên mạng xã hội Facebook và dư luận quan tâm chia sẻ mạnh. Nhiều người đã đồng cảm với các cô giáo, mong chính quyền cần xem xét sự việc để các cô giáo có thể tiếp tục dạy học. Trong khi đó, cũng có nhiều người cho rằng việc chưa hoàn thành thủ tục pháp lý bị yêu cầu đóng cửa là hoàn toàn đúng.

Đại diện công ty Minh Sang, chủ đầu tư thành lập hai nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện việc chăm sóc trẻ tại Trung Tâm Hướng Nghiệp huyện Thanh Chương, thuộc khối 3, thị trấn Thanh Chương, thừa nhận việc chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, song mong muốn chính quyền gia hạn thời gian để hoàn thành.

"Trước đây, khi xây dựng cơ sở vật chất thì tôi có cam kết với phía địa phương vừa xây dựng vừa hoàn thành thủ tục. Nhưng thủ tục hành chính gặp nhiều vướng mắc nên không thể hoàn thành như dự kiến", chủ nhóm trẻ nói.

Hầu hết nữ giáo viên đang công tác tại đây cho hay, nếu nhóm trẻ bị đóng cửa thì họ sẽ thất nghiệp, không biết xin việc ở đâu.

Thế nhưng, nói với báo Người Lao Động, ông Vinh cho biết vẫn kiên quyết yêu cầu đóng cửa nhóm trẻ. Trước khi bị yêu cầu đóng cửa, nhóm trẻ này đã hoạt động được một năm với quy mô bảy phòng học, 30 giáo viên đứng lớp trông hơn 200 trẻ.

"Hiện cơ sở mầm non này đã tuyển sinh vượt quá số lượng học sinh (215 học sinh), chưa có các chứng chỉ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, và nhiều thủ tục pháp lý liên quan. Mặc dù đã nhiều lần lập biên bản, đình chỉ thi công, xử phạt cơ sở này nhưng công ty trên đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục", ông Vinh nói.

Nói về việc các giáo viên bất ngờ quỳ, khóc xin được tiếp tục dạy trẻ, ông Vinh cho biết : "Vào thời điểm ngày 12 tháng Sáu, khi chúng tôi vào cơ sở mầm non làm việc, thái độ của các cô giáo bình thường, nhưng khi đoàn ra về thì các cô quỳ khóc. Lúc đó, tôi và những người đi trong đoàn đều bất ngờ trước hành động của cô giáo. Theo tôi, các cô giáo hành động như vậy nghi là có sự xúi giục, kích động". (Tr.N)

******************

Cộng sản Việt Nam bùng phát nhiều tướng tá (Người Việt, 14/06/2018)

"Thời chiến, nhiệm vụ khó khăn thì tướng ít mà mấy năm nay số lượng tướng lại nhiều thế ?" Đó là phát ngôn của "Đại biểu quốc hội" Nguyễn Tạo khi tranh luận về quy định hàm cấp tướng đối với giám đốc công an tỉnh tại nghị trường Quốc hội cộng sản Việt Nam hôm 14 tháng Sáu.

nguoithuong5

Hai tướng công an Phan Văn Vĩnh (phải) và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc bảo kê đường dây đánh bạc triệu đô, hiện đang bị tạm giam. (Hình : Thể Thao Văn Hóa)

Ông Tạo được báo Tuổi Trẻ dẫn lời : "Hiện nay việc phong hàm lên nhanh, chất lượng tướng lĩnh cũng gây tranh cãi, thậm chí có tướng lĩnh vi phạm pháp luật như đã xảy ra ở một vài vụ việc gần đây".

Dịp này, truyền thông Việt Nam cũng hé lộ, số lượng tướng lĩnh trong quân đội cộng sản Việt Nam hiện nay là trên 400 người, còn trong ngành công an là 205 người. Từ các con số này, có suy đoán nếu tính cả các tướng đã về hưu còn sống thì lượng người hưởng lương, phụ cấp tướng tá tại Việt Nam phải lên đến hơn 2.000 người.

Các phát ngôn của "Đại biểu quốc hội" về tình hình tướng tá được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp có những vụ bê bối liên quan đến tướng công an.

Hồi tháng Tư, 2018, công luận rúng động khi hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, bị tống giam và cáo buộc nhận hối lộ để bảo kê đường dây đánh bạc triệu đô.

Tháng trước, đến phiên tướng tình báo công an cộng sản Việt Nam Đường Minh Hưng bị cảnh sát Đức phát lệnh truy nã vì ông này đóng vai trò chỉ huy trực tiếp vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng Bảy, 2017, tại công viên ở Berlin.

Đó là chưa kể những tướng công an sắp sửa được xướng tên là người bảo kê cho ông Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ "Nhôm", khi phiên tòa xử ông này được tiến hành.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số "đại biểu" cũng băn khoăn về việc sửa Luật Công An Nhân Dân có thể sẽ làm tăng số lượng tướng công an trong thời gian tới.

Thực trạng việc phong tướng trong ngành công an cộng sản Việt Nam loạn đến mức ông Nguyễn Hữu Cầu, giám đốc công an tỉnh Nghệ An, gần đây phân trần rằng giám đốc công an tỉnh có khi quản lý đến 5,000-6,000 quân nhưng chỉ "cấp tá" trong khi có người đứng đầu cục nghiệp vụ chỉ có 80-200 quân lại "cấp tướng", theo báo VietNamNet.

Và có lẽ để điều chỉnh cho những sếp trong ngành công an đỡ "tị nạnh, phân bì" nhau, Luật Công An Nhân Dân sửa đổi sẽ cho giám đốc công an tỉnh được mang hàm thiếu tướng.

Nhà báo Lưu Nhi Dũ của báo Người Lao Động bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Tôi nhớ hồi chiến trường Campuchia, cả mặt trận 479 mà chỉ có vài vị tướng, mà tướng nào ra tướng đó, đánh nhau rất cừ khôi […] Còn bây giờ đi đâu cũng gặp tướng, thậm chí vào trong tù cũng gặp tướng… cướp ! Vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng. Tướng phải ra tướng, tá phải ra tá, đừng để phong tướng rồi bắt nhốt, bắt hốt, nhân dân khó chịu lắm !" (T.K.)

Published in Việt Nam