Sức ép nhân quyền trong chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc (VOA, 30/05/2017)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/5 đã đáp máy bay xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy, New Yok, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, với trọng tâm là thúc đẩy thương mại và kinh tế. Thế nhưng theo các nhà vận động, sức ép nhân quyền trong chuyến đi này là điều không tránh khỏi.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York, Hoa Kỳ, ngày 29/5/2017. (Ảnh chụp từ trang Zing.vn)
Từ Sài gòn, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định sức ép nhân quyền trong chuyến thăm Mỹ của ông Phúc như sau :
"Sức ép nhân quyền đến từ cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, đặc biệt là nạn nhân của chế độ bạo hành nhân quyền ; thứ hai là đến từ cộng đồng người Việt Nam ở Hải Ngoại, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, họ đang kêu gọi cuộc biểu tình để phản đối chuyến đi Mỹ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ; thứ ba là đến từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ, vừa qua đã có cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 21 tại Hà Nội, nhưng theo tôi biết là kết quả rất mong lung hoặc là gần như không có kết quả gì".
Các dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ điều trần về nhân quyền Việt Nam, ngày 25/5/2017.
Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith, đảng Cộng Hòa, đại diện bang New Jersey, nói với VOA – Việt ngữ :
"Sức ép do nhiều sự việc khác nhau, trên cơ sở là chính quyền toàn trị ở Việt Nam đã đàn áp người dân. Tổng thống, Chính phủ, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam. Chúng ta muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Việt Nam có tôn trọng nhân quyền".
Vào ngày 31/5, Thủ tướng Phúc sẽ gặp Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "làm quen với tân tổng thống và chính quyền mới của Mỹ, đồng thời tìm hiểu chính sách của Washington với Châu Á và Đông Nam Á", theo nhận định của tờ Zing.vn.
Trước đó, hôm 25/5, Hạ viện Hoa Kỳ đã có buổi điều trần về sự "khủng hoảng nhân quyền Việt Nam", trong đó dân biểu Smith và các dân biểu khác như Ed Royce, Alan Lowenthal đều đồng thanh hối thúc Tổng thống Trump ra điều kiện nhân quyền đối với chính phủ Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một phái đoàn đến Hà Nội để thực hiện đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hôm 23/5 và gặp gỡ các chức sắc tôn giáo độc lập, cũng như các nhà tranh đấu nhân quyền hôm 25/5 tại Sài Gòn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức phi chính phủ BPSOS nói với VOA rằng cơ quan lập pháp, hành pháp của Hoa Kỳ, và cả Tòa Bạch Ốc đều quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam, cụ thể ngày 26/5 vừa qua, ông Matt Pottinger, Giám đốc cao cấp phụ trách Châu Á, Hội đồng An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc đã tham khảo ý kiến các nhà tranh đấu nhân quyền và tự do tôn giáo gốc Việt ở Mỹ trước khi ông Trump gặp ông Phúc.
Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Thắng nói thêm về sức ép nhân quyền trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc :
"Áp lực lớn nhất là chế độ ở Việt Nam hiện đang rất muốn cứu vãn nền kinh tế ở Việt Nam bằng con đường phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ. Để đổi lại thì họ phải nhượng bộ những điều mà chúng ta muốn. Đó là cải thiện về nhân quyền, thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, chấm dứt ngay các hành vi tra tấn và cưỡng chế đất đai. Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm".
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, trước chuyến đi của ông Phúc mà Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức một buổi điều trần về nhân quyền và tự do tôn giáo như vậy là rất hiếm. Vì vậy, theo ông, sức ép này là "đủ lớn".
Ngoài ra, khi hỏi về hiện tượng nhiều nhà tranh đấu nhân quyền và môi trường bị bắt trước chuyến công du Hoa Kỳ của ông Phúc, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định rằng các vụ đàn áp nhân quyền rộng khắp vừa qua tại Việt Nam là sự thách thức với Mỹ của phe bảo thủ trong giới lãnh đạo Việt Nam, họ muốn đưa ra một thông điệp với Mỹ rằng "chúng tôi không cần nước Mỹ, và Việt Nam vẫn đàn áp nhân quyền".
Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Trợ lý Ngoại trưởng Virginia Bennett (thứ ba, bên phải) dẫn đầu gặp gỡ các nhà tranh đấu Việt Nam tại Sài Gòn, ngày 24/5. (Facebook Huỳnh Thục Vy)
Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, vẫn có một giả thuyết khác, rằng sự đàn áp nhân quyền vừa qua là "một chiến dịch cố ý nhằm phá đám" chuyến đi Mỹ của ông Phúc, do phe bảo thủ thực hiện :
"Trận đàn áp nhân quyền vừa qua là một chiến dịch cố ý để phá đám chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc. Lần đàn áp này là trải rộng. Thông điệp này không rõ ràng. Trong các các lãnh đạo Việt có những người vẫn âm thầm mong muốn cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng có những người khác thì bảo thủ, những người khác thì phá đám lẫn nhau. Nhưng chỉ biết rằngvới "thành tích" nhân quyền như vậy, phần nhiều, chuyến đi của ông Phúc khó mà đạt được những thành tựu khác như về thương mại".
Theo nhà báo độc lập, chuyện các lãnh đạo Việt Nam "phá đám" nhau bằng cách bắt giữ các nhà tranh đấu nhân quyền là có cơ sở, vì trước giờ vẫn thường xảy ra khi có lãnh đạo Việt Nam xuất ngoại, đặc biệt là đi thăm Mỹ, họ bắt các nhà tranh đấu nhân quyền có tiếng tăm "làm vật hy sinh".
"Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ rơi vào một thế khó trong con đường sự nghiệp chính trị, và khó cho cả đảng cầm quyền của Việt Nam. Ông sẽ về báo cáo cho Bộ Chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng rằng chỉ còn một lối thoát là mở dân chủ, nhân quyền ra mà thôi".
Vì nếu không mở dân chủ, nhân quyền, Việt Nam không những không đáp ứng các điều kiện trong quan hệ thương mại với Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới hiệp định Tự do thương mại với Châu Âu - EVFTA, tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh.
****************
Ông Phúc sẽ đọc diễn văn ở Heritage Foundation (BBC, 30/05/2017)
Heritage Foundation, một viện nghiên cứu theo trào lưu bảo thủ và cổ vũ cho tự do sẽ tường thuật trực tiếp bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Từ trái Benjamin Franklin, John Adams và Thomas Jefferson soạn Tuyên ngôn Độc lập : ông Jefferson được cho là người cha của chủ nghĩa tự do Hoa Kỳ
Trang web của Heritage Foundation (một số báo Việt Nam dịch là Quỹ Di sản) cho hay từ 1700-1800 ngày 31/05 này, họ sẽ phát trực tuyến (livestream) bài "diễn văn đặc biệt" của Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở trụ sở của viện tại Allison Auditorium, 214 Massachusetts Ave NE, Washington, DC.
Vậy Heritage Foundation là gì và ý nghĩa của việc một lãnh đạo nước ngoài phát biểu tại đây là như thế nào ?
Trang web của Heritage Foundation tự giới thiệu họ là viện nghiên cứu và giáo dục bảo thủ lớn nhất nước Mỹ.
Họ đề cao các giá trị "tự do doanh nghiệp, hạn chế chính phủ, tự do cá nhân và quốc phòng mạnh" và coi đây là những nguyên tắc mang tính sứ mệnh của Heritage Foundation.
Trang giới thiệu của Viện nói : "Chúng tôi chiến đấu hàng ngày vì các giá trị đó của Hoa Kỳ".
Kể từ khi thành lập năm 1973, Heritage Foundation, tự coi mình là "thành trì của phong trào bảo thủ Mỹ", đã có hơn nửa triệu thành viên đóng niêm liễn.
"Họ ủng hộ viễn kiến của chúng tôi là kiến thiết một nước Mỹ nơi tự do, thịnh vượng, cơ hội và xã hội dân sự khởi sắc".
Chính quyền không bóp nghẹt doanh nghiệp
Hàng năm, Heritage Foundation công bố bảng xếp hạng tự do kinh tế về các quốc gia và viện này nói họ vận động cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường qua việc giảm các ràng buộc cơ chế và pháp luật.
Tổng thống Ronald Reagan lúc sinh thời trong một lần đọc diễn văn tại Heritage Foundation
Bảng này năm 2017 đặt Việt Nam ở vị trí 147, dưới Myanmar (146) và trên Uzbekistan (148), trong nhóm các nước "chủ yếu là không tự do" (Mostly Unfree).
Vẫn trong bảng này, các nước Châu Á khác đứng cao hơn Việt Nam rất nhiều : Hong Kong (1), Singapore (2) ; Đài Loan (11), Hàn Quốc (23).
Các nước từng hoặc vẫn có hệ thống cộng sản được Heritage Foundation xếp ở thang bậc cao hơn Việt Nam về tự do kinh tế, gồm bốn tiêu chuẩn : Pháp quyền, Tầm vóc của chính phủ (bộ máy càng to thì điểm càng thấp), Hiệu năng hành chính và Sự cởi mở của thị trường. Trung Quốc ở vị trí 111, Mongolia 129 và Lào 139.
Tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa bảo thủ có nguồn gốc chính trị từ thời Tổng thống Thomas Jefferson nhưng cũng thu nạp nhiều luồng tư tưởng Châu Âu và Châu Mỹ.
Về kinh tế, phái bảo thủ Mỹ thuộc phe hữu, cũng tiếp nhận các ý tưởng Adam Smith, Friedrich A. Hayek, Milton Friedman, tới Ludwig von Mises.
Họ chống lại sự bành trướng của bộ máy hành chính bóp nghẹt tự do sáng tạo của doanh nhân và thị trường tự do.
Điều này khiến khái niệm 'bảo thủ' ở Mỹ khác với ở Việt Nam nơi 'bảo thủ' mang nghĩa là tập thể quản lý, kiểm soát doanh nghiệp, tăng thuế, theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu cũ.
Phái bảo thủ Mỹ cũng ủng hộ việc cắt giảm thuế, điều bị phe thiên tả phê phán là thực ra chỉ ủng hộ tầng lớp có của.
Thủ tướng Margaret Tharcher đón ứng viên Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thăm London năm 1978
Trang web của Heritage Foundation có bài nói về sự ủng hộ dành cho chương trình cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Còn về chính trị - quân sự, những nhân vật thuộc dòng tư duy tự do nổi bật gồm có các tổng thống Harry Truman và Ronald Reagan.
Trên trường quốc tế, chính giới thuộc nhóm bảo thủ của Hoa Kỳ thường nhấn mạnh đến liên minh với Anh Quốc, nhất là thời Margaret Thatcher làm thủ tướng Anh.
Gần đây nhất, trang web của Heritage Foundation có bài của Peter Brookes cổ vũ cho liên minh Hoa Kỳ với Nhật Bản thời Thủ tướng Shinzo Abe theo hướng để Tokyo có vai trò lớn hơn về an ninh quốc tế.
Heritage Foundation do một hội đồng 22 thành viên tín thác (Board of Trustees) phụ trách, với người đứng đầu là Thomas Saunders III, từ một dòng họ thế phiệt của Hoa Kỳ từ New York, từng tốt nghiệp Viện Quân sự Virginia.
Nơi phát biểu phù hợp
Trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo cao cấp nhất khác của Việt Nam đều đã có phát biểu và diễn văn ở các viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Hồi tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) cũng ở Washington, DC.
Hai ông Shinzo Abe và Nguyễn Xuân Phúc trước quốc kỳ hai nước và đội danh dự ở Dinh Thủ tướng Nhật Bản
Ba năm trước nữa, cũng vào tháng 7, Trung tâm CSIS đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến đọc bài diễn văn mang tựa đề "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong một Châu Á năng động và thịnh vượng".
Nếu như các phát biểu của ông Trọng và ông Sang được đọc tại CSIS chuyên về địa chính trị và hàng hải Đông Nam Á, diễn văn của Thủ tướng Phúc tại Heritage Foundation có vẻ phù hợp hơn cả với nhu cầu đề cao chính phủ kiến tạo, mở rộng không gian cho doanh nghiệp tại Việt Nam mà ông Phúc đã nêu ra liên tục thời gian qua.