Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thêm một tội ác của chính quyền Trung Quốc (VNTB, 09/06/2019)

Thế đó, vượt ra ngoài các luật chơi quốc tế minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã âm thầm xây dựng lực lượng dân quân biển được vũ trang vũ khí cá nhân nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Các tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hay vụ tàu ông Nhân bị dân quân biển Trung Quốc cướp trắng hai tấn mực khô hoàn toàn không phải do ngư dân Trung Quốc thực hiện mà do chính quyền tội ác Trung Quốc thực hiện.

tau1

Dân quân biển Trung Quốc.

Vào trưa ngày 7/6, báo Tuổi Trẻ online trong bản tin Tàu cá Quảng Nam 'tố' bị tàu nước ngoài vây áp, cướp 2 tấn mực (1) đưa tin : vào khoảng 13h30 ngày 2-6, khi tàu của ngư dân Trần Văn Nhân (42 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang đang cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 22 hải lý, các thuyền viên đang nghỉ trưa sau hoạt động đánh bắt thì bất ngờ có một tàu sắt sơn màu trắng có treo cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 ập đến tìm cách áp sát. Tàu này sau đó thả canô mang theo 6 người cầm vũ khí, leo lên tàu cá của ông Nhân. Đó là một tội ác của chính quyền Trung Quốc, không phải là tội ác do ngư dân Trung Quốc thực hiện.

Bạn đọc VNTB đã bao giờ đt ra câu hỏi : Tại sao những người ngư dân Trung Quốc lại được mang theo vũ khí khi công ước quốc tế về biển quy định rằng tất cả các phương tiện dân sự hoạt động trên biển không được trang bị vũ khí ? Thế đó, Trung Quốc không bao giờ tuân thủ luật lệ quốc tế, chưa bao giờ hành xử có trách nhiệm.

Vào năm 2016, ông Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, khẳng định các lực lượng không chính quy của Trung Quốc trên biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất, nhưng cũng bị đánh giá thiếu sót nhất, ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ ở biển Đông. Nhiều người ở Washington biết Trung Quốc có lực lượng hải quân nước xanh lớn thứ hai thế giới, hay cảnh sát biển nước xanh quy mô lớn nhất, nhưng đa số không biết Trung Quốc - với "hạm đội" tàu cá đông đảo nhất toàn cầu - đã triển khai Lực lượng dân quân hàng hải lớn nhất thế giới ra biển. Đây trên thực tế là lực lượng bị cáo buộc nhiều nhất do làm leo thang căng thẳng trong các tranh chấp hàng hải, theo ông Erickson.

Cũng vào năm 2016, hãng truyền hình ABC đã có một phóng sự điều tra về lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Đa số ngư dân này từ chối trả lời phóng viên ABC, nhưng một thuyền trưởng đã chấp nhận lời đề nghị này và đây là tiết lộ của người mới trở về sau 2 tháng hiện diện trên các "đảo nhân tạo" : "Bọn tôi chẳng đi tới đó nếu Chính phủ không trả khoản tiền trợ cấp 20.000 USD cho mỗi chuyến đi. Thế nhưng để nhận đủ số tiền đó, chúng tôi phải cam kết thực hiện 4 chuyến/năm. Chúng tôi đâu có kiếm tiền từ hoạt động đánh bắt cá".

Tháng 4/2019, theo ghi nhận của Financial Times, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã cho triển khai tại Biển Đông các lực lượng bán quân sự như hải cảnh, hay dân quân biển đội lốt tàu cá dân sự, để áp đặt quyền lực của Trung Quốc.

Trong một số sự cố liên quan đến Mỹ, Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đã cho tàu cá của họ tấn công hay sách nhiễu tàu của đối phương, phong tỏa lối vào các đảo nhỏ, tiến hành chiếm giữ các rạn san hô và bãi cạn.

Cũng vào tháng 4/2019 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, tư lệnh Hải Quân Mỹ cho biết là nhân một cuộc tiếp xúc vào tháng Giêng, ông đã lưu ý đồng nhiệm Trung Quốc rằng nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Quốc có những hành động hiếu chiến, Hoa Kỳ sẽ không xem đó là các lực lượng dân sự hay bán quân sự, mà sẽ đáp trả bằng các biện pháp dùng để đối phó với một lực lượng Hải Quân thực thụ, vì các lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng làm công cụ quân sự.

Phía Mỹ đang cân nhắc áp dụng không thực hiện quyền bảo hộ công dân đối với các dân quân biển Trung Quốc trong trường hợp có xung đột.

Thế đó, vượt ra ngoài các luật chơi quốc tế minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã âm thầm xây dựng lực lượng dân quân biển được vũ trang vũ khí cá nhân nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Các tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hay vụ tàu ông Nhân bị dân quân biển Trung Quốc cướp trắng hai tấn mực khô hoàn toàn không phải do ngư dân Trung Quốc thực hiện mà do chính quyền tội ác Trung Quốc thực hiện.

Tâm Don

(1) https://tuoitre.vn/tau-ca-quang-nam-to-bi-tau-nuoc-ngoai-vay-ap-cuop-2-tan-muc-20190607120050029.htm

******************

Cướp tàu cá Việt Nam là cách Trung Quốc thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với Hoàng Sa (RFA, 07/06/2019)

Ngày 2/6 vừa qua một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã bị tàu của Trung Quốc áp sát, tịch thu toàn bộ số mực đánh bắt được lên đến 2 tấn, ước tính thiệt hại là khoảng hơn 250 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, trong khi ngư dân Việt Nam hoàn toàn bất lực.

tau2

Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công - Ảnh minh họa. RFA Edited

Nói về vụ việc mới nhất này, Thạc Sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh của mình đối với quần đảo tranh chấp :

"Hành động mà Trung Quốc làm rất nhiều từ xưa nay tức là họ luôn khẳng định Hoàng Sa là của họ không thể tranh chấp với bất cứ quốc gia nào khác nên bất kỳ tàu cá nào đi ngang qua khu vực Hoàng Sa của họ mà họ thấy là đều bắt giữ. Đó là cách Trung Quốc thể hiện quyền lực và sức mạnh đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù về mặt chứng kiến pháp lý thì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc".

Năm 1974, Trung Quốc đã đem quân chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam trong một trận hải chiến. Từ đó đến nay Trung Quốc vẫn kiểm soát quần đảo này mặc dù trên các diễn đàn quốc tế Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo này.

Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là đối với ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Ngư dân hai tỉnh này là những người chịu thiệt hại nhiều nhất từ các vụ tấn công của tàu Trung Quốc. Một ngư dân giấu tên tại khu vực Quảng Ngãi nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Mình đi miết đó thôi giờ không đi thì biết làm gì đâu chỉ biết đi biển mà. Trung Quốc thì nó chiếm đóng tại vùng biển Hoàng Sa nó độc quyền nên mình ra là nó phá, vùng biển của mình là mình biết chứ sao không biết được".

Từ năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Tuy nhiên theo Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định rằng, hành động tàu Trung Quốc áp sát và tịch thu toàn bộ hải sản của ngư dân Việt Nam gần đây đã đi ngược với thỏa thuận chung.

"Đương nhiên về mặt lý thuyết chúng ta thấy được như vậy đã đi ngược lại với thỏa thuận rồi còn khẳng định có đi ngược hay không nó tùy thuộc vào quan điểm của quốc gia đó. Trung Quốc với quan điểm của họ là theo tin thần của nước lớn nên họ cho rằng họ không làm gì sai trái và đây là vùng biển của họ nên không cần trao đổi với ai cả".

Hồi năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoang Hải Dương 981 vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trong nhiều tháng với lý do được ra thực hiện thăm dò dầu khí. Các cơ chế trong việc xử lý xung đột giữa hai nước như thỏa thuận được ký năm 2011 như đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin không có tác dụng.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết : "Việt Nam và Trung Quốc có thỏa thuận chung về giải quyết tranh chấp trên biển 2011, chúng ta nhớ lại là vào năm 2014 khi Trung Quốc kéo dàn khoang đặc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì tất cả mọi đường dây liên lạc giữa Việt Nam với Trung Quốc thì tất cả không nghe máy hoặc không bắt máy. Nó cho thấy cách của Trung Quốc nó có hai mặt mà cứ rêu rao là họ tuân thủ luât pháp quốc tế nhưng thực tế họ chả bao giờ tuân thủ cả".

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam cho hay ông cần xác minh thêm thông tin sự việc nhưng ông cũng cho rằng hành động của Trung Quốc mới đây là sai nếu vùng nước là thuộc khu vực Hoàng Sa hay Trường Sa.

"Việc Trung Quốc lâu lâu cướp tài sản của bà con ngư dân của chúng ta là có nhưng đối với vụ việc này thì tôi cần xác định lại rõ là đang nằm tại vùng biển nào vì tôi chưa nắm được thông tin chính xác, còn việc cướp như thế thì nó hoàn toàn sai trái rồi, nếu tại vùng biển đánh cá của Việt Nam nhất là vùng đánh bắt truyền thống tại khu vực Hoàng Sa cũng như Trường Sa thì khẳng định đấy là vùng biển của chúng ta nên Trung Quốc làm như thế thì nó sai".

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ loan đi hôm 7/6 cho biết, tàu cá Việt Nam khi đang tại khu vực cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý. Các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bị một tàu sắt sơn trắng có cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, sau đó 6 người cầm theo vũ khí lên tàu cá Việt Nam tiến hành tra hỏi và tịch thu số lượng hải sản lên tới 2 tấn.

Ngư dân Trần Văn Nhân người có mặt trên chuyến tàu nói với báo Tuổi Trẻ rằng, trước khi phía Trung Quốc rời khỏi tàu còn cảnh báo ngư dân Việt Nam không được tái phạm nếu không sẽ bị phá ngư cụ và bị xử phạt. Đồng thời khẳng định ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

*******************

Tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, cướp tàu cá Việt Nam (RFA, 07/06/2019)

Một tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc tấn công và cướp 2 tấn mực khi đang hoạt động ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 2/6 vừa qua. Truyền thông trong nước trích lời giới chức biên phòng Quảng Nam cho biết như vậy hôm 7/6.

tau3

Hình minh họa. Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn, chủ tàu QNa 90822, cầm tấm lưới bị nhóm người trên tàu lạ cắt phá vào tháng 3/2018 - Courtesy of baovanhoa.vn

Tàu cá bị tấn công của ngư dân Trần Văn Nhân với 10 thuyền viên đã cập cảng Kỳ Hà, Quảng Nam vào ngày 7/6.

Ngư dân Trần Văn Nhân cho giới chức địa phương biết tàu cá của ông bị tấn công vào khoảng trưa ngày 2/6 khi đang ở cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý. Các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bất ngờ có một tàu sắt sơn màu trắng có treo cờ Trung Quốc mang số hiệu 46305 đã ập đến, áp sát tàu. Sau dó tàu Trung Quốc thả ca nô mang theo 6 người cầm vũ khí lên tàu cá Việt Nam tra hỏi và khẳng định vùng biển mà các ngư dân Việt Nam đang hoạt động thuộc Trung Quốc.

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nhân cho biết, phía Trung Quốc sau đó đã lấy đi toàn bộ số mực ước tính khoảng 2 tấn. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 250 triệu đồng. Trước khi đi, những người Trung Quốc còn cảnh báo ngư dân Việt Nam không được tái phạm, nếu không sẽ bị phá ngư cụ và xử phạt.

Khu vực quần đảo Hoàng Sa là vùng đang tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Những năm gần đây, tàu Trung Quốc đã nhiều lần tấn công, bắt giữ, thậm chí đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam.

Mới đây vào ngày 6/3, tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, ép tàu này vào gò đá khiến tàu bị thủng đáy và chìm.

Published in Việt Nam