Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ đã giải quyết đến đâu ? (RFA, 02/10/2019)

Cử tri đề nghị xử lý nghiêm

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 Bộ Xây dựng diễn ra hôm 30/9, phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Lê Văn Lãng cho biết hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Anh vẫn đang bị cơ quan điều tra Vĩnh Phúc giam giữ. Thanh tra Bộ cũng đã làm việc với phía cơ quan điều tra tỉnh nhưng công an địa phương vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về vụ việc. Ngoài ra, ông Lãng còn giải thích đây là vụ việc vô cùng phức tạp, cần nhiều thời gian nên sẽ công bố kết luận thanh tra theo quy định khi có kết quả cuối cùng.

ngap1

Bà Nguyễn Thị Kim Anh trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Courtesy of TNO/ RFA Edited

Sự việc xảy ra hôm 12/6/2019 các thành viên của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị công an Vĩnh Phúc bắt giữ vì có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu và nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng khi đang công tác tại huyện Vĩnh Tường. Cụ thể bà Nguyễn Thị Kim Anh nhận 160 triệu đồng và ông Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng và cả hai bị bắt đang trong quá trình thực hiện việc thanh tra và ngoài ra cơ quan chức năng còn phát hiện hơn 330 triệu động khi khám xét nơi làm việc của đoàn thanh tra và số tiền này do bà Kim Anh quản lý.

Sự việc gây rúng động dư luận vì thanh tra Bộ Xây dựng lại bị thanh tra vì nhận hối lộ. Do đó, vào ngày 19/6/2019 đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội khi tiếp xúc với các cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 7 quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri đã đề nghị xử lý nghiêm khắc các cán bộ trong vụ tham nhũng này.

Dư luận xã hội quan tâm và chờ kết quả kết luận từ cơ quan điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nhà Trang, từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố nhiều năm nhận định rằng, với những vụ việc này thì ngạc nhiên hay không ngạc nhiên đều đúng. Vị nhà báo giải thích :

"Các cơ quan bảo vệ pháp luật nhà nước có truyền thống lâu nay rồi là ta đánh ta phải nhẹ nhàng, cũng có tí du di nên nói không ngạc nhiên là theo nghĩa như vậy. Còn về ngạc nhiên thì đối với vấn đề này thì không bao giờ che khuất được đâu vì trước sau gì họ cũng sẽ làm cho đến nơi đến chốn, nếu họ làm như vậy là họ thiếu thông minh và kém khôn ngoan".

Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cũng có nhận định về vụ việc :

"Có nhiều trường hợp phạm tội, vi phạm pháp luật nhưng mà không được xử lý, cái chính là cơ quan bảo vệ pháp luật họ không có quyền độc lập cụ thể là cơ quan điều tra và bên giám sát hoạt động điều tra là viện kiểm sát và họ chịu sự lãnh đạo của cấp trên như tổ chức Đảng thì họ che dấu đi thì đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc và đặc biệt cụ thể đối với vụ việc này nó vẫn chưa được thực hiện theo pháp luật là như vậy".

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh thì lại có ý kiến tích cực hơn, khi cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận thì không thể nào kết luận bà Kim Anh đưa hay nhận hối lộ được.

"Những sai phạm này phải đợi kết luận của công an, thanh tra Bộ xây dựng mới ra quyết định xử lý kỷ luật vụ việc liên quan đến cơ quan điều tra thôi, theo đó cơ quan điều tra họ yêu cầu đình chỉ công tác sinh hoạt Đảng để công an thực hiện luật tố tụng, đình chỉ mọi chức vụ để xử lý theo quy định. Đối với những loại tội phạm này cần phải điều tra cho kỹ".

Nhưng lãnh đạo lại "bao biện"

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 Bộ Xây dựng, ông Lê Văn Lãng cũng thừa nhận rằng, việc xem xét kỷ luật tổ chức cá nhân thì ủy ban kiểm tra trung ương đang làm rõ tại thanh tra Bộ Xây dựng, liên quan trách nhiệm của tập thể để xảy ra trường hợp cán bộ có hành vi như vậy và đây là việc hết sức đau lòng. Ngoài ra, ông Lãng còn cho biết "Cả tập thể như vậy, còn nhiều việc làm tốt, cũng không hẳn chỉ có 1 việc này. Tất cả bị phủ định sạch trơn đi".(trích từ Lao Động hôm 30/09/2019).

Đồng thời, ông Lãng cũng thông tin thêm về thành tích được xem là xuất sắc và luôn đạt thành tích loại giỏi của bà Kim Anh, đánh giá đây là 1 cán bộ có năng lực về chuyên môn.

ngap2

Nơi đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang. Courtesy : Ảnh chụp màn hình giaoducthoidai.vn

Tuy nhiên đối với giới quan sát thì cho rằng, việc ông Lê Văn Lãng nói như vậy cũng chỉ là hành động cho sự "bao biện" như luật sư Hà Huy Sơn khẳng định : "…Theo quy định pháp luật, ai vi phạm thì người đó chịu trách nhiệm vi phạm, vi phạm tới đâu xử lý pháp luật tới đó chứ không thể nói làm nhiều việc tốt mà bỏ qua những hành vi vi phạm. Nếu sau khi đưa ra tòa mà người có công trạng thì theo quy định pháp luật nó cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi chứ đó cũng chỉ là cách nói bao biện của những người có trách nhiệm và từ xưa đến nay người ta vẫn quen với cách bao biện đó rồi, nói ra chẳng dựa trên căn cứ hay quy định pháp luật nào cả".

Cùng với quan điểm "sự bao biện" nhà báo Võ Văn Tạo lý giải thêm "Ông muốn nói gì ổng cứ nói, tôi từng tiếp xúc với thanh tra chính phủ nhiều lắm và tôi xin lỗi chứ đối với đội ngũ thanh tra chính phủ tôi không tin cậy được đâu nên ông phó Thanh tra xây dựng nói như thế thì ai không biết thì tin ổng thôi, chứ đối với những người quá rành với đội ngũ thanh tra của Việt Nam thì không. Mà ông không phải thanh tra nào cũng xấu cả, bởi vì số cán bộ thanh tra liêm khiết chắc chắn là có nhưng rất hiếm và vô cùng hiếm".

Đây là vụ việc tham nhũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhiều và chờ đợi kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra. Giới quan sát cho rằng, tang chứng vật chứng đều được bắt quả tang, công khai tính chất vụ việc rõ ràng, đối tượng phạm tội rõ danh tính nhưng đã gần 4 tháng và được xem quá thời hạn công bố kết luận nhưng cơ qua điều tra vẫn chưa lên tiếng kết luận vụ việc. Dư luận cho rằng có cần thiết kéo dài vụ việc lâu như vậy không ?

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, đối với vụ việc này không quá khó khăn đối với cơ quan chức năng vì bằng chứng cụ thể đã rõ ràng và thu lại hết rồi, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi.

"Đoàn thanh tra trước khi bị bắt đã tới một địa phương khác trong huyện đó và nếu người ta điều tra qua điều tra lại và nếu làm nhanh thì tầm độ một tháng là xong, còn tôi nghĩ nhiều khi không tới. Như vụ ông Đinh La Thăng cũng thế điều tra nhanh lắm, khởi tố, đưa cáo trạng nhanh khủng khiếp vì người ta thích nên làm rất nhanh còn không là ngâm nga. Luật quy định như thế nhưng người ta vẫn cố tình và cơ quan điều tra vi phạm luật luôn, nhiều vụ ngâm đến nhiều năm trời".

Luật sư Hà Huy Sơn giải thích thêm với chúng tôi về quy định pháp luật "Theo Bộ luật tố tụng hiện hành khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thời gian xác minh tối đa là hai tháng nếu phức tạp thì chỉ được gia hạn thêm một lần và không được phép được quá thời hạn đó, nếu quá hạn thì cơ quan điều tra buộc phải ra quyết định một là khởi tố vụ án hay không đủ dấu hiệu khởi tố vụ án nhưng thực tế pháp luật Việt Nam không nghiêm minh vì các cơ quan pháp luật không có quyền độc lập với nhau họ chịu sự lãnh đạo của Đảng, Đảng là cao nhất rồi và không ai giám sát tổ chức Đảng cả mặc dù trong hiến pháp có nói Đảng phải tuân thủ pháp luật nhưng ngay trong kết cấu của hiến pháp cũng thể hiện sự mẫu thuẫn logic hình thức trong điều 4 có nói Đảng vừa lãnh đạo xã hội, nhà nước và Đảng tuân theo pháp luật thì về logic nó đã có sự mâu thuẫn rồi nên pháp luật xã hội nó không nghiêm là chỗ đó".

Còn đối với luật sư Nguyễn Văn Hậu thì cho rằng, tỉnh Vĩnh phúc đã có văn bản yêu cầu phải xử lý nghiêm vụ việc này và đây là vụ án liên quan tham nhũng, kinh tế nên vụ việc này phải được mở rộng phạm vi điều tra và cần phải có thời gian nhưng ông tin chắc rằng đã có văn bản của tỉnh rồi thì thời gian tới chắc chắn cơ quan điều tra sẽ có kết luận sớm vì vụ việc này chắc chắn không thể chìm xuồng.

****************

Bao giờ hết ngập – bài toán nan giải (RFA, 02/10/2019)

Thành phố Hồ Chí Minh - Lại câu chuyện kinh phí

Triều cường trên các sông tại Thành phố Hồ Chí Minh hai ngày qua dâng cao khiến cả thành phố ngập tràn trong biển nước. Trong đó, đỉnh điểm là vào lúc 17 giờ chiều ngày 30/9, triều cường tại trạm Nhà Bè trên kênh Đồng Điền đo được đạt mức cao kỷ lục 1,8m, vượt qua mức 1,72m hồi tháng 12/2017.

ngap3

Người dân bơm nước tràn vào nhà ra ngoài. RFA

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường này sẽ kéo dài từ ngày 30/9 đến hết ngày 3/10.

Báo mạng VietNamNet dẫn lời Thạc sĩ Lê Đình Quyết – Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết chưa thể giải thích vì sao triều cường lại tăng cao kỷ lục như lần này.

Còn theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại học Cần Thơ thì nguyên nhân được xác định một phần do áp lực dân số ngày càng nhiều và cơ sở hạ tầng chưa tốt. Thêm vào đó là nhu cầu sử dụng nước ngọt càng nhiều chừng nào thì độ sụt lún càng gia tăng.

Trên các diễn đàn, nhiều người dân bày tỏ bức xúc vì thành phố năm nào cũng chi một khoản lớn để chống ngập nhưng cứ đến hẹn lại lên, mỗi lần triều cường dâng cao, cả thành phố lênh láng nước, nước ngoài đường kèm theo nước cống dâng tràn vào nhà dân.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính quyền thành phố đã chi 250 tỉ đồng vào cuối tháng 11/2017 để khởi công nâng đoạn đường Huỳnh Tấn Phát ở Quận 7 lên 20-30cm và hoàn thành vào cuối năm 2018, nhằm chống ngập trong khu vực này, nhưng người dân nơi đây trong những ngày qua bì bõm lội nước.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc sĩ Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó ban điều phối chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :

"Mình phải nói rõ những tiền chi đó chả thấm vào đâu so với nhu cầu. Hệ thống chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn rất yếu và thiếu. Thiếu bởi vì nó mới đạt 30-40% tổng diện tích lưu vực Thành phố Hồ Chí Minh thôi và yếu do những hệ thống đã xây dựng rồi bị quá tải do biến đổi khí hậu, tức là thiết kế so với bây giờ bị lạc hậu, thứ hai là bị nghẹt do rác. Đó là nguyên nhân chính. Còn lại ngập do ngăn triều thiệt ra mình đã ngăn được bao nhiêu đâu. Dự án lớn nhất ở phía Nam đang còn dở dang, xây dựng 1 phần chưa khép được. Thành ra lý do tại sao ngập là do chưa làm được bao nhiêu hết, còn số tiền nói thì nghe nhiều nhưng thật ra so với yêu cầu là hàng trăm ngàn tỷ thì nó chả là cái gì hết".

Vẫn theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, cơ chế tài chính của thành phố đối với việc chống ngập lụt còn yếu vì so với những dịch vụ công ích khác như giao thông, y tế, giáo dục, điện, nước sạch thì gần như rất bền vững, phát triển rất mạnh vì cân bằng được thu chi. Còn trong lĩnh vực chống ngập lụt thì lại không đủ kinh phí, nên dù có hướng giải quyết cũng không thể thực hiện đến nơi đến chốn. Ông giải thích :

"Giải pháp thì chắc chắn không mới bởi vì chúng ta sẽ áp dụng giải pháp truyền thống rồi học tập các nước đã xây dựng những biện pháp thích nghi. Hoàn toàn mình có những giải pháp để làm hết, quan trọng nhất là không có tiền để làm. Nguyên nhân tại sao không có tiền ? Chủ yếu là do cơ chế tài chính. Hệ thống chống ngập hiện nay, dịch vụ thoát nước là bao cấp. Những nguyên nhân gây ngập đã được xã hội hóa rồi : phát triển đô thị, làm đường… tất cả các thứ có nguồn thu và nguồn chi, thành ra phát triển rất nhanh. Trong khi chống ngập không có nguồn thu, 1 năm thu vỏn vẹn chưa tới 1.000 tỷ dùng để vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hiện tại mà còn chưa đủ thì tiền đâu mà chống ngập. Đó là một bất cập lớn. Một dịch vụ muốn được bền vững thì thu-chi phải cân bằng".

ngap4

Cảnh ngập nước tại Sài Gòn ngày 30/9. RFA

Thạc sĩ Hồ Long Phi cho rằng nếu tình trạng này không được khắc phục, thì tình trạng ngập lụt khi mưa và triều cường dâng cao sẽ càng lúc càng nặng. Ông cho rằng :

"Đất lún, mực nước tăng lên, bờ, bãi, lòng dẫn bị lấn chiếm thì mực nước càng lúc càng dâng và dâng càng nhanh, trong khi tốc độ xây dựng quá chậm, đụng tới cái gì cũng vướng. Nhiều nơi có tiền nhưng không giải tỏa đền bù được bởi vì cơ chế giá không phù hợp nên thương lượng với dân rất khó. Dẫn tới 1 dự án chống ngập từ khi được phê duyệt đến khi thực hiện trễ 5,6,7,8 năm là chuyện thường. Đó là những cái thuộc về cơ chế hết chứ không phải về kỹ thuật, ngồi bàn về kỹ thuật là sai. Kỹ thuật mình không có sáng kiến gì mới, cứ lặp lại những thứ thế giới đã làm, mình chưa làm thì chỉ cần đi theo họ cũng đủ rồi, thành phố phải thấy được chuyện này".

Đồng bằng sông Cửu Long – dựa vào dự báo để phòng ngập

Không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây cũng đang chịu chung tình trạng các tuyến đường lênh láng nước trong đợt triều cường này. Tại Cần Thơ học sinh phải nghỉ học trong 2 ngày qua.

Giải thích vì sao khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị ảnh hưởng, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đồi Khí Hậu, Đại học Cần Thơ cho biết :

"Năm nay nước từ thượng nguồn đi về không cao lắm, đầu mùa mưa chúng tôi thấy mực nước rất thấp so với nhiều năm. Nhưng khoảng hơn tuần nay, lượng mưa rơi xuống vùng Hạ Lào, Campuchia và đồng bằng Sông Cửu Long rất lớn. Lượng mưa đó dồn về hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, khi xuống Cần Thơ ngay đợt triều cường, tức là thủy triều ở Biển Đông dâng lên cao nhất trong tháng kết hợp với mưa tại chỗ làm cho Cần Thơ bị ngập rất nặng, có những chỗ ngập rất sâu, lên tới khoảng nửa mét. Một số tỉnh lân cận như Vĩnh Long ngập rất sâu".

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trước những nguyên nhân trên thì việc tìm ra giải pháp chống ngập cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất khó. Ông giải thích :

"Thứ nhất do biến đổi khí hậu bất thường ; thứ hai là do một số tác nhân phía bên ngoài ví dụ như những cái đập thủy điện giữ nước hay xả nước mà mình không có thông tin, không quyết định được ; thứ ba là do lũ đồng bằng. Hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bị lũ rất nặng. Ngoài ra còn yếu tố mực nước biển dâng lên. Tất cả những yếu tố gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của người dân, chính quyền địa phương nên giải quyết rất khó. Chỉ có mình dự báo ngập lụt ở đâu để mọi người đề phòng, qua cơn ngập mới sinh hoạt bình thường".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn cho biết thực ra cũng khá nhiều biện pháp được đề ra nhưng không hiệu quả lắm và rất tốn kém cũng như không khả thi vì chuyện này làm nhiều năm nay rồi vẫn chưa giải quyết hoàn toàn. Ông dẫn ví dụ như ngay cả thành phố lớn như tại Sài Gòn, mười mấy năm nay chương trình chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh tới bây giờ vẫn không giải quyết được vấn đề ngập lụt.

Do đó, những hỗ trợ của chính phủ hiện nay chỉ mang tính trước mắt :

"Ví dụ như có những nơi ngập sâu quá mình làm đê bao, di dời người dân đến chỗ cao hơn, các trường học cho trẻ con nghỉ học… Về lâu về dài chưa có giải pháp nào hữu hiệu bởi vì muốn chống triệt để như vậy rất tốn kém, phải làm ra những hệ thống đê bao phức tạp mà hiệu quả không cao".

Các chuyên gia đều có những phân tích khá xác thực với tình hình tại từng địa phương nhưng phần đông đều cho rằng biết được nguyên nhân ngập nhưng để giải quyết chuyện ngập là bài toán nan giải.

Tuy nhiên tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng có một lãnh đạo nguyên chủ tịch HĐND đã từng phát biểu rằng không nên né tránh trách nhiệm trong việc chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà đề nghị phải chỉ ra được cơ quan chịu trách nhiệm thì cơ quan đó mới tập trung, tích cực thực hiện, còn chung chung "tích cực xử lý nghiêm" thì ai sẽ xử lý ?

****************

Ước mơ thành cường quốc an ninh mạng của Việt Nam đang bị dập tắt (RFA, 02/10/2019)

Vào ngày 1/10/2019, CyStack – một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng công bố báo cáo cho thấy trong quý III/2019, đã có tới 127.367 websites bị tấn công trên toàn cầu. Như vậy, cứ mỗi phút trôi qua lại có một website bị xâm phạm.

ngap5

Ước mơ thành cường quốc an ninh mạng của Việt Nam đang bị dập tắt - Ảnh minh họa RFA Edited

Việt Nam lơ là với an ninh mạng

Đáng chú ý, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng các quốc gia bị tấn công website nhiều nhất thế giới trong quý III này. Trong đó, các website có tên miền .com, .vn và .net bị tấn công nhiều nhất.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 02/10 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, nhận định :

"Theo tôi việc bị tấn công cũng không phụ thuộc vào hệ thống của mình như thế nào, còn thực trạng các website bị tấn công thì có tại tất cả các quốc gia chứ không chỉ ở Việt Nam, nên tôi nghĩ nó cũng bình thường thôi".

Ông Quảng cho biết thêm, hiện nay cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa có đảm bảo an ninh mạng cho website của mình. Mặc dù gần đây ở Việt Nam người ta mới bắt đầu để ý đến việc thuê các dịch vụ bảo vệ trang web, tuy nhiên theo ông chắc chắn là còn nhiều doanh nghiệp chưa thuê dịch vụ như thế.

Trong khi đó, Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu từ Sydney, Úc, khi trao đổi với RFA hôm 02/10 thì cho rằng, bất cứ khảo sát nào về an ninh mạng chỉ mang tính tương đối, nhưng nếu dựa vào tính tương đối để đánh giá thì ông cũng không ngạc nhiên về thứ hạng này của Việt Nam. Ông nói tiếp :

"Trước đây, khi tôi tham gia một diễn đàn có tên là HVA (PV - Hacker Vietnam Association - Hiệp hội Hacker Việt Nam, là tổ chức hacker lâu đời nhất của Việt Nam, thành lập từ năm 1997 khi Việt Nam chính thức kết nối Internet), trong giai đoạn đó Tôi có thành lập một nhóm để đánh giá độ bảo mật web, thì mình thấy cứ 100 cái web thì có 99 cái lơ là về bảo mật. Tôi kể chuyện này để cho thấy không những vấn đề công nghệ yếu mà vấn đề ý thức trách nhiệm của những người quản lý những trang web đó cũng không có nữa".

Theo ông Diêu, có thể về vấn đề kỹ thuật của những người quản lý trang web không có, huấn luyện không có, ngân sách bảo dưỡng không có… hoặc họ không quan tâm vấn đề này. Nhưng ông nghĩ tình trạng này không khá hơn sau 10 năm, vì những chính sách bảo mật ở Việt Nam hiện nay theo ông là vẫn khá lỏng lẻo.

Khi tội phạm mạng gia tăng

Thứ hạng về an ninh mạng của Việt Nam như vừa nêu cũng không quá ngạc nhiên, khi trả lời ZDNET hôm 29/4/2019, Tiến Sĩ Jonathan Lusthaus, giám đốc Dự án Tội phạm công nghệ cao tại Đại học Oxford, Anh Quốc, người đã nghiên cứu về tội phạm mạng trên toàn cầu trong hơn bảy năm, sau một chuyến đi tìm hiểu ở Việt Nam vào năm 2017 cho rằng, Việt Nam có một "truyền thống rất tốt về hack (xâm nhập) máy tính" cũng như có "mưu cầu về kỹ thuật" này, và có thể trở thành một trung tâm ‘tin tặc’ tầm trung của thế giới trong tương lai.

Ngoài ra, theo báo cáo của IntSights, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và các yếu tố khác đang thúc đẩy sự gia tăng hoạt động gián điệp mạng và tội phạm mạng ở Việt Nam.

Mặc dù trong những năm gần đây, Việt Nam hiếm khi bị liên quan đến hoạt động tội phạm mạng theo cách tương tự các quốc gia như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran thường làm… Nhưng theo IntSights điều đó có thể sớm thay đổi, do hoạt động gián điệp mạng và tội phạm mạng ở Việt Nam đang phát triển.

Với thành tích và những cảnh báo như vậy, nhưng tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại khẳng định ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’ (!?).

Ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng mà theo ông là loại tốt trên thế giới, cộng với khát vọng dân tộc hùng cường và một giấc mơ lớn.

Từ Hà Nội, khi trao đổi với RFA, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nhận định :

"Tôi nghĩ cái đấy mà Bộ trưởng Bộ Truyền thông và thông tin là ông Hùng bên Viettel sang là người ta chỉ nói những từ sáo ngữ thôi, tức là những từ ngữ sáo rỗng thôi. Chứ thực chất nhìn cuộc sống đây thì thấy người ta bị hành từ những tờ giấy khai sinh đến việc đăng ký này kia. Người ta mà làm được những việc đấy cho dân thì tôi nghĩ đã tốt lắm rồi".

ngap6

Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội. Courtesy Vietnam Security Summit 2019

Mới đây, vào ngày 11/7/2019, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và truyền thông, mặc dù nhìn nhận Việt Nam vẫn đang ở vị trí là một chấm nhỏ, hết sức khiêm tốn trên bản đồ an toàn, an ninh mạng thế giới, song ông Dũng cho biết một mục tiêu đặt ra trong hai năm 2019 - 2020 là Việt Nam sẽ có 100 doanh nghiệp mạnh về an ninh mạng cùng khoảng 1.000 chuyên gia đầu ngành.

Trong khi đó, tại hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra vào ngày 2/10/2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, cần coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh.

Mặc dù vị trí thứ hạng cũng như cơ sở hạ tầng của Việt Nam được cho là còn nhiều yếu kém, tuy nhiên không hiểu vì sao các vị lãnh đạo của Việt Nam lại có thể có những phát ngôn hùng hồn, chủ quan như vậy. Bởi lẽ, giới chuyên gia lo ngại, khi phát triển ồ ạt chính phủ điện tử mà không bảo đảm được vấn đề bảo mật thì sẽ có hậu quả khó lường.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết thêm :

"Trong một năm trở lại đây, chính phủ đã đưa ra một loạt các quy định, chẳng hạn yêu cầu tất cả các cơ quan trong hệ thống nhà nước phải cài đặt phần mềm chống mã độc cho máy vi tính. Trước đây không có quy định như vậy, gần đây đã có, hay là lãnh đạo các cơ quan phải chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh mạng cho cơ quan của mình. Việc này nhằm gắn trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan với việc đảm bảo an ninh, như vậy người ta bắt buộc phải có những đầu tư đúng mức".

Theo ông Quảng, trong văn bản của Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo an ninh mạng cho các cơ quan nhà nước, có yêu cầu thuê các các đơn vị chuyên nghiệp để bảo dịch vụ an ninh mạng. Ông nghĩ, chỉ thị này sẽ có tác dụng tốt, giúp cho các cơ quan nhà nước đảm bảo an ninh mạng.

Tuy nhiên, Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu lại bày tỏ lo ngại :

"Tất nhiên là nó rất tai hại, có hai vấn đề trong chuyện này mình nhìn vô đây mình thấy ngay. Mấy ông lãnh đạo cứ nói phải thế này thế kia, nhưng có thành sự thật hay không lại là chuyện khác, nhưng bây giờ mấy ổng không khai triển cũng không được, vì xu hướng xã hội cũng như thế giới về thông tin ngày nay nó phải như vậy. Nên mấy ổng không có chọn lựa nào khác nên phải quơ quào chắp vá mà thực hiện. Nhưng thực hiện như vậy rất nguy hiểm, vì không có tính bảo mật, ảnh hưởng thông tin riêng tư của những con người trong một đất nước. Mà nếu quản lý không khéo nó sẽ rối loạn mà không thể kiểm soát được".

Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, phải thay đổi cơ chế, thậm chí phải thay đổi cả một chế độ thì mới có thể thực hiện như lời các vị lãnh đạo Việt Nam tuyên bố, nếu không thì sẽ vẫn tiếp tục như từ trước đến giờ. Theo ông Diêu, không biết bao nhiêu ông lãnh đạo cứ tuyên bố trong vòng 10 năm, 20 năm sẽ thế này thế kia… nhưng cho đến bây giờ những thứ đã tuyên bố đó vẫn chưa thấy thực hiện được gì hết !

****************

Những giọt nước mắt tại các phiên tòa ở Việt Nam (RFA, 01/10/2019)

Các bản án không nghiêm minh

Không ít người quan tâm đến vụ án buôn bán thuốc trị ung thư giả của Công ty cổ phần Việt Nam Pharma bày tỏ sự bất bình khi cho rằng các bản án mà Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên cho 12 bị cáo vào ngày 1/10/19 với mức án cao nhất 20 năm tù là không nghiêm minh.

ngap7

Ông Nguyễn Minh Hùng tại một phiên tòa vào năm 2019 ở Thành phố Hồ Chí Minh - Photo : RFA

Nhiều người cho rằng hành vi buôn bán thuốc giả cho những bệnh nhân bị bệnh ung thư, là những người không may mắc bệnh hiểm nghèo phải từng ngày, từng giờ vật vã với sự sống còn, mà còn bị mua phải thuốc giả với giá cao, thì đó là một tội ác đối với đồng bào, không thể nào dung thứ được.

Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của những người theo dõi vụ án này còn phản đối và cho rằng các bản án được tuyên cho 12 bị cáo chủ chốt trong vụ án còn quá nhẹ. Lý ra, tòa phải tuyên đến mức án tử hình nhằm răn đe các hành vi phạm tội tương tự có thể xảy ra trong xã hội về sau.

Giọt nước mắt ăn năn ?

Không những bức xúc vì bản án nhẹ đối với các bị cáo trong vụ án này, mà hình ảnh bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Việt Nam Pharma) khóc nức nở tại tòa được lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua cũng khiến nhiều người ái ngại. Mặc dù bị cáo Nguyễn Minh Hùng thừa nhận trước tòa rằng ăn năn về những sai sót đã gây ra và khóc xin tòa cho tại ngoại sau hai năm tạm giam để lo cho mẹ già và người vợ đang có mang ; thế nhưng giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Minh Hùng không được dự luận đồng cảm.

Những giọt nước mắt như của Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh… cho tới mở rộng ra hơn là những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, hay mới đây là Lê Đức Anh thì những giọt nước mắt của họ chỉ là sự tiếc nuối khi phải rời bỏ cõi trần gian này. Họ bỏ đi những cuộc sống sung sướng, nhung lụa, sống trên máu và nước mắt cũng như là sự đau khổ của người dân. Tôi tin là không ai tin rằng những giọt nước mắt của họ có chứa trong đó sự ân hận, dù chỉ một chút thôi nên tôi gọi đó là ‘giọt nước mắt liêu trai chí dị'
-Blogger Nguyễn Ngọc Già

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào ngày 26 tháng 9 đăng tải trên trang Facebook cá nhân ý kiến của ông về những giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Minh Hùng qua dòng trạng thái :

"Tổng giám đốc Việt Nam Pharma Nguyễn Minh Hùng ra Tòa đã khóc nức nở. Có người bảo thằng hèn, dám làm, dám chịu chứ ! Nhưng khổ nỗi, nếu đúng người, đúng tội sẽ chả mấy ai khóc đâu. Đây là khóc vì uất hận, uất ức trong lòng mà không được nói ra. Mình è cổ ra làm cho bao nhiêu đứa nó hưởng, nó toàn ăn miếng to, miếng ngon mà chẳng làm sao... Mình đầu chày đít thớt mà chịu tội, thật bất công, uất hận, đắng cay ... Cũng như Trẻ con, mắng đúng tội, nó không cãi, không khóc đâu ; nhưng bị oan ức, nó khóc ghê lắm"…

Không chỉ là giọt nước mắt của mỗi bị cáo Nguyễn Minh Hùng, mà hình ảnh của các bị cáo khác trong những vụ đại án (được xử trước đây) khóc lóc tại những phiên tòa ở Việt Nam cũng được nhắc tới như bị cáo Hòang Thị Hồng Tứ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BSC Việt Nam), trong vụ đại án Oceanbank hay như bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu quan chức lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong vụ đại án tham nhũng bị đem ra xét xử cùng với bị cáo Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ Chính trị… Các cư dân mạng lúc bấy giờ gọi đó là "những giọt nước mắt cá sấu".

ngap8

Tử tù nông dân Đặng Văn Hiến ôm con thơ trong nước mắt. Courtesy : Facebook Quốc Ấn Mai

Từ Sài Gòn, Blogger Nguyễn Ngọc Già vào tối ngày 1 tháng 10 lên tiếng với RFA :

"Những giọt nước mắt như của Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh…cho tới mở rộng ra hơn là những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, hay mới đây là Lê Đức Anh thì những giọt nước mắt của họ chỉ là sự tiếc nuối khi phải rời bỏ cõi trần gian này. Họ bỏ đi những cuộc sống sung sướng, nhung lụa, sống trên máu và nước mắt cũng như là sự đau khổ của người dân. Tôi tin là không ai tin rằng những giọt nước mắt của họ có chứa trong đó sự ân hận, dù chỉ một chút thôi nên tôi gọi đó là ‘giọt nước mắt liêu trai chí dị’.

Trong khi đó, chúng ta cũng thấy những giọt nước mắt như của tử tù Đặng Văn Hiến thì giọt nước mắt đó nhận được sự đồng cảm, thương cảm và kể cả phẫn nộ đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lừa đảo một người dân chơn chất chỉ vì bảo vệ mảnh đất của mình mà phải nhận lãnh cái án tử hình. Do đó, có thể dẫn đến một hình ảnh có thể nói là xung đột rất lớn giữa hai loại nước mắt như vậy. Và giọt nước mắt của Đặng Văn Hiến thì tôi cho rằng đó mới là giọt nước mắt của con người".

Giọt nước mắt hạnh phúc thầm lặng

Cộng đồng cư dân mạng còn mang hình ảnh tương phản tại các phiên tòa giữa những người có chức, có quyền và những người dùng tiền tài để thao túng đạo đức và xã hội khóc "ăn năn", xin giảm án đối chọi với những gương mặt ngẩng cao, cùng lời tuyên bố đanh thép rằng "chúng tôi vô tội" khi bị tòa án tuyên những bản án nặng nề với các tội danh "lật đổ chính quyền" và "tuyên truyền chống nhà nước".

Theo số liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, Việt Nam hiện đang cầm tù hơn 100 tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo. Họ là những người luôn hiên ngang trước tòa, chưa bao giờ nao núng hay hối hận về lý tưởng và con đường mà họ theo đuổi vì một xã hội Việt Nam được công bằng và dân chủ. Nhưng, các tù nhân đó cũng từng rơi những giọt nước mắt lặng lẽ chốn lao tù. Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già chia sẻ :

"Những người bất đồng chính kiến có người này người khác, những điểm chung của chúng tôi mà đó là điểm căn bản nhất là chúng tôi đều thương yêu gia đình. Vì nếu không thương yêu gia đình thì chắc chắn không thương yêu ai được. Vì vậy, không thể nào tránh khỏi những phút xao lòng, những lúc buồn tủi và kể cả có những giọt nước mắt nhớ vợ, thương con. Đó là điều rất bình thường và đó cũng là những giọt nước mắt con người".

Còn thân nhân gia đình của họ, hầu hết đều nghị lực không để rơi giọt nước mắt nào tại các phiên tòa. Tuy nhiên, những dòng lệ âm thầm cũng đã chảy theo tháng ngày mòn mỏi ngóng trông người thân ở trại giam. Cô giáo Huỳnh Thị Út, thân mẫu của tù nhân sinh viên Trần Hoàng Phúc nhớ lại thời khắc sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của con trai :

"Lúc về nhà tối thui và trong nhà thì tĩnh mịch, không có ai ở nhà. Cứ đi tới, đi lui rồi nhìn quần áo của Phúc, nhìn giường của Phúc, nhìn phòng của Phúc, nhìn hình của Phúc thì lúc đó mới khóc. Với lại thật sự ra, hôm nào đi thăm Phúc hoặc Phúc gọi điện thoại về nhà mà có một sự kiện nào mà Phúc nói làm mình lo lắng cho Phúc thì lúc đó mới khóc thôi".

Cô giáo Huỳnh Thị Út nói rằng bà không bao giờ khóc với con trai yêu yêu dấu của mình vì bà phải là chỗ dựa tinh thần vững vàng của con trai. Bà cũng khẳng định giọt nước mắt của bà là "Giọt nước mắt hạnh phúc", vì những giọt nước mắt đó minh chứng cho sự đồng hành trong hành trình chông gai mà con trai Trần Hoàng Phúc cùng rất nhiều các tù nhân lương tâm khác đang dấn thân với mong cầu một ngày không xa nữa, hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ không còn nhìn thấy những giọt nước mắt như của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Trịnh Xuân Thanh và hơn hết là những giọt nước mắt đau lòng của tử tù Đặng Văn Hiến.

Published in Việt Nam

Tại Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/04/2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ‘Việt Nam có thể thành cường quốc an ninh mạng’.

anninh11

Hội thảo quốc tế về An ninh mạng 2019 tổ chức hôm 17/4/2019 tại Hà Nội. Courtesy Vietnam Security Summit 2019

Ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng nhờ có nguồn nhân lực an ninh mạng mà theo ông là loại tốt trên thế giới, cộng với khát vọng dân tộc hùng cường và một giấc mơ lớn.

Cũng có mặt tại buổi Hội thảo, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV lại cho rằng để trở thành cường quốc an ninh mạng, không những cần có nguồn lực an ninh mạng tốt, mà còn phải có đầy đủ sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng cốt lõi để phòng chống mã độc, dịch vụ đào tạo…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18/4, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV nhận định là nhận xét của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là hoàn toàn có thể thực hiện, do chất lượng nguồn nhân lực về an ninh mạng của Việt Nam rất tốt. Ông nói :

"Ví dụ như phần mềm Chrome mọi người đang dùng nhiều hiện nay, thì lỗ hổng đầu tiên của nó là do các kỹ sư Việt Nam phát hiện ra. Hay năm 2008, có cuộc tấn công mạng được coi là lớn nhất thế giới từ trước đến nay vào các website của chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, khi đó rất nhiều đơn vị trên toàn thế giới cùng tìm, nhưng vẫn không phát hiện server (máy chủ) tấn công, khi họ nhờ đến Việt Nam thì chỉ trong một ngày, các kỹ sư Việt Nam đã tìm ra server tấn công…".

Tuy nhiên, theo chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc thì lại cho rằng, điều này không thực tế :

"Cái đó mình chỉ nghe thôi chứ không thực tế, vì công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay cũng chỉ lẹt đẹt so với khu vực Đông Nam Á, huống hồ quốc tế. Trong khi an ninh mạng thì đâu chỉ có thiết bị công nghệ, luật an ninh mạng hay chuyên gia, mà nó còn đòi hỏi chiến lược và khả năng có thể làm gì để bảo vệ an ninh mạng của chính quốc gia đó".

Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, nhìn chung ở Việt Nam, an ninh mạng dễ bị ngộ nhận với cyber security là an ninh mạng của các nước. An ninh mạng ở Việt Nam là an ninh chế độ, chứ không phải để bảo vệ quốc gia hay người dân. Thực tế luật an ninh mạng ở Việt Nam dùng để kiểm soát người dân chứ không phải để đối phó tin tặc từ bên ngoài.

anninh2

Một công ty IT ở Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh minh họa chụp trước đây.AFP

Từ Hà Nội, khi trao đổi với RFA, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nhận định :

"Tôi nghĩ cái đấy mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông tin là ông Hùng bên Viettel sang là người ta chỉ nói những từ sáo ngữ thôi, tức là những từ ngữ sáo rỗng thôi. Chứ thực chất nhìn cuộc sống đây thì thấy người ta bị hành từ những tờ giấy khai sinh đến việc đăng ký này kia. Người ta mà làm được những việc đấy cho dân thì tôi nghĩ đã tốt lắm rồi".

Mặc dù Việt Nam cũng có nhiều tinh hoa trong nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tuy nhiên khi tham dự buổi tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin và truyền thông trình độ cao" được tổ chức tại Hà Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhìn nhận có đến 70% cử nhân công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại.

Ngoài ra, theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2018, đã có hơn 9.300 vụ tấn công mạng nhắm vào các website của Việt Nam. 5 loại hình tấn công nhiều nhất với các trang mạng Việt Nam được VNCERT đưa ra gồm : tấn công thu thập thông tin, tấn công leo thang đặc quyền, tấn công từ chối dịch vụ, tấn công chiếm quyền điều khiển và tấn công mã độc. Trong số này, tấn công mã độc là nguy hiểm và phổ biến nhất trong năm 2018, đặc biệt là loại mã độc tống tiền ransomware nhắm vào các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng… và điện toán đám mây.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng, hiện nay thị trường nội địa của Việt Nam chưa đủ lớn. Nhưng cũng có dấu hiệu tốt là gần đây chính phủ đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam phát triển. Cụ thể là chính phủ đang đưa ra chính sách là đầu tư an ninh mạng cho các cơ quan của chính phủ, điều đó giúp đảm bảo an ninh quốc gia, vì theo ông, hiện nay đảm bảo an ninh quốc gia trên không gian mạng của Việt Nam chưa đảm bảo, do trước đây chính phủ chưa đầu tư nhiều. Bây giờ chính phủ đầu tư thì theo ông Quảng, không những an ninh đảm bảo mà doanh nghiệp cũng có thị trường. Có thị trường thì có doanh thu, có thể đầu tư thêm nguồn lực. Và nếu đã tốt ở thị trường trong nước thì có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Và từ những điều đó Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cường quốc về an ninh mạnh.

Tuy nhiên chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu lại nghi ngờ cái gọi là "cường quốc về an ninh mạnh" :

"Theo tôi thấy, khi dùng chữ cường quốc thì phải dùng để miêu tả một quốc gia có sức mạnh và có sự ảnh hưởng về một vấn đề nào đó thì mới gọi là cường quốc. Còn vấn đề an ninh mạng cho một quốc gia thì mang tính riêng lẻ và độc lập thì không thể gọi là cường quốc được. Nên ông Hùng nói cường quốc thì dễ tạo ra ngộ nhận Việt Nam sẽ tạo ra công nghệ, nhân lực, chuyên gia… có thể cung cấp dịch vụ an ninh mạng cho quốc tế".

Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu, đây không phải chuyện một sớm một chiều, cần phải có nền tảng và cần nhiều thế hệ, chứ không phải bất thình lình có thể nhảy đến mức như vậy được. Ông so sánh Việt Nam với Bangalore, một thành phố công nghệ cao ở Ấn Độ… Theo ông, Bangalore đã đi trước Việt Nam nhiều thập niên, đã quan tâm đầu tư chất xám, tài nguyên rất nhiều mới có thể đạt được như hiện nay. Còn Việt Nam theo ông, vẫn mang tính hình thức, chưa có gì vượt trội, do đó câu nói của ông Hùng chỉ là khuếch đại, không có tính thật.

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng một số quy định trong luật như quy định về nội địa hóa dữ liệu có thể tạo lỗ hổng cho các vụ xâm nhập tấn công mạng ở Việt Nam.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 18/04/2019

Published in Diễn đàn