Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch (RFA, 21/05/2018)

Cử tri phản ánh việc thu hồi đất thiếu minh bạch, đầu cơ "đẩy giá" đất, các dự án quy hoạch chưa được công khai…

dat1

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV hôm 21 tháng 5 năm 2018. Courtesy of mattran.org.vn

Thông tin vừa nêu được ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV hôm 21tháng 5.

Theo ông Mẫn, đa số trong tổng cộng gần 4.000 ý kiến của cử tri cho rằng việc thu hồi đất thiếu minh bạch, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc đền bù, hỗ trợ tái định cư bất cập, gây bức xúc. Tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ "đẩy giá" đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương.

Ngoài ra, những dự án đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn là nguyên nhân làm gia tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, gây tắc đường, ngập lụt và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo ông Mẫn, cử tri đề nghị chính phủ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh "việc đã rồi" mới giải quyết.

Cũng tin liên quan, hôm 21 tháng 5 kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc có nhiều vi phạm trong 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong năm 2017.

Theo cơ quan kiểm toán, những đặt ân về thanh toán, giao đất cho các dự án BT, không giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, hầu hết dự án BT chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền một lần không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra cơ quan kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay, ước lượng khoảng 85%. Nhưng lại được nhà nước tính lãi, với lãi suất tối đa bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ.

Vì vậy thực chất gần như toàn bộ dự án BT là vốn của nhà nước hoặc là vốn của nhà nước đi vay với lãi suất cao hơn lãi suất huy động. Việc này chứng tỏ, các dự án BT không làm giảm gánh nặng cho ngân sách.

********************

Nhiều tổ chức, cá nhân đòi trả lại chùa, nhà thờ ở Thủ Thiêm (Người Việt, 20/05/2018)

Mười tổ chức dân sự và nhiều cá nhân đã cùng ký tên trên một bản tuyên bố đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả lại nhà đất đã bị nhà nước tước đoạt, đặc biệt vụ việc đang nóng tại Thủ Thiêm, thành phố Sài Gòn.

dat2

Ngày 9 tháng Năm, 2018, trong cuộc đối thoại với "đại biểu Quốc hội" mà cũng lại là nhà cầm quyền, đại diện dân Thủ Thiêm chứng minh nhiều khu vực ở Thủ Thiêm không nằm trong bản đồ "quy hoach" nguyên thủy tức nằm ngoài dự án khu đô thị mới nhưng vẫn bị nhà cầm quyền thành phố cưỡng chế tước đoạt. (Hình : Thanh Niên)

Bản tuyên bố của các tổ chức dân sự độc lập và cá nhân khởi xướng ngày 19 tháng Năm, 2018, viết rằng : "Tuần qua việc bạch hóa thông tin về tình hình giải tỏa đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm suốt 20 năm qua đã khiến toàn xã hội choáng váng. Giữa thành phố lớn nhất nước, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân là quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng".

Bản tuyên bố được đưa ra sau phiên họp giữa đoàn "đại biểu Quốc hội" mà cũng lại là những người cầm quyền cao nhất ở thành phố Sài Gòn. Trong buổi tiếp xúc, nhiều người dân Thủ Thiêm mất nhà mất đất đã chứng minh nhà đất của họ nằm ngoài dự án "quy hoạch" khu đô thị mới nhưng vẫn bị cưỡng chế, sống lây lất vạ vật.

Những khu vực đã bị nhà cầm quyền thành phố cưỡng chế và đền bù bằng những số tiền rẻ mạt, đã được những tay tư bản đỏ sau đó bán lại với giá gấp ngàn lần.

Hai năm trước, nhà cầm quyền thành phố đã cưỡng chế, đuổi hòa thượng Thích Không Tánh ra khỏi chùa rồi san ủi Liên Trì. Mới đây, thấy thông báo sẽ cưỡng chế tu viện của các nữ tu Công giáo Dòng Mến Thánh Giá và nhà thờ Thủ Thiêm, một cơ sở tôn giáo đã có lịch sử hơn 150 năm.

Trong cuộc đối thoại với người dân Thủ Thiêm ngày 9 tháng Năm, 2018, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, "đại biểu Quốc hội" mà cũng là chủ tịch "Ủy Ban Nhân Dân" thành phố Sài Gòn đã không giải đáp nổi những tố cáo các sự ngang nhiên thay đổi "quy hoạch" của nhà cầm quyền thành phố, suốt 20 năm qua qua nhiều ông bí thư thành ủy và "ủy ban nhân dân" làm ngược với quyết định từ trung ương,dẫn đến giải tỏa hàng ngàn gia đình trái chủ trương từ nhà cầm quyền trung ương.

Bản tuyên bố cáo buộc "Chính quyền ở một thành phố trực thuộc trung ương ngang nhiên bác bỏ hiệu lực của một văn bản lập quy của thủ tướng chính phủ. Điều đó không chỉ bộc lộ rõ nạn vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị của nhà nước đương quyền, mà còn một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ của vấn đề là chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Theo đó, những dự án đầu tư phát triển đô thị trở thành cơ hội cho quan chức hối mại quyền thế, làm giàu bằng tước đoạt đất đai của người dân với giá đền bù rẻ mạt.

Sự tước đoạt hoang dã không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm. Khắp nơi trong cả nước hàng vạn dân oan đã đội đơn và giăng biểu ngữ đòi quyền sống và đòi công lý trước trụ sở Quốc hội, văn phòng các cơ quan hành pháp trong hơn hai chục năm qua. Thế nhưng, tiếng dân oan không được lắng nghe và nạn vô pháp vẫn ngang nhiên bất trị".

Trước tình hình nghiêm trọng nêu trên, các tổ chức xã hội dân sự và người Việt trong và ngoài nước đồng lòng kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

- Trả lại cho dân, Chùa Liên Trì, Nhà Thờ và Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm… phần đất không có trong quy hoạch ban đầu theo văn bản lập quy của thủ tướng, và đền bù thỏa đáng cho những nạn nhân đã bị cưỡng chế oan ức".

- Nghiêm trị các tổ chức và cá nhân vô trách nhiệm, lộng quyền, chà đạp đời sống của dân, luật pháp và đạo lý dân tộc.

- Chấm dứt ngay việc cưỡng bức thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân mà chính quyền ở các địa phương đang thực hiện.

- Lập ban thanh tra có sự tham gia của cộng đồng xã hội (đại diện những người có quyền sử dụng đất), rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên cả nước.

- Công nhận và hiến định chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên cả nước.

- Công nhận và cho đăng ký các Hội đồng đại diện quyền lợi và ý nguyện của người sử dụng đất trên khắp cả nước, và trả lại cho toàn dân quyền tự do lập hội".

Trong số những người ký tên trên bản tuyên bố, nhiều người từng là đảng viên cộng sản Việt Nam nổi tiếng nay đã nghỉ hưu, nhiều người là các nhân sĩ, trí thức trong ngoài nước. (TN)

*******************

Kêu gọi trả lại chùa Liên Trì, cơ sở Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm (RFA, 20/05/2018)

Một tuyên bố kêu gọi chính quyền trả lại chùa Liên Trì và các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm vừa được dăng tải trên mạng vào ngày 19/5 vừa qua với chữ ký của hơn 10 tổ chức dân sự và hơn 100 cá nhân.

dat3

Nhà thờ Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Theo tuyên bố, những thông tin được bạch hóa thời gian qua liên quan đến việc giải tỏa Thủ Thiêm để xây đô thị mới ở thành phố Hồ Chí Minh đã gây choáng váng trong xã hội, lợi ích thiết thân của hàng ngàn cư dân, quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tuyên bố cũng nêu lên thực tế là việc cưỡng chế đất không chỉ xảy ra ở Thủ Thiêm mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác trên toàn quốc.

Vụ việc Thủ Thiêm, Theo tuyên bố, cho thấy tình trạng vô pháp trong thể chế độc tài toàn trị và một lần nữa phơi bày rõ gốc rễ vấn đề của sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngay sát quận 1, quận trung tâm của thành phố từ hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Việc đền bù và giải tỏa đã bắt đầu từ đầu nhưng năm 2000 và tăng tốc trong giai đoạn từ 2012. Kết quả đã có khoảng 14.600 hộ dân với khoảng 60,000 người phải di dời. Chùa Liên Trì có tuổi đời hơn 100 năm đã bị phá huỷ. Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá có tuổi đời hơn 100 năm hiện cũng có nguy cơ bị giải toả. Nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm phản đối di dời vì mức đền bù không hợp lý đã nhiều năm ròng ra Hà Nội khiếu kiện.

Tuyên bố yêu cầu chính quyền ngay lập tức phải trả lại đất đai của chùa Liên Trì, các cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm, nghiêm trị các tổ chức, cá nhân lạm quyền, chấm dứt nạn cưỡng chế thu hồi đất trái nguyện vọng của người dân, công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai trên toàn quốc.

Published in Việt Nam