Lại một lần nữa câu chuyện cải cách giáo dục, và cụ thể là việc cải cách trong "tính tự do" lựa chọn sách giáo khoa cho khối Tiểu học, là sự kiện nổi bật tại Việt Nam một vài tháng qua.
Một tiệm sách ở Đường Sách, Sài Gòn. Hình minh họa.
Thực hiện Nghị Quyết 88, Luật Giáo Dục (sửa đổi), vào đầu tháng 7/2020, Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chính thức công bố việc các trường được tự chọn một trong năm bộ sách giáo khoa mới xuất bản năm nay để áp dụng cho việc giảng dạy trong năm học 2020-2021.
Trao đổi với vài người bạn là nhà giáo đang làm việc tại Việt Nam, họ cho biết vấn đề này thực sự đang rất sôi nổi trong các cấp trường và đặc biệt là qúy phụ huynh học sinh. Tất cả đều đang rất nóng lòng muốn biết bộ sách nào sẽ được trường chọn lựa để phụ huynh có thể mua và chuẩn bị (hay dạy trước ?) cho con trước khi bắt đầu năm học mới vào tháng 9 sắp tới.
Câu chuyện cải cách giáo dục thực ra đã được đều đặn nói đến từ những năm sau 1975. Nó được nhắc đến nhiều và trở nên một cụm từ dường như không thể thiếu khi bàn về công tác giáo dục ở Việt Nam nhiều năm qua. Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, ra trường, đi dạy học và đến hôm nay, sau hơn 30 năm nghe cụm từ ấy, tôi vẫn không thấy nó có biến chuyển gì, mặc dù biết rằng nó đã tiêu tốn quốc gia không biết bao nhiêu ngân sách để mong biến nó thành sự thật. Đến hôm nay, khi nghe đến việc thực hiện cải cách bằng cách cho phép các trường lựa chọn một trong năm ấn bản sách giáo khoa mới, một lần nữa tôi thấy trước mắt mình là khoản tiền khổng lồ mà ngành giáo dục và phụ huynh học sinh lại phải đổ vào đó. Đồng thời, tôi cũng tự đặt ra câu hỏi, liệu rằng câu chuyện cải cách giáo dục này có giống như trong suốt hơn 30 năm qua hay không ?
Hãy theo dõi các thông tin trên các trang mạng của ngành giáo dục cũng như các trang tin điện tử trong nước. Các bài mục dành cho đề tài này chiếm số lượng khá nhiều. Bài nào cũng cho thấy một "bầu khí hân hoan phấn khởi" vì sự cải cách ngoạn mục này. Tuyệt nhiên, tôi không tìm thấy một đoạn nào nói về việc chuẩn bị yếu tố con người cho việc thay đổi này là như thế nào cả. Trang mạng "Sách giáo khoa - Cùng học để phát triển năng lực" nhận định rằng xã hội Việt Nam đã có nhiều đợt cải cách giáo dục về mặt hình thức, ví dụ như thay đổi chương trình học, nội dung sách giáo khoa, hình thức thi cử v.v. Và đến hôm nay, trang mạng này một lần nữa cũng nhắc đến sự cải cách về sách giáo khoa này là thêm một sự cải cách về mặt hình thức. Câu hỏi được đặt ra là liệu điều này sẽ đem lại lợi ích thiết thực nào cho giáo dục Việt Nam ?
Tôi không dám hình dung hay nghĩ xa hơn.
Tôi chưa được tiếp cận các bộ sách này nên không dám lạm bàn đến phần nội dung. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng đó là những suy tư, là công sức thật sự đáng trân trọng của tất cả những ai đã dày công nghiên cứu và phổ biến nó.
Tuy vậy, sau khi trao đổi với các bạn làm thầy cô giáo tại Việt Nam, tôi thấy, về mặt hình thức và phương pháp ứng dụng cải cách, tất cả đều như đang lặp lại câu chuyện ‘trường kỳ’ của gần bốn thập niên qua.
Vì đã từng là giáo viên giảng dạy nhiều năm tại Việt Nam, hiện lại đang tham gia giảng dạy tại Úc, cộng với kinh nghiệm làm việc ở cả trường công lẫn trường tư ở cả hai quốc gia, tôi hiểu hai cách lựa chọn phương pháp và tiến hành thực hiện những việc được coi là cải cách trong giáo dục là như thế nào giữa hai quốc gia.
Yếu tố con người là yếu tố đầu tiên và bắt buộc cần phải chuẩn bị cho tiến trình cải cách đã bị lãng quên tại Việt Nam. Những năm học và làm việc tại Việt Nam, khi học hỏi về phương pháp giảng dạy lấy học trò làm trung tâm và phương pháp dạy học tích hợp, các nhà giáo chúng tôi luôn được "dồn tập trung" để nghe thuyết trình về các phương pháp ấy trong một khán phòng khoảng vài trăm người. Vào thời điểm đó, các phương pháp này đều là những mỹ từ rất sư phạm, rất nhân văn. Chúng tôi nghe thuyết trình và cũng lấy làm phấn khởi vì những giá trị được nêu ra - nếu thực hiện được - là rất hay và hữu ích. Tuy nhiên, sau khi được quan sát một vài buổi dạy mẫu của các giáo viên ‘nòng cốt’, chúng tôi trở về với thực tế và lại tiếp tục loay hoay với kế hoạch bài giảng. Không có thực nghiệm, không có những buổi thảo luận hay phân tích và rút kinh nghiệm tại cơ sở làm việc. Sau những ngày cuối tuần bỏ cả thời gian dành cho gia đình và cá nhân để tham gia những buổi nghe thuyết trình từ sáng đến chiều, giáo viên lại lao vào soạn bài, làm giáo cụ và dạy học theo phương pháp mới, tài liệu mới. Các bài giáo án của giáo viên khi nộp lên cho các cấp lãnh đạo, bao giờ cũng được trả về với đầy dẫy những phê phán mà có lẽ bản thân người phê cũng biết rõ rằng các giáo viên sẽ khó có cách nào đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi về thời gian, công sức, tài chánh v.v. rất phi thực tế đó.
Vấn đề ở đây không phải là lỗi của giáo viên không muốn hay không thao thức để thực hiện hoặc áp dụng phương pháp tiến bộ để giảng dạy. Những nhà giáo đích thực ai cũng đau đáu trong lòng những khát mong làm thế nào để việc dạy và học đem lại hiệu quả và giá trị cao nhất cho các học trò của mình. Để có thể đặt học trò là đối tượng trung tâm của giảng dạy, đòi hỏi giáo viên cân nhắc đến yếu tố cá nhân, ưu khuyết của từng em ; các yếu tố thời gian, không gian ; ngôn ngữ giảng dạy ; sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội trong mọi lãnh vực nghề nghiệp v.v. Tất cả đều đặt nền tảng trên yếu tố con người. Từ nội dung đến hình thức của giáo dục có được sự chuẩn bị, nâng đỡ, đồng hành, hỗ trợ của gia đình – nhà trường – xã hội cách đồng bộ và hợp lý hay không, đó mới là vấn đề. Hô hào cải cách giáo dục bằng việc ào ào tập huấn, ào ào phát động phong trào thi đua giáo viên gi ỏi, học trò ngoan hay để đạt chỉ tiêu, chỉ là một hình thức thi đua và tiêu phí biết bao tiền của và thời gian, sức lực của con người.
Cải cách (reform) là cải thiện, là làm cho một điều gì đó tốt hơn trước. Ở Úc, trường tôi đang làm việc liên tục có những cải cách, cập nhật và trau dồi trong phương pháp giảng dạy. Những việc này được thực hiện để giúp giáo viên làm việc hiệu quả hơn và dĩ nhiên là để đem lại hiệu quả tối đa cho giáo dục đối với từng cá nhân học trò.
Trong năm học 2020, đối với việc giảng dạy môn văn học nghệ thuật của khối Tiểu học, trường tôi chọn một phương pháp giáo dục mới có tên là "7 bước viết văn" (7 Steps to Writing). Phương pháp này dĩ nhiên là lấy học trò làm trung tâm. Mục tiêu là làm sao để khơi gợi và phát triển khả năng ngôn ngữ, văn học của học trò cách tối đa, hiệu quả nhất. Điều chắc chắn phải diễn ra là sẽ phải tốn thời gian để tìm hiểu và cung cấp những tài liệu cần thiết để giáo viên tham khảo trước khi chính thức đào tạo và ứng dụng phương pháp này. Nhà trường cũng cử người đi học hỏi, thực hành, và sau đó từng bước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết quả thực nghiệm của họ với tập thể nhà trường. Sau từng bước trao đổi, phân tích và thực hành các bước của 7 bước viết văn ; có phân tích, rút kinh nghiệm, xem xét khả năng thực sự của giáo viên, họ cần hỗ trợ gì trong khi thực hành các bước này. Sự hỗ trợ không dừng lại ở phương diện tài liệu, tài chánh, mà còn là sự hỗ trợ về mặt nhân sự. Ban lãnh đạo và các đồng nghiệp luôn đồng hành, giúp cùng đứng lớp, khơi gợi sự thảo luận giữa giáo viên và học sinh, giúp giáo viên tự tin hơn trong việc ứng dụng phương pháp mới. Hợp tác, đào tạo, hỗ trợ và rút kinh nghiệm qua từng bước ứng dụng luôn là điều cốt lõi để giúp việc thay đổi hiệu quả. Việc cải cách này được chia thành các giai đoạn để dễ dàng hỗ trợ nhau, dễ dàng phân tích điểm hay và chưa hay của phương pháp và của từng bước học viết văn. Sự cải cách không còn dừng lại ở việc truyền dạy kiến thức(Teaching as Transmission), là dạy các em biết bước một, bước hai, ba v.v là gì. Nó cũng không dừng lại ở mức độ trao đổi kiến thức qua lại giữa giáo viên với học trò và giáo viên với giáo viên(Teaching as Transaction). Đó chính là sự biến đổi(Teaching as Transformation) trong nhận thức, kiến thức và áp dụng nó như một điều tự nhiên của bản thân, của cuộc sống, và đối với tất cả những ai có liên quan đến việc dạy và học n ày.
Theo như nhận định trên trang mạng "Sách Giáo Khoa, Cùng Học Để Phát Triển Năng Lực" (2020), để giúp học sinh"vận dụngkiến thức và kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống qua các bài học có hệ thống",sẽ có sự cắt giảm trong số môn học và các hoạt động giáo dục, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hoá - tự chọn ; thực hiện phương pháp dạy học mới, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục".Có rất nhiều điều trong nhận định trên đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt hơn 30 năm qua tại Việt Nam !
Duy trì, nuôi dưỡng, bảo tồn và cải cách là những khái niệm không thể quên lãng trong giáo dục. Thế nhưng tất cả những điều cần cho sự cải cách đầu tiên và triệt để là triết lý, quan điểm về giáo dục cho ai và vì ai. Cải cách giáo dục như ta đang thấy ở Việt Nam hiện nay vẫn dừng lại ở việc tập trung vào truyền dạy kiến thức mà chưa thể bước đến bước tiếp theo và bước sau cùng là - trao đổi và biến đổi - trong kiến thức và trong đời sống. Kiến thức phải biến đổi con người và xã hội trở nên tốt hơn.
Yếu tố con người trong tương quan với giáo dục vẫn bị bỏ quên. Yếu tố thực tiễn của xã hội vẫn bị bỏ quên. Bộ sách giáo khoa mới có thể có những thay đổi về nội dung bên trong của cuốn sách. Nhưng để chuyển tải những nội dung đó vào giáo dục và thực hành nó, ứng dụng nó như thế nào, thì còn chờ sự rút kinh nghiệm một cách khách quan của ngành giáo dục và của xã hội.
Một điều có thật là tuy có sự lạc quan tin tưởng nhưng cũng không thiếu hoài nghi về một ngày mai tươi sáng của sự cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Trần An Bee
Nguồn : VOA, 24/08/2020
Tham khảo :
Cải cách sách giáo khoa (2020)
Thanh Niên (2020), Sẽ thay sách giáo khoa từ năm 2020
Thục Đoan (2020), Năm 2020, Các trường được tự chọn sách giáo khoa mới
Sách Giáo khoa, cùng học để phát triển năng lực (2020), Cải cách giáo dục Việt Nam,
Một cải cách giáo dục bất nhân ! (CaliToday, 12/09/2018)
Có vẻ sóng gió tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục lớp 1 tạm thời lắng xuống ngay sau phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng : "Chính phủ chưa có chủ trưởng cải cách tiếng Việt ít nhất trong vòng mấy năm tới". Nhưng đã quá đủ để người dân Việt Nam nhìn lại 40 năm cải cách nền giáo dục nước nhà được những gì ?…
Một bạn trẻ ở Hà Nội cầm biểu ngữ phản đối việc thí nghiệm, thực nghiệm giáo dục (ảnh;Facebook Hoàng Thành)
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau trong cải cách tiếng Việt ? Người đại diện cho Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đã nói vào năm 2017, cũng xảy tranh luận về công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ của Phó Giáo sư Bùi Hiền, ngay lúc đó ông Đam nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Những ngày gần đây, xảy ra vụ tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách Tiếng Việt – công nghệ giáo dục lớp 1 dành cho việc học của lứa tuổi học sinh lớp 1. Ông Đam nói Bộ Giáo dục đã có ý kiến, đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, phát âm cho trẻ lúc mới bắt đầu chứ không phải cải cách tiếng Việt. Liên quan đến quá trình đổi mới trong giáo dục, ông Đam nói Việt Nam tiếp tục đổi mới nhưng việc đổi mới thì phải có thử nghiệm và khẳng định Chính phủ Việt Nam chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vòng mấy năm tới.
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói việc thực nghiệm giáo dục ở Việt Nam mấy chục năm qua, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm nhưng với cách dạy hiện nay không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái quá cao khiến học sinh học rất khổ sở, học sinh dường như không có ba tháng nghỉ hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi.
Phát biểu của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được ghi nhận là diễn ra đúng thời điểm sự quan tâm của người dân Việt Nam về nền giáo dục nước nhà đang ở mức cao trào, phát sinh quá nhiều vấn đề bất cập, quá nhiều tiêu cực tệ hại nghiêm trọng, chứng minh thành quả cải cách 40 năm qua không đem lại hiệu quả mà trái lại cho thấy đầy rẫy những phản ứng ngước, càng làm khổ người dân. Phát biểu của ông Đam và bà Ngân hôm nay có lẽ chỉ góp phần nào vào việc xoa dịu phản ứng của người dân Việt Nam. Và người dân Việt Nam cũng sẽ sớm nguôi đi những bất bình về nền giáo dục bởi giữa bề bộn, ngổn ngang bao tâm sự lo lắng cho hiện tình đất nước Việt Nam, về đạo đức và lối của sống của người dân Việt Nam hôm nay. Một đất nước mà chỉ vì một chút ghen tuông hoặc một chút bất mãn về bản thân là tức khắc đoạt mạng người hàng loạt, một đất nước mà thế hệ trẻ quan tâm đến việc vui chơi, giải trí hơn hẳn việc đất nước đang dần bị Tàu cộng thôn tính toàn diện. Một đất nước có nhiều đàn ông đi trộm cắp, đàn bà đi bán thân, làm nghề mại dâm ở nhiều nước trên thế giới. Một đất nước mà nợ công tăng cao, quốc nạn tham nhũng của quan chức đang ăn tàn phá hại lại không thấy báo đài dám soi "tận cùng ngõ ngách" của căn nguyên như từng làm với những cô người mẫu, diễn viên bán dâm. Và hơn hết một đất nước mà đến hôm nay Thủ tướng đi đến tỉnh thành nào nhìn thực tế rồi cũng chỉ nói là quyết tâm, là phấn đấu thành "đầu tàu", thành "trung tâm" ở tương lai.
Một đất nước Việt Nam của hiện tại như thế căn nguyên do đâu ? Câu trả lời không quá khó trong đó có phần tệ hại của nền giáo dục đem lại, nó đúng như câu nói ; "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên".- (chưa xác định có phải của Cố Tổng thống Nam Phi ông Nelson Mandela hay là không).
Trở lại cuộc tranh luận của dư luận trong mấy ngày qua liên quan đến việc thực nghiệm giảng dạy những nội dung trong Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Công bằng mà nói ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là một người tài giỏi, ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là một người tài giỏi, có tâm huyết với đất nước. Vào năm 1978, Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục được thực nghiệm tại một trường tiểu học ở Gỉang Võ (Hà Nội), thời điểm này Việt Nam rập khuôn theo mô hình xây dựng chế độ của Liên Xô và bản thân của ông Đại cũng được đào tạo từ lò giáo dục của Liên Xô. Nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, công nghệ giáo dục mà ông Đại phát minh đang thực nghiệm ở lứa tuổi học sinh lớp 1 Việt Nam hiện tại là xuất phát từ "học thuyết phát triển phương pháp giáo dục" của V.V.Davydov và D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô vào những năm 1970 và ông Đại đã đem về áp dụng cho Giáo dục Việt Nam cho đến ngày nay là không hợp thời.
Từ năm 1978 đến năm 2006, tức là 30 năm Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục bắt đầu thí điểm ở một số trường tiểu học Lào Cai, dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam hiện tại là ông Phùng Xuân Nhạ hiện Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này vừa được thẩm định 2 vòng và chính thức có gần 50% học sinh lớp 1 ở các trường tiểu học theo học. Vụ thực nghiệm và thí điểm giảng dạy sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này hầu như không được số đông người Việt Nam biết đến mãi cho đến mấy tuần gần đây nhờ mạng xã hội đăng tải Video Clip một giáo viên tiểu học phía Bắc giảng dạy học sinh tiểu học cách đánh vần "lạ", nhìn ô vuông, tròn, tam giác mà đọc thì dư luận mới hay biết về các giảng dạy theo sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục này. "Bão dư luận" nổi lên, nhiều phụ huynh có con em học lớp 1 không chấp nhận cách giảng dạy này, không muốn con mình bị đem ra làm thí điểm, thực nghiệm như chuột bạch. Phụ huynh càng không chấp nhận phát biểu của ông Đại rằng : Ở phương pháp cũ ai dạy cũng được nhưng với phương pháp mới của ông thì ngoài cô giáo không ai làm được, bố mẹ không làm được, trẻ con chỉ học ở trường là đủ. Với phát biểu này, ông Đại đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh cho rằng giáo dục đang tách trẻ em ra khỏi sự chăm sóc, dạy dỗ của gia đình là không phù hợp với lứa tuổi đang cần sự hỗ trợ mọi mặt từ nhà trường cho đến gia đình để trưởng thành đầy đủ.
Tiếp nữa, nhiều phụ huynh còn cho rằng sau khi kiểm tra nội dung sách trong Bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 thấy có rất nhiều nội dung học mang tính lăng nhăng, bậy bạ, dạy cho con trẻ những trò láu cá, khôn lõi…dễ làm hư hỏng thế hệ trẻ. Ngoài ra, để có một bộ sách Tiếng Việt-công nghệ giáo dục lớp 1 phụ huynh phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với việc mua bộ sách truyền thống.
Thí điểm, thực nghiệm và cải cách để đổi mới nền giáo dục nhằm bỏ những rào cản lỗi thời là điều nên làm. Nhưng việc đổi mới nhằm bóp nặn tiền bạc của người dân, đánh mất tuổi thơ của trẻ em, tách trẻ em ra khỏi việc dạy dỗ của gia đình, đem trẻ em là những mầm non của đất nước với tâm hồn đang còn như tờ giấy trắng và sự hiểu biến non nớt, ngoài sự câm nín khi được người lớn đặt học chổ nào thì phải học chổ ấy để làm thí điểm, thực nghiệm là một việc làm hết sức tàn nhẫn. Một cải cách giáo dục bất nhân !
Quê Hương
*************
Vũ ‘nhôm’ muốn nộp tiền khắc phục hậu quả đại án (RFA, 13/9/2018)
Ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ ‘nhôm’, xin được gặp gia đình để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả lên đến 203 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters
Báo trong nước cho biết thông tin trên hôm 13/9 trích kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra Bộ Công an đối với vụ án xảy ra tại DongABank. Cơ quan này nói đã cho ông Vũ gặp người thân vào hôm 16/8 nhưng đến nay vẫn chưa thấy nộp tiền.
Ông Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Năm 79) bị đề nghị truy tố tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Kết luận điều tra bổ sung cũng cho biết Vũ ‘nhôm’ đã có 4 lần gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, vào cuối tháng 7, Ông Phan Văn Anh Vũ bị tuyên 9 năm tù giam về tội danh ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’.
Cơ quan điều tra Bộ Công an hôm 7/9 cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần hai và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị ra cáo trạng truy tố các bị can gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng tại DongABank.
Hai bị can mới có tên trong kết luận điều tra bổ sung là ông Nguyễn Vinh Sơn (sinh năm 1959) và bà Phan Thị Tố Loan (sinh năm 1970), đều bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố hai tội : cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Kết luận đều tra lần này cũng nêu tên ông Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã thừa nhận hành vi liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank.
*****************
Nghiên cứu : Tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cao ở Việt Nam sẽ tăng (RFA, 13/09/2018)
Các nhà nghiên cứu quôc tế hôm thứ Năm 13/9 cho biết thất bại trong việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu để hạn chế tăng nhiệt độ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người bị tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.
Tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cao ở Việt Nam sẽ tăng - Ảnh minh họa. AFP
Theo một nghiên cứu trước đó được công bố trên tạp chí Climatic Change, mức tăng 3 độ C hoặc 4 độ C có thể làm tăng tỷ lệ tử vong từ 1 đến 9%.
Đồng tác giả trong nghiên cứu mới, ông Antonio Gasparrini cho biết hiện tại thế giới đang trên quỹ đạo nóng lên trên 3 độ C, và nếu xu hướng này tiếp tục thì nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Vẫn theo báo cáo, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam cùng với các nước ở Nam Âu và Nam Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do tỷ lệ tử vong vì nhiệt độ cao.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc giảm nhiệt độ toàn cầu từ 1.5 độ C đến 2 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong ít hơn 1% ở những vùng ấm hơn như Nam Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cảnh báo có thể là đã quá muộn để ngăn chặn "thay đổi khí hậu" trừ khi các nước cùng hành động trước năm 2020 để giảm sự nóng lên toàn cầu.