Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xét xử lừa đảo… lộ thêm thông tin chạy việc, chạy trường liên quan ngành Công an (CaliToday, 19/08/2018)

Trong khi những tiêu cực tại kỳ thi Trung học phổ thông 2018 còn "nóng" trên các bản tin thời sự Việt Nam thì tại Gia Lai vào ngày 24/7/2018 vừa qua, Tòa án tỉnh Gia Lai mở một phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999, đáng chú ý là có nhiều trường hợp người dân tố liên quan đến hành vi chạy tiền để vào làm ở ngành Công an hoặc chạy tiền để con em vào học trường Công an nhưng Cáo trạng vụ án đã bỏ lọt…

chay1

Khung cảnh phiên xử sơ thẩm vụ án bà Phạm Thị Mai lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ảnh : Thanh Luận-Tạp chí Làng Mới)

Bị cáo chính trong vụ án là bà Phạm Thị Mai (SN 1958. Ngụ tại : Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng số : 11/CT-VKS-P3 do Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai ký ngày 31/1/2018 cho biết trong thời gian từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2015, lợi dụng nhiều người có nhu cầu xin việc làm nên bà Mai đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ bằng thủ đoạn gian dối đưa ra thông tin không có thật là mình có quan hệ quen biết với nhiều người có chức vụ quyền hạn, có khả năng xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai để những người bị hại tin tưởng là thật đã đưa tiền cho bà Mai để nhờ xin việc và đã bị bà Mai chiếm đoạt. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Mai được Cáo trạng liệt kê qua 6 trường hợp :

- Khoảng tháng 7/2013, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 130.000.000 đồng của vợ chồng ông Lê Văn Chung, bà Nguyễn Thị Lan Anh (trú tại 247 Hoàng Sa, xã Diên Phú, Thành phố Pleiku).

- tháng 9/2013, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 100.000.000 đồng của bà Nguyễn Thanh Bình (SN 1961. Trú ại tổ 12, Phường An Phú, Thị xã An Khê).

- tháng 3/2014, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 410.000.000 đồng của ông Nguyễn Quốc Tịch (SN 1966. Trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ).

– tháng 4/2014, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 80.000.000 đồng của bà Nguyễn Thị Phương (SN 1964. Trú tại tổ 2, Phường Ia Kring, Thành phố Pleiku).

- tháng 8/2014, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 60.000.000 đồng của bà Trần Thị Chung (SN 1962. Trú tại tổ 7, Phường Đống Đa, Thành phố Pleiku).

- tháng 8/2014, lừa đảo chiếm đoạt số tiền 50.000.000 đồng của bà Lưu Thị Huệ (SN 1972. Trú tại tổ 9, Phường Thống Nhất, Thành phố Pleiku).

Cáo trạng cho biết, bà Mai bị bắt vào ngày 28/4/2017 theo Quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Pleiku. Qúa trình điều tra, bà Mai đã khai là có quen biết với một người phụ nữ có tên là Dương Đình Lệ Thủy (SN 1966, trú tại tổ 13, Phường Hoa Lư, Thành phố Pleiku), sau khi nhận tiền của các bị hại đã chuyển cho bà Thủy để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, lấy lời khai của bà Thủy và kết luận việc bà Mai khai đã đưa tiền cho bà Thủy để xin việc làm là không có cơ sở.

Theo Tạp chí điện tử Làng Mới đưa tin, ngày 24/7/2018 Tòa án tỉnh Gia Lai đưa bà Mai ra xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999. Tại tòa, bà Mai đã tố cáo cán bộ Điều tra đã không khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi tác động vào lời khai của bà trong quá trình lấy cung bằng lời khuyên thôi đừng khai gì thêm, khai thêm tội bà càng nặng.

chay2

Đơn khởi kiện của người bị hại bỏ tiền chạy cho con em vào học trường Công an (ảnh : Thanh Luận, Tạp chí Làng Mới)

Đồng thời tại phiên xử, thân nhân của bà Mai đã cung cấp rất nhiều giấy tờ quan trọng mà gia đình tìm được sau khi bà Mai bị bắt ngoài việc chứng minh là bà Thủy có nhận tiền do bà Mai lừa đảo, đồng thời cho dư luận thấy vụ án có thêm thông tin nhiều trường hợp người dân tố chạy việc làm vào ngành Công an, chạy điểm cho con em vào học ở trường Công an mà không thấy Cáo trạng và Cơ quan điều tra vụ án đề cập đến đơn cử như các trường hợp mà tạp chí điện tử Làng Mới nêu :

- Đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của ông Trần Văn Tuấn (Phó phòng CS PCCC – Công an tỉnh Gia Lai) tố cáo bà Phạm Thị Mai lừa ông 1.766.211.250VNĐ chuyển vào tài khoản số 3151000849155 của Dương Đình Lệ Thủy để lo cho 7 cháu vào học trường công an nhưng không lo được, cũng không trả lại tiền.

- Đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của Phạm Thị Mai ghi năm 2015 của bà Nguyễn Thị Thanh Hương (SN1965, trú tại 89/22A đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường Tây Sơn, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Nội dung bà Hương tố cáo bà Phạm Thị Mai lừa 150.000.000VNĐ để lo cho con bà ấy vào ngành công an, nhưng không lo được, cũng không trả lại tiền.

- Đơn khởi kiện đề ngày 04/06/2015 của 9 gia đình gồm : 1. Phan Thanh Tám ; 2. Đỗ Thị Minh Nguyệt ; 3. Trần Thị Anh Thư ; 4. Trần Từ Liêm ; 5. Phan Tiến Doãn ; 6. Nguyễn Thị Quyên ; 7. Lê Văn Vinh ; 8. Nguyễn Tiến Đạt và 9 là Huỳnh Vũ Trung. Nội dung đơn của 9 hộ gia đình này nêu rõ là đã nhờ ông Tuấn, Phó Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Gia Lai liên hệ với Phạm Thị Mai và Dương Đình Lệ Thủy xin việc, xin điểm cho con của họ vào ngành công an nhưng bị lừa. Số tiền họ nộp vào tài khoản họ tên Dương Đình Lệ Thủy số 3151000849155 Ngân hàng BIDV Phú Nhuận, Thành phố Sài Gòn, CMND số 230326832 do Công an tỉnh Gia Lai cấp ngày 24/04/2012 nhưng đến ngày hẹn không có kết quả, họ đã liên hệ với Mai và Thủy yêu cầu trả lại tiền nhưng không được trả…

Trước những tình tiết nằm ngoài Cáo trạng cũng như sự vắng mặt cuả bà Thủy, Hội đồng xét xử đã ra quyết định hoãn phiên sơ thẩm xét xử bà Mai. Tuy nhiên, dư luận ít nhiều thắc mắc là những đơn tố cáo, đơn khiếu kiện của các trường hợp chạy việc làm vào ngành Công an, chạy điểm vào học trường Công an đều có trước thời điểm bà Mai bị bắt vậy tại sao Cáo trạng và Cơ quan điều tra vụ án không đề cập đến ? Do Cơ quan điều tra không nắm được thông tin nên bỏ lọt hay là do có liên quan đến ngành Công an nên lẩn tránh ?.

Trong khi những tiêu cực tại kỳ thi Trung học phổ thông 2018 xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…đang còn "nóng" ở các bản tin thời sự Việt Nam thì liệu có đường dây chạy điểm, chạy việc làm liên quan đến ngành Công an ở tỉnh Gia Lai ? Cơ quan điều tra tỉnh Gia Lai cần vào cuộc mạnh mẽ ở vụ án bà Phạm Thị Mai lừa đảo chiếm đoạt tài sản hòng trước là trả lời những thắc mắc của dư luận, sau là để xét xem có bỏ lọt tội phạm hay là không ?

Quê Hương

*******************

Chính quyền ‘thúc thủ’ với ‘rác ma’ tràn ngập biển Phan Thiết (Người Việt, 19/08/2018)

Chính quyền thành phố Phan Thiết đang đau đầu giải quyết tình trạng rác thải từ biển tấp vào bờ ngày một nhiều.

chay3

Người dân tham gia dọn rác trên bờ biển tại một khu du lịch ở thanh phố Phan Thiết. (Hình: Lao Động)

Nói với báo Lao Động ngày 19 tháng Tám, ông Đỗ Ngọc Điệp, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, cho biết, hiện tại vô số rác thải gồm chai nhựa, rong rêu, dây thừng, dây nhựa… từ nhiều bãi biển thuộc các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Tiến Thành, Phú Hài,… tràn vô, nằm ngập ngụa bờ biển, gây nên hình ảnh hết sức phản cảm, làm xấu mỹ quan bờ biển vốn rất đẹp.

"Hàng năm, cứ vào tháng Tám, gió mùa Tây-Nam tràn về, thì một khối lượng lớn rác thải từ ngoài biển lại ồ ạt dạt vô các bờ biển Phan Thiết. Loại rác này, như người dân gọi là ‘rác quốc tế,’ ‘rác ma,’" ông Điệp giải thích.

Hiện tượng "rác quốc tế" trôi dạt trên biển, rồi tấp vào bờ biển Bình Thuận đã gây không ít phiền toái cho du khách lẫn người dân. Với các doanh nghiệp kinh doanh khu du lịch ven biển, càng là một thảm họa. Nhiều khu du lịch dọc vịnh Mũi Né rất khổ sở với lượng rác khổng lồ tấp vào bờ.

Hứng chịu nhiều nhất là các khu du lịch ở khu vực Bãi Sau, khu Bờ Kè, phường Mũi Né đến bãi biển Rạng của phường Hàm Tiến. Du khách ngoại quốc liên tục gửi thư phàn nàn về vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thành, nhân viên khu du lịch Hoàng Ngọc, cho biết : "Gần đây, một số khu du lịch (resort) đã bị du khách hủy tour, vì bãi tắm có quá nhiều rác".

"Điều đáng nói, rác này không phải do trong bờ, mà là ‘rác ma,’ ‘rác quốc tế’ từ biển tấp vào mới khổ chứ. Mỗi sáng, hàng chục nhân viên nai lưng ra hốt rác sạch sẽ, nhưng chỉ sau một ngày đêm, rác không biết từ đâu lại tấp vào", ông Thành cho biết.

Có người giải thích, có thể rác thải từ phía vùng biển quốc tế, từ các đảo của Philippines, từ các tàu biển qua lại trên biển Đông và cũng có thể từ các tỉnh miệt trên… Nhưng khi rác đã trôi lềnh bềnh trên biển thì… vô chủ, chỉ biết gọi là "rác quốc tế", "rác ma",… chúng tấp vô đâu, thì nơi ấy gánh chịu.

Ông Điệp thừa nhận : "Chúng tôi rất vất vả với chuyện xử lý rác dọc biển. Chính quyền các cấp ở Bình Thuận đã tổ chức ra quân dọn dẹp vào các đợt cao điểm. Tuy nhiên, do lượng rác tấp vào rất lớn, nên không thể nào dọn hết".

"Phải có phương án lập tổ hợp thu gom, thu dọn rác hàng ngày. Đặc biệt nữa là phải ngăn chặn từ xa, phải đánh bắt, vớt nó ngoài biển thì mới ngăn ngừa được tình trạng rác trôi dạt vào bờ như hiện nay. Và việc này phải nhờ các cấp ngành của tỉnh và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi trên mặt biển cũng phải tham gia, chung tay góp sức cùng địa phương mới thực hiện được", ông Điệp tuyệt vọng nói. (Tr.N)

Published in Việt Nam