"Tôi chưa thấy Úc đối xử như thế đối với bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Việt Nam" - Đây là nhận định của một luật sư di trú ở Úc về một loạt các vụ du học sinh Việt Nam ở tiểu bang Nam Úc "mất tích" đột ngột trong hai tháng qua.
Học sinh Việt Nam tìm hiểu thông tin về các trường đại học ở Úc hồi năm 2002 - AFP
Úc tạm cấm du học sinh từ ba tỉnh miền Trung Việt Nam
Ngay sau sự việc bốn du học sinh Việt Nam đột ngột mất tích trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024 ở bang Nam Úc, Chính phủ bang này thông báo sẽ tạm thời đình chỉ việc tiếp nhận học sinh từ ba tỉnh miền Trung Việt Nam, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Bình luận về động thái này của nhà chức trách nước Úc, ông Lê Đức Minh, luật sư di trú ở hiện đang ở Sydney, nói với RFA rằng :
"Về mặt pháp luật, với tư cách là một luật sư, tôi không chấp nhận là bởi vì đó là một sự phân biệt đối xử rất rõ ràng đối với các tỉnh đó, và tôi cũng chưa thấy họ đối xử như thế đối với bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Việt Nam.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện tại thì Bộ Di trú nước Úc họ không có biện pháp nào hơn là phải chấm dứt chương trình nhận hồ sơ tại các tỉnh này để cho những hoạt động bất hợp pháp nhằm đưa người qua Úc sai mục đích tại các tỉnh này phải được chấm dứt ngay lập tức".
Theo tuyên bố của Bộ Giáo dục Nam Úc, là một biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn và phúc lợi của học sinh và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương.
Tuyên bố cũng cho biết Bộ sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để theo dõi tình hình, đồng thời trợ giúp cho các học sinh bị ảnh hưởng. Việc đình chỉ sẽ được xem xét hàng tháng và dỡ bỏ ngay khi tình hình được cải thiện.
Du học sinh Việt Nam "biến mất" có tổ chức ?
Bốn em học sinh này biến mất cùng với vật dụng cá nhân. Tài khoản mạng xã hội cũng bị khoá và gia đình của các học sinh tại Việt Nam có vẻ như không lo lắng vì sự mất tích này. Do đó, giới chức bang Nam Úc khẳng định các du học sinh này đang chạy trốn và "chủ động trốn tránh chính quyền".
Ông Lê Đức Minh, luật sư di trú ở hiện đang ở Sysney, nói với RFA rằng rõ ràng đây là một vụ việc chủ động biến mất và có tổ chức :
"Hoàn cảnh mất tích của bốn em này hoàn toàn giống hệt như nhau. Điều đó chúng ta có thể thấy rằng đây là những hành động có tính chất có tổ chức và sự biến mất của các em là đã có kế hoạch trước, chứ không phải các em là nạn nhân của tội phạm như lúc đầu cảnh sát cũng đã nghi ngờ".
Theo truyền thông nước Úc, có ít nhất 10 học sinh - sinh viên từ các tỉnh này đã mất tích ở Nam Úc trong hai tháng qua. Các du học sinh này đã đăng ký các khóa học khác nhau, từ tiếng Anh đến kỹ thuật, được gia đình hoặc bạn bè nhìn thấy hoặc liên lạc lần cuối vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.
Một du học sinh hiện đang theo học đại học ở tiểu bang Nam Úc, yêu cầu được giấu danh tính nói với RFA rằng thường thì du học sinh chỉ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp khi visa du học đã gần hết hạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, các em vừa đến Úc đã bỏ trốn ngay, nguyên nhân có thể là do các em không có đủ điều kiện để đóng tiền học phí và chủ đích ban đầu đến Úc không phải để học mà là để đi làm việc.
Theo luật, du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng mỗi tuần. Lương tối thiểu khoảng hơn 20 đô la Úc/giờ. Tuy nhiên, đối với người làm việc bất hợp pháp thì lương thấp hơn nhiều, chỉ tầm 14-15 đô la Úc/giờ. Do đó, nhiều du học sinh chọn con đường nghỉ học hẳn, trốn ra ngoài làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.
Hậu quả
Theo luật sư Đức Minh, tình trạng người nước ngoài đến Úc với danh nghĩa là du học sinh, sau đó bỏ trốn ra ngoài xin việc làm, ở lại quá hạn visa là điều khá phổ biến ở Úc. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc top đầu các quốc gia vi phạm luật di trú của nước này :
"Nhưng mà trong số tất cả những quốc gia vi phạm về luật di trú của Úc thì Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật. Việt Nam là một trong những quốc gia mà mình có thể nói thẳng là nằm trong sổ đen của bộ Di trú Úc để du học sinh và người đi du lịch đến nước Úc và cố tình vi phạm luật di trú của Úc".
Điều này, theo luật sư Lê Đức Minh, là sẽ để lại nhiều hậu quả cho chính những người mang quốc tịch Việt Nam muốn đến Úc học tập và làm việc trong tương lai.
"Có thể nói là về mặt pháp luật các em chưa phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hành vi của mình tại Úc. Tuy nhiên, các em phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi của mình. Và có thể là các em sẽ không còn cơ hội để tiếp tục ở lại Úc học tập nữa, cũng như các em khó có cơ hội để quay lại Úc trong tương lai".
Luật sư Lê Đức Minh nhận định, chính những công ty tư vấn du học lừa đảo, tạo dựng hồ sơ giả để đưa người qua Úc với cái mác du học sinh mới là "thủ phạm" chính của tình trạng người Việt vi phạm luật Di trú ở Úc :
"Tất cả những em học sinh đó không phải là những đối tượng cần phải trừng trị. Đối tượng cần phải trừng Trị chính là những tổ chức gian lận, những công ty du lịch, những công ty di trú ma giáo, gian lận, lừa đảo.
Họ cố tình dựng những hồ sơ giả cho những em học sinh muốn qua Úc để đi làm kiếm tiền chứ không phải mục đích là để đi học để qua mặt Bộ Di trú, và hậu quả là các em đó tới Úc là bỏ trốn. Chính các công ty du lịch du học lừa đảo ở các tỉnh đó mới là nguyên nhân của tất cả mọi tai họa".
Du học sinh giấu tên cho biết hiện nay, các vụ việc bỏ trốn chưa có ảnh hưởng cụ thể đối với các du học sinh Việt Nam hiện đang học ở Úc. Tuy nhiên, người này cũng bày tỏ lo ngại rằng có thể sẽ rất khó khăn để du học sinh Việt Nam nộp hồ sơ xin trở thành thường trú nhân sau khi hoàn thành chương trình học :
"Hiện tại thì Úc có đang siết việc cấp thường trú nhân lại, giờ lại xảy ra vụ việc này thì có lẽ sắp tới còn khó hơn nữa".
Hồi tháng 5/2023, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước Assessment Level 1 (AL1). Điều này có nghĩa là du học sinh Việt Nam được miễn yêu cầu chứng minh tài chính và không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh khi nộp hồ sơ xin visa du học Úc. Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau, Việt Nam bị hạ xuống nhóm AL 2 . Du học sinh buộc phải chuẩn bị thêm hồ sơ tài chính và chứng chỉ tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu của trường hoặc cơ quan chức năng nước Úc.
Nguồn : RFA, 08/02/2024
Mười một người Việt ở Úc với visa du học sinh bị bắt trong đường dây tội phạm trồng cần sa
RFA, 22/11/2023
Cơ quan chức năng tại bạng Queensland, Úc bắt giữ 11 người Việt đến nước này bằng visa du học sinh nhưng tham gia băng nhóm tội phạm trồng, sản xuất cần sa.
Trang trại trồng cần sa ở Úc vừa bị cảnh sát truy quét - Queensland Police Service/AAP
Mạng báo Sunshine Coast News tại Úc loan tin cho biết, hôm 7/11 vừa qua giới chức thuộc Nhóm Chống Tội phạm Nguy hiểm và Ma túy tiến hành lệnh khám xét một cơ ngơi ở Gungaloon phía bắc Thành phố Maryborough, bang Queensland và phát hiện ra trang trại chuyên canh cần sa tại đó.
Trang trại có 24 "ống vòm", mỗi ống vòm dài 65 mét- rộng 10 mét, trong những ống vòm đó có 11.118 cây cần sa đang phát triển. Lực lượng chức năng còn thu giữ được 515 kilogram nụ cần sa khô.
Qua vụ này, lực lượng chức năng tiến hành truy quét thêm nhiều cơ ngơi khắp khu vực đông nam Bang Queensland và bắt được tổng cộng 18 người. Trong số này có 11 người Việt tại cơ ngơi ở Gungaloon và được biết tất cả đến Úc bằng visa du học sinh.
Họ bị cáo buộc tội sản xuất độc dược, sở hữu độc dược và những vật dụng được dùng hay để dùng thực hiện hành vi tội phạm.
Hiện họ đang bị giam và chờ ngày ra tòa ở Maryborough vào ngày 23/1/2024 tới đây.
Viên chức điều tra Brad Phelps của Nhóm Chống tội phạm Nguy hiểm và Ma Túy cho biết chiến dịch truy quét phá vỡ một băng nhóm tội phạm lớn đã đầu tư đáng kể cho việc hình thành đường dây tội phạm.
Trang trại chuyên canh cần sa ở Gungaloon được nói đã đi vào hoạt động được chừng 18 tháng và mỗi tuần xuất xưởng vài trăm kilogram cần sa.
RFA, 22/11/2023
*********************
Xe chở quặng bauxite từ Lào sang Trung Quốc cày nát quốc lộ của Việt Nam
RFA, 22/11/2023
Những chiếc xe tải chở quặng nhôm bauxite từ Lào quá cảnh Việt Nam ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, để xuất sang Trung Quốc đang cày nát một quốc lộ dài hơn 74 km trong những tháng qua.
Đoàn xe chở quặng bauxite "cày xới", tuyến Quốc lộ 14D xuất hiện nhiều "ổ voi", nước đọng thành ao - Người Lao Động
Báo Người Lao Động hôm 22/11 có bài tìm hiểu cho biết, tuyến Quốc lộ 14D kết nối Lào với các địa phương miền Trung gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc.
Theo Người Lao Động, quốc lộ này được xây dựng từ năm 2002, đến nay đã xuống cấp trầm trọng.
Theo tìm hiểu của báo này, từ cuối tháng 5/2023 đến nay, "đoàn xe chở quặng nhôm bauxite từ nước bạn Lào quá cảnh Việt Nam xuất đi Trung Quốc liên tục "cày xới" càng khiến cho tuyến Quốc lộ 14D thêm xuống cấp đặc biệt trầm trọng. Theo ghi nhận, rất nhiều đoạn đường bề mặt nhựa bị bong tróc, trơ lớp đá dăm ngổn ngang, "ổ gà", "ổ voi" chằng chịt trên mặt đường, nhiều đoạn lề đường bị cày xới rách toác, nham nhở. Tại khu vực trung tâm xã Chà Vàl, huyện Nam Giang và nhiều đoạn khác, hàng loạt "ổ voi" xuất hiện chiếm cả bề ngang mặt đường, nước đọng thành ao sâu hoắm".
Không những thế, người dân địa phương phàn nàn với phóng viên rằng các đoàn xe chở quặng lưu thông với mật độ dày đặc "đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Bên cạnh bụi bặm, ô nhiễm môi trường, khiến đường bị hư hỏng thì tiếng ồn của các phương tiện làm người dân không thể nào chịu nổi".
Giới chức địa phương cũng cho biết quốc lộ bị hỏng cũng dẫn đến những tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên.
Người Lao Động dẫn lời ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam, cho biết, lưu lượng xe chở hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao, hằng ngày có hơn 200 lượt xe xuất nhập cảnh, chủ yếu chở quặng (xe trên năm trục) và xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc. Nhiều thông tin cho biết mỏ quặng ở Lào được cấp phép đến 27 năm nên tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài.
Giới chức địa phương đã có công văn dề nghị Chính phủ nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 14D. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đưa dự án này vào danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Cũng theo báo Người Lao Động, kế hoạch bảo trì quốc lộ này năm 2024 là 145 tỷ đồng.
RFA, 22/11/2023
Quanh việc nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler về Việt Nam làm việc (BBC, 17/03/2019)
Việc nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler nhận lời mời trở về quê hương làm việc thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam.
Cựu phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler đã nhận lời mời về thăm Việt Nam
Đường về Việt Nam
Hôm 15/3, cựu phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler đã nhận lời mời của VinaCapital Ventures, trở thành Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures chuyên đầu tư vào công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trên Twitter cá nhân, ông Philipp Rösler mấy ngày vừa qua đăng nhiều hình ảnh ông đang ở Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động ở cả hai miền Nam Bắc.
Trong một Tweet, ông Philipp Rösler đăng ảnh đi thăm tập đoàn Vinfast và viết : "Đi thăm nhà máy Vinfast tại Việt Nam. Một công việc tuyệt vời : Xây dựng ngành công nghiệp ô tô và xe máy điện Việt Nam !"
Ở các Tweet khác, ông Philipp Rösler đăng ảnh gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền Thông, và các doanh nhân trẻ Việt Nam.
Ông cũng đăng hình ảnh đi dạo trên phố cổ Hà Nội và viết : "Hà Nội về đêm. Một người bạn nói : Ở một góc độ nào đó nó giống như tôi : Made in Vietnam - nhà xưởng - cửa hàng - nguyên gốc !"
Phát biểu hôm 15/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Philipp Rösler nói ông muốn trở về cống hiến cho quê hương Việt Nam sau khi rời chính trường Đức và ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vẫn theo truyền thông Việt Nam.
"Với những kinh nghiệm có được, tôi mong muốn được góp phần giúp các công ty khởi nghiệp Việt phát huy tiềm năng và khẳng định vị trí trên bản đồ thế giới", ông Philipp Rösler nói.
Ông Philipp Rösler gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chiều 15/3 tại Hà Nội.
Trước đó, hôm 13/3, ông Philipp Rösler đi thăm một số cộng đồng khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Philipp Roesler trở về Việt Nam lần đầu tiên cùng gia đình năm 2006 và kết nối lại với vị sơ từng chăm sóc ông ở cô nhi viện.
Sau đó, ông trở lại Việt Nam nhiều lần trong các năm 2012, 2014, 2017 và 2019.
Theo tờ Tri Thức Trẻ, ông Philipp Rösler đặc biệt lưu ý đến giới trẻ Việt Nam : "Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ mà chính là giới trẻ", ông nói.
Từ mồ côi đến lãnh đạo trẻ tuổi
Ông Philipp Rösler sinh năm 1973 tại Sóc Trăng. Ông mồ côi và từng được nuôi dưỡng tại viện mồ côi công giáo của nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Sóc Trăng.
Khi được 9 tháng, ông được một gia đình quân nhân người Đức nhận nuôi.
Ông Philipp Rösler theo học Đại học Y khoa Hannover và từng là bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực.
Năm 2009, ông Philipp Rösler trở thành bộ trưởng trẻ Y tế trẻ nhất nhất trong chính quyền Liên bang Đức và là người gốc Việt đầu tiên trở thành bộ trưởng ở một quốc gia châu Âu.
Năm 2011 ông được bầu làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và công nghệ Đức. Thời điểm đó ông đã rất tích cực quảng bá cho cộng đồng khởi nghiệp của Đức.
Năm 2012 ông nhận học vị Tiến sĩ Y khoa.
Năm 2013, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, ông Philipp Rösler từ giã con đường chính trị, tham gia vào ban quản lý Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Khi còn ông tham gia chính trường ở Đức, gốc gác châu Á của ông dường như từng là mối quan tâm báo chí nước này.
Năm 2013, trong bài viết về thất bại của ông Philipp Rösler trong cuộc chạy đua vào Quốc hộii Mỹ, nhà văn Phạm Thị Hoài nhắc đến một bài phỏng vấn của tờ taz, một tờ báo thiên tả độc lập ở Berlin.
"Khi văn bản ghi cuộc phỏng vấn hoàn thành và được chuyển lại để ông và Văn phòng Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đọc xác nhận, một thông lệ rất đáng hủy bỏ ở Đức, ông đã từ chối không cho phép đăng".
"Tờ taz bèn đăng bài phỏng vấn với tiêu đề "Philipp Rösler : Những câu hỏi và không có câu trả lời", trong đó phần câu hỏi của tòa báo được đăng nguyên văn, phần trả lời bỏ trống bằng những "dòng kẻ chấm".
Những câu hỏi của tờ báo này bao gồm : "Ông đã trải nghiệm việc người khác có vấn đề với ngoại hình châu Á của ông như thế nào ?", "Ông thường nhận được email chửi rủa. Vì ông là Chủ tịch Đảng FDP ? Hay vì nhìn ông là thấy gốc gác không phải người Đức ?", "33 tuổi ông mới trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên, do vợ ông đề nghị. Vì sao bản thân ông không quan tâm đến đất nước của cha mẹ ông ?"
Hành động có vẻ như 'kiểm duyệt báo chí của Philipp Rösler' không bị dư luận Đức phê phán thời điểm đó như mong đợi của tờ taz, theo nhà văn Phạm Thị Hoài.
Thay vì thế, tờ báo này nhận cơn mưa phê phán chỉ vì các câu hỏi thuần túy tập trung vào xuất thân châu Á của Philipp Rösler.
'Cánh tay nối dài' của Trung Quốc ?
Vài tháng trước khi ông Philipp Rösler chính thức nhận lời trở về đóng góp cho quê hương Việt Nam, có tin ông ủng hộ Trung Quốc.
Hồi tháng 7/2018, hãng tin Bloomberg lên một danh sách điểm mặt một số chính trị gia kỳ cựu ở châu Âu đang trở thành các 'cánh tay nối dài' của Trung Quốc.
Trong số những người này có cựu Thủ tướng Anh David Cameron, hai cựu Thủ tướng Pháp Domique de Villepin, Jean-Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng Ý Romano Prodi và cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler.
Theo Bloomberg, vào tháng 12/2017, ông Philipp Rösler trở thành CEO của HNA Group Co., chi nhánh từ thiện ở New York của Quỹ Từ thiện Hainan Cihang (Hainan Cihang Charity Foundation Inc.).
Tập đoàn phi lợi nhuận này sở hữu 29.5% cổ phần của HNA, tức trị giá 180 triệu USD vào thời điểm ông Philipp Rösler được bổ nhiệm.
Theo Reuters, việc bổ nhiệm ông PPhilipp Rösler cho vị trí đứng đầu HNA là một động thái mà Reuters nhận định là để cho thấy sự ổn định và tính chính danh của những nỗ lực từ thiện của Trung Quốc ở Hoa Kỳ.
Theo Bloomberg, đây là các chính trị gia châu Âu "vận động cho Trung Quốc nổi bật nhất".
Ngoài ông Philipp Rösler, danh sách của Bloomberg còn đề cập đến ông David Cameron, cựu Thủ tướng Anh giai đoạn 2010-2016.
Hai năm sau khi rời khỏi số 10 phố Downing, ông Cameron giờ là người đứng đầu một quỹ đầu tư Anh-Trung trị giá một tỷ USD để ủng hộ kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Mạng xã hội nói gì ?
Tin nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler trở về Việt Nam làm việc gây xôn xao cộng đồng mạng Việt Nam.
Dường như ngay lập tức, cái tên Philipp Rösler trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, với hơn 75.000 kết quả chỉ sau hơn 1 giây.
Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng và nhiệt tình cống hiến của ông Philipp Rösler cho quê hương.
Facebooker Toàn Nguyễn Đăng viết : "Cần lắm một triết lý sống dũng cảm và cống hiến như ông. Thưa ngài Philipp Rösler !"
Thậm chí nhiều người ca tụng vẻ đẹp của ông Philipp Rösler.
Facebooker Xuân Châu đăng một bài phân tích dài về sự nghiệp của ông Philipp Rösler cùng hình ảnh ông ở nhiều góc độ, với lời bình : "Vẻ đẹp lên ngôi chính trường... Ngoài lý do là người gốc Việt và sự thành công đặc biệt, Philipp Rösler còn khiến bao người ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp trai, lịch lãm và thông minh rực rỡ... Ở cung bậc nào Philipp Rösler cũng vô cùng hấp dẫn, dù chàng có đi trong một đám đông tại nơi đâu, vẻ quyến rũ Á Đông đặc biệt vẫn không thể lẫn lộn... Vẻ đẹp hào hoa và hình thể lý tưởng của chàng không thua kém bất cứ người mẫu nào".
Nhiều Facebookers đăng lại một bài viết được cho là ông Philipp Rösler bài trả lời phỏng vấn một tờ báo năm 2018. "Phóng viên : Tuyên ngôn hành động của ông là gì ? Philipp Rosler : Một người có thể nói bất cứ điều gì mà anh ta nghĩ - miễn là anh có suy nghĩ trước khi nói.
Phóng viên : Điều mà ông không thể ưa nổi là gì ?
Philipp Rösler : Sự ngu xuẩn".
********************
'Tôi về Việt Nam vì đóng góp được nhiều hơn’ (BBC, 15/03/2019)
Một nhà quan sát nói về sự lựa chọn đóng góp cho Việt Nam sau khi du học tại nước ngoài.
Bà Bùi Kim Thùy hiện là Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean tại Việt Nam.
"Có hàng chục ngàn học sinh và sinh viên ra nước ngoài du học và rất nhiều trong số đó đã lựa chọn ở lại để có môi trường làm việc tốt hơn, được trả lương cao hơn và có một bầu không khí trong lành hơn để hít thở.
"Tôi không phản đối việc đó. Vì xét trên bình diện chung là thế giới phẳng và các bạn là công dân toàn cầu và bằng cách này hay cách khác đều có thể đóng góp ít nhiều cho đất nước. Giống như Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn.
"Thế nhưng thời gian gần đây cũng có một làn sóng các anh chị đã về, ví dụ như Giáo sư Vũ Hà Văn. Nếu mà là tôi thì tôi vẫn lựa chọn quay về Việt Nam vì đối với cá nhân tôi thì đối với Việt Nam tôi đóng góp được nhiều hơn", bà Bùi Kim Thùy, tốt nghiệp cao học Quản trị Công từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và Trường Kennedy (Đại học Harvard) nói với BBC Tiếng Việt tại Hà Nội.