Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu tiếp tục nêu Việt Nam trong nhóm toàn trị không có dấu hiệu thay đổi

RFA, 02/12/2022

Việt Nam cùng Lào và Campuchia vẫn là các nước độc tài toàn trị không có những dấu hiệu rõ ràng về thay đổi. Dù Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đạt được thành quả kinh tế và được công khai thừa nhận, nhưng không trao quyền cho người dân.

danchu1

Buổi công bố báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022 - IIDEA

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu năm 2022 (The Global State of Democracy 2022) được công bố ngày 2/12. Báo cáo do Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IIDEA) trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển thực hiện.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm các nước đưa ra những luật mới nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân trên mạng. Cụ thể Hà Nội đã cho thực hiện Luật An Ninh Mạng.

Báo cáo năm nay của IIDEA là ấn bản lần thứ tư và được đưa ra vào lúc nền dân chủ trên toàn thế giới bị tấn công theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thăm dò của IIDEA cho thấy hiện niềm tin của công chúng vào các giá trị dân chủ đang suy giảm. Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta phải đấu tranh giành lại dân chủ bằng những cách khó khăn nhất. Hiện có những người phải đối mặt với những nguy cơ lớn lao để đòi hỏi các quyền và tự do dân chủ.

************************

Vụ Trịnh Xuân Thanh bị Slovakia mở lại sau phiên tòa mới ở Đức

RFA, 02/12/2022

Cơ quan Hình sự Quốc gia Slovakia mở lại hồ sơ điều tra tham nhũng có dính líu đến vụ một người Việt được cho bị bắt cóc hồi năm 2017. Công tác này được tiến hành sau khi phiên xử nghi can thứ hai trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh đang diễn ra tại Đức. Mạng báo Euractiv.sk loan tin ngày 1/12.

txt1

Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác nghe bản án trong phiên tòa xét xử tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 22 tháng 1 năm 2018. AFP

Trong vụ việc liên quan, phía Slovakia, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Robert Kalinak, bị nghi ngờ dù biết rõ nội tình mà vẫn đồng ý cho phía Việt Nam mượn máy bay ; rồi còn yêu cầu Ba Lan cho bay qua không phận nước này với lý do công vụ dù ông bộ trưởng Robert Kalinak không có mặt trên đó.

Hồi ngày 23/8/2018, Mạng báo Dennik N loan tin dẫn trả lời của Phát ngôn viên tòa thượng thẩm Đức, bà Lisa Jani khẳng định Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho phái đoàn Việt Nam một chiếc máy bay đến Moscow và chiếc máy bay đó có chở ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cũng theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết mục đích thực sự của chuyến bay là để phục vụ cho một vụ bắt cóc.

Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ thông tin ngỏ ý cung cấp cho Việt Nam một chiếc máy bay đến Hà Nội, trong khi cựu bộ trưởng Nội vụ Slovakia ông Robert Kalinak, người được nói có dính líu đến vụ việc, đã từ chối trả lời về thông tin này.

Slovakia đã mở cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ ngày 3/8/2018.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức dầu khí của Việt Nam, bị cáo buộc tham nhũng và chạy sang Đức xin quy chế tị nạn nhưng được nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin. Sau đó ông Thanh bị đưa về thành phố Brno của Séc, rồi tiếp tục được đưa đến Bratislava, thủ đô của Slovakia trên một chiếc xe do mật vụ Việt Nam thuê. Sau đó các nguồn tin nói rằng Việt Nam tiếp tục mượn máy bay của Slovakia để chở ông Thanh sang Moscow, trước khi đưa về Hà Nội.

Vụ Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội. Đức ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như ngưng miễn visa cho quan chức mang hộ chiếu ngoại giao của Việt Nam.

Diễn biến mới nhất liên quan vụ này là vào ngày 2/11/2022 Tòa Thượng thẩm Berlin bắt đầu xét xử nghi phạm thứ hai. Người này bị cho đã hỗ trợ và tiếp tay cho việc tước đoạt quyền tự do và hoạt động như một mật vụ.

Bị cáo là ông Lê Anh Tú, 32 tuổi, Ông sinh sống tại thủ đô Prague, Cộng Hòa Séc vào thời điểm gây án hồi năm 2017.

Sở dĩ ông Tú bị bắt và xét xử sau khi vụ án xảy ra đã năm năm là vì ông này đã về Việt Nam lẩn trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Khi vừa quay trở lại Prague vào tháng sáu năm nay, ông Tú ngay lập tức bị bắt và dẫn độ sang Đức.

************************

Thanh niên tham gia phản đối dự luật Đặc khu bị từ chối khóa học đào tạo sĩ quan hàng hải

RFA, 02/12/2022

Học viên Đặng Ngọc Thanh, người từng tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu kinh tế năm 2018, bị Trung tâm Nhân lực và Huấn luyện Hàng hải thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh buộc dừng khóa học đào tạo sĩ quan hàng hải.

txt2

Ông Đặng Thanh cầm tờ giấy trắng với công thức Friedman để biểu lộ sự ủng hộ các phản đối chống chính sách Không COVID tại Trung Quốc - Facebook Đặng Thanh

Anh Thanh, sinh năm 1993 ở tỉnh Trà Vinh, cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết sau vài tháng theo học Lớp sĩ quan vận hành khóa 1 tại trung tâm này thì được giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Tân thông báo không được tiếp tục học nữa.

Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm này chỉ thông báo miệng và trung tâm không đưa ra văn bản chính thức nào về việc dừng học, người thanh niên này nói.

"Tôi đi học được khoảng ba tháng nay. Khi lên học thì trong hồ sơ bên công an có ghi tôi từng tham gia in ấn và rải truyền đơn phản đối cho Trung Quốc thuê đặc khu.

Bên nhà trường tạm giữ hồ sơ đó và hỏi tôi có bị cấm xuất cảnh không. Tôi có sang bên Campuchia để chứng minh tôi không bị cấm xuất cảnh".

Anh cho biết thêm nhà trường có gọi điện cho công an Trà Vinh để hỏi liệu anh có hoạt động chính trị không, rồi mới chấp nhận cho anh tham gia khóa học.

Anh Thanh khẳng định mình không hoạt động chính trị mà chỉ rải tờ rơi năm 2018, và có chia sẻ bức xúc trên mạng xã hội. Anh cho rằng nguyên nhân anh bị dừng học có thể là do anh đã tham gia biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2018 để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế.

"Tôi không tham gia hoạt động chính trị gì hết nhưng có lần khi nhà nước cộng sản Việt Nam định cho nước ngoài thuê đặc khu 99 năm thì tôi đã in với số lượng lớn tờ rơi có nội dung Không cho Trung Quốc thuê 99 năm và rải khắp thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có bị bắt và bị phạt hành chính".

Anh cho biết thái độ của giáo viên và nhà trường rất không đàng hoàng.

"Khi tôi hỏi các thầy thì các thầy mập mờ không nói ra giống như có một thế lực nào đó can thiệp vào công việc học hành của tôi. Tôi chỉ muốn bình yên và đi học để có một công việc đàng hoàng chứ không có mưu đồ chính trị gì hết".

Phóng viên có gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Tân và được người này cho biết :

"Bạn Thanh này, trường và cấp trên kiểm tra lý lịch của bạn ấy, thấy lý lịch khai không đúng, và không phù hợp nên trường không nhận bạn ấy vào học sĩ quan hàng hải".

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị giải thích thêm thì ông Tân từ chối, nói không làm việc qua điện thoại mà cần gặp ông trực tiếp hoặc liên hệ với cấp trên của ông.

Anh Thanh cho rằng lý do ông Tân đưa ra không thuyết phục vì trước lúc nhập học, anh đã nộp đầy đủ giấy tờ có công chứng theo yêu cầu của Trung tâm cho khóa học 30 tháng đào tạo thuỷ thủ cho tàu vận tải quốc tế. 

Chúng tôi có gọi điện nhiều lần vào số điện thoại của giáo vụ Trung tâm Nhân lực và Huấn luyện Hàng hải nhưng không ai nghe máy. Phóng viên có gửi email cho Trung tâm này và trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa nhận được trả lời.

Người thanh niên Thanh cho biết nhiều giáo viên và hơn một nửa học viên của khóa học mà anh đang theo học ủng hộ anh được quay lại lớp học.

Chia sẻ về việc tham gia rải truyền đơn phản đối Dự luật Đặc khu, anh cho biết anh không bị bắt ngay trong ngày hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình 10/6 mà bị công an huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và công an huyện Bình Chánh của thành phố Hồ Chí Minh bắt sau đó vài ngày.

Ban đầu, công an Trà Vinh mời lên làm việc nhưng anh không đến. Hôm sau thì anh bị bắt khi đang ngồi uống cà phê ở gần nhà. Công an phường 5, thành phố Trà Vinh có đánh và giữ anh một ngày rồi mới thả cho về.

Một thời gian sau thì anh nhận được quyết định phạt hành chính 7,5 triệu đồng bởi công an thị trấn Tân Túc của huyện Bình Chánh.

Khi bắt anh, phía công an đưa ra những video và hình ảnh anh đang rải truyền đơn có nội dung phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm, nhưng khi họ xử phạt hành chính lại nói lý do là "nói xấu công an huyện Bình Chánh".

Giữa năm 2018, Quốc hội Việt Nam có ý định thông qua hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường ở nhiều thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật trên. 

Lực lượng an ninh đã áp dụng các biện pháp bạo lực để đối phó với cuộc biểu tình. Hàng nghìn người đã bị bắt trong thời gian này, nhiều trong số họ bị giam giữ nhiều ngày, bị tra khảo và bị đánh đập. Cơ quan chức năng còn áp dụng biện pháp phạt vi phạm hành chính cũng như cả khởi tố, giam giữ và kết án một số người tham gia biểu tình.

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam