Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Việt Nam dùng Cam Ranh để kết thêm bạn

The Economist tuần này có bài viết mang tựa đề "Việt Nam dùng quân cảng Cam Ranh để kết thêm bạn mới", với ghi nhận, vịnh Cam Ranh lại hồ hởi đón tiếp các chiến hạm Mỹ.

camranh1

Cảng Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. flickr

Tờ báo nhận định, đây có lẽ là cảng nước sâu thiên nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Trong thời kỳ đô hộ, Pháp có một hạm đội ở đây. Các tàu Nga sử dụng cảng Cam Ranh trong chiến tranh Nga-Nhật, người Nhật đặt căn cứ ở Cam Ranh trong Đệ nhị Thế chiến, và người Mỹ dùng Cam Ranh là quân cảng chính trong chiến tranh Việt Nam.

Sau khi Mỹ rút quân, và miền Bắc cộng sản chiến thắng, chính phủ của nước Việt Nam thống nhất đã cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân tại đây. Nga trả lại Cam Ranh năm 2002, và ngày nay khách du lịch Nga đổ xô đến cảng quốc tế Cam Ranh với các phi đạo do người Mỹ xây dựng, để đến các bãi biển gần đó của Nha Trang.

Hiện nay Việt Nam có vẻ theo chính sách "Ba Không" : không liên minh quân sự, không có căn cứ ngoại quốc và không liên kết với một nước nào để chống lại nước thứ ba.

Dù vậy, bên cạnh căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh, là cơ sở tiếp nhận các tàu quân sự nước ngoài. Trên lý thuyết, đây là vấn đề thuần túy thương mại. Cảng Cam Ranh mở rộng tiếp đón tàu của bất kỳ nước nào muốn chi trả để có được dịch vụ sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Nhưng Cam Ranh còn phục vụ cho các mục tiêu chiến lược : gởi một thông điệp thách thức cho bành trướng Trung Quốc, qua việc mở rộng quan hệ quân sự giữa Việt Nam và một nhóm nước ngày càng đa dạng.

Tình cảm chống Trung Quốc ngày càng sâu đậm nơi những người dân Việt bình thường. Việt Nam đã chiến đấu chống lại cả Mỹ và Trung Quốc trong thập niên 70. Nhưng lúc này người Mỹ lại được người dân tiếp đón với thiện cảm, trong khi nhiều người Việt vẫn tin chắc rằng Trung Quốc vẫn luôn âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nước mình.

Năm 2014, Bắc Kinh đã cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa, gây ra những vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam. Sau đó đôi bên đã thận trọng tránh gây căng thẳng. Trung Quốc rút giàn khoan đi, còn Việt Nam không ồn ào chỉ trích việc giải quyết tranh chấp song phương, như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Nhưng đối với Việt Nam, vấn đề căn bản vẫn không thay đổi : làm thế nào một quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn có thể tự vệ trước một nước lớn hơn, giàu hơn ?

Philippines dưới quyền ông Rodrigo Duterte đã đi tiên phong trong một giải pháp : rõ ràng là sự đầu hàng. Để đổi lấy đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, ông Duterte đã quyết định không gây áp lực với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Còn Việt Nam thì sử dụng vịnh Cam Ranh, cố gắng làm cách khác : đó là đa dạng hóa.

Từ khi khai trương cơ sở dịch vụ cách đây một năm, Cam Ranh đã đón tiếp 19 tàu từ 10 quốc gia. Trung Quốc và Hoa Kỳ đến nhiều nhất – mỗi nước ba tàu. Nhưng những chuyến viếng thăm khác là từ các nước đã bày tỏ những dạng thức chống đối lại tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, trong đó có Pháp và Nhật Bản. Việt Nam dường như đang nhắc nhở Trung Quốc là họ có được bao nhiêu bạn bè cũng như người tranh chấp, và làm thế nào giám sát được các chiến hạm của họ.

Chiêu tuyên truyền : Đóng vai nhà thơ Hàn Quốc ca ngợi lãnh tụ Bắc Triều Tiên

Cũng về Châu Á, các tuần san dành nhiều trang để nói về Kim Jong-un, người mới đây đã dám thách thức tổng thống Mỹ Donald Trump, khi lại cho bắn hỏa tiễn – dù lần này thì thất bại. Le Point có hồ sơ "Những chú nhóc làm rung chuyển thế giới", còn Le Courrier International nói về "Bắc Triều Tiên, vòng xoáy không có hồi kết".

Le Point nhận định, ban đầu không ai nghĩ là cậu thanh niên mập mạp với nét mặt trẻ thơ, mê bóng rổ ấy lại trở thành một nhà lãnh đạo có quyền sinh quyền sát thực sự, tại đất nước khép kín nhất thế giới, và thách đố nước Mỹ hùng mạnh.

Đặc phái viên Sébastien Falletti đã tiếp xúc với ông Jang Jin-sung, nhà thơ Bắc Triều Tiên sang tị nạn tại Hàn Quốc năm 2004. Hồi còn ở Bình Nhưỡng, ông Jang thuộc tầng lớp tinh hoa, từng được Kim Jong-il trao tận tay một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 11.000 đô la, để thưởng công những bài thơ ca ngợi lãnh tụ.

Jang là sĩ quan binh đoàn 19, phụ trách mảng thi ca của ban 5, tức ban văn chương, trực thuộc Mặt trận Thống nhất. Đây là cơ quan đầy quyền lực, đóng vai trò đầu tàu trong trận chiến tranh cân não với miền Nam. Ông có nhiệm vụ cao siêu và nhạy cảm là làm thơ ca ngợi "Lãnh tụ kính yêu", trong vai một nhà thơ Hàn Quốc.

Jang được phép vào vùng cấm là căn phòng hai lớp khóa của thư viện. Mỗi ngày ông đọc các nhật báo và tác phẩm từ Seoul để dễ nhập vai một nhà văn "chống đế quốc" ở Hàn Quốc. Chính từ những giờ phút đọc trong tĩnh lặng này, mà viên sĩ quan tuyên truyền phát hiện ra một thế giới khác, và bắt đầu nghi ngờ chế độ. Cho đến khi để quên một cuốn sách cấm trong métro – một tội phạm có thể bị đưa đi cải tạo lao động, mà Jang bất ngờ quyết định đào thoát.

Kim Jong-un và hệ thống điều hành trong bóng tối

Ngày nay, trong văn phòng nhỏ bé, mang một cái tên giả và được bảo vệ ở Seoul, ông Jang quan sát kỹ càng sự thăng tiến của Kim Jong-un, thế hệ thứ ba của chế độ "cộng sản" Bắc Triều Tiên. Ông tiết lộ : "Kim Jong-un có quyền lực, nhưng trước hết là một biểu tượng. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên do một tổ chức bí mật điều hành trong bóng tối".

Đó là Bộ Tổ chức Chỉ đạo (OGD) của Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, một hệ thống chỉ huy hàng chục ngàn nhân viên chuyên giám sát đảng viên các cấp, từ thôn làng cho đến các nhân vật thân cận lãnh tụ. Jang cho biết : "OGD hoạt động như một cơ quan làm truyền thông cho các ngôi sao. Họ đã thiết kế việc tôn sùng lãnh tụ Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), và phải luôn giữ gìn huyền thoại về lãnh tụ thần thánh. Do đó, rất cần giữ bí mật".

OGD là tác phẩm của Kim Jong-il (Kim Chính Nhật), người đã tôn xưng cha mình làm "Chủ tịch vĩnh hằng", và dựa vào thuyết Juche (Chủ thể) để khẳng định sự khác biệt với khối cộng sản của Moskva và Bắc Kinh. Lee Yun-keol, một người đào thoát khác xác nhận : "Chủ nghĩa cộng sản chỉ là vỏ bọc của chế độ, thực ra trước hết là dân tộc chủ nghĩa".

Một nhóm bí mật do bốn cố vấn của Kim Jong-il lãnh đạo, trong đó có tướng Hwang Pyung-so, người đứng đầu Tổng cục Chính trị của quân đội, giựt dây Kim Jong-un từ trong bóng tối. Ông Jang nói : "Đó là quan hệ đôi bên cùng có lợi. Họ cần Jong-un để duy trì quyền lực, còn lãnh tụ trẻ tuổi cần đến họ để tạo ra hình ảnh đẹp đẽ trong dân chúng".

Chỉ trong vài năm, các cố vấn trong bóng tối đã thành công trong việc biến một người vô danh thành "Người cha dân tộc", với ngoại hình giống hệt ông nội Kim Nhật Thành, từ trang phục cho đến kiểu tóc ; gợi nhớ đến thời kỳ mà miền Bắc giàu có hơn miền Nam.

Nhưng theo truyền thống, Kim Jong-un cũng phải chia sẻ quyền lực với các thành viên trong gia đình. Việc này khá phức tạp vì Kim Jong-il có nhiều dòng con. Người ta cho rằng người chị Kim Seol-song, con của Jong-il với bà vợ chính thức, là nhân vật số hai của chế độ. Còn một đối thủ tiềm năng, người anh cùng cha khác mẹ là Kim Jong-nam thì đã bị trừ khử trong vụ ám sát đình đám ở Malaysia vừa qua.

Bình Nhưỡng thêm cô lập sau vụ ám sát Kim Jong-nam

Trong bài "Một chế độ ngày càng bị cô lập" của Nihon Keizai Shimbun có trụ sở ở Tokyo, được Le Courrier International trích dịch, tác giả cho rằng vụ ám sát này sẽ mang lại những hậu quả nặng nề cho Bắc Triều Tiên.

Trong vụ Kim Jong-nam, Bình Nhưỡng gây áp lực bằng cách cấm công dân Malaysia ra khỏi Bắc Triều Tiên, Kuala Lumpur cũng đáp trả tương tự, nhưng Malaysia rốt cuộc đành chịu thua. Trả lại thi thể Kim Jong-nam cho Bình Nhưỡng, Malaysia đã bị mất đi chiếc chìa khóa để làm sáng tỏ vụ án. Nhưng mạng sống của 9 con tin Malaysia rõ ràng quan trọng đối với chính phủ của thủ tướng Razak, hơn là sinh mạng 300 công dân Bắc Triều Tiên đối với Kim Jong-un.

Cho đến nay, Malaysia là quốc gia Châu Á duy nhất chấp nhận miễn visa cho công dân Bắc Triều Tiên. Mất đi ưu tiên này là một đòn nặng cho các hoạt động của chế độ Bình Nhưỡng ở nước ngoài. Nhờ được miễn visa, Bắc Triều Tiên có thể thành lập các công ty bình phong ở Malaysia. Cho dù có liên hệ với chương trình nguyên tử và đạn đạo, nhưng Kuala Lumpur vẫn không áp dụng chặt chẽ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Tham vọng của Nga tại Trung Đông

Nga chơi trò gì ở Syria ? Đó là câu hỏi của tờ Ha’Aratz có trụ sở ở Tel Aviv, được Le Courrier International trích dịch. Theo tờ báo, Moskva với nền kinh tế yếu kém, chẳng mang lại lợi lộc gì cho Trung Đông.

Một trong những câu trả lời phổ biến nhất cho câu hỏi "Nga làm gì ở Syria", là Nga quyết tâm tiễu trừ Hồi giáo cực đoan, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến thiểu số người theo đạo Hồi hiện chiếm 7% dân số. Một số người nghĩ rằng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ giúp tổng thống Nga xoay hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc chiến Ukraine. Số khác khẳng định đó là nhằm duy trì căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria.

Trên thực tế, vượt lên trên tất cả là ý hướng của điện Kremlin, muốn lại trở thành nhân tố quan trọng ở Trung Đông. Ông Putin muốn chứng tỏ rằng nước Nga vẫn là siêu cường như thời kỳ huy hoàng trước đây trong chiến tranh lạnh.

Nhưng 18 tháng sau khi Nga ra tay can thiệp, kết quả rất ít ỏi. Chế độ Assad được cứu vãn, Putin không chỉ giữ được Tartus mà còn lập thêm một căn cứ không quân mới ở Latakia. Tuy nhiên các cường quốc phương Tây vẫn duy trì trừng phạt, vụ khủng bố métro Saint-Petersburg hôm 4/4 cho thấy mối đe dọa Hồi giáo vẫn còn đó. Putin tuy đã thắng được cuộc chiến hình ảnh qua việc bênh vực Assad, nhưng các chế độ độc tài và vương quốc Hồi giáo trong khu vực lại không muốn lao vào vòng tay của Moskva.

Mặc cho các bài diễn văn đẹp đẽ, Nga vẫn là một nền kinh tế kém phát triển, chẳng cung ứng được gì nhiều ngoài vũ khí, công nghệ hạt nhân, năng lượng và lúa mì. Năm ngoái Nga đã trở thành nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu cho Ai Cập, doanh số vũ khí bán cho Trung Đông và Bắc Phi từ 2006 đến 2015 đạt 12,7 tỉ đô la. Tuy nhiên đó không phải là nhờ tính hiệu quả của vũ khí Nga, mà do phương Tây không muốn cung cấp cho các chế độ độc tài.

Thế giới quan ngại về cuộc bầu cử tổng thống Pháp

Các tuần báo tiếp tục tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp. L’Express nói về "Cuộc sống thực của các ứng cử viên", tiết lộ các chi tiết về đời tư như nhà cửa, sở thích ẩm thực, phong cách ăn mặc. L’Obs quan tâm đến ứng viên nhiều triển vọng "Macron, những bí mật cuối cùng của chiến dịch".

Về vấn nạn tin giả trong các cuộc bầu cử, Le Point chạy tựa "Thất bại của sự thật". Các nhà khoa học giải thích vì sao bộ óc chúng ta sẵn sàng tin mọi thứ, và cách hoạt động của những kẻ cơ hội trên internet. Cũng về bầu cử tổng thống Pháp, Le Courrier International lướt qua một vòng nhận định của báo chí các nước.

Tuần báo tiếng Anh The Economist đăng ảnh chú gà trống Gô-loa đang hoảng hốt dùng cánh che mặt trên trang bìa, với dòng tựa bằng tiếng Pháp "Zut alors !" (dịch nôm na "Suýt nữa thì tiêu !"), và tựa nhỏ phía dưới "Cuộc bầu cử nguy hiểm của nước Pháp".

Thụy My

Published in Việt Nam