Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thu thuế hay không thu thế đối với người bán dâm nếu mở 'khu phố Đèn Đỏ' trong các đặc khu kinh tế tại Việt Nam là chủ đề gây tranh luận tại Bàn tròn thứ Năm hôm 14/9/2017.

maidam1

Việt Nam đang có dự kiến mở dịch vụ phố Đèn Đỏ ở một số đặc khu kinh tế, du lịch, theo truyền thông trong nước.

Một luật sư từ Sài Gòn cho rằng không nên thu thuế với 'các chị em' làm nghề này vì làm như vậy Việt Nam sẽ không còn là 'chế độ tốt đẹp nữa'.

Trong khi đó, một nhà xã hội học từ Hà Nội chuyên nghiên cứu về giới và phát triển xã hội, cộng đồng thì cho rằng đã là hoạt động có thu, thì cần phải thu thuế như bình thường.

Trao đổi với Tọa đàm trực tuyến của BBC Tiếng Việt hôm thứ Năm, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuậntrước hết nêu quan điểm về việc có nên mở dịch vụ 'Đèn đỏ' như trên đã nói hay không, ông nói :

"Tôi rất đồng tình và ủng hộ những lời lập luận lịch sử quá trình và cái lợi, hại trong việc cho hành nghề mãi dâm, hoặc là không cho hành nghề mãi dâm. Tôi cho rằng đó là một câu chuyện rất hợp đạo lý, nó cũng bình thường.

"Còn nếu về phong tục tập quán Việt Nam, nói phong tục tập quán Việt Nam, thực tế thì trước đây có nghề mãi dâm... cũng có này kia, làm sao không có được, xã hội Sài Gòn trước kia, mại dâm cũng coi như công khai, thì đâu có vấn đề gì.

"Nhưng mà chỉ vướng luật pháp, không có sửa, đó là cái sửa của luật Hình sự, Bộ Luật Hình sự cho rằng là như chị Khuất Thu Hồng [khách mời tại bàn tròn] có nói rằng đã có một bước tiến là những người hành nghề mãi dâm thì không bị xử lý hình sự, những người môi giới, tổ chức thì bị xử lý hình sự, thì cái đó cũng là một cái vướng về pháp luật".

Mại dâm và tham nhũng

maidam2

Việc có nên thu thuế hay không từ dịch vụ Đèn Đỏ nếu được mở cửa, khai thác ở Việt Nam có những tranh luận giữa khách mời của BBC Tiếng Việt

Theo luật sư Thuận, dường như có sự thiếu thống nhất, hoặc thiếu công bằng giữa việc chính quyền thường ra tay với mua, bán dâm mà lại không truy quét tham nhũng nhà nước và chức vụ mà như ông nói là 'ăn hối lộ, cướp của, cướp đất' của dân v.v..., ông nói tiếp :

"Vướng pháp luật thì nếu cần, Quốc hội ra một nghị quyết thì cũng sẽ giải quyết được ngay, nhưng về mặt đạo lý, nhiều người tôi trao đổi và tôi cũng suy nghĩ rằng hành nghề mãi dâm này đôi khi còn tốt hơn mấy người nhận hối lộ, ăn hối lộ mà cướp đất của dân.

"Người ta có cái để người ta bán, cái thân để người ta bán, để đi kiếm tiền người ta sống, thì bắt bớ rồi đưa đi trại giáo dục, không biết giáo dục cái gì, sao không giáo dục mấy người ăn hối lộ, cướp của của dân, cái tội đó là nặng hơn nhiều chứ, tại sao không tập trung để truy quét ? Mà lại truy quét chi một cái người ta gọi là tệ nạn xã hội ?

"... Rõ ràng như Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói là chống tham nhũng là khó, chống nguy hiểm. Bây giờ người ta cũng nói là nguy hiểm, còn chống tệ nạn thì dễ, bởi vì tệ nạn có cái gì đâu mà làm ghê gớm thế ?

"Cho nên tôi cho rằng đã đến lúc phải nhìn vào sự thật, phải cần, phải có một nhu cầu để mà giải quyết và đối với chị em phụ nữ, người ta không có gì, người ta còn có cái đó, thì họ cũng phải mang để bán để họ sống chứ ? Tại sao không cho họ bán ? Nó còn tốt hơn đi ăn cướp, đi buôn lậu, thì cái đó, cái nào tốt hơn.

"Thì tôi nghĩ cần phải nhìn cái tổng thể xã hội và dĩ nhiên là còn sự quản lý chặt chẽ, đừng để nó lan truyền bệnh tật, rồi chữa bệnh cho chị em, còn đừng có nghĩ tới chuyện thu thuế, cái này để quản lý chẳng có gì để thu thuế, đến cái món đó còn thu thuế thì còn cái gì là chế độ tốt đẹp ? Cho nên cái này đã đến lúc phải quản lý và phải tổ chức", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với Bàn tròn thứ Năm.

'Lấy mỡ nó rán nó'

Cũng là người có quan điểm nên ủng hộ việc quản lý mại dâm theo cách thức mới thay vì cấm đoán hoặc hình sự hóa những người hành nghề này, nhưng có ý kiến khác với Luật sư Thuận về việc có nên thu thuế hay không với người hành nghề này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng phản biện :

"Nếu có thể tôi muốn tranh luận về thuế dịch vụ Đèn Đỏ với ông Trần Quốc Thuận..., tôi nghĩ rằng một khi chúng ta đã có lập ra khu Đèn Đỏ cung cấp dịch vụ tình dục, thì chúng ta phải thu thuế.

"Tại sao phải thuế, vì thuế để trả cho bộ máy quản lý nhà nước, những người liên quan, chẳng hạn ngành y tế cung cấp dịch vụ cho khu vực đó, rồi công an và các loại thuế khác, không có lẽ lại lấy thuế của người nông dân đóng để trả cho dịch vụ Đèn Đỏ ?

"Cho nên mỡ nó phải rán chính nó, chứ không thể nếu chúng ta lại đặt vấn đề là ở đây có cái gì nhạy cảm, hoặc có cái gì đó mà không thu thuế, thì tôi nghĩ là nó sẽ là không công bằng.

"Bất kỳ một người nào mà lao động có thu nhập, thì sẽ phải đóng thuế, tôi nghĩ là chúng ta nên suy nghĩ về chuyện đấy một cách nghiêm túc, thay vì cứ luẩn quẩn về những lý do đạo đức hay là văn hóa, thì nó sẽ không thấu đáo, mà rõ ràng là nó sẽ tạo ra sự bất công bằng và nó sẽ không hiệu quả nếu như chúng ta thực sự muốn thành lập khu Đèn Đỏ", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với BBC.

Phản hồi ngay tại Bàn tròn về ý kiến của nhà nghiên cứu xã hội học, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :

"Hiểu ý tôi nói không đúng, bởi vì cái thuế là khác và việc thu lệ phí để cân đối bộ máy lại khác và bây giờ thuế là đóng cho nhà nước và nhà nước dùng cái đó để quản lý toàn bộ xã hội này, thì đó là khác.

"Còn bộ máy thành lập ra, đâu phải cái gì nhà nước cũng quản lý, mà để cho tư nhân họ quản lý và thông qua một cơ sở nào thì họ có dịch vụ, thu vô, mỗi lần đi vào, đóng bao nhiêu tiền, thì đóng bao nhiêu phần trăm cho bộ máy..., chứ không ai lấy ngân sách để cân đối và cũng không ai lấy tiền đấy chuyển vào ngân sách, để như vậy thì nó không hay, tôi hiểu là như thế", luật sư nói với BBC.

Published in Việt Nam