Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Các doanh nghiệp Mỹ cảnh báo về quy định lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam

Thanh Phương, RFI, 10/09/2022

Trong một bức thư chung gởi thủ tướng Phạm Minh Chính, hôm 09/09/2022 các tổ chức doanh nghiệp của Mỹ cảnh báo là quy định mới bắt buộc lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam có thể gây tác hại đến đầu tư nước ngoài.

mang1

Ảnh minh họa : Một quán cà phê internet ở Sài Gòn. © Reuters

Quy định mới này nằm trong nghị định 53 được chính phủ ban hành ngày 17/08/2022 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/10, bắt buộc các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực viễn thông, Internet, mạng xã hội phải lưu dữ liệu người dùng, và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Một khi nghị định có hiệu lực, các công ty nước ngoài có 12 tháng để thực hiện việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các công ty này phải lưu trữ dữ liệu trong một thời gian tối thiểu là 24 tháng.

Theo hãng tin Reuters, trong bức thư chung gởi thủ tướng Phạm Minh Chính, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội và Liên minh Internet Châu Á (đại diện cho các tập đoàn công nghệ Google, Meta và Amazon) cho rằng quy định mới khiến cho các công ty không thể thẩm định chính xác các chi phí kinh doanh ở Việt Nam.

Các tổ chức doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh rằng những câu chữ trong một số điều của quy định mới "quá mơ hồ và không ai biết chắc là cần phải có những hành động gì để đáp ứng". Họ đề nghị chính phủ đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn về việc diễn giải quy định mới.

Bộ Ngoại giao cũng như Google và Facebook chưa đưa ra bình luận gì về bức thư của các tổ chức doanh nghiệp Mỹ.

Trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành các quy định kiểm soát gắt gao hơn mạng Internet, đặc biệt là Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ năm 2019 và Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Mạng Xã Hội, được ban hành tháng 7 năm 2021.

Thanh Phương

**********************

Các doanh nghiệp Mỹ phản đối quy định mới bắt lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam

RFA, 09/09/2022

Các doanh nghiệp Mỹ vừa gửi một bức thư tới Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính để phản đối quy định mới bắt các hãng công nghệ phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.

dulieu1

Logo của một số hãng công nghệ Mỹ gồm Facebook, Amazon, Google (Hình minh hoạ) - AFP

Theo Bloomberg, bức thư được gửi vào ngày 9/9 bởi Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cùng với Liên minh Internet Châu Á đại diện cho các hãng công nghệ lớn gồm Google, Meta và Amazon.

Theo bức thư, nghĩa vụ áp đặt đối với các hãng công nghệ trong quy định mới "là một gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và có thể gây tác động đáng kể lên môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam".

Trong thư này, các doanh nghiệp Mỹ cũng chỉ ra rằng câu chữ trong một số điều của quy định mới "mù mờ và tạo ra sự không chắc chắn liên quan đến các hành động đáp ứng khi cần thiết".

Hôm 15/8 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP. Theo Nghị định mới, các hãng công nghệ, cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và các hãng truyền thông phải có nghĩa vụ dữ liệu người sử dụng phải lưu tại Việt Nam ít nhất trong vòng 24 tháng. Các hãng nước ngoài có 12 tháng để lập kho lưu trữ dữ liệu địa phương và văn phòng đại diện sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Công an.

Cơ quan chức năng có quyền đưa ra yêu cầu thu thập dữ liệu để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xóa nội dung bị cho vi phạm đường lối, chính sách của chính phủ.

Các dữ liệu phải lưu trữ gồm : thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập/đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu) ; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Nghị định mới sẽ bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 1/10 tới đây.

Hiện Bộ Ngoại giao cũng như Google và Facebook chưa đưa ra bình luận gì về bức thư mới này. 

Nguồn : RFA, 09/09/2022

*********************

Những dữ liệu phải lữu trữ tại Việt Nam từ 1/10/2022

XM, Tin Tức, 21/08/2022

Nội dung đáng chú ý tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP mới đây về việc quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng là những dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.

dulieu2

Thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, Điều 26 Nghị định này quy định các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm : Dữ liệu về thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ; Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như : tên tài khoản, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký ; Dữ liệu về quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối/tương tác.

Đối tượng phải lưu trữ các dữ liệu trên bao gồm : Các doanh nghiệp trong nước; Doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc một trong các lĩnh vực sau : dịch vụ viễn thông ; cung cấp tên miền ; thương mại điện tử ; thanh toán trực tuyến ; mạng xã hội và truyền thông xã hội ; trò chơi điện tử...

Nghị định cũng nêu rõ trình tự, thủ tục yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp được quyết định hình thức lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu, tối thiểu là 24 tháng.

Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.

Nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 26 Chương IV Luật An ninh mạng (Luật số : 24/2018/QH14, ngày 12/06/2018) được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.

Nghị định quy định rõ, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam ; đồng thời thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định, các doanh nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 26 của Nghị định này phải hoàn thành lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Như vậy, việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ áp dụng đối với một số doanh nghiệp có các hoạt động như thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, không phải áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp.

XM

Additional Info

  • Author Thanh Phương, RFI, RFA, Tin Tức
Published in Việt Nam