Dự án Luật Phòng vệ Dân sự gồm 7 chương với 75 điều, được Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đại diện Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều ngày16/08/2022.
Reuters
Ông Nguyễn Tân Cương được truyền thông nhà nước dẫn lời cho biết có hai phương án liên quan dự luật này.
Phương án thứ nhất có quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Theo đó quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng vệ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh). Quy định này được cho là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng để thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố.
Phương án hai là không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng vệ dân sự. Nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự sẽ áp dụng quy định theo Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và các luật khác.
Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng, nếu không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng vệ dân sự, sẽ không khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật (!?).
Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 17/8 qua tin nhắn :
"Cứ như lời ông Lê Tấn Tới thì sự chồng chéo, trùng lặp của dự luật này đối với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành là rất rõ ràng. Về mặt tổ chức cũng tương tự, dẫn đến tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa.
Tôi không am hiểu về luật nên không thể bàn sâu nhưng tôi thấy có một thực tế khá phổ biến là người ta ra rất nhiều luật và chính họ không tuân thủ, thậm chí còn vi phạm luật rất nhiều. Mấy chục năm trước, bà Luật sư Ngô Bá Thành có nói, đại ý : Việt Nam có một rừng luật nhưng xử án lại theo luật rừng.
Thời gian chống dịch cúm Tàu vừa rồi, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương đã mắc rất nhiều sai phạm kiểu như vậy. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vậy mà được sử dụng làm căn cứ pháp lý cho việc chống dịch, khiến hàng loạt quyền hiến định của công dân như tự do đi lại, tự do cư trú… bị xâm phạm một cách phổ biến. Từ thực tế đó, tôi lo ngại rằng dự luật mới sẽ hợp pháp hóa những hành vi xâm phạm quyền công dân kể trên".
Tuy nhiên Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn vào ngày 17/8, lại cho rằng Luật Phòng vệ Dân sự là cần thiết :
"Đến nay cả hai bộ Quốc phòng và Công an cùng có các đơn vị phòng vệ dân sự. Đề xuất của Bộ Quốc phòng là để tiến tới một cơ quan ngang bộ thống nhất cai quản về phòng vệ dân sự, cứu hộ, cứu nạn, chống thiên tai, thảm họa... Như thế không phải là chồng chéo. Vả lại, nhiều hoạt động, mà có chồng chéo, lại là tốt. Ví dụ, ba cơ quan điều tra tầm quốc gia luôn có chồng chéo : An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát. Trong tình cảnh này, nếu chồng chéo, mà để giám sát lẫn nhau, hạn chế được sai, oan, thì có tốn kém hơn, cũng phải làm. Trên thế giới, có thể có chỗ A tốt hơn chỗ B, nhưng khó nói đâu là tốt nhất. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều có lực lượng phòng chống chữa cháy, nhưng lúc này cục phòng chống chữa cháy Bộ Công an là đơn vị chính, còn Bộ Quốc phòng có bộ tư lệnh cứu hộ, cứu nạn".
Người dân đứng sau rào chắn hạn chế đi lại do dịch bệnh ở một con ngõ ở Hà Nội hôm 30/08/2021. AFP.
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, quyền của người dân liên tục bị vi phạm trong trong công tác phòng chống dịch. Nhiều nhân viên phòng chống dịch bị người dân tố cáo vi phạm quyền con người bằng các hình thức cưỡng chế thô bạo. Chính những người được cho là thực thi pháp luật lại chà đạp lên luật pháp một cách rõ ràng nhất.
Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 13/09/2021 đã ra thông cáo kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền khi dùng quân đội tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ân xá Quốc tế nêu rõ, cơ quan chức năng Việt Nam phải có những biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng về nhân đạo và quyền con người khi mà những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ngày càng gây hại cho những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.
Để tìm hiểu thêm về Luật Phòng vệ Dân sự, RFA hôm 17/8 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Đài, và được ông giải thích :
"Quốc gia nào cũng có luật về tình trạng khẩn cấp, khi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chiến tranh xảy ra mà đã công bố về tình trạng khẩn cấp thì tất cả mọi trách nhiệm thuộc về chính phủ. Chính phủ phải lo tất cả cho người dân. Ở Việt Nam hiện chưa xây dựng luật về tình trạng khẩn cấp mà chỉ mới xây dựng ở mức độ pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Cái này ở mức rất thấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chứ không phải Quốc hội. Việt Nam làm như vậy tức là họ chối bỏ trách nhiệm đối với người dân trong tình trạng khẩn cấp. Như dịch Covid-19 vừa rồi, rất nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tất cả mọi trách nhiệm thuộc về chính phủ… thì Việt Nam không công bố tình trạng khẩn cấp mà họ lại giãn cách xã hội, dùng từ khác để thay thế cho tình trạng khẩn cấp".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, bây giờ Việt Nam vẫn tìm mọi cách để lừa người dân để trốn tránh trách nhiệm, bằng cách dùng luật mới, tức Luật Phòng vệ Dân sự. Ông Đài nói tiếp :
"Luật Phòng vệ Dân sự liệt kê ra 13 tình trạng để sử dụng luật này, nó vừa chồng lấn lên pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, vừa chồng lấn lên luật phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Bởi vì mỗi lĩnh vực khác nhau đã có một luật hiện hành để khi có dịch bệnh, thiên tai xảy ra thì biết làm thế nào. Còn cao hơn là Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, thế nhưng từ khi có pháp lệnh này họ chưa ban hành một lần nào cả.
Việc ra Luật về Phòng vệ Dân sự nhằm mục đích để né tránh trách nhiệm của chính quyền. Khi mà có thiên tai dịch bệnh chiến tranh xảy ra thì họ sẽ dùng Luật về Phòng vệ Dân sự này để cho phép công an, quân đội triển khai. Thế nhưng người dân thì họ cho cái gì hưởng cái đó, như tôi đã nói, họ né tránh trách nhiệm ở đây".
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm những lo ngại Luật Phòng vệ Dân sự sẽ ảnh hưởng đến người dân :
"Chúng ta từng chứng kiến trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, họ đã đưa các lực lượng cảnh sát cơ động, quân đội vào để ngăn chặn người dân đi lại, gây khó khăn rất nhiều cho đời sống người dân. Khi họ chuyển sang Luật Phòng vệ Dân sự thì họ luật hóa hành vi của các cơ quan đó.
Đáng lẽ ra thông thường các nước trong tình trạng khẩn cấp nếu như có sự tham gia của công an, quân đội thì là họ đến để trợ giúp cho người dân, nhưng ở Việt Nam trợ giúp chỉ là một phần rất nhỏ, mà làm cho cuộc sống của người dân thêm khó khăn. Người dân đã gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh mà còn làm cho người dân thêm khó khăn nữa. Đó là bản chất của chế độ. Rõ ràng quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe bị vi phạm hai lần. Thứ nhất do thiên tai dịch bệnh, thứ hai là do chính quyền gây ra, rõ ràng cuộc sống người dân khổ hơn là chắc chắn rồi".
Theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trong giai đoạn khắc nghiệt của dịch Covid-19, công an Việt Nam đã tiến hành phạt và bắt giữ những người lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích các biện pháp chống dịch của cơ quan chức năng ; cũng như xử lý hình sự không thỏa đáng các đối tượng bị cho làm lây lan dịch bệnh.
Ân Xá Quốc Tế cho rằng, thay vì chỉ dựa vào những biện pháp trừng phạt và cưỡng bức với lý do ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng Việt Nam cần áp dụng những biện pháp ứng phó phát xuất từ tôn trọng các quyền của con người.
Nguồn : RFA, 17/08/2022