Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố là để đưa nguồn lực từ các dự án này vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".

duan11111

Cận cảnh nhà dân Thủ Thiêm bị giải tỏa nhìn qua Sài Gòn trước đây. AFP Photo

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đưa ra yêu cầu vừa nêu tại cuộc họp về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai hôm 19/9/2024.

Không có đất sạch

Một kỹ sư xây dựng từng thực hiện nhiều dự án của nhà nước, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 20/9 nói với RFA rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam muốn triển khai một dự án ‘có sử dụng đất’ thì phải có đất sạch, tức là đất không vướng nhà dân, cây cối, hoa màu... Trong khi, thực tế, các dự án như Khu công nghiệp, các khu đô thị mới, khu dân cư mới, cầu đường, nhà máy điện, trường học, bệnh viện…thường không có "đất sạch", nên vướng nhiều thứ và luôn bị chậm trễ. Ông giải thích :

"Hiện nay, các công trình xây dựng dự án thường vướng nhà dân đã có sẵn ở đó lâu đời hoặc đất đang canh tác như cây trồng, hoa màu… nên muốn có đất sạch để thực hiện các dự án đầu tư xây dụng nói trên thì phải di dời đi nơi khác. Việc di dời này tất nhiên là chủ đầu tư phải bồi thường vì làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Vướng mắc chính là ở khâu ‘bồi thường’. Do bồi thường không thỏa đáng nên người dân không chịu dời đi nơi khác, từ đó làm cho các dự án triển khai thực hiện chậm so với tiến độ kế hoạch đề ra".

Theo ông, chủ đầu tư của các dự án dùng vốn ngân sách Nhà nước, thường vướng mắc nhiều hơn chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân :

"Nhà nước thường đề ra các định mức bồi thường cho từng loại đất như đất ở, đất nông-lâm nghiệp… với giá thấp, không phù hợp với thực tế, nếu người dân sử dụng tiền đã được bồi thường này đến nơi khác tạo lập chỗ ở mới thì không đủ tiền. Mặc dù Nhà nước có chủ trương là người dân đến ở nơi mới phải tốt hơn hoặc tối thiểu là bằng nơi ở cũ. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân thì có thông thoáng hơn về mức bồi thường vì đó là tiền của họ. Tuy nhiên, để đi đến thống nhất tiền bồi thường cho người dân thì cũng mất nhiều thời gian. Nguyên nhân này cũng làm chậm triển khai các dự án đầu tư sản xuất-kinh doanh".

Theo ông này, đa phần các dự án có sử dụng đất bị chậm thực hiện, là do khâu bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo đất trống.

Hôm 6/7/2024, trả lời trên tờ Kinh tế Sài Gòn Online cũng về đề tài giải ngân vốn tư công, Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó tổng Kiểm toán nhà nước đưa ra đánh giá rằng, nút thắt đầu tiên và cũng là gốc của vấn đề giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công là giá đất. Vì vậy, ông Tiên cho rằng cần định giá đất sát với giá thị trường thì mới giúp triển khai các dự án nhanh hơn.

Mới đây, theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2024 đến ngày 31/8/2024 giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023, đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này cũng lý giải một phần vì sao các dự án đầu tư công chậm trễ.

Tham nhũng, tập quyền cũng là nguyên nhân

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này cho biết nguyên nhân các dự án đầu tư công chậm trễ :

"Đầu tư công trong thời gian vừa qua mặc dù có nỗ lực nhưng tình hình giải ngân chậm. Nó có liên quan tới một số yếu tố : Một là trong thời gian vừa qua có bầu lại lãnh đạo ở các tỉnh và các bộ. Lãnh đạo thay đổi thì quyết định có thể sẽ chậm hơn. Điểm thứ hai là đầu tư công vừa qua là đối tượng của việc kiểm tra, thanh tra và chống tham nhũng, tầng lớp lãnh đạo và cán bộ thấy cần phải thận trọng hơn, phải kiểm tra chặt chẽ hơn nên dẫn đến các hạn chế nhất định".

Luật đất đai năm 2013 không quy định về khái niệm giá đất thị trường, tuy nhiên Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8, với điểm mới tại Luật Đất đai này là đã bãi bỏ quy định về khung giá đất so với luật năm 2013. Ngoài ra, Luật mới được đánh giá sẽ tác động mới đối với thị trường bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là việc ‘siết’ lại những dự án không triển khai, chậm triển khai gây lãng phí, ảnh hưởng đến xã hội.

Tuy nhiên theo vị kỹ sư xây dựng không nêu tên, Luật đất đai mới sửa đổi, bổ sung cần có thời gian mới phát huy tác dụng :

"Vừa qua, mặc dù Luật đất đai sửa đổi, bổ sung, có nhiều cởi mở hơn, nhất là giá đất làm căn cứ bồi thường do các bên là chủ đầu tư và người bị thiệt hại, thỏa thuận, thống nhất... nhưng phải có thời gian xử lý khác biệt giữa Luật Đất đai cũ và Luật Đất đai mới nên cũng làm cho việc thực hiện các dự án chậm".

Thêm một nguyên nhân nữa được chuyên gia Kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy đưa ra đó là vì có các đặc thù riêng của từng địa phương trong phát triển các dự án bất động sản, trong khi chỉ có một chính sách chung ở trung ương thì không thể nào phù hợp và giải quyết được một cách rốt ráo từng sự vụ ở từng địa phương. Ngoài ra, Tiến sĩ Vũ phân tích với RFA trong ngày 20/9 :

"Nguyên nhân lớn hơn là sự tập quyền của chính quyền trung ương ở Hà Nội. Họ tin rằng việc trung ương có thể ra một chính sách đất đai có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về đất đai ở các địa phương. Nhưng đó là một sai lầm lớn. Mỗi địa phương tuỳ vào quy hoạch, quỹ đất, sự phát triển, kết cấu hạ tầng, và đặc tính lịch sử về mặt hành chính của địa phương mà có các điều chỉnh khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh về đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai. Đó là những điều mà một chính quyền trung ương ở Hà Nội không thể nào biết ở Khánh Hoà hay Long An có những vấn đề nào về đất đai cần giải quyết. Hơn nữa, chính quyền ở trung ương đã quá bận rộn với nhiều việc, nhiều vấn đề đẩy lên từ 63 tỉnh thành của Việt Nam nên họ không thể nào giải quyết được. Cuối cùng dẫn đến là mọi thứ bị ứ đọng lại".

Cách giải quyết trên thế giới

Theo Tiến sĩ Vũ, cách giải quyết vấn đề được coi là "nan giải" ở Việt Nam từ các nước trên thế giới đó là : tản quyền.

Vị chuyên gia kinh tế từ Na Uy cho rằng trong trường hợp ở Việt Nam, với 63 tỉnh thành, thì Việt Nam cần phải sắp xếp lại cơ cấu hành chính rồi mới nên tản quyền :

"Một cách đơn giản nhất là có một hội đồng vùng gồm các lãnh đạo của các tỉnh trong vùng ngồi với nhau trong hội đồng này chịu trách nhiệm đảm đương chính sách phát triển cho các tỉnh trong vùng. Bên cạnh hội đồng vùng, nên gộp các hội đồng nhân dân của các tỉnh trong vùng thành một quốc hội vùng. Vùng sẽ được có luật riêng để giải quyết các vướng mắc về đất đai trong vùng trên cơ sở tuân theo hiến pháp và không đi ngược lại luật đất đai chung của quốc gia. Quốc hội vùng sẽ đề ra luật cho vùng. Hội đồng vùng sẽ thực thi các chính sách của vùng dựa trên luật ban ra bởi Quốc hội vùng và dựa trên luật chung của quốc gia, mà cụ thể ở đây là các chính sách về đất đai và quy hoạch".

Có như vậy, theo ông Nguyễn Huy Vũ, vùng sẽ có thể nhanh chóng đưa ra luật phù hợp để bổ sung vào các lỗ hổng của luật quốc gia giúp giải quyết nhanh các vướng mắc về chính sách đất đai ở địa phương.

Tuy vậy, ông Vũ cho rằng, vấn đề còn lại là chia vùng như thế nào ? Ông phân tích tiếp :

"Tôi nghĩ cách dễ nhất là chia vùng theo địa lý. Việt Nam có thể chia thành 11 vùng hành chính, không vùng nào quá lớn, cũng không vùng nào quá nhỏ. Việt Nam có thể chia thành vùng Đông Bắc Bộ, vùng Tây Bắc Bộ, vùng Đồng Bằng Sông Hồng (trừ Hà Nội), Hà Nội, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ (trừ Sài Gòn), Sài Gòn, các tỉnh Tây Nam Bộ phía bắc sông Hậu (Tây Nam Bộ Bắc), và các tỉnh Tây Nam Bộ phía nam sông Hậu (Tây Nam Bộ Nam). Sở dĩ vùng Tây Nam Bộ nên chia thành hai vùng vì vùng Tây Nam Bộ quá lớn và quá đông về dân số, gồm 13 tỉnh thành và có tới gần 18 triệu dân".

Việc chia vùng Tây Nam Bộ làm hai vùng như vừa nêu, theo ông Vũ, trung bình mỗi vùng có gần chín triệu dân. Sau khi phân bổ, mỗi vùng trên cả nước sẽ có từ gần năm triệu đến 10 triệu dân.

Nếu chính quyền trung ương Hà Nội sắp xếp lại các vùng hành chính và trao quyền nhiều hơn cho địa phương... thì, vẫn theo Tiến sĩ Vũ, việc quản lý hành chính với 11 vùng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với làm việc cùng một lúc 63 tỉnh thành.

Nguồn : RFA, 20/09/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam