Anh-Việt đối thoại về di dân – pháp lệnh xiết chặc ghi âm và ghi hình ở tòa án
RFA, 15/08/2022
Đối thoại Di cư & Xuất Nhập cảnh Việt Nam - Anh Quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 15/8/2022.
Đại sứ quán Anh
Đại sứ quán Anh được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại trong cùng ngày cho biết mục tiêu của đối thoại do Quốc vụ Khanh Bộ Nội vụ Anh Matthew Rycroft và Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang đồng chủ trì nhằm cải thiện hợp tác giữa hai phía về vấn đề di cư. Bốn vấn đề được cho là ‘trụ cột’ trong lĩnh vực này được hai phía thảo luận là truyền thông về xuất nhập cảnh và di cư an toàn ; vấn đề hồi hương ; vấn đề giả mạo giấy tờ & chính sách mới về xuất nhập cảnh ; vấn đề phòng/chống mua bán người.
Hồi tháng 1/2022, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và đề xuất thành lập nhóm công tác nhằm cải thiện hợp tác về di cư giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Đến ngày 13/6 năm 2022, Đại sứ Việt Nam tại Anh đã gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và hai bên đã thống nhất tổ chức cơ chế Đối thoại Di cư và Xuất nhập cảnh giữa hai quốc gia.
Tình trạng người Việt nhập lậu vào Anh nổi lên qua vụ 39 nạn nhân chết trong thùng lạnh xe container ở Essex, Anh Quốc hồi tháng 10/2019 ; và hiện nay là vụ cháy nhà kho ở Oldham, Manchester với một nạn nhân được xác định là người Việt và ba nạn nhân người Việt khác đang tiếp tục được xác định qua phân tích dấu vân tay.
Anh quốc là điểm đến hấp dẫn của nhiều người Việt Nam tìm đường vào Châu Âu để kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải trả một khoản tiền rất lớn cho bọn buôn người để được đưa lậu vào Anh. Công việc chủ yếu của họ khi bị đưa vào Anh là trồng cần sa, làm móng hoặc phục vụ trong công nghiệp tình dục.
*********************
RFA, 15/08/2022
Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam hôm 15/8 trình tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các điều khoản siết chặt việc đưa tin từ tòa án, đưa ra mức phạt nặng với việc livestream, ghi âm, ghi hình tại tòa.
AFP
Theo truyền thông Nhà nước, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, khi trình bày tờ trình dự án này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
"Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc"- ông Tuệ nói.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề cập đến việc nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên mạng (livestream) sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Các nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý bị xác định là đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Tại Việt Nam, việc đưa tin, hình ảnh hay livestream tại các phiên tòa mang tính nhạy cảm chính trị như các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến thường bị hạn chế. Người nhà và bạn bè người bị xử án thậm chí có khi còn bị cấm vào dự phiên tòa. Công an, an ninh được huy động để ngăn chặn những người này vào dự phiên tòa và ngăn cản họ chụp hình, đưa tin từ bên ngoài tòa án.