Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chủ tịch Bắc Ninh kêu cứu Thủ tướng : Không lẽ chính quyền tỉnh sợ xã hội đen ? (Infonet, 16/03/2017)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chia sẻ "địa bàn của mình mà để có "thế giới ngầm" hoạt động, đe dọa mà không dám mạnh dạn đấu tranh đương đầu như thế… không lẽ bộ máy chính quyền tỉnh buông hết rồi sao ?"

bacninh1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong

Thấy sai đâu phải xử nghiêm ở đó

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, ông cảm thấy lạ khi một chủ tịch UBND tỉnh với cả bộ máy hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang trong tay, thẩm quyền trong tay rất đầy đủ theo quy định của pháp luật mà khi vừa bị nhắn tin đe dọa đã phải đi cầu cứu Thủ tướng.

"Tôi ngạc nhiên. Nếu có sức ép, có hù dọa gì đó thì không lẽ chính quyền sợ xã hội đen ? Chẳng lẽ, chính quyền gặp chuyện gì cũng kêu cứu Thủ tướng ? Trong khi ở địa bàn mình quản lý, mình nắm được có việc gì không đúng thì với thẩm quyền mình phải xử lý trước đã"- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nêu.

Theo ông Phong, nếu doanh nghiệp thực hiện mà sai thì lần đầu tỉnh có thể phạt hành chính, sau đó vẫn tái phạm thì có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu "dưới lòng sông là cả một thế giới ngầm" vậy phải chăng thế lực đó quá nguy hiểm nên chủ tịch tỉnh mới phải khẩn cầu tới Thủ tướng ? Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, "thế giới ngầm nguy hiểm hay không là do nhận diện".

"Cái ngầm của dòng sông này có "ngầm" bằng than thổ phỉ ngày xưa mà Quảng Ninh đương đầu không ? Thế giới ngầm đó từng dọa nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, từng dọa luôn cả đồng chí Bí thư tỉnh Quảng Ninh nhưng người ta cương quyết xử lý. Có ngầm hơn Năm Cam ngày xưa không mà vẫn xử lý được ?"- Ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Theo ông, tại Bắc Ninh, "địa bàn của mình mà để thế giới ngầm xảy ra, hoạt động, đe dọa mà không dám mạnh dạn đấu tranh đương đầu như thế… không lẽ bộ máy chính quyền tỉnh buông hết rồi sao ? Chẳng lẽ để Chính phủ xuống làm thay, vậy Chủ tịch làm gì ?".

Vì sao chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cầu cứu ?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định : Theo thẩm quyền cấp phép, dự án nạo vét lòng sông để tận thu hàng loạt là của Bộ Giao thông vận tải nhưng rõ ràng có gắn với địa bàn tỉnh. "Bắc Ninh biết, đồng ý thời điểm đó thì người ta mới làm. Giờ người ta làm không đúng theo phê duyệt ban đầu thì sai đâu xử lý đó".

"Nội dung của dự án ví dụ là nạo vét lòng sông, luồng lạch theo đúng quy định nhưng không làm mà cứ khai thác cát bất kể địa điểm nào trên đó thì tỉnh phải xử lý. Giả sử nơi nào doanh nghiệp được Bộ hay nơi này nơi kia cho trúng thầu trên địa bàn tôi (tỉnh- PV) mà làm không đúng tôi có quyền báo cho những đơn vị chấm thầu xử lý. Tôi sẽ xử lý theo đúng thẩm quyền của tôi. Còn nếu có bao che, bảo kê, tôi có văn bản gửi lên trên, ai bao che phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí nếu ai về địa bàn tôi mà bao che, tôi còn có thể chụp ảnh, quay clip để có chứng cứ xử lý, kiến nghị.

Mình có cả hệ thống của Đảng, nếu là đảng viên vi phạm tôi có thể đưa qua Ủy ban kiểm tra. Ngoài ra có thanh tra, công an. Bộ Công an từng "đánh" nhiều vụ án liên quan đến môi trường. Còn nếu có "thế giới ngầm", bảo kê, thao túng chính quyền thì càng nguy hiểm, càng phải xử lý nhanh"- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nêu.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Giao thông Vận tải kiến nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Việc tỉnh Bắc Ninh gửi kiến nghị trên liên quan đến việc thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Công ty Cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện được Cục đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt. Khi dự án đi vào thực hiện, UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết đề nghị dừng triển khai thực hiện dự án trên. Điều này đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận và đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, sau khi tỉnh có chủ trương dừng dự án, một số đối tượng đã đe dọa cá nhân Chủ tịch tỉnh và các bộ thuộc cấp làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng"Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh".

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh quan điểm rằng"Riêng tỉnh Bắc Ninh đề nghị không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu".

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiến hành sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện dự án nói trên theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng. Trao đổi với báo chí chiều 15/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh xác nhận và cho biết, sự việc đã được báo cáo lên Thủ tướng, đồng thời hiện cơ quan công an cũng đã vào cuộc, bước đầu có một số căn cứ nhưng vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

N. Huyền

********************

Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa : Bộ Giao thông vận tải đã cho dừng "dự án lùm xùm" (Infonet, 16/03/2017)

Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức có văn bản liên quan đến việc tỉnh Bắc Ninh dừng dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu...

Liên quan đến việc tỉnh Bắc Ninh dừng dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, cũng như những tin nhắn đe doạ khiến lãnh đạo Bắc Ninh phải gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức có văn bản về vấn đề này.

Văn bản do ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký văn bản số 2702 ngày 16/3 gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với nội dung như sau :

Ngày 9/3/2017, Bộ Giao thông Vận tải nhận được văn bản số 55 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu và văn bản số 303 ngày 8/3/2017 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc tạm dừng thi công dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, Dự án đoạn từ km1+000 đến km30+000.

bacninh2

Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ngày 16/3.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau : Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại văn bản số 172 ngày 13/2/2017 vè kết quả khảo sát hiện trạng dự án. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh (Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Quế Võ) và đơn vị tư vấn độc lập đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc Dự án và có 3/4 vị trí chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 1689 ngày 22/2/2017 đề nghị UBND các tỉnh : Bắc Ninh, Bắc Giang tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng.

Phạm vi của Dự án có một số đoạn cạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản số 3392 chấp thuận cho phép gia hạn thực hiện Dự án tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa bàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2017.

Theo Thông báo số 76 ngày 3/3/2017 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, liên quan đến Dự án trên, tại khoản 5 của Thông báo, có nội dung : "…Theo báo cáo của của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên địa bàn tỉnh còn một số đoạn tuyến chưa đạt chuẩn tắc, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của các phương tiện thủy. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra đánh giá, lập phương án nạo vét tại những vị trí chưa đạt chuẩn tắc để tiến hành nạo vét".

Tại văn bản số 2702 nói trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã yêu cầu dừng dự án nạo vét luồng lạch tại sông Cầu, địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải và luồng đường thủy nội địa quốc gia.

Việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia tại các đoạn cạn không đảm bảo chuẩn tắc, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là cần thiết. Trước khi chấp thuận chủ trương thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến của địa phương ; sau khi có ý kiến thống nhất chủ trương của địa phương, thực hiện lập dự án và phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện việc đăng ký sản phẩm tận thu với địa phương thì dự án mới được ký hợp đồng thi công và thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, cần được quản lý, giám sát chặt chẽ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và sự đồng thuận, phối hợp của địa phương.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại văn bản số 303 ngày 8/3/2017, Bộ Giao thông vận tải thống nhất theo ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc tạm dừng thi công dự án. Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh và các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo Bộ Giao thông vận tải các nội dung liên quan đến dự án theo văn bản số 55 ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 55/UBND–NT.TN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành ký ngày 9/3 gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.

Minh Thư

Published in Việt Nam