Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước tình trạng đường phố thủ đô ùn tắc ngày càng trầm trọng mà chưa tìm ra hướng giải quyết, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy từng thốt lên "Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa tiến dần mà không biết làm thế nào". Còn ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cũng than thở "chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội".

hanoi1

Tắc đường, kẹt xe ở Hà Nội - Nguồn : Báo Công lý/Internet

"Thảm họa" là từ được trích ra trong phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chứ không phải của tác giả bài này.

Tuần giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, bạn tôi nhà ở rìa khu phố cổ Hà Nội từng than thở "những ngày này di chuyển nhiều tuyến trong nội đô trên đoạn đường chừng 5km mất hơn 1 tiếng", nghĩa là tương đương với tốc độ người đi bộ.

Những con số đáng ngại

Về dân số, trong hơn 60 năm qua, cư dân 4 quận trung tâm Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) đã tăng 21 lần, từ 53.000 người (năm 1954) lên 1.117.000 người (năm 2015) dẫn tới mật độ dân số tăng tương ứng từ 1.532 người/km2 lên 32.300 người/km2. Trong khi đó, các thành phố nổi tiếng mật độ dân số cao trên thế giới như Singapore và Hồng Kông chỉ khoảng 6.500 người/km2.

Đó là chưa kể Hà Nội còn phải chịu áp lực dân cư đến từ các vùng xung quanh, lao động vãng lai, sinh viên các tỉnh và khách du lịch…

Thời kỳ bao cấp, xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu của cư dân Hà Nội. Từ đầu thập niên 90, xe máy ngày càng trở nên phổ biến và tăng rất mạnh trong vòng 15 năm nay. Số lượng xe máy đăng ký tại Hà Nội năm 2015 là gần 5 triệu chiếc, với tốc độ tăng trung bình 13% năm.

Trước năm 2000, ô tô gần như không đáng kể, vậy mà đến năm 2015 số lượng ô tô đăng ký tại Hà Nội đạt tới 540.000 chiếc, với tốc độ tăng trung bình 21% năm. Nghĩa là cứ sau 4 năm đường phố Hà Nội phải chịu tải lượng ô tô gấp đôi.

Bên cạnh đấy, tỷ lệ đất dành cho giao thông công cộng của Hà Nội chỉ đạt 14%, trong khi đó tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đó phải đạt 23%. Điều bất cập này dẫn tới tình trạng mỗi cây số đường Hà Nội hiện tại phải cõng tới 2.500 xe máy và 280 ô tô hoạt động.

Theo quy hoạch, diện tích đất đô thị dành cho các điểm đỗ xe của Hà Nội chỉ chiếm 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu phải đảm bảo 5%. Thiếu các điểm đỗ xe tất yếu dẫn tới việc lạm dụng vỉa hè và lòng đường làm nơi đỗ xe.

Từ đó, dẫn đến sự mất cân đối ngày càng nghiêm trọng giữa hạ tầng giao thông với tốc độ tăng dân số và xe cộ của Hà Nội. Những năm gần đây, sự bùng nổ về lượng phương tiện tham gia giao thông khiến hạ tầng giao thông Hà Nội bị quá tải trầm trọng vì phát triển không đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề tồn đọng

Do không có chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ, quỹ đất dành cho xây dựng đường sá Hà Nội rất hạn chế. Thêm vào đó, 25 năm qua giá đất Hà Nội liên tục tăng đến mức rất đắt đỏ. Theo quy định hiện hành, với giá đất đền bù từ 30 - 60 triệu đồng/m2 ở các quận trung tâm, để cải tạo 1km đường bộ, riêng tiền giải phóng mặt bằng phải chi hàng nghìn tỉ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông ở Hà Nội trong những năm tới cần hàng trăm nghìn tỉ đồng nhưng nguồn vốn ngân sách eo hẹp chỉ đáp ứng được phần nhỏ con số này. Điều đó càng khiến việc mở rộng đường xá thêm khó khăn.

Tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên cao không đảm bảo, không những vậy lại còn bị đội vốn lên nhiều lần. Tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13km, chi phí tạm tính đến nay là 890 triệu USD và chắc là chưa dừng lại con số này. Vận tải hành khách công cộng của Hà Nội những năm qua tuy được đánh giá là tăng trưởng cao nhất nước nhưng so với nhu cầu thì hiệu quả vẫn còn thấp và phát triển quá chậm chạp.

Quỹ đất có từ trước đây cùng với diện tích đất không nhỏ thu được từ việc di dời các nhà máy thay vì để xây dựng công viên, đường sá và công trình dân sinh thì lại dành cho các dự án nhà ở với mật độ xây dựng dày đặc. Việc xây dựng hàng loạt chung cư cao tầng trong nội đô không đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông cũng khiến nạn tắc đường ngày càng trầm trọng thêm.

Bên cạnh đó, ý thức giao thông của nhiều người vẫn còn quá yếu kém. Hiện tượng các phương tiện giao thông chen lấn, không đi đúng làn đường quy định khá phổ biến, thậm chí đi cả vào đường ngược chiều khiến hiệu suất giao thông giảm và đường thường xuyên hỗn loạn vào các giờ cao điểm.

Một tương lai khó khăn

Các chuyên gia đã cảnh báo, những năm tới với việc vượt qua mốc thu nhập trung bình thấp, tức là thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD/năm trở lên, Việt Nam đang tiến đến ngưỡng bùng nổ số lượng ô tô tham gia giao thông. Thảm họa kinh tế, xã hội sẽ diễn ra không chỉ với Hà Nội mà cả với TP.Hồ Chí Minh và các đô thị trong cả nước.

Riêng Hà Nội, với giả thiết đến năm 2025, số lượng xe máy vẫn giữ nguyên như hiện nay là 5 triệu chiếc nhưng số lượng ô tô tăng từ 540.000 lên 3,5 triệu chiếc (tương đương 7 lần), nếu hạ tầng giao thông không được cải thiện với tốc độ khả quan hơn, mà vẫn ì ạch như hiện nay thì đường phố Hà Nội không chỉ bị ùn tắc mà còn tê liệt. Nghĩa là, chỉ còn khoảng 5 - 10 năm nữa, tại các quận nội thành, tốc độ "người bò" như người bạn kia than thở sẽ còn giảm mạnh xuống thành tốc độ "rùa bò", thậm chí tệ hơn là thường xuyên tê liệt. Hà Nội đang đứng trước nguy cơ trở thành "đô thị chết".

Hiện tượng các tuyến phố "thất thủ" không còn trong tương lai xa mà đang là nguy cơ cận kề nếu cơ sở hạ tầng không được quan tâm phát triển đúng mức. 

Người nhập cư không có lỗi đối với việc dân số nội đô tăng nhanh ; xe máy, ô tô không có lỗi đối với mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao ; doanh nghiệp bất động sản không có lỗi đối với việc đầu tư xây dựng chung cư cao tầng trong khu trung tâm. Hà Nội đang tiến dần đến thảm họa giao thông, trách nhiệm trước hết và lớn nhất thuộc về chính quyền thành phố.

Trước tình trạng đường phố thủ đô ùn tắc ngày càng trầm trọng mà chưa tìm ra hướng giải quyết, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy từng thốt lên "Hà Nội đang nhìn thấy thảm họa tiến dần mà không biết làm thế nào". Còn ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cũng than thở "chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội".

Tôi tin ông Hải và ông Chung đang thực tâm lo lắng với nỗi bất lực trước thảm trạng giao thông Hà Nội. Công bằng mà nói, đến bây giờ lỗi này thuộc về thói vô trách nhiệm và tầm nhìn thiển cận của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Nhưng từ nay về sau, nếu ông Hải và ông Chung và đội ngũ lãnh đạo Hà Nội chỉ nói không làm, chỉ than thở mà không tìm cách cải thiện tình hình thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước nhân dân thủ đô và cả nước.

Trần Quốc Quân

Published in Việt Nam