Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đề xuất của Bộ Tài chính nâng khung thuế đối với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít trong Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi khiến cho dư luận bức xúc.

VIETNAM-ECONOMY-PETROL

Một trạm đổ xăng ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Người dân nói gì ?

So với mức thu nhập bình quân của người dân, giá xăng dầu ở Việt Nam đang ở mức khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Mới đây, dư luận xã hội nóng lên trước thông tin Bộ Tài chính vừa gửi tờ trình tới Chính phủ, đề xuất việc nâng khung thuế với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít trong dự án xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi.

Bà Thúy Anh, một công chức ở Hà Nội nhận xét :

"Đây chẳng qua là một hình thức tận thu để trả các khoản nợ công của nhà nước, để rồi xăng tăng thêm 8.000 đồng, tôi thấy không thuyết phục. Chứ cứ thích là thu bằng mọi lý do để chi không đúng mục đích, thì không thể chấp nhận được".

Ông Võ Đình, giảng viên trường Đại học Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quan điểm Nhà nước dùng các công cụ thuế, phí để tạo nguồn thu bảo vệ môi trường. Tuy vậy, ông thấy rằng, với mức thuế phí trong giá xăng dầu hiện nay đang khoảng 50%, nếu tiếp tục tăng thu sẽ tạo ra các hệ lụy không tốt. Ông nói :

"Việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái là việc hết sức cấp thiết, song khi giá xăng tăng thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, tới cuộc sống của người dân. Nhất là lại tăng từ 3-8 ngàn thì tôi nghĩ cao quá".

Theo chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của RFA mới đây, đã từng cảnh báo việc lạm dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường để tăng thu ngân sách. Ông chỉ rõ :

"Thuế môi trường với mục đích để làm các công việc bảo vệ môi trường, đấy là một cái lý do. Nhưng cái lý do đấy có được thực hiện hay không mới là quan trọng. Chứ không phải viện vào cái lý do đấy để tăng thu Ngân sách. Hơn nữa, nguồn thu đó có được sử dụng đúng mục đích hay không là câu hỏi đầu tiên".

Tuy vậy, theo báo cáo của Chính phủ, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, thì cho rằng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách Nhà nước và được sử dụng thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách Nhà nước, chứ không nhất thiết chỉ được chi riêng cho việc phục vụ bảo vệ môi trường.

Trả lời câu hỏi, thực trạng việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay ra sao ?

Theo ông Võ Đình, vấn đề thu phí bảo vệ môi trường hiện nay còn có nhiều bất cập, và chỉ là cớ nhằm tận thu cho Ngân sách. Ví dụ như than cũng gây ô nhiễm môi trường không kém, song lại không bị đánh thuế cao như xăng dầu. Theo ông vấn đề cơ bản là việc sử dụng vốn Ngân sách để bảo vệ môi trường và hệ sinh thái hiện nay chưa được chú trọng và sử dụng đúng mục đích. Ông khẳng định :

"Hiện nay, dẫu có nguồn thu đó song môi trường và hệ sinh thái ngày một xấu đi, do chúng ta chưa sử dụng đúng với mục đích đó. Cho nên dẫn đến một hệ lụy là môi trường ngày một xấu đi. "

Thực trạng

Dưới nhan đề "Thuế bảo vệ môi trường : Thu 4 đồng, chi 1 đồng", báo VnExpress ngày 13/2/2017 cho biết, trong khi mức trần thu thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất tăng mạnh, tỷ lệ chi thực tế cho mục đích này ngày càng giảm trong 5 năm qua. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường 5 năm qua, trong khi khoản thu từ nguồn thuế này tăng 4 lần thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng chưa tới 1,4 lần.

Bình luận về thông tin nói trên, ông Võ Đình nhận xét :

"Đây là một sự bất cập, chính do vậy các cơ quan chức năng cần xem xét một cách hết sức nghiêm túc. Đồng thời cần phải xem xét hài hòa giữa các lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp".

Các chuyên gia kinh tế mà chúng tôi được tiếp xúc trao đổi đều cho rằng không nên tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để "cứu" ngân sách. Mức tăng 8.000 đồng/lít là quá cao, vượt mức chịu đựng của người dân và nền kinh tế.

Theo báo VnEconomy, chuyên gia Lưu Bích Hồ thấy rằng Bộ Tài Chính cần phải giải trình rõ chi ngân sách cho việc bảo vệ môi trường được tăng lên và dự kiến có hiệu quả ra sao, đem lại lợi ích thế nào đối với xã hội, chứ không phải chỉ là đánh giá chung chung là đã tăng tổng chi việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Anh Vũ, thông tín viên RFA

 

Nguồn : RFA, 18/04/2017

Hà nội

Published in Việt Nam