Cải cách thể chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển (RFA, 10/10/2019)
Theo thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam vừa tăng 10 bậc lên hạng thứ 67 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu - GCI 2019. Báo cáo GCI còn cho rằng Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.
Ảnh minh họa : Cảng Hải Phòng ngày 12/8/2019. AFP
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, việc thăng hạng này là kết quả bước đầu trong nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết :
"Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy rất nhiều việc cải cách thể chế, cắt giảm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh và thực hiện công khai minh bạch. Các bộ như Bộ Công thương, đã đi đầu trong việc cắt giảm 50% số giấy phép con. Tuy vậy, phía doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng các giấy phép con đó không được cắt giảm thật sự, mà 3 giấy con gộp lại thành một giấy phép mới trong một văn bản mới. Cho nên chi phí ngoài pháp luật để thực hiện các giấy phép con đó vẫn còn cao, theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp".
Tốc độ cải cách thể chế ở Việt Nam tuy có nhiều thay đổi, thể hiện qua việc được thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng theo một số chuyên gia, hiện vẫn còn nhiều chồng chéo trong các quy định văn bản pháp luật, khiến phát sinh nhiều rủi ro cho doanh nghiệp & địa phương…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm :
"Hiện nay, trách nhiệm giải trình của một số cơ quan trong việc thực hiện các quyết định của mình chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy doanh nghiệp rất dễ dàng gặp rủi ro, ví dụ mới đây có vấn đề cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì có hai luật, ‘một luật về đất đai’, ‘một luật về nhà ở’, thì luật đất đai dùng khái niệm ‘nhà đầu tư’, còn luật đất đai dùng khái niệm ‘chủ đầu tư’, thế thì hai khái niệm đó mâu thuẫn và không giống nhau, vì vậy dùng ‘nhà đầu tư’ hay ‘chủ đầu tư’ không thay thế nhau được, và nó gây ra các phiền toái cho doanh nghiệp".
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tương lai, các nhà làm luật Việt Nam cần nâng cao chất lượng và tính tương thích giữa các luật với nhau, tránh luật này đá luật kia, luật này mâu thuẫn luật kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại một Hội thảo đánh giá về kết quả thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM, cho rằng vì thể chế còn nhiều rủi ro, nên doanh nghiệp tư nhân cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn, rủi ro càng cao. Đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc phải dừng lại...
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết :
Ảnh minh họa : Công nhân một doanh nghiệp dệt vải ở Nam Định ngày 17/9/2019. AFP
"Gây cản trở cho doanh nghiệp tư nhân, thì mặc dù đến giờ cũng có một số tiến bộ, nhà nước cũng có một số chính sách để cải tiến, để mở ra, nhưng nói chung vẫn còn nhiều trở ngại. Vì vậy doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rủi ro không thể kể hết. Đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh thương mại Trung Quốc với Mỹ, thì Việt Nam với những ảnh hưởng bên ngoài cộng với cơ chế bên trong chưa hoàn toàn cởi mở hết, làm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến giờ cũng chưa thể phát triển một cách bình thường, trong đó đặc biệt là vấn đề thủ tục, thuế, về những ưu đãi về mặt nhà nước, hay những chính sách về xuất nhập khẩu phải qua nhiều trung gian tầng nấc, những cái đó gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp".
Trở lại với những nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, ông còn đưa ra thêm các dẫn dụ. Ông cho rằng trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế có đúng như những gì tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt hôm 10/10 và được ông cho biết những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp ông :
"Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận thôi, luật ở Việt Nam thì không cụ thể, nhưng quan trọng là người thực hiện. Thí dụ người ta cố tình vạch lá tìm sâu thì phải chết thôi. Và có khi cũng là chuyện đó nhưng người ta thấy xuê xoa thì nó lại khác. Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận doanh nghiệp phải có mối quan hệ nhất định, nhiều khi nghĩ mình làm tốt nhưng chưa chắc đâu. Chẳng hạn lỗi nhỏ thì bị phạt, lỗi nặng nhưng có mối quan hệ thì chả sao cả. Pháp luật thì nhiều từ ngữ rất chung chung, tùy theo người cầm cân nẩy mực, họ muốn mình có tội thì có tội, cũng khó nói lắm, phải thích nghi thôi".
Theo cách trả lời của Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ, thì có lẽ phần nào minh chứng được mức độ rủi ro về thể chế mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải có phần xác thực với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung khi ông cho rằng "doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế".
Ông còn đưa ra dẫn dụ như một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Trước những phân tích như trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình, ông cho rằng có hai rào cản chủ yếu cần giải quyết hiện nay, điều thứ nhất là vấn đề công khai minh bạch, được ông nhấn mạnh :
"Phải công khai minh bạch, hiện nay phần lớn doanh nghiệp và công dân đã có kết nối internet, thì các cơ quan nhà nước nên công khai đầy đủ các quy định pháp luật, công khai người nào phụ trách vấn đề gì ? Ví dụ như ở các nước khác, một doanh nghiệp có vấn đề gì đấy đưa đến một cơ quan thì lập tức nó hiện lên vấn đề này đang giao ông này, đang làm ở đây, thời gian thực hiện là bao lâu và doanh nghiệp đó có thể theo dõi được… cái đó chúng ta cần cố gắng thực hiện".
Vấn đề thứ hai theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là trách nhiệm giải trình, tức là người nào ký hay chịu trách nhiệm về vấn đề gì đấy thì được nêu tên lên, và người dân sẽ biết rằng người này đã có quyết định và trách nhiệm của họ về mặt hành chính, tài chính và về mặt hình sự như thế nào về các quyết định đó. Trên cơ sở đó có thể làm tăng chất lượng bộ máy nhà nước.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định :
"Mong muốn của giới doanh nghiệp chúng tôi và cũng là mong nuốn của mọi người dân, là mọi chuyện càng minh bạch càng tốt. Vì nếu minh bạch, thì mới được giám sát và có sự công bằng, và như vậy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như giữa từng con người với nhau mới có sự công bằng để vương lên được".
Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết tuy nhìn nhận thời gian qua chính phủ Việt Nam đã có những cải cách về thể chế, về chính sách và về các thủ tục… nhưng những cải cách đó theo ông, chưa đủ mức để doanh nghiệp thoải mái làm ăn mà không gặp khó khăn. Ông nói tiếp :
"Tôi cho rằng, vấn đề lớn hơn, về lâu về dài, là phải cải cách thể chế. Mà thể chế của mình mà cứ theo đường lối ‘nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì cái đó còn nhiều cái ràng buộc và chính bản thân mình tự mình mâu thuẫn trong đường lối và từ đó nó đẻ ra những vấn đề hết sức trắc trở trong thể chế".
Cho nên, mặc dù Việt Nam cải cách có tiến bộ, nhưng Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết cho rằng, nếu thật sự đảng và nhà nước muốn cải tiến một cách cơ bản, thì phải ưu tiên cải cách từ nguồn gốc của sự mâu thuẫn.
********************
"Khỏa thân" vì môi trường – "Lệch" từ đời thực tới hành vi (RFA, 10/10/2019)
Trên mạng xã hội vào ngày 8/10 lan truyền hình ảnh 4 người đàn ông khỏa thân đi xe motor trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đặc biệt, nhóm người này còn đứng tạo dáng phản cảm để chụp ảnh trước tòa nhà Panorama, nơi đang gây nhiều tranh cãi. Tài khoản Facebook Trần Chí Hiếu người có biệt danh Hiếu Orion, 1 trong 4 thành viên khỏa thân cho biết nhóm bạn của ông thực hiện việc này với mục đích nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường.
Nhóm 4 người đàn ông khỏa thân tại khu vực đèo Mã Pí Lèng. RFA Edited
Tuy nhiên, việc làm của nhóm ông Hiếu không nhận được sự đồng tình của mọi người ngược lại khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt. Thậm chí một nhóm luật sư cho rằng hành vi của nhóm ông Hiếu là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và có thể xử phạt lên tới 50 triệu đồng.
Trung Tá Lã Văn Việt, chỉ huy công an huyện Mèo Vạc trả lời với báo chí trong nước cho rằng, "Pháp luật hiện tại chưa quy định cụ thể về xử phạt hành vi này nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, yêu cầu nhóm người này dỡ bỏ những hình ảnh phản cảm trên". (trích báo Giadinh.net.vn đăng 8/10)
Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News đăng ngày 9/10 khẳng định rằng, theo Nghị định 174/2013 của chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề ; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc". Do đó, hành vi này dù được truyền thông dưới bất kỳ thông điệp nào thì cũng cần xử phạt nghiêm để không thể tiếp diễn các hành động phản cảm tương tự.
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội trao đổi với RFA về vấn đề này vào ngày 10/10, ông có nhận định rằng đối với sự việc này rất khó xử phạt mặc dù đa phần dư luận nhận định rằng nó gây phản cảm nhưng vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên khó thực hiện.
"Những hành vi này chỉ rõ vi phạm hay không vi phạm là do áp lực về số đông thì người ta phạt thôi chứ không có quy định, chế tài cụ thể nào để xử phạt. Thay vì những người đó không phải là đàn ông mà thay vào là người phụ nữ thì nó sẽ được đưa qua một hướng khác liên quan đến vấn đề thuần phong mỹ tục. Nếu những người phụ nữ khỏa thân như thế thì nhiều người sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng cao hơn, không phải ở những nơi công cộng khác như bãi tắm…nếu khỏa thân như vậy sẽ bị đưa vào diện kích thích tình dục chẳng hạn, còn đối với người đàn ông thì chưa biết. Vì thực tế tại Việt Nam chưa có tiền lệ như thế nên các cơ quan nhà nước có vẻ hơi lúng túng".
Luật sư Ngô Anh Tuấn còn cho biết thêm, vì chưa có quy định chi tiết cụ thể nên mỗi người suy diễn một cách khác nhau, diễn đạt không theo quy định, thông tư, nghị định nào cả mà khi sự việc xảy ra thì người ta chỉ suy nghĩ chung chung theo các quy định có sẵn của pháp luật bằng nhiều cách khác nhau và việc xử phạt hay không là do cảm quan của họ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định rằng xử phạt là cần thiết "Hiện nay theo luật pháp Việt Nam không cho phép nói nôm na khỏa thân đi ngoài nơi công cộng thì xử phạt là đều hết sức đúng đắng. Mọi người đều có thể biểu lộ bất cứ việc gì như những vấn đề thuần phong mỹ tục thì nên biểu lộ những nơi kín đáo hoặc những nơi riêng tư, còn những nơi công cộng nó sẽ ảnh hưởng lớn đến những người khác, nên ai đặt vấn đề xử phạt thì điều đó là đúng đắn".
Còn theo ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội và là một nhà quan sát, nhận định với chúng tôi rằng, đối với hành động của nhóm người này thì anh không đồng tình nhưng để xử phạt thì không nên, mà chỉ lên án hành động này mà thôi.
"Hành động của những người đàn ông này theo tôi có lẽ cũng đã có sự tính toán nhưng họ hơi bị coi thường dư luận không nghĩ rằng những chuyện đó lại gây phẫn nộ lớn như vậy. Về khía cạnh pháp lý việc này cũng nằm trong quyền biểu đạt tự do ngôn luận, xét cho cùng những hành động đó cũng không gây hại đến lợi ích của một chủ thể hay cá nhân nào, nên nếu nó đi ngược lại với giá trị chung của xã hội thì chỉ nên là sự lên án thôi không nên có biện pháp hành chính, chế tài xử phạt những người này. Tự họ làm tự họ trách nhiệm trước truyền thông với những hành động của mình".
Trước đây một vài trường hợp "khoe thân" nơi công cộng đã từng bị dư luận lên án như hình ảnh cặp đôi chụp ảnh khỏa thân tại Đà Lạt. Cô gái không mảnh vải che thân tạo dáng dưới hồ sen tại Bắc Giang. Năm 2018, Á hậu Thư Dung cùng ê kíp của mình cũng bị phản ứng dữ dội khi chụp ảnh hở hang tại Tuyệt tình Cốc, Đà Lạt... Bên cạnh đó, sự việc người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc được cho là lố lăng tại thảm đỏ LHP Cannes 2019 cũng gây mất thuần phong mỹ tục Việt Nam và gần đây nhất là việc một nữ du khách quay video bán khỏa thân lấy nón lá che ngực tại phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc ăn mặc phản cảm bị dư luận lên án vẫn cứ lặp đi lặp lại. Đúng là các cơ quan liên quan đang lúng túng trong việc xử lý. Tại sao vậy ?
Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News cho rằng tại Nghị Định 73/2010 có quy định về xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh nhưng Nghị định đó đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị Định 167/2013. Tuy nhiên Nghị định mới lại bỏ quên mục xử phạt về hành vi vi phạm nếp sống văn minh.
Mới nhất có Nghị định 45/2019 vừa có hiệu lực từ 1/8/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung và một điều quan trọng là các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng chưa được ban hành do đó, cũng khó có thể phạt nhóm người nói trên.
Ớ góc độ khác, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định "Tôi không quan tâm họ bảo vệ môi trường vì không ai quy định điều đó mà họ tự mạc định thôi, tôi chỉ quan tâm việc đã có vi phạm pháp luật về hành chính hay chưa, đủ đến mức xử phạt vi phạm hành chính hay chưa. Theo các quy định hiện tại thì theo tôi nó chưa đủ để xử phạt vì luật pháp chưa quy định rõ ràng thì việc bỏ trống một hai trường hợp là chuyện bình thường, tôi thấy chúng ta hay làm kiểu chạy theo dư luận và cố gắng làm hài lòng dư luận thì không được, rõ ràng quy định pháp luật chưa có thì cho qua cũng được thì mới biết được mình sai, mình thiếu, mình yếu chứ cố gắng ngượng ép như thế thì cũng chỉ được vài trường hợp mà thôi".
Còn nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng, "…việc này đúng ra nhà nước cũng quan tâm và lo lắng việc này, thật ra không phải là chuyện Mã Pí Lèng mà là việc tự do biểu đạt, tất nhiên hành động của nhóm 4 người đàn ông này thì hiện tại dư luận không tán thành, phản đối nhưng lỡ sau này một nhóm khác người ta khỏa thân để biểu tình vì dân chủ vì tự do vì đa nguyên đa đảng chẳng hạn thì đến lúc đó nhà nước sẽ xử lý như thế nào, thì đó mới là vấn đề chính quyền người ta thật sự quan tâm, lo lắng đối với những chuyện đó trong tương lai".
Ngoài ra, anh Thắng còn cho hay trong một xã hội như hiện nay thì những chuyện bất bình thường như vậy chắc chắn sẽ xảy ra và đã từng xảy ra. Không xảy ra chỗ này cũng xảy ra nơi khác, không nhóm người này cũng có nhóm khác thực hiện và chỉ đến khi xã hội đạt mức bình ổn thì những hiện tượng phi văn hóa sẽ tự nhiên mất đi.
*****************
Cho dân giám sát Cảnh sát giao thông : tưởng dễ mà lại khó ! (RFA, 10/10/2019)
Trong Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ công an đã bổ sung đề nghị người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, quay phim hoặc quan sát trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Một nữ cảnh sát giao thông chỉ đạo giao thông tại một ngã tư ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 6 tháng 3 năm 2013. AFP
Đây là thay đổi so với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2. Nếu dự thảo này được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.
Nhận xét về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ý kiến mới này của Bộ Công an rất nên khuyến khích. Ông tiếp lời :
"Không cứ riêng anh đâu mà công chúng nói chung cũng sẽ rất hoan nghênh ý kiến này của Bộ Công an. Vì điều đó tốt cho tất cả mọi người nhất là cho chính cơ quan công an. Đây là một dịp để người dân có phương tiện giám sát giúp cơ quan công an hoạt động tốt hơn".
Xác nhận lời Luật sư Mạnh, bạn Trang, hiện đang ở Sài Gòn cho biết qua Facebook Messenger như sau :
"T ủng hộ. Vì như vậy cảnh sát giao thông mới làm đúng trách nhiệm và minh bạch. Nhưng dĩ nhiên dân cũng không được làm lố. Kiểu người ta phạt đúng tội thì không nên lạm dụng quay phim chụp hình".
Còn theo anh Minh, ở góc nhìn của anh, đề xuất này thực chất chẳng có tác dụng gì rõ rệt vì thói quen sợ phiền phức của người Việt hiện nay :
"Ra đường bị công an giao thông bắt vô, nói chung ai cũng tâm lý muốn đi nhanh cho rồi thành ra mới có tình trạng cảnh sát giao thông ăn hối lộ. Còn thời gian móc máy ra quay thì mọi chuyện đã khác rồi".
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, nhà báo Ngô Nhật Đăng, lại cho rằng những đề xuất này người dân đã yêu cầu từ lâu rồi và đây là lúc chính phủ cần thay đổi. Ông lý giải :
"Kể cả ở những nước khác, đều có cơ chể để những người tuân luật giám sát người thực thi pháp luật để xã hội có kiểm soát và tránh trường hợp những người thực thi luật pháp vượt quá quyền hạn của mình".
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, dư luận còn vấn đề cần quan tâm nhiều hơn khi Bộ Công an đưa ra đề này. Ông nói :
"Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là cảnh sát giao thông ? Một vấn đề nữa là liệu những người kiểm tra, giám sát những hành động của cảnh sát giao thông có được bảo vệ hay không và những phản hồi của người dân khi lên các cơ quan chức năng bên trên khi phát hiện sai phạm kỷ luật của cảnh sát giao thông sẽ được xử lý như thế nào ?"
Trở lại sự việc từ đầu tháng 10 và cuối tháng 9 vừa qua khi báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tin cho biết ông Lê Công Nam bị công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, vì ông Nam đã dùng điện thoại di động ghi hình khi bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Hoàng Mai kiểm tra, lập biên bản vi phạm lỗi "lắp bánh không đúng kích cỡ". Ông Nam cũng bị cáo buộc là đã dùng lời lẽ xúc phạm danh dự và nhân phẩm lực lượng cảnh sát giao thông.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người chia sẻ video này cũng bị phạt 7,5 triệu đồng. Theo công an, ông Sỹ và ông Nam đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cả hai đều bị yêu cầu gỡ bài.
Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Ông Đức cũng phải gỡ thông tin đã đăng tải.
Từ những trường hợp vi phạm như trên, nhiều người đang tỏ ra hoang mang, vậy giám sát ra sao để không phạm luật ?
Bạn Trang tại Sài Gòn bày tỏ :
"Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. Luật không chặt là loạn".
Giải thích rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng đây là điều mà những "người giám sát" nền cần biết :
"Cái yêu cầu của Bộ Công an đi kèm theo ý kiến đó cứ xem một cách bình tĩnh thì thật ra nó sòng phẳng và nó đúng đắn để bảo đảm rằng những clip quay phim hay chụp ảnh, ghi âm là trung thực, không bị cắt xén vì nếu cắt xén đi thì làm sai lệch hoàn toàn nội dung băng ghi âm hay ghi hình. Thế thì việc post (phốt) thông tin cho công chúng biết hoặc tố cáo thì người phốt phải chịu trách nhiệm".
Báo mạng VnExpress vào ngày 8/10 có đăng tin ghi rõ "các chuyên gia luật cũng cho rằng hiện không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ song luật có nêu rõ cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải... sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự".
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng thực chất đề xuất mà Bộ Công đưa ra để răn đe xã hội chứ không phải có cơ chế thoáng để người dân có quyền hành hơn :
"Ngoài chuyện người dân chưa kịp mừng là đã có những cơ chế để xã hội có thể kiểm soát được những người thực thi luật pháp thì lại có ngay một quy định đi kèm theo sau mà mũi nhọn lại chĩa thẳng vào người dân. Tôi cho rằng người ta sẽ nghĩ nhiều đến chuyện không phải khuyến khích người dân làm nữa mà để đe nẹt người dân khi đưa những việc làm sai trái của lực lượng cảnh sát giao thông".
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, đề xuất của Bộ Công an về việc giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông vẫn là một điểm mới mà mọi người cần ủng hộ. Tuy nhiên, nếu gán ghép việc cấm người dân phát tán và có nguy cơ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng là điều vô lý. Ông nhận định :
"Luật an ninh mạng hầu như là một biện pháp bịt miệng mọi người và cái phạm trù để nói là phát biểu ý kiến cá nhân hoặc có ý xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước thật ra ranh giới của nó rất mù mờ, không có gì để xác định vấn đề này. Nếu trong tường hợp cơ quan nhà nước nào đó muốn xử lý người dân thì họ chỉ việc đẩy qua khía cạnh có sự xúc phạm, lập tức người phát biểu trở thành người vi phạm".
Vì thế, Luật sư Mạnh cũng đưa ra đề xuất để điều luật được hoàn chỉnh và cân bằng hơn cho hai phía chính quyền và người dân :
"Để bảo đảm quyền được phát biểu của người dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, kể cả vấn đề phản biện để xây dựng đất nước thì nên bỏ luật An ninh mạng và những điều khoản nằm trong Bộ luật hình sự. Ví dụ như điều người dân hay bị là Điều 117 chẳng hạn, tức là khi họ phát biểu hoặc nói chuyện với nhau mà chính quyền cho rằng họ tuyên truyền, những câu nói hoặc quan điểm của họ khác ý với chính quyền thì rất dễ phạm tội 117 Bộ luật Hình sự".
Từ năm 2013, việc người dân có được phép quay phim cảnh sát giao thông hay không đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần.
Đến cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố Dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng và chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên.