Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp trực tuyến hôm 19/8 với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới cho biết, trong năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển khoảng 4.000 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, nhưng hiện chỉ tuyển được 50% giáo viên.

giaovien1

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Tại sao giáo viên bỏ nghề ?

Không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp. Nghịch lý là con số thiếu giáo viên khá cao, nhưng quy mô đào tạo sư phạm năm 2022-2023 lại giảm hơn 60.000 sinh viên so với năm trước đó. Điều đó có nghĩa, số lượng giáo viên đáp ứng cho những năm sau này tiếp tục thiếu. Lý giải việc này, Giáo sư Mạc Văn Trang nói với RFA :

"Bây giờ học sinh giỏi thi vào trường công an hết rồi. Vấn đề thiếu giáo viên thì chúng tôi đã nghiên cứu và báo động từ lâu lắm rồi. Từ những năm chín mươi đã có những chiến lược để phát triển đội ngũ nhà giáo, rồi những nghị quyết của đảng về vấn đề này. Nhưng thực tế thì càng ngày giáo viên càng chán nghề. Có nhiều nguyên nhân lắm. Thứ nhất là lương thấp. Mấy đời bộ trưởng đều nói tăng lương cho giáo viên nhưng vẫn không tăng được. Thứ hai là công việc và chương trình ngày càng nặng, bị áp đặt, không được tự do. Thứ ba là những người quản lý không có dân chủ, hầu hết đều muốn kiếm tiền từ giáo viên gây ra nhiều bất bình. Những việc như thế khiến giáo viên bỏ nghề".

Theo giáo sư Mạc Văn Trang, thực tế là nếu thí sinh thi vào trường công an thì khi ra trường, họ mới được đảm bảo công việc với mức lương khá và được phong hàm, cấp bậc.

Bây giờ học sinh giỏi thi vào trường công an hết rồi. Vấn đề thiếu giáo viên thì chúng tôi đã nghiên cứu và báo động từ lâu lắm rồi. Từ những năm chín mươi đã có những chiến lược để phát triển đội ngũ nhà giáo, rồi những nghị quyết của đảng về vấn đề này. Nhưng thực tế thì càng ngày giáo viên càng chán nghề. - Giáo sư Mạc Văn Trang

Điều giáo sư Trang nêu lên được dẫn chứng thông qua vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình và Sơn La năm 2018. Vụ này được truyền thông lúc bấy giờ loan rằng, trong 108 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, có 64 học sinh trúng tuyển vào trường công an, quân đội - những trường có điểm chuẩn cao nhất nhì mùa tuyển sinh 2018.

Vẫn với câu chuyện tại sao giáo viên bỏ nghề, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho biết :

"Với người giáo viên xác định theo nghề sư phạm là người ta yêu nghề, muốn mang sự trong sáng vào ngành sư phạm, nhưng rất nhiều trường hiện nay không còn sự trong sáng. Trường nào cũng có ít nhiều những điều khuất tất mà cụ thể nhất là tình trạng lạm thu tiền của học sinh. Đã làm công tác giáo viên chủ nhiệm là phải thu. Ai không thu sẽ bị hiệu trưởng để ý, và những hiệu trưởng xấu tính sẽ trù dập rồi gây khó đủ kiểu. Thế cho nên rất nhiều người sẵn sàng bỏ nghề".

Giải pháp nào ?

Trước thực tế thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu một số giải pháp với truyền thông nhà nước, như yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc tuyển giáo viên trên các phương tiện truyền thông ; đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học ; phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Theo cơ chế về tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trong việc tuyển giáo viên bậc trung học phổ thông, các trường trực thuộc, các quận, huyện chịu trách nhiệm tuyển giáo viên bậc mầm non đến trung học cơ sở.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Mạc Văn Trang nêu giải pháp :

"Việc giáo viên bỏ nghề đã diễn ra ít nhất cách đây năm năm rồi. Tôi cũng đã có những kiến nghị với bộ trưởng rồi. Tôi nói rằng, đối với người giáo viên mà nhiều áp lực như phải học lấy chứng chỉ này chứng chỉ nọ, rồi thi đua này nọ, rồi kiểm điểm, rồi phải thi giáo viên giỏi… nhiều áp lực như thế thì mất đi tính chất nghề nghiệp của người giáo viên làm cho người giáo viên mất tự do dẫn đến giáo viên chán nghề.

Bây giờ giải pháp thì khó quá. Một là phải tôn trọng giáo viên đúng với vị trí truyền thống tôn sư trọng đạo. Hai là phải tăng lương. Ba là phải cho giáo viên làm đúng nghề của mình, phải tự do sáng tạo, không bị áp buộc. Bốn là phải thay đổi cách quản lý. Ví dụ cho giáo viên được bầu hiệu trưởng ; cách chức những hiệu trưởng làm không đúng. Năm là bỏ thi đua trong giáo dục, bỏ chuyện trong lớp phải có 90% học sinh khá giỏi, bỏ chuyện phòng giáo dục đánh giá giáo viên, bỏ chuyện giáo viên thi đua dạy giỏi đi vì nó rất là vớ vẩn".

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì cho rằng :

"Nói đúng ra thì phải thay đổi nhiều lắm. Để giữ giáo viên thì việc đầu tiên là các cấp lãnh đạo phải làm sao chấn chỉnh các tệ nạn trong ngành giáo dục đã thì mới thu hút được giáo viên. Nghèo mà trong sạch thì người ta vẫn trụ lại với ngành, vẫn gắn bó với ngành giáo viên. Đã chấp nhận nghèo vì lương thấp mà lại còn phải gian dối thì người giáo viên họ bỏ nghề ngay".

"Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục" từng nằm trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Theo đó, "phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt".

Nói đúng ra thì phải thay đổi nhiều lắm. Để giữ giáo viên thì việc đầu tiên là các cấp lãnh đạo phải làm sao chấn chỉnh các tệ nạn trong ngành giáo dục đã thì mới thu hút được giáo viên. Nghèo mà trong sạch thì người ta vẫn trụ lại với ngành, vẫn gắn bó với ngành giáo viên. Đã chấp nhận nghèo vì lương thấp mà lại còn phải gian dối thì người giáo viên họ bỏ nghề ngay. - Nhà giáo Đỗ Việt Khoa

Cách đây một năm, vào đầu năm học 2023-2024, ông Lê Văn Sinh, giảng viên và nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA về quản lý giáo dục, rằng :

"Một khi nền kinh tế đã vận hành theo mô hình thị trường và càng ngày các thành phần kinh tế tự do hoạt động theo thị trường càng mạnh mẽ, quản lý giáo dục không thể nào cứ sử dụng lối quản lý giáo dục cũ được nữa".

Nguồn : RFA, 22/08/2024

Published in Việt Nam