Giảm nạn tảo hôn ở Nam Á (RFA, 06/03/2018)
Nạn tảo hôn, hay hôn nhân trẻ em ở Nam Á, giảm đáng kể góp phần làm cho tỷ lệ hôn nhân đối với các bé gái trên toàn cầu giảm theo.
Bé gái Ấn Độ được về với mẹ vào ngày 25/05/17, sau khi tòa án ra quyết định giải thoát khỏi nạn tảo hôn với một người đàn ông Pakistan. AFP
Thông tin vừa nêu được Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố vào hôm thứ Ba, ngày 6 tháng Ba.
UNICEF cho biết nhờ vào các cơ hội giáo dục cho những em gái, chính phủ chú trọng đối với trẻ vị thành niên là nữ giới, cũng như các chiến dịch vận động chống hôn nhân trẻ em bất hợp pháp giúp khoảng 25 triệu trẻ em tránh được tình trạng này trong một thập niên qua. Và quá trình hỗ trợ như vừa nêu ở Ấn Độ góp phần làm giảm tỷ lệ rủi ro bị kết hôn của một em gái duới 18 tuổi, ở Nam Á xuống từ 50% còn 30%.
Kết hôn hợp pháp ở Ấn Độ là 18 tuổi đối với nữ giới và 21 tuổi đối với nam giới. Mặc dù chính phủ khuyến khích các em gái tiếp tục đi học và phụ huynh của các em gái kết hôn dưới tuổi quy định có thể bị bỏ tù, tuy nhiên ở Ấn Độ vẫn tồn tại văn hóa kết hôn đối với các em gái là điều rất quan trọng trong đời.
Tệ trạng hôn nhân trẻ em cũng diễn ra ở khu vực cận Sahara, Châu Phi. Theo số liệu của UNICEF cho thấy một trong 3 bé gái kết hôn trên toàn cầu là ở khu vực này, so sánh với tỷ lệ một trong 5 vào thời điểm một thập niên trước.
UNICEF còn cho biết tổ chức này sẽ nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn hàng triệu em gái bị cướp mất tuổi thơ vì bị hủ tục tảo hôn và nhắm tới mục tiêu chấm dứt hôn nhân trẻ em trên toàn cầu vào năm 2030.
Hiện thế giới có khoảng 650 triệu phụ nữ là nạn nhân của hôn nhân trẻ em.
********************
Châu Á vẫn vô địch nhập khẩu động vật quý hiếm Châu Phi (RFI, 06/03/2018)
Kể từ năm 2006, số lượng nhập khẩu động vật được bảo vệ tại Châu Phi vào Châu Á đã tăng lên nhiều lần. Theo một nghiên cứu được tổ chức Traffic công bố ngày 06/03/2018, nguyên nhân là do thị hiếu nuôi động vật quý hiếm tại Châu Á, chủ yếu là rùa, trăn và vẹt.
Triển lãm Quốc tế về động vật bò sát ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 17/06/2010. Ed JONES / AFP
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức bảo vệ động vật Traffic, được AFP trích dẫn, số lượng động vật, như rùa Châu Phi và trăn hoàng gia, đã tăng gần 10 lần trong vòng 10 năm, tương tự, số lượng da trăn cũng tăng mạnh. Dù một phần số hàng nhập khẩu này là hợp pháp những tất cả các loại vật trên đều nằm trong danh sách được bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã bị nguy cấp (CITES).
Từ năm 2006, hơn 1,3 triệu động vật sống và cây cối, khoảng 1,5 triệu tấm da và 2.000 tấn thịt đã được xuất từ Châu Phi sang Đông Á và Đông Nam Á. Các loài trăn hoàng gia và rùa rất được ưa chuộng tại Châu Á để làm động vật nuôi trong nhà nhờ vào bản tính hiền lành và phù hợp với không gian nhỏ, như trường hợp các đô thị đông dân như Hồng Kông.
Riêng về buôn bán da động vật có vú, da sư tử biển bị săn bắt ở Namibia được chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông : tăng từ 1972 tấm năm 2007 lên thành 20651 tấm vào năm 2012. Da cá sấu vẫn chiếm tỷ lệ cao trong số hàng nhập khẩu vào Châu Á, đặc biệt tại Nhật Bản và Singapore, để sản xuất các mặt hàng thuộc da cao cấp.
****************
Thái Lan dọa bắt lao động nhập cư nếu không đăng ký (VOA, 06/03/2018)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm thứ Hai 5/3 doạ sẽ bắt giữ hàng trăm ngàn công nhân nhập cư nếu họ không đăng ký chính thức trước ngày 30/6.
Lao động Lào làm việc ở Thái Lan
Tờ The Nation cho biết ông Prayut cũng chỉ trích Bộ Lao động Thái Lan về việc "quản lý chậm chạp" quá trình đăng ký này.
Ông nói : "Nếu làm không xong trước tháng 6, thì không có trường hợp nào ngoại lệ - họ sẽ bị bắt hết".
Quá trình đăng ký là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm trợ giúp pháp lý và nhân đạo cho người lao động nhập cư, phần lớn là từ Lào, Myanmar và Campuchia, làm việc trong các ngành đánh bắt cá và xây dựng tại Thái Lan.
Việc thực thi luật này thoạt tiên được ấn định bắt đầu vào năm 2017, nhưng chính phủ đã ra lệnh hoãn sau khi có thay đổi lớn về số người lao động nhập cư, phần lớn đến từ Myanmar, Campuchia và Lào, khi họ quay trở về nước, gây ra tình trạng thiếu lao động ở khu vực tư nhân.
Cho đến ngày 30/6, uớc tính có 698.675 lao động thuộc diện phải đăng ký, để được phép ở lại Thái Lan làm việc thêm hai năm nữa.
Lao động nhập cư không đăng ký đúng thời hạn phải đối mặt với các biện pháp như phạt tù và phạt tiền.