Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu góp ý của dân về quản trị quốc gia có được lắng nghe ?

RFA, 18/03/2024

Tạp chí Lý luận Chính trị hôm 15/3/2024 có bài cho rằng, quản trị quốc gia hiệu quả cần có ý kiến, sự tham gia của người dân…

langnghe1

Người dân đi qua tấm biển cố động cho Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 22/1/2021. AFP PHOTO

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, người từng tố cáo sai trái trong Tổng cục 2, nhưng không những không được lắng nghe mà còn bị khai trừ Đảng, tước quân hàm… hôm 18/3/2024 khẳng định với RFA rằng ở Việt Nam đã có quy định về trưng cầu dân ý, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý :

"Vì vậy có thể nói ý kiến của nhân dân trong mọi trường hợp đều không được lắng nghe. Ví dụ có những vụ việc mà ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội rất sôi nổi như dự án bô xít Tây Nguyên… nhưng cuối cùng chính phủ không lắng nghe và vẫn triển khai… bây giờ đem lại rất nhiều hệ lụy xấu. Ngoài ra còn nhiều dự án khác ví dụ như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hay những dự án ở thành phố Hồ Chí Minh… Tôi thấy Chính phủ nói như vậy nhưng thật sự tiếng nói nhân dân không được lắng nghe".

Ngoài ra theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trong thực tế ý kiến nhân dân về chống tham nhũng cũng không được lắng nghe :

"Tôi có quen một vài người công dân, thậm chí là cán bộ đảng viên từng rất tích cực chống tham nhũng, họ đã phát hiện có chứng cứ… nhưng tất cả những ý kiến gửi đến cơ quan chức năng đã rơi vào im lặng. Thậm chí có những người bị quy vào những tội tương đối nặng, bị cơ quan câu lưu. Ví dụ như ông Vũ Mạnh Hùng, cựu giáo viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Thương mại, hay bà Lê Hiền Đức, là một công dân chống tham nhũng đã từng được giải của Tổ chức Minh bạch Quốc tế… Cho nên tôi khẳng định, tất cả những ý kiến của nhân dân hầu như không được lắng nghe".

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho biết thêm về trường hợp của chính ông :

"Tôi không tôi cáo tham nhũng, tôi không tố cáo các mối quan hệ trai gái hay tài sản bất minh… Tôi chỉ báo cáo về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của một cơ quan… Nhưng thời điểm đấy tôi gửi đơn tố cáo đến chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Phú Trọng, thì sau đó chính cái đơn gởi ông Trọng lại được trả về cho Tổng cục 2 để làm căn cứ quy chụp và ‘đấu tranh’ với tôi và đương nhiên kết quả tôi đã bị khai trừ đảng, tước quân hàm sĩ quan".

langnghe2

Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và trực tiếp hoạt động của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội… đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’.

Luật Trưng Cầu Dân Ý của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, và được nói là sự thể chế hóa quyền "dân chủ trực tiếp" của công dân được Hiến pháp qui định. Theo luật này thì cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng trong thực tế, chưa có một dự luật nào chẳng hạn mà đại biểu Quốc hội đề xuất đưa ra trưng cầu ý dân, cho dù luật quy định rất rõ ràng.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, hôm 18/3 đặt ra câu hỏi rằng nếu thực sự muốn dựa dân thì vì sao đến nay luật trưng cầu dân ý vẫn chưa được áp dụng :

"Người ta nói cho vui thôi, để thiên hạ thấy mình cũng văn minh. Hội nghị bàn về chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần đây có tuyên bố phải dựa vào dân để chống tham nhũng. Cũng là nói cho hay vậy thôi, chứ dựa vào dân thì phải có báo chí tự do để dân nói tiếng nói của mình. Nhưng họ lại thực hiện luật an ninh mạng, tức là khóa mồm dân lại thì lấy gì lắng nghe. Muốn tôn trọng ý dân thì phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về các vấn đề".

Một người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nhận định với Đài Á Châu Tự Do :

"Ở Việt Nam thường hay nói này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Chẳng hạn ở các nước, muốn nói lên tiếng nói thì người dân biểu tình, và theo đó chính phủ sẽ xem xét một quyết sách nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì không có được vậy, ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu".

Ở Việt Nam, giới chức lãnh đạo thường hay hô hào khẩu hiệu ‘do dân, nghe dân, vì dân’… nhưng thực tế hoàn toàn khác. Thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý người có chức quyền có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị bị chụp mũ là phản động…

Đơn cử trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm ở dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Ngay cả đến khi Thanh tra Chính phủ yêu cầu phục chức cho ông thì lãnh đạo cơ quan chủ quản vẫn làm ngơ.

Hay trường hợp Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và trực tiếp hoạt động của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội… đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’. Ngoài ra ông còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Nguồn : RFA, 18/03/2024

***************************

Báo chí nhà nước cần chuyển đổi về nội dung, thay vì hình thức !

RFA, 18/03/2024

Mới đây, trao đổi với báo Sài Gòn Giải Phóng, một cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã kêu gọi báo chí hãy chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cách làm báo "chuyển đổi số", chứ không kêu gọi thay đổi chủ trương đưa tin lâu nay.

langnghe3

Báo chí nhà nước được bày bán trên một đường phố ở Hà Nội - Reuters

Việt Nam hiện có gần 800 cơ quan báo chí, gần 200 đơn vị và gần 50 cơ quan phát thanh - truyền hình. Báo chí hiện nay được cho là phải cạnh tranh với mạng xã hội khi số lượng người tham gia mạng xã hội lên đến 77 triệu người, chiếm 79,1% dân số, theo thống kê củaVN network. Trong thời kỳ công nghệ số, độc giả có nhiều lựa chọn để tiếp cận thông tin. Nếu báo chí nhà nước chỉ làm tốt việc dẫn dắt thông tin thì khó có được sự quan tâm của độc giả.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Báo chí là một món ăn tinh thần, mà theo ông Lê Quốc Minh thì chỉ thử nghiệm về chuyển đổi số trong lãnh vực báo chí. Đây chỉ là thử nghiệm về phương tiện chứ không phải nội dung. Mà cái quan trọng chính là nội dung của trang báo, nội dung của chương trình truyền hình lại vẫn như cũ. Nội dung cũ này đã được thực tế chứng minh là khán giả, độc giả người ta không chấp nhận.

Do đó, cách thử nghiệm này chỉ là ‘bình mới rượu cũ" mà thôi. Vì vậy, muốn thử nghiệm thì hãy thử nghiệm về nội dung. Mà muốn thử nghiệm về nội dung thì cái quan trọng nhất cần phải có đối với lãnh vực báo chí là phải có tự do tư tưởng, tự do báo chí.

Tóm lại, việc thử nghiệm này chỉ là hình thức chứ không phải là nội dung, bởi mục tiêu của báo chí trong nước hiện nay là mục tiêu tuyên truyền đúng theo đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước, chứ mục tiêu không phải là đáp ứng nhu cầu của độc giả, thính giả".

Do báo chí nhà nước là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng. Có những bản tin vừa đưa lên đã rút xuống gây thắc mắc trong dư luận xã hội và có những suy đoán khác nhau, nhất là những bản tin liên quan đến các lãnh đạo cao cấp. Chẳng hạn, vào ngày 18 tháng 6 năm 2019, báo chí trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày 19 tháng 6 năm 2019. Bản tin vừa loan chẳng bao lâu thì bị gỡ xuống. Đến ngày hôm sau truyền thông Nhà nước loan tin ông Trọng "bận công tác" nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội như đã thông báo.

Trước đó, hồi tháng 5 năm 2019, truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra trước Quốc hội đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29 tháng 5 ; tuy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Sở dĩ báo chí đưa tin lên lại rút xuống vì lúc bấy giờ có tin đồn ông Trọng bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang vào tháng 4 năm 2019.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời nhà báo Lê Quốc Minh rằng, "sự phát triển của công nghệ đã kéo theo sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng. Hoạt động báo chí bây giờ không còn giống như trước nữa. Các cơ quan báo chí hãy chủ động và mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra con đường riêng cho mình. Hội Nhà báo Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành".

Một số nhà báo và bloggers trong nước mà RFA trò chuyện đều cho rằng, nếu báo chí Việt Nam tự do đưa tin mà không theo chủ trương của đảng thì sẽ bị phạt, bị ngưng hoạt động. Một blogger yêu cầu ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA quan điểm của mình :

"Khi quan chức truyền thông của cộng sản lên tiếng, hầu hết là rổn rẻng ngôn từ nhưng không có nội dung gì cả, Và thậm chí đôi khi nó còn giới thiệu sự kém cỏi và thiếu hiểu biết. Truyền thông trong một nhà nước độc tài, luôn nghĩ có thể sử dụng những cái áo mới, và tận dụng những lợi thế của kỹ thuật để cứu rỗi cho việc thông tin không có sự thật và chỉ thuần túy phục vụ cho ông chủ độc tài.

Họ không hình dung rằng điều quan trọng nhất của báo chí là sự thật và đi thẳng vào sự thật. Ở thế kỷ mà con người đã bắt đầu tận dụng AI, mà các quan chức hàng đầu truyền thông của cộng sản kêu gọi thúc đẩy nhanh "chuyển đổi số" thì thật là buồn cười. Cái mà truyền thông có Cộng sản cần phải đi tới, nhưng họ không nhắc trong những bài vận động đổi mới của họ, là báo chí phải biết sống với lương tâm chức nghiệp, và biết sống với nỗi đau con người, chứ không chỉ giỏi đứng lên, ngồi xuống như những tên hề theo cái phất tay của lãnh đạo".

Một trong những tờ báo bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ra quyết định xử phạt, là Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/5/2020. Hình thức xử phạt là phạt hành chính 55 triệu đồng và đình bản phiên bản điện tử trong vòng một tháng. Lý do được nói là đã vi phạm đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong loạt bài về Bà Nà, Sun Group…

Trước đó một năm, Báo điện từ Người Tiêu Dùng cũng bị cơ quan quản lý chức năng kỷ luật tạm ngưng hoạt động và đóng phạt 65 triệu với cáo buộc được nêu ra là sai phạm trong hoạt động báo chí. Theo Cục Báo Chí, trang mạng Người Tiêu Dùng đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng bởi câu hỏi "Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân "vào lò" ? trong vụ Thủ Thiêm.

Chỉ một năm sau, cựu bí thư Lê Thanh Hải và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân bị kỷ luật. 

Hồi tháng 10/2019, Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam bị phạt 50 triệu và đình bản trong 2 tháng vì thông tin bị cho là sai sự thật trong bài viết ‘Biệt phủ lấn sông của gia đình thiếu tướng Đỗ Hữu Ca’. Vào đầu năm 2023, ông Đỗ Hữu Ca bị bắt và từ ngày 10/4 tới đây ông này phải hầu tòa với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 điều 174 bộ luật Hình sự.

Nguồn : RFA, 18/03/2024

Published in Việt Nam