Gạo xuất khẩu của Việt Nam : Châu Phi còn "lắc đầu" (VietnamNet, 23/03/2017)
"Cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá "cổ lỗ sĩ" , mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 – 70 và cho đến nay không còn phù hợp".
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị "chê" chất lượng thấp, thậm chí, bán sang Châu Phi còn bị "lắc đầu".
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị "chê" chất lượng thấp, thậm chí, bán sang Châu Phi còn bị "lắc đầu".
Tờ World Map vừa thống kê top 10 quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016, trong đó có Việt Nam với sản lượng 28,234 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Diễn Đàn Nông Nghiệp, Tiến sĩ Đào Thế Anh cho rằng, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam phải là làm thế nào để tăng được giá trị từ sản phẩm gạo.
– Nhưng chúng ta lại chưa đạt được mục tiêu này, vì sao, thưa ông ?
Ngành lúa gạo trong năm 2015 – 2016 đã chọn chiến lược xuất khẩu là mục tiêu chính, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá "cổ lỗ sĩ" , mô hình này đã được vận hành từ những năm 60 – 70 và cho đến nay không còn phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thảo luận để xây dựng lại nhưng vẫn đang còn rất nhiều ý kiến bất đồng. Đơn cử, những quy định cứng về xuất khẩu như Nghị định 109 đang đi theo hướng mục tiêu chính là khối lượng, tức doanh nghiệp muốn xuất khẩu được phải có kho chứa được 5.000 tấn. Trong khi trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao như gạo hữu cơ thì lại không xin được giấy phép xuất khẩu, dù đã ký được hợp đồng với đối tác bên ngoài. Đây là điều rất vô lý, vì họ không thể và cũng không cần có kho lớn đến như vậy.
– Thưa ông, dường như tư duy "bao cấp" hợp đồng xuất khẩu gạo lâu nay cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta gặp khó trong việc chuyển giá trị từ xuất khẩu theo hợp đồng sang xuất khẩu theo chất lượng ?
Từ trước đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu dựa vào các thỏa thuận của Chính phủ để cứu đói, bảo vệ an ninh lương thực cho một số nước thiếu gạo. Gạo này không có giá trị cao, vì cứu đói thì chỉ cần nhiều chứ không cần quá ngon.
Nếu cứ ngồi "trông chờ" vào các hợp đồng của Chính phủ thì sẽ không thể làm được gạo chất lượng. Hai mục tiêu này hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Trong thời gian vừa qua, các nước và cũng là những khách hàng lớn mua gạo của Việt Nam theo hợp đồng Chính phủ giảm đi nhiều, vì họ đã tự đầu tư vào an ninh lương thực của họ. Chúng ta đang gặp khó khăn trong việc chuyển giá trị từ xuất khẩu theo hợp đồng sang xuất khẩu theo chất lượng, vì điều này đã trở thành thói quen của doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Nếu xuất khẩu theo hợp đồng Chính phủ thì có thể mua bất cứ giống gạo nào "tương đồng" rồi đem trộn vào là xong.
Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thế chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi.
Nay chuyển sang xuất khẩu theo chất lượng cao mới thấy, từ giống lúa không đồng nhất đã đưa tới chất lượng không đồng đều. Hệ quả, gạo Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu chất lượng cao thường bị "chê" chất lượng thấp. Thậm chí, bán sang Châu Phi còn bị "lắc đầu". Một thời gian dài chúng ta đã cố làm ra thật nhiều gạo, rồi không tiêu thụ hết đành "bán đổ, bán tháo", dẫn đến giá thấp là điều đương nhiên. Vấn đề này không chỉ riêng với ngành lúa gạo mà có rất nhiều ngành khác cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như chuối, dưa hấu…
– Vậy theo ông, giải pháp để tăng được giá trị xuất khẩu sản phẩm gạo Việt Nam ?
Theo tôi, việc đầu tiên phải chuyển mô hình từ quản lý xuất khẩu với các yếu tố cứng như kho, bãi, hợp đồng… sang hướng tiêu chuẩn chất lượng. Đơn giản, nếu ai ký được hợp đồng với nước ngoài thì phải cho xuất khẩu, không nên để tình trạng như một số doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ tại Cà Mau vì không có giấy phép xuất khẩu nên đã phải đi mua lại hoặc nhờ "ông khác" mới được quyền xuất khẩu.
Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thế chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và thúc đẩy hợp tác liên kết trong chuỗi. Nếu làm được hai vấn đề này thì mới hy vọng cải thiện được năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam. Gạo Campuchia đã vượt qua gạo Việt Nam chỉ đơn giản là gạo của họ "sạch" hơn chúng ta, tức là không bị pha tạp nên ngon và chất lượng tốt hơn. Riêng gạo của Lào thì hơn hẳn Việt Nam.
– Xin cảm ơn ông !
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
***********************
Cá chết hàng loạt tại thượng nguồn sông Sài Gòn (RFA, 35/03/2017)
Người dân sống quanh khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn hôm thứ Bảy 25/3/2017 cho biết họ phát hiện cá chết hàng loạt tại khu vực cầu Sài Gòn.
Cá chết trên sông Sài Gòn được người dân vớt lên với đủ loại lớn nhỏ. Photo courtesy of Tuoitre online
Những ngày qua người dân vớt được hơn 2 tấn cá chết. Cá chết chủ yếu là cá trắng, cá mè, cá rô phi và một lượng nhỏ cá lăng.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn người dân ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, sống quanh khu vực cầu Sài Gòn nói rằng, cá chết từ ngày 23-3 đến nay.
Hiện nay cá vẫn tiếp tục chết, và địa điểm cá chết có thể bắt nguồn từ con suối Ru thuộc ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn hiện có một số doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề như sản xuất chế biến bột mì, nuôi heo…
Trước hiện tượng này, chính quyền tỉnh Bình Phước đang phối hợp với các cơ quan chức năng để lấy mẫu nước tại thượng nguồn sông Sài Gòn đưa đi giám định để tìm hiểu nguyên nhân.
Trước mắt, chính quyền tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân không vớt cá chết, không dùng cá chết để chế biến ăn và không được mang đi bán.
***********************
Báo Quân đội nhân dân sắp có đại diện ở nước ngoài (Infonet, 23/03/2017)
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong buổi làm việc sáng 23/3/2017 tại trụ sở Báo Quân đội nhân dân. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải và Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cùng tham dự.
Báo cáo tình hình hoạt động của Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng – Tổng Biên tập Phạm Văn Huấn cho biết : Là một trong 6 cơ quan báo chí đa phương tiện chủ chốt ở Việt Nam theo chủ trương quy hoạch báo chí, ngoài báo in, báo điện tử, Báo Quân đội nhân dân đã đầu tư phát triển cả mảng phát thanh và truyền hình. Thời gian qua, Báo đã tập trung tuyên truyền về lĩnh vực an ninh quốc phòng, đặc biệt là đẩy mạnh tin bài chống diễn biến hòa bình, đồng thời tích cực biểu dương người tốt việc tốt. Mới đây, Báo đã triển khai chuyên mục mới về phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Toàn cảnh buổi làm việc tại trụ sở Báo Quân đội nhân dân sáng 23/3.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, Đại tá Hà Mạnh Tường, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân đề xuất mong muốn có cơ quan thường trú của Báo ở 2 địa bàn chiến lược là Lào và Campuchia.
Đánh giá cao hoạt động của Báo Quân đội nhân dân, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhận định : Ưu điểm của Báo là luôn chủ động, đi đầu và xung kích trong đấu tranh phản bác các quan điểm xấu, độc, sai trái. Báo cũng luôn nằm trong top đầu những cơ quan báo chí nhận nhiều giải cao trong các giải thưởng về báo chí.
"Báo đã chủ động xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, hiện số lượng công chúng đến với báo chưa như mong muốn. Báo cần liên kết mạnh hơn với các cơ quan báo chí có lượng đọc cao để những bài báo có chất lượng được lan tỏa mạnh hơn tới công chúng", Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc khuyến nghị.
Nhấn mạnh mong muốn Báo Quân đội nhân dân tiếp tục phát triển và duy trì vị trí của một tờ báo chính trị quan trọng trong đời sống xã hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Hồng Hải khuyến nghị thêm : "Mạng xã hội là kênh thông tin tốt để lan tỏa thông tin đến mọi tầng lớp nhân dân. Báo Quân đội nhân dân có thể tận dụng mạng xã hội để tăng cường hơn nữa việc đưa những bài viết có chất lượng thông tin cao đến đông đảo công chúng ".
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, Báo Quân đội nhân dân luôn có vị trí quan trọng trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ quan báo chí đa phương tiện có vị trí chủ lực trong định hướng dư luận xã hội.
Tuy nhiên, yêu cầu của công tác tư tưởng văn hóa của Đảng thời kỳ mới rất cao, đòi hỏi các "binh chủng" trong công tác văn hóa tư tưởng của Đảng, nhất là báo chí phải nỗ lực, tích cực, sáng tạo và có tính chiến đấu cao hơn nữa.
Báo Quân đội nhân dân phải xác định đối tượng phục vụ không chỉ là cán bộ, Đảng viên và bạn đọc trong quân đội mà cả trong đời sống xã hội. Thông tin tuyên truyền phải sâu sắc, hấp dẫn, giới thiệu điển hình tiên tiến phải có sức lay động lòng người và có khả năng cảm hóa. Đấu tranh phải sắc bén, phản bác phải hiệu quả.Bên cạnh việc tập trung đầu tư công nghệ, phải đầu tư cho đội ngũ sử dụng công nghệ một cách tối ưu.
Đặc biệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị đề án về phát triển các cơ quan đại diện của Báo ở nước ngoài, có định hướng từng giai đoạn, báo cáo Tổng cục Chính trị để báo cáo Ban Bí thư. Trước hết, ưu tiên đặt văn phòng đại diện của báo tại Lào.
Bình Minh