Bán hoa ở Việt Nam, nói theo nghĩa nào cũng khổ. Năm hết Tết về, trời mưa tầm tã, những người bán hoa dở khóc dở cười bởi không có người mua, thời tiết lạnh lẽo. Mặc dù không khí Tết đang rạo rực khắp mọi nơi, nhưng trong cái rạo rực, cuống cuồng của những ngày giáp Tết, những người lao động tranh thủ thời gian cận Tết để mua hoa về bán ở Quảng Bình, Hà Tĩnh phải dở khóc dở cười vì dường như nhìn mọi nơi đều rực rỡ cờ hoa nhưng trong lòng người lại không có Tết, bởi kinh tế khó khăn, bởi hàng Tết ế ẩm, giá xăng tăng, mọi thứ hàng hóa đều tăng giá theo.
Hoa đào Nhật được bày bán ở ven đường. RFA photo
Giá xăng tăng làm đảo lộn đời sống
Ông Hải, cư dân huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ : "Tết năm nay buồn, hoa bán không được, chỉu có đại gia mới chơi hoa chứ dân nghèo thì ăn còn không đủ huống gì là Tết. Mặc dù gia đình mình cũng có sắm chút quà Tết rồi nhưng chẳng gì đâu vì tiền bạc không có để sắm Mọi thứ đều khó khăn. Theo mình thấy thì Tết này khó khăn hơn, tiền khó kiếm, đói thì không đến nỗi đói nhưng đồng tiền khó khăn nên chẳng mua sắm được gì, thêm giá xăng tăng. Mình là nông dân, chỉ đi xe máy nhưng xăng tăng cũng ảnh hưởng nặng lắm, đi lại không thuận tiện cho mấy vì mưa ướt và xăng tăng...".
Ông Hải nói thêm, hiện tại, vẫn còn nhiều nông dân phải bám đám ruộng mặc dù thời tiết rất lạnh lẽo và Tết đã cận kề. Bởi nếu không bám đám ruộng thì ra Giêng không thể làm được nữa, vụ mùa bị trôi qua và đến mùa gặt phải bị đói, bị thiếu lương thực. Và dường như năm nay, không khí tết ở Ba Đồn và cả Quảng Bình rộn ràng hơn mà cũng tẻ nhạt hơn.
Giải thích vì sao Tết ở Quảng Bình rộn ràng hơn mà cũng tẻ nhạt hơn, ông Hải nói rằng vì cả một năm dài khốn khổ, ngư dân thất nghiệp do biển độc, nông dân mất mùa trong vụ Hè Thu, chưa kịp hoàn hồn thì lũ lụt kéo đến, mọi thứ chìm trong biển nước, người chết, đồ đạt mất sạch, thiệt hại về tài sản, về con người không kể xiết. Mọi thứ tan nát, đổ vỡ.
Khi trải qua quá nhiều tai ương và mất mát, một chút hơi ấm mùa xuân có thể khiến người ta có thể hét lên vì sung sướng. Đây là tâm lý chung của con người, có lẽ nhờ vậy mà Tết về, không khí trở nên rộn ràng khó tả. Tuy nhiên, cái rộn ràng trong mỗi người chỉ thoáng qua chốc lát, những gánh nặng về kinh tế, sự thiếu trước hụt sau khiến cho người ta nhanh chóng mệt mỏi và loay hoay trong vòng xoáy Tết.
Cái vòng xoáy Tết còn tăng tốc hơn khi giá xăng dầu tăng một cách thất thường, một khi xăng tăng giá thì mọi mặt hàng và dịch vụ khác cũng tăng giá tỉ lệ. Từ bó rau cải cho đến cái trứng, con gà, con vịt hay chiếc áo mặc Tết, ký hột dưa, ký mứt… tất cả đều tăng giá tỉ lệ trong khi nguồn thu nhập của người dân hoàn toàn không có gì.
Vòng quanh các khu chợ Tết ở Quảng Bình, chúng tôi bắt gặp không khí chộn rộn, đông đúc nhưng lượng mua thì rất thấp, hầu như chưa có loại hàng Tết nào được gọi là bán chạy, người ta đi thăm chợ nhiều hơn là sắm Tết. Mà có vẻ như thăm chợ không phải vì háo hức Tết mà vì không có việc gì để làm, thôi thì ra chợ dạo một vòng, được chăng hay chớ, có gì rẻ thì mua. Nhưng có vẻ như hiếm có thứ gì rẻ để người ta sắm một cách vô tư.
Ông Hải nói thêm là nguồn thu chính của người nông dân chủ yếu là con heo, con gà, ký lúa, bó rau. Nhưng chỉ có rau tăng giá, trong khi đó, từ sau lũ lụt đến giờ, các vườn rau ở Quảng Bình vẫn chưa thể hồi phục, nguồn rau chủ yếu từ nơi khác đến, giá cao ngất ngưởng, giá heo gà thì tuột dốc thê thảm, chỉ còn dao động từ 50% đến 70% so với giá trước Tết. Những con heo, con gà sống sót sau lũ lụt không cứu nổi cái Tết của người dân nơi đây, thêm một cú giá xăng tăng nữa thì không tài nào người dân ăn Tết một cách bình thường được nữa.
Người bán hoa dở khóc dở cười
Bà Thị, một người bán hoa trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua thành phố Đồng Hới, chia sẻ : "Trời đang mưa, bán ế. Tết này không bằng mọi năm. Thời tiết không thuận lợi lắm. Người ta thuê chuyến xe to vậy rồi đi cả bốn, năm nhà ngồi lên xe rồi đi. Tết mà đi chợ ngày một chứ không có tiền để sắm nhiều đâu. Thời tiết mưa lạnh, đi lại khó khăn nến hoa ế ẩm lắm. Không biết ngày mai thì sao chứ mấy bữa nay ế quá, ế…".
Bà Thị cho biết thêm là những người bán hoa giống như bà đều đang rất lo lắng, bởi có bao nhiêu vốn liếng đều đổ ra mua hoa về bán để kiếm đồng lãi mnua sắm Tết, có nhiều người đi vay nóng trong một tuần với lãi suất 10%. Vay 10 triệu, trong một tuần phải trả thành 11 triệu nếu như chủ cho vay tốt bụng, ngược lại, chủ cho vay khó tính thì vay 10 triệu chỉ nhận được 9 triệu, chủ nợ đã lấy trước 1 triệu tiền lãi và sau một tuần, người vay tiền phải mang đến 10 triệu đồng để trả cho chủ nợ.
Với tình hình thời tiết mưa lạnh, thời giá tăng vọt, giá xăng tăng, gần như chẳng mấy ai còn quan tâm đến việc mua một chậu hoa về chưng Tết, bao nhiêu vốn liếng đổ ra ngoài đường những ngày cận Tết để ngồi suốt ngày cầu may, mong một ai đó đến mua giùm một chậu hoa, tối đến thì căng lều bạt nằm ngủ canh trộm, gặp bữa trời mưa to giữa khuya thì cả người và lều ướt sũng. Cực không thể tả xiết. Nhưng cực nhất vẫn là một khối nợ đang hối thúc sau lưng.
Một em học sinh phụ mẹ bán hoa ngoài chợ Tết, không muốn nêu tên, chia sẻ, hầu hết các khu vực bán hoa ở Quảng Bình năm nay ế ẩm, em ước mơ chú Phan Anh mang tiền đến mua giúp gia đình em một chậu hoa nhưng em biết chú ấy đang ở Hà Nội và hoa ở Hà Nội cũng đang ế ẩm nên chắc chú ấy không vào mua giúp em một chậu hoa được.
Em cho biết suốt ba ngày ba đêm, từ hôm 25 tháng Chạp đến nay, em phải ngồi với mẹ để bán hoa vào ban ngày và tối đến, hai mẹ con chui vào căn lều để ngủ, trộng chừng hoa. Bố em không thể giúp gì được cho hai mẹ con vì ông đang bận chăm sóc ông nội ở nhà và trông hai đứa em, lo sắm sửa Tết. Vì mẹ gầy yếu, không thể ẵm ông nội đi vệ sinh, đỡ đần lúc ông ăn uống nên được ưu tiên ngồi bán hoa.
Mẹ em cho hay gia đình em vẫn còn nợ 3 triệu đồng vay ngân hàng diện xóa đói giảm nghèo, cả nhà hi vọng sau đợt bán hoa tết này sẽ trả trước một nửa. Nhưng với tình hình hiện tại, số tiền nợ vay nóng hơn một chục triệu đồng để mua hoa và số tiền nợ ngân hàng cứ đong đưa trước mắt hai mẹ con.
Nghe xong, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho hai mẹ con bán hết số hoa này để ít nhất là khỏi phải nợ tiền vay nóng. Và chúng tôi không dám cầu nguyện gia đình em lãi nhiều để trả tiền ngân hàng. Bởi cầu nguyện như thế giữa lúc mưa gió và ế ẩm này chẳng khác nào cầu nguyện nhà nước đối xử tử tế với người dân khi đứng trước biển đục ngầu sóng độc Formosa !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Nhà vườn ủ hoa để bán vào dịp Tết Âm lịch Đinh Dậu - Ảnh minh họa
Một số nhà vườn trồng hoa để bán vào dịp Tết Âm lịch Đinh Dậu đang lo bị thất thu vì hoa có thể không nở đúng Tết do ảnh hưởng của tình trạng tiết thất thường.
Cũng như nông dân trồng lúa trồng rau, người trồng hoa tại Việt Nam lâu nay phải chịu lệ thuộc vào thời tiết nắng mưa. Gần đây do tình hình khí hậu thay đổi thất thường, người dân không thể dựa vào kinh nghiệm theo mùa như trước chờ ngày cây ‘đâm chồi, nảy lộc’, và ra hoa như mong muốn.
Năm nay sau đợt hạn nặng, vào những tháng cận Tết trời lại mưa nhiều khiến hoa bị ngập úng phải nhổ bỏ và trồng lại rất nhiều, những cây sống sót theo nhận định sẽ ra hoa trễ so với dịp Tết.
********************
Một chủ vườn hoa vạn thọ ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết :
"Mưa quá nó tốt, nó tốt thành thử nó không ra hoa… Năm ngoái vạn thọ này 6 chục ngàn một cặp, năm nay zầy nó trễ rồi không biết làm sao nữa"
Cách không xa, vườn của bà Nguyễn Thị Hoa ở ấp Mỹ Lợi cũng trong tình cảnh tương tự nên phải thuê người tỉa các chậu cúc Hà Lan :
"Thời tiết thuận lợi, mưa nó đúng mùa đúng vụ á. Còn năm nay mưa trái mùa…tháng này mà còn mưa bông nó bị bứt lại. Rủi ro là bông nó non… bị trễ… nước nó ngập á, bị chết… Nếu năm ngoái mình thu hoạch 90% đi, năm nay chắc khoảng chừng 50%."..
"Cực công dữ lắm, mấy tháng từ hôm tháng 8 tới nay… không có lời, không có tiền. Năm nay thất mùa dữ quá".
"Như hôm nước ngập á, tụi nó bị cháy thấy mồ luôn…"
Bao nhiêu công sức đổ ra từ khi bắt đầu trồng từ tháng 8, rồi phải chăm sóc cho đến nay ; thế nhưng bà Hoa cầu mong kỳ này chỉ lấy lại vốn.
Đối với ông Dũng ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong – cũng là chủ vườn hoa trong xã thì hình hình có khả quan hơn chút ít :
"Thu về… thu chắc được… chừng 70%. Lấy lại vốn cũng lấy lại được. Nhưng lời rất là ít không bằng năm rồi".
Theo ông Dũng đến vườn hoa, những cây hoa bị cháy lá, bị bệnh do thời tiết mưa bão thất thường khiến cho vườn của ông cũng chịu thiệt hại nhiều :
"Đa số cúc này bị trễ, với thứ hai nữa là bệnh cháy lá, chết thúi này kia… nó đầy đủ hết trơn trọi à. Khắc phục thì cũng nhờ phân thuốc… phân với thuốc bây giờ bị giả nhiều quá… xịt vô cái nó hư nó vàng hết trơn trọi à".
Thời tiết không thuận lợi còn thêm các bệnh trên cây trồng như cháy lá, bệnh phấn trắng, rỉ sắt làm cho các cây này èo uột. Luống hoa Cát Tường này coi như không thu được gì vì tất cả đã bị bệnh.
"Lượng mưa ít thì ít lắm, mưa nhiều thì sinh ra dữ lắm…".
"Hàng tốt thì nó lẹ, còn hơi vừa vừa thì hơi chậm chậm xíu, xấu sau cùng cũng phải bỏ. Hiện tượng sinh ra bệnh này kia nọ…hàng đó là hàng tồn đọng này nọ bị loại là bán rẻ, hai nữa là hủy bỏ luôn.
Tại vì công vận chuyển mắc quá đi ra ngoài thành phố bán có nhiêu tiền đâu, công vận chuyển, tiền xe tiền lô này kia nọ…thôi để hủy bỏ hết".
Cuối tháng 3 vừa rồi người dân ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hứng chịu một đợt xâm nhập mặn, gây thiệt hại vô cùng lớn đến đời sống của người nông dân, trên 160.000 ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Làng trồng hoa Mỹ Phong cũng không phải là ngoại lệ. :
"Từ dưới Gò Công lên, Gò Công nó chảy lên, nó chảy sông Cửu Long nè. Sông Cửu Long mới zô này…nó gây ra vàng lá, lần lần là (cây) nó lụi chết luôn".
Ông Năm Nuôi, cũng chủ một vườn hoa, cho biết năm nay ông phải hủy bớt một vài đơn đặt hàng của thương lái vì hoa không ra đúng dịp do thời tiết biến động mạnh :
"Ba cái cúc, ba cái Hà Lan này giờ hồi nữa…nó lấy 3 ngàn rưỡi giỏ, mà giờ phải hồi cho nó phân nửa. Bây giờ bông nó chưa có ra hoa đâu có giao được…".
Dù không phải là mặt hàng thiết yếu, nhưng vào dịp Xuân về gia đình Việt Nam nào cũng trang trí với vài chậu hoa để mừng xuân. Liệu khách chưng hoa có hiểu được nổi vất vả của những người trồng và cả thương lái vận chuyển hoa từ những làng quê xa xôi lên thành phố bán ra cho khách thưởng Xuân ?
Phóng viên RFA tại Việt Nam