Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Yêu Việt Nam, phê phán Campuchia : Tiêu chuẩn kép của Trump ở Đông Nam Á (VNTB, 11/03/2018)

Tổng thống Mỹ Donald Trump có một tiêu chuẩn kép về nhân quyền ở Việt Nam. Và tiêu chuẩn đó có ý nghĩa chiến lược.

yeu1

USS Carl Vinson cập cảng tại Đà Nẵng.

Khi tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng trong một "chuyến thăm lịch sử", báo chí Việt Nam đã bùng nổ với sự phấn khích. Họ giải thích gần như toàn bộ lịch sử và tầm vóc của Vinson. Họ cho rằng chuyến thăm của Hàng không Mẫu hạm có thể được coi là bằng chứng thuyết phục nhất về cam kết của Mỹ đối với Việt Nam.

Nhưng niềm vui đó đã không lan ra cho người láng giềng của Hà Nội, Phnom Penh. Trong khi Việt Nam hoan nghênh hải quân Mỹ, Campuchia đã phải chịu sự chỉ trích từ xa của Washington. Ngày 27 tháng 2, đáp lời câu hỏi về quyết định của Hoa Kỳ cắt giảm khoảng 8 triệu đô la viện trợ cho Campuchia, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã đề cập tới các cuộc bầu cử gần đây của Campuchia vì "không đại diện cho ý chí chính đáng của người dân Campuchia".

Hai sự kiện này - việc cắt viện trợ cho Campuchia vì sự thụt lùi về dân chủ và chuyến đi của tàu USS Carl Vinson vào Đà Nẵng - phản ánh thực tế rằng chính quyền Trump có một tiêu chuẩn kép ở Đông Nam Á khi đề cập đến thần chú truyền thống của Mỹ về thúc đẩy dân chủ. Chính quyền Trump, trong khi đang trừng phạt Campuchia, cũng bỏ qua hồ sơ dân chủ và nhân quyền của Việt Nam.

Trong chuyến công du hồi tháng 11 năm ngoái tới Đà Nẵng trong khuôn khổ Tuần lễ Lãnh đạo - APEC, Trump không đề cập đến Trịnh Xuân Thanh. Vào thời điểm đó, Đức - một đồng minh thân cận của Mỹ - đã trục xuất các nhà ngoại giao Việt Nam về vụ bắt cóc Trinh Xuân Thanh kiểu thời Chiến tranh lạnh, một thương gia người Việt Nam bị buộc tội sai phạm quản lý tài chính.

Khi Trump được chào đón ở Việt Nam, vợ ông, Melania Trump, đã đến thăm Trung Quốc. Phải chăng là vì các vườn thú ở Bắc Kinh thật hấp dẫn với bà ? Tuyệt đối không. Hồi tháng 3, Đệ nhất phu nhân đã trao tặng Giải thưởng Người phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho một nhóm phụ nữ, bao gồm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết với tên Mẹ Nấm, một trong những nhà hoạt động nổi bật nhất của Việt Nam. Vào thời điểm đó, Mẹ Nấm đã bị giam và kết án 10 năm tù do cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Cô con gái 10 tuổi của bà kêu gọi bà Melania giúp đỡ trước chuyến thăm của Tổng thống đến Việt Nam. Do đó, bà Melania đã sang Trung Quốc thay vì đến Việt Nam.

Vậy tại sao lại là tiêu chuẩn kép ?

Ở Biển Đông, Philippines đã từng được coi là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Nhưng với hành vi không lường trước được của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và những vụ bộc phát thường xuyên của ông về chủ nghĩa bài Hoa kỳ, Manila không phải là sự lựa chọn đồng minh của Mỹ tốt nhất nhằm thúc đẩy chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực. Thay vào đó, xét đến thực tế chính trị hiện tại và quan điểm lịch sử ở Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác lý tưởng (và thẳng thắn) duy nhất muốn đối mặt với Trung Quốc về chủ quyền trong vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất làm cho Việt Nam hấp dẫn đối với Hoa Kỳ. Vào tháng 1, chuyến công du của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis diễn ra sau chuyến công du của đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu. Giữ cân bằng cẩn thận vẫn là chính sách đối ngoại cốt lõi của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chính quyền Trump phải liên tục cạnh tranh với Nga khi muốn tác động Việt Nam để duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông và chống lại Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, Nga có thể là một đối tác hấp dẫn hơn nhiều so với Hoa Kỳ vì nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất là việc cung cấp các mặt hàng quân sự của Nga không có dính đến các điểm chính trị nhức nhối trong nước. Anton Tsvetov, cựu quản lý truyền thông và quan hệ chính phủ thuộc cơ quan chính sách đối ngoại Hội đồng đối ngoại Nga (RIAC) có trụ sở tại Moscow và một nhà phân tích về vấn đề Đông Nam Á cho biết : "Một đặc điểm quan trọng của Nga như một nhà cung cấp vũ khí là Nga không đòi hỏi phải trao đổi bất kỳ một sự liên kết chính trị hay bất kỳ thay đổi nội bộ nào trong hệ thống của Việt Nam".

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận tương tự với Việt Nam. Theo chuyên gia khu vực Carl Thayer, với sự linh hoạt đối ngoại của Hà Nội thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu các tàu hải quân Trung Quốc đến thăm Việt Nam. Ông Thayer, người đã nghiên cứu kỹ chính trị của Việt Nam và Biển Đông, cho rằng tàu USS Carl Vinson đại diện cho sự tiến triển trong việc tham gia quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhưng không có nghĩa là Hà Nội đang kết hợp với Washington để chống đối Bắc Kinh.

Trái lại, cạnh tranh địa chính trị vẫn là một trò chơi kiên trì. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải tạm thời gác bỏ một số mối quan ngại về quyền con người ở Việt Nam để giành được thế lực trước Nga và Trung Quốc.

Du Nhat Dang

Nguyên tác : Loving Vietnam, Criticizing Cambodia : Trump’s Double Standard in Southeast Asia, The Diplomat, 09/03/2018

Phương Thảo dịch

*************

Tàu sân bay Mỹ rời Việt Nam, Bắc Kinh tỏ ý bực tức về chuyến thăm (RFI, 10/03/2018)

Hải đội tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã rời Đà Nẵng sáng hôm qua 09/03/2018 sau chuyến ghé cảng hữu nghị kéo dài 4 ngày. Chuyến thăm được hầu hết các nhà quan sát đánh giá là một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh về quyết tâm của Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông. Phản ứng chính thức, nhưng gián tiếp, của Bắc Kinh về chuyến đi này rốt cuộc đã được ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra ngày 08/03, khi ông tố cáo các "thế lực bên ngoài" tìm cách "khuấy động" tình hình yên ổn của khu vực.

yeu2

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, ngày 05/03/2018. Reuters/Kham

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề khóa họp Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ghi nhận sự kiện một vài "thế lực bên ngoài" khu vực đang toan tính "khuấy động" căng thẳng trong khu vực Biển Đông mà theo ông đang yên ổn.

Riêng báo Hồng Kông South China Morning Post thì ghi nhận lời đả kích gián tiếp của ngoại trưởng Trung Quốc nhắm vào vụ tàu sân bay Mỹ ghé cảng Đà Nẵng khi ông tuyên bố : "Việc phái một chiến hạm với đầy đủ vũ khí và phi cơ đến để phô trương sức mạnh đã trở thành nguyên do lớn nhất gây xáo trộn cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Ngoại trưởng Vương Nghị đã lên tiếng đả kích Mỹ cho tàu chiến vào Biển Đông, trong lúc một viên tướng Trung Quốc không ngần ngại đòi chính quyền Bắc Kinh phải xây dựng cơ sở phòng thủ trên các hòn đảo ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ AP, trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó chủ nhiệm Học Viện Quân Sự Trung Quốc đồng thời là đại biểu Quốc Hội, đã tuyên bố như trên khi tiếp xúc với giới báo chí Trung Quốc và nước ngoài bên lề kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc.

Theo hãng AP, tướng Hà Lôi đã đòi xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trên Biển Đông, nhưng lại từ chối bình luận về việc Trung Quốc cho triển khai máy bay quân sự đến các đảo này, cho rằng đó là những hoạt động hoàn toàn mang tính chất nội bộ của Trung Quốc, thực hiện tại những vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa

Published in Việt Nam