Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quy định công chức lãnh đạo không háo danh có khả thi ?

RFA, 03/01/2024

Bộ Nội vụ trong ngày đầu năm mới 2024 có đề xuất quy định Thứ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở... phải đáp ứng tiểu chuẩn không háo danh, không tham vọng quyền lực, không để người thân trục lợi…

quidinh1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2021. A FP PHOTO

Tiêu chuẩn mù mờ

Đề xuất trên khiến nhiều người "hoài nghi" cho rằng sáo rỗng, chỉ mang tính chất khẩu hiệu.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 3/1/2024 nói với RFA về đề xuất trên :

"Một tiêu chuẩn đưa ra thì nó phải có những cơ sở rõ ràng để xét duyệt. Háo danh là một tiêu chuẩn mù mờ. Như thế nào gọi là háo danh và như thế nào gọi là không háo danh. Nó hoàn toàn không có một cơ sở khoa học rõ ràng nào để xét duyệt cả. Một tiêu chuẩn như vậy đưa ra nó chỉ tạo thêm quyền lực cho cấp trên, nhất là những người làm tổ chức, họ sẽ dựa vào những tiêu chuẩn mù mờ này để vòi tiền hay trấn áp cấp dưới mà cấp dưới không có một cơ sở nào để kháng cự lại".

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, những tiêu chuẩn như thế này nó chỉ giúp tăng cường quyền kiểm soát bộ máy của đảng, giúp những người cầm đầu đảng có thêm quyền hành để cai trị và sẵn sàng trấn áp các cán bộ trong bộ máy của đảng.

Bộ Nội vụ trong đề xuất của mình có nhấn mạnh công chức lãnh đạo phải đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân… ; phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực ; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị…

Với "khẩu hiệu" trên, nhìn nhận lại thực tế những ngày qua, nhất là khi đại án Việt Á với hàng loạt quan chức được coi là "mẫu mực", "trong sáng" của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ hầu tòa vì "hưởng lợi bất chính" từ COVID-19, mới thấy đề xuất của Bộ Nội vụ không những sáo rỗng mà còn không có tác dụng thực tế như lời của Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 3/1 :

"Tôi nghĩ chỉ có thể thực hiện kiểm tra, giám sát được đối với những tiêu chuẩn có tính chất lượng. Ví dụ như tài sản có bao nhiêu tiền, rồi ngân hàng có bao nhiêu, rồi bằng cấp như thế nào, trình độ thâm niên công tác… Chứ còn những tư tưởng có tính chất định tính như không háo danh, không ham muốn quyền lực… thì tôi nghĩ nó hoàn toàn không khả thi, họ chỉ vẽ ra thôi chứ không có tác dụng thực tế".

Cựu trung tá Vũ Minh Trí cho biết ông đã làm cho nhà nước 30 năm và thấy rằng nếu không nói 100 % thì phải là 99,99% cán bộ đảng viên đều háo danh, cấp càng cao càng háo danh :

"Tôi đã chứng kiến những vị không còn thiếu gì cả, từ chức vụ tiền bạc… nhưng vẫn tranh của cấp dưới từng cái giấy khen bình xét thi đua hằng năm".

haodanh1

Trung tướng, Giáo sư Tiến sĩ Trần Minh Hưởng, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Photo : baochinhphu.vn

Cán bộ tham nhũng tràn lan

Đây không phải lần đầu tiên "tiêu chuẩn cán bộ" được các bộ, ngành đề xuất mang tính khẩu hiệu. Trước đó vào tháng 5 năm 2023, Đảng cộng sản Việt Nam đã kêu gọi "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên" theo nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong bài kêu gọi có nêu rằng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên… Yêu cầu tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức cho RFA biết ý kiến của ông về các vấn đề vừa nêu vào ngày 3/1/2024 :

"Như chúng ta đã biết ở trong chế độ dân chủ thì có nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực của các quan chức và người thân của họ. Nhưng trong chế độ cộng sản Việt Nam thì thiếu vắng tất cả những cơ chế như đa đảng, tam quyền phân lập hay báo chí tự do. Cho nên Đảng cộng sản Việt Nam hay Quốc hội Việt Nam có đề ra bao nhiêu quy định về quy tắc đạo đức, hay những văn bản luật để kiểm soát các quan chức đều không hiệu quả. Bởi vì trong mấy thập kỷ vừa qua, tham nhũng tại Việt Nam càng ngày càng nghiêm trọng, tham nhũng đã trở thành quốc nạn…".

Theo Luật sư Đài, dù đảng đã liên tục đưa ra những quy định, đồng thời cũng thành lập rất nhiều các cơ quan phòng chống tham nhũng ở trung ương cho đến địa phương… nhưng hoàn toàn không có hiệu quả gì cả. Ông Đài nói tiếp :

"Chuyện háo danh của các công chức cộng sản nó không chỉ ở cấp Cục trưởng hay Thứ trưởng, mà ngay từ cấp địa phương như cấp xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố… thì các quan chức cộng sản đều có tính háo danh và người thân của họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi gần như trên toàn quốc… nó không có bất kỳ giới hạn nào ở trong chế độ chính trị ở Việt Nam".

Vào ngày 21/12/2023, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Trả lời RFA khi đó, một giảng viên đại học ở Hà Nội yêu cầu ẩn danh, nhấn mạnh rằng "Do háo danh mà nhiều người mang danh giáo sư nhưng cái đầu rỗng tuếch".

Nguồn : RFA, 03/01/2024

*****************************

Có cần thiết xây tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 ?

RFA, 03/01/2024

Lễ khởi công xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 phía bờ Nam cửa sông Ông Đốc, tỉnh Cà Mau diễn ra vào sáng 2/1/2024. Nguồn đầu tư tượng đài theo truyền thông nhà nước loan, là trên 176 tỉ đồng, từ ngân sách trung ương, tỉnh và huy động từ các nguồn khác.

quidinh2

Kiến trúc tượng đài đang được lựa chọn xây dựng tại Cà Mau - Photo : Báo Chính Phủ

Cần hay không cần ?

Lãnh đạo tỉnh này cho biết, dự án nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng người dân Nam Bộ ; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi người dân.

Bác sĩ Đinh Đức Long đồng tình với chủ trương xây tượng đài này của tỉnh Cà Mau :

"Chủ trương xây là đúng. Chúng ta cần ghi lại những giai đoạn lịch sử. Nhà nước có quỹ cho những việc đó. Việt Nam hiện nay ở mức thu nhập trung bình chứ không còn nghèo nữa. Ngân sách xây tượng đài do trung ương rót chứ đâu phải của địa phương".

Trong khi đó, ông Quang - là một kỹ sư xây dựng, nói với RFA rằng, ông thấy chuyện xây tượng đài hết sức lãng phí bởi người dân không thể ngắm tượng đài mà cảm thấy ấm no được. Ông nói thêm :

"Tượng đài với cổng chào thì ở Việt Nam này địa phương nào cũng có. Tùy theo khả năng của từng địa phương mà quy mô cổng chào hay tượng đài khác nhau. Theo quan điểm của tôi, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đặc biệt hai ngành y tế và giáo dục.

Y tế thì thiếu thuốc men, thiếu giường bệnh ; giáo dục thì thiếu trường học, giáo viên thì lương không đủ sống. Do đó, việc dành kinh phí cho việc xây tượng đài, theo tôi là vô bổ, không cần thiết. Việc Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 không có ý nghĩa gì hết khi đất nước thống nhất gần 50 năm rồi".

Xây tượng đài chỉ là cái cớ ?

Việc nhiều địa phương xây tượng đài và quảng trường với kinh phí đến hàng ngàn tỉ đồng từng được Kiến trúc sư, Họa sĩ Lý Trực Dũng nhận định trên truyền thông nhà nước rằng, các địa phương và những người cổ vũ, ủng hộ xây dựng thật nhiều tượng đài đều cố bám vào các giá trị tưởng niệm đơn thuần về các nhân vật và sự kiện lịch sử... Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương.

Thậm chí, một tỉnh nghèo phải "xin gạo cứu đói" cho dân vào mỗi dịp Tết đến như Đắk Nông, vẫn đầu tư 167 tỷ đồng xây tượng đài anh hùng N’Trang Lơng được cho là lớn nhất tại tỉnh này. Công trình được khởi công năm 2015 và khánh thành năm 2020.

Một cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, cho rằng nếu không xây thì không có "ăn" nên phải xây càng to càng tốt. Vị này nói với RFA :

"Có thể nói, Việt Nam là một đất nước của tượng đài, của cổng chào. Theo tôi, những tượng đài không để mang ơn hay đánh những dấu mốc lịch sử để giáo dục cho con cháu mai sau, mà làm để "ăn" mấy chục phần trăm trên các công trình này.

Đâu phải cứ xây lên là nó trở thành tượng đài. Tượng đài phải trong lòng dân, phải do chính người dân tôn vinh và tự hào. Tượng đài không phải xây lên để dân mỉa mai, đàm tiếu và đặt câu hỏi vì sao xây tượng đài hàng trăm tỷ khi đất nước đang lâm vào tình trạng kinh tế suy thoái chung của thế giới ?

Nếu Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại sao Hải Phòng không xây tượng đài tưởng niệm hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào miền Nam ? Nó là một biến cố, một dấu mốc lịch sử mà hệ quả còn tới hôm nay".

Nhắc đến chuyện "ăn" khi xây tượng đài, dư luận còn nhớ vụ xử một loạt lãnh đạo ở tỉnh Điện Biên "rút ruột" gần 100 tấn đồng, gây thất thoát gần 2,7 tỷ đồng vào đầu thập niên 2000 khi xây dựng công trình lịch sử tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ ở tỉnh này. Tượng đài khánh thành chưa lâu đã bị nứt, lún sụt. Kết quả giám định tài chính, hậu quả thiệt hại về vật chất của cả công trình tổng cộng hơn 5,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số công trình tượng đài có vốn xây dựng hàng trăm tỉ đồng cũng bị xuống cấp, hư hỏng sau khi khánh thành một thời gian ngắn, gây phản ứng trong công luận. Chẳng hạn tượng đài 25 tỷ đồng ở Đông Triều, Quảng Ninh bị sét đánh vỡ chóp vì không có cột thu lôi sau khi khánh thành 10 tháng ; Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trị giá 411 tỷ đồng ở Quảng Nam, chỉ sau hơn một tuần khánh thành đã bong tróc gạch lát nền trước mặt tượng đài.

Không chỉ tượng đài bị "rút ruột", tháng 9 năm 2020, dư luận xôn xao trước tin tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" trên đồi Ông Tượng.

Việc Cà Mau xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 khiến công luận nhắc lại một công trình liên quan chuyện "tập kết", đó là Dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, trị giá 255 tỷ đồng do vốn ngân sách nhà nước bỏ ra cho tỉnh Thanh Hóa. Dự án được khởi công hôm 28/8/2022.

Tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ : "Tôi mong muốn sau khi được hoàn thành, khu lưu niệm này sẽ thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân trong nước, bạn bè quốc tế, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường, thể hiện đoàn kết Nam - Bắc của chúng ta".

Nguồn : RFA, 03/01/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam