Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam lợi dụng lòng tin người dân ? (RFA, 24/02/2017)

dom1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp đoàn Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam hôm 29/8/2016. Photo courtesy of unescovietnam.vn

Một tổ chức có tên là Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã nhiều năm nay mượn danh UNESCO để cấp chứng nhận, văn bằng cho các di tích lịch sử, đền chùa hay các cá nhân. Đây liệu có phải là một tổ chức chân chính hay là một trò lừa đảo để moi tiền của người dân ?

Chiêu trò của hội

Ngày 16 tháng giêng vừa qua, người dân thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nô nức đến ngôi chùa làng Vũ Hạ để chứng kiến lễ trao bằng chứng nhận Việt Nam linh thiêng cổ tự được long trọng tổ chức. Bằng chứng nhận này được một tổ chức có tên là Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của Liên hiệp này và một người được giới thiệu là Đệ Nhất Vương Cô.

Để tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi liên hệ với nhà sư Thích Thiện Tâm, là vị trụ trì của ngôi chùa làng Vũ Hạ thì được biết như sau :

Trong sử sách của làng người ta viết chùa được 3 đời sư tổ rồi. Năm 2016 họ công nhận ở trên Hà Nội, 2 ngày, ở đây chúng tôi có ban Hội tụ và ban Di tích người ta làm.

Cái lễ rất long trọng, người ta quay lên truyền hình rồi lên báo đó, thế nào chả đưa tin. Ngôi chùa này có từ thế kỷ XII, XIII cơ mà. Từ ngày khôi phục lại là được 100 tuổi, chứ có được 3 đời sư tổ rồi. Năm 2019 là tròn 100 tuổi khôi phục lại. Còn tương truyền các cụ kể lại là từ thế kỷ XIII cơ. Được chứng nhận là linh thiêng cổ tự tân Minh tự, chứ trước là Bái Yên tự.

Đây quả thực sẽ là một vinh dự rất lớn cho ngôi chùa nếu trên phương tiện truyền thông không có những bài báo cảnh tỉnh người dân về chiêu trò của Hiệp hội này. Chúng tôi gõ tên tổ chức này thì ngay lập tức hiện lên vụ việc của cô Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa – Đại học Ngoại Ngữ, đại học quốc gia Hà Nội.

Theo đó vào đầu năm 2016, bà Hoa cũng được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam gọi điện thông báo cô đã lọt vào top 200 người xuất sắc. Tuy nhiên khi được hỏi cơ quan, tổ chức nào đã vinh danh bà thì Liên hiệp này lại nói là không biết. Hơn nữa, còn yêu cầu bà Hoa gửi bản kê khai thành tích và nộp 22 triệu để được lên sóng truyền hình. Câu hỏi đặt ra là tại sao một tổ chức đi vinh danh người xuất sắc mà lại không biết họ có những thành tích gì ? Câu chuyện xảy ra tương tự với Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Đình Chiến, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Nga và nhiều cá nhân khác trong giới trí thức.

Trước băn khoăn của chúng tôi về trường hợp chùa Vũ Hạ ở Thái Bình không biết liệu nhà chùa có phải nộp tiền để được vinh danh Thiêng liêng cổ tự, thì vị trụ trì cho biết tiếp :

Bằng bằng gỗ thì phải đóng tiền người ta mới làm được chứ người ta làm làm sao được. Có 40 triệu ấy mà. Không nhiều đâu. Hai cái bằng cơ mà, một cái bằng bằng gỗ và một cái sổ công nhận. Đề nghị từ năm 2010 cơ nhưng đến năm 2016 mới được.

Vị trụ trì cũng cho biết thêm là trước đó nhà chùa có đi dự một buổi lễ vinh danh kéo dài 2 ngày trên Hà Nội mà tại đó rất nhiều các nhà trí thức, các đền chùa, thầy thuốc cũng được "vinh dự" bước lên nhận tấm bằng chứng nhận giống chùa Vũ Hạ.

Lừa đảo ? 

Trong cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện Hán Môn Ca trù, người đã từng yêu cầu Bộ trưởng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên tiếng giải thích về hiệp hội này, ông nêu quan điểm của mình về vụ việc ngôi chùa được cấp chứng nhận này :

Vừa rồi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam có chứng nhận cho một ngôi chùa ở xóm 2, thôn Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình một cái danh hiệu gọi là Việt Nam linh thiêng cổ tự. Linh thiêng cổ tự là cái gì ? Đó chính là một cái chứng nhận vớ vẩn mà người dân bị tổ chức này lừa đảo như vậy.

dom2

Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho Di tích Tiên Sơn. Ảnh minh họa. Courtesy of nguyendu.com.vn

Nhà văn hóa, giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng đồng quan điểm cho rằng đây là một tổ chức lừa đảo, đánh vào tiềm thức háo danh của người dân để moi tiền của họ :

Tình trạng xếp hạng di tích ở tỉnh này rồi tỉnh khác đã ăn sâu vào tâm não người ta trong rất nhiều năm nay rồi. Anh này đua thì anh khác cũng đua, những ý định rất vô nghĩa. Những di tích không có ý nghĩa lịch sử cả, cũng không lâu đời thế cho nên đối với văn hóa nó chẳng đánh dấu một cái gì cả, nhưng người ta cũng khát thèm một cái sự vinh danh thì sẽ rớt trúng vào bẫy kẻ lừa.

Hiện tại có rất nhiều các tổ chức khác cũng mượn danh UNESCO như Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam, Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam,… nhưng không rõ là các cơ quan, tổ chức này đã được UNESCO ủy quyền hay không. Trước đó, theo tìm hiểu của chúng tôi Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Đình Chiến (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng nhận được cuộc điện thoại của Liên hiệp các Hiệp hội UNESCO Việt Nam này và đưa ra mức giá để vinh danh là 24 triệu đồng. Thấy ông Chiến phản đối, họ nói là xét hoàn cảnh của ông chúng tôi giảm xuống 18 triệu.

Ông Nguyễn Xuân Diện nhận xét về tổ chức này như sau :

Tôi cũng không biết rõ là những tổ chức như thế có được phép của UNESCO hay không nhưng rõ ràng là cái Liên Hiệp Hiệp hội UNSESCO mà công nhận cho một di tích ở Thái Bình và nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ thì đó thực sự là một việc lừa đảo. Bởi vì UNESCO không công nhận một tín ngưỡng nào hay một cái nào mượn danh như vậy.

Trường hợp như chùa làng Vũ Hạ được công nhận là Linh Thiêng Cổ tự, không hiểu chùa như thế nào mới được công nhận là linh thiêng, như thế nào là không linh thiêng. Hiện tại chưa thấy có một bộ chuẩn nào được đề ra để quyết định sự linh thiêng của một kiến trúc tâm linh. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng nói rằng UNESCO là tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa, không phải là một tổ chức về tâm linh, tôn giáo, cho nên cần xử lý nghiêm minh nếu phát hiện đây là một trò lừa tiền của người dân :

Đây là việc vi phạm nghiêm trọng vì lợi dụng danh tiếng của UNESCO và vượt quyền của bộ văn hóa để làm một cái việc bậy bạ, mê hoặc nhân dân như thế này. Vì vậy tôi cũng đã từng có yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Thiện, bộ trưởng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam phải trả lời cho nhân dân cả nước về các trường hợp này. Và nếu Liên hiệp các hội UNESCO vi phạm vào điều này thì phải xử lý.

Có cầu mới có cung, những tổ chức mang tính chất lừa đảo như vậy tồn tại được qua nhiều năm nay là nhờ sự "nuôi dưỡng" của người dân. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói rằng giữa cái xã hội còn nhiều sự hỗn loạn như hiện nay, con người ta thèm khát nổi trội nên tìm đến những tấm bằng chứng nhận để được lưu danh, được biết đến nhiều hơn. Đầu tiên bắt nguồn từ những danh hiệu giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, rồi nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú ; sau đó đến những công trình tâm linh như đền chùa cũng muốn một cái danh cho mình. Ông cho biết do đời sống tâm linh của con người ta quá lớn nên tâm lý họ cũng muốn những nơi mình đến thờ cúng là nơi "có tên, có tuổi" :

Tôi nghĩ là một mặt thức tỉnh dân trí, tức là đừng có bị những bả phù danh, chẳng có nghĩa lý gì ám ảnh mình và làm cho mình mê muội. Một mặt khác thì phải cảnh giác với những hội, tổ chức lừa đảo như thế. Chắc là có những nguyên nhân xã hội đẩy người ta đến tình trạng háo danh. Người ta cũng thèm khát một cái gì đó để làm cho mình nổi lên giữa sự bất an của tình hình hiện nay. Những người mắc có lẽ ở trình độ tri thức thấp, chứ người có trí thức thì không ai mắc phải cái bẫy này.

Tổ chức UNESCO Việt Nam này chỉ là một ví dụ trong hàng loạt các cơ quan tổ chức khác đang lợi dụng niềm tin của người dân vào chữ "UNESCO" và sự khao khát nổi trội để moi tiền. Trước đó ở Long An, những người cựu chiến binh cũng bị lừa nộp 350.000 đồng để nhận tấm bằng với dòng chữ "Mãi mãi ghi danh người có công với cách mạng" mà không hề ghi tổ chức nào cấp, cũng không có con dấu, chữ ký của người lãnh đạo.

Lan Hương, phóng viên RFA

***************

Vì sao họ hát nhạc đấu tranh ? (RFA, 24/02/2017)

dom3

Hiệp Lê (trái) và Kim, chị họ của anh.

Gần đây, đoạn video clip về chàng thanh niên hát trên đường phố ca khúc "Việt Nam tôi đâu" của nhạc sĩ Việt Khang được loan truyền trên mạng xã hội với số người xem ngày càng nhiều.

Cát Linh trò chuyện với chàng thanh niên ấy để tìm hiểu vì sao các bạn trẻ ngày nay chọn hát những nhạc phẩm đấu tranh bị cho là "phản động" mà không lo sợ ?

Ý nghĩa

Con phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, chiều tối 20 tháng 2 vẫn bình thường như mọi ngày, cho đến khi hai chị em Kim và Hiệp xuất hiện.

Và chỉ trong vài giờ ngắn ngủi sau đó, đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook về một thanh niên trẻ, hành nghề bán kẹo, hát rong trên đường phố, đang hát "live" bài hát "Việt Nam tôi đâu" của ca nhạc sĩ Việt Khang đã chiếm hơn 200 ngàn lượt người xem.

Không phải người xem chỉ khen thanh niên ấy có giọng hát hay mà phần nhiều mọi người bày tỏ lòng cảm phục vì anh đã hát một ca khúc bị cho là "phản động" ngay giữa đường phố.

"Bài hát hôm trước em hát ở đường phố thì nó rất ý nghĩa đối với em. Hôm ấy, em đã hát bằng tâm hồn, con tim của em. Em thấy từ ngữ trong bài hát ấy rất ý nghĩa và em rất thích".

Đó là tiếng hát của Hiệp Lê, một thanh niên trẻ, hàng đêm bán kẹo hát rong trên đường phố Hà Nội.

"Em biết bài hát đó cách đây khoảng bốn năm, năm 2013. Cũng đã từng hát nhiều nhưng em không hát ở đường phố. Nghề của em thì bắt buộc em phải hát rất nhiều dòng nhạc khác nhau như nhạc trẻ, nhạc vàng, bolero…tuỳ vào khác. Nhưng em lại rất thích hát dòng nhạc của anh Việt Khang".

Bốn năm tù là bản án mà nhạc sĩ Việt Khang phải chịu sau khi anh cho ra đời ca khúc "Việt Nam tôi đâu" và "Anh là ai ?". Việt Khang từng nói, anh viết hai nhạc phẩm này trong đời điểm tàu Bình Minh 2 và tàu Hải Kiên 2 của Việt Nam đang thăm dò dầu khí mà bị cắt cáp, người dân bị đàn áp khi xuống đường biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội.

Hai nhạc phẩm này đã làm nức lòng người Việt Nam, trong và ngoài nước. Nhiều năm qua, hai bài hát đã trở thành bài hát đấu tranh của người dân, thay họ nói lên tiếng nói chung của người Việt Nam. Mọi người đã cùng hát vang những lời ca này trong các cuộc đấu tranh đòi nhân quyền và dân chủ.

Trong những người ấy, phần nhiều là các bạn trẻ. Họ hát khi xuống đường biểu tình, khi gặp gỡ nhau để chia sẻ về tình hình diễn biến của đất nước, trao đổi với nhau về con đường dẫn đến dân chủ, nhân quyền.

Cô gái trẻ tên Kim, người đồng hành với chàng thanh niên hát rong trên đường phố cho biết vì sao cô đến với thể loại nhạc này.

"Em nghe cách đây được mấy năm rồi. Em nghe của nhạc sĩ Việt Khang, đợt đấy anh bị bắt. Em nghe và ngẫm nghĩ trong nước này rất là đúng ạ. Kể cả bài Triệu con tim. Em rất thích nghe nhạc của anh Trúc Hồ và ca đoàn Ngàn Khơi".

Triệu con tim là ca khúc của nhạc sĩ Trúc Hồ được người Việt Nam trong và ngoài nước biết đến đại diện của một tiếng nói cho nhân quyền Việt Nam. Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam ngày nay biết đến và thuộc ca khúc này.

Sỹ Bình, cũng là một trong những người ấy. Không những một mà rất nhiều lần, anh đã cùng với bạn bè của mình hát những ca khúc đấu tranh mỗi khi có dịp gặp nhau.

"Vì cảm thấy bài hát đúng với thực trạng và có thể thay được lời muốn nói của nhiều người dân".

Chàng thanh niên hát rong Hiệp Lê và cô gái tên Kim cho biết họ đến với dòng nhạc này vì cảm xúc của lời nhạc là trước tiên :

"Thứ nhất là lời nó hay, ý nghĩa, em thích. Nhiều người ở Việt Nam bị bắt vì không có tự do nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, nói chung là rất nhiều yếu tố".

Không sợ

dom4

Hiệp Lê, bán kẹo hát rong trên đường phố Hà Nội bài Việt Nam Tôi Đâu của nhạc sĩ Việt Khang. Hình fb

Với nội dung truyền tải như thế, các ca khúc đấu tranh không phải dễ dàng đưa đến người nghe ở những chương trình biểu diễn có tổ chức hoặc được hát lên trên đường phố.

Thế nhưng, những người trẻ ấy vẫn hát say sưa như dàn đồng ca đang trình diễn trên sân khấu. Chỉ có khác rằng, sân khấu của họ là những nơi họ tuần hành đòi quyền sống, là thánh đường, là những buổi tiệc chúc phúc cho những đôi tân lang tân nương gặp nhau trong phong trào đấu tranh dân chủ ; là đường phố rộng thênh thang không cần đến giá vé cao ngất trời.

Đó là nơi mà những bài tình ca truyền thống phải nhường chỗ cho các nhạc phẩm mưu cầu tự do dân tộc và quyền cho người dân Việt.

Và đó cũng là những nơi mà "sự cố, nguy cơ" bị bắt giam, tù đày sẽ đến với họ bất cứ lúc nào.

Thế nhưng họ không sợ.

"Dạ lúc ấy thì em không sợ. Đến bây giờ thì chưa có khó khăn gì với em".

Sỹ Bình cũng thế. Anh nói "Không bao giờ sợ", luôn cảm thấy "đầy hào khí mỗi khi hát".

Nếu Lịch sử Việt Nam có những vị anh hùng trẻ tuổi như Trần Quốc Toản, Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc ngoại xâm bằng sức khoẻ, mưu lược và lòng yêu nước, thì ngày nay, Việt Nam có những thanh niên bày tỏ sự bất bình trước những bất công của xã hội bằng tiếng hát. Hơn ai hết họ hiểu rõ sự nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng họ vẫn hát, vẫn chọn những ca khúc đấu tranh để nói lên tiếng nói của tuổi trẻ.

Những việc họ làm, những ca khúc họ hát được đón nhận rất nhiều tình yêu thương của người trong xã hội.

"Phải thế chứ, các anh hãy tiếp lửa cho các bạn trẻ thức tỉnh và biết bày tỏ lòng yêu nước mà các bạn trẻ đã ngủ mê rất nhiều năm nay".

"Các em hát hay lắm, tuối trẻ Việt Nam quốc nội".

"Hay, cứ mạnh dạn hát và nói lên sự thật bất công của xã hội"

"Hay lắm bạn à Việt Nam cần những bạn trẻ như bạn cảm ơn bạn".

Mỗi đêm, con phố Tôn Thất Tùng, Trần Quang Diệu lại vang lên ca khúc Việt Nam tôi đâu, Anh là ai ? của hai bạn trẻ bán kẹo hát rong trên đường phố.

Cát Linh, phóng viên RFA

*****************

Xe ôm và Grab Bike (RFA, 23/02/2017)

dom5

Một tài xế xe ôm chờ khách trong trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 09 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Nhiều người Việt Nam làm nghề ‘xe ôm’ để kiếm sống khi khó có thể tìm được một công việc ổn định khác. Tuy vậy một nghề giản đơn như thế nay cũng bị cạnh tranh.

Từ ‘Xe ôm’ đối với người bình dân khá thân thuộc và họ cũng chẳng thắc mắc loại hình vận chuyển mà họ thường dùng như thế có từ hồi nào. Chữ ‘ôm’ có thể là khách ngồi sau lưng tài xế vì sợ ngã nên phải ‘ôm’ lấy lưng người điều khiển phương tiện chăng ! ?

Có câu chuyện truyền miệng rằng trong thời chiến tranh Việt Nam, một người đàn ông thất nghiệp loanh quanh trên phố bằng xe máy thì tình cờ một người Mỹ nhờ chở đi và được cho tiền.

Nghề xe ôm có thể đã bắt đầu từ lúc đó.

Chuyện dùng xe cá nhân làm phương tiện mưu sinh bằng cách chở người khác cần đi đây đi đó trong thành phố trở nên phổ biến hơn. Tác giả Lưu Nhơn Nghĩa trong bài Lải nhải đời tôi 1959 - 1969 có viết : "Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm..".

Sau biến cố 1975, nhiều đàn ông- trai tráng không được chế độ mới trọng dụng phải bươn chải kiếm sống bằng chiếc xe máy hay xe đạp duy nhất của gia đình. Hằng ngày họ đưa những khách quen là những bà, những chị… đi chợ hay đi đây đi đó.

Nơi chờ khách của họ là những góc ngã tư, bến chợ… Ngồi trên xe và chờ khách. Tự thân làm chủ lấy mình không bị ràng buộc bởi ai ! Khách là nguồn sống duy nhất của họ.

"Làm cái nghề nào đi chăng nữa, ...là mình cũng lệ thuộc vào người ta đúng không, còn nghề này mình thuận mua vừa bán, thích thì đi không thì thôi".

Suốt mấy chục năm qua nhiều người lặng lẽ theo nghề ‘xe ôm’ để kiếm sống qua ngày không bon chen như nhiều công việc làm khác.

Thế nhưng gần đây từ năm 2014 xuất hiện loại hình cạnh tranh với giới xe ôm tư nhân an phận suốt mấy chục năm qua. Đó là dịch vụ Grab Bike- một loại dịch vụ đặt xe ôm bằng ứng dụng trên điện thoại.

"Cứ Grab tới đây là chú không đồng ý rồi.."..

Một lý do đơn giản được nêu ra là loại hình xe mới khiến người chạy xe ôm tự do bị giảm thu nhập :

"Trước đây mấy chú chạy bình thường ngày 300, 400 giờ còn 200 mấy à... Khách đi Grab bike hết rồi đâu đi xe này nữa".

"Nhưng mà yêu cầu những khách đó có smartphone mới đặt được Grab Bike…".

Sự cạnh tranh khá dữ dội giữa hai bên. Khi có ý kiến cho rằng tài xế Grab bike đón khách sai nguyên tắc, đó là khách không dùng ứng dụng để gọi nhưng vẫn đón.

Như vậy thường gọi là bắt khách ‘chui’.

Hoặc đôi khi, có những hiểu lầm do những bác xe ôm chưa hiểu cách thức hoạt động của xe ôm mới.

Nhưng nói gì đi nữa, sự lựa chọn phụ thuộc vào người dùng, họ có những lựa chọn mà họ cho là tốt nhất.

"Thứ nhất là nhanh và tiện và rẻ".

Thực tế cuộc sống với tình trạng cạnh tranh để kiếm sống ngày càng gay gắt buộc một số phải thay đổi để bắt kịp.

Tuy nhiên có những người tuổi tác đã lớn, không thể theo kịp công nghệ hiện đại.

Và nay người đến với nghề xe ôm nhiều thêm ; trong lúc lề đường, chỗ đậu đón khách vẫn như xưa dẫn đến tình trạng phải lo lót cho người quản lý khu vực :

"Trước là quen biết và phải lo tiền.. mỗi lần là phải mấy chục chai mà cũng vô không được".

Cứ tưởng rằng nghề thu nhập khiêm tốn như chạy xe ôm không có chuyện ‘chạy chọt’ ; nhưng nay để có những bãi đẹp để bắt khách giới này cũng phải bỏ tiền ra mua chỗ đợi khách.

Thế rồi phải cạnh tranh với loại hình mới của thời hiện đại !

*********************

Lắp thanh chắn trên vỉa hè gây tranh cãi (RFA, 24/02/2017)

dom6

Bất chấp có barie chắn ngang, người đàn ông này vẫn vô tư điều khiển xe máy đi trên vỉa hè giữa nhiều du khách đi bộ. Photo courtesy of giadinh.net

Những ngày gần đây, chuyện về những cái barie lắp trên vỉa hè ở Sài Gòn đang được bàn tán xôn xao.

Sài Gòn đất chật người đông, đến cả vỉa hè dành cho người đi bộ lâu nay cũng bị lấn chiếm. Người dân nhà mặt tiền lấn ra để buôn bán, và người tham gia giao thông cũng tranh thủ leo lên vỉa hè để thoát ra khỏi đám đông đang kẹt cứng.

"Giờ vô cái thế rồi phải chịu thôi,… công chuyện gấp người ta phải đi cho kịp thời gian thôi, chứ người ta cũng đâu có muốn. Biết cái đó là lỗi phạm rồi đó".

Đó là câu trả lời chúng tôi nhận được khi hỏi họ có biết rằng chạy xe trên vỉa hè là phạm luật giao thông hay không ?

Để ngăn chặn tình trạng vừa nói, Sở Giao thông Vận tải cho chôn các thanh chắn trên vỉa hè ở vài nơi thuộc quận 1 Sài Gòn. Có người ủng hộ biện pháp đó :

"Tất nhiên là phải để ý nhưng mà cô nghĩ rằng người ta phải làm cách này là tại vì có nhiều người vô ý thức quá thì phải dùng cái này để chặn lại, họ có muốn quẹo qua thì tất nhiên họ phải dừng lại. Chứ làm cách nào bây giờ, đâu có ai trực 24/24, mà ý thức người dân, xin lỗi dân Việt Nam ý thức thấp … ngay khi có học cũng vậy…công chức đàng hoàng, mà cũng leo lề ! "

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc lắp đặt như thế có những điểm không hợp lý :

"Gắn ở cái đường khúc Lý Tự Trọng thì nó tối quá, tại vì khúc đó đâu có ánh đèn mấy đâu mà gắn cây ngang qua đó thì người ta đi nhiều khi người ta không để ý lắm, dễ té… "

"Mình nên cần bỏ xích qua một chút để người ta đi cho khỏe, bước khó chịu… "

Người khuyết tật không thể qua

Thanh chắn cao thì người đi bộ lách qua cũng bất tiện, không thoải mái, còn những người ngồi xe lăn thì không thể nào đi qua.

"Hổng có đi đây lọt đâu, phải đi ngoài đường mới vô được, xe này bề ngang hơi bự…"

"Những hàng rào chắn em không đi được".

Một chú đi xe lăn bán vé số trên đường Hoàng Sa cho biết trải nghiệm.

"Chưa, chưa đi vô được lần nào hết. Xe quẹo vô hông được, nó chật quá. Chỗ đó làm cho người đi bộ thôi. Bây giờ có em tới thì cũng yêu cầu những người đó làm cho những người khuyết tật đi trong lề cho nó yên, cho nó khỏi bị xảy ra những tai nạn…ngoài đường nguy hiểm, xe cộ bây giờ chạy ẩu lắm…người dân mình không có ý thức nhiều, không có nhường ai hết á".

Nhiều nước trên thế giới có luật phải tạo sự dễ dàng dành cho người tàn tật, yếu thế chứ không phải để họ ‘phải cố mới được’. Cơ quan chức năng Việt Nam bị phê bình cứ mãi loay hoay với những biện pháp thiếu hiệu quả trong quản lý đô thị.

Published in Việt Nam